Thấy Chi đi bộ vào phòng làm việc của mình, Luận ngạc nhiên hỏi:

- Xe đâu mà chị đi bộ?

- Tôi đi ra đồng xem bà con Gia Đạo chăm sóc ngô và khoai tây ra sao, tiện thể đi bộ lên đây luôn.

Luận cười:

- Chị định kiêm luôn Chủ nhiệm Hợp tác xã Gia Đạo hay sao đấy?

- Giá như được thôi chức bí thư huyện ủy về làm Chủ nhiệm Hợp tác xã cũng hay.

Luận kéo ghế mời Chi ngồi:

- Người ta muốn lên cao không được, chị lại muốn tụt xuống thấp. Giống đã lên mầm hết chưa chị?

- Ngô lên rất đều, còn khoai tây chưa thấy gì. Không biết nó lên chậm hay giống hỏng. Lần đầu tiên vùng mình trồng khoai tây nên chẳng biết hỏi ai khiến tôi lo quá. Thất bại vụ khoai tây chẳng biết ăn nói với bà con thế nào.

- Sao chị không gọi điện hỏi phòng Nông nghiệp xem.

Chi kêu lên:

- Ừ nhỉ. Sao tôi ngu thế không biết. Để tôi gọi điện hỏi anh Ngụ thử xem. Điện thoại của xã đặt đâu?

- Cả cơ quan dùng chung một cái, đặt ở văn phòng ủy ban. Để tôi dẫn chị qua.

Chi đi cùng với Luận qua chỗ để điện thoại. Chi đến nhấc máy quay mấy vòng rồi gọi về Phòng Nông nghiệp huyện. Lát sau Chi bỏ máy quay sang Luận bảo:

- Không can gì. Giống khoai tây lên chậm hơn cây ngô. Muốn lên nhanh phải bơm nước vào rãnh luống, đất ẩm cây khoai sẽ mọc nhanh hơn. Thế là đỡ lo rồi.

Luận và Chi trở về phòng làm việc của Luận. Chi hỏi:

- Anh Noãn có ở bên phòng làm việc không?

- Dắt xe đạp đi đâu từ giữa buổi. Chị cần gặp anh Noãn à?

- Tưởng anh ấy ở nhà, tôi muốn trao đổi chuyện này. Anh ấy đi vắng thì tôi trao đổi với chị, có gì chị trao đổi lại trong thường vụ cũng được.

- Có việc gì thế chị?

- Quay đi quay lại vẫn là việc củng cố lại bộ máy lãnh đạo của Hợp tác xã Gia Đạo.

Luận áy náy:

- Tôi thấy có cái khó trong chuyện này chị ạ. Nếu như trước đây không nói làm gì. Bây giờ Ban quản trị đã tự phê bình trước chi bộ, trước hội nghị của xã viên. Lại tích cực chuẩn bị làm vụ xen canh. Mặc dù biết đấy là thủ đoạn, nhưng lấy lí do gì để bầu lại Ban quản trị giữa nhiệm kỳ? Nếu họ thắc mắc thì mình phải có lí do để giải thích chứ. Em nghĩ mình thiếu kiên quyết từ đầu nên chậm hơn họ một bước.

Chi thừa nhận:

- Đúng là chúng ta hữu khuynh. Nhưng theo tôi không phải chúng ta không còn cách làm. Tôi đã trao đổi với một số đồng chí đảng viên trong chi bộ Gia Đạo và bà con xã viên. Mọi người đều nhận ra thủ đoạn của mấy anh trong Ban quản trị. Ngay cái việc họ miễn cưỡng trong việc khoán cho nhóm, cho tổ cũng không qua mắt được mọi người. Nếu chúng ta đưa ra chủ trương bầu lại Ban quản trị với lí do họ điều hành yếu kém khiến cho Hợp tác xã ngày một xuống dốc, tôi nghĩ sẽ được bà con hoan nghênh.

Luận phân vân:

- Nhưng họ lấy lí do họ đã nhận ra sai lầm và đang tích cực sửa chữa thì sao?

Chi suy nghĩ một lát rồi bảo:

- Thôi được rồi. Huyện ủy sẽ ra chỉ thị. Chi bộ và bà con xã viên Hợp tác xã Gia Đạo phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của huyện ủy, thế là chẳng còn ai thắc mắc.

Luận tán thành:

- Tôi thấy làm như vậy chứng tỏ huyện ủy hoàn toàn khách quan. Mà cũng đỡ cho chúng tôi gánh nặng lãnh đạo, giải thích lòng vòng mệt lắm.

- Trong thời gian bám sát cơ sở ở Gia Đạo, tôi thấy một số gương mặt rất xứng đáng để bầu vào Ban lãnh đạo mới.

Luận hỏi:

- Ai vậy chị?

- Anh Dậu, anh Tế, anh Ngô và em Bích. Cơ cấu lãnh đạo của chúng ta cần phải đưa phụ nữ và lớp trẻ vào.

- Em Bích hiện đang chỉ huy tổ dân quân bắn máy bay của xã rút ra cũng khó.

- Nhiệm vụ bắn máy bay cũng quan trọng nhưng đó chỉ là công việc đột xuất trong một giai đoạn nào đó thôi. Còn công việc lãnh đạo sản xuất và xây dựng Hợp tác xã mang tính lâu dài. Cử một người thay vào vị trí chỉ huy bắn máy bay không khó bằng tìm một người tham gia điều hành Hợp tác xã. Tôi thấy bà con xã viên Gia Đạo rất quý em Bích.

- Em Bích thì tôi biết. Em ấy là một bí thư chi đoàn rất năng nổ. Đúng đấy chị ạ. Nếu đưa em Bích vào Ban quản trị, em ấy sẽ lôi cuốn được phong trào thanh niên. Đặc biệt là nữ thanh niên. Đây là một lực lượng có thể làm cho Hợp tác xã Gia Đạo chuyển biến nhảy vọt cũng nên.

Chi cười nhẹ:

- Tự nhiên ý nghĩ của hai chị em mình lại gặp nhau.

Luận hỏi:

- Đợt nào chị cũng ở năm, ba hôm dưới này để các cháu ai lo?

- Mấy bố con ở nhà tự lo lấy với nhau. Cả nhà tôi đều trở thành Ba đảm đang hết.

- Chị vẫn ở nhà anh Tế đấy à?

- Đợt thì ở nhà anh Tế, đợt ở nhà anh Dậu. Lần này ở nhà bà Ngật.

- Bà Ngật dám cho chị ở kia à?

Chi cười:

- Lúc đầu thì bà ấy ngại. Nhưng khi nghe tôi bảo tôi sẽ đưa tiêu chuẩn gạo của tôi nộp cho bà, thế là bà ấy vui vẻ ngay. Có ở với bà ấy mới thấy cảnh bà ấy tội nghiệp quá. Một nách nuôi ba đứa con. Chồng biền biệt ở trong Khu Bốn. Có lẽ làm công nhân cầu đường lương lậu chẳng được bao nhiêu nên gần một năm nay chẳng gửi cho bà ấy lấy một xu. Bốn miệng ăn chỉ trông vào số thóc công điểm còi cọc làm sao bà ấy không tìm cách ăn cắp thóc của Hợp tác, không trộn đất vào phân để tăng trọng lượng mong kiếm thêm mấy cân thóc.

Luận cầm cái ấm đi đến chiếc phích vỏ nan để ở góc phòng rót thêm nước rồi quay lại ngồi vào ghế nói:

- Bà mẹ chồng của tôi thấy người ta tìm cách bớt xén của Hợp tác xã nhiều quá, suốt ngày ca cẩm: Đói nghèo sinh đạo tặc. Đói nghèo sinh đạo tặc nghe buồn cười lắm nhưng ngẫm ra bà cụ nói đúng. Bao giờ chị về trên huyện?

- Có khi sáng mai. Tôi về bàn với thường vụ việc bầu bán lại Ban quản trị Gia Đạo. Nếu thường vụ nhất trí thì sẽ cho bầu lại trong tháng tới. Phải để cho Ban quản trị mới làm quen với công việc trước lúc bước vào cấy vụ chiêm mới được.

Luận nhìn Chi. Bỗng dưng cô thấy thương yêu Chi vô hạn.

_________________

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play