Trên đường từ ngôi làng cạnh bệnh viện trở về, ông Kim vui vẻ sôi động hẳn lên. Ông nói với Khánh và Đại đang đi cạnh mình giọng tâm đắc:

- Mấy cụ già nói chuyện hay thật. Các cậu chưa cần phải đi học đâu xa mà học ở dân cũng thu lượm được ối kiến thức. Mà toàn những bài học kinh nghiệm thiết thực chứ chẳng phải lí luận gì xa xôi. Theo hai cậu, các cụ bảo chia đất bỏ hoang ở chân rừng cho dân khai phá trồng trọt rồi nộp một phần hoa lợi thu được cho Hợp tác có được không?

Khánh trả lời:

- Không thể làm như thế được bí thư ạ.

- Vì sao?

- Đất đai là sở hữu của tập thể. Không thể đem chia cho cá thể được.

Ông Kim quay sang hỏi Đại đi bên cạnh:

- Cậu Đại thấy thế nào?

- Em đồng ý với anh Khánh. Đất đai là sở hữu của Nhà nước, không ai được lấy làm của riêng. Nếu lấy đất công đem chia cho cá nhân làm ăn riêng lẻ là vi phạm chủ trương đường lối của Đảng.

- Hai cậu nói có thật lòng không?

- Chúng em nói hoàn toàn dựa trên lập trường quan điểm của Đảng và Nhà nước sao bí thư hỏi có thật lòng không – Khánh nói.

Ông Kim cười thành tiếng:

- Tớ đếch tin. Các cậu nói đúng với lập trường quan điểm nhưng không đúng với lòng mình. Tớ đi guốc vào trong bụng các cậu. Các cậu nói như những con vẹt chẳng qua là sợ tớ phê bình các cậu đi trái với chủ trương đường lối thôi chứ trong lòng các cậu đều thừa nhận những lời nói của các cụ ở Thạch Lôi vừa rồi là hợp tình hợp lí. Có đúng thì nhận đi.

Đại thú nhận:

- Em thấy hàng chục héc-ta đất chân rừng bị bỏ hoang đúng là phí quá. Nhưng đem chia cho xã viên khai thác rồi nộp sản phẩm cho tập thể, em phân vân không biết làm thế đúng hay sai.

Ông Kim bỗng hỏi đột ngột:

- Nếu tớ nói tớ hoàn toàn ủng hộ ý kiến của các cụ già ở Thạch Lôi, các cậu có phê bình tớ đi ngược lại với đường lối của Đảng không?

- Ai dám phê bình bí thư tỉnh ủy ạ – Khánh bảo.

- Cậu là trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Cậu có nắm được chuyện làm ăn của Hợp tác xã An Lưu không?

Khánh trả lời:

- Em thường xuyên lên xuống An Lưu làm gì mà không nắm được ạ.

- Vậy theo cậu An Lưu có chỗ nào làm sai với những quy định của Trung ương về quản lí Hợp tác xã không?

- Em không thấy An Lưu sai ở chỗ nào cả.

- Thế việc tay Khương, Chủ nhiệm giao khoán cho các đội sản xuất tự cân đối kế hoạch sản xuất của đội mình, đội lại tùy công việc mà giao khoán lại cho tổ hoặc cho hộ, đúng sai chỗ nào?

- Bí thư đã biết chuyện khoán của An Lưu rồi à?

- Hợp tác xã nông nghiệp có hàng trăm hộ dân chứ có phải cái kim đâu mà các cậu giấu mãi được. Ông cha mình cũng đã nói rồi. Cái kim để trong bọc lâu ngày cũng có ngày thò ra kia mà. Này tớ nói cho cậu biết, đã hai lần tớ xuống thẳng An Lưu để tìm hiểu rồi đấy. Nhưng tớ dặn tay Khương đừng nói với các cậu nên các cậu cứ đinh ninh tớ không biết đó thôi.

Khánh cười to:

- Em chịu bí thư rồi.

- Cậu có biết vì sao tớ biết được chuyện làm ăn của An Lưu không?

- Có phải có ai đó đã phản ánh lên tỉnh ủy có phải không ạ?

- Chẳng có ai phản ánh cả. Hôm tớ đi về thăm con sơ tán ở Lộc Hà, trên đường đi tớ thấy các cô gái chở lúa về. Tớ dừng lại cầm mấy bông lên xem thấy thích quá. Tớ hỏi ai làm Chủ nhiệm. Các cô bảo bác Khương. Thế là hai hôm sau tớ xuống An Lưu ngay. Tay Khương lúc đầu cũng hốt. Nhưng khi nhìn thấy mặt tớ nhẹ như nắm bông khô hắn biết chẳng có chuyện gì nên kể cho tớ nghe hết. Năng suất vụ mùa vừa rồi An Lưu đạt bao nhiêu tấn một héc-ta?

- Năng suất của An Lưu đạt hơn ba tấn rưỡi một héc-ta.

- Tuyệt vời. Đấy, các cậu thấy không. Chỉ cần làm một vài động tác điều chỉnh lề lối sản xuất là vực năng suất lên ngay. Cậu Đại có dám mạnh dạn làm theo kiểu làm ăn của thằng An Lưu không?

- Nếu có gì sai sót bí thư đừng phê bình thì em sợ gì mà không làm.

- Làm việc gì cũng nghĩ đến cái bụng của dân thì chẳng việc gì mà sợ sai. Ai có phê bình, lên án thì dân sẽ là người bào chữa cho mình.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play