Sau một tuần điều trị, sắc thái ông Kim đã tươi tỉnh hẳn lên. Ngồi trên giường bệnh tựa lưng vào vách nứa, ông Kim nói với bà Thường và ông Quốc đang ngồi ở chiếc bàn nước kê giữa phòng:
- Cũng may là không phải mổ. Nằm không ở đây sốt ruột quá, xin tay Hoàng tuần này ra viện nhưng hắn không cho. Bảo phải nằm vài tuần nữa cho khỏi hẳn rồi ra.
- Việc cả năm cả đời, còn chán thời gian để chú cống hiến cho cách mạng. Chú yên tâm chữa cho khỏi hẳn rồi về. Chú về nhà rồi lao vào làm việc như trâu húc, đến khi bục cả dạ dày ra đấy thì hóa ra lợi bất cập hại.
- Nhưng sốt ruột quá chị ạ. Tình hình ở Vĩnh Hòa vẫn tiến triển tốt đẹp chứ chị?
- Chúng nó cũng đang lo sốt vó. Chỉ sợ quá đà rồi đâm ra làm sai.
Ông Quốc nói:
- Tôi nghĩ mấy tay lãnh đạo ở Vĩnh Hòa lo là đúng. Dân hiểu chưa hết ý nghĩa mấy chữ cải tiến lề lối sản xuất cứ tưởng huyện ủy, tỉnh ủy tháo khoán cho tự do bung ra rồi kéo nhau đi lệch hướng con đường tập thể hóa thì đúng là tai họa thật.
- Lo lắng nhưng không được dao động. Tư tưởng của cán bộ và quần chúng chuyển biến, đó chính là thời cơ. Làm cách mạng là phải biết nắm lấy thời cơ và hướng nó đi theo đúng với ý định của mình. Để mất thời cơ có khi dẫn đến mất tất cả. Không biết cô Lê đi đâu mà lâu thế nhỉ?
- Cô ấy bảo đi vào làng tìm nghệ cho chú. Chú cần gì không?
- Thấy vắng lâu thì hỏi thôi. Chị có cầm theo thuốc lào đi theo đó không? Thèm quá.
Bà Thường cười:
- Thì ra hỏi vợ đi đâu để hút vụng thuốc lào. Tôi có cầm thuốc và bật lửa đi theo nhưng tôi lại quên điếu cày ở nhà rồi.
- Không hề gì. Hôm qua tôi đi dạo thấy góc nhà đầu kia có một cây đu đủ. Ông Quốc ra bẻ cho tôi một cái cọng lá.
Bà Thường hỏi:
- Nhưng liệu bác sĩ có cho hút không?
- Người khỏe mạnh bác sĩ còn khuyên đừng hút thuốc huống gì người bệnh. Ông Quốc đi bẻ cọng đu đủ nhanh lên. Cô Lê mà về là coi như tôi tiếp tục treo niêu.
Ông Quốc cười rồi đứng lên ra khỏi buồng bệnh.
- Tôi nghĩ tay Quốc nói cũng có khía cạnh đúng đấy chị ạ. Dân đang khát khao có một sự thay đổi trong lề lối làm ăn của Hợp tác. Thấy thằng Hồng Vân làm mà tỉnh ủy, huyện ủy không có ý kiến gì, thế nào họ cũng tự phát bung ra. Nếu không hướng họ đi đúng quỹ đạo là hết sức nguy hiểm. Trong lúc tôi nằm ở đây, chị nhớ sắp xếp công việc để thường xuyên xuống Vĩnh Hòa cùng với tay Bằng, tay Mích chỉ đạo sát sao tình hình của các Hợp tác xã đang có xu hướng bung ra. Thấy lệch lạc chỗ nào là uốn nắn ngay, đừng để đi quá đà.
- Chú cứ lo chữa bệnh cho tốt. Chỗ nào tôi làm được, tôi làm. Chỗ nào còn phân vân tôi sẽ trao đổi với các đồng chí trong thường vụ trước khi làm. Không phải lăn tăn gì cả.
- Chị phải đề phòng tay Đình tìm cách xuyên tạc tình hình với mấy anh phái viên rồi đến tai Ban bí thư là rách việc lắm đấy.
- Không biết chú thế nào chứ tôi thấy thái độ của ông Ẩn gần đây tỏ ra thân thiện với chúng ta hơn.
- Tôi nghĩ anh ấy đã nhìn ra phần nào những lỗ hổng của cơ chế Hợp tác xã nhưng đang ở vị trí ủy viên dự khuyết Trung ương và phó Ban Nông nghiệp nên còn tỏ ra dè dặt.
Ông Quốc cầm cuộng đu đủ đi vào.
- Không gặp cô Lê nhà tớ chứ?
- Không thấy.
Bà Thường móc thuốc và bật lửa từ trong túi áo ra đưa cho ông Kim.
- Có hút thì hút nhanh lên kẻo cô ấy về bắt gặp bây giờ.
Ông Kim cho thuốc vào đầu ống đu đủ. Bà Thường khuyên:
- Lâu không hút nên hút từ từ thôi. Rít khỏe rồi lăn kềnh ra đó thì khốn.
Mặc dù bà Thường đã dặn nhưng lâu ngày thèm thuốc nên ông Kim rít một hơi dài, sau đó lảo đảo buông cả ống đu đủ xuống giường rồi đưa hai tay quờ quạng lấy ống đu đủ nhưng không sao lấy được.
Bà Thường hốt hoảng:
- Đã bảo rít vừa thôi. Trông đẹp mặt chưa.
Ông Kim đã thôi say nhưng giọng vẫn còn ngọng nghịu:
- Sướng như cha chết sống lại.
Nói xong ông nhét gói thuốc, bật lửa và ống đu đủ xuống dưới gối. Bất thần bà Lê trở về. Bà nhìn quanh quất rồi hỏi:
- Chị Thường vừa hút thuốc lào đấy à?
- Có ai hút đâu.
Bà Lê nhìn lướt qua ông Kim rồi kêu lên:
- Thôi chết rồi! Chị cho nhà em hút thuốc lào có phải không. Nhìn con mắt lờ đờ kia là em biết ngay mà.
Bà Thường cười xuề xoà:
- Chú ấy thèm quá nên tôi cho chú ấy hút một điếu.
Tưởng bà Lê sẽ làm toáng lên nhưng bà chỉ nhìn ông Kim cười hỏi:
- Đã thèm rồi phải không?
- Hút được điếu thuốc tự nhiên người khoẻ hẳn ra. Giá như hôm nào cũng được vài điếu thì chẳng mấy chốc mà ra viện.
- Ra viện hay ra nghĩa địa. Đừng hòng em cho hút nhé.
- Nói thế thôi chứ làm gì có điếu cày và thuốc để hút.
Bà Thường và ông Quốc nhìn nhau tủm tỉm cười.
Chi xuất hiện đột ngột khiến mọi người ngạc nhiên.
- Cô đi bằng gì lên đây thế? – Bà Thường hỏi.
Chi lấy chiếc khăn mặt để trong cái túi vải ra lau mồ hôi đang đầm đìa trên mặt trả lời:
- Em đi xe đạp.
Ông Kim hỏi:
- Đi từ lúc nào mà giờ đã đến?
- Em đi từ Đạo Thắng lúc bốn giờ sáng.
- Bốn giờ sáng mà giờ đã đến được đây rồi. Đi kiểu gì mà giỏi thế?
- Em đi đường tắt qua huyện Linh Sơn nên gần được hơn mười lăm cây số. Tình hình bệnh tật của bí thư đến đâu rồi?
- Bí thư huyện ủy hỏi thì bí thư tỉnh ủy xin đáp là khỏi rồi. Tuần đến chắc ra viện thôi. Tình hình ở Gia Đạo thế nào?
Bà Lê tỏ vẻ không vừa ý:
- Lại công việc. Cô ấy đang mệt lả người ra không hỏi thăm lấy một câu mà Gia Đạo với lại Gia Tặc. Cô Chi đừng trả lời để xem anh ấy còn hỏi gì nữa không.
Ông Kim xoa xoa hai bàn tay vào nhau rồi nói như học sinh đọc bài:
- Cô Chi ơi, cô có khỏe không. Chồng và các con cô đều khỏe cả chứ. Mấy con gà cô nuôi trong chuồng lớn đến đâu rồi? Gà trống đã gáy được chưa. Gà mái chửa đẻ thế nào. Khi đẻ nó có tục tác hay không. Cô đã được phân phối lốp xe đạp hay chưa. Đi đường cô có bị ngã lần nào không. Cô trả lời cho tôi đi để cái bà La Sát nhà tôi khỏi bảo tôi là không biết điều.
Mọi người không sao nhịn được cười. Bà Lê lườm chồng:
- Chỉ được cái chống chế là không ai bằng.
Chi quay qua hỏi bà Thường:
- Chị và anh Quốc lên lâu chưa?
Bà Thường đáp:
- Gần một tiếng rồi. Chú Côn lên Linh Sơn, còn một mình cô chỉ đạo Đạo Thắng chắc vất vả lắm phải không?
- Cũng nhờ anh Thanh giúp em làm hết công việc ở huyện ủy nên em cũng không phải vất vả mấy.
- Tình hình Đạo Thắng thế nào? - Ông Kim hỏi.
- Đất Hợp tác đã cày gần xong rồi nhưng còn lúng túng ở chỗ là chia đất cho hộ làm hay chia cho nhóm lao động.
Ông Kim ngồi ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Giao đất cho hộ có lợi hơn nhiều. Tổng sản lượng thu được chắc chắn nhiều hơn giao khoán cho nhóm lao động. Bản thân các hộ neo đơn cũng thu được sản phẩm nhiều hơn.
Chi thắc mắc:
- Đã gọi là hộ neo đơn làm gì có lao động để làm ra sản phẩm nhiều hơn do nhóm lao động chia cho họ?
Ông Kim giải thích:
- Khâu nặng nhất là làm đất và đặt giống. Vận động các gia đình có lao động giúp cho các hộ neo đơn làm hai khâu này. Cũng có thể Ban quản trị đứng ra phân công cho xã viên luân phiên giúp đỡ các hộ neo đơn làm đất và đặt giống. Còn chăm sóc và thu hoạch thì các gia đình tự làm lấy. Neo đơn kiểu gì đi nữa thì vẫn làm cỏ và bón phân cho mấy luống khoai tây của mình. Tớ chỉ gợi ý thế thôi. Còn làm kiểu nào có lợi hơn thì cứ hỏi dân, người ta sẽ chỉ bảo cho.
Chi hỏi ông Quốc:
- Khoai giống Ty Nông nghiệp đã lo cho chúng em đến đâu rồi chủ tịch?
- Ty Nông Nghiệp đang cho người đi liên hệ các địa phương có giống khoai tây để mua, chưa biết kết quả thế nào. Nếu thiếu giống thì cho trồng ngô và khoai lang. Lần đầu tiên làm vụ xen canh mà để thất bại, sau này có vận động đến méo mồm cũng chẳng ai thèm làm đâu.
- Giống ngô tìm cũng không dễ đâu anh ạ - Chi bảo.
Bà Thường nói với Chi:
- Hợp tác xã Hồng Vân ở Vĩnh Hòa đã trồng mấy vụ ngô xen canh rồi chắc giống chẳng thiếu. Để tôi liên hệ bảo họ cung cấp giống cho.
Chi mừng rỡ:
- Được thế thì may cho chúng em quá. Còn việc này tiện đây em cũng muốn báo cáo với bí thư.
- Lúc thì anh, lúc thì bí thư, tôi chẳng biết mình là ai nữa - Ông Kim vui vẻ nói đùa - Có chuyện gì thế?
- Em đang bàn với lãnh đạo Đạo Thắng nên bầu lại Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo chứ Ban quản trị hiện nay bê bết quá.
- Ông Côn cũng đã nói ý định này với tôi. Ý kiến mấy tay lãnh đạo xã Đạo Thắng thế nào?
- Đồng chí Noãn và hai ủy viên thường vụ là đồng chí Hãn và đồng chí Khoa không tán thành. Còn lại đều muốn thay.
- Cô về nói thẳng với mấy tay lãnh đạo ở Đạo Thắng là tôi ủng hộ việc để cho dân bầu lại Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo.
Nghe ông Kim nói vậy bà Thường khuyên:
- Theo tôi, việc này để cho huyện ủy Tam Bình quyết định thì hay hơn. Chú nói vậy cấp dưới sẽ nghĩ chú dùng quyền lực để ép cấp dưới làm theo ý mình, chẳng có lợi cho chú đâu.
Chi ủng hộ bà Thường:
- Chị Thường nói phải đấy anh ạ. Thường vụ chúng em sẽ bàn và có quyết định bằng văn bản việc này.
Viện trưởng Hoàng bước vào. Nhìn thấy bà Thường và ông Quốc, Hoàng niềm nở:
- Chào chị Thường, chào anh Quốc. Nhìn thấy xe của anh chị đến đã lâu nhưng có ca cấp cứu nên chưa qua chào được. Còn chị này là ai mà tôi chưa gặp bao giờ nhỉ?
Bà Thường giới thiệu:
- Đây là cô Chi, bí thư huyện ủy Tam Bình. Cô ấy đạp xe đạp từ dưới ấy lên đây để thăm chú Kim đấy.
Hoàng tán:
- Dân Tam Bình thật hạnh phúc khi có một bí thư huyện ủy vừa trẻ vừa đẹp.
Chi cười:
- Anh cũng biết tán đấy nhỉ.
Hoàng quay sang hỏi ông Kim:
- Bí thư hôm nay thấy trong người thế nào?
- Tôi thấy khỏe lắm rồi. Viện trưởng xem cho tôi xuất viện được chưa, tiện thể có xe đây tôi về luôn?
- Anh chỉ mới ổn định thôi chứ chưa khỏi đâu. Điều trị tích cực cũng phải vài tuần nữa may ra mới xuất viện được.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT