Trước khi cùng bà xã về quê, cô ấy đã tìm một buổi tối, nói thẳng vấn đề với tôi: “Thâm, em biết anh có thành kiến với ba mẹ em, nhưng dù sao bọn họ vẫn là ba mẹ đã sinh thành và dưỡng dục em.”

Tôi cởi nút áo khoác, nói: “Ừ, anh biết.”

Cô ấy ngồi ở bên giường, cả người vẫn rất căng thẳng. Tôi xoay vai cô ấy qua, hôn lên gương mặt cô ấy, tôi nói: “Sao anh có thể làm khó ba mẹ vợ được chứ?”

Cô ấy ngả vào vòng tay tôi im lặng hồi lâu. Cảm nhận thấy sự kích động của cô ấy, tôi nghĩ: Bí mật này cuối cùng cũng phải bật mí rồi.

Dọc đường đi, đồi núi trập trùng, đồng nương xanh mướt, trời cao mây trắng lần lượt trôi vụt qua. Bà xã tựa vào vai tôi mà ngủ. Tôi lấy áo bông khoác chặt người cô ấy, lúc cúi đầu ngắm gương mặt cô ấy, tôi lại nhớ tới lời Lương Tuyết đã từng nói, lúc trước trên đường về nhà cô ấy đã tự tay viết một tờ giấy, mỗi một câu mỗi một chữ trên đó đều ướt sũng nước mắt, bên trong đó nói cô ấy muốn đoạn tuyệt với tôi.

“Cậu ấy thật khờ.” Đây là do Lương Tuyết nói.

Tôi lại đau lòng không thể nói gì. Ai cũng biết, tôi yêu cô gái vô cùng thông minh này, thỉnh thoảng cô ấy sẽ giả vờ lạnh lùng khiến người ta hiểu lầm cô ấy là một người rất khó gần. Nhưng lần đầu tiên gặp cô ấy tôi đã biết, đằng sau đôi mắt to đầy xảo quyệt này vẫn luôn ẩn giấu một trái tim yếu đuối hơn bất cứ ai. Cho nên, điều thực sự khiến tôi rung động không phải là trí tuệ của cô ấy, không phải sự kiên cường của cô ấy, mà chính là trái tim yếu đuối của cô ấy. Hiện tại, điều tôi muốn biết nhất là hoàn cảnh thế nào đã khiến cô ngay từ thời niên thiếu đã cực khổ như thế.

Về đến quê nhà, ba mẹ cô ấy chuẩn bị sẵn tiệc rượu ở nhà để tẩy trần, đón tiếp chúng tôi, thật ra lúc đãi tiệc cưới ở thành phố R tôi đã gặp mặt ba mẹ vợ, hai người đều rất hiền lành phúc hậu, đối xử với mọi người rất chân thành. Lúc đó tôi đã chẳng còn thấy bất mãn nữa. Đúng như lời Viên Hòa Đông, chuyện năm đó cô là trẻ sinh non lại không được chăm sóc là do hoàn cảnh bắt buộc, không thể trách ba mẹ cô ấy được.

Lần này, chúng tôi chủ yếu là về thăm người thân bên nhà cô ấy. Người thân trong nhà đều ở quê nên chúng tôi phải thuê một chiếc xe con lái đến. Đến nơi, tôi mới biết gia tộc nhà họ Hứa còn lớn hơn tôi dự đoán, nếu không có cô ấy ở bên cạnh nhỏ giọng nhắc nhở, thì tôi có nghĩ đến nổ banh đầu cũng không biết nên xưng hô như thế nào với một đống thân thích họ hàng này.

Điều khiến tôi không ngờ được là một cô gái mười bảy, mười tám tuổi mà đã một chồng, hai con, còn nói là muốn sinh tiếp, cho đến khi nào có con trai mới thôi.

Cô ấy nói với tôi: “Phụ nữ trong thôn em sinh đến tận bốn năm con, nếu còn chưa sinh được con trai thì cứ tiếp tục sinh nữa.”

Tôi nghiêm túc nói: “Làm như vậy rất có hại cho cơ thể người mẹ, khi còn trẻ thì không sao chứ lớn tuổi rồi là sẽ đổ bệnh ngay.”

Cô ấy vẫn ngây thơ, nói: “Anh đừng có hù em, trong thôn em có bà cụ hồi trẻ sinh không biết bao nhiêu con mà đến bảy tám mươi tuổi vẫn rất khỏe mạnh.”

Tôi hỏi: “Cô không đọc sách hả?”

Cô ấy khinh thường nói: “Đọc sách gì chứ, đọc sách thì phải trả tiền, người ta học đại học mà vẫn không tìm được việc đấy thôi, chi bằng sinh một thằng con trai, nuôi nó lớn đến một tuổi nhất định thì cho đi theo ba ra ngoài làm ăn, buôn bán kiếm tiền.”

Tôi còn muốn nói nữa thì bà xã đã kéo tôi đi. Lúc này tôi mới biết mấy cô mấy bác đã xem lời của tôi trở thành truyện cười mới nhất mà lan truyền khắp nơi rồi cùng cười rũ rượi, kèm theo đó là không ít lời chanh chua.

Cái gọi là cây to đón gió, cô ấy đã sớm đoán được, cho nên kiên trì không cho tôi lái xe vào thôn.

Lúc ấy tôi còn cãi lại nói: “Trong thôn cũng có người đi xe hơi mà.”

Cô ấy thở dài: “Xe này không giống mấy chiếc đó.”

Cũng đúng, lái xe hơi vào thôn không phải chứng tỏ mình là ông chủ công ty thì cũng là lãnh đạo hoặc là cảnh sát. Một bác sĩ lái xe hơi vào thôn không bị người ta nói mới lạ, tuy ràng chiếc xe này là năm đó bác cả cho nhà tôi rồi ba lại cho tôi.

Tôi thở dài hỏi cô ấy: “Em nói với họ là anh làm nghề gì?”

Cô ấy trước tiên là hôn tôi: “Đừng giận mà, em nói hiện tại anh là công chức cấp dưới, bọn họ cũng tin.”

Lúc này tôi mới hiểu được vì sao một ông anh nào đó từng khoác vai nói với tôi: “Nếu thật sự không ổn thì cứ tìm anh, nông thôn không thể so với thành phố, người đọc sách ở thôn này kiếm cơm ăn vẫn dễ hơn.”

Trước bữa cơm chiều, cô ấy kéo tay tôi ra đồng tản bộ. Ngắm nhìn khói bếp lượn lờ phía đằng xa, nhìn bọn trẻ chạy trên con đường làng bé nhỏ, mặc dù không được mặc quần áo rực rỡ như mấy đứa trẻ thành phố nhưng hình ảnh nụ cười chất phác cùng với những chiếc cặp nặng trĩu trên lưng này chẳng thành phố nào có thể nhìn thấy được. Bỗng nhiên có một cậu bé đi đến bên tôi, trong đôi mắt to ngập tràn khát khao, ánh mắt ấy chẳng khác nào cô ấy khi lần đầu tiên đến nhà tôi. Tôi nghiêng đầu nhìn cô ấy, còn cô ấy lại đưa mắt nhìn một gốc đa đại thụ ở bên đường.

Từng nhánh cây thô to chắc khỏe nhìn cũng biết là đã rất già, tôi hỏi cô ấy: “Đây có phải là cái cây mà ba vợ hay đùa là…”

Cô ấy hơi cười, nói: “Uhm, ông nói là đã nhặt được một đứa bé ở đây.”

Tôi nói: “Chuyện này vui quá ha, thực tế lại là mẹ vợ đã sinh ra em dưới cái cây này.”

Giọng cô ấy không hiểu sao lại chua sót: “Thâm, chuyện đó em chỉ mới nói một nửa.”

Tôi bỗng nhiên giật mình, cô ấy đang muốn giải bày quá khứ ở trước mặt tôi.

“Thâm, anh có biết vì sao em lại có tình cảm rất sâu nặng với anh họ không? Hồi em còn rất nhỏ, theo như anh họ nhớ thì đại khái hồi đó em chỉ có ba tuổi, còn chưa biết đường. Ba mẹ em đã về thành phố làm việc, công việc còn chưa ổn định cho nên không thể tới đón em, em được gởi về cho ông nội nuôi. Chạng vạng một ngày nào đó, em được ông nội đưa đến cái cây này, ông bảo em chờ ông tới đón, em liền ngồi ở chỗ đó chờ mãi, chờ cho đến khi trời tối cũng không thấy ai đến, hôm đó gió rất lớn, em rất sợ, cứ vừa lớn tiếng khóc vừa gọi, nhưng vẫn không có ai đến, cuối cùng là anh họ đã tìm được em đang nằm thở thoi thóp. Anh họ em ở thôn bên cạnh, lúc đó anh ấy theo lời mẹ dặn mang chút điểm tâm tới cho em, không ngờ lại gặp em bị người của Hứa gia cố ý vứt bỏ ở ven đường. Sau việc này, nhà ngoại và nhà nội em đã ầm ĩ một trận. Mẹ em ở Hứa gia càng khó mà sống được, ông ngoại không nói hai lời liền mang em về nhà. Hồi đó ông ngoại đã phải ngậm đắng nuốt cay mà nuôi nấng em, bà dì cũng thường đến trông em giúp ông ngoại. Anh họ có thể nói là ân nhân cứu mạng của em, còn công ơn nuôi nấng của ông ngoại và bà dì cả đời này em cũng khó đền đáp được, vậy mà, em lại trơ mắt nhìn ông ngoại em qua đời, lễ tang của bà dì em cũng không được tham dự. Lúc tính mạng anh họ em ngàn cân treo sợi tóc thì chính anh đã cứu anh ấy. Thâm, hiện tại đứng ở đây nhìn cái cây này, em chỉ muốn nói một câu thôi, em yêu anh.”

Tôi đã cùng cô ấy ở dưới gốc đa cổ thụ này mà ôm hôn say đắm. Tôi tin sau những khó khăn, một cuộc sống vô cùng hạnh phúc đang chờ đón chúng tôi. Nắm chặt lấy tay cô ấy, chúng tôi rời khỏi nơi đau khổ này, trở về nhà chúng tôi ở thành phố R. Đường dài bôn ba mệt nhọc, để cô ấy tựa vào vai mà ngủ, tôi ôm cô ấy thật chặt, ngây ngốc mỉm cười.

Có được cô ấy, cả đời tôi đã rất thỏa mãn rồi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play