Tưởng mở mắt sau một đêm ngủ vùi mệt mỏi. Tối qua cậu trằn trọc mãi mới thiếp đi được, vì cứ nghĩ đến chuyện Tằm đang nằm gần bên và hơi thở đều đều nghe thật rõ là lòng lại bồn chồn. Tưởng ngồi dậy, nhìn qua bên cạnh thấy trống, nơi đó vẫn còn lưu lại chút hơi ấm của người con gái đã trở thành vợ mình. Cậu nhìn ra ngoài ô cửa sổ, nắng đã bắt đầu lên cao, liền xuống giường.

Rời khỏi phòng, Tưởng thấy thằng Ngãi đang quét sân. Tên người làm cười tủm tỉm, hỏi cậu đêm tân hôn ngủ ngon không? Tưởng chẳng muốn để tâm đến lời trêu chọc đó, hỏi các bà đâu rồi. Ngãi liền thưa, "các bà và mợ đang ở phòng chính thắp nhang cho tổ tiên". Tưởng nhíu mày, lát sau mới biết "mợ" chính là Tằm. Gọi thế thì đúng rồi nhưng vì đột ngột quá nên hóa ra lại nghe lạ lẫm.

Đang nói chuyện vui vẻ thì bà Tư thấy con trai đi vào. Mỉm cười, bà hỏi một câu giống hệt thằng Ngãi, "đêm tân hôn hôm qua con ngủ ngon không?". Hiểu hàm ý qua câu hỏi ý nhị ấy, cậu chỉ biết gật đầu gượng gạo. Cậu nhác thấy Tằm ngồi im lặng bên cạnh bà Hai, vẻ mặt cũng có đôi chút khó xử giống mình. Bởi đêm tân hôn, một kẻ thì vờ say ngủ lăn ra đấy còn một kẻ thì ngồi thức bên giường đến hết giờ Tý. Qua được nửa đêm lại chợt tỉnh, hai người nằm quay lưng với nhau, chẳng ai chạm vào ai lấy lần nào, thử hỏi làm gì có hương vị ái ân.

Dùng cơm xong, ba bà đến phòng Triệu xã trưởng thăm nom. Còn lại hai vợ chồng, Tưởng mau chóng đứng dậy vì phải đi xem tình hình dân chúng trong vùng thế nào. Bắt đầu từ hôm nay, cậu đã là xã trưởng tạm thời nên chuyện coi sóc không thể lơ là. Đúng lúc Tằm cũng đứng lên theo, hỏi:

"Mình đến gặp phó xã trưởng à?"

Trước một tiếng mình, sau một tiếng mình, Tằm làm Tưởng nửa xao xuyến nửa khó xử. Từ trước đến giờ đã quen xưng hô kẻ trên người dưới, nay gọi nhau thân mật như vậy khéo lại đâm ra luống cuống. Tưởng tự hỏi, bản thân nên gọi Tằm là gì đây? Giống như cô đang gọi cậu ư? Nhưng thật khó khăn, vì lẽ thế mà Tưởng nói:

"Dù gì lão Sâm cũng là người hiểu rõ cái xã này nên ta cần hỏi thêm. Có thể ta sẽ về trễ nên tầm trưa... cứ ăn cơm trước..."

Tưởng bỏ trống cái từ gọi dành cho Tằm, trong khi đáng ra chỗ đó phải là từ "mình". Đối diện, Tằm tròn xoe mắt nhìn Tưởng, lạ lùng quá đỗi khi nghe chồng gọi trỏng vợ thế này. Cứ như thể cái từ "mình" kia trở thành điều cấm kỵ của Tưởng. Vậy ra việc lấy Tằm làm vợ là khó khăn với cậu đến dường ấy sao?

Bắt gặp ánh nhìn chăm chú từ Tằm, Tưởng lại giả vờ chẳng nhận ra điều kỳ lạ kia mà nhanh chóng quay lưng cất bước. Phát hiện Tưởng đang né tránh mình, sau cùng Tằm đã không nói gì thêm khi dõi mắt theo bóng chồng đi khuất.

***

Tưởng vốn không ưa lão Sâm, nhưng bây giờ so với chuyện đối mặt với Tằm thì chuyện gặp mặt lão ta hóa ra lại dễ chịu hơn nhiều. Việc nên vợ nên chồng đã quá khó khăn rồi nay cậu cứ phải thấy những ánh mắt ngạc nhiên, buồn bã hay thậm chí là trách cứ từ Tằm khiến cậu thêm khổ sở. Với cô gái mình luyến thương bao nhiêu năm dài, chỉ một cử chỉ nhỏ hay một tia nhìn thôi cũng đủ để ta xót xa.

Lão Sâm lại có dịp chỉ giáo Tưởng, đi bênh cạnh miệng nói chẳng ngừng nghỉ. Nhưng Tưởng phải công nhận rằng, lão rất rành rẽ xã Thổ, chẳng trách vì mấy mươi năm giữ chức phó xã trưởng đâu phải dư thừa.

Lão Sâm nhắc Tưởng lưu ý đến thu thóc thuế, chế độ ruộng đất không thể xem nhẹ. Nếu hạn hán thì phải trình lên huyện, phủ xin miễn thuế. Phải giữ an ninh trong xã, đề phòng trộm cướp. Ai có công thì thưởng, ai sai phạm thì phạt. Người chết cũng cần lo ma chay tử tế. Rồi lão đề cập việc chọn lính nhập ngũ, chọn thí sinh cho các khoa thi... Bao nhiêu nhiệm vụ của xã trưởng mà Tưởng phải cán đán.

Tưởng đi đến đâu, mọi người đều cúi chào. Hết xem qua tình hình các hộ dân xong cậu lại cùng lão Sâm ra đồng coi thế nào. Đi qua các ruộng lúa dưới cái nắng đã lên đỉnh đầu, Tưởng quan sát những người nông dân chăm chỉ gieo mạ gặt lúa. Vẻ như sắp vào hạn hán, thể nào xã Thổ cũng mất mùa cho xem. Cậu nghĩ có lẽ phải đào thêm kênh mương để dẫn nước vào hộ dân.

Đúng như Tưởng đoán, ngày đầu tiên này sẽ rất bận rộn. Ngoài chuyện coi sóc ra, cậu còn giải quyết chuyện cho dân. Nào là anh Tồ bị mất bò, nhà chị Ất trễ nãi thóc thuế, cô Lân khóc lóc thưa chồng vì muốn lấy thêm vợ dù ở nhà đã có hơn năm bà rồi. Chỉ duy một buổi sáng thôi mà nhiều chuyện kéo đến ùn ùn. Tưởng lo hết bên này lại lo bên kia, mãi đến tận chiều mới xong. Bây giờ thì cậu đã hiểu, cái chức xã trưởng mà cha mình gánh trên vai bao nhiêu năm qua thật quá vất vả.

***

Hoàng hôn vừa nhập nhoạng, tiếng chim kêu dáo dác, Tưởng mới về đến nhà. Tằm lo lắng hỏi, "mình mệt lắm không, sao về trễ thế này?". Cậu bảo dân thưa gửi nhiều chuyện quá phải giải quyết bằng hết mới ổn. Tằm rót tách trà nóng cho chồng rồi mau chóng đi lấy bộ quần áo mới: "Mình tắm rửa cho khỏe để còn ăn cơm với em và các mẹ". Cầm lấy quần áo, Tưởng lưỡng lự gì đó, liền nói:

"Cảm ơn..."

"Đã là vợ chồng, mình còn khách khí à?"

Lại nhìn gương mặt dịu dàng của Tằm, Tưởng thấy lòng bồi hồi. Ừ, là vợ chồng rồi mà còn nói hai từ cảm ơn khách khí, làm cả hai thêm xa lạ. Ban nãy, cậu đã định nói một tiếng "mình ơi" nhưng chẳng hiểu sao lại chỉ thốt ra lời cảm ơn sáo rỗng. Thật là khó quá! Cái miệng này không chịu nghe lời gì cả. Biết sao được khi mà cậu còn chưa sẵn sàng cất lên hai tiếng thân thương đó...

Dùng cơm xong, bà Tư bảo hai con về phòng nghỉ ngơi sớm. Đáp dạ, Tưởng và Tằm rời phòng ăn. Hai người cùng đi ra dãy nhà sau trở về phòng. Trên đường đi, họ tự dưng im lặng, không ai lên tiếng nói gì. Hẳn họ đang nghĩ một lát nữa vợ chồng sẽ làm gì khi đã vào phòng. Chung quy, cả hai cũng chưa trải qua đêm tân hôn cơ mà.

Bước chân của Tưởng ngày càng chậm dần. Sắp về đến phòng rồi, tim cứ đập mạnh. Đêm qua vờ say để tránh chuyện ân ái, lý nào chốc lát lại lăn ra ngủ như chết nữa. Họa chăng không ổn. Nhưng một mình đối mặt với Tằm thì cậu thêm lo âu. Sau cùng liều nghĩ ra lý do tốt hơn, cậu ho nhẹ cốt để Tằm nghe và quay lại.

"Ta có việc đến thư phòng... Cứ về ngủ trước đi." Tưởng lại gọi trỏng vợ.

Tằm chẳng ngạc nhiên nữa, chỉ gật đầu. Tưởng lẳng lặng quay lưng, nghĩ khéo đêm nay ngủ ở thư phòng luôn. Cậu đi, để lại đằng sau đôi mắt Tằm buồn vời vợi ẩn trong màn đêm tĩnh mịch. Không biết những đêm sau, chồng sẽ còn viện ra lý do gì để tránh việc gần gũi với vợ nữa đây.

***

Mấy ngày qua, Tưởng đang gặp rắc rối với chuyện đào kênh. Sự việc tự thân nó chẳng có gì cả ấy thế mà cũng vướng phải điều phiền phức.

Chẳng là sắp vào mùa hạn, Tưởng cho người đào cái kênh để các hộ dân có nước dùng. Đáng ra mọi chuyện sẽ rất suôn sẻ, nào ngờ lại xuất hiện một thứ ngoài ý muốn. Đó là khi đang đào thì đám phu vô tình phát hiện ra tấm bia đá bị tróc mất một góc. Thế là người ta kháo nhau đấy là bia thần, chớ có đụng vào!

Việc đào xới bị đình lại. Tưởng và lão Sâm đích thân ra tận đấy xem sao. Tưởng thấy chẳng qua chỉ là một tấm bia vô tri vô giác, trông rất đỗi bình thường, trên đó khắc vài lời dọa dẫm kiểu như ai sâm phạm vào thì sẽ rước lấy tai ương. Đọc thế người ta đâm ra sợ. Lão Sâm vốn mê tín, tin người chết hơn người sống nên cũng mặt xanh mày xám, bảo đây là bia đá của thần không nên dở bỏ!

Từ nhỏ đến lớn, Tưởng vốn không tin có ma quỷ hay thánh thần, cũng không sợ bị ám hại hay bị quở gì đấy, thiết nghĩ mình sống ngay thẳng thì việc gì phải lo âu. Nay thấy cái bia đá vô danh, những lời đe dọa cũng vô căn cứ nốt thì cậu càng không tin nên bảo đám phu rằng, cứ dở lên đi rồi tiếp tục đào kênh! Cậu vừa phán xong là mọi người chỉ đứng lặng im nhìn chăm chú.

Lão Sâm phản đối, đây là bia của thần đấy, dại chi động vào! Đọc mà không thấy lời đe dọa rành rành đó ư, liệu mà dở bia thì thần quở chết! Tưởng nhìn lão, chẳng có thánh thần nào lại đi quở con dân của mình chỉ vì một cái kênh đào xong sẽ được lợi đường, lợi nước cả. Vô lý quá thể! Cứ tiếp tục đào kênh như đã định!

Lão Sâm tái mặt trước sự cứng đầu của Tưởng. Lão thấy cậu xem thường lão, không coi trọng lời cảnh báo của lão. Tức quá lão quát ầm, không được đào! Dĩ nhiên đám phu liền nghe theo. Không hẳn vì nể sợ phó xã trưởng mà là sợ cái vị thánh thần vô danh nào đó nằm trong bia đá kia.

Tưởng quay qua lão Sâm, "ta là xã trưởng, tất nhiên có quyền". Và câu nói không kiêng nể ấy như cơn gió thổi bùng ngọn lửa giận dữ, mặt lão đanh lại hầm hè. "Sẽ chẳng có ai dám dở cái bia đá đó đâu", lão trừng mắt rồi quay phắt đi, bỏ về một đường. Rốt cuộc thì lời lão nói là đúng. Con kênh bị đào dở, và tấm bia đá vẫn còn y nguyên vì không người nào dám đụng vào.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play