Phép tắc của trò chơi

Không biết thỉnh thoảng cô có nghe cuộc đàm thoại thứ bảy trên đài phát thanh không. Đó là cuộc đàm thoại giữa Armand Salacrou, Roland Manuel, André Chamson, Claude Mauriae và tôi. Chúng tôi nói về đủ chuyện : kịch, sách đã đọc, tranh, hoà nhạc và nói cả về mình . Tóm lại, đích thực là một cuộc đàm thoại hoàn toàn ứng khẩu, y như cuộc đàm thoại giữa năm người bạn chung quanh một bàn cà phê. Riêng tôi, tô thấy thú lắm và tuần nào cũng hớn hở lại họp với các bạn chung quanh máy vi âm.

Hôm nọ Claude Mauriae bênh vực một thuyế mà tôi cho là đúng. Đại ý ông bảo :"Ái tỉnh phong nhã, thứ ái tình trong các tiểu thuyết nghĩa hiệp là một trò chơi mà phép tắc từ thời đó không làm cho sự diễn tiếncủa ái tình thay đổi. Người ta thấy lại những phép tắc đó ở thế kỷ XVII trong truyện L'Astrée và truyệnLa Princesse de Cleves : nó cũng vẫn vậy mặc dầu được diễn bằng một giọng khoa đại hơn trong các tiểu thuyết thời lãng mạn ; ngày nay ngôn ngữ và hành động của Swann trong tiểu thuyết của Marcel Proust cũng vẫn theo những phép tắc đó.

Truyền thống đó buộc rằng bọn tình nhân đàn ông phải ghen về cả thân thể lẫn tư tưởng ; rằng họ phải lo lắng khi thấy thoáng hiện chút buồn trên vừng trán của người yêu ; rằng mỗi câu của người yêu phải được phân tích, mỗi cử chỉ phải được tìm hiểu ; rằng Moliere (ở thế kỷ XVII) chế nhạo các nỗi lo lắng đó ; Proust (ngày nay) không chế nhạo mà rên rỉ ; nhưng về các phép tắc thì nhà văn và độc giả cùng đồng ý trong mấy thế kỉ. Nhưng tôi có cảm tưởng rằng có cái gì mới trong các tác giả trẻ tuổi ngày nay ; họ không chấp nhận những phép tắc của trò chơi nữa , mà là họ đã đổi phép tắc đi. Ngày nay người ta không còn ghen một cơ thể mà ai cũng có thể ngắm cho thoả mắt ở trên các bãi biển...".

Tôi ngắt lời ông ta để dẫn một bức thư của Victor Hugo gởi cho vị hôn thê, bức thư mà thời đại này cholà kì cục, bức thư trong đó Hugo nghiêm khắc trách vị hôn thê đi ngoài đường , sợ dơ, đã vén áo lên, để hở mắt cá chân ra, làm cho Hugo nổi điên dữ dội tới cái mức có thể giết một người qua đường nào đó đã ngó chiếc vớ trắng đó, hoặc tự giết mình. Hình như, đối với các tiểu thuyết gia trẻ tuổi ngày nay, phép chơi là loại bỏ hết các nỗi ghen tuông đi mà nói một cách trắng trợn về các ái tình của người đàn bà mình yêu, như vậy trái hẳn với ái tình phong nhã. Vì cái tình cảm độc chiếm "thẳng từ người nay tớ người khác" đó, nói theo giọng các nhân viên điện thoại, chỉ diễn giữa hai người với nhau thôi.

Thực ra trong phần nhì một tiểu thuyết thời nay, đa số bọn tình nhân tìm ra được ái tình. Họ như ân hận nhận ra được cái thú của sự trung tín, những êm đềm của tình yêu, và cả những nỗi lo lắng của ghen tuông nữa. Nhưng thẹn thùng hơn các tình nhân thời lãng mạn, hoặc ngay cả các tình nhân trong truyện của Proust nữa, và chỉ nói tới những cái đó với một vẻ giả bộ lơ là có chút mỉa mai, ít nhất là ở ngoài miệng. Họ đem sự dí dỏm vào tình ái. Thành ra một sự lạc điệu, cũng thú.

Cái đó có mới mẻ không? tôi không tin chắc lắm. Phép tắc của cái trò ái tình từ Bà De La Fayette (1) tới bà Louise de Vilmorin (2) ; không bao giờ hoàn toàn nghiêm chỉnh cả. Đã từ lâu, người Auglo-Saxon (3) không chịu phô diễn những tình cảm nhiệt liệt nhất của họ nữa. Bên cạnh cái truyền thống phong nhã,ta còn thấy truyền thống thời Phục hưng (4) . Những cuộc tình duyên của Benvenuto Cellini, ngay cả củ Ronsard, không có gì là lãng mạn. Một số nhân vật tiểu thuyết của Stendhal (thế kỉ XIX) và của Montherlant thời nay chơi cái trò thời Phục hưng chứ không phải cái trò phong nhã. Phép tắc các trò chơi vẫn thường thay đổi ; nó sẽ còn thay đổi nửa. Tôi đợi một nhà văn trẻ tuổi ngày nay viết truyện Adolphe (5) hoặc truyện Swann (6) của thời đại chúng ta. Tôi đoán trước rằng sẽ thành công lớn đấy.

Vì phép tắc chơi có thay đổi mà số tiền đặt thì vẫn vậy. Số tiền đặt đó là có đấy, cô bạn ạ.

(1) Nữ sĩ ở thế kỷ XVII (1643 93), tác giả tiểu thuyết La Princesse de Cleves.

(2) Louise de Vilmorin : Chưa rõ là ai.

(3) Người Anglo-Saxon: đây chỉ người Anh, có tiếng là phớt tỉnh.

(4) Thế kỷ XV, XVI ở châu Âu.

(5) Adolphe, tên một nhân vật mà cũng là nhan đề một tiểu thuyết của Benjamin Constant , thế kỷ XIX.

(6) Swann, tên một nhân vật mà cũng là tên tắt một phần trong bộ truyện "A la recherehe du temps perdu " (Đi tìm thời gian đã mất): của Marcel Proust, đầu thế kỷ XX.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play