Khởi nghĩa nông dân, hoặc theo cách nói của triều đình là ‘Lưu dân nổi loạn’, cuối cùng cũng xác định cách xử lý, phân công hành động, dù sao tài nguyên hành chính của quốc gia cũng dư dật. Tránh chuyện bé xé ra to, Hoàng đế rất tích cực áp dụng các biện pháp. Triều đình phái cả thảy bốn hướng đi bình định, Trì Tu Chi và Tưởng Trác bất ngờ nhập đội, nhìn ở góc độ khác mà nói, thật ra cuộc nổi loạn của lưu dân lần này cũng không nghiêm trọng đến vậy, nếu không thì chẳng phái đến một nửa là lính mới ra ngoài.
Cái chính là chuyện này rất mất mặt, lại còn lấy danh nghĩa vì Thái tử, mới khiến kinh thành chấn động như vậy. Hơn nữa chấn động trong kinh chẳng phải vì năm ba nhóm lưu dân này đâu, do thế lực khắp nơi đang tranh thủ lưu dân loạn lạc mà thôi. Mọi người đều muốn nhờ vào đấy mà kiếm lợi.
Trịnh Diễm đoán không sai, bên thì Phủ úy sứ xuất kinh, bên thì trung thành tận tâm đề nghị với Hoàng thượng: “Rối loạn hiện nay, đều do chưa định Trữ vị, nghịch tặc lấy danh vì chính nghĩa, xin bệ hạ mau chọn Trữ vị, an lòng dân, khiến kẻ có tâm không lợi dụng được sơ hở.” Đây là đề nghị của Viên Mạn Đạo, người có thể nói đề nghị này không vì lòng riêng. Lời vừa nói ra, rất nhiều người hưởng ứng.
Mắt Hoàng đế hơi bị viễn thị, càng xa càng nhìn rõ, nhìn thấy rõ ràng ở dưới có rất nhiều người đang đánh mắt ra hiệu cho nhau. Chỉ một câu ‘khiến kẻ có tâm không lợi dụng được sơ hở’, Hoàng đế có thể phán ngay Viên Mạn Đạo hoàn toàn xuất phát từ công tâm, nhưng người khác nghĩ thế nào thì khó mà nói được. Hoàng đế cũng biết, vừa lôi việc này ra, thể nào cũng có kẻ vin vào đó mà kiếm chuyện. Lấy danh nghĩa Thái tử, đương nhiên sẽ phải thảo luận hàng loạt vấn đề phát sinh.
Hoàng đế đang rất rầu, cứ để mọi người thảo luận, không tránh sẽ ồn ào một trận, Tân thái tử phải là một người có thể được các phe phái chấp nhận, ít nhất cũng phải có danh phận chính đáng. Không cho bàn, chẳng hạn như chuyện muốn lập Thái tử, thì phải được đại thần, ít nhất là các Tể tướng đồng ý, bằng không sẽ không cho ngài viết chiếu thư, chẳng chịu kí tên, không chấp hành. Đương nhiên Hoàng đế có thể tỏ thái độ cương quyết, nhưng hậu quả cũng khó nói.
Hoàng đế đau khổ một hồi, không nghĩ ra biện pháp nào, đành gọi trung thần kiêm cố vấn cực kì tin tưởng Trịnh Tĩnh Nghiệp tới để trưng cầu ý kiến – lương triều đình chẳng phải cho không, phải lao động chứ. Trịnh Tĩnh Nghiệp không thể đổ trách nhiệm cho ai: “Trong lòng Thánh nhân đã chọn được ai chưa?”
Hoàng thượng nhíu mày, nghi ngờ nhìn Trịnh Tĩnh Nghiệp: “Vẫn chưa.” Ngài định sắp xếp việc phế Thái tử ổn thỏa trước đã, vẫn do dự không biết chọn ai làm Tân thái tử.
Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Có đích lập đích, không đích lập trưởng.” Không nói lại nữa.
Hoàng đế nhăn mặt cau mày, mãi hồi lâu, khả năng thần giao cách cảm mới có tác dụng, giãn lông mày: “Khanh nói dễ thật.”
Quân thần hai người đều đang nghĩ tới Tề vương ở Ti Châu, nếu nói là lập trữ, là con trưởng trong các chư vương, anh ta rất có hi vọng được lập làm Thái tử. Nhưng Tề vương, lúc đối nghịch với Thái tử, là kẻ ồn ào vui vẻ nhất, lúc đó Hoàng đế muốn bảo vệ mới đạp anh ta đi. Bây giờ quyết không thể lập anh ta làm Thái tử, lập anh ta, sau này Phế Thái tử biết phải làm sao? Hoàng đế phế Thái tử, không có nghĩa ngài nhẫn tâm muốn con trai của mình đi vào chỗ chết.
Chọn một người trong các mẹ ruột của chư vương làm Hoàng hậu, đây cũng là ý kiến hay, nhưng mà… lập ai? Hoàng đế nhìn về phía Trịnh Tĩnh Nghiệp, Trịnh Tĩnh Nghiệp thản nhiên: “Nay trong triều hỗn loạn, chư vương không ưng phục lẫn nhau. Nếu Thánh nhân vẫn chưa quyết định, có thể quan sát thêm một chút. Tấm lòng trung thành vì nước của Viên Mạn Đạo không phải giả, song Đông cung, là Trữ nhị của quốc gia, không thể hành động khinh suất.” Nhận ra được vấn đề, bắt tay vào làm là được, không cần phải có kết quả ngay lập tức, Hoàng đế không phải máy bán nước tự động, dù là máy bán nước tự động, cho vào một đồng thì chỉ có nước khoáng chứ không được coca đâu.
“Để trẫm suy nghĩ.”
Trịnh Tĩnh Nghiệp trịnh trọng cáo lui, Hoàng đế phải suy nghĩ, sẽ kéo dài thời gian. Nếu lập hậu trước thì sẽ có cãi nhau, lập hậu xong, sau đó lập trữ, yên tâm đi, thể nào cũng sẽ cãi tiếp. Cho dù không lập hậu, cũng ầm ĩ. Thời điểm này, nếu chọn được người có tố chất, cũng dễ dàng bị kẻ không vui giết mất.
Trịnh Tĩnh Nghiệp cưỡi ngựa, ngâm nga một bài hát dân gian quê hương về nhà, dọc đường thấy rất vui vẻ. Đến cửa nhà thì sa sầm mặt, giận dữ nhìn Trịnh Diễm đang bước xuống xe: “Con lại đi đâu đó?”
Trịnh Diễm đang vén váy, vừa nghe thế thì quay đầu: “A, cha về rồi, vừa đúng, không cần chờ cha mà ăn cơm luôn thôi.”
“…” Đừng có đánh trống lảng!
***
Trịnh Diễm đi thăm Trì bà ngoại. Tin tức của nàng nhanh nhạy, cách hai ngày lại đến chỗ của Trì bà ngoại thông báo về tình hình của Trì Tu Chi. Lúc nhớ một người, có thể nghe tên của chàng từ miệng người khác cũng là một loại an ủi, trong những người Trịnh Diễm biết, người vẫn luôn nhắc tới Trì Tu Chi suốt chính là Trì bà ngoại. Trịnh Diễm thường mang theo ‘tin tức nghe được từ chỗ cha con’ đến thăm bà.
Thân thích vẫn luôn ở chung, nhất là Trì bà ngoại lại có huyết thống với Trì Tu Chi, Trịnh Diễm đoán lúc Trì Tu Chi rời kinh nhất định không yên tâm về bà, khi đưa tiễn đã bảo: “Rảnh rỗi em sẽ đi thăm bà, chàng ở ngoài không cần lo lắng.” Trì Tu Chi cảm động suýt nữa rơi lệ: “Nàng cũng đừng quá vất vả, rảnh thì hẵng đến, đừng để xảy ra chuyện gì là được, chậm nhất hè năm sau ta sẽ quay lại, về rồi ta sẽ xử lý sau.”
Trì bà ngoại cũng hơi không yên lòng về cô cháu dâu Trịnh Diễm, bà cũng già rồi – nhàn rỗi không có việc gì làm, rảnh quá thì đi bổ não. Mặc dù có rất nhiều người (đều là kẻ lừa gạt Trì Tu Chi đã sắp xếp) đến chỗ bà tán dương Trịnh Diễm không biết bao nhiêu cho kể, nhưng không thể ngăn kẻ ăn no rửng mỡ phỏng đoán lung tung, bên cạnh lại có Trì mợ luôn sầu xuân xót thu. Trì bà ngoại không khỏi lo lắng: “Tuổi nó còn nhỏ, không biết có thể nghỉ ngơi? Làm việc có đảm bảo không nữa?”
Trì bà ngoại nói chuyện có vẻ thẳng thắn, hoặc nói cách khác, khả năng nghe hiểu của Trịnh Diễm rất tốt, lại nghe bà tiếp: “Trì gia chỉ còn nó là độc đinh, ở nhà A Diễm là con gái cưng, xuất giá làm dâu Trì gia, Đại lang giao cho con, phải học cách chăm sóc người khác nhé.” Trì mợ ngồi bên cũng lên tiếng phụ họa, tính mợ vốn lãnh đạm, giọng điệu cũng lạnh lùng: “Thất nương còn nhỏ, chuyện gì cũng phải chú tâm học hành.”
Bình thường nói thế thì cũng không có gì, nhưng ngày nào cũng nghe thì không chịu nổi. Trì Tu Chi cũng không chịu nổi mà thú thật, quá khứ đen tối nào cũng khai, ngay cả những tính toán nhỏ nhặt của mợ, chàng cũng kể ra hết, Trịnh Diễm biết người mợ này muốn gả cháu gái của mình cho Trì Tu Chi. Mỗi ngày nghe thế, Trịnh Diễm không phải chị đại không rõ thiện ác, rõ ràng Trì bà ngoại đã chấp nhận rồi, nhưng mợ lại rất lạnh nhạt với mình. Trịnh Diễm sao có thể là người chịu thua thiệt? Tủm tỉm trả lời: “Bà yên tâm, nhất định cháu sẽ nuôi chàng trở nên trắng trẻo béo tốt. Nghe Trì lang kể, lúc phu nhân con sống, xem hai nhà như một, chuyện gì cũng tự làm, phụng dưỡng rất chu toàn. Dù rằng cháu kém cỏi, nhưng cũng muốn học theo người.” Tỏ ý muốn mời mợ cứ tiếp tục không màng khói lửa nhân gian cũng được.
Trong lòng mắng thầm: Trên đời này còn có cặp mẹ chồng con dâu nào lại sống dựa vào con gái như hai người? Lúc mẹ chồng ta còn sống thì bà đã chăm sóc hai người, bà chết rồi, đến phiên Trì Tu Chi gánh lấy, các người đã làm được cái khỉ gì?! Nhất là người mợ kia, chồng mợ chết n năm, mợ có chăm sóc ông chồng nào đâu!
Bà ngoại ta mất sớm, mỗi năm đốt vàng mã, gọi Khương thị là mợ (vợ của Vu Nguyên Tề), bà ấy còn phải nhìn sắc mặt ta mà sống. Trịnh Diễm thề, không khiến Trì mợ thành thật, nàng sẽ không quan tâm đến chuyện của nhà này nữa, phát huy sở trường biến Phế Thái tử thành Thái tử!
Trịnh Diễm rảnh rỗi mời một đống kẻ lừa đảo đến chỗ Trì bà ngoại chơi, nói chuyện cùng bà. Trì bà ngoại hơi nhát gan, tư tưởng hơi cổ hủ, nhưng vẫn còn thói cũ của phong cách thế gia, không làm người khác chán ghét, những phu nhân được mời tới đều vui vẻ hầu chuyện với bà, hòng lấy lòng tâm phúc trước mặt Hoàng đế, Trì Tu Chi, quan trọng hơn là bán cho Trịnh Diễm cái nhân tình. Trịnh Diễm đi báo tin miễn phí cho Trì bà ngoại, đồng thời chuẩn bị viết thư cho Trì Tu Chi – vừa vặn trong kinh có người mang thư tới.
Trì mợ bảo vợ hiền chồng ít gặp họa, chớ chiếm dụng tài nguyên quốc gia, không nên làm phiền Trì Tu Chi ‘chớ sinh sự.’ Thật ra trong lòng của Trì mợ vốn một nửa vì Trì Tu Chi, một nửa vì không thích thấy Trịnh thị mới phất khoe khoang như vậy, không phải hoàn toàn là chỉ trích. Đạo lý thì đúng, hoàn toàn đúng, những chuyện liên quan tới quân đội, gây thêm phiền là không được. Nhưng những chuyện bảo mật này, tùy từng đối tượng mà sẽ khác, càng trên cao, càng làm trái quy tắc. Hơn nữa không phải Trì Tu Chi đi lãnh binh, nếu không phải Trịnh Diễm từ đề xuất, Trì mợ cũng có thể phái người đi truyền tin đó thôi.
Trịnh Diễm thành thật trình bày với Trì bà ngoại: “Lần này cháu không dám đến chỗ cha nói dông dài nữa đâu, mợ đã cũng nhắc nhở, không thể thư từ qua lại với Trì lang nữa rồi. Có lẽ cũng đã đến nơi, không biết có dẹp an thổ phỉ không nữa, chắc hộ vệ cũng tận tâm, hi vọng Trì lang được bình an.” Quẳng Trì mợ ra khỏi bờ rào. Chắc chắn khi nàng rời khỏi Trì bà ngoại nhất định sẽ lải nhải mãi: “Nhớ Đại lang quá, nếu có thư thì tốt, tiếc là không thể vì việc riêng mà lờ chuyện công, không thể liên lạc được rồi. Nhất định Đại lang phải bình an nha cháu!” Khiến Trì mợ đứng ngồi không yên mãi đến khi Trì Tu Chi trở về.
Trịnh Diễm còn bắt chước theo người mẹ chồng không được gặp, đảm đang tiếp nhận Trì gia, quản lý nhà của Trì bà ngoại, nàng không muốn phải để tâm tới Trì mợ, chẳng qua rảnh rỗi tiện tay thôi, nói thẳng ra thì nàng ghét Trì mợ lắm. Xin phép Trì bà ngoại một tiếng, bảo là trước khi Trì Tu Chi đi có dặn, thuận lợi được Trì bà ngoại trao quyền.
Khả năng xử lý công việc của Trịnh Diễm đúng là hạng nhất, tính toán sổ sách rõ ràng, đọc qua tên ai rồi là không quên, lại thêm nàng có triều đình đằng sau, làm chuyện gì cũng vang dội, đủ mọi thủ đoạn đếm không hết. Trong mắt Trì bà ngoại thì đó đúng là phong cách của Trì mẹ, Trì bà ngoại lau nước mắt: “Nhìn thấy cháu là ta nhớ tới A Tố (Trì mẹ), cháu đừng nhọc sức quá.”
Trì mợ gầy hơn, Trịnh Diễm thương cảm lau nước mắt: “Mợ lo lắng cho Đại lang như vậy, đúng là trưởng bối có lòng.” Khiến Trì bà ngoại khen cháu dâu hiểu chuyện. Trì mợ khổ sở một bụng mà không thể nói ra, từ nay về sau lại khôi phục bộ dạng không màng khói lửa nhân gian.
Trịnh Diễm miệng bảo không thư từ với Trì Tu Chi, chứ thật ra lén lấy công làm riêng không ít, viết một bức thư dài kể lại mọi chuyện trong kinh cho Trì Tu Chi, còn cố tình giải thích, thấy Trì bà ngoại già rồi mà Trì mợ gầy thế, không nên vất vả, thường đi tới thăm nom, thay người gác cổng của người ta, lại còn đi cửa sau nhờ Kinh Triệu và chấp Kim Ngô thường xuyên phái người tới nhà Trì bà ngoại để tuần tra xung quanh, ngừa sinh sự. Còn bảo mợ không cho chiếm dụng tài nguyên quốc gia, đành không kể tin tức của Trì Tu Chi cho hai người, nhưng sẽ cẩn thận giả vờ suy đoán để nói chuyện với bà ngoại, dù bà hơi lo lắng, nhưng đã khá hơn nhiều. Còn viết về tình hình hiện tại của Trì bà ngoại, thích ăn gì, thích nghe chuyện cười gì nữa.
Trì Tu Chi hồi âm: “Láu lỉnh!” Chàng hiểu người thân của mình, hai vị trưởng bối này đã khiến chàng và mẹ bận tâm biết bao nhiêu, khi xuất kinh, lo nhất là sợ hai người không sống nổi. Trịnh Diễm bằng lòng nhận xử lý chuyện phiền phức thế, Trì Tu Chi mong còn không được – có vợ thật là tốt. Về phần phải chịu ràng buộc, bản thân Trì Tu Chi đã có kinh nghiệm, đúng là phải kiềm chế hai người phụ nữ này, hơn nữa Trì mợ từng có mưu tính nhỏ nhặt, bây giờ lại hơi thành kiến, bắt bẻ Trịnh Diễm, bị chỉnh cũng là tự tìm – thật ra Trịnh Diễm đối xử với Trì bà ngoại rất tốt.
Đánh đấm với kẻ dưới cơ, thật đúng là chẳng có tí cảm giác thành tựu nào. Trước đây không động tới vì lười quản, bây giờ rất nhàn, vừa để giết thời gian, không thể người ta nghĩ mình là M được, nhẫn nhục chịu đựng cái *beep*, đó là coi thường bản thân, Trịnh Diễm tự thấy mình không phải là người như thế. Phản ứng của Trì bà ngoại có điều kiện, trước là con gái sau là cháu ngoại, có người xử lý mọi chuyện thuận lợi cho mình, bà sẽ không quản, nay có Trịnh Diễm tới, lại là cháu dâu danh chính ngôn thuận, bà cũng chấp nhận sự thật. Cốc thị biết lợi hại, đành tắt lửa.
Trịnh Diễm vui vẻ lên xe về nhà.
***
Ừ thì, đi đêm có ngày gặp ma, còn đây thì khác, bị bắt tại trận ngay trước cửa nhà. Hai bên đang vui vẻ, gặp nhau thì hết vui. Một ghen tức, một chột dạ.
Trịnh Diễm cười chạy tới đỡ tay Trịnh Tĩnh Nghiệp: “Hôm nay cha đã vất vả rồi.”
“Hừ.” Gái lớn khó giữ.
Lúc ăn cơm, Trịnh Tĩnh Nghiệp để lại mặt mũi không chọc ghẹo Trịnh Diễm, Trịnh Diễm ăn xong tránh đi, ngồi trong phòng rầu rĩ gấp hạc, xếp sao. Đầu tiên viết chữ ‘bình an’ lên giấy, để khô, bắt đầu ngồi xếp, vừa xếp được hai ngôi sao, thang gác bị đạp vang rầm rầm, người bên chỗ Đỗ thị tới thông báo: “Thất nương, người trong phủ Trưởng công chúa, báo… Trưởng công chúa sắp sinh rồi.”
Trịnh Diễm ngừng tay, bỏ ngôi sao đang cầm lên bàn: “Cha đang ở thư phòng à?” Sắp đến giờ giới nghiêm, muốn ra phố thì phải có giấy thông hành. Trịnh Diễm có thể bắt chước theo nét chữ của Trịnh Tĩnh Nghiệp, ngoại trừ Cố Ích Thuần thì không mấy người có thể phân biệt đâu, vấn đề là trên đó phải có con dấu của Trịnh Tĩnh Nghiệp.
Nhanh chóng có được giấy cho phép, Trịnh Diễm cưỡi ngựa chạy thẳng tới chỗ Trưởng công chúa Khánh Lâm. Sắp tới cổng lớn, trống vang lên. Vì có câu sớm chuông tối trống, đây là tín hiệu báo đến giờ giới nghiêm. Tại nhà Trưởng công chúa Khánh Lâm, Trưởng công chúa Nghi Hòa đã tới, vốn là chị ruột, lần trước sinh con mà không có người thân bên cạnh (*), Trưởng công chúa Nghi Hòa cảm thấy mình không tròn bổn phận. Nay Trưởng công chúa Khánh Lâm làm mai giúp Quách thị, còn Quách Tĩnh được Trịnh Tĩnh Nghiệp âm thầm chuẩn bị để đi đánh bóng thành tích, mặc kệ là dưới góc độ nào, Trưởng công chúa Nghi Hòa cảm thấy phải chăm sóc tốt cho em gái. Cho nên từ khi gần đến ngày sinh, luôn cho người tới hỏi thăm. Phủ của hai vị công chúa ở gần nhau, tới sớm hơn Trịnh Diễm đang cưỡi ngựa chạy đến.
(*) Chương 52 – lúc đó chỉ có Trì Tu Chi, Trịnh Diễm và Cố Ích Thuần.
Không để tâm đến chuyện chào hỏi, đều cố gắng góp sức, không lâu sau, Đỗ thị cũng đến nơi. Vì đã từng trải, tình hình trong phủ cũng ổn định hơn, Trưởng công chúa Khánh Lâm sinh con suôn sẻ, không quá tốn sức, thuận lợi sinh thứ tử ra đời.
Trưởng công chúa Nghi Hòa vui vẻ nói: “Con bé này đúng là phúc tới muộn!” Lại phái người vào cung báo tin, bị Trưởng công chúa Khánh Lâm đang điều hòa hơi thở ngăn lại: “Đang giờ giới nghiêm, trong cung đã khóa cổng, muốn tin tức thì phải đánh trống. Đây đâu phải chuyện gì lớn, đừng làm phiền Thánh nhân.” Trưởng công chúa Nghi Hòa giận dỗi: “Có mỗi muội biết lo cho người à. Thôi thôi, hôm nay không đi thì thôi vậy, Trường sử của muội đâu rồi? Bây giờ dặn hắn nhớ cho kĩ, sớm mai vào cung báo tin tốt ngay, để Thánh nhân vui vẻ một chút. Lâu lắm rồi mới nghe được tin vui thế. Muội cứ yên tâm nghỉ ngơi, nhũ mẫu đâu?”
Vội vội vàng vàng lo cho bé con. Đỗ thị hỏi: “A Ninh đâu rồi? Có chăm sóc tốt cho nó không?”
Trịnh Diễm phe phẩy khăn làm quạt: “Ném đến chỗ thầy rồi ạ, để cha con hai người mắt lớn trừng mắt nhỏ. Đúng là kì lạ, ngày thường tính ra thằng nhóc này người nói nhiều nhất, hôm nay lại lắp ba lắp bắp, a a mãi không xong, khiến thầy cũng nói lắp theo.” Nàng còn nhại lại một câu “Người, người người, người… người đâu!”
Trưởng công chúa Khánh Lâm sinh con, không để ý chi tiết nào, vừa nghe nói, sực nhớ ra, phun hết thìa canh vừa uống. Trịnh Diễm đã quen trưng dụng một tiểu viện nhỏ trong nhà Trưởng công chúa Khánh Lâm làm chỗ ở, hôm ấy nghỉ tạm ở đấy với Đỗ thị. Hôm sau vì chuyện của Trưởng công chúa Khánh Lâm mà bận bịu suốt, Trưởng công chúa Nghi Hòa cũng thường xuyên tới giúp một tay, mãi đến khi mọi chuyện vào đúng quỹ đạo, Trịnh Diễm lại cảm thấy mình quá nhàn rỗi.
Rảnh rỗi đến ngứa tay, không làm gì thì trong lòng không yên, lại bắt đầu xếp sao gấp hạc. Vẫn luôn cho rằng người ta lúc yêu đương sẽ rất ngốc, không ngờ mình cũng ngớ ngẩn chẳng kém. Xếp một đống hàng thủ công, được A Thang gom lại cất vào trong hộp: “Thất nương, đã khuya lắm rồi, nên ngủ đi.”
Trịnh Diễm rầu rĩ: “Biết rồi.”
Hôm sau trời vừa rạng sáng, nhìn một mảnh xanh nhạt ngoài cửa sổ, không biết tại sao lại sực nhớ tới một câu thơ ‘Hối vì bảo chàng kiếm phong hầu làm chi’(*). Hối hận sao? Trịnh Diễm nghiêm túc ngẫm nghĩ, cũng đâu phải nàng ‘bảo’ chàng vậy, buộc chàng bên váy cũng chẳng phải đạo lý sống. Nghĩ ngợi một hồi, chỉ có câu ‘Chỉ mong lòng chàng như lòng thiếp’ là hợp ý nhất.
(*) Câu thơ trong bài Khuê oán của Vương Xương Linh.
Không biết Trì Tu Chi bây giờ thế nào rồi.
Trì Tu Chi… Những việc chàng trải qua vừa có vẻ kì lạ, cũng rất truyền kì, không ngờ một Phủ úy sứ như chàng lại gặp phải lưu dân.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT