Tôi mong gặp một người như em.

Nước xanh biêng biếc, nỗi nhớ vỗ sóng xao động.

Gió ẩn trong cây và lá muốn hát tình ca. Ánh nắng dội mòn đám đá cuội, ký ức ngày một lắng sâu.

Nước mưa muốn nhìn vào đáy mắt người tình, nên tìm mọi cách rớt xuống mép ô.

Đó là những tâm sự trong lòng bạn, những tâm sự chỉ có tôi thấu hiểu bởi những người khác còn bận lên đường, họ ra đi vội vã, chẳng buồn ngoái lại nhìn bạn.

Ngày nắng, chiếc bóng líu ríu bên cạnh anh, đêm sâu, chiếc bóng biến thành bóng tối, ôm trọn giấc ngủ của em.

1. Tôi mong gặp một người như em.

Tôi mong gặp một người như em. Thanh khiết, tinh khôi như buổi sớm giữa rừng sâu non thẳm, trong lành, ấm áp tựa vạt nắng vàng trải nhẹ trên lối nhỏ trong thành cổ, quấn quýt da thịt tôi. Từ bình minh cho tới hoàng hôn, từ miền sơn cước cho tới chốn thư phòng, mọi câu hỏi đều sẽ trở nên hết sức đơn giản. Tôi mong gặp một người như em, cùng tôi đi suốt tương lai, miệt mài nhẩm đếm từng cột mốc trên hành trình cuộc đời.

Quản Xuân là gã mù đường vĩ đại nhất mà tôi từng biết. Cậu ta kinh doanh một quán bar nhỏ, và vì cậu ta mua nó vào thời điểm giá nhà đất Nam Kinh đang xuổng rất thấp, cậu ta không cần thuê mặt bằng nên áp lực kinh doanh không quá lớn.

Quản Xuân và cô bạn gái Mao Mao cãi nhau như cơm bữa. Lần nọ, tôi đến khuyên can, cũng tiện thể xin bữa cơm. Chúng tôi vào một nhà hàng, bọn họ trừng mắt nhìn nhau còn tôi cắm đầu ăn uống. Quản Xuân tức giận quăng đũa xuống bàn, bỏ vào nhà vệ sinh, nửa tiếng sau vẫn không thấy ló mặt ra. Mao Mao gọi điện thoại nhưng di động của cậu ta vứt trên bàn, vào nhà vệ sinh tìm cũng không thấy người đâu.

Mao Mao nghiến răng nghiến lợi bảo rằng tên khốn bỏ về trước rồi. Ngay sau đó, mồ hôi đầy đầu, Quản Xuân hớt hơ hớt hải chạy vào từ cửa chính nhà hàng, chúng tôi sững sờ. Cậu ta thì thào, đi vệ sinh xong và nghĩ xong lời thoại cho cuộc cãi vã tiếp theo, cậu ta hùng dũng quay ra. Ai ngờ lúc xuyên qua hành lang lại tiến thẳng một mạch đến hiệu sách Tân Hoa. Theo chỉ dẫn của người đi đường, cậu ta đi tiếp đến quảng trường trên phố Chính Hồng. Cuối cùng đành cắn răn bắt taxi. Tài xế taxi mải miết chạy mà không biết nhà hàng nằm ở đâu. Cậu ta tả chán chê một hồi thì xe đến Lầu Trống (*). Cậu ta đành phải đổi xe khác quay lại.

Thật kỳ khôi, ăn cơm ở Tân Nhai Khẩu (**), đi vệ sinh một lát mà lạc đến tận Lầu Trống.

Mao Mao vừa tức vừa buồn cười.

Họ cãi nhau luôn là vì việc kinh doanh của quán bar không được suôn sẻ, Mao Mao thấy tốt nhất là nhượng lại quán cho ai đó, rồi mua một căn nhà và làm đám cưới. Quản Xuân thì cho rằng kinh doanh gặp khó khăn thế nào, thì quán bar cũng là tâm huyết của cậu ta nên không muốn bán.

(*) Lầu Chuông, Lầu Trống là kiến trúc tiêu biểu của các thành phố Trung Quốc thời cổ đại. Lầu Chuông được xây dựng phía Bắc thành phố, Lầu Trống ở phía Nam

(**) Tân Nhai Khẩu nằm ở trung tâm thành phố Nam Kinh, là một trung tâm thương mại nổi tiếng của Trung Quốc với lịch sử hàng trăm năm.

Hồi đó tôi mới là sinh viên năm thứ tư, những thứ họ bàn cãi còn quá xa vời đối với tôi vì thế không tiện xen vào.

Họ cứ cãi nhau mãi rồi đến năm 2003 cũng chia tay . Mao Mao đến với một tay kinh doanh đồ gia dụng, người Thường Châu, đó là tất cả những gì tôi biết.

Quản Xuân vẫn tiếp tục kinh doanh quán bar nhỏ bé ấy.

Cậu ta bảo:

- Đồ đàn bà xấu xa, thế mà tôi còn định cưới cô ta! Đồ đê tiện, quẳng lại cho tôi cả đống nợ nần. Đồ khốn, cô ta ra đi cốt thanh thản cái thân mình. Đồ đểu ấy lúc bỏ đi cũng nhỏ được vài giọt nước mắt tử tế.

Tôi bảo:

- Đừng chửi nữa, khó nghe lắm!

Quản Xuân trầm ngâm một lúc, nói:

- Con mụ đanh đá!

Nói xong thì khóc.:

- Sao tôi thấy nhớ mụ ấy thế!

Năm đó, vừa tốt nghiệp xong, ngày nào tôi cũng say khướt. Một tối nọ khi tôi đã nốc khá nhiều còn cậu ta chưa một giọt nào, cạu ta dìu tôi lên chiếc Palio mà cậu ta mua lại của người khác, bảo đưa tôi đi uống tiếp. Sáng hôm sau, lúc tỉnh lại, tôi thấy chiếc xe đỗ trên bãi cỏ ven đường quốc lộ, phía trước là tấm bia đề biên giới tỉnh An Huy.

Tôi thất kinh, lâp tức tỉnh như sáo, rối rít hỏi han tình hình. Quản Xuân dụi mắt, bảo:

- Tôi vào nhầm hướng đường cao tốc.

- Sao không vòng lại?

- Vòng rồi, nhưng vào nhầm đường khác.

Khoảnh khắc ấy, tôi thấy đầu óc mình hoàn toàn trống rỗng.

Quản Xuân bảo:

- Sao tôi cứ nhầm đường suốt thế nhỉ?

Tôi gắng giữ bình tĩnh nói:

- Không sao

- Cuối cùng tôi cũng đã hiểu ra, tôi không tìm được đường đi, nhưng Mao Mao thì đã. Cô ấy bảo từng yêu tôi, nhưng tình yêu cũng có thể thay đổi. Bây giờ, người cô ấy yêu là lão già đó. Tôi điên lắm, tôi trách cô ấy phản bội, một kẻ phản bội có tư cách gì mà lên tiếng. Nhưng giờ tôi đã hiểu không ai có thể kiểm soát được con tim. Cho dù tôi có gào lên đồ khốn, cô không được thay lòng đổi dạ, thì cô ấy sẽ không thay lòng đổi dạ hay sao? Mẹ kiếp!

- Cậu không biết rạn nứt xuất hiện từ khi nào sao? Lúc phát hiện ra cậu phải tìm cách vá nó lại chứ!

Quản Xuân lắc đầu, rồi đột nhiên nổi đóa:

- Vá cái cục mứt ấy! Chuyện xảy ra rồi còn nhắc lại làm gì. Tóm lại, mặc dù tôi nghĩ đã thông, nhưng đừng để tôi gặp lại cái đồ...bà chằn ấy.

Tôi ấm ức, rõ ràng cậu ta là người khơi ra đầu tiên cơ mà. Ngẩn ngơ một lát, tôi hỏi:

- Cậu có bao nhiêu tiền trong người?

Cậu ta đáp: 4.000. Tôi đếm trong túi mình còn hơn 3.000 mới hào hứng bảo:

Tôi có diệu kế này, hay chúng ta cứ lái xe đi tiếp, gặp ngã rẽ thì ném đồng xu xuống đường, hướng chính diện thì ném sang trái, ngược lại thì ném sang phải, ném chán thì tiếp tục đi thẳng.

Cứ thể ngày này qua ngày khác, chúng tôi lang thang trên đường không mục tiêu. Lúc êm ru, lúc gập ghềnh, khi yên ả, khi ồn ào, có lúc gặm gà nướng ở một thị trấn nhỏ, có khi say bét nhè trong quán bar trong thành phố, vất vả lắm chúng tôi mới đi hết Giang Tây, rồi vòng về Chiết Giang.

Chiều tối đến địa phận tỉnh Phúc Kiến. Chúng tôi ngang qua những cánh đồng hoa cải dầu bát ngát lừng danh, những thôn làng tựa lưng vào núi, xe chúng tôi chạy trên con đê dài và hẹp, hai bên là đầm nước, không có đèn đường, ánh trăng len qua kẽ lá, rót những chùm sáng xuống mặt đường đá sỏi. Không ít lần chúng tôi gặp những biển bảo bằng gỗ “đường chưa thông”.

Gần đến Long Nham thì xe chết máy, nắp capô bốc khói, chúng tôi sợ hãi không dám bật lửa. Quản Xuân thở dài:

- Đúng lúc hết sạch tiền, thôi thì nó cũng đã “tận trung báo quốc”, tìm xưởng sửa chữa ô tô nào bán quách đi, tôi với cậu mua vé tàu về Nam Kinh.

Cậu ta bán xe được hơn 1.000. Trước khi xe bị kéo đi, Quản Xuân mở cốp sau, thẩn thờ bảo:

- Cậu nhìn đi.

Tôi ngó vào thì thấy bên trong bày la liệt đồ đạc Mao Mao để lại: ảnh chụp, post card, cốc uống trà, thảm trải, có cả bàn chải đánh răng nữa.

Quản Xuân đóng cốp xe “sầm” một tiếng bảo:

- Kéo đi, từ nay ông đây không muốn nhìn thấy cô ta nữa. Nếu có tình cờ gặp mặt, cô ta sẽ bị ăn một cái bạt tai.

Tôi ngập ngừng hỏi:

- Mấy thứ này bỏ đi hết hả?

Quản Xuân ném cho tôi một tấm bưu thiếp, nói:

Lúc tôi quen Mao Mao cô ấy đang học đại học ở Thượng Hải. Mao Mao rất thích một đoạn văn của cậu, đã chép vào tấm bưu thiếp này gửi cho tôi, bảo đây là yêu cầu của cô ấy đối với tôi. Yêu cầu cái con khỉ, tôi không thực hiện được, trả cho cậu này!

Tôi liền bỏ vào ba lô.

Xe kéo kéo đi mất chiếc xe Palio cà tàng nát bươm và cả một miền ký ức đầy ắp.

Quản Xuân đứng rất lâu bên vệ đường quốc lộ, giữa khói bụi mịt mù.

Tôi thầm nghĩ liệu cậu ta có cố ý chở theo một xe đầy ắp kỷ niệm, đến nơi xa nhất có thể, rồi trút bỏ lại tất cả.

Quay về Nam Kinh, Quản Xuân dồn hết tâm sức vào việc kinh doanh quán bar, kết quả, cậu ta đã khiến nó trở nên phát đạt. Khách khứa lúc nào cũng chật quán, bất kể cuối tuần hay ngày thường. Sau khoảng một năm thì cậu ta mua xe Passat của Đức. Khi ấy công việc kinh doanh của quán đã rất ổn định, Quản Xuân giao cho em gái quản lý, bản thân nhàn rỗi không có việc gì làm, cậu ta thường đưa mấy thằng bạn ất ơ đi hóng gió chỗ nọ, chỗ kia.

Đêm mùa hè trên đỉnh núi, một người bạn của chúng tôi bảo, chuyến này Mao Mao tiêu đời rồi. Tôi liếc Quản Xuân, thấy cậu ta mặt mày lanh te, mới mạnh dạn hỏi rõ sự tình. Người bạn kể, chồng Mao Mao mua đất làm dự án ở Hà Nam, gặp phải bọn lừa đảo, miếng đất ấy không có sổ đỏ, hàng chục triệu nhân dân tệ coi như đi tong, anh ta phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhờ vả người giải quyết giúp rắc rối.

Gần đây, tôi chỉ biết chồng Mao Mao đã phá sản, ngân hàng bắt đầu rao bán nhà cửa, đất đai của vợ chồng họ.

Quản Xuân cười nhạt bảo:

- Đáng đời.

Một ngày nọ, chúng tôi đi ngang qua khu tập thể đó, Quản Xuân đột ngột phanh gấp, trỏ chiếc xe Jeep đang chầm chậm tấp vô lề đường, bảo:

Nhìn kia kìa, đấy là xe của lão chồng bà chằn, chắc cũng sắp bị thi hành án kéo đi rồi.

Chiếc Jeep dừng lại, Mao Mao xuống xe, chầm chậm bước đi. Dường như tôi nghe thấy cả tiếng khóc thút thít của cô ấy.

Quản Xuân quay sang bảo:

- Thắt dây an toàn!

Tôi làm theo như một cái máy, Quản Xuân cười hì hì, rồi gào lên:

- Này thì thay lòng đổi dạ này!

Cậu ta nhấn ga, lao thẳng vào chiếc xe Jeep phía trước.

Túi khí an toàn bắn vào mặt, cặp kính của tôi không biết văng đi đâu. Một tiếng cuồng nộ vang lên trong tôi. Đồ chết bằm, đồ chết vằm! Đồ chết tiệt! Ông mà chết nhất định sẽ mò đến quán rượu của mày làm loạn.

Người đi đường đổ xô đến, tôi thấy rõ gương mặt tái mét vì sợ hãi của Mao Mao ở khoảng cách mười mấy mét và gương mặt bặm trợn của Quản Xuân ở khoảng cách một mét.

Vì một phút hả lòng hả dạ Quản Xuân đã phải bán quán bar.

Tiền chuyển nhượng được đúng một triệu nhân dân tệ, bồi thường cho Mao Mao hết bảy trăm năm mươi ngàn. Còn lại hơn hai trăm ngàn, cậu ta kéo mấy người bạn nhạc sỹ đi khắp các thành phố mở những buổi biễu diễn âm nhạc quy mô nhỏ, nghe nói đều tổ chức ở những quán bar tập trung dân nghệ sỹ địa phương. Cũng nghe nói mỗi buổi diễn lỗ năm ngàn.

Chứng kiến tình cảnh ném tiền qua cửa sổ ấy, tôi không khỏi cảm thán: chịu chơi quá thể!

Tôi cũng chia tay Nam Kinh, lang thang khắp Bắc Kinh, Thượng Hải. Tôi không gọi được cho Quản Xuân vì cậu ta chẳng bao giờ mở máy. Mở QQ, thi thoảng mới thấy cậu ta xuất hiện, bọn tôi cũng chỉ chuyện trò qua loa vài câu.

Trong lòng tôi vẫn luôn canh cánh nỗi nghi hoặc không nhịn được mới hỏi:

- Có thật cậu đâm xe cho bõ tức không?

Quản Xuân gửi hình ảnh gương mặt ngầu cho tôi, và đáp:

- Tôi lạ gì cái xe cà tàng đó của cô ta, cùng lắm là bán được hơn ba trăm ngàn.

- Cậu bồi thường cho cô ấy bảy trăm năm mươi ngàn có phải để cô ấy dư dả chút tiền trang trải cho cuộc sống về sau không?

Quản Xuân không trả lời ngay, chỉ gửi biểu tượng gương mặt ngầu. Rất lâu sau cậu ta mới nói:

- Cũng có thể. Nói tóm lại, anh đây đâm xong thấy rất hả hê..

Vừa gõ xong câu kia, tên ranh liền thoát khỏi phần mềm chat, hình đại diện tối thui.

Tôi chợt nghĩ ra một chuyện, chạy đi lục tung chiếc ba lô rách bươm để tìm tấm bưu thiếp kia. Tấm bưu thiếp viết:

Tôi mong gặp một người như em. Thanh khiết, tinh khôi như buổi sớm giữa rừng sâu non thẳm, trong lành, ấm áp tựa vạt nắng vàng trải nhẹ trên lối nhỏ trong thành cổ, quấn quýt da thịt tôi. Từ bình minh cho tới hoàng hôn, từ miền sơn cước cho tới chốn thư phòng, mọi câu hỏi đều sẽ trở nên hết sức đơn giản. Tôi mong gặp một người như em, cùng tôi đi suốt tương lai, miệt mài nhẩm đếm từng cột mốc trên hành trình cuộc đời.

Tôi ngước nhìn thành phố Bắc Kinh ngoài cửa sổ, tuyết đã rơi.

Không trụ nổi, vài năm sau tôi về lại Nam Kinh. Chừng một tháng sau, khi đã cháy túi, Quản Xuân cũng trở về, cậu ta vạ vật trong căn phòng thuê tồi tàn của tôi. Sau mấy ngày nằm ườn ở nhà xem phim truyền hình, bọn tôi quyết định ghé thăm quán rượu năm xưa.

Chúng tôi vào cửa, quán vắng teo, chỉ thấy một cô gái đang lau cốc rất chuyên nghiệp ở quầy bar.

Quản Xuân đột ngột dừng bước. Tôi đưa mắt nhìn kỹ, thì nhận ra cô gái chính là Mao Mao.

Mao Mao ngẩng lên, mỉm cười chào hỏi:

- Các anh đến đấy à?

Quản Xuân quay ngoắt người định bỏ đi, bị tôi túm giữ lại.

Mao Mao nói:

- Thực ra lúc anh đâm xe, em đã chia tay với anh ta. Anh ta không chịu đăng ký kết hôn với em, vì sao thì em cũng chẳng buồn hỏi. Sau khi chia tay, anh ta chia cho em chiếc Jeep cũ kỹ ấy. Em dùng số tiền bồi thường của anh cộng với khoản tiền bố mẹ dự định mua nhà cho em để chuộc lại quán rượu này.

Cũng được một năm rồi đấy nhưng chẳng có mấy khách.

Miệng Quản Xuân lúc há lúc khép, nhìn khẩu hình thì tôi có thể đoán ra ba chữ: Đồ bà chằn...

Mao Mao đặt chiếc cốc xuống, nước mắt lã chã, nói:

- Em không biết kinh doanh, anh lấy em được không?

Quản Xuân xoay lưng về phía Mao Mao, tôi thấy có vẻ cậu ta rất căng thẳng. Tôi sợ cậu ta sẽ xông tới tát Mao Mao, nên ra sức kìm chặt cậu ta lại.

Quản Xuân gật đầu.

Đó là cái gật đầu long trọng nhất mà tôi từng chứng kiến. Thật chậm rãi, từng xăng-ti-mét đi xuống, từng xăng-ti-mét đi lên, rồi lại từng xăng-ti xăng-ti-mét đi xuống, chậm rãi mà kiên định.

Quản Xuân xoay người lại, nước mắt đầm đìa, nói:

- Mao Mao, có phải em thấy rất khổ sở không? Anh có thể lấy em không?

Tôi biết những người xung quanh sẽ không hiểu. Mà thực ra thì, chuyện tình yêu đâu cần người khác hiểu.

“Tôi yêu em” hay “Em yêu anh” vốn chỉ có ba chữ. Ba chữ mà hợp thành câu nói phức tạp nhất trên đời.

Có người giấu sâu trong tim, có người buột miệng là nói. Cũng có người lặng nhìn bạn và hỏi: Em có thể chờ anh không? Chờ anh tỉnh ngộ, chờ anh tỏ tường phải trái, đúng sai, chờ anh thuyết phục bản thân, chờ anh thoát khỏi vực thẳm, chờ anh chữa lành vết thương trong tim rồi anh sẽ tới tìm em.

Nhưng không ai trên thế giới này có thể chờ đợi. Bởi khi chờ đợi, mưa sẽ xối ngập con đường nhỏ, quạnh quẽ, khiến em không thể tìm thấy biển đường. Khi chờ đợi, cuốn sách cuộc đời sẽ tràn lan lỗi chữ, chẳng còn thấy được trang bìa long lanh, đẹp đẽ.

Không ai biết còn ai chờ ai trên cõi đời này không.

Nhưng Quản Xuân thì đích thực đang chờ Mao Mao.

Tôi mong gặp một người như em. Trên đời này có tình yêu như gió mát giữa rừng sâu non thẳm, có tình yêu như nắng ấm trải trong thành cổ thâm trầm. Nhưng không sao hết, cuối cùng, chỉ cần người đó là em.

Từ bình minh cho tới hoàng hôn, từ miền sơn cước cho tới chốn thư phòng, mọi câu hỏi sẽ trở nên hết sức đơn giản. Vậy nên, Quản Xuân đã gật đầu.

Và chắc chắn cũng có người sẽ gật đầu với bạn, để cùng nhau đi suốt tương lai, miệt mài nhẩm đếm từng cột mốc trên hành trình cuộc đời.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play