Nhưng sau đó nghĩ lại, tôi nhận ra, điều khiến chúng ta nhớ mãi về một chuyến đi, lại chính là những câu chuyện dở khóc, dở cười ấy. Chúng giống khung cảnh núi rừng hùng vĩ, đẹp đẽ nhất trong hành trình đời ta.

Sau khi xem Lạc lối ở Thái Lan (1) và cười nghiêng ngả ở rạp về, tôi lên mạng viết bình luận ca ngợi, được nhiều người tán dương. Đối với một câu chuyện thú vị như thế, một đạo diễn nghiêm túc, kính nghiệp như thế, chúng ta cũng nên quảng cáo miễn phí cho họ. Trong lúc tôi cười ra nước mắt khi xem phim, thì một người bạn con nhà giàu của tôi cũng đầm đìa nước mắt, nhưng không phải vì buồn cười, cậu ta đã khóc nức nở, không kìm chế được. Xem xong phim, chúng tôi đi uống liền ba cuộc rượu, tàn cuộc, cậu ta gập người nôn ọe, vừa nôn vừa khóc:

Chẳng thể vẹn toàn cả gia đình và sự nghiệp! Từ Tranh, anh rất hiểu tôi!

(1) Lost in Thailand: một bộ phim hài của đạo diễn người Trung Quốc – Từ Tranh.

Người ta luôn thấy hình bóng của bản thân trong một bộ phim nào đó. Đằng sau mỗi bộ phim hài thường là một nỗi buồn sâu thẳm. Hồi trẻ xem Đại thoại Tây Du (2), tôi đã từng vừa khóc vừa hát Tình yêu đời tôi. Nhưng bộ phim Lạc lối ở Thái Lan này rất giống những bộ phim về đề tài du lịch của Mỹ, nó khiến tôi nhớ lại những chuyến đi của mình, và nhất là những người đồng hành, những quý ngài, quý cô “ngẫn”. Những chuyến đi đó trở nên thú vị chính bởi có họ.

(2) A Chinese Odyssey: Một bộ phim hài nổi tiếng của Châu Tinh Trì.

Đầu tiên, xin giới thiệu với các bạn trợ lý của tôi, đúng vậy, cô ấy chính là một quý cô “ngẫn”. Có lúc tôi nghĩ, người này là trợ lý của tôi, vậy thì nhiệm vụ chính của cô ấy là làm nổi bật sự vĩ đại của tôi. Năm ngoái tôi đi Bắc Kinh, trời rất lạnh và gió rất lớn. Cô ấy đẩy hành lý đến chỗ ký gửi, mặt nặng như chì. Thái độ yên lặng bất thường ấy khiến tôi bất an. Máy bay hạ cánh, tôi đi nhận hành lý, phát hiện cô ấy đã biến mất.

Biển người mênh mông, đường xa thăm thẳm, cô ấy dễ dàng phát huy năng lực biến mất trong thoáng chốc.

Tôi định bỏ đi, thì thấy bóng dáng tròn trịa đứng trước băng chuyền trả hành lý. Hai mắt cô ấy sáng rực, chăm chú quan sát từng chiếc vali, từng kiện hàng trượt xuống băng chuyền. Chốc chốc lại thấy cô ấy thở dài, chốc chốc lại thấy cô ấy chồm lên rồi lại thở dài. Cuối cùng, cô ấy nhảy bổ đến, nhanh như chớp và không chút do dự, vồ lấy chiếc vali kia.

Chiếc vali có dấu hiệu rất rõ nét của việc dầm mưa dãi nắng, trên thân dán chi chít đủ mọi loại nhãn mác, cho thấy chủ nhân của nó từng đi đây đó, phiêu bạt nhiều nơi và hầu như chẳng có chút liên quan gì đến cô trợ lý tròn trịa của tôi cả. Nhưng cô vẫn nhấc nó ra như đúng rồi. Tôi nhìn cô đầy hồ nghi, nhưng cô không lấy thế làm phiền, vẫn kéo khóa, mở vali, để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình.

Kết quả là cô tròn mắt khi lật một chiếc áo lên:

- Ơ.

Lật thêm một chiếc nữa.

- Lạ nhỉ.

Cô lật đến tận đáy vali, rồi nói:

- Sao chẳng có cái nào của tôi nhỉ?

Chủ nhân của chiếc vali đứng bên cạnh, người đó rốt cuộc đã không kiện cô, có lẽ vì thấy cảm thông cho tôi, bởi khi ấy tôi gần như chết lặng tại chỗ.

Sau đó chúng tôi đi ăn cơm. Một người bạn nhà văn của tôi, nick name Chăn Bò Ở Thành Phố dẫn theo bạn gái đến chung vui. Trợ lý cả tôi cười ha ha, chào hỏi:

- Này Chăn Bò, anh có bạn gái rồi à?

Chăn Bò Ở Thành Phố đáp:

- Ừ, còn cô vẫn lẻ bóng?

- Ừ, vì tôi không giống anh, tuy tôi đói bụng nhưng không ăn bừa, ăn tạp.

Cả bàn vang lên tiếng cười khanh khách của cô, những người còn lại đều tái mặt. Vì nể nang, tôi không thể thay trợ lý, tôi chỉ cố gắng hết mức không đưa cô ấy đi công tác cùng. Nhưng một ngài “ngẫn” vĩ đại luôn có sức hút với đồng loại.

Tôi chưa tổng kết nên không biết mình có tất cả bao nhiêu trợ lý như Vương Bảo Cường (3), nhưng tôi vẫn nhớ, có người đến sân bay trước hai tiếng để làm thủ tục, cuối cùng vẫn để lỡ chuyến bay. Có người định đi siêu thị mua đồ, mà chỉ vì GPS bỗng dưng lăn đùng ra hỏng, không đi được. Có người cằn nhằn tôi: sao anh không mang theo kem đánh răng, trong khi tôi đang ở nhà cậu ta.

(3) Vương Bảo Cường: diễn viên hài, chuyên vào những vai ngây ngô, hài hước của Trung Quốc.

Và trong đại đa số trường hợp, những ngài “ngẫn” này sẽ ồ ạt xuất hiện trên đường kinh lý của bạn. Lần trước một mình tôi đi Vân Nm, trên đường gặp người đánh rơi di động, rơi ví tiền, lạc mất bạn đồng hành và đều thản nhiên chờ người khác đến nhặt, đến tìm giúp. Vẫn biết khi đi du lịch, người ta chẳng ham hố thứ gì của nhau, nhưng cũng vừa phải thôi chứ. Buổi tối về khách sạn, còn dẫn theo cả một đội tăng cường an ninh về cùng.

Đừng nghĩ những điều bất thường xảy ra trên đường đều mang đến niềm vui bất ngờ cho bạn. Tôi cũng từng bị dẫn đi lạc đường để rồi tha hồ thưởng thức cảnh đẹp hoang sơ chốn núi rừng nguyên sinh. Tôi cũng từng được nếm những món ăn quê mùa, dân dã chính hiệu. Tôi cũng từng ngồi ăn mì tôm trong trại gà. Những lúc như thế, cảm giác thú vị đã bị nỗi bực bội đè bẹp. Chẳng ai còn tâm trạng để mà thưởng thức những điều mới mẻ nữa.

Nhưng sau đó nghĩ lại, tôi nhận ra, điều khiến chúng ta nhớ mãi về một chuyến đi, lại chính là những câu chuyện dở khóc dở cười ấy. Chúng giống như khung cảnh núi rừng hùng vĩ, đẹp đẽ nhất trong hành trình đời ta.

Viết tại Lệ Giang, với một ngài “ngẫn” đang ngồi bên.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play