Điện bị cúp, trấn nhỏ vẫn thường như thế, anh thắp ngọn đèn dầu và cảm thấy bình an, thư thái. Ngồi viết dưới ánh đèn dầu có vẻ bớt đi nỗi sợ hãi, bớt đi tâm trạng đề phòng và do đó càng dễ dàng thổ lộ những gì sâu kín nhất. Một tiếng gõ cửa rất nhẹ, người trong thôn không bao giờ lịch sự như vậy, thoạt đầu là gọi tướng lên, tiếp đến vừa kêu tên, vừa đập thình thình. Anh cứ ngỡ là chó, con chó vàng bên nhà ông hiệu trưởng, mỗi lần ngửi thấy mùi thịt là chạy sang chực kiếm tí xương. Nhưng mấy ngày nay anh đều đến nhà ăn tập thể, có đỏ lửa đun nấu gì đâu mà chú ta lại sang cào cửa. Anh hơi sinh nghi liền thu gom các trang viết giấu dưới sọt than nơi góc phòng, đứng dậy đến sau cánh cửa lắng nghe, chẳng thấy động tĩnh gì cả, định quay vào thì lại có tiếng gõ nhẹ như ban đầu.
- Ai ngoài đó? - Anh hỏi to và hé mở cánh cửa để dò la, quan sát.
- Thưa thầy - giọng người con gái, đứng nép sang một bên, chìm trong bóng tối đen ngòm.
- Tôn Huệ Dung phải không? - Anh nhận ra tiếng cô nữ sinh và mở rộng hai cánh cửa.
Tôn Huệ Dung học xong hai năm và tốt nghiệp, ở lại thôn làng cày ruộng làm nông, tất cả con em các gia đình phi nông nghiệp trên thị trấn đều phải như thế, an cư lập hộ tại nông thôn, cấp trên đã quy đinh bằng văn bản và giao cho nhà trường thu xếp. Anh là giáo viên chủ nhiệm của Huệ Dung, đã chọn cho cô cái đội sản xuất chỉ cách thị trấn có hơn năm dặm đường, bí thư chi bộ là lão Triệu lưng gù, ít nhiều đã quen biết. Anh lại liên hệ nhà cố bà lão để Huệ Dung tá túc, vậy là chỗ ăn ở, nơi làm việc đều chu toàn, chứng tỏ trách nhiệm và quan tâm của thầy giáo đối với học sinh đã thực sự tỏ bày.
- Thế nào Huệ Dung, đều ổn cả chứ?
- Dạ thưa thầy, cũng được ạ.
- Nhưng chắc là phơi nắng nhiều nên trông có vẻ đen hơn một tí.
Trước ánh đèn dầu, đêm hôm nơi sơn cước, mặt cô gái đúng là hơi đen, nhưng mới mười sáu tuổi mà bộ ngực đã đẫy đà, cặp vú đang kỳ phát dục nhô lên tròn trịa và khác với gái thị thành. Huệ Dung lặng lẽ bước vào, cô không thấy thầy giáo khép cánh cửa lại, anh muốn để như vậy muốn tránh đi mọi sự nghi ngờ của làng xóm.
- Có việc gì không em?
- Dạ em chỉ đến thăm thầy.
- Thầy cảm ơn, ngồi đi em.
Anh chưa hề cho bất cứ nữ sinh nào một mình bước vào phòng, nhưng đêm nay Huệ Dung, cô gái đã tốt nghiệp, đã xa trường, đâu còn là học trò, nên anh có thể, nhưng vẫn sợ hãi, đề phòng. Huệ Dung quay người nhìn khắp căn phòng, vẫn đứng thế và trông ra cửa.
- Ngồi đi em, cứ để vậy, chẳng cần đóng.
- Chắc là không ai thấy em bước vào đây thầy nhỉ? - Huệ Dung khẽ hỏi, khiến anh thẹn thùng. Anh nhớ lại khi Huệ Dung nói, nhà em là một nữ nhân quốc, nét mặt cô ta buồn thiu và có vẻ mong muốn anh động lòng. Tôn Huệ Dung là cô gái đẹp nhất thị trấn, sau lần đưa học sinh đi biểu diễn văn nghệ phục vụ công nhân mỏ than gần đấy, đã có khối chàng trai lởn vởn ngoài lớp học, thò đầu rướn cổ nhìn xem, bọn con trai được thể hét vang: “Tôn Huệ Dung đây này!”. Ông hiệu trưởng từ văn phòng bước ra giáo huấn, “nhìn cái gì, xem cái gì?”, cả đám ồ lên “xem một tí, nhìn một tí thì đã sao? Không xem, không nhìn được, bọn ông về” và thế là như ong vỡ tổ, ào ào bỏ chạy. Sáng hôm sau lên bờ sông trông lên vách đá, tràn đầy “biểu ngữ” viết bằng phấn nguệch ngoạc “Tôn Huệ Dung đã bị bóp vú tại đây!”. Ông hiệu trưởng gọi bọn nam sinh lên tra hỏi, đứa nào viết, khai mau; cả lũ lắc đầu, em không ạ, nhưng ra đến hành lang thì rú ầm vang như một bầy quỷ. Còn đám con gái, sớm đã dậy thì, chín mọng, hiểu biết hết, nên xầm xì, bĩu môi, thè lưỡi, nói đông nói tây, vừa hờn ghen “tao cũng được bóp, được sờ, chứ đâu chỉ mình nó”, vừa chọc tức cãi vã, khóc lóc ồn ào. Anh truy hỏi vì sao mất đoàn kết, chỉ thấy đôi má Huệ Dung ửng hồng, cúi đầu thỏ thẻ, thưa thầy nhà em là một nữ nhân quốc... Nhớ lại lúc hóa trang trước khi ra sân khấu, Huệ Dung soi đi ngắm lại trong gương, rồi nũng nịu “thầy ơi, đầu em chải thế này đã đẹp chưa?”, “thầy ơi, thầy bôi giúp em tí son lên môi, rồi thầy ngắm đã đỏ chưa thầy nhé!”. Anh sờ tay lên môi cô nữ sinh của mình, sửa lại vết son sao cho thật đều, thật đỏ, nhất là hai góc, sao cho thật sắc. Huệ Dung say đắm ngất ngây, đoạn tỉnh giấc khi nghe anh nói “đẹp rồi đấy” và nâng nhẹ cô lên.
Cô gái ấy giờ ngồi trước mặt anh, dưới ánh đèn dầu, đêm hôm, sơn cước. Anh định khơi thêm bấc đèn nhưng cô ta ngăn lại, đủ sáng rồi, thưa thầy. Anh nghĩ, chắc Huệ Dung gặp khó khăn về ăn ở hay việc làm nên mới đến tìm anh nhớ giúp đỡ, anh hỏi ngay:
- Nhà ấy thế nào? - “nhà ấy” mà anh hỏi là hộ nông dân có bà lão, nơi anh liên hệ cho Huệ Dung tá túc.
- Dạ em không ở nơi ấy từ lâu rồi!
- Vì sao?
- Em phải đi giữ kho.
- Nhà kho nào?
- Nhà kho của đội sản xuất.
- Ở đâu?
- Dạ bên vệ đường, mé đầu cầu.
Anh đã biết ngôi nhà vắng vẻ ấy, một mình trơ trọi nơi cầu đá bắc qua sông.
- Em ở với ai?
- Dạ không ở với ai cả.
- Trông giữ cái gì?
- Dạ một đống cày, bừa và còn lại là rơm rạ.
- Thế mà cũng phải trông với giữ!
- Bí thư nói, sau này sẽ phân công em làm kế toán, trước tiên cũng nên có cái nhà.
- Em không sợ à?
- Dạ quen rồi, thưa thầy!
- Mẹ em có yên tâm không?
- Dạ ở nhà còn hai em gái, mẹ em đã không lo nổi cho em, vả lại lớn rồi thì còn biết nhờ ai.
Cả anh và Huệ Dung đều im lặng, ngọn đèn nổ lách tách vì trong dầu lẫn nước lạnh.
- Có còn thì giờ mà xem sách hay không?
- Sách vở gì nữa, đâu còn như hồi ở nhà với mẹ, lên lớp với thầy; bây giờ phải lo tranh giành công điểm, không được - Huệ Dung định nói, “không được như thiên đường thuở ấy”, anh an ủi động viên:
- Thế thì thỉnh thoảng về thăm lại trường, mà đường sá cũng không xa cho lắm.
Huệ Dung cúi đầu im lặng nghe thầy, tay cô cứ miết miết trên bàn nơi khe hở giữa hai tấm ván. Anh cũng không biết nói gì hơn và bỗng ngửi thấy mùi hương thoang thoảng từ mái đầu của cô gái, đoạn thốt lên:
- Nếu không có việc gì nữa thì Huệ Dung về nhé!
Cô gái ngẩng đầu, hỏi lại:
- Về đâu?
- Về nhà!
- Em có đến từ nhà đâu, thưa thầy?
- Về lại đội sản xuất!
- Em không muốn trở về nơi đó! - Huệ Dung cúi đầu, tay vẫn miết miết trên bàn.
- Em sợ ở một mình nơi nhà kho phải không, hay để thầy nói giúp, cho em trở lại nhà bà lão?-
- Dạ không...
- Em nói đi, có cần thầy giúp đỡ gì không?
Huệ Dung đứng dậy, anh nhìn rõ đôi mắt cô rất đỗi kinh hoàng, nước mắt giàn giụa.
- Tôn Huệ Dung, hãy về nhà trước đã, có chuyện gì thầy trò sẽ bàn sau.
Anh nhớ, Huệ Dung bất động, cơ hồ phải đẩy cô ta ra khỏi cửa, anh nắm hai bờ vai chắc nịch của Huệ Dung, ghé sát tai cô nói nhỏ, “sáng mai, ban ngày lại đến nhé, Huệ Dung!”
Tôn Huệ Dung đã không bao giờ lại đến với anh nữa, và anh cũng chẳng gặp được cô. Không, vẫn có một lần, vào những ngày đầu đông, cách cái đêm Tôn Huệ Dung về trường tìm anh khoảng gần ba tháng, anh đi ngang qua cổng nhà cô gái, cô ta đang ở trong vườn, rõ ràng nhìn thấy anh, nhưng không như thuở nào hớn hở chạy ra, đon đả mời thầy vào uống chén nước mà lập tức xoay lưng mất hút.
Tết nguyên đán trôi qua, một nữ sinh khác của lớp anh kẻng đánh vào học rồi mà cứ nằm bẹp trên bàn khóc nức nở. Anh điều tra nguyên nhân uẩn khúc, bọn con trai lắc đầu, em không biết, mãi sau hỏi đám nữ sinh mới rõ.
- Dạ thưa thầy, các bạn trai vừa trêu chọc bạn ấy, chúng bảo rằng “Có hơn ai mà đòi lên mặt, rồi cũng đến lúc như Tôn Huệ Dung bị lão gù làm cho to bụng mới chịu cụp đuôi!”
Tan trường, anh đến gặp hiệu trưởng.
- Tôn Huệ Dung ra sao rồi, thưa đồng chí hiệu trưởng?
- Thật là khó nói - ông hiệu trưởng ấp úng - chưa rõ trắng đen, hình như đã có thai, chắc là bị cưỡng hiếp, nhưng không dám đoán mò, nói bậy.
Anh nhớ lại đêm hôm đó Tôn Huệ Dung đến cầu cứu, chẳng rõ sự việc ấy đã xảy ra, hay cô gái dự cảm điều bất hạnh sẽ đến, và cũng có thể bị cưỡng hiếp rồi nhưng chưa biết là đang mang thai. Huệ Dung ngập ngừng không dám nói, cử chỉ chậm chạp với mùi mồ hôi chua lét, cứ ngó nhìn cánh cửa và như muốn tìm một cái gì đã rõ ràng hết thảy và cũng chuẩn bị đâu vào đó cả rồi, nhân khi điện đèn bị cúp mới tìm đến anh để không ai trông thấy. Huệ Dung rất muốn anh đóng cửa, cô không cho anh khơi thêm bấc đèn, cô ta sợ ánh sáng, vì chỉ trong bóng tối mới nói được bao điều sâu kín, mới làm cho anh thương cô, cứu cô, ngăn chặn hay can thiệp không để sự việc ấy xảy ra... Anh suy nghĩ, phán đoán... hoặc là Huệ Dung còn có mục đích gì khác?
Người thị trấn ai ai cũng đều biết, con a đầu nhà họ Tôn bị lão gù làm cho nát bét, mẹ nó dẫn đi phá thai, qua vài ngày là mọi chuyện êm ru, chẳng còn dấu tích đâu mà lần. Cổng nhà Huệ Dung mắc một ổ khóa đồng to bự, anh phải tìm đến lão Trương công an, đợi ông ta giải quyết xong vụ buôn lậu dầu thực vật, anh mới bắt đầu:
- Tôi muốn tìm hiểu chuyện của học sinh Tôn Huệ Dung sự thể thế nào?
- Hồ sơ vụ án còn đó, thầy giáo cứ cầm mà xem, nhưng tôi nghĩ, thầy không quản nổi đâu, vì đây là chuyện của địa phương chúng tôi, vả lại đám nữ sinh ngoại lai về nông thôn lao động, có thế này hay thế nọ là cũng thường tình, xảy ra nhiều rồi. Chỉ cần đương sự và phụ huynh không phát đơn kiện, không gây án mạng, tốt nhất là đừng quậy vào cho thêm rắc rối... Đây là tất cả biên bản, giấy tờ liên can đến vụ án, tôi cho thầy mượn đem về mà xem.
Anh cẩn thận lật từng trang giấy, nghiên cứu kỹ càng, có biên bản điều tra đối với mỗi đương sự Tôn Huệ Dung và lão gù, cả hai đều đóng ấn chỉ, lại còn có bản ghi lời khai của Triệu lão bà, vợ bên nam, kèm theo một bức thư Tôn Huệ Dung gửi cho gã đàn ông, đề rõ đại danh lão gù, bí thư chi bộ đại đội thôn, mở đầu xưng hô thắm thiết “anh thân yêu”, lão gù đã ngoài năm mươi, mà cô gái thì đang vị thành niên. Thư viết chỉ có hai hàng, đại để là, em rất nhớ anh, nhưng không có cách nào đến thăm anh được, chuyện ấy nói như vậy là xong, em chẳng bao giờ hối hận. Chữ “hận” viết sai thành chữ “biệt”, phía dưới ký rõ ràng họ tên “Tôn Huệ Dung”, ngày tháng ghi trong thư là sau ngày xảy ra “chuyện ấy”.
Còn lời khai của mụ vợ lão gù ghi: con đĩ dụ dỗ chồng bà, chết không nhắm mắt, thế mà vẫn dám viết thư tình “anh anh, em em” nghe ngọt xớt, ả muốn gạ một chỉ tiêu tuyển dụng mà thôi, chứ có thương với mến gì đâu... Sự việc nổ bùng lên là nhờ bác sĩ Vương trên trạm y tế công xã, biên bản điều tra họ Vương ghi: mẹ Tôn Huệ Dung tìm tôi, nhờ đến nhà thực hiện đẻ non nhân tạo cho con gái, nói rằng không thể công khai đi tới trạm, sợ chòm xóm láng giếng hay chuyện gì sau này biết gả cho ai. Tôi trả lời, tôi không làm điều phi pháp, lỡ phao tin tôi phá thai không đúng thủ tục, trước là mất chức, sau còn bị nghi ngờ, chắc đã ăn nằm với con bé. Tôi nói rất dứt khoát, không làm trái luật.
Sự việc nổ bùng, lan ra như thế nào thì hồ sơ không ghi rõ, phần khẩu cung của lão gù lại rất đơn giản: “Cưỡng hiếp? Nói bậy!”. Lão xưa nay chưa bao giờ làm cái chuyện trời tru đất diệt, táng tận lương tâm như vậy. Đừng nói tới vợ con lớn nhỏ ở nhà, mà đường đường một vị bí thư chi bộ, sao nỡ làm ba cái chuyện ấy, còn danh dự đại đội sản xuất “Hồng kỳ” nữa chứ, quyết không để tuột tay, phụ lòng bồi dưỡng của tổ chức và đồng chí lãnh đạo cấp trên. Con bé nữ sinh kia thành cáo mất rồi, đừng xem thường tiểu nhân, tâm cơ không “tiểu” đâu nhé. Hắn tắm một mình trong buồng, mà đã tắm là cởi truồng, cớ sao không chịu chốt chặt cửa, tấm ván dày như thế, hắn không mở thì bên ngoài làm sao mà chui vào được. Vào rồi, nếu không tự nguyện ắt đã kêu lên, đằng này vẫn im thin thít, lại còn rên la mãn nguyện. Tất cả đã mấy lần? Đi mà hỏi hắn, không trên giường thì cũng ngoài bờ bụi, cởi sạch trơn. Bảo là cưỡng hiếp sao không phát đơn kiện sớm, đợi bụng phình lên rồi mới bù lu bù loa, tất cả cũng chỉ vì một chỉ tiêu tuyển dụng, kỳ thực thì không nên trách hắn, con bé nữ sinh, thanh niên trí thức tội nghiệp kia, nếu không được tuyển dụng là một đời cột chặt với bùn đen.
Phần khẩu cung của Tôn Huệ Dung dày cộm cả tập giấy, hỏi rất tỉ mỉ, hỏi từ cục xà bông rẻ tiền xoa lên người, xoa những đâu cho tới bước ra khỏi chậu tắm mình còn ướt, nước chảy ròng ròng, chạy tới đống rơm rạ lau khô thì ai ở đấy và đã làm chuyện gì với nhau, làm như thế nào nghĩa là rất chi tiết không thể nào chi tiết hơn nữa, giống như đang bị cưỡng hiếp lại lần thứ hai. Bản án kết luận: nữ thanh niên trí thức mang tư tưởng giai cấp tư sản, không an tâm lao động ở nông thôn, lại còn hủ hóa bậy bạ, phải đuổi khỏi đại đội sản xuất “Hồng kỳ”, đưa tới một công xã khác và tăng cường cải tạo. Còn đối với lão gù thì ghi, tác phong sinh hoạt xấu xa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến xã hội xóm làng, ghi vào lý lịch khuyết điểm này, nhưng tạm thời bảo lưu chức vụ để xem sau này sửa chữa ra sao.
Anh do dự mấy ngày rồi mới đến gặp ông Lục, nhờ ông ta can thiệp, giúp đỡ Tôn Huệ Dung. Lục bí thư trả lời:
- Mẹ con bé cũng đã tìm mình, thai phá xong rồi, nhờ bệnh viện huyện, thế là ổn, thầy giáo khỏi phải bận tâm.
- Nhưng vấn đề là Tôn Huệ Dung còn đang vị thành niên!
- Mình vừa nói thầy giáo không nên dây vào, quậy lên. Thầy cần nhớ quan hệ nhân sự ở đây vừa thân vừa cổ, địa bàn phức tạp, thầy lại là dân ngoại lai, nếu vẫn còn muốn sống nơi này, thì hãy...
Anh hiểu lời Lục khuyên can, không cần bàn thêm nữa, anh càng hiểu, anh chẳng qua là nhờ Lục ô dù mà kiếm sống, nào có vai vế gì để dương oai diễu võ.
- Mình cũng có phần quan tâm đến mẹ con họ, chuyển con bé tới một công xã khác, đợi thời gian nửa năm, sáu tháng, dư luận lắng xuống rồi kiếm cho nó chỉ tiêu tuyển dụng, thế là yên, mẹ nó đã bằng lòng phương án đó.
Đúng là không cần bàn thêm nữa, mọi việc đã thương lượng cả rồi, giao dịch xong xuôi. Người nơi đây, đời đời kiếp kiếp lăn lộn với bùn đen, đất ruộng, thử hỏi còn có cách nào hơn, họ dung nạp anh, nếu anh ngoan và biết điều, rằng trước sau vẫn là dân ngoại lai, tha hương cầu thực.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT