Phượng Cửu ngủ li bì không biết trời biết đất, lúc tỉnh lại, nghe bên tai có tiếng gió rít ù ù, tưởng mình đang nằm mơ, lại bình thản nhắm mắt ngủ tiếp. Hai mắt vừa khép lại, bỗng giật mình, lập tức mở ra. Mão Nhật Tinh Quân điều khiển cỗ xe mặt trời, rắc ánh ban mai vàng óng xuống khắp thế gian, tiến đến gần, nhìn thấy Đông Hoa, vội vàng xuống xe, cúi lạy.

Những ngọn tiên sơn ẩn trong mây trôi vụt qua dưới chân, vài đỉnh núi xanh thẫm nhô lên lọt vào tầm mắt. Phượng Cửu ngơ ngẩn hồi lâu, vận khí run run nhấc tay lên, nhìn lại mình, quả nhiên vẫn còn là chiếc khăn lụa. Dáo dác nhìn quanh, muốn biết vì sao tiếng gió lại nghe rõ đến thế, hóa ra mình bị buộc chuôi kiếm Thương Hà, đeo ở thắt lưng Đông Hoa, cùng chàng lướt gió cưỡi mây.

Nàng mơ màng nhớ lại đêm qua đáng ra đã trốn ra ngoài, tại sao lại ở đây, chẳng lẽ sau đó lại bị bắt trở về? Nhưng cũng không nhớ gì về chuyện đó. Có thể là nàng chưa hề trốn đi, Đông Hoa thay xiêm áo xong lại đặt nàng vào trong ống tay áo rồi đi ngủ, nàng cũng ngủ theo, sau đó tất cả đều là chiêm bao? Nàng cố giữ thân cho vững, càng nghĩ càng thấy có lý, rồi lại thấy đó là một giấc chiêm bao đẹp, bỗng muốn rơi lệ…

Khi núi Phù Vũ hiện ra trước mặt, cơn gió lạnh thê lương, Phượng Cửu mới chậm chạp hiểu ra, hôm nay Đông Hoa có trận giao chiến với Yến Trì Ngộ, một trong bảy vị quân vương của Ma tộc, thì ra nàng bị đưa đến Nam Hoang này mà không biết gì.

Nói đến ân oán giữa Đông Hoa và Yến Trì Ngộ phải tính từ ba trăm năm trước, theo đồn đại nguyên cớ là vì một thiếu nữ. Tất nhiên lời đồn này chỉ lan truyền trong một số ít người, những ai hiểu rõ nội tình đều cảm thấy Đông Hoa rất oan uổng.

Chuyện là, năm xưa Hú Dương, quân vương của Xích chi, một trong bảy chi của Ma tộc, muốn liên hôn với Thần tộc, định đem tiểu muội của mình là công chúa Cơ Hoành gả cho Thần tộc, chọn đi chọn lại, cuối cùng chọn Đông Hoa Đế Quân ở cung Thái Thần. Nhưng Hú Dương đâu biết, huynh đệ kết nghĩa của mình là Yến Trì Ngộ, quân vương của Thanh chi đã sớm có tình ý với công chúa Cơ Hoành, vốn nổi tiếng có thể hiểu được tiếng nói của loài hoa. Tuy nhiên công chúa Cơ Hoành bản tính đa cảm, dễ động lòng trước những công tử phong lưu biết làm thơ sầu muộn, chơi cầm khúc bi ai. Đáng tiếc Yến Trì Ngộ có cái tên phong lưu nhất Nam Hoang, thực ra lại là một kẻ lỗ mãng, công chúa Cơ Hoành không mấy để ý đến chàng, lại thích Đông Hoa, người có phẩm vị phi phàm mà ca ca nàng đã chọn hơn. Thậm chí có vài lần trước mặt Yến Trì Ngộ còn tán dương Đông Hoa vài câu. Lời tán dương đó như mồi lửa ném vào cơn ghen đã tích tụ bấy lâu của Yến Trì Ngộ. Chàng Yến tức khí đầy vơi, lại không nỡ trút giận lên đầu mỹ nhân, liền hùng hổ hạ chiến thư đến cổng cung Thái Thần, đến tìm Đông Hoa đòi quyết đấu. Lúc đó Đông Hoa đã ở ẩn trong cung nhiều năm không bận tâm thế sự, nhưng thấy đối phương đã đưa chiến thư đến tận cửa nên cũng chấp nhận. Núi Phù Vũ một trận ác chiến, đất trời biến sắc, cỏ cây tan tác, cuối cùng do Yến Trì Ngộ chơi xấu nhân lúc Đông Hoa không đề phòng, dùng Tỏa Hồn Ngọc nhốt chàng vào Thập Ác Liên Hoa Cảnh, cho nên Phượng Cửu mới có cơ hội ở bên bầu bạn với Đông Hoa ba tháng.

Khi đó Phượng Cửu rất cảm kích Yến Trì Ngộ, tưởng rằng bởi chàng phá đám nên việc liên hôn giữa Đông Hoa với Ma tộc đương nhiên hủy bỏ, vậy là cũng phần nào an tâm. Hơn nữa, thấy Đông Hoa cũng không mấy coi trọng chuyện liên hôn kia, dần dần buông lỏng cảnh giác, những tưởng có thể kê cao gối ngủ yên.

Nào ngờ ba tháng sau, cung Thái Thần chỉ sau một đêm muôn hoa đua nở, treo đèn kết hoa rực rỡ. Trong ánh chiều dương ấm áp, chiếc kiệu đưa một đại đại quý nhân vào cửa chính cung Thái Thần. Vị đại đại quý nhân này chính là nàng Cơ Hoành hồng nhan họa thủy. Trên cầu Bạch Ngọc, giai nhân vén rèm xuống kiệu, ngón tay ngọc ngà yểu điệu vịn thành cầu chạm chim phượng tao nhã, môi hồng răng trắng, mắt sáng đôn hậu, mặt hồ sóng xao, phất phơ khói biếc, mái tóc cuốn cao soi nghiêng đáy nước, chỉ nhẹ nhàng đứng đó liền trở thành cảnh đẹp tuyệt thế lung linh mộng ảo.

Phượng Cửu tựa vào chân Đông Hoa, ngẩn ra nhìn.

Cả cung Thái Thần, Phượng Cửu là người cuối cùng biết tại sao lại có cảnh tượng trên cầu Bạch Ngọc, mà lại biết qua miệng Tri Hạc, hóa ra Đông Hoa đã đồng ý hôn sự này, hình như còn rất thoải mái. Chỉ vài câu nói đơn giản lọt vào tai nàng giống như tiếng sét ầm ầm giáng xuống giữa trời quang, trong chớp mắt nàng cảm giác trời đất tối sầm.

Còn về chuyện ngày đại hôn, nương tử xinh đẹp trùm khăn đỏ không hiểu sao lại biến thành Tri Hạc, mấy ngày cuối cùng trước khi bỏ đi, đầu óc nàng cứ hỗn loạn u mê, không hiểu rõ lắm. Nhưng hồi đó Tri Hạc có nói với nàng, rằng ở phàm trần thường có những chuyện như thế, một vài nam thanh nữ tú có tình với nhau, nhưng do tuổi trẻ bồng bột, khó mà hiểu được lòng nhau, phải đợi đến lúc một trong hai người chuẩn bị kết hôn mới chợt tỉnh ngộ, đó chính là ngưỡng mà những người hữu tình nên vợ nên chồng nhất định phải trải qua, do vậy mới có câu hôn nhân là hòn đá thử vàng để biết ai chân tình ai không, nàng ta và Đông Hoa cũng như thế.

Hồi đó Phượng Cửu còn chưa từng trải, một lý do lạ lùng như vậy cũng tin. Nàng quá ngây thơ nên vô cùng tổn thương, chỉ cảm thấy trong lời giải thích của Tri Hạc có duy nhất một chỗ không thỏa đó là tuổi của Đông Hoa chắc không thể dùng hai chữ “nam thanh”, cách ví von với đá thử vàng hình như cũng không dùng như vậy.

Bây giờ nghĩ lại, có thể tất cả đều là Tri Hạc bịa đặt, nếu không cớ chi sau đó Thiên Quân nổi giận, đẩy nàng ta xuống Hạ giới khổ tu để trừng phạt. Từng trải nhiều, đầu óc không còn ấu trĩ như trước, về sau nàng ngẫm ra, rất ít khả năng Đông Hoa thích Tri Hạc. Nếu sau một hồi vòng vèo ngoắt ngoéo chàng thực sự động lòng trước nghĩa muội hời hợt kia, thì chàng cũng không xứng với tấm chân tình của nàng, với lòng ngưỡng mộ dành cho chàng bấy nhiêu năm, ngay từ thủa nàng còn thơ bé.

Rốt cuộc chân tướng thế nào, nàng có một suy đoán mơ hồ, lờ mờ cảm thấy sự thể có lẽ là như vậy, nhưng chuyện này cũng không biết tìm ai để xác nhận. Chỉ cảm thấy năm đó Đông Hoa đồng ý hôn sự với Cơ Hoành rất có thể là do thực lòng coi trọng Cơ Hoành. Thật ra, ngay con mắt nhìn khắt khe của nàng, cũng phải thừa nhận trong những tiên nữ, yêu nữ của tứ hải bát hoang, công chúa Cơ Hoành là một nữ tử hiền lương, cương liệt hiếm có. Không kể dung mạo xinh đẹp thế nào, đức độ, hiền lương, khiêm nhường thông tỏ lễ nghĩa ra sao, chỉ riêng sự vô tư giúp Đông Hoa và nàng mấy lần trong Thập Ác Liên Hoa Cảnh đã muôn phần đáng khâm phục. Đông Hoa thích nàng ta cũng là chuyện hết sức tự nhiên, dù năm xưa ở Thập Ác Liên Hoa Cảnh, Phượng Cửu cũng từng cứu chàng, nhưng cho dù trong những vở kịch hoang đường nhất mà cô cô Bạch Thiển của nàng sưu tầm được cũng không viết thế này: một cô nương xinh đẹp và một con thú cưng cùng cứu chàng công tử nho nhã, về sau công tử lại thích con thú cưng, không thích cô nương xinh đẹp kia. Vậy nên thua Cơ Hoành, lòng nàng cảm thấy rất phục.

Trên đỉnh Phù Vũ gió gầm rít từng trận, trong chớp mắt mây cuồn cuộn kéo đến dày đặc, mênh mông nhưng tiêu điều, rất giống cảnh chiến trường. Phượng Cửu dứt mình khỏi chuyện xưa, lòng vốn hơi ủ dột, nhìn thấy cảnh tượng trước mặt đột nhiên cao hứng hẳn.

Nàng sinh ra trong thời bình, những trận chiến nổi tiếng ghi trong sử sách, nàng chưa một lần chứng kiến, luôn phiền não vì chưa tích lũy được kiến thức nào về mặt đó. Hiếm hoi mới có trận chiến giữa cô phụ Dạ Hoa với Quỷ Quân Kình Thương hơn hai trăm năm trước, nghe nói là trận đại chiến, nhưng lúc ấy nàng xui xẻo bị kẹt ở trần thế báo ân. Hai trăm năm nay, mỗi dịp sinh nhật, nàng đều thành tâm cầu nguyện, mong mấy vị đại thần tiên nổi tiếng khắp thiên địa bất hòa mà đấu đá lẫn nhau, nhưng ông trời không có tai, trái lại để họ tình cảm mỗi năm càng sâu đậm. Nàng vốn đã không còn hy vọng gì được thỏa giấc mộng kia, ai ngờ hôm nay ngẫu nhiên thế nào lại may mắn được tận mắt chứng kiến. Lòng nàng mừng khôn xiết.

Bất luận thế nào, vị Ma vương này từng lừa được Đông Hoa, dù thủ đoạn có hơi bỉ ổi nhưng có thể thấy cũng có chút tài năng, chắc là một đối thủ lợi hại. Nghe đồn chàng ta bản tính phóng khoáng, không câu nệ tiểu tiết, nàng liền nghĩ chắc là một trang hảo hán tráng kiện, tay vung đôi rìu Tuyên Hoa, giậm chân là đất rung núi chuyển, hô một tiếng là gió vũ mây vần. Trong tưởng tượng của Phượng Cửu, Yến Trì Ngộ kia phải có sức mạnh như thế. Nàng vừa tưởng tượng, vừa bị tưởng tượng của mình khuất phục, nín thở chờ Đông Hoa vén lớp sương mù dày đặc để nàng vinh hạnh được chiêm ngưỡng vị anh hùng hào sảng kia.

Núi Phù Vũ nằm ở giao giới giữa Nam Hoang thuộc quyền quản lý của Ma tộc và Đông Hoang lãnh thổ của Bạch Hồ tộc, sừng sững khuất trong mây, là ngọn núi nổi tiếng ở Tiên tộc và Ma tộc.

Mây mù dày đặc tản ra, trên đỉnh Phù Vũ lại không hề có vị hảo hán tay cầm rìu Tuyên Hoa nào hết, chỉ thấy một chàng trai rất trẻ xiêm áo đen tuyền, dáng mảnh khảnh ngồi xổm trên đỉnh núi đang sốt ruột cắn hạt dưa, vỏ hạt dưa rơi đầy trên đất. Phượng Cửu nhìn quanh, thầm nghĩ chắc Ma vương đến muộn vì lý do nào đó. Nhưng bỗng thấy chàng trai đang cắn hạt dưa kia vọt lên một đám mây, xông thẳng đến chỗ họ. Thấy chàng trai phong lưu, tuấn tú, tao nhã, môi hồng răng trắng, trông cũng đẹp trai, không biết là thần tiên phương nào, nàng bất giác liếc nhìn.

Chàng trai tuấn tú cưỡi mây dừng cách bọn họ mấy chục trượng, không biết từ đâu rút ra một thanh trường kiếm, sát khí đằng đằng chỉ vào Đông Hoa, quát lớn: “Bà tổ ngươi, đồ Mặt lạnh, làm mỗ đợi chết mệt suốt nửa ngày, mỗ chúa ghét kẻ lề mề, hay là ngươi sợ mỗ rồi! Mau rút binh khí ra, mỗ cùng ngươi tốc chiến, hôm nay không đánh cho ngươi rụng sạch răng trả mối thù lần trước thì mỗ đây không còn là mỗ nữa!”.

Phượng Cửu ngớ người.

Nàng sửng sốt nhìn chàng trai đẹp mã luôn mồm xưng mỗ kia, nuốt nước bọt, hiểu ra chàng ta chính là Yến Trì Ngộ, một trong bảy vị quân vương của Ma tộc. Nhưng có điều không hiểu, nàng nghe đồn khá nhiều về Yến Trì Ngộ nàng nghe được đều nói tên ma đầu này là một kẻ lỗ mãng không hiểu phong tình cho nên công chúa Cơ Hoành mới không ưng. Lẽ nào ngay những kẻ lỗ mãng của Ma tộc đều bạch diện thư sinh, da dẻ mịn màng như thế? Nàng bất giác lại hình dung, vậy thì những trang quân tử nho nhã nghe đồn rất mực phong lưu của Ma tộc trông sẽ thế nào? Khi nàng hình dung ra một đại hảo hán tráng kiện râu ria bờm xờm tay cầm quạt, hướng về mặt trời lặn sầu muộn ngâm mấy câu thơ bi lụy, đột nhiên dạ dày nàng cuộn len.

Thái độ của Đông Hoa hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên, sau đoạn mở màn hùng hồn của Yến Trì Ngộ, chàng chỉ nho nhã giơ tay nói: “Mời!”. Thái độ thờ ơ rõ ràng đó khiến Yến Trì Ngộ nổi đóa, trừng mắt lộ bản chất lưu manh: “Mỗ mời bà tổ ngươi!”. Lời vừa dứt, cuồng phong tức thì nổi lên thổi bạt ma chướng mờ mờ xoáy tròn sau lưng chàng ta, lộ ra mặt nước rộng ngút ngàn, trên mặt sóng đen cuồn cuộn là một đội giáp binh tay cầm binh khí xếp thành hàng.

Phượng Cửu chưa từng thấy cảnh tượng như thế này, giật nảy mình. Đông Hoa lại rất bình tĩnh, còn giơ tay vuốt lại chiếc khăn là nàng bị gió thổi cuộn lại, khiến nàng có thể bám chắc vào chuôi kiếm của chàng.

Yến Trì Ngộ cười khẩy, mặt diễm sắc như hoa xuân dưới trăng, lạnh lùng hừ một tiếng: “Mỗ dám một mình quyết đấu với ngươi là đã chuẩn bị vẹn toàn”. Phượng Cửu lại nghĩ miên man, Cơ Hoành không ưng họ Yến kia, có lẽ còn ẩn tình khác, có thể nàng ta cảm thấy không nên lấy một phu quân có ngoại hình đẹp hơn mình, nếu sánh vai bên nhau e là mất thể diện. Lại thấy Yến Trì Ngộ chỉ tay vào đội binh giáp dưới chân cười vô cùng đắc ý, nụ cười khiến gương mặt chàng ta càng thêm rạng rỡ. Phượng Cửu thầm gật đầu, phải rồi, Cơ Hoành không ưng chàng ta, đa phần vì lý do này.

Yến Trì Ngộ sau khi cười đắc ý xong lập tức nghiêm mặt, lạnh lùng buông lời đe dọa hùng hồn: “Đã nhìn thấy chưa, pháp trận yểm ma này mỗ vừa nghiên cứu thành công, được luyện từ bảy nghìn sinh linh cõi trần, tốn bao nhiêu tâm huyết của mỗ. Mặc dù đều là ác linh, nhưng nếu ngươi đả thương chúng là vĩnh viễn cắt đứt đường cải tà quy chính chuyển kiếp luân hồi của chúng. Mỗ muốn xem xem Thiên tộc các ngươi tự nhận là từ bi làm thế nào phá trận pháp này của mỗ!”. Trong chớp mắt, khi Yến Trì Ngộ vừa dứt lời, đội giáp binh luyện từ bảy nghìn sinh linh người phàm mang theo mưa to gió lớn lao vào họ hết lớp này đến lớp khác, tất cả vẫn trong hình hài con người, nhưng ánh mắt dữ tợn tham lam như mắt sói đói, binh khí trong tay tỏa sát khí lạnh lẽo quyết đưa người ta vào chỗ chết.

Trong cuồn cuộn sóng nước mênh mông, bảy nghìn sinh linh chen chúc, người trước ngã xuống người sau lao đến, cảnh tượng thực khủng khiếp. Phượng Cửu run bần bật nép vào thắt lưng Đông Hoa, từ nhỏ nàng mắc chứng sợ đông đúc chật chội, đột nhiên nhìn thấy cảnh đó chỉ thấy toàn thân nổi da gà, quên luôn chuyện trải nghiệm cái mới, chỉ nghĩ cách làm sao thoát thân dưới mắt Đông Hoa.

Vẫn chưa nghĩ ra được gì, thanh kiếm Thương Hà đã tự động rời khỏi bao nằm chắc trong tay Đông Hoa, cao ngạo bay trên đỉnh Phù Vũ. Trong chớp mắt ánh sáng bạc bùng ra như pháo hoa chiếu khắp vùng đất dài trăm dặm[1], nuốt chửng lớp lớp khí đen ngùn ngụt, hiện ra hàng vạn bóng kiếm giống nhau. Phượng Cửu bàng hoàng bị bao vây giữa trùng trùng bóng kiếm loang loáng ánh bạc, chỉ thấy trước mắt một màu sáng chói, đầu choáng váng. Phượng Cửu không nhìn rõ những bóng kiếm đó bay ra thế nào, chỉ thấy hình như mình cũng đang bay loạn xạ, đầu càng choáng váng. Bên tai toàn những thấy tiếng rền rĩ thê thảm lẫn trong tiếng gió rít và tiếng mây cuồn cuộn, khi định thần trở lại đã thấy trở về trong tay Đông Hoa, sắc máu đỏ tím nhuộm sóng nước thành một màu kỳ dị, thỉnh thoảng có đám sương máu bay lên bờ nhưng lại giống như độc dược cực mạnh, chạm vào cây cỏ, cây cỏ liền hóa thành làn khói xanh. Sau đó giọng không chút cảm xúc của Đông Hoa vang lên: “Phá rồi!”.

[1] Dặm: Đơn vị đo độ dài cổ Trung Hoa, bằng 500 mét.

Phượng Cửu đầu óc choáng váng, thầm nghĩ phá cái gì?

Ồ, là trận pháp thất đức mà Yến Trì Ngộ nói tốn bao công sức tạo ra đã bị Đông Hoa phá.

Nàng vừa ôm Thái Dương định thần trở lại, mắt vừa quen với ánh sáng bình thường, liền thấy Yến Trì Ngộ cầm thanh kiếm nặng trịch, mặt hầm hầm xông đến: “Bảy nghìn ác linh do mỗ luyện mặc dù phạm Thiên đạo nhất định sẽ bị trừng phạt, nhưng cũng phải do thiên lôi nhà trời trừng phạt, các ngươi là thần tiên chẳng phải nên hết lòng phổ độ cho chúng sao? Hôm nay kiếm của ngươi nhuốm máu chúng, sẽ chỉ gánh thêm danh hiếu sát, ngươi ra tay dứt khoát như vậy, không sợ có ngày bị trời trừng trị tội hiếu sát ư?”.

Phượng Cửu sức cùng lực kiệt lẩm nhẩm niệm Phật, cầu mong ông trời phù hộ để lưỡi kiếm của Yến Trì Ngộ chém trúng vào thân kiếm Thương Hà, không chệch một phân một tấc. Nhưng nhìn thế kiếm hung hãn kia, nàng lại ở rất gần chỗ hai kiếm giao nhau như vậy, kể cả họ Yến kia ra tay không chệch một phân một tấc, có thể nàng cũng bị kiếm khí đả thương. Nhất thời bỗng thấy tủi thân, thầm nghĩ Đông Hoa sao có thể thất đức đến vậy, chẳng qua nàng chỉ nói đùa một câu là chàng biến thái vậy mà cũng để bụng. Rồi lại có tâm lý buông xuôi, mặc kệ, nếu hôm nay thực sự bị chàng hại chết, xem chàng ăn nói thế nào với Thanh Khâu, ăn nói thế nào với gia gia, nãi nãi (bà nội), với bá mẫu, cô cô, cô phụ, tiểu thúc, tiểu thúc phụ của nàng!

Đang hào hứng nghĩ bỗng một tia chớp xẹt qua khiến nàng giật thót, nhìn thấy một tia sáng bạc đột ngột hiện lên phía chân trời, mây đen dạt ra, bóng kiếm trắng như tuyết, chém thẳng vào đó, tiếng binh khí chạm nhau chói tai. Sau vài chiêu qua lại, Yến Trì Ngộ đột nhiên đau đớn kêu lên một tiếng, chân lảo đảo lùi lại cả trượng, Đông Hoa lạnh lùng vọng ra: “Tội hiếu sát ư?”. Giọng dù lạnh nhạt nhưng khí thế nặng nề: “Bản quân mười vạn năm nay không tham chiến, ngày trước bản quân nắm trong tay sinh tử của lục giới, phong cách thế nào ngươi quên rồi ư?”.

Tiếng gió ù ù thổi làm Phượng Cửu lại choáng váng đầu óc. Đông Hoa ngày trước. Ôi, Đông Hoa ngày trước.

Nhắc đến chuyện này, Phượng Cửu còn nắm chắc hơn nắm gia bảo, nguồn gốc Thanh Khâu, gia phả nhà ngoại nàng chẳng thuộc chút nào nhưng quá khứ của Đông Hoa nàng có thể thao thao bất tuyệt kể liền ba ngày đêm. Có thể nói hồi đi học nàng luôn đứng đầu môn lịch sử thượng cổ trong tiên sử, tất cả đều nhờ phúc của Đông Hoa. Hôm nay nàng cho rằng chẳng còn duyên nợ gì với Đông Hoa, đầu óc quay cuồng thử nhớ lại, tất cả những truyền thuyết về Đông Hoa nàng vẫn nhớ rành rành.

Tương truyền, khi Bàn Cổ dùng một nhát rìu phân tách thiên địa, phần nhẹ, trong, bay lên làm trời; phần nặng, đục hạ xuống làm đất, thế giới không còn là một khối tròn như quả trứng nữa, có tạo hóa âm dương, hóa sinh ra rất nhiều tiên, yêu, ma quái, tranh giành chỗ tu thân ở tứ hải bát hoang. Hồng hoang thời viễn cổ không phì nhiêu, phong phú như bây giờ, trên trời dưới đất cũng không nhiều luật lệ quy chế như vậy, phần lớn thời gian là loạn lạc, thường xuyên xảy ra tranh giành, đánh giết, ngay các vị thần tiên ngày nay rất coi trọng lấy lòng từ bi phổ độ chúng sinh, sát khí cũng rất nặng nề.

Thời đó, Nhân tộc cùng một bộ phận Yêu tộc còn chưa bị đày xuống Đại Thiên Thế Giới ở Phàm Thế, nhưng trời đất hóa sinh ra họ thực sự nhỏ bé, bất đắc dĩ phải phụ thuộc vào Thiên tộc và Ma tộc lớn mạnh, sống những ngày ăn nhờ ở đậu bí bách ở tứ hải bát hoang.

Vạn vạn năm vụt trôi, trời đất đã mấy phen đổi chủ, khi Ma tộc làm bá chủ, lúc Thần tộc cai quản càn khôn, thi thoảng cũng có lúc Quỷ tộc may mắn được làm chủ, nhưng tộc nào bá chủ thời gian cũng rất ngắn.

Mọi người đều rất mong xuất hiện một vị anh hùng khiến lục giới đều khuất phục, cam tâm tình nguyện cúi đầu, chấm dứt thời kỳ loạn thế, để các tộc được sinh sống bình yên. Mà tộc nào cũng hy vọng vị anh hùng đó giáng sinh vào tộc mình. Đó là thời đại chúng sinh đều rất chất phác, hầu như không hề có tâm địa gì, ngây thơ cho rằng sinh càng nhiều thì càng có khả năng sinh được anh hùng. Vì vậy trong mấy năm ngắn ngủi, sáu tộc là Tiên, Quỷ, Thần, Ma, Nhân, Yêu, tộc nào cũng vô cùng đông đúc, con đàn cháu đống.

Nhưng khi nhân khẩu quá đông rắc rối cũng nảy sinh, thấy đất đai không đủ, chiến tranh giành giật đất đai giữa các tộc ngày càng ác liệt. Nhưng ông trời luôn như vậy, ý trời không thể lường được. Chính lúc các tộc vẫn tiếp tục ngày đêm nỗ lực sinh sản mong sinh được anh hùng, lao vào cuộc chiến tranh giành đất đai không có thời gian kêu ca thì vị anh hùng đã ra đời ở Bích Hải Thương Linh, nơi tận cùng của trời, không cha không mẹ, được trời đích thân sinh ra.

Nơi sinh là vùng hồ hoa lệ của Đông Hoang, lấy hai chữ trong đó, định ra tôn hiệu là Đông Hoa. Chính là Đông Hoa Đế Quân.

Mặc dù Đông Hoa sinh ra là để trở thành anh hùng của thời đại đó và truyền thuyết của những thời đại về sau, nhưng không giống thái tử Dạ Hoa của Thiên tộc hiện nay, là người gánh vác sứ mệnh lớn lao do trời chỉ định, lúc Đông Hoa ra đời lại vô cùng lặng lẽ, chẳng hề có những điềm báo đại loại như cả thiên địa đều tỏa hào quang, bốn mươi chín con chim ngũ sắc bay lượn trên Bích Hải Thương Linh gì đó. Lặng lẽ đến mức mọi người đều không biết Đông Hoa sinh ra như thế nào.

Chỉ có một đoạn trong sử sách viết rằng, Đế Quân nhận thiên trạch, uống nước nguồn, hội tụ tinh hoa vạn vật mà thành linh thai. Nhưng trời đã sinh chàng ra sao, là từ trong tảng đá bay ra hay một ông lão đốn trúc đột nhiên phát hiện ra chàng ngồi trong thân cây trúc bèn mang về nuôi dưỡng, sử sách chỉ có một đoạn sơ lược như vậy, không có ghi chép nào cụ thể hơn.

Đông Hoa mặc dù từ nhỏ đã phải gánh vác trọng trách nặng nề, nhưng hồi nhỏ sống rất bình thường, cô độc lớn lên ở Bích Hải Thương Linh, không có thần tộc bảo vệ che chở, thường chịu sự ức hiếp của các tiên yêu ma quái xung quanh. Hồng hoang viễn cổ không như bây giờ, muốn học gì đều có thể tìm thầy chỉ dạy. Mọi bản lĩnh của Đông Hoa đều dựa vào quả đấm mà ngộ ra, chiến tích cả đời cũng có được qua từng trận ác chiến thực sự.

Suối thiêng vạn năm không cạn của Bích Hải Thương Linh không biết đã nhuốm đỏ bao lần, chàng trai áo tím tài năng trác việt giẫm lên chồng chất xương khô cuối cùng đứng trên đỉnh cao nhất của lục giới, thống nhất lục giới tứ hải lục hợp làm yên lòng chúng sinh bát hoang.

Con đường thành tài của chàng, khác với thượng thần Mặc Uyên cai quản âm nhạc và chiến tranh mấy vạn năm trước, càng không giống Dạ Hoa Quân chiến tích lẫy lừng thời gian gần đây. Hai vị đó, một vị từ nhỏ đã được Phụ Thần, người tạo ra trời đất nuôi dưỡng dạy dỗ; một vị được Nguyên Thủy Thiên Tôn của Đại La Thiên Thượng Thanh Cảnh cùng với Quan Thế Âm đại từ đại bi của Tây Phương Phạn Cảnh hợp lực điểm hóa, đó là cách nuôi dạy truyền thống của các thế gia.

Phượng Cửu hồi nhỏ càng ngưỡng mộ Đông Hoa hơn, trước hết bởi chàng từng cứu mạng nàng, nhưng sâu xa hơn là do lòng sùng bái tôn kính, nàng cảm thấy mọi sự chàng đều dựa vào nỗ lực bản thân, lại có thể có một mình kết thúc thời loạn thế, xoay chuyển càn khôn thủa hồng hoang, quả thực quá thần kỳ.

Có thể ngồi vững trên ngôi vị bá chủ thiên địa trong thời sát phạt hỗn chiến hồng hoang thật không dễ, chỉ cần hơi mềm lòng, nhẹ tay, bên dưới sẽ lập tức hỗn loạn, chỉ có máu lạnh, vô tình trấn áp giữ được bình yên. Cho dù sau này Thần tộc dần dần lớn mạnh, Đông Hoa dần dần nhường quyền cai quản cho Thiên Quân lúc đó còn nhỏ, lui về cung Thái Thần ở Nhất Thập Tam Thiên hưởng thú an nhàn, nhưng uy danh máu lạnh năm xưa vẫn lưu truyền khắp lục giới. Bởi vậy lần này Yến Trì Ngộ những tưởng có thể dùng bảy nghìn sinh linh áp chế chàng, hèn chi chàng chỉ lạnh lùng hỏi một câu, có phải đã quên phong cách cai trị lục giới năm xưa của chàng. Đông Hoa thực sự không phải là một vị tiên tâm bồ đề đại từ đại bi. Xưa nay vẫn vậy.

Thật ra, Đông Hoa rốt cuộc có được tính là tiên không, điều này còn phải bàn.

Phượng Cửu lúc nhỏ đã thầm ái mộ Đông Hoa, để hiểu hơn về chàng, đã tìm kiếm sử liệu về chàng ở khắp mọi nơi. Trong những sử liệu đó phần lớn là cao ngợi công đức của Đông Hoa, tất cả đều là những lời lẽ tốt đẹp, chỉ có một thư tịch cổ cũ nát, mất tên, ghi lời nhận xét về Đông Hoa của Phụ Thần, nói rằng, người này cửu trụ tâm đã đạt tới cảnh giới chuyên trụ nhất thù chi lưỡng trụ (nhất tâm bất loạn), vậy nên nhất niệm vi ma vừa nhất niệm vi thần.

Thiền học của Phượng Cửu không tốt, nên chép lại những lời này làm ra vẻ tự nhiên đi thỉnh giáo tiểu thúc Bạch Chân. Bạch Chân mặc dù có vẻ không đáng tin cậy nhưng cũng đã sống tới mười mấy vạn năm, nên sự Thiền học cũng biết một hai, giảng giải cho nàng nghe: “Cái gọi là cửu trụ tâm chính là chín cấp tu tập Thiền định, tức: nội tru, đẳng trụ, an trụ, cận trụ, điều phục, tịch tĩnh, tối cục tịch tĩnh, chuyên trụ nhất thù chi lưỡng trụ và đẳng trì. Nếu một người nội tâm đã đạt tới cảnh giới chuyên trụ nhất thù chi lưỡng trụ, nghĩa là tâm đã an, trăm loạn không thể xâm phạm. Tâm đã tịnh thì là ma hay là thần đều không có gì khác nhau, tùy sở thích của người đó muốn thành giới gì thì thành giới đó. Nếu cửu trụ tâm đạt tới cảnh giới đẳng trì, tức là đã sang một cảnh giới hoàn toàn mới. Thế gian chỉ có Phật Tổ ở Tây Thiên Phạn Cảnh tu được đến cảnh giới này, ngộ được chân lý chúng sinh tức Phật Đà, Phật Đà tức chúng sinh”.

Phượng Cửu nhẫn nại nghe xong, kỳ thực váng đầu hoa mắt bởi các loại trụ của tiểu thúc, cảm thấy những gì dính dáng đến chữ Thiền quả nhiên đều vô cùng huyền diệu. Nhưng để hiểu hơn về Đông Hoa, trở về nàng còn âm thầm vắt óc suy nghĩ rất lâu, cuối cùng nghĩ ra câu nói kia có nghĩa là Đông Hoa ngày trước không phải thần cũng chẳng phải ma, sau đó chọn Thần đạo từ bỏ Ma đạo. Nhưng tại sao chàng chọn Thần đạo, nàng nghĩ không ra. Trong tâm trí non nớt của nàng, Thần tộc và Ma tộc ngoại trừ là tộc loại khác nhau, cơ hồ chẳng có gì khác biệt, hơn nữa Ma tộc còn có nhiều mỹ nhân như vậy.

Trong những người nàng quen biết, ngoại trừ ông bà nàng, chỉ có thượng thần Chiết Nhan ở rừng đào mười dặm gần với thời đại Đông Hoa. Nàng thu xếp hành lý, cưỡi một đám mây nhỏ đến rừng đào. Mượn cớ lần này phu tử ở trường cho bài tập về chúng thần thưở hồng hoang, nàng gặp một vấn đề khó muốn đến xin chỉ giáo, còn chu đáo mang đến hai cây trâm ngọc do tiểu thúc Bạch Chân tự tay chế tác tặng Chiết Nhan.

Món quà đó vô cùng hợp ý Chiết Nhan, quả nhiên khiến thượng thần muôn phần phấn khởi.

Trong rừng đào tháng tư mơ màng sương khói, Chiết Nhan tay vuốt ve cây trâm ngọc, tươi cười ôn hòa hỏi nàng: “Vì sao Đông Hoa chọn Thần tộc ư?”.

Cất giọng nói như đọc thuộc lòng: “Sử sách ghi năm đó khởi nguyên hồng hoang thiên tai liên miên, duy có nơi ở của Thần tộc quanh năm mưa thuận gió hòa, thần dân sinh sống yên ổn. Sau khi Đông Hoa tìm hiểu nguồn cơn, biết được chính là do Thần tộc đều tu ngũ giới, một: không sát sinh; hai: không trộm cướp; ba: không dâm tà; bốn: không dối trá; năm: không uống rượu”. Chiết Nhan thản nhiên uống một ngụm rượu, “Vì đức độ sáng ngời cảm hóa trời xanh, vậy nên đã giảm được bao tai họa của Thần tộc, ban cho chúng ta nhiều công đức thiện quả, hàng năm mới mưa thuận gió hòa. Đông Hoa nghe xong muôn phần cảm động, mới lựa chọn Thần đạo từ bỏ Ma đạo, nguyện cả đời hiện thế dưới pháp tướng của Thần tộc, dùng tâm bồ đề đại từ đại bi đại tu trì thiện giới[2], phổ độ chúng sinh bát hoang”.

[2] Thiện giới: giới luật của nhà Phật, ví dụ: không sát sinh, không trộm cắp, không tham lam…

Phượng Cửu ngồi nghe, lòng lúc thăng lúc trầm, cảm thấy được khích lệ cổ vũ vô cùng, lại càng bội phần khâm phục Đông Hoa. Quả nhiên chàng thanh tịnh vô vị, quả nhiên là Đế Quân vô dục vô cầu, quả nhiên là Đông Hoa Đế Quân vĩ đại, chính trực, lạnh lùng, có cốt cách thần tiên nhất mà sử sách ca tụng.

Đang hào hứng lại thấy Chiết Nhan mủm mỉm nói thêm một câu: “Ngươi cứ viết như thế, phu tử nhất định cho điểm cao”.

Phượng Cửu cầm một quyển vở nhỏ vốn dành để viết bình luận và chú thích, ngẩn ra nói: “Người nói thế, chẳng lẽ còn ẩn tình gì?”.

Ẩn tình đương nhiên là có, hơn nữa so với những gì sử sách ghi chép còn cách xa, không chỉ mười vạn tám nghìn dặm.

Phượng Cửu cảm thấy nói đến ẩn tình này, Chiết Nhan thực sự vô cùng hào hứng khác hẳn điệu bộ uể oải giảng giải cho nàng vừa rồi.

Ẩn tình đó như sau.

Nghe nói Đông Hoa ra đời từ Bích Hải Thương Linh, trải qua bao phen tôi luyện, đánh nhau rất giỏi, nhưng bản thân chàng không đặc biệt hứng thú đối với việc thống nhất thiên hạ. Các tộc ở ngoài Bích Hải vẫn đang không ngừng đánh qua đánh lại, một vài tiểu quái trong vùng không có duyên tham gia đại chiến bên ngoài lại không chịu yên phận, đi chọc giận chàng. Tất nhiên chàng xử lý từng đứa một, có điều lũ tiểu quái này tuy địa vị thấp kém, nhưng bên trên cũng có người che chở, lũ ma đầu che chở bọn tiểu quái cảm thấy bị mất mặt, lần lượt tới gây sự với chàng, tất nhiên chàng cũng chỉ còn cách xử lý chúng một trận. Trên các tiểu ma đầu lại có đại ma đầu, trên đại ma đầu lại có ma đầu lớn hơn, chàng cứ lần lượt xử lý như thế, cho đến một ngày quay đầu nhìn lại, tên ma đầu lớn nhất tứ hải bát hoang đã trở thành tiểu đệ của chàng.

Chiết Nhan xoay cốc rượu trong tay, vừa phong lưu vừa hóng hớt cười: “Chớ thấy Đông Hoa quanh năm mặt lạnh mà lầm, thực ra người ta rất được nữ giới ái mộ”.

Đông Hoa thành danh sớm, ngoại hình tuấn tú, tuổi trẻ, lại ưu tú nổi bật, là lương nhân trong mộng của biết bao nữ nhi các tộc. Có một tiểu thư nhà ma đầu nào đó của Ma tộc nức tiếng đương thời, được coi là mỹ nhân phong lưu bậc nhất tứ hải bát hoang cũng rất ái mộ chàng. Thời viễn cổ, phần lớn nữ nhi của Ma tộc hành xử phóng khoáng, không bị ràng buộc bởi nhiều luật lệ như nữ nhi Thần tộc, họ hành xử rất phóng đãng, nếu vừa ý trang nam tử nào là có truyền thống dệt mộng uyên ương với chàng ngay đêm đó. Tiểu thư kia vừa nhìn thấy Đông Hoa đã tương tư, một đêm gió mát hiu hiu, theo truyền thống lặng lẽ lọt vào căn nhà tre của Đông Hoa, lặng lẽ lên giường đá của chàng, định tự dâng hiến, cùng lương nhân trong mộng tận hưởng đêm xuân.

Đông Hoa nửa đêm về nhà, vén rèm, thấy một mỹ nữ nửa kín nửa hở trên giường, hơi ngẩn người. Mỹ nhân cất giọng ỏn ẻn: “Tôn tọa nửa đêm mới trở về, để thiếp khổ sở đợi chờ...”. Đông Hoa cúi xuống bế mỹ nhân, khiến nàng thở gấp, nũng nịu trách: “Tôn tọa quả nhiên là người nóng vội...”. Người nóng vội này không hề xúc động, bế mỹ nhân đi thẳng ra cửa, thản nhiên ném thẳng mỹ nhân còn đang ngơ ngác ra ngoài, xong xuôi đóng cửa tắt đèn không nói nửa câu.

Vị tiểu thư này vẫn không từ bỏ ý định, sau rất nhiều lần bị ném khỏi cửa mới dần từ bỏ. Tuy nhiên nàng lại mở ra một tiền lệ, rất nhiều thiếu nữ Ma tộc cảm thấy, mặc dù chắc chắn bị Đông Hoa ném ra ngoài, nhưng nghe nói trước khi ném, chàng đều rất có tu dưỡng bế các nàng từ trên giường ra cửa, sau đó mới ném đi. Họ cảm thấy được trong vòng tay chàng một lát cũng đủ sung sướng. Từ đó về sau càng nhiều thiếu nữ Ma tộc đua nhau lẻn vào giường của chàng, hơn nữa các nàng có muôn vàn mánh khóe mở kết giới chàng bố trí quanh nhà tre của mình, dần dà Đông Hoa cũng lười bố trí kết giới, coi hàng đêm trước khi đi ngủ đem mỹ nữ trong phòng ném ra ngoài là một môn tu hành. cuộc sống yên ổn như vậy được vài năm, một đêm nọ, trên giường của chàng cuối cùng cũng không còn thiếu nữ nào nữa, nhưng thay vào đó lại là một thiếu niên mặt hoa da phấn, có hàng chân mày xanh như dãy núi phía xa, mắt thu ba sóng sánh, nhìn có vẻ mảnh mai yếu ớt. Khi chàng xách cổ thiếu niên ném ra ngoài, chàng ta còn đang gào lên: “Trước khi ngươi ném các mỹ nhân, chẳng phải người đều bế họ ra tận cửa sao, tại sao ngươi lại xách cổ ta! Thế bất công! Bất công!”.

Chiết Nhan thong thả tự rót thêm rượu cho mình: “Đến nỗi về sau, khi Phụ Thần đến Bích Hải Thương Linh mời Đông Hoa, ông ta lập tức bằng lòng đi theo, có lẽ đó chính là cái gọi là Đông Hoa chọn Thần đạo bỏ Ma đạo mà hậu thế lưu truyền. Các thiếu nữ Thần tộc dù sao vẫn hiểu lễ tiết hơn các thiếu nữ Ma tộc, nhưng chỉ khi Đông Hoa ẩn dật trong cung Thái Thần mới thực sự được thanh tịnh hoàn toàn”. Nói xong Chiết Nhan lại giả bộ than thở: “Đường đường một đấng anh hùng lại buộc phải lui về ở ẩn, chẳng trách có câu nữ nhân như hổ, cũng tương tự như việc núi Côn Lôn của Mặc Uyên không thu nhận nữ đệ tử. Năm đó, lúc Bạch Thiển bái Mặc Uyên làm sư phụ cũng giả dạng nam nhi. May là Bạch Thiển có chí không giẫm vào vết xe đổ của mấy nữ đệ tử trước đây của Mặc Uyên, nếu không bây giờ ta gặp Mặc Uyên chắc chắn không có thể diện như vậy”.

Tiết lộ xong bí mật nhà người ta, Chiết Nhan sảng khoái dặn nàng: “Ẩn tình này mặc dù là như thế, nhưng nộp bài cho phu tử không thể viết như vậy”. Lại nhỏ nhẹ dạy nàng: “Phu tử chỉ cần đáp án chuẩn mực, nhưng đáp án chuẩn mực của những câu hỏi kiểu này thường không đúng sự thật”.

Phượng Cửu nghe xong thực ra lại mừng thầm trong lòng, cảm thấy Đông Hoa không thích những mỹ nhân kia là rất hợp ý nàng, rồi lại thấy buồn, mình cũng ái mộ chàng, liệu chàng có thích mình không. Nàng cầm quyển vở lo lắng hỏi Chiết Nhan: “Chàng không thích nữ nhi, cũng không thích nam nhi, vậy chàng không thích gì sao?”.

Chiết Nhan bị hỏi khó, ra vẻ trầm tư một lúc, nói: “Cái này cần tự mình tổng kết, ta đoán có lẽ Đông Hoa thích những con vật có lông mao trơn mượt”.

Phượng Cửu buồn bã hỏi: “Chàng thích khỉ ư?”. Lại buồn bã hỏi thêm: “Người có chứng cớ gì?”.

Chiết Nhan ho một tiếng: “Lông mao trơn mượt là khỉ ư? Mô tả như vậy giống con khỉ à? Không phải khỉ đâu. Chẳng qua ta thấy ba con vật Đông Hoa từng cưỡi đều là loài lông mao, đoán có lẽ Đông Hoa thích những con vật lông mao hơn”.

Phượng Cửu lập tức phấn chấn hiện nguyên hình, móng vuốt chi trước còn đang quặp cuốn vở: “Tiểu bối cũng là thú lông mao, người nói xem chàng có thích không?” Lời vừa dứt cảm thấy lỡ miệng, vội giơ móng xoa mũi: “Tiểu bối chỉ buột miệng hỏi vậy thôi, buột miệng hỏi vậy thôi!”.

Chiết Nhan hào hứng nói: “Đông Hoa thích những loài dũng mãnh một chút hơn, mấy con vật cưỡi hồi trước của ông ta đều là mãnh hổ, sư tử”.

Phượng Cửu lập tức nhe nanh, rồi giữ tư thế đó nói qua kẽ răng: “Trông tiểu bối thế này có dũng mãnh không?”.

Nhớ hồi đó nàng vẫn còn rất ngây thơ, nếu tất cả dừng lại ở đó cũng có thể xem là chuyện tốt, hôm nay nhớ lại toàn những chuyện thú vị thuở thiếu thời. Phật nói, tham, sân, si là tam độc trên đời, mọi phiền não, điều ác đều từ đó mà ra, thuyết pháp của Phật Tổ chung quy vẫn có lý.

Núi Phù Vũ trước mắt rung chuyển, cảnh tượng hỗn loạn, mấy bước bên ngoài, Yến Trì Ngộ bị quấn trong một đạo huyền quang sáng chói, cầm thanh kiếm Huyền Thiếc, một mình vung kiếm tung hoành trong vầng huyền quang đó, có lẽ đã bị trúng thuật ảo ảnh. Đông Hoa đứng trên đám mây, gió thổi áo chàng bay phấp phới, ngón tay hóa ra một cái lồng trông như cái lu lớn úp ngược. Phượng Cửu biết đó chắc là lồng Thiên Cương. Trước đã từng nghe nói, còn nhìn thấy hình họa trong Cương mục khí cụ, là một thứ rất tốt, cho dù trời long đất lở, chỉ cần núp trong lồng Thiên Cương đó là bình an vô sự.

Lồng Thiên Cương im lìm lơ lửng bên chân Đông Hoa, Phượng Cửu nín thở nhìn chàng giơ tay, nhặt mấy lọn tóc vương trên vai nàng vừa bị gió từ đường kiếm phạt đứt. Tóc ư? Phượng Cửu nhìn xuống, quả nhiên nàng đã trở lại hình hài con người từ lúc nào, gió thổi mạnh làm chiếc váy lụa dài của nàng tung bay phần phật.

Phượng Cửu ngẩn người, vào những lúc quan trọng, đầu óc nàng đặc biệt linh hoạt, kinh ngạc ngoảnh sang hỏi: “Ngài... ngài... ngài... đã biết ta là ai, thì ra còn biết cách ép ta trở lại nguyên hình?”. Vừa nói xong lại thấy một cơn phẫn nộ dâng lên trong lòng: “Vậy sao không sớm nói ra?”.

Tà khí ù ù rít xung quanh khiến nàng cũng bạo gan hơn, bất bình nói: “Cho dù, cho dù ta vì thể diện nên mới giả làm chiếc khăn, nhưng ngài làm như vậy cũng không xứng là bậc anh hùng, được xem trò cười của ta, có phải ngài cảm thấy rất nực cười?”.

Nàng nghĩ lại, cho dù nàng không phải là kiểu nữ nhi chàng thích, nhưng chung quy vẫn là nữ nhi, thông thường đều nên thương xót, nhưng xem chừng chàng cũng chẳng coi nàng là nữ nhi, thế là nàng vừa tức vừa tủi thân: “Ngài đã biết ta là ai, thực ra có thể không trói ta ở nơi nguy hiểm này. Buộc ta trên chuôi kiếm, kỳ thực là để xem ta khiếp sợ run rẩy thế nào, lấy đó làm trò vui đúng không? Lần trước, ta nói ngài câu đó cũng không phải cố tình”. Nỗi uất hận, phẫn nộ xộc lên làm mắt nàng đỏ hoe.

Đông Hoa chỉ nhìn nàng không nói gì, lát sau mới nói: “Xin lỗi!”. Phượng Cửu vốn nóng tính, vừa giận xong cũng bình tĩnh lại, thấy chàng xin lỗi lòng cũng vợi đi nhiều, cảm thấy vừa rồi mình hơi quá kích động đến mức mất mặt, cảm thấy hổ thẹn, nàng xoa xoa cái mũi lúng túng ho một tiếng: “Thôi bỏ đi, lần này…”. Đông Hoa bình tĩnh nói thêm một câu: “Đùa quá rồi”. Những lời độ lượng sắp nói của Phượng Cửu tức thì mắc nghẹn trong cổ, ở lại đó một lúc, hỏa khí xộc lên đỉnh đầu, giận đến mức mắt nổ đom đóm, nói cũng lắp bắp. Trong ánh đom đóm đó, Đông Hoa giơ tay xoa ở đầu nàng, như mỉm cười nói: “Quả nhiên khiếp sợ như vậy, lộ cả tai ra kìa”. Phượng Cửu tưởng mình nghe nhầm, người này quanh năm mặt lạnh, sao có thể mỉm cười nói đùa với nàng? Bỗng ánh hào quang phía sau bùng nổ như quả cầu lửa, dưới chân sóng nước khuấy động như con rắn khổng lồ, nàng còn chưa kịp hoàn hồn, cả người chợt nhẹ bỗng, đã bị Đông Hoa nhấc bổng thuận tay ném vào trong lồng Thiên Cương, còn dặn: “Cứ ở trong đó đừng ra ngoài”. Phượng Cửu vốn muốn thò đầu ra xem rốt cuộc là chuyện gì, tay mới bám vào vách lồng, tìm cách thò đầu ra ngoài, hình như nghe thấy hai tiếng rất trầm: “Ngoan nào”.

Phía trước không xa, Yến Trì Ngộ mặt tím ngắt cầm kiếm lao tới, xem chừng đã thoát khỏi thuật ảo ảnh, hiểu ra vừa rồi mình trúng phép thuật, tức đến nỗi khuôn mặt vốn trắng trẻo nổi đầy gân xanh.

Yến Trì Ngộ người đầy sát khí, nhìn thấy Phượng Cửu trong lồng Thiên Cương, hỏa khí càng bốc ngùn ngụt, nắm chặt kiếm Huyền Thiết nghe đồn nặng đến vài trăm cân nhằm Đông Hoa bổ tới, còn nghiến răng thét to: “Đồ Mặt lạnh ngươi giỏi nhỉ, khinh mỗ phải không, đánh nhau với mỗ còn mang theo gia quyến”.

Một người là tôn thần Thiên tộc, một người là thiếu quân Ma tộc, lần này chiêu thức biến hóa càng nhanh khiến đất trời biến sắc, lúc mưa xuân tầm tã, lúc sấm hạ rền vang, lúc tuyết đông ngập trời, bốn mùa lần lượt thay đổi giữa đường kiếm của hai người, những tia lửa tóe ra tựa pháo hoa bùng nổ trên đỉnh Phù Vũ.

Phượng Cửu áp người vào vách lồng Thiên Cương, thưởng thức trận giao chiến đặc sắc này, quả thực được mở rộng tầm mắt, thán phục từ đáy lòng. Bỗng trước mắt xuất hiện một màn sương mù, trong lớp sương mù mờ mịt Yến Trì Ngộ vừa rồi còn ở thế hạ phong không biết từ lúc nào bỗng xoay chuyển tình thế, trường kiếm lóe sáng tìm được góc độ nguy hiểm, cơ hồ định đâm vào ngực Đông Hoa.

Phượng Cửu trợn mắt, nhìn kiếm Huyền Thiết từ trắng chuyển sang đỏ, nàng dụi mắt, đâm trúng thật sao? Kỳ lạ là sau đó lại là Yến Trì Ngộ kêu lên đau đớn. Sương mù tựa con sâu uốn éo đột nhiên tản ra, giữa đất trời xán lạn, Yến Trì Ngộ toàn thân bao bọc trong một quầng sáng bị Đông Hoa một chưởng đánh hất ra, cơ thể Yến Trì Ngộ vùn vụt lao về phía nàng không khống chế nổi. Phượng Cửu né tránh một cách bản năng, đột nhiên cảm thấy sau lưng có một lực từ rất mạnh hút lấy nàng, không kịp dùng thuật định thân nàng đã bị cuốn vào xoáy lốc. Nàng nghe thấy Đông Hoa gọi nàng, giọng trầm trầm, hơi khác giọng nói bình ổn thường ngày, vang vọng trong vòng xoáy ngày một dữ dội, chàng gọi: “Tiểu Bạch”.

Phượng Cửu bị cuốn trong vòng xoáy ào ào, sửng sốt, hóa ra Đông Hoa gọi nàng như vậy, nàng cảm thấy gọi như vậy có phần đặc biệt. Hồi nhỏ nàng thực sự vô cùng ngưỡng mộ cái tên của cô cô nàng: Bạch Thiển, hai chữ ngắn gọn dứt khoát, vạn bất đắc dĩ, đến đời nàng bắt buộc phải đặt tên ba chữ. Cho dù là ba chữ, nàng cũng hy vọng nó phải thật kêu, giống tên một người bạn tốt của tiểu thúc nàng: Tô Mạch Diệp, gọi lên cảm thấy bội phần phong lưu. Nhìn vào mình, Bạch Phượng Cửu, gọi tắt hai chữ Phượng Cửu còn có thể coi là trong cái thú vị bình thường có cái tao nhã, trong cái tao nhã có cái thú vị, có vẻ giống tên của con nhà gia thế, nhưng lại thêm cái họ Bạch của gia tộc nàng, ở chỗ Thái Thượng Lão Quân có một vị tiên khá thân thiết với nàng, tên là Ô Kê (gà ác) Bạch Phượng Hoàn. Mỗi lần nghĩ đến tên của mình nàng lại thở vắn than dài, cũng không ai dám gọi đầy đủ tên nàng trước mặt nàng, khiến rất nhiều người ở tứ hải bát hoang đều nghĩ nàng họ Phượng tên Cửu. Nhưng Đông Hoa lại gọi nàng là Tiểu Bạch, nàng thấy rất thích cách gọi này.

Đông Hoa không đuổi theo được, Yến Trì Ngộ đã bị thương lại bị gió cuốn vào cơn xoáy cùng với Phượng Cửu. Nhìn kỹ phát hiện ra nàng, chàng ta nắm vai nàng, tức giận hét to: “Mưu vừa rồi của mỗ, tại sao ngươi không mắc? Lẽ nào thuật ảo giác của mỗ không có tác dụng với ngươi? Lẽ nào ngươi không có ảo giác gã Mặt lạnh bị mỗ chém thổ huyết?”. Vừa hét lên như thế lại ảo não: “Thuật ảo giác của mỗ tệ đến mức đó sao? Mỗ còn mặt mũi nào sống trên đời? Mỗ hổ thẹn với danh xưng Ma quân này, chi bằng nhờ cơn gió này cuốn mỗ xuống Âm Tào Địa Phủ, tìm đạo súc sinh đầu thai làm rùa, còn hơn sống hổ thẹn trên đời, mỗ xưa nay là ngươi cương liệt!”.

Phượng Cửu lòng run lên, thấy chàng nắm vai mình quá chặt, vả lại nàng không muốn cùng chàng ta đến Âm Tào Địa Phủ đầu thai làm huynh muội nhà rùa, bịt tai vội hét lên: “Đã trúng tà thuật rồi, ta nhìn thấy Đông Hoa thổ huyết”.

Yến Trì Ngộ sững sờ, nộ khí bừng bừng: “Tiểu cô nương này, ngươi đã nhìn thấy người trong mộng của mình thổ huyết thì phải lao ra khỏi lồng Thiên Cương đỡ thay hắn, ngươi lao tới khiến hắn luống cuống, đúng lúc đó mỗ sẽ thừa cơ ra tay khiến hắn trở tay không kịp. Vở kịch nào mỗ xem cũng đều như thế, ‘Mỹ nhân kế’ và ‘Ba mươi sáu kế chinh chiến tứ hải, đảm bảo chắc thắng’ cũng viết như vậy. Ngươi nói xem, tại sao ngươi không lao ra đúng lúc, khiến mỗ trúng chưởng của hắn?”.

Phượng Cửu bị Yến Trì Ngộ hét váng tai hoa mắt, bên tai như có sét đánh ầm ầm đầu óc rối loạn trả lời: “Không lao ra đúng lúc là ta sai, nhưng ngươi…”. Hai người bị gió thổi chao đảo, “… nhưng người cũng sai, tại sao lại tùy tiện tin những thứ viết trong kịch? Còn nữa…”, lại lảo đảo, “… ‘Mỹ nhân kế’ trong ‘Ba mươi sáu kế chinh chiến tứ hải, đảm bảo chắc thắng’ là do Ti Mệnh Tinh Quân viết ra, ông ta từ nhỏ đến lớn đánh nhau chưa bao giờ thắng, khuyên ngươi một câu, đừng có tin!”.

Vừa dứt lời, cả hai đều rơi xuống vách đá sâu.

Rơi xuống vách đá một lúc lâu, Phượng Cửu mới thấy những lời nàng nói với Yến Trì Ngộ lúc trước có chỗ không ổn.

Về lý, nàng với Đông Hoa nên cùng một phe. Lúc đó nàng không xông ra chịu họa thay Đông Hoa vì cảm thấy chỉ một mình Yến Trì Ngộ nhỏ bé cùng với thanh kiếm Huyền Thiết nhỏ bé, nếu chém nàng chắc nàng tiêu rồi, nhưng chém vào Đông Hoa cùng lắm chỉ làm chàng xước da, không có vấn đề gì lớn. Tu luyện của hai người lại khác nhau, khả năng chịu đả thương của cơ thể cũng khác nhau, trong chuyện này nàng đã nghĩ như vậy nên mới đứng nhìn, nhưng trong thâm tâm nàng thực lòng rất quan tâm Đông Hoa. Mặc dù bị chàng trêu chọc, nhưng dù gì chàng cũng rất nghĩa khí đưa lồng Thiên Cương cho nàng, nàng mới được bình an, cho nên nàng cũng không để bụng, thực sự không có ý trả thù. Nhưng những suy nghĩ chu toàn đó của nàng Đông Hoa làm sao hiểu được, hẳn là trách nàng thiếu nghĩa khí. Lại thêm sau đó đầu óc rối loạn vì những lời la hét của Yến Trì Ngộ, lại còn xin lỗi chàng ta, lại còn thực lòng trao đổi với chàng ta một số suy nghĩ về binh pháp. Phượng Cửu cho rằng, Đông Hoa chắc chắn đã hiểu lầm nàng. Hèn nào phút trước miệng còn da diết gọi nàng là Tiểu Bạch, phút sau nàng rơi xuống vách đá thì chẳng thấy bóng dáng đâu. Thử nhìn nhận từ góc độ khác, nếu nàng là Đông Hoa, có những hiểu lầm về nàng như vậy, có khi không chỉ để mặc nàng rơi xuống vách đá, mà trước đó còn chém nàng vài nhát cho hả giận. Vừa nghĩ Phượng Cửu vừa thở than, lòng ảo não. Có một chiến hữu như nàng, hẳn là Đông Hoa cảm thấy đen đủi chết mất, chắc chàng giận nàng thật rồi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play