Vua Càn Long tuy là tha hoàng hậu và Dung ma ma nhưng cơn giận trong lòng chưa nguôi, tối hôm ấy ở Diên Hỷ cung, thấy Vĩnh Cơ khóc nằng nặc đòi về với mẹ đẻ, ông càng bực dọc chỉ thẳng vào mặt Vĩnh Cơ nói:

- Trẫm ra lệnh cho con không được khóc nữa, lớn rồi chứ đâu phải trẻ con mãi. Bắt đầu từ hôm nay ta tuyên bố là con đã trưởng thành, con phải học cách xử sự của người lớn, và con phải suy nghĩ xem điều ta làm có đúng không? Phải thấy rằng mọi sự đều do sự sai trái của mẹ đẻ con tạo ra cả, để hậu quả con gánh. Bây giờ con phải cố khắc phục, chịu đựng, nếu làm được thì con mới là đấng nam nhi. Còn nếu không, con cứ khiếp nhược mà ngồi đó than khóc, con sẽ không trưởng thành được. Vì vậy hãy lau sạch nước mắt đi, đừng khóc nữa, trẫm ghét nhất là thấy đàn ông con trai mà khóc.

Vĩnh Cơ sợ hãi gạt nước mắt nhìn vua, rồi nhìn lệnh phi, cố trấn tĩnh nói:

- Nhưng mà... con vẫn muốn được trở về Khôn Ninh cung con muốn được thấy ngạc nương của con.

Vua Càn Long lớn tiếng.

- Ta đã nói là không cho phép con nhắc đến ngạc nương con nữa mà... hãy nghĩ là... mẹ đẻ con đã chết và từ đây về sau, lệnh phi nương nương sẽ thay thế, sẽ là mẹ con, có nghe rõ không?

Vĩnh Cơ tròn mắt nhìn lệnh phi chịu đựng chứ không dám khóc, chỉ lắp bắp:

- Nhưng mà... nhưng mà...

Vua Càn Long cắt ngang

- Không có nhưng mà... nhưng mà gì cả.

Vĩnh Cơ nghe vậy nín khe, lệnh phi thấy vậy sợ Vĩnh Cơ buồn nên kéo Vĩnh Cơ về phía mình.

- Thôi được rồi được rồi, Thập Nhị a ca này hãy hứa với Hoàng a ma đi là sẽ tuân theo lệnh của Hoàng a ma. Thập Nhị a ca ở lại đây thì cũng đâu khác nào ở Khôn Ninh cung, ở đây cũng vui vậy? Ở đây có Thất cát cát nè, Cửu cát cát nè, chơi với Thập Nhị a ca còn nữa... còn tiểu a ca nữa... ở đây đông người vui hơn cả ở Khôn Ninh cung nữa.

Và đã phủ dụ, lệnh phi quay vào trong gọi a đầu:

- Có đứa nào phía sau, mang bánh kẹo lên cho Thập Nhị a ca ăn đi!

- Vâng.

Thế là cả đám cung nữ mang những chiếc mâm đầy kẹo bánh lên, để đầy bàn. Vĩnh Cơ nhìn thức ăn mà rưng rưng nước mắt nói:

- Nhưng mà...

Vua Càn Long cắt ngang

- Ta đã bảo không được nói nhưng mà gì cả, sao cứ nói hoài vậy.

Vĩnh Cơ giật mình và không kềm chế được nữa, òa lên khóc ngay.

Tiếng khóc của Vĩnh Cơ làm vua bực dọc, ông đứng dậy đi tới đi lui trong phòng

- Ðã bảo là không được khóc sao cứ khóc hoài vậy?

Lệnh phi ngồi đó nhìn Vĩnh Cơ, cũng không biết phải xử trí ra sao.

Ngay lúc đó bên ngoài có tiếng thái giám bảo:

- Tử Vy cát cát đến, Tịnh Nhi cát cát đến!

Liền khi đó Tịnh Nhi và Tử Vy đã bước vào cửa. Lệnh phi thấy hai người đến như gặp được cứu tinh.

Tử Vy vừa bước vào tới của đã quỳ xuống

- Hoàng a ma kiết tường, lệnh phi nương nương kiết tường!

Tịnh Nhi cũng quỳ theo tung hô:

- Hoàng thượng kiết tường, lệnh phi nương nương kiết tường!

Lệnh phi vội đỡ hai người dậy nói

- Hai người đến thật kịp lúc, kịp lúc quá, Tử Vy hãy khuyên Hoàng a ma đi, người đang giận Thập Nhị a ca đấy. Thập Nhị a ca thì nằng nặc đòi về mẹ ta chẳng biết phải làm sao bây giờ!

Vua Càn Long thấy Tử Vy tới biết là cô nàng lại định can thiệp, nên trầm giọng nói:

- Tử Vy này! Ban sáng con đã biểu diển một màn đọc thơ “không đánh” rồi, thế bây giờ con đến đây có phải lại là vì chuyện của Thập Nhị a ca? và con lại định tiếp tục đọc thơ nữa, phải không?

Tử Vy biết là vua chặn đầu, nhưng vẫn dũng cảm nói:

- Vâng, con đang có hai câu thơ muốn đọc đây, xin Hoàng a ma nghe tiếp.

Rồi đọc.

Con xa mẹ

Mẹ xa con.

Mắt trắng lệ rơi chẳng thành lời.

Vua Càn Long lắc đầu:

- Bài thơ đó con sử dụng ở đây không hợp lý, vì trẫm chia cách hai mẹ con nó là vì tiền đồ của Thập Nhị a ca thôi. Nếu để nó ở bên một người mẹ như vậy, học toàn những điều nham nhở tàn ác, âm mưu quỷ kế, thì sớm muộn gì cũng bị nhiễm. Lớn lên sẽ thành con người như thế nào?

Tịnh Nhi bước tới xá một xá nói:

- Bẩm hoàng thượng lão phật gia bảo con đến đây xin cho Thập Nhị a ca, con thấy thì qua những sự việc xảy ra, hẳn hoàng hậu đã lãnh hội được nhiều điều bổ ích. Lão phật gia cũng nói, người sẵn sàng nhận nhiệm vụ coi sóc để dạy dỗ Thập Nhị a ca đến lúc trưởng thành. Vì vậy xin hoàng thượng cứ đưa Thập Nhị a ca về cho hoàng hậu đi.

Vua Càn Long khoát tay nói:

- Ta chỉ e rằng, giang sơn có thể cải, nhưng bản chất con nguời khó mà thay đổi thôi!

Tử Vy nghe vậy bước tới nắm tay vua nói:

- Nhưng mà... chẳng lẽ hoàng thượng lại giao cái trách nhiệm nặng nề kia cho lệnh phi nương nương gánh? Thế này thì con thấy không công bằng!

- Con nói vậy là sao?

Tử Vy chậm rãi nói:

- Hoàng thượng đưa Thập Nhị a ca về cho lệnh phi nương nương nuôi dưỡng là đưa nương nương vào cái thế khó xử, bởi vì ai cũng biết thập nhi a ca là con trai của hoàng hậu nương nương. Một hòn ngọc quý mà chẳng ai dám đụng đến, bây giờ Hoàng a ma giao cho lệnh phi nương nương dạy dỗ. Ðương nhiên nương nương phải uốn nắn, sai trái nhẹ thì la rầy, nặng thì roi vọt, lúc đó miệng đời sẽ thêm thắt gièm pha. Rốt cuộc lại lệnh phi nương nương sẽ bị mang tiếng xấu một cách vô cớ, đó là chưa nói hiện nay lệnh phi nương nương đã có Thất cát cát và Cửu cát cát, cộng thêm một tiểu a ca nữa, quản không xuể rồi, bây giờ phải lãnh thêm sức đâu mà gánh?

Vua Càn Long nghe phân tích ngẩn ra nhìn lệnh phi, trong khi lệnh phi thì như trút được nỗi băn khoăn trong lòng nên nói:

- Ồ! Cái cô Tử Vy này, tại sao lại đi guốc trong bụng người như vậy?

Và quay qua vua Càn Long bà nói:

- Bẩm hoàng thượng, chuyện hoàng thượng giao cho thiếp quản lý Thập Nhị a ca là một vinh dự cho thần thiếp, nhưng mà... như điều Tử Vy đã nói có lắm điều bất tiện, khó mà tránh được tiếng thị phi. Bên cạnh đó Thập Nhị a ca đã lớn, lúc nào lại cũng chỉ nghĩ đến mẹ đẻ mình. Thần thiếp mà nhận lời chỉ e là chẳng có cách nào thay thế được địa vị của mẹ ruột trong trái tim Thập Nhị a ca.

Tịnh Nhi cũng tiếp lời:

- Bẩm hoàng thượng! Tịnh Nhi biết hoàng thượng rất quý Thập Nhị a ca, sợ là nếu không giáo dục kỹ sẽ hư hỏng, điều đó rất đúng. Có điều trong hoàn cảnh thế này mà bắt a ca phải rời xa mẹ ruột, sẽ gây ấn tượng không tốt với cậu ấy. Vì vậy việc làm đó có thật sự tốt hay không? Hay lợi bất cập hại?

Tử Vy cũng nói vào.

- Hoàng a ma! Con thấy bây giờ mà Hoàng a ma mang trả Thập Nhị a ca lại cho hoàng hậu nương nương thì hoàng hậu dù có sắt đá thế nào cũng phải động lòng mà hồi tâm. Vậy thì sao Hoàng a ma chẳng không nhân cơ hội này mà cải hóa trái tim hoàng hậu. Con còn nhớ có một lần lúc ở Nam Dương, Hoàng a ma đã từng nói nhà mà có vui vẻ thì cuộc sống mới hưng thịnh. Lúc đó con đã quyết định quay về, cũng chỉ vì muốn gầy dựng một hòa khí cho gia đình. Con rất muốn hoàng hậu thay đổi cách nhìn biến “can qua thành ngọc bạch” (biến đổi chiến tranh thành hòa bình) vì vậy con rát muốn Hoàng a ma giúp đỡ con, để con được trở thành một người hòa giải. Con muốn được mang Thập Nhị a ca về cho hoàng hậu, Hoàng a ma thấy thế nào?

Vua Càn Long nhìn Tử Vy, chợt hiểu ra là Tử Vy đã làm vậy là vì đại cuộc, dùng đức báo oán, để kẻ nghịch đạo quay về. Ðây là cách tốt nhất để mọi người phải tâm phục khẩu phục. Thế là vua thở dài lần nữa, lắc đầu nói với Vĩnh Cơ.

- Vĩnh Cơ! Chị Tử Vy con quả là giỏi, thuyết phục ta tha cho mẹ con, Thôi được, thôi được! Ta chẳng thế làm gì khác hơn, nhưng mà Vĩnh Cơ này, con phải nhớ cái ơn, cái đức của chị Tử Vy đấy. Ðừng bao giờ quên. Thôi con hãy theo chị quay về Khôn Ninh cung đi!

Tử Vy nghe vua Càn Long nói vậy, mừng rỡ trấn an.

- Xin cảm ơn Hoàng a ma! Xin Hoàng a ma hãy yên tâm về tương lai của Thập Nhị a ca, có thế nào thì Thập Nhị a ca cũng nên người. Bởi vì... Có bao giờ hổ phụ mà chẳng sinh hổ tử đâu?

Lời của Tử Vy khiến vua Càn Long cười, thế là Tử Vy và Tịnh Nhi kéo Thập Nhị a ca lạy vua và lệnh phi rồi vội vã đi ra cửa.

o O o

Cùng lúc đó ở Khôn Ninh cung, không khí trĩu nặng mây đen vần vũ. hoàng hậu và Dung ma ma đang ôm nhau mà khóc, họ khóc một cách thảm thiết vì cuộc đời không còn ý nghĩa gì với họ cả rồi.

Dung ma ma ăn mấy mươi hèo, mình mẩy ê ẩm, đứng không được mà ngồi cũng không yên, phải nằm dài trên ghế. hoàng hậu ngồi cạnh vừa khóc vừa hỏi:

- Ngươi thấy thế nào, liệu có giảm đau chưa? Hay là phải uống thêm mấy viên tử hoạt huyết đơn nữa?

Dung ma ma ràn rụa nước mắt vội nói với hoàng hậu:

- Nương nương, nô tài không còn thấy đau nữa vết thương ngoài da nghĩa lý gì... Nô tỳ chỉ thấy mình vô cùng có lỗi, nô tỳ chẳng làm gì để giúp đỡ nương nương được!

Lời của Dung ma ma khiến hoàng hậu nhớ tới Vĩnh Cơ bà đưa mắt nhìn ra ngoài, trời tối đen như mực, nghẹn giọng nói:

- Không biết giờ này Vĩnh Cơ thế nào? Cái thằng bé kén ngủ lắm, nó đã quen ngủ giường nào mà đổi giường khác e là sẽ chẳng ngủ được.

Dung ma ma vừa khóc vừa nói:

- Nương nương! Tất cả ở lỗi nô tỳ cả... lỗi do nô tỳ gây ra... Để sáng mai nô tỳ sẽ lén sang Diên Hỷ cung xem Thập Nhị a ca thế nào, cần gì? Chúng ta sẽ đưa sang đó, nương nương ạ, nô tỳ biết là nương nương đau lòng lắm... nhưng chẳng biết làm sao hơn. Nếu mà bây giờ, cái đầu của nô tỳ có thể đổi được Thập Nhị a ca trở về đây, thì nô tỳ rất sẵn sàng, chẳng nuối tiếc gì cả... Nương nương nô tỳ thật có lỗi với nương nương...

Lời của Dung ma ma làm hoàng hậu khóc chẳng thành tiếng. Ngay lúc đó, chợt có tiếng thái giám bên ngoài rao:

- Tử Vy cát cát đến, Tịnh Nhi cát cát đến, Thập Nhị a ca đến!

Hoàng hậu và Dung ma ma đang khóc chợt ngẩn ra, hoàng hậu lắp bắp hỏi:

- Có cả Thập Nhị a ca đến, ta có nghe lầm không?

Dung ma ma nói:

- Thần cũng nghe như vậy, có cả Thập Nhị a ca!

Hai người vội vã đứng dậy dìu nhau loạng choạng ra cửa.

Cửa vừa mở đã thấy Tịnh Nhi và Tử Vy đang nắm tay Vĩnh Cơ bước vào, Tử Vy nhún người chào hoàng hậu nói:

- Hoàng hậu nương nương, con đưa Thập Nhị a ca từ Hoàng a ma về đây cho nương nương đây, xin nương nương đừng buồn nữa.

Hoàng hậu vừa nhìn thấy Thập Nhị a ca là khóc òa, bà dang rộng hai tay ra đón lấy Vĩnh Cơ ôm chặt như sợ mất con lần nữa.

Tịnh Nhi thấy vậy cảm động nói:

- Hoàng hậu nương nương, lão phật gia có dặn dò, mong là nương nương hãy trân trọng những cái mình đang có, đừng đánh mất nó một lần nữa.

Hoàng hậu nghẹn ngào, ngước mắt nhìn Tử Vy, sự thù hận trong tim bà chợt nhiên biến mất, thay vào đó là sự cảm ơn và hối lỗi. Bà muốn nói một lời nào đó để cảm ơn, nhưng lắp bắp mãi mà chẳng nói nên lời.

Dung ma ma thì thấy Tử Vy đưa Thập Nhị a ca trở về, lòng cũng cảm ơn khôn xiết, những ganh tị thù hận cũ chợt biến thành những mũi kim lương tâm làm bà cảm thấy đau nhói vì xấu hổ. Bà vội vàng quỳ xuống trước mặt Tử Vy và Tịnh Nhi lạy lấy lạy để, như để lạy thay cho sự hối lỗi.

Sự trở về của Vĩnh Cơ khiến cho không khí chiến tranh trong cung đình chấm dứt, hoàng hậu không còn tác oai tác quái như xưa mà trở nên khiêm tốn. Chuyện Hương phi bỏ trốn cũng lùi vào dĩ vãng, lịch sử hình như đã sang trang. Thái hậu bây giờ như hiểu ra ưu điểm của Tử Vy và Yến Tử, hai cô cát cát dân dã đã được chấp nhận có điều, lòng bà vẫn chưa yên.

o O o

Một hôm thái hậu cho gọi Nhĩ Khang vào triều, quyết định hỏi cho ra lẽ, bà hỏi Nhĩ Khang:

- Nhĩ Khang này, ngươi có biết ta cho gọi ngươi đến đây để làm gì không?

Nhĩ Khang cung kính đáp

- Thần không biết.

Thái hậu trầm ngâm một chút nói:

- Hôm nay ta tìm cách để Tịnh Nhi vắng mặt ở đây, là để ta và ngươi nói chuyện dễ dàng hơn. Ngươi có biết là từ lúc ở Ngũ Đài sơn quay về, ta đã có nhiều cuộc muốn nói với ngươi. Nhưng rồi trong cung hết xảy ra chuyện này đến chuyện khác, các ngươi đã quậy tung mọi thứ lên, khiến những gì ta muốn nói cũng không có dịp nói, cứ để yên trong lòng, bây giờ thì không thể không nói rồi.

Nhĩ Khang đâm lo chàng hỏi:

- Chẳng hay lão phật gia muốn dạy bảo điều chi, con xin chờ đây.

Thái hậu nói:

- Vậy thì ta đi thẳng vào vấn đề vậy, ta biết ngươi và Tử Vy yêu nhau thật lòng, tình yêu của các ngươi đã khiến ta cũng phải cảm động. Nhưng chuyện này ta thấy cũng chẳng lạ cái con Tử Vy a đầu đó. Ta không thể không thừa nhận nó là đứa tài hoa lại có thể phẩm cách, khó mà bưới lông tìm vết để làm khó dể được. Thôi thì đành chấp nhận, giờ ta đã sẵn sàng đồng ý cho con và nó lấy nhau, có điều ta còn một điều kiện muốn ngươi chấp hành.

- Dạ... Điều kiện gì ạ!

- Đấy là ngươi phải chấp nhận cả Tịnh Nhi!

Nhĩ Khang nghe nói, tái mặt.

- Bẩm lão phật gia, xin hãy suy xét cho.

- Ta đã suy xét rất nhiều lần, nghĩ tới nghĩ lui ta thấy Tịnh Nhi nó xinh đẹp, hiền lành, thông minh lại có học, như vậy đâu có gì là không xứng với ngươi, mà ngươi cùng lúc có được hai vợ xinh đẹp, giỏi dắn như vậy cũng đâu có thiệt thòi gì. Ta tin rằng ngươi là người biết xử sự, sẽ yêu đồng đều cả hai, không để một ai phiền hà. Ta cũng tin là Tử Vy là đứa hiểu biết, rộng rãi, không lấn áp Tịnh Nhi. Vì vậy nếu ngươi cũng có ý thích Tịnh Nhi thì cho biết. Ðích thân ta sẽ nói với nó nếu nó đồng ý là ta sẽ nói chuyện với Tử Vy, ngươi không được lộn xộn gì cả nghe!

Nhĩ Khang hoảng hốt chắp tay lại thưa.

- Lão phật gia, chuyện này xin lão phật gia đứng ngoài cho đừng nói gì với Tử Vy cả. Bởi vì nếu Tử Vy mà không đồng ý cũng sẽ không để lộ sự phản đối đâu, và sự việc càng trở nên rắc rối hơn. Con chỉ có một tấm chân tình, con đâu thể cùng lúc chia sẻ cho hai người được? Tịnh Nhi không có gì là không xứng đáng nhưng nếu con cưới Tịnh Nhi, có nghĩa là con đã làm khổ cô ấy. Lão phật gia! Có biết là người rất quý Tịnh Nhi vậy thì sao lão phật gia lại chấp nhận để Tịnh Nhi phải đau khổ, phải buồn chứ?

Thái hậu châu mày:

- Tại sao Tịnh Nhi phải khổ, khi mà ta mưu cầu hạnh phúc cho nó, ngươi nói gì ta không hiểu?

Nhĩ Khang thành khẩn nói:

- Bẩm lão phật gia vì trong trái tim thần chỉ có một hình bóng Tử Vy, Tử Vy đã chiếm hết chỗ đứng trong đó, nên làm sao chứa được người khác. Con đã thề với Tử Vy, kiếp này nguyện làm chim liền cánh, làm cây liền cành với cô ấy nếu con mà còn lòng dạ nào thì sẽ chết bất đắc kỳ tử.

Thái hậu trợn mắt:

- Tại sao ngươi nói vậy chứ, ta dựa vào chỗ thân tình nói chuyện với ngươi. Ngươi lại không nghĩ mà cứ né tránh, không muốn tiến tới, tại sao vậy? Trong chuyện này người bị thiệt đâu phải là Tử Vy đâu, mà ngươi từ chối, kẻ thiệt thòi nhất chỉ có thể là Tịnh Nhi!

Nhĩ Khang không kềm được nói:

- Nhi thần thấy, nếu theo cách sắp xếp của lão phật gia, thì sẽ không có ai hạnh phúc. Ba chúng con sẽ đều đau khổ, chẳng ai vui đâu, Bẩm lão phật gia! Xin người hãy nghĩ lại, Tử Vy từ ngày vào cung đến nay, chỉ gặp toàn chuyện khổ chứ chẳng thấy vui, lại phải mang thương tích đầy người. Nhưng cô ấy nào có oán than, chỉ lầy lòng khoan dung mà chấp nhận. Một tâm hồn vị tha đó chỉ vì việc lớn, vì mọi người. Nhưng trong tình yêu, con biết Tử Vy là người rất chuyên nhất cô ấy chỉ muốn có “một vợ một chồng” đó không phải là quan điểm riêng tư của Tử Vy mà cả con cũng muốn như vậy. Xin lão phật gia hãy tôn trọng cái ý kiến của chúng con.

Thái hậu có vẻ không vui, hỏi:

- Làm sao ngươi biết là Tử Vy không chấp nhận chuyện ngươi có nhiều vợ, ta thấy tình cảm giữa nó và Tịnh Nhi rất khắn khít, chẳng khác chị em, thì sao lại không chấp nhận chuyện san sẽ?

Nhĩ Khang vẫn giữ vững lập trường.

- Lão phật gia, Tử Vy vẫn là con người chứ nào phải là thần thánh, cô ấy là đàn bà, mà đã là đàn bà thì đương nhiên có những tinh tế của phái nữ. Ðàn bà rất nhạy cảm, nhất là trong chuyện tình yêu. Họ ích kỷ và ghen tương, điều đó hẳng lão phật gia cũng biết. Con nghĩ, không phải chỉ một mình Tử Vy mà ngay cả Tịnh Nhi cũng thế. Xin lão phật gia đừng đánh giá Tử Vy cao quá, cũng như đừng đánh giá Tịnh Nhi thấp trong chuyện tình yêu. Con thừa nhận con không đủ khả năng lực để yêu một lúc hai người đàn bà Nếu con mà nhận sự sắp xếp của lão phật gia thì con chẳng những không xứng với Tử Vy mà cũng không xứng với Tịnh Nhi nữa, con không có quyền xúc phạm tình yêu của Tử Vy cũng như không thể hại hạnh phúc của Tịnh Nhi. Làm như vậy Tử Vy khổ, Tịnh Nhi buồn, con là kẻ đứng giữa càng khó xử hơn. Kết quả chỉ là sự huỷ diệt cả ba chứ chẳng vui vẻ gì cả.

Nhĩ Khang thở dài rồi tiếp tục nói:

- Con, Tử Vy, và Tịnh Nhi đều là những con người hiểu biết, chẳng lẽ thấy sai trái mà vẫn húc đầu vào? Chẳng lẽ lại ngu xuẩn như vậy?

Nhĩ Khang vừa dứt lời, thì tự nhiên Tịnh Nhi từ phía sau bước ra, vỗ tay nói:

- Anh Nhĩ Khang, anh nói rất hay, rất đúng, em không thể không cỗ vũ cho lời nói vừa rồi của anh.

Nhĩ Khang và thái hậu đều bất ngờ, Nhĩ Khang lúng túng đứng dậy.

- Tịnh Nhi... xin lỗi tôi...

Tịnh Nhi cười:

- Không có gì phải xin lỗi cả, điều anh nói rất có lý, anh khiến tôi vừa khâm phục, vừa cảm động.

Rồi Tịnh Nhi quay qua Thái hậu nói:

- Con nghe lão phật gia sai con đi công việc trong khi lại vời anh Nhĩ Khang đến là con biết có chuyện ngay, nên con lén lén quay về. Có phải là lão phật gia muốn con đi khỏi để ép anh Nhĩ Khang chấp nhận con không? Lão phật gia làm vậy là khinh thường con quá! Con chẳng đã từng nói rõ với lão phật gia rồi ư? Con đâu có muốn làm vợ anh Nhĩ Khang, khi trong trái tim anh ấy đã có sẵn hình bóng của Tử Vy rồi. nếu lão phật gia cứ bức anh ấy nhận con, thì như vậy là coi thường con quá. Tình yêu không thể áp đặt, nếu hôm nay mà anh Nhĩ Khang cũng vì nểu tình lão phật gia mà nhận lời thì con cũng từ chối. Vì làm vậy chỉ khiến cho cả ba người đau khổ, chứ chẳng vui gì nhất là con. Vì nhaĩ khang yêu Tử Vy, con chỉ là một cục thịt thừa, trong cuộc hôn nhân con sẽ chỉ là người ngoài cuộc.

Thái hậu ngẩn ra nhìn Tịnh Nhi chậm rãi nói:

- Tịnh Nhi, ta biết là con có niềm kiêu hãnh riêng của con nhưng mà...

Tịnh Nhi bước tới cạnh thái hậu, kề tai nói nhỏ:

- Lão phật gia có đồng ý để con nói chuyện riêng với Nhĩ Khang không?

Thái hậu rất ngạc nhiên, nhưng lại nghĩ hay là để nó tự thuyết phục Nhĩ Khang vậy, nên gật đầu.

Tịnh Nhi quay sang Nhĩ Khang.

- Anh Nhĩ Khang, chúng mình cùng ra vườn hoa đi, ở đó thoáng mát hơn.

o O o

Thế là hai người bước ra ngự hoa viên, thấy chẳng có ai tò mò, Tịnh Nhi nói nhanh với Nhĩ Khang

- Anh phải biết, lão phật gia từ nào đến giờ, muốn làm gì là tự ý hành động. Anh đừng có thấy vậy mà hiểu lầm đấy là chủ ý của tôi, hiểu lầm như thế tôi chỉ có nước độn thổ trốn mất khỏi xứ này.

Nhĩ Khang nhìn Tịnh Nhi lòng đầy những tình cảm phức tạp nói:

- Tịnh Nhi xin lỗi. Nếu những lời ban nãy có làm xúc phạm đến thì xin cô bỏ qua cho, đừng chấp nhất. Tôi... tôi cũng không biết phải nói với cô thế nào. Ơn của cô đối với bọn tôi rất nhiều... cô nói giúp mà chẳng hề nghĩ đến sự thiệt thòi cho bản thân. Hết Tiểu Yến Tử đến Tử Vy rồi cả tôi và cả Ngũ a ca mỗi một việc đó tôi đều ghi nhớ, và tôi cũng không phải là hạng người quên ơn phụ nghĩa. Tôi đã từng nói với cô là sẵn sàng xả thân cho cô nếu cô cần, có điều...

Tịnh Nhi cảm động nhìn Nhĩ Khang, dịu giọng nói:

- Anh chẳng cần nói gì cả, những gì anh nghĩ, em đều biết cả, từ lúc tận mắt nhìn, hiểu tình yêu giữa anh và Tử Vy. Em vô cùng cảm động, em rất ái mộ hai người và nhất tâm nhất ý muốn hai người được hạnh phúc.

Rồi Tịnh Nhi cười, nói một cách bình thản

- Người thông minh và hiểu biết như tôi làm sao có thể chấp nhận chuyện bị kẹp giữa hai người để hưởng cái hạnh phúc thừa? Chẳng lẽ tôi lại mất giá như vậy ư, chẳng lẽ tôi không thể kiếm một người bạn đời tương xứng với mình sao?

Nhĩ Khang nghe nói rất xúc động, nhìn Tịnh Nhi nói:

- Tịnh Nhi! Tôi thấy cô có rất nhiều sự thay đổi.

- Vậy ư?

- Vâng, cô không còn là một Tịnh Nhi suốt ngày núp bóng Thái hậu, một cô gái hiền lành, an phận, dễ bảo, mà là một người độc lập, tự tin, một người rất trưởng thành. Tử Vy đã từng nói rất thán phục Tịnh Nhi, một cô gái song toàn thi văn thư phú rành mạch lại có một tài khí hơn người. Một cô gài có bề ngoài dịu dàng lạnh nhạt, trong khi bên trong lại có một trái tim rực lửa. Tôi nghĩ sự phân tích của Tử Vy đủ để ca ngợi cô rồi.

Tịnh Nhi ngạc nhiên.

- Tử Vy đã nói về em như vậy ư?

- Vâng, lúc bọn tôi rời khỏi hoàng cung, lúc rảnh rỗi thường nhắc đến Tịnh Nhi.

Tịnh Nhi nghe vậy chớp chớp mắt, có vẻ cảm động

- Tử Vy là người hiểu em, vậy thì anh và Tử Vy đều là tri kỷ của em, em nghĩ chúng ta mãi đến lúc đầu bạc răng long, vẫn có thể cùng nhâu thưởng nguyệt xem hoa, mối quan hệ đó rất đúng quan trọng. Em không muốn đánh mất sự giao hảo tốt đẹp này, vì vậy anh đừng để những lời của Lão phật gia làm bối rối để rồi em sẽ thuyết phục bà ấy. Riêng về cái khoảng tình cảm mà anh đã nợ em, thì có thể lấy tình bằng hữu cả đời mà đền trả cũng được.

Nhĩ Khang gật đầu:

- Vâng, tình bạn bè cả đời duy trì được sẽ rất tốt, tôi sẽ cố mà giữ cho được như thế.

Rồi hai người nhìn nhau không nói gì cả, họ chỉ cảm nhận bằng tâm linh. Bởi vì họ biết, suốt cuộc đời rồi sẽ có biết bao biến cô không thể lường trước được. Ngay cả tình phu thê, nhiều lúc cũng đâu có trường tồn như trời và đất, nhưng tình cảm bạn bè của họ, chắc chắn sẽ trường tồn, vì họ hiểu và không đòi hỏi gì nhau.

o O o

Sau khi nói chuyện với Nhĩ Khang xong, Tịnh Nhi quay về Từ Ninh cung, nói với Thái hậu:

- Bẩm lão phật gia, con đã nói với lão phật gia rồi, nếu yêu con thì đừng bắt Nhĩ Khang phải cưới con, con thật sự không ưa thích màn chia sẻ chồng vợ với ai cả. Nếu yêu nhau chỉ nên một vợ một chồng, Nhĩ Khang đã dành hết trái tim mình cho Tử Vy rồi, con chen vào rồi sẽ ở đâu? Con thú thật trước kia con cũng có cảm tình với Nhĩ Khang thật, nhưng chuyện đó đã thuộc về quá khứ. Còn bây giờ con coi Nhĩ Khang là anh, một người anh như ruột thịt. Vì vậy con van lão phật gia đừng có phản đối cuộc hôn nhân của Nhĩ Khang và Tử Vy nữa, nếu được như vậy thì con hết sức cảm ơn lão phật gia.

Thái hậu vẫn thắc mắc:

- Nhưng mà... ta còn nhớ... có lần con đã nói với ta là Nhĩ Khang đã làm con “động lòng không ngủ được”?

- Vâng, trước đó... Con thú thật, có cảm giác đó... nhưng đó không phải là Nhĩ Khang ngày nay mà chỉ là một nhân vật trong mộng tưởng, một con người hư cấu... thật sự con cũng rất muốn được như Tử Vy, tìm được một đối tượng mình thích mình yêu... một con người chỉ biết có mình và chưa hề yêu ai cả.

Thái hậu lắc đầu:

- Con muốn tìm một con người lý tưởng như ý? Chuyện đó coi bộ khó, đâu phải trên đời này dể có được một người như Nhĩ Khang, nếu bây giờ con không chịu Nhĩ Khang, rồi làm sao tìm ra được một người như vậy trong tương lai chứ?

Tịnh Nhi nhìn thẳng thái hậu nói:

- Con biết là lão phật gia thương con, lúc nào cũng nghĩ đến con. Thôi thì thế này, lão phật gia hãy dành cho con cái quyền được chọn lựa người mình yêu mình muốn lấy làm chồng đi, để đến một lúc nào đó con tìm được người ăn ý sẽ thông báo cho lão phật gia biết, rồi lão phật gia thẩm định lại, tác thành cho con là được rồi?

Thái hậu trìu mến nhìn Tịnh Nhi chịu thua, thôi thì nó muốn như vậy thì phải vậy.

- Được rồi, nếu con muốn thế... Thái hậu nói – Có điều ta chỉ sợ đến lúc đó con lại mắc cở không chịu nói ra thôi.

Tịnh Nhi trịnh trọng nói:

- Nếu có cơ hội đó, lão phật gia đừng lo, con sẽ không bỏ qua đâu.

o O o

Thế là một hôm thái hậu dưới sự hướng dẫn của Tịnh Nhi đã đến Thấu Phương Trai.

Sự xuất hiện của thái hậu khiến mọi người lo lắng, nhưng thái hậu lại đầy vẻ hiền hòa nói:

- Tử Vy, Yến Tử đâu! Hôm nay ta đặc biệt ghé qua thăm xem các ngươi thế nào rồi, lúc này trời trở lạnh, ở Thấu Phương Trai này có thiếu thốn gì, có cần thiết gì, cứ nói? Chăn màn, áo gấm ta sẽ bảo chúng nó mang đến cho, đừng ngại, ăn mặc mong manh quá dễ bệnh lắm đấy.

Lời của lão phật gia làm cả Tử Vy và Yến Tử kinh ngạc, lần đầu tiên hai người mới nghe được thái hậu nói chuyện hiền hòa dễ thương thế. Cả hai lặng người vì xúc động, Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang đứng ở phía sau cũng ngạc nhiên không kém, Tử Vy sau một phút bối rối, vội quỳ xuống nói:

- Dạ bẩm lão phật gia, ở Thấu Phương Trai này chúng con chẳng thiếu thốn gì cả, chúng con thật hạnh phúc khi được lão phật gia quan tâm.

Thái hậu đưa mắt nhìn quanh, bà đã nhìn thấy Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang. Cái nhìn của bà khiến Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang đều bối rối, nhất là Nhĩ Khang. Cái cảm giác vụng trộm bị người khác bắt gặp tại trận, cộng thêm sự lo lắng không biết lần này Thái hậu đến có nhắc lời đề nghị hôm trước không? Nếu có trước mặt Tử Vy, chẳng biết thế nào, liệu bão táp sẽ đến không? bất giác Nhĩ Khang đưa mắt nhìn sang Tịnh Nhi, Tịnh Nhi hiểu ngay sự lo lắng của Nhĩ Khang, nên cười trấn an.

Ngay lúc đó chợt nhiên thái hậu nói:

- Nhĩ Khang này, cha con cũng bị chuyện con làm liên luỵ, hẳn ông ấy mệt lắm. À... mà mẹ con thế nào lúc này khỏe không?

Nhĩ Khang lúng túng vòng tay

- Bẩm lão phật gia, mẹ và cha con thấy con quay về là vui mừng khôn xiết, như uống trăm thang thuốc bổ, bệnh tật đều tiêu tan và khỏe mạnh ngay.

- Thế còn Nhĩ Thái, có nghe nói bao giờ nó quay về nhà không?

Nhĩ Khang thưa:

- Dạ, Nhĩ Thái đúng ra đã về chơi nhưng rồi nghe nói vì Tái A có mang nên ông bà Lạc Bình không chịu để Tái A đi trong lúc này, vì vậy e rằng phải dợi thêm một khoảng thời gian nữa. Cũng may là con đã quay về kịp lúc nên ba mẹ con rất vui.

Thái hậu có vẻ hài lòng

- Tái A có mang ư? Vậy là tuyệt quá. Hồng phúc, hồng phúc! Có nghĩa là thằng em tới đích trước ông anh nó rồi? Như vậy để đuổi kịp ta thấy các ngươi cũng phải sớm tiến hành lễ cưới đi. Hãy chọn này đi rồi báo cho ta biết, ta và hoàng đế sẽ nghiên cứu rồi thông qua.

Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ nghe vậy vô cùng mừng rỡ Tử Vy và Yến Tử đỏ mặt.

Vĩnh Kỳ bước tới một bước, vòng tay thưa:

- Dạ bẩm lão phật gia! Người... người... đã không còn phản đối chuyện chúng con thành hôn ư?

Thái hậu nhìn Vĩnh Kỳ rồi nhìn Yến Tử cười xong bước tới nắm tay Vĩnh Kỳ và Yến Tử lại, nhỏ nhẹ nói:

- Vĩnh Kỳ này, con nên biết, cháu dâu này không phải ta lựa chọn cho con, đương nhiên là trong lòng ta có một chút bức xức, nhưng mà... sự việc diễn biến lúc gần đây đã chứng thực cho ta thấy, con chọn đúng, nên ta đã bị thuyết phục. Vậy thì còn phản đối gì nữa? Ta chấp nhận chúng con và cũng mong các con rồi cũng chấp nhận ta.

Vĩnh Kỳ nghe vậy cảm động vô cùng, chỉ biết nói:

- Dạ cảm ơn lão phật gia, cảm ơn lão phật gia!

Thái hậu chỉ cười không nói gì cả, quay qua Nhĩ Khang và Tử Vy.

- Còn hai đứa Nhĩ Khang và Tử Vy này, các con đã trải qua bao trận phong ba bão táp, vậy mà tình yêu vẫn kiên định, điều này khiến ta thấy cảm động vô cùng, thôi thì từ đây ta sẽ không gây cản trở cho các con nữa, ta chúc lành cho hai con đấy.

Tử Vy bất ngờ cảm động nói:

- Được lão phật gia yêu quý chúc lành như vậy Tử Vy này nào có dám mong mỏi gì hơn.

Nhĩ Khang cũng thế, quỳ xuống tâu:

- Con vô cùng cảm ơn lão phật gia, được sự bao dung và hiểu biết của lão phật gia con cảm động vô cùng, chẳng biết phải nói thế nào để cảm ơn nữa.

Yến Tử ngỡ mình đang nằm mơ, cứ dụi dụi mắt nói:

- Bẩm lão phật gia con cứ tưởng những gì con đã làm lão phật gia hẳn giận lắm và... và sẽ không bao giờ tha thứ.

Thái hậu cười:

- Sao lại không bao giờ tha thứ, ta đã hết giận rồi, các con hãy xếp những chuyện đó vào Hồi Ức thành đi.

Yến Tử tròn mắt:

- Hồi Ức thành? vậy là lão phật gia đã biết hết tất cả rồi?

Tịnh Nhi cười chen vào.

- Tôi đã kể hết cho lão phật gia nghe rồi, kể cả những chuyện kinh thiên động địa mà các người đã trải qua. Cái gì cũng kể cả, lão phật gia càng nghe càng cảm thấy thích thú.

Tử Vy nghi ngờ

- Lão phật gia đã biết tất cả rồi ư, người... người không trách gì bọn con cả ư?

Thái hậu nhìn Tử Vy và Yến Tử cười.

- Thế còn tụi con, hai con a đầu gàn bướng, trước kia có nhiều sự việc khiến ta đã hiểu lầm hai con, hai con có giận ta không, có giận bà nội con không?

Yến Tử nghe vậy càng mở to mắt.

- Bà nội ư?

Thái hậu cười:

- Ờ.. ở dân gian trong các gia đình dân dã, chẳng phải các người phải gọi mẹ của cha là bà nội ư? Ta còn nhớ có người đã từng bảo ta là cái từ “lão phật gia” nghe sao mà nói sáo rỗng quá, vì vậy ta rất muốn được gọi là Bà nội cho thân tình hơn.

Yến Tử vừa mừng vừa xúc động, cô nàng hét to:

- Ồ, sướng quá, nội ơi nội, con vô cùng hạnh phúc, Con bây giờ có cha này, có anh nãy, có cả bà nội nữa... vậy thì tất cả những lỗi lầm lớn nhỏ cũ của con, nội đều bỏ qua hết nghe nội?

Thái hậu chỉ nói

- Tử Vy đã từng nói, cái quý nhất trong cõi đời là sự bao dung tha thứ ư?

Lời của thái hậu làm Tử Vy rớt nước mắt

- Bẩm lão phật gia, những lời của người vừa nói khiến con cảm động khôn cùng, nếu lần này mà con không quay về thì quả là một chuyện đại hối tiếc.

Thái hậu ôm cả hai cô gái vào lòng.

Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ đứng đó, niềm hân hoan dâng trào, không biết nói gì nữa.

Tịnh Nhi chỉ cười, trong khi Nhĩ Khang bước tới với thái độ vừa thành khẩn vừa kính trọng nói:

- Tịnh Nhi, tôi không biết nói gì để cảm ơn cô.

Tịnh Nhi yên lặng cười.

o O o

Chuyện trong cung đình, như vậy là xong, bây giờ chúng ta quay lại Hội Tân Quán.

Tối hôm ấy Hội Tân Quán mở cửa lại, buổi lễ tái khai trương được cử hành trọng thể, thanh niên nam nữ sắp hàng đứng hai bên cửa gõ trống đều nhịp mỗi khi khách bước vào.

Liễu Thanh, Liễu Hồng, Kim Tỏa đứng ngay mặt tiền đón khách, Yến Tử, Tử Vy, Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ, Tiêu Kiếm đứng quanh đó, người nào cũng vui vẻ khách đến thật đông, họ đứng đầy cả hai bên đường Yến Tử nói với Liễu Thanh, Liễu Hồng:

- Hôm nay là ngày tái khai trương của Hội Tân lầu, không khí phải náo nhiệt hơn hôm khai trương đầu tiên. Nghĩ như vậy tôi đã vắt óc suy nghĩ mãi mà chẳng biết phải làm gì để làm quà cho Hội Tân Quán, múa lân múa rồng thì xưa rồi vì vậy kế hoạch hôm nay đành để một mình Nhĩ Khang lo liệu vậy.

Nhĩ Khang quay qua nhìn Liễu Thanh, Kim Tỏa vui vẻ:

- Này Liễu Thanh, Kim Tỏa! Hai người có nhớ đến chuyện đám cưới của hai người ở Nam Dương không? Lúc đó vì lụp chụp, rối rắm quá nên mọi chuyện diễn ra hết sức giản đơn. Chuyện đó làm tôi bức rức mãi đến bây giờ, tôi có rất nhiều điều muốn nói, muốn chúc phúc và chưa nói ra được. Vậy thì hôm nay Hội tân quá khai trương, tôi muốn quán này sẽ ăn nên làm ra giống như tình cảm giữa hai người càng ngày càng nồng thắm.

Liễu Thanh có vẻ rất cảm động nói:

- Anh Nhĩ Khang, tôi chẳng có tài ăn nói như anh, nhưng trong lòng lại tràn ngập tình cảm bằng hữu mà không diễn ta thành lời được. Vì vậy tôi chỉ có thể nói một điều thôi được không được?

- Ðược nói đi.

Liễu Thanh chấp hai tay lên nói:

- Đó là cảm ơn, cảm ơn tất cả những gì anh đã làm trong thời gian qua, Anh đã tuyên chiến với truyền thống, đã quyết định làm những điều mà xưa nay chẳng ai dám làm. Ðể theo đuổi tình yêu lý tưởng, anh dám nói tiếng “không” với những gì lỗi thời, nhờ vậy mà tôi mới có được cái “hạnh phúc” của ngày hôm nay.

Rồi Liễu Thanh vòng tay quay qua Kim Tỏa nói:

- Cuối cùng, ai cũng có được hạnh phúc của mình, anh là người ra công xây dựng, tôi là người được hưởng phúc.

Tử Vy xúc động nói:

- Anh Liễu Thanh cho rằng mình không biết ăn nói mà sao nói hay quá, có phải Kim Tỏa đã dậy không?

Kim Tỏa đỏ mặt nói:

- Tiểu thơ, Nhĩ Khang thiếu gia! Tôi cũng chỉ là đứa ngu dốt cục mịch, bây giờ tôi được hạnh phúc thế này tất cả là nhờ tiểu thơ và thiếu gia, tôi xin được cảm ơn hai người.

Yến Tử đứng đó có vẻ nôn nóng, cắt ngang:

- Các người làm gì mà đứng đó cứ cảm ơn tới cảm ơn lui vậy. Nói thật nhé, đúng ra mọi người phải cảm ơn tôi nè, không có chuyện tôi lù đù đóng vai giả Hoàn Châu cát cát, làm gì có những chuyện sau đó chứ?

Vĩnh Kỳ nói:

- Yến Tử nói đúng đấy, nhờ cô ấy rồi nhờ tôi chuyện mới dài như vậy?

Tiêu Kiếm tiếp lời:

- Còn tôi đóng vai trò gì?

Liễu Hồng cười:

- Nhưng tập trung Yến Tử vẫn là nhân vật quan trọng nhất.

Yến Tử đắc ý:

- Còn gì nữa, nói tiếp đi!

Nhưng ngay lúc đó, tiếng trống đột ngột vồn vã hẳn lên, Bảo a đầu lớn tiếng nói:

- Ồ, họ đã đến rồi, đến rồi kia! Ðẹp quá, đẹp quá!

Ðám đông như bị khuấy động mọi người hướng mắt nhìn về phía đầu phố, chỉ thấy từ nơi đó, vô số thanh niên nam nữ xuất hiện, họ đều mặc áo đỏ, cầm đuốc trên tay tiến về phía Hội Tân Quán khung cảnh vô cùng hùng tráng họ vừa đi vừa múa đuốc, vừa hô to:

- Vĩnh viễn hưng thịnh, vĩnh viễn tỏa sáng!

Cũng trong lúc đó, có một chiếc xe ngựa chạy vào sân dừng lại, người đầu tiên bước xuống là ông Phước Luân, kế đến là vua Càn Long trang phục dân dã, phía sau và chung quanh ông đám thị vệ cũng xuất hiện trong áo quần thứ dân.

Vua Càn Long vừa bước xuống xe nhìn thấy khung cảnh hùng tráng của ngày khai trương cũng phải kinh ngạc nói với ông Phước Luân.

- Quán khai trương mà tổ chức bề thế như vầy, hùng vĩ quá, thật ta không ngờ!

Ông Phước Luân thưa:

- Có lẽ họ phấn khởi quá nên mới làm vậy, cái Hội Tân Quán này là căn nhà thứ hai của bọn trẻ ngoài cái Hồi Ức Thành đấy. Chính vì vậy mà cái “tưởng đã mất nay có lại được” là điều mọi người trân trọng nên đôi lúc vui quá chúng nên quên giữ gìn!

Tiếng trống và tiếng nhạc càng to hơn khi đám thanh niên áo đỏ vào sân, họ bắt đầu khiên vũ. Trong bóng đêm, ánh đuốc sáng rực nhảy múa theo điệu nhảy, tạo nên ảnh mông lung huyền bí. Nhưng điệu vũ không chỉ có vậy mà giữa lúc mọi người đang nín thở theo dõi, thì có một đoàn thanh niên nam nữ khác lại xuất hiện. Những người này mặc áo quần xanh khiêng những bình rượu lớn cũng nhún nhảy theo, điệu vũ thật lạ. Cuối cùng mới vỡ lẽ ra dây là điệu vũ “uống mừng vui say” một khung cảnh hoàng tráng hùng vĩ, khách xem mê mẩn, điệu múa dứt, quên cả vỗ tay.

- Hay, hay quá!

Tiếng ai đó la lên làm mọi người choàng tỉnh, một tràng pháo tay nổi lên, trong khi các vũ công đưa cao ánh đuốc, cùng hô to:

- Chúc Hội Tân lầu mãi mãi hưng thịnh, mãi mãi đông khách!

Sau đó họ đứng dạt qua hai bên tạo thành một con đường đi, đuốc vẫn đưa cao tỏa sáng đêm thành ngày.

Liễu Hồng bây giờ đứng ra tuyên bố:

- Hôm nay Hội Tân lầu mở cửa lại, hoan nghênh các vị đến tham gia, cùng chúng tôi chúc mừng ngày hội lớn này, để tỏ lòng mến khách, cửa hàng hôm nay xin được chiêu đãi miễn phí.

Tuyên bố của Liễu Hồng làm đám đông quần chúng hoan hô cuồng nhiệt, mọi người ùn ùn kéo vào quán

Vua Càn Long cũng khoát tay với đám thị vệ

- Thôi chúng ta cũng vào chúc mừng họ đi!

Trong đại sảnh Hội Tân lầu chăng đèn kết hoa rực rỡ. Liễu Thanh, Liễu Hồng, Kim Tỏa, Bảo a đầu... ngồi ở quầy hàng nhìn ra. Nhĩ Khang, Tử Vy, Yến Tử, Tiêu Kiếm thì vẫn ngồi ở chiếc bàn lớn nhất trong cùng.

Bàn này cũng chật ních, cười nói ồn ào, Yến Tử đưa mắt dáo dác nhìn quanh, chợt đứng dậy nói:

- Để tôi đi phụ họ chạy bàn mới được!

Vĩnh Kỳ nghe vậy giật mình, ngăn lại.

- Thôi thôi cô đừng có đi! một lát nữa rồi làm ngã mâm đổ thức ăn vào người người khác nữa mắc công! Thành tích của cô thế nào ai cũng biết hết rồi, đừng có lộn xộn, ngồi yên đây cho tôi nhờ đi!

- Đừng có nghĩ xấu như vậy, tôi có làm gì đâu.

- Không làm gì ư? Còn nói một lúc nữa rồi lại đập lộn với người ta nữa cho xem!

Yến Tử cãi:

- Ðánh lộn thì đã sao nào, không đánh nhau làm sao làm quen. Chẳng sao đâu? Này một lần nhờ đánh nhau mà quen với Mông Đan, một lần đánh nhau làm quen với Tiêu Kiếm, lần này đánh nhau nữa, biết đâu...

Tiêu Kiếm ngồi đó nghe vậy nói:

- Đúng rồi, đúng rồi! lần này đánh nhau là sẽ “kinh thiên động địa” đấy!

- Ồ, ồ bọn mình đã gặp quá nhiều chuyện “kinh thiên động địa” rồi, lần này gặp nữa, có sao?

Ðang nói đến đó, vua Càn Long và ông Phước Luân bước vào.

- Ha ha! lần đầu tiên nhìn thấy quán Hội Tân lầu khai trương, các ngươi tổ chức hay lắm. Lần sau đến Hồi Ức thành phải diễn lại cái màn Múa đuốc lửa thế này cho ta xem, để cả đám “nhà quê” ở đấy thưởng thức một màn nhảy.

Mọi người quay qua nhìn thấy vua Càn Long giật mình, Nhĩ Khang đứng dậy nói:

- A ma! Lão gia! Hai người sau biết được mà đến đây?

Ông Phước Luân cười.

- Lão gia nói là phải đích thân đến để mừng cho cái lễ Sinh tử chi giao của các người, nên ta đành phải đi theo lão gia thôi.

Nhĩ Khang vội mời:

- Mời lão gia, a ma ngồi.

Rồi quay lại quầy bảo:

- Liễu Thanh, Liễu Hồng, Kim Tỏa! Tất cả lại đây nào.

Vĩnh Kỳ mừng rỡ nói:

- A ma, người đến đây mà chẳng thông báo trước một tiếng, a ma làm tụi con bất ngờ quá.

Tử Vy, Yến Tử vội vàng đi lấy chén đũa mang đến, Yến Tử nói:

- Lão gia, lão gia đến làm bọn con phải bận tay bận chân phục vụ thấy không?

Vua Càn Long cười.

- Vậy thì đúng ra... bọn ta không nên đến phải không?

Tử Vy vội nói:

- Đâu có, đâu có! Sự hiện diện của lão gia làm bọn này mừng như bắt được vàng, tụi này mừng khôn xiết!

Mọi người vội bu lại phục vụ vua Càn Long chỉ có Tiêu Kiếm lẳng lặng đứng một bên nhìn vua. Ngay cả Tiêu Kiếm cũng bất ngờ, không tin là vua Càn Long lại có thể hạ mình đến đây. Xem ra thì đây là một vị vua, một người cha thân thiết nhân từ chứ không hẳn là bạo chúa. Vậy thì... Tiêu Kiếm chợt hiểu ra. Có lẽ Nhĩ Khang nói đúng, thượng đế đã sử dụng một phương thức khác để hóa giải mối thù hận xưa. Thượng đế đã an bài tất cả, bằng cách đền bù tình yêu phụ tử, tình yêu lứa đôi cho Yến Tử. bất giác Tiêu Kiếm quay qua Yến Tử, cái cô gái bặm trợn muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, ngây thơ ngang ngược kia lại được vua yêu quý như vậy... Đột nhiên Tiêu Kiếm nghi ngờ, có thật sự Yến Tử kia là em ruột của mình không? Ðúng ra khi về đến Bắc Kinh, Tiêu Kiếm rất muốn đưa Yến Tử đến ngay Tịnh Huệ sư thái, để xác định điều mình còn đang ngờ, đúng hay không? Nhưng rồi, Tiêu Kiếm lại chẳng có cơ hội, còn Yến Tử, cô gái vô tư kia đã hoàn toàn quên hết chuyện ngày cũ. Thế Tiêu Kiếm, không hiểu sao lại sinh ra do dự, phân vân còn nhớ lúc đầu đến gặp Tịnh Huệ sư thái người cũng nói lúc đó không phải chỉ thu dưỡng một mình Yến Tử mà còn có cả mấy đứa cô nhi khác. Vì vậy Tiêu Kiếm không biết có thật Yến Tử có phải là Tiểu Từ ngày nào chăng?

Trong khi Tiêu Kiếm ngồi thừ ra đó nghĩ ngợi thì Liễu Thanh, Liễu Hồng, Kim Tỏa đã chạy đến, Liễu Thanh gặp vua mừng rỡ.

- Bẩm lão gia, thật là vinh hạnh, Hội Tân lầu này được lão gia ghé qua thì quả là đại phúc!

Vua Càn Long thân tình nói:

- Liễu Thanh, Liễu Hồng, Kim Tỏa, hôm nay ta đến đây là để chúc cho Hội Tân Quán này “khiếp hậu trùng sinh” (sau cơn bão táp hồi sinh) ta mong nó rồi sẽ sống vững bởi vì ta biết, nó là nguồi vui của các ngươi, mong rằng nguồn vui đó sống mãi.

Rồi ông nói lớn:

- Vĩnh Kỳ, mang chiếc ly lớn nhất lại đây cho ta! Hôm nay ta muốn uống một bữa thật say với các bạn của con.

Vĩnh Kỳ vội ứng ngay:

- Vâng.

Những chiếc ly được sắp thành hàng trên bàn, chiếc nào cũng đầy rượu. Vua Càn Long cầm một chiếc lên đưa cao.

- Các ngươi vui là ta cũng vui, các ngươi cười ta cùng cười. Liễu Thanh, Liễu Hồng, Tiêu Kiếm lần này các ngươi đã có công lớn trong việc giúp Vĩnh Kỳ thoát hiểm. Chúng không bị thương tích nặng là ta đã vô cùng cảm ơn. Nào tất cả cạn ly!

Tiêu Kiếm nghe vua nhắc cả tên mình, ngạc nhiên cũng cùng mọi người nâng ly lên, nhưng lòng lại giằng co. Không biết uống cạn ly này có phải là “thiên cổ tình sầu” sẽ phải nuốt mất luôn không, Ðang lúc nghĩ ngợi thì đã nghe tiếng ly chạm nhau thế là mọi người nốc cạn.

Vĩnh Kỳ lại rót đầy rượu cho vua Càn Long. Vua cầm ly chợt quay qua Tiêu Kiếm, nhìn thẳng vào mắt chàng nói:

- Tiêu Kiếm này, về cái chuyện quan hệ giữa ngươi và Yến Tử thế nào? Thật ra mãi đến giờ này ta chưa rõ, ngươi có thể nói cho ta nghe được không?

Tiêu Kiếm lại bất ngờ trước câu hỏi của vua, nên bối rối một chút, nhưng rồi chàng cũng lấy lại bình tĩnh rất nhanh. Thấy thái độ quan tâm của người chợt nhiên Tiêu Kiếm hiểu, thôi thì cái thù hận ngày cũ của mình coi như chẳng còn đi. Nghĩ vậy nên Tiêu Kiếm cười nói:

- Cái tích cũ thế nào, tôi nghĩ là lão gia không cần phải tìm hiểu, bởi vì ngay bản thân tôi cũng chưa biết rõ được. Tôi nghĩ trên đời này có nhiều sự việc mà ta cũng chẳng cần cặn kẽ chi tiết. Chỉ cần sống vui, sống khỏe là quan trọng hơn. Bữa nay, tôi thú thật tôi cảm thấy rất vui khi được biết lão gia. Vì cái nhân tính của lão gia đầy tình người vượt cả sự nhận định ban đầu tôi có, nào cạn ly.

Vua Càn Long cười lớn:

- Hay lắm hay lắm nói rất hay! Chưa bao giờ ta nghe được một lời ngợi khen ý nghĩa như vậy, cạn ly!

Tiêu Kiếm nói, Nhĩ Khang đứng đấy nghe lời thoại của hai người sự lo lắng chợt tan biến cả Nhĩ Khang vỗ mạnh lên vai Tiêu Kiếm cảm động nói:

- Lão gia, Tiêu Kiếm! Vậy thì chúng ta cần phải cạn thêm một ly, gọi là chúc mừng sự đoàn viên, chúc mừng sau cơn mưa trời lại sáng. Vì Hội Tân lầu... cũng vì cuộc đời, hóa giải hết tất cả hận thù. Những chuyện không thể đều có thể biến thành có thể, như Yến Tử nói “biến sức lực thành tương hồ” nào chúng mình cùng cạn ly!

Tiêu Kiếm nghe Nhĩ Khang nói, nhìn khang không nói ra nhưng lòng đã hiểu lòng. Trong khi vua Càn Long lại tưởng Nhĩ Khang đề cập đến chuyện hoàng hậu và Dung ma ma nên gật đầu. Coi như mạnh ai hiểu nấy và mọi người cùng vui. Yến Tử là người vui nhất hét to:

- Ðúng, biến sức lưng thành tương hồ! biến sức lực thành tương hồ! Câu đó của tôi là một câu đầy văn hóa, đúng không?

Mọi người không hẹn cùng nói:

- Rất đúng.

Vua Càn Long nói:

- Thế thì cạn ly đi!

- Cạn ly!

Mọi người hét lên, Tiêu Kiếm uống cạn cốc rượu quay qua nhìn Yến Tử cảm động, quả thật chuyện nhìn nhận anh em giữa chàng và Yến Tử đầy ý nghĩa. Ðó là món quà của cao xanh ban cho, nó đã giúp chàng trút bỏ gánh nặng bao năm qua đè nặng trên vai chàng. Hóa sức lực thành tương hồ, câu nói đúng đấy chứ?

Tiêu Kiếm cười, lại nốc cạn thêm một cốc rượu.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play