Khi ông Phước Luân rời khỏi nhà, thì mọi người mới tụ lại bàn thảo sôi nổi, Nhĩ Khang nói:
- Quả là bất ngờ khi biết được hoàng thượng đã ân xá cho bọn mình. Không
truy cứu trách nhiệm về những việc làm trước, dối với chúng mình mà nói
thì đó quả là một tin vui, từ đây không có gì khiến chúng mình sợ nữa.
Có thể bình thản mà ngao du sơn thủy, thưởng lãm cái hay cái đẹp của
muôn phương, chậm rãi đến xứ Ðại Lý. Giống như điều một bài hát đã viết
“chúng ta bạn với hồng trần, cỡi ngựa rong ruổi muôn nơi, cùng hưởng sự
phồn hoa nhân thế...”
Tiêu Kiếm nhìn Vĩnh Kỳ và Yến Tử với một thái độ bâng khuâng hỏi:
- Có chắc là hai người không quay về hoàng cung nữa không? Nhìn các người sao tôi thấy nghi ngờ quá. Phước đại nhân trù trừ ở lại thành Nam Dương này, có nghĩa là ông ấy chưa buông tay, mà đang tìm mọi cách để thuyết
phục các người đấy. Biết đâu rồi đến phút cuối các người bị khuất phục
đổi ý, ở đây người tôi quan tâm nhất là Vĩnh Kỳ anh ta khó có thể vứt bỏ được cái thân danh a ca của mình.
Yến Tử lắc đầu nói ngay:
- Không đâu, không có chuyện đó đâu. Tôi cũng đâu phải dễ gì tìm lại được anh ruột mình, vì vậy chẳng bao giờ tôi quay lại hoàng cung. Tôi quyết
rồi, cái vai Hoàn Châu cát cát đóng bao nhiêu đó đủ rồi, đã đỡ ghiền
rồi. Bây giờ là lúc phải ngao du sơn thủy, rồi còn học Phương gia kiếm
pháp của gia đình nữa chứ. Hiện giờ trong đầu tôi có biết cơ man nào là
kế hoạch, những kế hoạch này hoàn toàn mới, không dính dấp một tí gì đến hoàng cung. Anh Vĩnh Kỳ cũng đã hức với tôi, tôi ở đâu là anh ấy ở đấy.
Vĩnh Kỳ nói:
- Vâng, tôi quyết định như vậy, không muốn làm a ca nữa. Trong cung bây giờ có thiếu gì a ca, thiếu tôi cũng đâu có nhằm nhò gì.
Tiêu Kiếm nói:
- Nhưng mà từ khi triều Mãn Thanh khai quốc cho đến nay, hình như chưa có chuyện a ca bỏ ngôi mà đi. Cậu là người đầu tiên đấy, rồi sau này lịch
sử sẽ ghi chép thế nào về chuyện này đây?
Nhĩ Khang giải thích:
- Hoàng thất có cách của hoàng thất, đó là khi nào trong hoàng tộc có một ai đó làm chuyện trái ý với hoàng gia không được chấp nhận thì sẽ bị
tuyên bố là đã “qua đời”. Như trường hợp Vĩnh Kỳ thì sẽ bị tuyên bố là
“qua đời lúc tuổi tráng niên” là xong.
Vĩnh Kỳ nói:
- Nếu
điều đó giúp được cho Hoàng a ma đỡ lúng túng thì tôi sẵn sàng chấp nhận Mà thực tế từ khi tôi tham gia chuyện cướp xe tù “Ngũ a ca” cũng đã
chết rồi, còn người sống đây là Ai Kỳ thôi.
Tiêu Kiếm gật đầu:
- Nói hay lắm, hay lắm! Ai Kỳ này, coi ra thì con em điên của tôi cũng
không nhìn lầm người đấy. Ngươi dám vì cô ấy mà để “Ngũ a ca” chết đi
thì ta cũng can tâm chấp nhận để ngươi và Yến Tử sống bên nhau đến lúc
bạc đầu.
Tử Vy nghe vậy cười nói:
- Tôi nghĩ bây giờ không cần thảo luận chuyện về hay không về hoàng cung nữa. Vì ý mọi người thế nào thì cũng đã thống nhất rồi. Mục tiêu của chúng ta là đất Ðại Lý ở
tỉnh Vân Nam.
Kim Tỏa nói:
- Tiểu thơ, tiểu thơ đến đâu, em sẽ đến đấy.
Tử Vy lắc đầu:
- Kim Tỏa này, thân phận của em hiện nay đã khác xưa. Em không còn lệ
thuộc ta nữa, em có đường đi của em, bạn đời của em bây giờ là Liễu
Thanh đấy, anh ấy muốn dừng chân nơi nào thì nhà em ở đó thôi.
Rồi đặt tay Kim Tỏa vào tay Liễu Thanh, Vy tiếp:
- Liễu Thanh, giờ ta giao Kim Tỏa cho người đấy.
Liễu Thanh cảm động nói:
- Cảm ơn Tử Vy, nhưng mà tôi thấy chuyện đến Vân Nam là ý của tập thể.
Nếu nói như lời của Tiêu Kiếm, đấy là chốn thiên đàng, thì tại sao chúng ta không cùng đến đấy.
Liễu Hồng thì phân vân:
- Nhưng mà ở Bắc Kinh chúng ta có khá nhiều việc phải làm, chẳng hạn như Bảo a
đầu, Tiểu Hổ Tử bây giờ chúng ta ra sao? Rồi còn có cả đám ở Viện cứu tế nữa, tôi nghĩ thì sau khi đưa Tử Vy, Yến Tử... đến Vân Nam xong, ta
cũng nên quay về Bắc Kinh chớ còn nếu muốn ở luôn Vân Nam e là không ổn?
Nhĩ Khang nói:
- Ta có nói với cha ta về chuyện Hội Tân lầu. Nghe nói, hoàng thượng đã
giao cho người xử lý, nếu muốn thì các người có thể lấy lại kinh doanh
như cũ. Ðó cũng cái hay, vì mặc dù ở Vân Nam nhưng ta vẫn giữ địa điểm
tại Bắc Kinh, như vậy có thể tới lui qua lại. Dù gì Hội Tân lầu bọn mình cũng đã bỏ ra khá nhiều công sức, nếu bỏ phế đi cũng uống đấy chứ.
Liễu Thanh đồng ý:
- Vâng, nếu Hội Tân lầu được trả lại cho bọn mình thì sao không nhận.
Rồi quay sang Kim Tỏa, Thanh nói:
- Vậy thì em sẽ là bà chủ quán, còn tôi sẽ là ông chủ quán, thật tuyệt vời.
Kim Tỏa trợn mắt:
- Anh chưa hỏi ý kiến tôi mà dám quyết định à?
Liễu Thanh ngạc nhiên:
- Chưa ư?
Yến Tử thấy vậy vỗ vai Liễu Thanh.
- Vậy thì ngay trước mặt bọn này, ngươi hỏi ý đi, bọn này sẽ chứng giám cho.
Liễu Thanh bối rối.
- Hỏi gì? hỏi gì chứ? Có nhiều thứ đâu cần phải nói ra cũng biết mà.
Tử Vy cười:
- Nhưng anh để trong bụng thì chỉ mình anh biết, người ta làm sao biết được?
Yến Tử giục:
- Hỏi đi, hỏi đi! Nếu không chịu hỏi, bọn này sẽ đưa Kim Tỏa đi Vân Nam
lúc đó hối thì đã muộn. Ðừng quên ông anh Tiêu Kiếm của tôi chưa có vợ
nhé.
Kim Tỏa phản kháng.
- Yến Tử nói gì kỳ vậy? Tôi đâu phải món đồ chơi đâu mà cô đem tặng cho người này hay người khác cũng được.
Liễu Thanh thấy Kim Tỏa đỏ mặt nói:
- Mấy người thật lạ, đã biết rõ rồi còn hỏi, được rồi, tôi lên tiếng đây, Kim Tỏa cô chịu lấy tôi chứ?
Mọi người nghe vậy cười ồn lên Yến Tử chọc phá:
- Kim Tỏa thế nào? Mau trả lời người ta đi chứ?
Kim Tỏa đỏ mặt ấp úng nói:
- Tôi còn biết nói gì, phải đồng ý thôi!
Tử Vy, Nhĩ Khang nhìn nhau, Tử Vy thích thúc nói:
- Anh Tiêu Kiếm, xin anh làm ơn hỏi Chúc đại ca có thể cho chúng tôi mượn nhà anh ấy tổ chức một tiệc cưới nhỏ như cái tiệc cưới của Hàm Hương và Mông Đan vậy được không? Kim Tỏa chẳng có cha mẹ gì cả, người thân duy
nhất của cô ấy là tôi đây. Trước khi chúng ta chia tay cùng cô ấy, thì
hãy để cho cô ta được thành thân trọn vẹn, anh thấy thế nào?
Yến Tử tán đồng.
- Đúng đấy! Phải tổ chức tiệc cưới cho họ đi.
o O o
Thế là ba ngày sau, lễ cưới của Kim Tỏa và Liễu Thanh được cử hành. Lễ cưới vẫn đầy đủ nghi lễ, Tử Vy, Yến Tử dìu cô dâu về phía Liễu Thanh. Ông
Phước Luân, vợ chồng Chúc đại ca là khách, Tiểu Hợp Tử đóng vai hoa đồng xách giỏ hoa... Đó là đám cưới thứ hai mà bọn họ có được sau buổi lưu
vong, một đám cưới thật vui.
Qua ngày hôm sau, Yến Tử nghĩ ngợi
gì chợt nổi hứng đích thân xuống bếp làm cơm mời mọi người. Thức ăn mang lên để đầy một bàn, Yến Tử đợi tất cả lên bàn đông đủ, tuyên bố:
- Để chúc mừng đám cưới của Kim Tỏa với Liễu Thanh, để mừng chuyện được
Hoàng a ma ân xá... còn bao nhiêu sự việc khác nữa. Tôi chẳng biết làm
gì khác hơn là trổ tài làm bếp mời mọi người cùng ăn cơm. Tất cả thức ăn ở đây là do tôi đích thân làm, chẳng ai phụ tay cả. Tôi trổ tài mời, để các vị không còn dám khinh thường Yến Tử này nữa.
Tử Vy nói:
- Vâng, hôm nay toàn bộ thức ăn đều do Yến Tử xào nấu, tôi chỉ phụ xắt
cải luộc thịt thôi, mọi người phải ăn thật tình, để khỏi phụ lòng Yến
Tử.
Mọi người hô to:
- Xin tuân lệnh.
Tất cả cầm đũa, Yến Tử chợt ra tay ngăn lại.
- Khoan đã, trước khi ăn phải nghe một bài nói về “cái ăn” do tôi sáng tác chứ?
Liễu Thanh ngạc nhiên.
- Ăn mà còn phải nghe một bài bàn về cái ăn nữa à? Yến Tử biến thành nhà văn từ bao giờ vậy.
Yến Tử tỉnh bơ, tằng hắng một tiếng rồi đọc:
- “Mọi người đều phải ăn, sáng ăn trưa ăn, tối ăn, đói phải ăn mà không
đói cũng phải ăn. Trời nắng ăn mà ngày mưa cũng ăn, đi làm phải ăn mà
không đi làm cũng phải ăn. Mùa xuân ăn, mùa hạ ăn, mùa thu ăn, mùa đông
cũng ăn. Còn sống còn phải ăn...”
Yến Tử mới đọc thơ có bao nhiêu đó mọi người đã cười lăn, Vĩnh Kỳ giải thích cho Tiêu Kiếm nghe.
- Ðây là cái bài nguyên tắc là Như nhân ẩm thủy của Yến Tử đã từng sáng
tác. Bây giờ cô ấy dựa vào đó mà cải biến, từ chuyện uống nước sang ăn
cơm, chính bài luận trước của cô ấy đã khiến Hoàng a ma phải than điệu
này Khổng tử mà nghe được hẳn phải ngộp chết.
Tiêu Kiếm nghe ôm bụng cười, Yến Tử vẫn tiếp tục đọc tỉnh bơ.
- “...Đàn ông phải ăn cơm, đàn bà phải ăn, trẻ con người già gì cũng phải ăn, chó mèo heo gia súc phải ăn...bữa nay ăn, ngày mai ăn...”
Nhĩ Khang không nhịn được lên tiếng:
- Thế đủ chưa, mọi người có quyền ăn rồi chứ?
Bữa cơm hôm ấy thật vui, nhưng còn một bữa cơm khác cũng khiến mọi người
khó quên. Ðấy là hôm ông Phước Luân quyết định quay về Bắc Kinh nên đến
nhà họ Chúc, nói với đám Yến Tử.
- Theo ta thấy thì quyết định
của các người bất di bất dịch, đúng không? Vì vậy thôi thì ta không ở
lại đây nữa, mai ta trở về Bắc Kinh. Ta đi rồi khônng biết đến bao giờ
mới gặp lại mọi người, nên trưa mai, ta muốn mời mọi người ăn một bữa
cơm ở quán Túy Tiên Cư. Bữa cơm đó có thể coi như ta tiễn chân các
người, vậy mai bốn người đến nhé, còn các bạn của các người thì để khi
khác vậy.
Nhĩ Khang cung kính nói:
- Đúng ta phải để bọn con đãi cha mới phải chứ.
o O o
Thế là buổi trưa hôm ấy đám Yến Tử kéo đến quán Túy Tiên Cư, đó là một tửu
lầu lớn nhất ở Nam Dương. Ông Phước Luân thuê một căn phòng nhỏ, chỉ có
một chiếc bàn, Tử Vy, Yến Tử, Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ đều có mặt, ông Phước
Luân nói:
- Nghĩ đến chuyện từ đây về sau, cả bốn người sẽ sống
đời phiêu bạt mà ta không khỏi chạnh lòng. Không phải chỉ một mình ta,
mà hẳn hoàng thượng cũng không vui. Với hoàng thượng chuyện ân xá cho
các người là đã khoan dung độ lượng quá rồi. Hãy nghĩ lại đi, chuyện các người gây ra đâu phải nhỏ. Sự khoan dung đó, đúng ra phải được các
người cảm nhận chứ, sao một tiếng cảm ơn cũng không thành.
Nhĩ Khang thành thật.
- Chúng con thật sự tri âm, nhưng tri ân là một chuyện, còn bất mãn lại
là chuyện khác. Tấm lòng của bọn con đối với hoàng thượng phải nói là
ân, kính, ái oán hận đều đủ cả.
Tử Vy cũng nói:
- Với con
thì Hoàng a ma không phải là một người cha bình thường như bao người
khác. Hoàng a ma có quyền “sinh sát trong tay” chính điều này làm con
cái sợ hãi với phụ tử dân gian. Chuyện bất đồng ý kiến cãi nhau là bình
thường, nhưng cãi nhau rồi thôi, chứ đâu có chuyện đem ra xử trảm như
Hoàng a ma đâu?
Tử Vy vừa nói đến đó thì rèm cửa chợt vén ra, rồi một người bước vào cười lớn:
- Ha ha ha, nói hay lắm! Tử Vy, người cha mà con nói động tí là đem con
ra chém đầu đó. Ta biết là con nói ta, nhưng mà hãy nghĩ lại xem nếu
thật sự mà như vậy thì làm sao đầu con còn trên cổ, miệng con còn đó để
tả oán ta chứ?
Mọi người giật mình nhìn sang, thì ra là vua Càn Long trong bộ áo thường dân, chẳng hẹn cùng lúc cả bốn kêu lên:
- Hoàng thượng.
- Hoàng a ma.
Người bất ngờ nhất phải nói là Yến Tử bất giác quỳ xuống:
- Hoàng a ma!
Chỉ có Tử Vy là vừa sợ hãi vừa bối rối chẳng biết phải gọi vua là gì, cuối cùng nói:
- Bẩm Hoàng thượng!
Vua Càn Long ngạc nhiên.
- Tử Vy, con gọi ta là gì vậy? con không nhận ta là “A ma” nữa ư?
Tử Vy nhìn lên một cách cản đảm.
- Con nghĩ là Hoàng thượng không còn nhìn con là con nữa. Vì từ cái hôm
ông cậu, bà thiếm con xuất hiện. Chính người đã phủ nhận con, không tin
tưởng mẹ con, cho rằng “đó là chỉ một màn lừa gạt” con nghĩ đến chuyện
mẹ con đã bỏ cả một đời ra mà chờ đợi để rồi chỉ nhận được lời phủ nhận
kia mà hết sức đau lòng, hết sức căm giận. Vả lại hôm đó chính miệng
Hoàng thượng đã nói với con “đừng gọi ta là Hoàng a ma nữa, ta không
phải là cha ruột của người”, câu nói đó mãi mãi không bao giờ quên, vì
vậy con thấy nếu bây giờ Hoàng thượng mà thay đổi thái độ muốn nhận con
là con trở lại, thì con cũng không chấp nhận chuyện đó đâu.
Vua Càn Long chăm chú nhìn Tử Vy nói:
- Con nói nghe hay thật tại sao con không nghĩ lại, chuyện hôm đó nó xảy
ra thế nào? Có biết bao sự việc không hay đến cùng lúc, chuyện mẹ con... phải nói là bị con mà liên lụy. Thử nghĩ lại xem, nếu con không giàn
dựng chuyện để lừa dối cha, cướp mất ái phi cha, làm cho ta nghi ngờ thì làm sao ta có thể để cho những tay nông dân kia gạt được chứ?
Nhĩ Khang nghe nói giật mình.
- Hoàng thượng ban nãy người nói mấy tay nông dân kia gạt. Có nghĩa là
người đã biết được sự thật rồi ư, ông chú bà thiếm của Tử Vy nói thế là
vì bị áp lực họ đã nói dối đúng không?
Vua thật thà nói:
- Chuyện đó ta không điều tra, có điều ta biết rất rõ, Vũ Hà không bao
giờ làm chuyện lừa dối đó. Vì vậy nếu cho mở cuộc điều tra thì đã là một điều sỉ nhục cho Vũ Hà, nàng không bao giờ gạt ta. Lúc đó chẳng qua vì
giận quá nên ta mới phát ngôn bừa bãi như vậy.
Tử Vy nghe vua nói, lòng bàng hoàng, vua Càn Long thấy vậy khoát tay:
- Thôi tất cả hãy đứng dậy đi, đến đây, ở đây là Nam Dương chứ không phải hoàng cung, ta lại đi tuần du, nên tất cả phải thay đổi cách xưng hô
cho thích hợp. Ta là “lão gia” ta muốn tất cả ngồi xuống, cùng ta dùng
một bữa cơm gia đình vậy.
Vua Càn Long ngồi xuống, rồi vỗ ghế bên cạnh bảo:
- Phước Luân ông hãy ngồi xuống cạnh ta, còn đám tiểu bối kia để chúng ngồi đối diện.
- Vâng.
Ông Phước Luân cung kính ngồi xuống, Vĩnh Kỳ xúc động nói:
- A ma! Thật con không ngờ, a ma lại đích thân đến tận xứ Nam Dương này.
Vua Càn Long nhìn cậu con trai, chậm rãi.
- Ta biết làm sao bây giờ? Cử hết đám này đến đám khác, với bao nhiêu dặn dò “không được làm chúng bị thương, đưa về người nào cũng lành lặn” vậy mà kết quả đứa nào cũng thương tích đầy người, đứa thì té ngựa, đứa rơi xuống vực, đứa mù, đứa bị trọng thương. Ta nhận được tin mà vô cùng
kinh hoàng đứng ngồi không yên. Thế là chỉ còn cách gọi Phước Luân đến,
vậy mà không ngờ các người dù đã gặp khá nhiều gian khổ vẫn dỗi hờn
không chịu quay về, các ngươi muốn ta phải làm sao chứ? Hạ “thánh chỉ”
bắt về ư? Hay là phải đích thân đến rước mọi người về.
Lời của vua Càn Long làm Vĩnh Kỳ rưng rưng nước mắt.
- Để a ma nhọc tâm như vậy, tội con thật đáng chết, con xin lỗi, con đã không phải.
- Khỏi phải xin lỗi xin phải gì cả. Hiện giờ ta không phải là một ông
vua, mà chỉ là một người cha đi tìm con, ta giờ lòng cũng đã nguội lạnh
rồi...
Ông nhìn sang bốn người trẻ tuổi chợt hạ thấp giọng.
- Thế nào, tụi con đi bụi như vậy đủ chưa? Hiện giờ trời đã sang đông,
sắp có tuyết rồi, sẽ lạnh lắm đấy. Những ngày mùa đông mà các con rong
ruổi bên ngoài thế này chịu sao thấu? Về Thấu Phương Trai, chăn nệm đầy
đủ củi lửa sưởi ấm chẳng thiếu. Minh Nguyệt, Thể Hà, Tiểu Đặng, Tiểu
Trác Tử chúng trông ngóng bọn con hàng ngày, ngay cả con két xanh tinh
khôn. Ngày ngày vẫn hót “cát cát kiết tường” luôn miệng.
Vua Càn Long chưa dứt lời, thì Yến Tử đã òa lên khóc lớn.
- Hoàng a ma, đừng làm thế! Người cứ chửi mắng con, đánh con cũng được,
nhưng đừng có tốt với con như vậy. Vì nếu người mà tốt với con là chịu
thua... con đã quyết định không quay về Hồi Ức thành nữa mà... vì vậy
xin người đừng tốt với con như vậy.
- Hồi Ức thành là ở đâu?
- Dạ, chúng con đã quy ước gọi “hoàng cung” là Hồi Ức thành vì ở đó là “quá khứ” đã qua...
Nhĩ Khang giải thích, rồi tiếp:
- Đến nước này chúng con không còn muốn quay về đó nữa.
Vua Càn Long nhìn bốn người trẻ tuổi vẫn đứng trước mắt, không vui nói:
- Bây giờ các người, cả đến chuyện dùng cơm chung với ta cũng không muốn nữa sao, sao chẳng ngồi xuống đi.
Lúc đó đám Yến Tử mới ngồi xuống. Vua Càn Long lại vỗ tay mấy cái, thế là
có bốn cô gái mang mỗi người một chiếc mâm ra đặt lên bàn. Vua nói:
- Này Yến Tử ta từ Bắc Kinh mang món bánh hạnh nhân mà ngươi ưa thích
nhất đến đây cho ngươi đây. Rất lâu rồi hẳn ngươi không được ăn món này, dù đã cố gắng đi nhanh nhưng mấy ngày trời mới tới được, đâu ngươi ăn
thử xem nó có còn giòn ngon không? Còn Tử Vy, có món bánh hạnh nhân hạt
đào cho con nữa này, ăn đi, ăn đi!
Tử Vy và Yến Tử nghe vậy khóc
òa vì cảm động, Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang cũng rơm rớm nước mắt. Vua Càn Long thấy thế đứng dậy bước tới bên Tử Vy và Yến Tử, giang tay ra ôm lấy cả
hai.
- Hai cái con a đầu này, ta đã nói rồi mà. Các con thân với
ta như hai cánh tay của ta vậy, làm sao ta có thể mất được chứ? Vì vậy
dù bọn con có giận, có buồn, có bực dọc gì thì ta nghĩ... mọi chuyện đã
qua rồi, hãy để nó qua đi. Trong chuyện này, bộ con tưởng ta không buồn, không giận ư? Các con đã đoạt mất ái phi của ta, vậy mà ta đã cho nó
qua được, sao con không làm thế chứ. Có thế nào thì hai đứa cũng là con
yêu của ta, ta quyết không để các con lưu lạc mãi bên ngoài được. Ðó là
chưa nói, hai dứa con cướp thêm của ta một đứa con trai và một thần tử
trẻ tuổi...
Đến lúc đó thì nỗi hờn trong tim Yến Tử tan biến, cô nàng ngã vào lòng vua Càn Long vừa khóc vừa nói:
- Hoàng a ma, cho con xin lỗi, con đã gây ra biết bao nhiêu lỗi lầm.
Vua Càn Long lắc đầu:
- Thôi đừng nhắc lại chuyện đó nữa.
Rồi vua quay sang Tử Vy.
- Tử Vy, mắt con hiện nay thế nào, có lành hẳn chưa? Ta có mang những
thái y danh tiếng nhất đến đây, một lúc nữa họ sẽ khám cho con nhé?
Tử Vy thút thít một lúc mới thành tiếng:
- Dạ... bẩm Hoàng a ma...
Vua Càn Long gật đầu ôm chặt đầu Tử Vy.
- Con vừa gọi được ba tiếng mà ta mong đợi.
Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ không dằn được nước mắt. một lúc sau đợi cơn xúc động giảm bớt, vua nói:
- Thôi đừng khóc nữa, hãy ăn đi kẻo nguội, rồi quay về thu dọn đồ đạc.
Riêng về chuyện kết bạn “sinh tử có nhau” của các con ta đã nghe qua
rồi. Bọn họ đã xả thân để cứu các con nên có thể coi là có công trạng
cả, bao giờ về đến Hồi Ức thành, ta sẽ ban thưởng cho họ sau.
Tử Vy và Nhĩ Khang nhìn nhau trao đổi, rồi Tử Vy là người lên tiếng:
- Bẩm Hoàng a ma tấm lòng của người khiến bọn con vô cùng cảm kích tự
buồn giận trước đây không còn nữa, nhưng mà con thấy tốt hơn, bọn con
nên đi hơn là quay về với Hoàng a ma.
- Con biết là không nên... nhưng mà con không thể không nói. Con không
quay về vì bây giờ con đã nhận được anh ruột, con không muốn xa anh con
nữa, bọn con sẽ đến Đại Lý ở Vân Nam.
Vua Càn Long càng ngạc nhiên:
- Anh ruột, anh ruột nào chứ?
Ông Phước Luân chen vào:
- Về chuyện ông anh của Yến Tử, thần sẽ nói rõ với lão gia sau.
Vua Càn Long cảm thấy thất vọng, tự mình xuống nước thân chinh đến đây, thế mà vẫn không thuyết phục được hai đứa trở về hoàng cung, nhưng vẫn hỏi
lại:
- Cả hai cương quyết không quay về à?
Tử Vy đáp:
- Ở trong Hồi Ức thành đó, con và Yến Tử đều chỉ là kẻ “ngoại lai” nên không có chỗ đứng.
Vua Càn Long nói:
- Có ta đứng sau lưng nào có ai dám hiếp đáp đâu?
- Có Hoàng a ma đỡ lưng, vậy mà vẫn có chuyện ông cậu bà thiếm xuất hiện, còn sự nghi hoặc và bất mãn của Thái hậu nữa. Rồi những lời nói ra nói
vô của Hoàng hậu, lúc đầu thì chưa có gì, nhưng lâu ngày chắc chắn là
Hoàng a ma cũng lay động thôi.
Vua Càn Long suy nghĩ rồi gật gù.
- Theo cách nói của các người thì rõ là cơn giận chưa nguôi, thôi được
thế thì còn Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang, ý của hai người thế nào?
Vĩnh Kỳ ngập ngừng nói:
- Bẩm Hoàng a ma từ nhỏ đến lớn, Hoàng a ma đối với con là một anh hùng
vĩ đại một hoàng đế đầy uy vũ, trên đời có một không hai. Nhưng... Hoàng a ma lại sống xa con quá, chỉ có từ nãy đến giờ, con mới thấy rõ, Hoàng a ma còn là một người cha nhân từ đầy lòng khoan dung. Con rất hãnh
diện là con của cha, và rất muốn theo cha quay về. Nhưng mà... trở về
hoàng cung đối với chúng con quả là một sự việc nan giải, về đấy khác
nào lại chui đầu vào bể khổ. Vì vậy... Hoàng a ma, xin người hãy hiểu mà lượng thứ cho.
Nhĩ Khang nhìn Tử Vy, rồi quay qua vua Càn Long tiếp lời Vĩnh Kỳ:
- Bẩm hoàng thượng, trong cuộc sống lưu vong, vừa qua, con bị người ta
phục kích chém hai đao, đã tưởng là đã rụng mất cánh tay, đó là điều mất mát đau đớn. Vì vậy con không muốn hoàng thượng bị mất mát gì cả, nhưng Tử Vy và Yến Tử không thể sống trong cung đình, không thích ứng được
cuộc sống ở đấy, cứ làm chuyện sái quấy không đúng luật triều đình nên
cứ bị người khác hãm hại. Nếu hoàng thượng thật lòng yêu quí họ, thì nên buông tha họ đi, dồng thời chấp nhận cho thàn và Vĩnh Kỳ được cùng họ
phiêu bạt giang hồ đó mới là ân đức của Hoàng thượng.
Vua Càn Long yên lặng nhìn bốn người yên lặng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT