Tối hôm ấy, mọi người rất vui vì đã cứu được Tô Tô, nên ai cũng thấy cảm kích, nhất là Yến Tử cô nàng cứ tự ca ngợi.

- Đấy, hôm nay bọn mình thật vĩ đại! ra quân là thành công ngày, cứu được Tô Tô khỏi bị thiêu sống là một thành tích, rồi còn tác hợp được cho Tô Tô với con trai ông tộc trưởng nữa. Thật tuyệt vời! anh Vĩnh Kỳ này, sự việc đó rất hợp với câu các anh thường nói “những kẻ có tình cảm thì cuối cùng cũng nên chồng vợ.”

- Vâng, “hữu tình nhân chung thành quyến thuộc”!

- Đúng đây, đúng đấy, chúng ta cứu một mạng người hơn là xây bảy trang đồ họa phải không?

- Không phải nói vậy, mà “cứu nhân nhất mạng thắng tạo thất cấp phù đồ”. Phù đồ ở đây là nói tòa bửu tháp, có nghĩa là cứu một mạng người hơn xây bảy tầng bảo tháp (Ca dao Việt Nam: Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người).

Tử Vy giải thích, Yến Tử bực dọc cãi.

- Cứu một mạng người với bảo tháp có dính dáng gì? Thôi kệ nó, bảo tháp gì cũng mặc. Chúng ta là tám tầng, chín tầng bảo tháp lận... Ồ! Hôm nay ta vui vẻ vô cùng, từ “Hồi Ức thành” trốn ra, mãi bây giờ ta mới được trở lại là “Tiểu Yến Tử”. Ta muốn bay bay tuốt lên trời xanh.

Tiêu Kiếm cười.

- Tôi thấy thì cô đang ở trên mây xanh rồi đấy, cô là người hoạt bát, sống động nhất. Sống mà yêu đời như cô, thì cuộc sống làm sao buồn, thật là đáng sống, tôi rất khâm phục.

Yến Tử có vẻ khoái chí.

- Thật ư?

- Thật! Cô là một con én biết bay đấy, à mà ngày xưa ai đã đặt cho cô cái tên đó vậy?

- Tôi cũng không biết, khi tôi lớn lên thì đã có cái tên đó rồi.

- Thế cô có biết hai câu thơ “Ngày xưa én trước Tạ vương đường, bay xuống thường xuyên sống với dân” không!

Yến Tử mít đặc nên hỏi:

- Cái gì mà én, rồi cái gì bay đến nhà bá tánh?

Tử Vy thì cảm khái.

- Bây giờ thì tất cả không có nhà rồi, nên “xứ xứ vô gia xứ xứ gia.”

Tiêu Kiếm gật gù.

- Hay lắm câu “xứ xứ vô gia xứ xứ gia” (nơi nào cũng không nhà, nơi nào cũng là nhà) nó tương tự như câu “dữ thiên vị cái địa vị lư.” (dùng trời là mái nhà dùng đất làm lều ở). Tất cả bọn ta đều là cô nhi lãng tử nên “nơi nơi đều là nhà.”

Liễu Thanh kéo mọi người trở lại thực tại.

- Hôm nay nhà của bọn ta là ở nơi này, tôi đã mướn hai phòng. Nam một phòng, nữ một phòng, tuy đơn giản nhưng dù gì vẫn tiện nghi hơn là ngủ nhà nông dân.

Nhĩ Khang bước tới cảnh giác.

- Mọi người đã mệt mỏi quá thì đi tắm, xong ăn uống đánh một giấc để mai dậy sớm. Bởi vì chuyện can thiệp ban nãy đã khiến hành tung bọn ta bại lộ rồi, có muốn ở lại đây lâu cũng không được, đừng có ngồi mà tán gẫu nưa. Hãy cố dưỡng tâm tinh thần, để mai lên đường cho khỏe khoắn.

Kim Tỏa và Liễu Hồng chia tiền ra làm tám phần phát cho mỗi người một túi.

- Tôi và Liễu Hồng đã chia đều bạc ra, vàng, tiền ra tám phần bằng nhau. Mỗi người giữ một túi, đó là tài sản để hộ thân, không được hơ hỏng để mất, tiền bạc như mọi người biết rất cần thiết, vì con đường chúng ta đi còn dài. Mọi người cất kỹ tiền vào người xong, Tiêu Kiếm nói với Nhĩ Khang.

- Nhất là cậu đấy, không được vung tiền ra một cách rộng rãi quá. Chuyện cứu Tô Tô là cần thiết, nhưng còn cái chuyện cho tiền làm lễ cưới thì không cần. Mặc dù chúng ta có mang tiền theo, nhưng trên đường còn phải xài rất nhiều thứ nữa chứ?

Nhĩ Khang chắp tay.

- Vâng, lời anh dạy chí phải!

Liễu Hồng nghĩ Nhĩ Khang tự ái, nói:

- Đừng có giận nhé, Tiêu Kiếm đi giang hồ đã lâu nên có kinh nghiệm. Còn các bạn toàn là công tử cát cát nên không quen, xài tiền rộng rãi đã thành thói quen, đến khi hết tiền tiêu thì hối hận đã không kịp!

Nhĩ Khang quay qua nhìn Liễu Hồng.

- Tôi đâu có thắc mắc gì chuyện đó đâu?

Tử Vy nói giúp cho Nhĩ Khang.

- Nhĩ Khang có ý của anh ấy, không cho tiền e là tay tộc trưởng đó không chịu sắm sửa lễ cưới. Cái nén bạc kia không thuần túy là quà cưới, mà còn là một áp lực trước mặt mọi người. Ông ta đã nhận tiền thì phải có lễ thôi.

Nhĩ Khang quay qua nhìn Tử Vy.

- Như vậy là Tử Vy hiểu ý tôi đó!

Liễu Thanh gật gù.

- Thì ra như vậy, nhưng tôi thấy những người ở thôn Chính Nghĩa này có vẻ không đáng tin. E là khi bọn ta đã đi, họ lại hối hận rồi tiếp tục cho Tô Tô lền giàn hỏa. Hay là chúng ta nên để họ thành thân rồi hãy đi.

Yến Tử nói:

- Như vậy tốt nhất, tôi thích ở lại ăn cưới xong mới đi, vì tôi cũng rất sợ họ đổi ý nhất là cậu con trai lão tộc trưởng. Hắn có vẻ sợ ông già... giống như ở đây cũng có một người vậy...

Vĩnh Kỳ bực dọc.

- Cô đừng có nói xiên nói xỏ nhé.

Yến Tử làm bộ ngạc nhiên.

- Cái gì mà nói xiên xỏ, anh không thể không nói câu đó được không?

Vĩnh Kỳ có vẻ nóng nảy.

- Không được! Em có thói quen của em thì anh cũng có thói quen của anh. Cái gì anh không phải em cứ nói thẳng cũng như ngược lại.

Nhĩ Khang nói:

- Thôi chuyện ở Chính Nghĩa thôn này tới đây là hết. Từ đây, đừng nên can thiệp bất cứ chuyện gì nữa. Sáng mai ta phải xuất phát sớm rồi, đừng để trì trệ. Tôi bắt đầu đánh hơi thấy có lính đuổi theo rồi đấy, đừng quên bọn mình là một lũ “phạm nhân” nhé!

o O o

Tối hôm ấy trăng rất sáng.

Khách sạn mà đám Yến Tử ngụ có một hoa viên nho nhỏ. Giữa vườn hoa có một mái đình, Nhĩ Khang và Tử Vy ăn cơm xong, xuống mái đình nhỏ ngồi xem trăng. Nhìn trăng, Nhĩ Khang cảm xúc choàng tay qua vai Tử Vy.

- Tử Vy này, nếu một ngày nào đó, em nhận ra anh không đẹp như điều em nghĩ, lúc đó em có chán ghét anh không?

Tử Vy ngạc nhiên.

- Sao anh lại nói điều đó trong lúc này vậy?

- Bởi anh nghĩ “nhân thương hữu nhân, thiên hương hữu thiên.” (trên người còn có người, trên trời còn có trời, ý nói ngưòi hay còn người hay hơn). Vì vậy con người khôang thể tự mãn, người khác dễ làm một cuộc so sánh. Vì vậy anh e là, sau nầy tiếp xúc với nhiều người hơn, em sẽ thấy anh chẳng bằng ai cả.

Tử Vy nhìn người yêu nói:

- Thế còn anh? Em chỉ sợ là em sẽ không hoàn mỹ trong mắt anh.

- Có thật em cũng sợ điều đó ư?

- Vâng, nhưng anh đừng có dùng tiếng sợ. Vì nó vô nghĩa, với em anh là cái gì trên hết, chẳng có ai có thể so sánh được với anh. Chỉ cần nói gần thôi, trong đám bọn mình, mỗi người một vẻ, mỗi người đều có một lập trường khác nhau. Tiêu Kiếm cũng vậy, giỏi văn lẫn chữ, nhưng với em anh lại sừng sững như trái núi. Chẳng có ai khiến em yêu hơn anh được.

Nhĩ Khang nghe vậy cảm động.

- Cảm ơn điều em vừa nói! Em đã làm tăng sức mạnh trong anh rất nhiều, anh tin tưởng hơn, nhưng hỏi thật em, cái chuyện Tô Tô sáng nay đó, nó có làm em nghĩ ngợi gì không?

Tử Vy nhìn Nhĩ Khang.

- Ðấy thấy chưa? Anh thật đáng sợ, anh đã nhìn xuyên qua cả trái tim em.

Nhĩ Khang nói:

- Nhưng anh nghĩ, em không nên nghĩ ngợi gì cả chuyện thế hệ trước nó đã qua rồi. Nếu em cứ nghĩ đến là tự làm khổ mình đấy.

- Em không phải bận bịu với chuyện thế hệ trước, mà chỉ cảm thấy hoang mang từ khi có sự xuất hiện của vợ chồng ông chú em. Sau đó những chuyện kinh thiên động địa tiếp theo rồi hôm nay gặp chuyện Tô Tô nữa, tất cả sự việc đó khiến em bất giác nghĩ đến mẹ, em không ngờ sao mẹ lại kiên cường thế. Mười mấy năm gian khổ để nuôi em đến tuổi trưởng thành trong khi cái người tạo ra em, em không cần biết ông ta là ai lại có thể vô trách nhiệm như vậy, tội ông ta quả là tày trời. Nếu lúc đó bá tánh ở Tế Nam đều có thành kiến nặng như dân ở Chính Nghĩa thôn này, thì có lẽ em đã chết và đã không có em hiện nay.

Nhĩ Khang nói:

- Đừng có trách cái người đã tạo ra em. Thôi! Nếu không có em thì làm gì có chuyện chúng mình? Cũng may là mẹ em không bị thiêu chết nếu không anh đã không gặp em!

- Thật vậy ư?

- Chứ sao? Vì vậy phải biết là em nợ anh kiếp này nhiều lắm, vì vậy không được làm bất cứ điều gì không hay. Chúng ta phải biết tận dụng thời gian mà vui sống.

Tử Vy cảm động.

- Vâng.

Và ngã vào lòng Nhĩ Khang, Nhĩ Khang ngắm lấy người trong lòng, và trong một phút mềm lòng, đã cúi xuống định hôn Vy, nhưng Vy đã đẩy ra.

- Em làm gì có vẻ căng thẳng như vậy?

Tử Vy lắc đầu nói:

- Dân ở đây họ bảo thủ lắm, e là để họ nhìn thấy bọn mình cũng có thể bị chết cháy đấy.

- Sợ gì? Họ muốn thiêu sống ta, thì phải thiêu cả hai đứa, anh sẵn sàng chết với em. Hai đứa sẽ biến thành khói ngao du khắp bốn phương trời.

Tử Vy xúc động.

- Anh Nhĩ Khang này, có anh em chẳng thấy sợ gì cả, em sẽ theo anh đến tận chân trời góc biển. Giờ em đã suy nghĩ kỹ rồi, mặc dù bản thân lai lịch thế nào không rõ lại phạm phải hàng đống tội khi quân. Mất cả niềm vui với người mình gọi là Hoàng a ma... tương lai mù mịt, nhưng mà, em giờ rất giống Yến Tử. Chẳng thấy lo gì cả, trái lại còn cảm thấy rất sung sướng vì đã thoát được khỏi cái “Hồi Ức thành” đáng sợ kia. Mình đã được tự do, còn được cùng anh như chim liền cánh run rủi đến mọi phương trời.

Nhĩ Khang cảm động.

- Em nói nghe hay lắm, lạc quan lắm, hơn cả ban nãy lúc ở trong phòng, em đã nói “nơi nơi không nhà, nơi nơi là nhà.” Với anh thì từ lúc sống lưu lạc đến nay, vì có em bên cạnh, anh thấy đâu cũng là thung lũng tình yêu cả. Anh nghĩ tương lai mình sẽ không mịt mù đâu, mà nó sẽ vô cùng tốt đẹp.

Những ngày lưu lạc kế tiếp, họ vẫn bình yên cho đến... một hôm cả bọn đến một ngôi làng có tên gọi là Hồng Diệp trấn. Sau một ngày ngồi xe mệt mỏi, nên khi xe vừa vào khu phố chợ. Nhĩ Khang đi trước, quay lại nói:

- Ðằng kia có một khác sạn tên là Duyệt Lai khách sạn, ta nghỉ ngơi ở đấy nhé?

Mọi người đồng ý, thế là xe dừng trước cổng nhà trọ, mọi người nhảy xuống mang hành lý vào quán. Trong khi Yến Tử lại nhìn đông nhìn tây, thấy xa xa có một đám đông tụ họp. Lại nãy tính hiếu kỳ, nói:

- Các người vào trong đó trước đi, một lát tôi vào sau.

Vĩnh Kỳ lo lắng.

- Em lại định đi đâu nữa?

Yến Tử bước nhanh về phía góc phố, không quay đầu lại nói:

- Mặc em, em không bị biến mất đâu mà sợ!

Nhĩ Khang khuyên Vĩnh Kỳ.

- Tốt nhất là cậu cũng đến đó cùng cô ta đi.

Vĩnh Kỳ đuổi theo, đến nơi thấy một đám đông đang tụ tập, có gã lớn tiếng nói:

- Hồng Mao thắng nè! Chiến thắng đi Hồng Mao! Vạn tuế Hồng Mao!

- Lục Mao thắng! Lục Mao phải chiến thắng! Vạn tuế Lục Mao!

Yến Tử nghe vậy càng hiếu kỳ, vạch đám đông chui vào.

- Cái gì mà Hồng Mao, Lục Mao? Hắc Mao đến nè.

Vĩnh Kỳ cũng vội chui vào, đến đó mới thấy là không phải gì khác mà là đấu gà. Hai con gà thả trong sân đang gắng sức lừa nhau, đá nhau. Trong khi đám đông đứng quanh đang hò hét cổ vũ.

- Hồng Mao sẽ chiến thắng, chiến thắng!

- Lục Mao chiến thắng, chiến thắng!

Trong khi hai chủ gà ngồi hai bên, không ngừng hỏi:

- Có ai đặt cược không? Ai bắt con nào đặt liền con nấy!

Một tay đứng trong đám nói:

- Bắt con màu lục, bắt con màu lục!

Phía trước mặt đám đông có các chậu đồng, ai muốn cá đặt tiền vào đó. Ðám đông người thì bắt cá với lão chủ, người lại đặt cược với nhau. Yến Tử vốn có máu mê cờ bạc trong người, nên vừa nghe thấy đặt cược là máu nóng cuồn cuộc nổi lên, phải đặt cược mới được. Vừa nghĩ đến là thò tay vào túi!

- Tôi đặt con màu đỏ đó!

Lão chủ thấy cô gái cũng đánh bạc, thích chí, hù:

- Ðặt thì bỏ tiền ra đi, bỏ trễ là không nhận đâu nghe.

Yến Tử lấy trong túi ra hai đồng tiền nói:

- Tôi đặt hai đồng đây.

- Vĩnh Kỳ vừa trờ tới.

- Ồ! Tiểu Yến Tử...

Anh chàng định ngăn lại nhưng không còn kịp, đành đứng cạnh nhìn.

Ở địa phương nhỏ thế này mà Yến Tử đặt đến hai đồng là một số tiền quá lớn, nên ai cũng quay sang nhìn, rồi tiếng xì xào.

- Ở đâu đến một con a đầu, lại vung tiền nhiều thế?

Tay chủ con gà xanh nói:

- Coi chừng cô ấy đặt nhằm đấy, nãy giờ con gà xanh tôi đã ăn được mấy bận rồi.

Nhưng Yến Tử lắc đầu.

- Mặc ông, tôi đặt con lông đỏ!

Rồi lớn tiếng cổ vũ.

- Hồng Mao chiến thắng, Hồng Mao vô địch!

Giọng điệu của Yến Tử chắc nịch, khiến mọi người đổ dồn sang đặt con lông đỏ.

Yến Tử vừa xem, vừa hát.

- Hồng Mao hãy cắn Lục Mao, cắn nó chết đi, ngươi là con gà nòi vô địch mà...

Cuộc chiến giữa hai con gà xảy ra ác liệt, chỉ một lúc sau con gà xanh xuống sức thấy rõ, đám đông hét.

- Gà đỏ thắng rồi, gà đỏ thắng rồi!

Yến Tử thích quá, mặt đỏ như gấc.

- Hồng Mao vạn tuế, Hồng Mao chiến thắng!

Rồi Yến Tử gom hết tiền thắng được đến trước mặt mình.

Đám đông đã tin tưởng Yến Tử trước khi đặt cược lại hỏi Yến Tử.

- Cô nương, cô nương đặt đi bọn này sẽ theo!

Yến Tử hỏi:

- Kế tiếp là con gì đấu với con gì?

Lão chủ trường gà bị thua quá nhiều nổi nóng.

- Nầy cô gái, cô có muốn đấu với ta không?

- Ðấu thế nào chứ?

- Tôi để cô chọn một con đại diện cho cô, tôi chọn một con đại diện cho tôi, người nào thua người đó chung tiền. Nhưng tôi nói trước, gà phải mua đấy, một con một lạng bạc, tôi để cho cô chọn trước.

- Được, tôi chọn!

Vĩnh Kỳ lo lắng kéo tay Yến Tử.

- Thắng một trận đủ rồi, đừng có đánh cược nữa, mấy người kia họ đang chờ cô ở nhà.

Yến Tử trợn mắt.

- Anh đừng có làm tôi cụt hứng nghe, lâu lắm mới có dịp vui thế này, anh phải để tôi chơi chứ?

Vĩnh Kỳ chẳng biết làm sao, đành đứng yên. Yến Tử chọn một con gà đen.

- Con nầy coi bộ được đấy, màu đen giống như Yến Tử tôi vậy. Còn ông, ông chọn con gà nào?

Ông chủ gà đưa một con gà nòi ra.

- Ta chọn con này, nó tên là “Này Phong”.

Yến Tử nào biết nhìn gà, còn đắc ý nói:

- Ðược, con “Ô Mao” của ta sẽ đá cho con “Này Phong” của ông một trận tan tác.

Rồi quay qua đám đông nói:

- Nào các ngươi cứ đặt cược đi, muốn thắng thì đặt màu đen nào.

Yến Tử vừa nói vừa đẩy hết số tiền mình vừa thắng vào đặt cược, đám đông thấy vậy lại xì xào.

- Con bé này gan thật! Dám đặt cược to thế?

- Nhưng cái con gà đen kia trông thấy giống gà nòi, nó có vẻ nhút nhát làm sao đó?

- Vậy thì đặt cược phía nào đây?

Yến Tử nói:

- Hãy đặt cược bên gà tôi đi, trong nó vậy chứ khỏe lắm đấy, gà mật gấu đó!

Nói xong bế con gà lên, kề mỏ nó nói:

- Này, Ô Mao, ngươi phải vì ta mà chiến đấu nghe, ta không cho phép ngươi thua, phải chiến thắng không được thua. Nếu ngươi thua là tối nay ta sẽ làm thịt ngươi đấy.

Yến Tử nói xong, thả con gà xuống đất.

Ðám đông bắt đầu vào trận, và thật bất ngờ chỉ sau mấy hiệp, con Ô Mao lại chiến thắng.

Yến Tử lại được dịp múa tay múa chân.

- Thấy chưa, thấy chưa, con Ô Mao đã thắng, bây giờ ai muốn đặt cược tiếp tục không? Đặt đi nào?

Lúc bấy giờ tiền giấy, bạc nén, đã chất đầy một đống trước mặt Yến Tử. Vĩnh Kỳ không yên tâm kéo tay Yến Tử bảo thôi. Nhưng Yến Tử đang thắng làm sao lại chịu ngưng, thế là tiếp tục.

Những tưởng Yến Tử sẽ bị thua trở lại, không ngờ con “Ô Mao” tầm thường đó như có thần độ, thắng luôn mấy trận liền. Đến độ gần như tất cả tiền của tay chủ gà đều chui hết về phía Yến Tử.

Vĩnh Kỳ thấy trời đã sụp tối, vội lấy khăn ra gói tiền lại nói:

- Trời đã tối rồi, không nên cờ bạc tiếp!

Tay chủ gà nghe vậy bảo:

- Tiếp tục nữa đi cô nương!

Yến Tử chơi đã chán nên nói:

- Thôi, không chơi nữa, gà của tôi, tôi mang về.

Không ngờ tay chủ gà trở mặt.

- Chơi thắng rồi bỏ đi ư? Đâu có chuyện dễ dàng như vậy? Ta không chịu.

Rồi hắn đặt một nén bạc xuống mâm nói:

- Nào, mi tiếp tục không?

Yến Tử thấy thái độ dữ dằn của hắn, nên nổi nóng.

- Bản cô nương đã nói đủ rồi! Không chơi là không chơi!

Tay chủ gà xông tới chụp lấy cổ tay Yến Tử.

Yến Tử vị bận cúi xuống bế con Ô Mao nên không để ý, bị lão ta chụp phải. Bên sau anh ta còn có mấy tay mặt mày bậm trợn khác. Vĩnh Kỳ thấy vậy hét:

- Đồ vô lễ! Buông tay ngươi ra không?

Vĩnh Kỳ vừa nói vừa chém xuống cổ tay gã chủ, khiến gã đau quá buông tay Yến Tử ra, gã hét:

- Ở đâu có bọn cẩu tặc này chứ? Dám đến đây phá hoại chuyện làm ăn của ta chứ?

Gã vừa nói là đã bị Vĩnh Kỳ cho tiếp mấy tát tai vào mặt.

- Miệng ăn nói dơ bẩn, mở sòng bạc, thua thì chịu thua đi vậy mới là quanh minh chính đại, bộ ngươi mở sòng ra để gạt bá tánh à?

Ðám đông vừa tan ra nghe vậy tụ lại vỗ tay.

- Hay lắm, hay lắm! Bọn chúng lường gạt bọn tôi, mỗi lần chúng tôi thắng là không cho đi! Đánh dằn mặt hắn đi!

Không ngờ lúc đó mấy tay đại hán đứng sau ông chủ gà đã xông tới, hét:

- Mi đến đây phá đám bọn ta phải không? Vậy thì hãy mở mắt ra xem bọn này là ai nè!

Yến Tử nghe vậy giận dữ, phóng nhanh một đá về phía tay vừa phát ngôn.

- Bà cô ngươi đã lâu chưa đánh ai, bọn người cứ tiến lên đi cho biết!

Vĩnh Kỳ nói:

- Bọn người muốn đánh nhau thật đấy à?

Vĩnh Kỳ vừa nói là triển khai công phu, đánh bọn đại hán vừa xông tới dạt ra cả, bọn này nào phải là đối thủ của Vĩnh Kỳ, Vĩnh Kỳ lại muốn Yến Tử ra oai, nên cứ đánh cho chúng văng tới bên Yến Tử, để Yến Tử bồi thêm một phát lăn cù. Gã chủ trại đá gà thấy bọn thủ hạ của mình bị đánh tan, vẫn hậm hực nói:

- Ở đâu mà lại xuất hiện du đãng man rợ này!

Gã vừa dứt lời, Vĩnh Kỳ đã phóng tới chụp lấy cổ tay hắn bóp mạnh, gã đau quá kêu thét lên:

- UI da, ui da, thôi thôi, hảo hán ơi, xin tha mạng, xin tha mạng. Bọn này có mắt không tròng nên không nhìn thấy Thái Sơn, hãy tha mạng tôi đi!

Vĩnh Kỳ đẩy một cái thật mạnh, khiến hắn ngã lăn về phía đồng bọn.

- Hôm nay ta tha người, nhưng từ đây về sau mà còn mở sòng bạc ức hiếp dân lành, là ta không tha đâu.

Lão chủ sòng bạc quỳ mọp xuống lạy.

- Hảo hán! Nữ anh hùng xin tha mạng!

Ðám đông quần chúng thì vung tay.

- Hảo hán, nữ anh hùng vạn tuế!

Yến Tử bỗng cảm thấy mình trở thành nữ anh hùng thật, rất đắc ý, chắp tay lại theo kiểu anh hùng hành hiệp nói:

- Xin cảm ơn, cảm ơn!

Và rồi vừa ôm túi tiền, vừa ôm con gà cùng Vĩnh Kỳ quay về khách sạn.

o O o

Nhĩ Khang, Tử Vy... lúc đó đã tắm rửa sạch sẽ, đang ngồi tụ bên chiếc bàn ăn chuẩn bị bữa cơm tối. Thức ăn đã gọi lên mà Yến Tử với Vĩnh Kỳ đâu chẳng thấy, bụng lại đói cồn cào, nên không chờ nữa, vừa ăn vừa nói chuyện. Liễu Thanh không yên tâm định ra ngoài xem nhưng Nhĩ Khang đã nói:

- Không cần thiết! Lúc này mỗi người phải tập thói quen tự bảo vệ mình, nếu không thì mệt lắm. Chúng ta cứ ăn đi nào biết đâu họ ở ngoài cũng đã ăn riêng. Yến Tử không bao giờ để mình chết đói đâu mà sợ?

Liễu Hồng gật đầu:

- Anh nói đúng, đã biết đến giờ cơm rồi mà không về thì chúng ta ăn trước vậy. Tôi cũng đói quá rồi, mạnh ai nấy lo thôi.

Thế là mọi người cùng ăn. Ðang cắm cúi ăn chợt nghe có tiếng “bịch!” một cái, rồi cả một túi tiền to nằm giữa bàn. Tiếp theo là tiếng gà kêu “cục cục cục...” mọi người ngạc nhiên nhìn lên, chỉ thấy Yến Tử tay ôm một con gà đen, đắc ý nhìn mọi người, trong khi Vĩnh Kỳ thì bối rối đứng phía sau. Tiêu Kiếm tròn mắt chỉ con gà.

- Ở đâu có vậy? Con gì vậy?

Yến Tử tự nhiên kéo ghế ngồi vào bàn.

- Ngươi thật là ngu, con nầy là con gì không biết à? Một con gà trống, gà trống vĩ đại!

Mọi người nhìn con gà vẫn không hiểu, Nhĩ Khang nói:

- Ai lại không biết đó là con gà, nhưng cô ôm con gà đó làm gì?

Yến Tử đắc ý nhìn Nhĩ Khang.

- Con gà này của tôi mua, nó có tên là “Ô Mao” tôi là Yến Tử con chim én lông đen, nó cũng lông đen nên vô cùng lợi hại. Bữa nay nó đã giúp tôi thắng một trận lẫy lừng.

Nói xong Yến Tử cúi xuống nói với con gà.

- Này Ô Mao, ta thưởng ngươi mới được, ngươi thích ăn mói gì nào?

Rồi Yến Tử gắp một cục thịt đút vào mồm gà, mọi người nhìn nhau, Nhĩ Khang hỏi:

- Vĩnh Kỳ, thế này là thế nào?

Vĩnh Kỳ ngồi xuống.

- Đó là con gà đá độ, Yến Tử đã mua nó.

Rồi vỗ vỗ vào bao tiền, kỳ tiếp.

- Ðây là số tiền Yến Tử đã thắng, nhờ con gà đó đá đấy, giờ các bạn đã hiểu chưa?

Mọi người quay qua nhìn Yến Tử, trong khi Yến Tử tỏ ra đắc ý, kể lại:

- Các ngươi biết không, Vĩnh Kỳ hôm nay oai phong lắm đấy. Bọn chủ sòng đều là bọn xấu, thua tiền tôi lại không cho tôi về. Thế là anh ấy nhảy ra dạy cho bọn họ một bài học, đánh bò lăn bò càng tất cả, khoái trá vô cùng.

Liễu Thanh giật mình:

- Các người lại đánh lộn nữa ư?

Liễu Hồng cũng la lên.

- Ðã bảo ra đường đừng có gây sự đừng để chuyện gì xảy ra mà không nghe, nhất là cấm không được đánh lộn...

Yến Tử cãi lại.

- Cái gì mà cấm? Muốn cấm cũng không cấm được, chẳng lẽ để cho người ta ăn hiếp mình à?

Con gà đen trong tay Yến Tử bị ôm cứng có vẻ bực bội, nó vùng vẫy làm văng lông tùm lum lên mình Kim Tỏa ngồi cạnh, Kim Tỏa vừa né, vừa bực mình.

- Yến Tử, bây giờ chị định tính xử lý con gà này thế nào đây? Sao không thả cho nó đi đi?

- Thả nó đi à? Sao lại thả? Nó là đệ nhất công thần của ta mà? Ta phải nuôi nó đàng hoàng.

Nhĩ Khang ngạc nhiên.

- Làm sao nuôi nó được? Đừng quên là chúng ta đang chạy trốn nhé. Bản thân còn lo chưa xong, làm sao lại nuôi gà?

- Nhưng nó có thể giúp chúng ta kiếm tiền.

- Chúng ta còn chưa sa sút đến độ phải dựa vào chuyện đá gà kiếm sống mà?

Yến Tử bất mãn.

- Anh rõ là nhỏ mọn, nuôi một con gà tốn bao nhiêu chứ? Không phiền ai đâu, tối tôi ôm nó ngủ, đi đâu tôi cũng mang nó theo, chẳng ai phải lo cho nó đâu.

Kim Tỏa tròn mắt.

- Có thật là tối chị sẽ ôm nó ngủ, ban ngày chị sẽ ôm nó đi theo không?

- Chuyện đó đâu gì khó.

Kim Tỏa lập tức tuyên bố:

- Vậy thì tối nay tôi không ngủ với chị!

Liễu Hồng cũng tuyên bố.

- Tôi nữa... không ngủ cùng giường với Yến Tử.

Yến Tử quay qua Tử Vy.

- Vậy tối nay ta và ngươi ngủ cung nhé, bọn mình đã thề là có phước cùng hưởng có họa cùng chia mà?

Tử Vy kêu lên.

- Trời ơi, thế thì chết rồi!

Rồi giả vờ nghẻo đầu chết.

Kết quả là tối hôm ấy Tử Vy, Kim Tỏa, Liễu Hồng phải chen chân một giường, dành riêng một giường cho Yến Tử và con Ô Mao. Tối hôm ấy con gà cứ quậy cúc... cúc... liên tục. Vậy mà chẳng hiểu sao mọi người lại ngủ mê như chết... Mãi đến lúc mặt trời lên cao, Nhĩ Khang vẫn chưa thấy ai dậy, ngạc nhiên bước sang gõ cửa.

- Tử Vy, Yến Tử, đến giờ ăn sáng rồi, sao chẳng ai dậy, dậy đặng đi chứ?

Yến Tử nghe gọi giật mình thức dậy, những vẫn cảm thấy đầu nặng như chì, đưa tay lên sờ bên cạnh chẳng thấy con “Ô Mao” đâu cả, Yến Tử gọi.

- Ô Mao, Ô Mao đâu rồi! Ngươi chạy đâu chứ?

Nhĩ Khang bên ngoài tiếp tục gõ cửa, Yến Tử lúc này mới tỉnh hẳn đáp.

- Dậy rồi, dậy rồi.

Xong chạy qua giường Kim Tỏa, Tử Vy, Liễu Hồng lay mạnh.

- Ê, dậy đi, tại sao đến giờ chưa dậy? Các người có trông thấy con Ô Mao của ta đâu không?

Rồi cúi nhìn xuống giường “cúc cúc” gọi tìm con gà, đến lúc này Tử Vy Liễu Hồng, Kim Tỏa mới thức dậy nhưng chẳng hiểu sao đôi mắt cứ nhắm típ.

- Mệt quá, tôi muốn ngủ thêm một chút.

- Kim Tỏa nói, Tử Vy cũng nói, trong khi Yến Tử cứ hỏi.

- Các người có trông thấy con Ô Mao của tôi đâu không? Có thấy không?

Liễu Hồng vươn vai rồi nói:

- Để tôi mặc áo xong sẽ phụ chị tìm cho!

Nói rồi leo xuống giường đến chỗ lấy quần áo, bất ngờ nhìn thấy nơi để hành lý trống không, Liễu Hồng kêu lên.

- Chết rồi, Kim Tỏa, Kim Tỏa!

Kim Tỏa và Tử Vy nghe la chạy tới.

- Chuyện gì? Chuyện gì vậy?

Liễu Hồng kéo tay Tử Vy đến chỉ.

- Hành lý của chúng ta đâu rồi?

Rồi như sực nhớ ra, Liễu Hồng đưa tay sờ vào thắt lưng.

- Trời ơi!

- Cái gì nữa!

- Túi tiền của các người có còn không vậy?

Ba cô gái còn lại nghe vậy đưa tay sờ thắt lưng của mình, đều tái mặt.

- Không xong rồi, chúng ta đã bị trộm! Chúng ta đã ngụ nhằm khách sạn xấu rồi! Khách sạn của bọn trộm.

Bốn cô gái cũng phát hiện bộ quần áo mặc hôm qua còn treo trên móc áo, vội vã mặc vào, Liễu Hồng mở cửa, Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ, Liễu Thanh xông vào.

- Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Tử Vy hớt hải nói:

- Bọn tôi bị trộm, tất cả tiền bạc và hành lý đều bị trộm sạch rồi!

Yến Tử nói thêm.

- Kể cả con Ô Mao của tôi!

Bốn người đàn ông nhìn nhau, Liễu Thanh hỏi.

- Tôi phải đi tìm tay chủ khách sạn hỏi cho ra lẽ!

Tiêu Kiếm đi đến khắp nơi quan sát, chợt phát hiện một mảnh hương còn sót lại dưới đất nói:

- Các người đã bị bọn giang hồ sử dụng một trong ba hạ sách rồi. Ðây là mê hồn hương! Trách sao chẳng ngủ như chết, ta nghĩ chuyện này hẳn không liên quan gì đến tên chủ khách sạn đâu... Vì vậy ngay con gà đen kia cũng bị mất, nhưng con gà đâu có đáng giá bao nhiêu sao cũng lấy. Chắc chắn là việc làm nầy có dính líu đến bọn đá gà hôm qua.

Yến Tử nghe vậy đùng đùng nổi giận.

- Tôi phải đi tìm bọn chúng tính sổ mới được! Thật bực, lần này phải đánh cho bọn chúng tơi tả.

Yến Tử dứt lời là xông ngay ra ngoài cửa.

Nhĩ Khang bảo Vĩnh Kỳ.

- Vĩnh Kỳ! mau kéo cô ấy lại, chuyện này không thể để động đến cửa quan... không nên để rùm beng bằng không cô ấy lại làm đổ bể mọi chuyện.

Khi Yến Tử chạy đến trường gà hôm qua, thì chỉ thấy khoảng đất trống trơn, chẳng có một bóng ma nào cả. Yến Tử kêu lớn:

- Này bọn đấu gà! Các ngươi ở đâu? Có giỏi thì ra đây, thật là đồ hạ tiện, dám làm cả chuyện trộm chó, bắt gà, thật xấu hổ. Các người có giỏi thì ra đây...

Vĩnh Kỳ chạy tới nắm lấy tay Yến Tử.

- Thôi được rồi, được rồi, Yến Tử, em đứng đó mà la làng có ích lợi gì? Bọn họ đã bỏ trốn từ lâu rồi, mình chỉ có cách về khách sạn xem lại, xem mất mát các thứ gì.

Yến Tử chưa hết cơn giận dữ.

- Tụi bây mở mắt mà xem nhé, rồi ta sẽ báo thù, bao giờ bắt được tụi bây, tao sẽ lột da cho biết tay! Tao bầm nát bây ra cho heo ăn, thật tức chết đi được! Dám giỡn mặt với ta thì khó sống nhe con.

Vĩnh Kỳ thấy để Yến Tử đứng đấy không ổn, nên kéo Yến Tử đi vừa đi vừa nói:

- Thôi đừng có làm rùm beng lên, cứ thề này lính tráng họ kéo tới là nguy, hãy theo anh về đi!

Vĩnh Kỳ kéo Yến Tử đi, Yến Tử vẫn còn hậm hực vừa đi vừa chửi:

- Có giỏi thì xuất đầu lộ diện, đánh tay đôi với bọn tao này. Cần gì phải sử dụng mê hồn hương, đúng là đồ hạ cấp. Ta mà bắt được thì bọn bây sẽ biết ta sẽ đốt hương mê cho tụi bây mê man mấy ngày đêm, cho bọn ngươi biến thành “con gà ngủ gục...” cả...

Yến Tử đang chửi đến đó, chợt từ đầu đường có một đám quan binh cỡi ngựa đi tới, trên tay là bức tranh vẽ hình đám Yến Tử, Tử Vy, gặp ai cũng hỏi:

- Có thấy mấy người trẻ tuổi này không. Tất cả năm người, ba gái hai trai, chỉ điểm sẽ được trọng thưởng.

Vĩnh Kỳ vừa thấy bọn lính đã sợ quá, kéo tay Yến Tử chạy nhanh về khách sạn.

Lúc đó Nhĩ Khang và Tiêu Kiếm đã cho vời chủ tiệm đến. Khi lão chủ biết là bọn họ đã bị trộm đồ đạc xanh mặt nói:

- Các vị quan lớn đây quả là chuyện bất ngờ. Quán của chúng tôi ở Hồng Diệp trấn này đã căn cơ suốt ba đời qua mà nào có chuyện gì đâu? Tôi còn một mẹ già tám mươi tuổi, một đứa con nhỏ sáu tuổi cùng ở đây, nếu tôi mà làm chuyện xấu, mở hắc điếm để lường gạt người khác thì trời sẽ cho cả nhà tôi chết thảm đi!

Nhĩ Khang bình thản nói:

- Nội cái chuyện quán ông có xông hương mê. Tôi chỉ cần mang tang vật này đến quan, là quán ông chỉ có nước đóng cửa thôi. Nếu thật không phải là các ông trộm số đồ đạc đó, thì bọn ông cũng có bổn phận tìm lại mang trả cho chúng tôi chứ? Này tôi hỏi, ông phải nói thật đi. Cái gã bày trường gà ở đầu phố, hắn tên họ là gì, nhà ở đâu?

Lão chủ quán nghe hỏi, lộ vẻ sợ hãi.

- Dạ... dạ... tôi... tôi không biết ạ.

Liễu Hồng bước tới nạt lớn.

- Ngươi nói hay không? Ðừng tưởng là qua mặt bọn ta được nghe không? Không nói là không ổn đó!

Lão chủ quán thấy đám thanh niên này có vẻ hung dữ quá đành nói:

- Hắn là tay côn đồ dữ ở đây, hắn kết cấu với một băng trộm khác. Một đứa có tên là Trương Toàn, một đứa là Ngụy Võ. Chúng đều ngụ ở nhà số 16 Đại Miếu Khẩu đầu con mương Nguyên Đầu. Nhưng tôi xin các ông, tuyệt đối không được nói là tôi nói, nếu không cả nhà tôi sẽ không sống nổi.

Nhĩ Khang trợn mắt.

- Sao lại thế được? Còn luật pháp triều đình ở đâu?

Tiêu Kiếm chỉ nói:

- Không nên lãng phí thời gian, các ông ra khỏi cửa quẹo qua tay phải là đến.

Ông chủ quán vừa dứt lời thì đã thấy Yến Tử và Vĩnh Kỳ chạy về.

- Ðồ đạc mất cũng không quan trọng, chúng ta bận lắm cần phải lên đường ngay.

Mọi người nhìn nét mặt Vĩnh Kỳ, Yến Tử biết ngay điều gì đang xảy ra đến thế là chẳng ai nói ai, vội quay về phòng dọn đồ đạc và đi ngay.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play