Chiến lũy dựng ngay giữa đường bằng những bao xi măng xếp cao quá nửa thân
người, từ bên trong chĩa ra từng họng súng, phía xa là các chướng ngại
vật, sắp ngổn ngang, nào máy trộn bê tông, nồi nấu nhựa đường; cuộn dây
thép gai, sắt xây dựng... chỉ chừa một lối nhỏ cho người đi qua. Giao
thông đã bị cắt đứt, xe điện không ray đều hạ cần nối mạch, bảy tám
chiếc dừng bên cạnh ngã tư. Trên vỉa hè chen chúc khách qua đường và cư
dân quanh vùng, lũ trẻ cỡ choai choai chui rúc nghịch ngợm, có cả phụ nữ bồng con và các cụ già mang áo may ô, vận quần cộc, đi dép lê mùa nóng, họ ùn lại bên này cần barie để xem cảnh lộn xộn và chờ một trận võ đấu
sắp xảy ra. Mọi người huyên náo tranh cãi, nào “Hồng tổng tư” (Tổng tư
lệnh hồng vệ binh), nào “Cách tổng” (Tổng tư lệnh phe cách mạng), chung
quy là cả hai phái đều đã động viên tổng lực, quyết sống chết một phen.
Anh không rõ toán người chốt giữ ga tàu hỏa phía trước thuộc phái nào,
nên tìm cách chen ra khỏi đám dân chúng, đi đến chỗ có chướng ngại vật.
Một toán công nhân đeo băng đỏ, đội mũ an toàn, tay cầm dùi sắt mài nhọn,
đứng ngay ở lối nhỏ cạnh chiến lũy để chặn đường. Anh xuất trình thẻ
công tác, tay trưởng toán cầm xem rồi cho qua, dẫu sao thì anh cũng
không phải là người địa phương, nằm ngoài diện đấu tranh của hai phái.
Trên đường không một bóng người, không một cỗ xe, anh ngang nhiên đi
chính giữa con lộ, nhựa đường gặp nắng chảy ra, bốc hơi khét lẹt. Cứ thế này e điên mất, anh nghĩ.
“Pằng!” Một tiếng nổ rất rõ và đanh
phá tan bầu không khí tĩnh mịch, oi nồng vốn khiến người ta mệt mỏi. Mãi sau anh mới nhận ra tiếng súng, ngoái đầu nhìn hai bên phố thì thấy một câu khẩu hiệu viết trên tường nhà máy “Huyết chiến đến cùng để bảo vệ
đường lối cách mạng giai cấp vô sản của Mao Chủ tịch!”, mỗi chữ lớn như
cả đấu thóc. Liên tưởng tới phát súng vừa rồi, anh định nhanh chân tháo
chạy, nhưng lập tức dừng bước, không được hốt hoảng mà trở thành mục
tiêu khả nghi cho tay bắn lén. Anh nhanh nhẹn lên hẳn vỉa hè, nép sát
tường mà lần từng bước.
Không thể xác định phát súng đã bắn từ
đâu, cảnh cáo khách qua đường hay nhắm vào anh? Không thể có kiểu giết
người vô cớ như thế, vì anh là khách bộ hành, không liên can đến hai phe huyết chiến. Nhưng giả sử họ bắn chết anh thì lấy ai làm chứng? Anh
chợt nhận ra rằng, tính mạng mình rất có thể bị kết thúc trong một
trường hợp ngẫu nhiên, tử nạn dưới họng súng chẳng rõ của phe nào, vì
vậy anh phải quay vào con hẻm nhỏ. Con hẻm này cũng thế, không một bóng
người, dân phố hình như đã tản cư đi nơi khác. Anh bỗng thấy trong lòng
sợ hãi và tin rằng, một thành phố cũng dễ rơi vào chiến tranh khi chỉ
trong chốc lát giữa người và người bỗng trở nên thù hận, chỉ vì một con
đường không trông thấy mà hai bên xả thân sống mái.
Quảng trường
nhà ga tụ tập khá đông người, xếp hàng rồng rắn nhắm tới phòng bán vé
đang đóng chặt cửa, tất cả đều là hành khách đợi tàu. Anh hỏi người đứng trước mình, lúc nào mới bán vé. Người ấy lắc đầu không biết, anh vẫn cứ kiên nhẫn không tách khỏi hàng, một lát sau, anh đã ở chính giữa. Người mua vé đâu mà lắm thế, không mang theo hành lí, không có người già hay
trẻ nhỏ mà đều là nam nữ thanh niên tráng kiện. Phía trước cách vài
người là một cô gái tết hai đuôi sam ngắn, thỉnh thoảng ngoái nhìn đằng
sau, hễ thấy ai là lập tức quay mặt cúi đầu, như sợ người ta nhận ra
mình. Anh đoán, không ít người trong đám hành khách chờ mua vé này là
dân chạy loạn, nhưng họ đều tụ tập tại đây nên khiến anh yên tâm, đoạn
ngồi xuống châm thuốc hút.
Đám người bỗng nháo nhác, không còn
hàng lối gì nữa, chẳng rõ đã xảy ra chuyện gì, anh bèn hỏi xung quanh
thì họ nói sắp “phong giang”. Anh lại hỏi “phong giang” nghĩa là gì? Là
đóng cửa đôi bờ sông, không cho tàu xe, thuyền phà qua lại, vì sẽ có tắm máu, nhưng ai tắm máu ai thì cũng mù tịt.
Quảng trường nhà ga
chỉ còn lại hơn mười người, họ không có chỗ nào mà tháo chạy, đành co
cụm xung quanh cửa phòng bán vé, hình thành một tiểu đội, nương tựa lẫn
nhau. Lúc này đồng hồ chỉ năm giờ, ánh nắng nhạt dần, đỡ nóng, chiếu
xiên xiên, và không thấy ai mò tới. Hơn mười người còn lại bị cắt đứt
nguồn tin, nay chẳng cần sắp hàng làm gì, tự tìm chỗ râm mát tán chuyện
hay hút thuốc.
Ai đó phỏng đoán, hình như hai phái đang đàm phán
lần cuối cùng, hình như quân đội đang ra tay can thiệp, vì vận tải đường sắt không thể gián đoạn lâu như thế này, chậm nhất cũng không thể đợi
đến sáng mai... Anh chẳng muốn hỏi han gì nữa, còn cô gái tết hai đuôi
sam ngắn thì bó gối cúi đầu ngồi ở góc đường cách xa người khác một
quãng.
Anh cảm thấy đói, cần mua cái gì lót dạ và chuẩn bị qua
đêm. Anh dạo một vòng mà chẳng thấy hàng quán xe cộ gì cả, cảm thấy hơi
sợ và không dám đi xa. Tiểu đội hành khách chờ mua vé đã giảm bớt mấy
người, nhưng cô gái vẫn yên vị, bất động và câm như hến... “Pằng, pằng,
pằng!” một loạt súng nổ từ nơi có chiến lũy vọng tới, mọi người trên
quảng trường đều hốt hoảng đứng dậy, tiếp sau là một tràng dài liên
thanh nghe rất gần, tiểu đội hành khách như bầy quạ tan tác. Anh cúi
người, ép sát tường bỏ chạy, chiến tranh là thế này, anh nghĩ. Anh tìm
được một chỗ ẩn nấp giữa các bao cát, đang ngồi thở lấy hơi thì nghe ai
đó cũng hổn hển nói không ra tiếng, quay đầu nhìn, ôi lại là cô gái tết
hai đuôi sam ngắn đã gặp lúc đợi mua vé tàu.
- Những người ấy chạy đâu cả rồi?
- Em không rõ.
- Thế cô đi đâu? - Anh hỏi nhưng cô gái im lặng.
- Tôi đi Bắc Kinh - anh tự khai báo.
Cô gái nhìn anh rồi chậm rãi:
- Em... cũng vậy.
- Cô không phải người vùng này?
- Là sinh viên?
Trời tối dần, gió mát từ phía sông thổi lên, thật dễ chịu, bây giờ anh mới
biết cái áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi đang dính chặt trên lưng.
- Cần
phải tìm một nơi nào đó qua đêm, ở đây không an toàn. - nói đoạn anh bèn bước ra khỏi kho hàng, quay đầu nhìn lại vẫn thấy cô gái lặng lẽ cúi
đầu đi theo sau lưng, nhưng giữ một khoảng cách đôi ba bước. Anh hỏi:
- Cô có biết khách sạn ở đâu không?
- Xung quanh nhà ga, vào xa nữa sẽ nguy hiểm, phía cảng sông đằng kia
cũng có khách sạn, nhưng phải đi một đoạn dài. - cô gái khẽ đáp và chứng tỏ là người vùng này, anh liền nhường cô dẫn đường.
Quả nhiên
men theo chân con đê là một phố cổ với nhiều ngôi nhà cũ kĩ, lụp xụp,
một vài thanh niên tụ tập tán gẫu, tìm hiểu tình hình chiến sự. Đúng là
trước khi hòn đạn chưa bắn trúng vào đầu, người ta không tránh khỏi hiếu kì và háo hức, muốn biết thế nào là đánh nhau. Các cửa hiệu và quán xá
hai bên đường đều đã lên đèn, đỏ lửa, nhà nào trước cổng sáng trưng thì
biết ngay là khách sạn, toàn một kiểu phòng trọ cổ xưa, là nơi an cư lạc nghiệp của số người làm ăn cá thể và thủ công nghiệp. Bên kia thì đã
hết chỗ, còn mỗi bên này đang trống một phòng hẹp, giường đơn.
- Có thuê không? - Mụ chủ béo phì, phe phẩy cái quạt giấy trong tay, hất hàm hỏi.
Anh vội gật đầu, rút ra giấy tờ tùy thân giao cho mụ ta ghi vào sổ đăng kí.
- Quan hệ gì đây?
- Vợ chồng - anh đưa mắt ám hiệu cô gái.
- Họ tên?
- Hứa... Anh - cô gái chần chừ một lát rồi nhanh nhẹn đáp lời, họ Hứa tên “Anh”.
- Đơn vị công tác?
- Cô ấy chưa có việc làm, vợ chồng chúng tôi trên đường trở về Bắc Kinh - anh trả lời thay cho Hứa thị.
- Đặt trước năm tệ, tiền phòng mỗi ngày một tệ, khi nào trả phòng sẽ thanh toán thừa thiếu.
Anh nộp tiền, mụ chủ giữ lại giấy tờ của anh và giao chìa khóa phòng. Phòng chỉ mỗi chiếc giường đơn và cái thau rửa mặt, ngoài ra chẳng có bàn ghế gì cả. Đợi mụ chủ đi khuất, anh khép cửa phòng, nhìn cô gái tên gọi
“Hứa Anh”.
- Một lát nữa tôi sẽ ra ngoài.
- Không cần - cô gái ngồi xuống mép giường và ngước đầu can ngăn - như thế này cũng tốt rồi.
- Cô mệt lắm phải không? Có thể nằm nghỉ trước đi!
Cô gái vẫn ngồi bất động. Sàn lầu lao xao, bước chân người ồn ào ngoài cầu thang, tiếp theo là tiếng nước chảy rào rào, khách trọ đến buồng tắm
công cộng rửa ráy, phòng anh chị thuê nằm liền kề, không có cửa sổ nên
rất nóng bức. Anh hỏi “Hứa Anh”:
- Mở cửa cho thoáng nhé?
- Chẳng cần.
Anh bưng vào cho cô gái một thau nước, còn mình đến buồng công cộng tắm
gội. Khi quay trở lại thì cô gái cũng xong xuôi, cô mặc chiếc áo hoa
chấm vàng, cổ tròn, tay trần, tháo giày cởi vớ, ngồi nép một bên thành
giường, mặt mày tươi tỉnh, phớt hồng ra dáng thiếu nữ hơn nhiều, cô nói:
- Anh ngồi xuống đi, còn chỗ đây này!
Lần đầu tiên cô gái nhoẻn miệng cười. Anh phụ họa cười theo và nói “Không
thể không nói như vậy” để thanh minh chuyện lúc nãy đăng kí thuê phòng
đã phải ghi là quan hệ vợ chồng.
- Em hiểu - cô gái mím môi cười thầm.
Anh chốt then cửa, cởi giày ngồi xuống:
- Thật không ngờ!
- Không ngờ gì anh?
- Còn phải hỏi?
Sự việc không ngờ ấy qua đi, nhiều năm sau nhớ lại, anh vẫn không quên cái đêm đặc biệt, đầy đủ mọi hương vị, chọc ghẹo, dụ dỗ, dục vọng, xúc
động, ái tình, chứ không chỉ là nỗi lo.
- Thế tên thật của em là gì? - Anh thân mật gọi cô gái bằng đại từ “em”.
- Bây giờ em chưa thể nói rõ với anh.
- Vậy đến lúc nào?
- Tới khi ấy anh khắc biết.
- Biết gì?
- Chẳng nhẽ anh không hiểu sao?
Anh không hỏi gì thêm, cảm thấy thoải mái và hài lòng. Sàn lầu đã yên ắng,
buồng tắm công cộng thôi xả nước, nhưng chợt thấy căng thẳng như đợi chờ một điều gì đó bất ngờ đang dần tới. Nhiều năm sau, hễ mỗi lần nhớ đến
cái đêm kì lạ đó anh lại có cảm giác căng thẳng như thế này.
- Có thể tắt đèn được không? - Anh ướm hỏi.
- Hơi chói mắt khó ngủ - cô gái đồng tình.
Anh đứng dậy tắt đèn, quay lại sờ soạng tìm giường thì chạm phải chân cô
gái, cô liền tránh ra, nhưng để anh nằm cạnh bên mình. Anh cẩn thận,
ngửa mặt, duỗi thẳng, nhưng với diện tích chật hẹp của cái giường đơn
thì làm sao thân thể hai người khỏi tiếp xúc vào nhau, chỉ cần đối
phương không cố ý tránh né, thì anh cũng hết sức giữ gìn đừng quá quắt
lắm. Thân nhiệt của cô gái cộng thêm cái nóng trong phòng làm anh toát
mồ hôi và hỏi:
- Có thể cởi quần áo ngoài được không?
Cô
gái không trả lời mà cũng chẳng phản đối. Lúc tuột quần dài, tay chân
anh chạm vào người cô gái, cô vẫn không xê dịch, hình như chưa ngủ say.
- Đi Bắc Kinh có công chuyện gì? - Anh hỏi.
- Thăm bà dì ruột.
Nhẽ nào lại đi thăm bà con vào thời buổi loạn lạc thế này, anh không tin lời cô gái.
- Bà dì em làm việc ở Bộ Y tế - cô gái bổ sung.
Anh nói, anh cũng công tác ở một cơ quan nhà nước.
- Em biết.
- Làm sao mà em biết?
- Lúc nãy, khi xuất trình giấy tờ thuê phòng.
- Và em đã biết cả tên họ của anh?
- Tất nhiên, chẳng phải vừa đăng kí rõ ràng vào sổ hay sao?
Trong bóng tối anh đoán là cô gái đang cười.
- Nếu không, thì em đã không...
- Ngủ chung một giường với anh?
- ừ, biết sẽ đỡ lo hơn - giọng cô gái trở nên dịu ngọt, khiến anh không
thể cầm lòng sờ tay lên đùi cô gái, nhưng nghĩ phải giữ chữ tín nên
không dám có động tác gì hơn.
- Em học trường nào?
- Em đã tốt nghiệp, đang chờ phân công công tác - cô gái trả lời tránh né không muốn cho anh biết tên trường.
- Ngành gì?
- Sinh vật.
- Đã học qua giải phẫu thi thể?
- Đương nhiên.
- Kể cả người?
- Em không học ngành y, chỉ biết lí thuyết thôi, tất nhiên cũng đã thực
tập ở các phòng thí nghiệm của bệnh viện... Hiện nay chờ phân công,
phương án định đoạt cả rồi, nếu như không...
- Nếu như không thế nào, à nếu như không có Văn cách?
- Trước đã phân công về một trạm nghiên cứu ở Bắc Kinh.
- Em là con em cán bộ cao cấp?
- Không phải.
- Chẳng nhẽ bà dì của em làm việc trên Bộ Y tế không phải là cán bộ cao cấp hay sao?
- Anh thì cái gì cũng muốn biết cả!
- Nhưng đến tên em, thật giả, thì mù tịt.
Cô gái lại cười và bắt đầu cọ quậy, chạm vào tay anh. Anh cũng mạnh dạn sờ lên đùi cô gái, dẫu qua lớp vải quần mà vẫn cảm nhận được hương vị mịn
màng của làn da thớ thịt người thiếu nữ.
- Rồi anh sẽ biết - cô
cầm bàn tay anh để sang một bên, nhưng lại thều thào - sẽ biết tất cả... - anh vuốt ve tay cô gái đang dần dần mềm nhũn.
Pình, pình,
pình, cửa chính của nhà trọ bị gõ mạnh, lầu trên gác dưới đều nghe. Anh
chị nắm tay nhau, nín thở, sợ hãi, nhưng cơn hốt hoảng đã nhanh chóng
qua đi, vì đêm nào cũng vậy, vào tầm này phe cách mạng đều đi kiểm tra
các khách sạn, chủ yếu là làm việc với trực ban, có điều gì tình nghi
mới tìm đến từng phòng. Dẫu vậy cô gái chưa hoàn hồn, vẫn còn run, anh
bỗng ôm chặt lấy người con gái yếu mềm đó, dìu em nằm xuống, rồi hôn lên đôi má ướt mồ hôi, hôn cái miệng tròn tròn đang chực mở, cảm thấy vị
mặn của nước mắt, không rõ vì sung sướng hay vì lo lắng mà tuôn trào.
Anh sờ tới hai gò ngọc nữ, cũng lạnh và trơn, rồi mở khuy quần thọc tay vào nơi sâu thẳm, có cảm giác như bãi cỏ trong mùa mưa. Cô gái mang tên
“Hứa Anh” hay Hứa gì đó lúc này đã mềm như bún, để mặc anh thỏa sức giỡn đùa, thương mến, chỉ biết rằng khi anh vào được người cô thì anh ả đã
là hai con vật trần truồng lông lá.
Sau này họ Hứa một mực phản
bác, anh đã lợi dụng tôi yếu mềm trong chốc lát, mất hết khả năng tự
kiềm chế để chiếm đoạt tôi. Anh cãi lại, cô cũng không hề từ chối kia
mà! Sự việc xong xuôi, anh sờ thấy chút gì đó nhờn nhờn và vô cùng lo
sợ, vì hồi ấy sinh viên bị cấm dục, chửa hoang hay phá thai đều là tai
họa, nhưng ngược lại cô gái an ủi, động viên anh “em đang kì kinh
nguyệt, khỏi lo”. Anh yên tâm và gật đầu, làm tình với cô gái lần nữa,
lần này thì đối phương không cần che đậy, ưỡn người hưởng ứng cuồng say. Anh công nhận anh đã biến một thiếu nữ đồng trinh trở thành đàn bà, vì
anh từng có nhiều kinh nghiệm ngủ chung với gái. Giá như đêm ấy cô đừng
âu yếm mà chỉ một mực hận thù, giá như lúc những tia nắng ban mai lọt
qua các khe cửa chiếu vào phòng cô đừng cho anh thấy cả một tòa thiên
nhiên lồ lộ, cô đừng cho anh dùng khăn ướt lau sạch bao vết máu trên
đùi, rồi nhìn anh trìu mến. Giá như sau đó cô đừng cho anh quỳ dưới sàn
nhà, quay cuồng thơm lên hai nụ hoa, và cô dùng hai tay ôm lấy tấm lưng
trần của anh, kéo anh lên, ấn anh xuống, miệng nói “em sợ, chớ làm điều
gì quá trớn” và nhắm mắt, và lần nữa giao cho anh tất cả. Lúc đó cả hai, anh và cô gái đều không biết những gì sẽ chờ đợi họ, không dự đoán được hậu quả về sau sẽ như thế nào mà chỉ một mực say sưa. Anh lại hôn cô
khắp cả thân mình, sung sướng, lo âu hay căng thẳng, chẳng rõ nguyên cố
nào đã khiến người con gái ọc ra như đê vỡ, anh ả máu me đầm đìa chẳng
khác nào vừa qua một trận võ đấu. Anh bưng vào cho cô chậu nước, cô bảo
anh quay mặt một lát để cô tự lo liệu và không trách cứ anh gì cả.
Khi anh vừa đặt chân lên con phà sang sông thì cô gái bị ngăn lại, không
được theo cùng. Đêm hôm qua tại nhà trọ họ đã biết rằng đường xe lửa vừa thông, nhưng ga bờ nam chỉ có ra mà không cho vào, ai muốn đi về hướng
bắc thì phải tăng bo bằng phà. Hành khách ùn tắc cả một bến cảng, hồng
vệ binh dùng loa la hét: “Khách ngoại tỉnh lên trước, cầm sẵn thẻ công
tác trong tay để kiểm tra!”. Anh chị bị tách chia, anh kêu lên “Hứa
Anh”, nhưng cô vẫn không thể lên phà vì không có thẻ ngoại tỉnh, khổ
nỗi, túi xách của cô lại do anh mang giúp, trong đó ngoài tấm thẻ sinh
viên, tập tài liệu in rô-nê-ô mà tổ chức giao cho cô đem lên Bắc Kinh
làm hồ sơ tố cáo, còn có chiếc quần lót dính máu đêm qua. Phà rời bến,
anh gào to “Hứa Anh, Hứa Anh”, vẫn là tên giả của cô gái, cô ta hình như không nghe gì hết, cứ ngơ ngác, chồn chân bên bờ sông.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT