Dưới sự chủ trì của Shizuko, nàng mở một cuộc họp ba người gồm nàng, Horiki và ông cá bơn, cho rằng tôi đã bị toàn thể gia đình ở quê hương từ bỏ, và tôi đã trở thành chồng nàng “trước bàn dân thiên hạ”. Rồi nhờ sự chạy vạy bôn tẩu của Shizuko, truyện tranh tôi vẽ kiếm được nhiều tiền hơn ngoài dự tưởng. Tôi dùng số tiền đó mua rượu và thuốc lá nhưng nỗi cô đơn vộ vọng và u uất của tôi ngày càng đan kết lại. Tiêu trầm chồng chất tiêu trầm. Đến khi tôi vẽ truyện tranh “Những cuộc phiêu lưu của Kinta và Oita” thì chợt nhớ cố hương và cảm thấy mình cô đơn vô hạn, cầm bút cũng không nổi nữa, cứ gục đầu trên trang giấy trắng mà ứa nước mắt ra.

Đối với tình cảnh của tôi mà nói, lúc bấy giờ giúp tôi được chút gì chỉ có bé Shigeko. Con bé chẳng câu nệ phép tắc gì, cứ gọi tôi là “cha

“Cha này, có phải mình cầu nguyện điều gì thì thần linh cũng ban cho phải không ạ?”.

Tôi nghĩ chính mình cũng muốn nguyện cầu đây. Aaa, cầu Trời ban cho ta ý chí lạnh như băng, cầu Trời cho ta biết được bản tính của “con người”. Người chèn ép người phải chăng là tội lỗi. Cầu Trời ban cho ta chiếc mặt nạ của sự giận dữ thù hằn.

“Ừ, đúng đấy. Đối với bé Shige không thì ước gì Trời cũng cho đấy. Còn đối với cha thì chắc không được đâu”.

Tôi sợ hãi ngay cả thần linh. Tôi không tin vào lòng tin yêu của các vị thần mà chỉ tin vào sự trừng phạt của họ mà thôi. Tín ngưỡng. Tôi cảm thấy đó chỉ như một tòa án mà ta đứng gục đầu chờ nhận roi vọt của thần linh. Tôi có thể tin vào địa ngục chứ không thể nào mà tin vào Thiên đường cho được.

“Tại sao lại không được ạ?”

“Vì đã không nghe lời mẹ cha”.

“Vậy à? Sao con nghe mọi người đều nói cha rất tốt cơ mà?”

Đó chỉ là câu mọi người trong khu chung cư này nói lừa con bé để biểu thị hảo ý với tôi mà thôi. Tuy nhiên, tôi không thể nào giảng giải cho con bé hiểu là tôi sợ mọi người như thế nào, tôi càng sợ thì càng được người ta thích, và càng được thích thì lại càng sợ nên cuối cùng phải xa lánh mọi người. Cái bệnh bất hạnh ấy thiệt vô cùng nan giải.

“Shigechan này, vậy con muốn cầu thần linh điều gì?”

Tôi chuyển đề tài.

“Shigeko à? Shigeko muốn cha thật sự của mình quay về cơ”.

Tôi choáng váng, tai ù mắt hoa. Kẻ thù à? Mình là kẻ thù của Shigeko? Hay Shigeko là kẻ thù của mình? Ở đây cũng có một người đáng sợ đang uy hiếp mình. Tha nhân, tha nhân không thể hiểu, tha nhân đầy bí mật. Đột nhiên tôi thấy gương mặt của Shigeko phản chiếu những điều đó.

Tôi đã nghĩ chỉ có Shigeko là an toàn vậy mà con bé này đã cho tôi thấy cảnh “đuôi con bò đập chết con mòng hút máu trong lúc vô tình”. Tôi biết từ giờ trở đi mình cũng phải sợ hãi ngay cả chính con bé này nữa.

“Kẻ háo sắc sát gái có ở nhà không đấy?”.

Gã Horiki hình như đến thăm tôi thì phải. Ngày tôi bỏ nhà ra đi, hắn đã làm cho tôi buồn đau cơ khổ đến mức đó nhưng tôi vẫn không tạ tuyệt hắn mà còn mỉm cười ra chào đón.

“Nghe nói truyện tranh của cậu ngày càng được người ta yêu thích đấy nhỉ. Tất nhiên không thể so với bọn amateur, bọn chúng chỉ có cái dũng của của kẻ thất phu, không biết sợ là gì. Tuy vậy, cũng phải cẩn thận. Cái kiểu vẽ phác họa của cậu vẫn chưa là gì đâu”.

Hắn nói với thái độ như thể là thầy dạy tôi vậy. Tôi vừa buồn bực nghĩ thầm nếu mình cho gã này xem bức tranh “ác ma” của mình thì không biết cái vẻ mặt hắn sẽ như thế nào đây.

“Đừng nói những lời như thế chứ. Tớ sẽ khóc thét lên đấy”, tôi nói.

Horiki càng lúc càng đắc ý.

“Nếu chỉ dựa vào tài năng để kiếm sống thì sẽ có ngày đói rách thôi

Tài năng kiếm sống ư. Mình ngoài nỗi thống khổ ra thì còn có gì nữa chứ. Tài năng kiếm sống của mình à? Tuy nhiên cái việc sợ người, tránh người và lừa người như bản tính mình đây chẳng phải là tuân thủ theo phép xử thế giảo hoạt của câu nói “không dây vào việc người thì họa không kéo đến” là gì? À á, cả mình và hắn hai bên đều hiểu lầm nhau, cả hai xem nhau như người bạn thân duy nhất rồi một đời không hề nhận ra sự hiểu lầm ấy, đến khi có một kẻ chết thì kẻ kia sẽ khóc lóc mà đọc điếu văn chăng?

Có chuyện gì đây (chắc là do Shizuko ép hắn nên hắn mới miễn cưỡng nhận lời nhờ vả đây mà). Gã Horiki nghĩ hắn là nhân chứng trong vụ tôi bỏ nhà ra đi nên cứ nghĩ mình là đại ân nhân của tôi, đôi khi lại hành xử như một kẻ đã mai mối vợ chồng cho tôi vậy, nói với tôi những lời thuyết giáo với vẻ mặt vênh váo. Có nhiều lần hắn say rượu, ghé nhà tôi ngủ rồi sáng dậy mượn năm yên (lúc nào cũng là năm yên) mà đi mất.

“Tuy nhiên chuyện gái gú của cậu nên dừng lại là được đấy. Nếu làm quá, thế gian sẽ không dung tình đâu”.

Thế gian cụ thể là gì đây? Là số nhiều của con người chăng? Cái thực thể của thế gian nằm ở đâu kia chứ? Cho đến bây giờ tôi sống mà cứ nghĩ thế gian toàn là một cái gì đó cường liệt, khắc nghiệt và vô cùng đáng sợ. Khi nghe Horiki nói câu ấy, bất chợt tôi buột miệng:

“Thế gian chẳng phải là cậu hay sao kia chứ?”

Cậu nói ấy đã phát ra đến đầu lưỡi nhưng vì ngại làm cho gã Horiki nổi giận nên tôi đành nuốt xuống.

(Thế gian sẽ chẳng dung tình đâu.

Chẳng phải thế gian. Chính là mi không tha thứ ấy chứ.

Nếu lại tái phạm, thế gian sẽ cho mày biết tay.

Chẳng phải thế gian. Là mi đấy chứ.

Bây giờ thế gian đã chối bỏ mi.

Chẳng phải thế gian. Là mi chối bỏ đấy)

Mi hãy biết về nỗi sợ của chính ngươi, sự quái đản, sự tàn ác, tính cáo già, tính phù thủy…Những từ đó lần lượt trôi qua tâm trí tôi nhưng tôi chỉ lấy khăn tay mà lau mồ hôi mặt rồi cười nói:

“Cậu làm tớ toát mồ hôi lạnh này”.

Tuy nhiên từ đó trở đi tôi giác ngộ một tư tưởng là “cái gọi là thế gian chẳng phải là con người cá nhân hay sao?”

Khi nghĩ ra được phải chăng thế gian cũng chỉ là cá nhân thôi thì tôi mới bắt đầu có ý chí để làm việc nhiều hơn trước. Mượn lời nói của Shizuko thì tôi đã trở nên ích kỷ hơn một chút, không còn nhút nhát sợ hãi nữa. Và nếu như mượn lời nói của Horiki thì tôi trở nên bủn xỉn vô cùng. Còn như bé Shigeko nói thì tôi không còn là người dễ thương đối với bé nữa.

Mỗi ngày tôi tịnh khẩu, không cười không nói, vừa chăm lo cho bé Shigeko vừa vẽ không ngừng những loạt truyện tranh như “Cuộc phiêu lưu của Kinta và Ota”, rồi bắt chước mẫu “Người cha vui vẻ” mà sáng tác ra truyện “Hòa thượng vô lo”, rồi thì “Bé Pin nóng nảy” theo sự đặt hàng của các nhà xuất bản (Có những nhà xuất bản khác với chỗ Shizuko làm nhưng đều kém tiếng hơn chỗ Shizuko, có thể gọi là những nhà xuất bản hạng bét vậy). Tôi cứ từ từ vẽ với tâm trạng đầy u uất (cách vận bút vẽ của tôi rất chậm) chỉ để kiếm tiền uống rượu thôi. Khi Shizuko đi làm về, tôi giao hết cho nàng rồi đi ra ngoài, đến một quán rượu gần nhà ga Koenji hay đến quán bar(3) mà uống thứ rượu mạnh rẻ tiền. Đến khi tâm trạng trở nên vui vẻ hơn một chút, tôi mới quay về nhà.

3. Nguyên văn Sutandoba, tức là phiên âm của từ stand bar, một dạng quán bar nhỏ chỉ có chỗ ngồi nơi quầy bar uống rượu.

“Càng nhìn càng thấy khuôn mặt em kỳ lạ. Em có biết khuôn mặt của hòa thượng vô lo là anh vẽ từ khuôn mặt em lúc đang ngủ không?”

“Gương mặt em khi ngủ trông già quá thể. Như gã đàn ông bốn mươi tuổi ấy”.

“Tại em hết. Em làm anh kiệt quệ. Đời là dòng sông, ta trôi như con thuyền, chống chèo dọc ngang xa mấy xa. A, bờ sông có cành liễu đứng rũ buồn”.

“Thôi đừng quậy nữa, ngủ sớm đi anh. À anh có muốn ăn cơm gì không?”

Nàng rất bình tĩnh, chẳng coi lời nói của tôi vào đâu.

“Có rượu nữa thì được đấy. Đời là dòng sông, ta trôi như con thuyền. Dòng người này, à không, dòng đời này đưa thân ta về đâu”.

Tôi vừa hát nghêu ngao vừa để cho Shizuko cởi quần áo cho, rồi sau đó rúc đầu vào ngực nàng mà ngủ. Đó là thói quen thường ngày của tôi.

Rồi từng ngày qua, những chuyện lặp lại mãi

Cứ theo ngày cũ, theo tập quán cũ đừng đổi thay chi

Nếu tránh đi ngay cả niềm vui mãnh liệt

Thì nỗi buồn lớn lao cũng chẳng ghé thăm

Nơi tảng đá chắn ngang đường lạ>Một con cóc nhảy lượn vòng qua

Khi tôi đọc bản dịch đoạn thơ này của Guy-Charles Cros do Ueda dịch, mặt tôi đỏ bừng hổ thẹn.

Con cóc.

(Đó chính là tôi. Không phải chuyện thế gian tha thứ hay không, bị chối bỏ hay không mà vấn đề tôi là một con vật còn hèn kém hơn cả chó mèo. Một con cóc. Cử động khềnh khàng chậm chạp).

Tửu lượng tôi càng lúc càng tăng. Không chỉ dừng lại ở vùng gần ga Koenji nữa mà tôi còn lang thang đến Shinjuku, Ginza mà uống, ngủ lang bạt ở ngoài, không tuân thủ “phép tắc, tập quán” gì nữa. Ở quán bar tôi hành xử như tên vô lại, hôn hít mấy em ngồi kế bên, nghĩa là tôi đã trở nên một tên tửu đồ hoang dã, đê tiện như ngày trước, mà không, hơn ngày xưa nữa. Cùng quẫn tiền bạc, có lần tôi mang cả quần áo của Shizuko mà đi cầm nữa.

Từ khi tôi dọn đến đây, nhìn con diều rách nát mà cười đã hơn một năm rồi. Một ngày, khi những đóa hoa anh đào rụng rơi và những lá xanh đã nhú, tôi lại lén mang dây lưng và quần áo trong của Shizuko đến tiệm cầm đồ lấy tiền đến khu Ginza mà uống rượu. Sau khi lang bạt ngủ liền hai đêm liền ở ngoài, đến đêm thứ ba do mệt mỏi, theo quán tính tôi lại lê bước về nhà. Đến trước cửa phòng Shizuko, tôi chợt nghe tiếng hai mẹ con nói chuyện với nhau.

“Tại sao cha lại uống rượu vậy?”

“Không phải cha con uống vì nghiện rượu đâu. Bởi vì cha con là người rất tốt, bởi vì…”

“Vậy người tốt thì cứ phải uống rượu hả mẹ?”

“Không phải đâu nhưng mà…

“Cha chắc sẽ ngạc nhiên lắm đấy nhỉ”.

“Chắc cha con sẽ không ưa đâu. Coi kìa, nó nhảy ra ngoài hộp rồi”.

“Giống y chang như bé Pin nóng nảy vậy mẹ nhỉ”.

“Ừ nhỉ”.

Tôi nghe tiếng cười đầy hạnh phúc của Shizuko. Khi mở hé cửa nhìn vào trong tôi thấy một con thỏ trắng nhỏ. Nó cứ chạy nhởn nhơ quanh căn phòng còn hai mẹ con Shizuko thì đuổi theo bắt lại.

(Hạnh phúc thực sự là hai mẹ con này đây. Một kẻ ngu ngốc như mình chen vào giữa thế là cuộc đời hai người tán loạn cả lên. Một hạnh phúc thật giản dị. Hai mẹ con thật tuyệt vời. (Nếu thần linh cũng nghe thấy lời nguyện cầu của một kẻ như tôi thì xin một lần, một lần trong đời thôi Người hãy ban cho tôi biết thế nào là hạnh phúc).

Tôi nguyện cầu với tâm trạng như thể mình đang quỳ xuống chắp tay vậy. Rồi tôi nhẹ nhàng đóng cửa, đi đến khu Ginza và từ đó trở đi không bao giờ quay về căn nhà đó nữa.

Tôi quyết định đến một quán bar gần khu Kyobashi. Trên tầng hai của quán bar này, tôi lại làm một gã chồng hờ, nằm dài cho qua ngày tháng.

Thế gian. Tôi cảm giác như mình có thể bắt đầu lờ mờ hiểu về nó. Trong sự ganh đua giữa các cá nhân, trong cuộc tranh giành ấy, chiến thắng là tất cả. Con người không bao giờ phục tùng con người. Ngay cả kẻ nô lệ cũng biết ăn miếng trả miếng ti tiện theo kiểu nô lệ. Nếu không dựa vào sự thắng bại của cuộc ganh đua, thì công phu để sống còn không hiển lộ. Người ta rêu rao đại nghĩa, nhưng mục tiêu của sự nỗ lực chắc chắn phải là cá nhân, cá nhân vượt lên trên cá nhân. Cho nên sự nan giải của thế gian cũng chính là sự nan giải của cá nhân. Đại dương không phải là thế gian mà chính là nhân. Khi hiểu được vậy tôi cảm thấy mình phần nào được giải phóng khỏi nỗi sợ hãi trước huyễn ảnh thế gian như biển lớn. Cách cư xử của tôi đã trở nên dày dặn hơn một chút, không còn suy nghĩ lo lắng vô độ như trước nữa mà chỉ hành động ứng với tình hình hiện tại thôi.

Sau khi chối bỏ căn nhà nơi Koenji, tôi tìm đến quán bar ở khu Kyobashi và nói với má mì:

“Tôi đã chia tay nàng và tìm đến đây”.

Tôi chỉ nói vậy và vậy là đủ rồi. Thắng bại của trường tranh đấu đã được quyết định. Từ đêm đó, tôi cứ mặt dày ngủ lại nơi tầng hai của quán bar. Cái “nhân gian” đáng sợ kia không gây hại gì cho tôi cả còn tôi thì chẳng cần biện minh gì thêm. Chừng nào má mì còn ưa tôi thì chừng đó tất cả đều xuôi chèo mát mái.

Tuy thế “nhân gian” không một chút mảy may nghi ngờ gì trước sự hiện diện chắc chắn là quái dị của tôi. Tôi vừa như một vị khách của quán, vừa như ông chủ, vừa như thằng giúp việc, vừa như người thân thích của quán vậy. Những người khách cứ gọi tôi là “Yochan, Yochan”, đối xử với tôi rất tử tế và còn mua rượu cho tôi uống nữa.

Đối với cuộc đời, dần dần tôi chẳng dụng tâm gì nữa. Tôi nghĩ rằng cái gọi là cuộc đời cũng chẳng đáng sợ đến thế. Có nghĩa là cảm giác sợ hãi của tôi cho đến bây giờ như hàng vạn con vi khuẩn ho mãn tính sinh sản trong gió xuân, như vạn con vi trùng đục mắt tiềm phục trong nước ấm, như vạn con vi khuẩn gây hói đầu nơi tiệm hớt tóc, như những vi trùng gây ngứa lúc nhúc trên vòng da cầm tay trên tàu điện, như ấu trùng sán trong sashimi và thịt bò nướng tái, như sán lá gan náu mình trong trứng, như mẩu kính vỡ đâm sau gót chân khi đi dạo bộ bằng đôi chân trần, rồi run sợ theo lý thuyết của “mê tín khoa học” rằng mẩu kính đó sẽ theo đường máu tàn phá cơ thể đục hư mắt và làm ta mù vĩnh viễn. Hàng vạn con vi khuẩn đang trôi nổi, ngoe nguẩy khắp nơi đó là điều chính xác “theo khoa học”. Đồng thời với điều này thì chỉ cần mặc xác sự tồn tại của chúng, coi chúng như chẳng có liên quan gì đến ta, thì ngay lập tức ta có thể làm chúng biến mất xem đó chỉ như là một “bóng ma của khoa học” mà thôi. Tôi biết là như vậy. Những chuyện như là mỗi ngày ăn cơm hộp chỉ cần chừa lại ba hạt cơm, rồi hàng ngàn hàng vạn người cũng chừa lại ba hạt cơm như vậy thì lãng phí biết bao nhiêu gạo mà kể; hay mỗi ngày mỗi người tiết kiệm một chiếc khăn giấy chùi mũi thôi thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu bột giấy…. Những cái “thống kê khoa học” như vậy làm tôi sợ rúm cả người. Mỗi ngày ăn cơm còn chừa lại một hạt, hay mỗi lần hỉ mũi, tôi đều khổ đau với cái ảo tưởng mình đã lãng phí một núi gạo hay một núi bột giấy rồi u uất buồn đau như mình đã phạm phải một tội lỗi tày đình. Thế nhưng với cái “dối trá khoa học”, “dối trá thống kê”, “dối trá toán học” đấy đâu thể mà gom ba hạt gạo của mọi người được. Cho dù ứng dụng toán nhân toán chia vào những chủ đề đơn giản nguyên thủy nhất như một người cứ mấy lần bước vào nhà vệ sinh tăm tối do mất điện thì có một lần bước hụt vào bồn cầu, hay xác xuất bao nhiêu phần trăm người bị lọt chân xuống khoảng giữa cửa tàu điện và bậc thềm nhà ga… Những tính toán xác suất ngớ ngẩn như vậy cho dù có xảy ra đi chăng nữa, thì tôi cũng chưa bao giờ nghe thấy chuyện có người bị thương vì lọt chân xuống bàn cầu cả. Những giả thuyết đó được dạy cho chúng ta như những “sự thật khoa học” rồi chúng ta chấp nhận hoàn toàn không hồ nghi. Khi dần dần từng chút biết được thực thể của thế gian này, tôi thấy tội nghiệp cho mình đã sợ hãi cho đến bây giờ, và tự dưng muốn cười lên sằng sặc.

Dù nói vậy nhưng cái gọi là “nhân gian” vẫn làm tôi sợ hãi. Tôi chỉ tiếp xúc được với những người khách trong quán sau khi đã uống một ly rượu mạnh mà thôi. Ham muốn xem những cái đáng sợ đã khiến tôi mỗi tối xuống quầy bar, uống rượu với khách say sưa thậm chí còn cao đàm khoát luận nửa mùa về nghệ thuật. Điều này cũng giống như con trẻ sợ con vật gì thì ngược lại càng nắm nó chặt hơn(4).

4. Cũng vậy, trẻ con càng sợ ma thì càng thích nghe chuyện ma.

Họa sĩ truyện tranh. Đúng, nhưng tôi chỉ là một họa sĩ truyện tranh vô danh không có cả niềm vui bất tận lẫn nỗi sầu khổ lớn lao. Mặc dù trong tâm tư tôi luôn mong muốn có một niềm vui lớn lao phóng khoáng để rồi chịu đựng nỗi buồn dai dẳng về sau này cũng được nhưng cuối cùng hiện tại niềm vui của tôi chỉ là nói chuyện tào lao với khách và uống rượu của họ mà thôi.

Từ khi đến Kyobashi, tôi tiếp tục cuộc sống vô vị như vậy gần một năm. Truyện tranh tôi vẽ không những đăng trên những tạp chí dành cho trẻ con mà còn đăng tải trên những tạp chí khiêu dâm dành cho người lớn bán đầy nơi nhà ga. Lấy một bút hiệu nặc danh ngỗ nghịch là Joshi Ikita (Thượng Ty Kỷ thái)(5), tôi vẽ hình đàn bà khỏa thân tục tĩu và chèn vào đó những bài thơ tứ tuyệt Rubaiyat:

5. Lối chơi chữ trong nguyên tác rất thú vị “Thượng ty kỷ thái” đọc là “Joshi ikita” trùng âm với chữ “Tình tử sinh” có nghĩa là “sống chết vì tình”.

Chính nghĩa, lý tưởng cuộc đời này

Nơi chiến trường máu chảy nát thây

Và đầu mũi dao kẻ thích khách

Chính nghĩa đâu nào cho tôi hay

Rượu tràn tim ta đầy niềm vui

Sáng nay thức dậy bỗng bùi ngùi

Hoang lương chợt đến sau đêm cũ

Tỉnh rượu, mọi chuyện đều đổi thay

Cảm giác tuyệt vời ta bước đi

Tìm trong nhân tính nỗi chung gì

Nhưng sao bên cạnh bao kẻ khác

Ta thấy đời ta đứng bên lề

Có lẽ ta đọc sai Thánh Kinh

Hay không trí huệ với thường tình

Nếu buông bỏ rượu với nữ sắc

Thử hỏi làm sao ta tái sinh?

Tuy vậy, thời gian này cũng có một cô gái khuyên tôi bỏ rượu.

“Mỗi ngày say xỉn từ trưa đến tối là không được đâu anh”.

Đó là một cô gái chừng mười bảy, mười tám tuổi bán thuốc lá trong một cửa tiệm nhỏ đối diện quán bar. Nàng tên Yoshiko, nước da trắng trẻo và có cái răng khểnh dễ thương. Mỗi lần tôi ghé mua thuốc lá nàng đều cười và khuyên nhủ như vậy.

“Tại sao không được? Có gì xấu xa đâu. Rượu trần ai gội niềm cay đắng, làm tiêu tan u sầu đấy. Người Ba Tư ấy, từ xưa nhé, đã biết thứ bồ đào mỹ tửu làm cho con người say sưa, mang lại hy vọng cho những con tim khổ đau trần thế. Bé có hiểu không?”

“Em không hiểu”.

“Con bé quê mùa này. Anh hôn em một cái nhé”.

“Hôn đi”.

Nàng thè lưỡi ra ngay không do dự hãi sợ gì.

“Con bé quê mùa ngu ngốc này. Quan niệm trinh tiết để đâu thế hở?”

Tuy nhiên, từ cách thể hiện của nàng tôi biết nàng còn là xử nữ, chưa trao thân mình cho ai cả.

Năm mới sang, vào một đêm lạnh giá, tôi say rượu bước ra ngoài mua thuốc lá, vấp ngã xuống cái cống trước cửa tiệm rồi gọi “Yoshichan, ra giúp anh với” thế là Yoshichan chạy ra nâng tôi dậy, đưa tôi vào nhà. Vừa băng bó cánh tay phải cho tôi, nàng vừa u rầu nói “uống quá nhiều mà”.

Mặc dù tôi thấy cái chết cũng bình thường thôi nhưng mà bị thương rồi máu chảy đầm đìa, trở thành kẻ tàn phế thì thực tình tôi không mong muốn chút nào nên vừa để Yoshiko băng bó vết thương nơi tay tôi vừa nghĩ thôi mình nên bỏ rượu là vừa.

“Anh sẽ bỏ rượu. Từ ngày mai anh không đụng đến một giọt”.

“Thật không đấy”.

“Chắc chắn anh sẽ bỏ rượu. Nhưng nếu vậy thì Yoshiko phải làm vợ anh nhé?”

Tất nhiên chuyện làm vợ chỉ là lời nói đùa thôi.

“Nhiên rồi”.

Nhiên là nói tắt của từ “đương nhiên”. Mấy cậu trai, cô gái trẻ “hiện đại” thời bấy giờ hay dùng những từ tắt như vậy.

“Được rồi. Nghéo tay nào. Chắc chắn anh sẽ bỏ rượu đấy”.

Và rồi ngày hôm sau, tôi lại bắt đầu uống say từ trưa.

Đến tối, tôi lảo đảo bước ra ngoài đến trước cửa tiệm của của Yoshiko.

“Yoshichan à, xin lỗi em, anh lỡ uống rồi”.

“Ghét quá, anh cứ giả vờ như anh đã uống say không bằng”.

Tôi giật mình, cảm thấy tỉnh rượu hẳn.

“Không, thật đấy. Anh đã uống rượu thật đấy. Không phải là anh giả vờ say xỉn đâu”.

“Đừng đùa với em nữa. Anh thật tệ”.

Nàng không mảy may nghi ngờ một chút nào.

“Em ra xem sẽ thấy ngay thôi. Hôm nay anh uống say từ trưa đấy. Tha lỗi cho anh nghen”.

“Anh diễn kịch hay quá nhỉ”.

“Không phải diễn kịch đâu. Ôi cô gái quê mùa thơ dại. Anh hôn em nhé”.

“Hôn đi”.

“Không anh là kẻ chẳng có tư cách gì. Em đừng lấy anh mà làm chi nữa. Nhìn mặt anh xem này. Đỏ bừng đấy. Là anh đã uống rượu, hiểu chưa?”

“Đó là tại mặt trời chiếu vào mới thế chứ. Đừng lừa em nữa. Chẳng phải hôm qua anh đã hứa rồi sao. Chắc chắn không uống nữa cơ mà. Chúng mình cũng đã nghéo tay rồi mà. Anh nói đã uống rượu là nói dối, nói dối, nói dối”.

Nhìn gương mặt trắng trẻo của Yoshiko đang mỉm cười trong cửa tiệm tối tăm, tôi thấy thật tôn quý sự trinh trắng chưa biết gì đến dòng đời vẫn đục của nàng. Cho đến bây giờ, tôi chưa lần nào ngủ với một xử nữ trẻ trung hơn tuổi mình cả. Hãy cưới nàng đi thôi, rồi về sau chịu nỗi sầu khổ lớn lao nào cũng được. Niềm vui hoan lạc phóng khoáng chỉ cần trải nghiệm một lần trong đời cũng đủ.Cái vẻ đẹp trinh trắng kia tôi nghĩ chỉ là cảm giác huyễn hoặc của những thi nhân ngu ngốc, nào ngờ lại hiện diện nơi đây, giữa trần gian này. Cưới nhau xong rồi, vào mùa xuân hai đứa đạp xe đi đến thác nước ngắm hoa lá rơi với dòng nước chảy. Có nghĩa là tôi đã quyết ý “một lần phân tranh thắng bại”, không do dự gì cướp lấy đóa hoa kia.

Vì thế hai chúng tôi kết hôn, và niềm vui tuy không lớn lao nhưng nỗi rầu buồn sau đó thì vượt quá mức tưởng tượng của tôi, đến mức có nói là “thê thảm” vẫn còn chưa đủ. Đối với tôi, cái thế gian này thật đáng sợ đến mức không thể nào tưởng nổi. Nó nhất quyết không phải là nơi mà mọi chuyện có thể quyết định dễ dàng chỉ bằng “một lần phân tranh thắng bại” như thế.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play