8.12.1971

Cho tới hôm nay thì còn 3 đứa: Thình, Đ. Minh và mình. Sợ quá, có cảm giác bị bỏ rơi. Cảm giác thôi, nhưng rõ ràng không tốt. Một nhóm sáng nay đi do BỘ điều động đến các Binh chủng khác. Còn tụi mình, sư đoàn cứ giữ, cũng chẳng sao cả. Đâu mà chẳng bộ đội Cụ Hồ!

Nhưng không khỏi xuýt xoa, tụi nó “sang” quá. Mang danh lính của Bộ, “oai” ghê!

Mình vẫn chưa đi đâu cả. Mà tình trạng ăn đợi nằm chờ thế này thì ngán lắm. Suốtngày chỉ ra lại vào, thở ngắn than dài. Chim sẻ, chim sẻ, con chim không đi tránh rét nhỉ, về đậu đầy trên luỹ tre trước ngõ và kêu ríu rít suốt ngày. Nghe rối cả ruột.

Đường 18 vắng hơn cả đường phố vắng nhất của Hà Nội. Mình đi với Thìn, nghênh ngang giữa lòng đường, thấy cây chạy đến thật xa, cuối con đường. Chỗ ấy mờ mịt và thật mông lung.

Con đường, đưa anh đi đâu? Con đường đưa anh về đâu?

Có quán hàng nhỏ mấp mé đường. Ờ, cũng một cuộc đời, chứ sao? Buồn, chán, bạn nhỉ?

Rất lạ, mùa đông vẫn có nhiều cò trắng. Con cò trắng vỗ cánh trên khoảng đồng mênh mông, vừa cày vỡ. Màu xanh của mạ non, màu trắng sáng của nước, màu đất phù sa nữa... Nom lạ lắm. Sao mình lại ở đây, lại đứng đây? Chờ gì? Đợi gì?

Không muốn nói một lời nào, kiểu tụi trẻ đeo cặp sách tới trường. Biết thời gian trôi đi mà chịu chết! Ba năm... sáu năm...

Đêm qua, nghe phổ biến, tình hình có nhiều biến chuyển có lợi cho ta. Còn lâu mình mới được đi chiến đấu. Phải học tập và rèn luyện nhiều. Vả lại, sinh viên họ cũng chưa chịu cho đi chiến trường ngay. Lại càng thêm chán.

Bọn đi xe tăng lại càng ngán. Phải học tù 3 - 7 năm trên Tam Đảo. Khi đó, chắc hết Mỹ rồi còn gì? Còn đánh đấm đá gì nữa.

Phải tỉnh bơ đi mới được, càng nghĩ càng cảm thấy phiền lòng.

Hôm nay, đọc được bài thơ hay, một nhà thơ trẻ Liên Xô, có nhiều tứ sáng tạo, táo bạo...

“Con người thường đi thẳng đứng

Nhưng có người lại thích bay nghiêng…”

13.12.1971

Buổi trưa...

Nằm mà không ngủ được. Hơi mệt mỏi, mắt cứ díu lại. Đã lơ mơ một lúc, chợt choàng dậy. Có lẽ bởi tiếng kẽo kẹt của cái võng...

Bao nhiêu buổi, bao nhiêu giờ khắc tỉnh dậy như thế rồi? Mỗi lần tỉnh dậy, giật mình và cảm thấy bàng hoàng... Thạc ư? Thạc mà như thế ư?

Hôm nay thì nhớ Châu. Thật lạ, dạo ở trường, suốt 3 năm cấm có thèm nhìn mặt nó. Thế mà bây giờ lại nhớ. Nhớ và cảm thấy lo lắng vô cùng.

Mình đã và sẽ làm gì? Cho mãi tới bây giờ vẫn chưa ra hồn vía gì cả. Các bạn bè của mình, phút này ở đâu, đang nghĩ gì và đang làm gì? Cuộc đời họ thật thẳng băng và dễ dàng đạt tới mục đích. Riêng mình thì sao lắm khó khăn thế! Chẳng thể nào hết được nỗi buồn. “Nỗi buồn như râu tóc. Cạo hết rồi lại mọc". Có lẽ nào như thế. Nhưng, sự thể là như thế vậy.

Toàn ngủ thật vô tư. Giờ này có lẽ nhiều người vô tư như thế. Và có ai như mình hay không? Ngày tháng trôi đi nhanh quá, mà bản thân mình vẫn quanh quẩn trong cái thất vọng, trong chờ đợi và mong ước hão huyền.

Hai hôm nay, nhận công tác mới. Nghe Đạt nói thì máy vô tuyến 2W nặng 20kg, liên lạc trong R=25km. Thú vị nhưng đi chiến đấu dễ bị phát hiện lắm. Sáng qua học chính trị về tình hình và nhiệm vụ mới. Lại thảo luận 13 giờ nữa. Ngồi tiếc đứt cả ruột, giá cho về nhà đọc sách lại khoan khoái hơn và có chất lượng hơn.

Ngồi họp mà cứ nơm nớp cái áo phơi ở nhà. Lạy chúa, đừng mọc cánh". Cũng không hiểu sao dân hay lính nữa. Toàn mất tiệt cả ba lô rồi.

Tội nghiệp, dân ở đây cũng khổ. Nheo nhóc đến thế thì cũng hiếm. Nhà nào nhà ấy vách hở lung tung. Tụi trẻ bẩn thỉu và mãi tối mịt mới ăn cơm chiều.

Bà cụ sống trong ngôi nhà mình ở mới khổ. Con trai bỏ vợ đi bộ đội, để cho bà nuôi đứa cháu lên 6 tuổi. Bà già lắm rồi, buổi sáng cặm cụi làm bánh sắn mang bán. Đứa cháu gái lần hồi nhặt lá mít về gói bánh. Cái lá nào cũng đầy bụi. Nhà cửa trống hoang trống huếch, có ít gộc tre để đun cũng bị lấy cắp dần. Sao có kẻ vô lương tâm đến thế!

Cuộc sống của đất nước còn lam lũ lắm. Đầu tắt mặt tối mà nào có đủ miếng ăn. Rồi mất cắp. Rồi đánh chửi nhau. Rồi thiên tai, địch hoạ. Cơm độn ngô rồi còn độn sắn. vậy mà những chiếc lá tre kia vẫn dịu dàng, vẫn đưa vào cõi êm ả của tâm hồn. Thật lạ biết bao!

14 . 12 . 1971

Tâm hồn con người thật kỳ lạ. Hay đúng hơn, tâm hồn mình thật kỳ lạ. Sao có người lại "vỉa hè" như thế được!

Tự dưng mình lại nhớ K. Tâm - Bây giờ chắc Tâm nó học được nhiều rồi. Và chắc cũng có nhiều thay đổi. Cuộc sống có khi nào ngưng lại, nhất là với tuổi trẻ. Nhanh quá, mới hôm nào đi học, mới hôm nào ngồi trong cái lớp mái rạ, bây giờ đã ở đây. Rồi ngày mai nữa, sẽ ra sao?

Thực ra Tâm cũng là bạn tốt và hiếm có. Rất ít người con gái khiến người ta vừa mến vừa phải kính trọng. Thầy Đản đã nói với mình như vậy khi nhắc đến Tâm. Nhớ bạn- nhớ trường... Các học trò của Yên Hoà B giờ mỗi người mỗi ngả. Và phút này, ai buồn, ai vui?

Riêng mình, nao nao nhớ - Hơi buồn một chút - Mà lạ thật, nhớ ai mình cũng chỉ nhớ nét cười của họ. Ai cũng có điệu cười thoải mái và dễ dàng.

Lâm bây giờ ở thành phố quái quỉ nào rồi nhỉ? Rồi “chị” Phương, "Châu Phương Đùng"... Ôi, tụi nó… Nhớ làm quái gì nhỉ? Xấu hổ không kìa, đừng vớ vẩn nữa.

Đọc lại "Thép đã tôi… " - Đêm qua dừng lại đúng ở công viên Thương Mại - Paven và Tônhia sắp vĩnh biệt nhau rồi. "Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác”

“Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng”...

Và sau cùng, Paven không nói nữa.

Cuộc đời tất nhiên sẽ là như thế. Nhìn mớ tóc bồng màu hạt dẻ của Tônhia, Paven thấy ái ngại vô hạn anh chưa hết tình yêu người bạn thời thơ ấu, nhưng bây giờ, Paven "không còn là cậu bé Pavơlusa ngày ấy nữa"...

Anh không yêu một lần. Tình yêu đầy thi vị của buổi thiếu thời chỉ mới là "nhập môn" thôi sao?

Thật đáng buồn. Nhưng sao hai người chia tay nhau chóng vánh đến như vậy? Chỉ mấy ngày thôi.

Có nhiều lúc mình thấy chán những "trò đời" như thế. Hồi mới đọc Axtơrốpski, rất thú vị với anh bạn Paven và Tônhia. Nhưng bây giờ thấy nó cũng bình thường và có chút gì hơi mòn, cũ. Không lẽ mình đã già cỗi đến như vậy?

Vả lại đọc nhiều lần nên cũng mất nhiều hứng thú. Mình thấy ngòi bút của Axtơrốpski và A. Đức có gì giống nhau trong khía cạnh biểu hiện tình cảm. Bô rít Pôlêvôi riêng biệt hơn, và độc đáo hơn chăng.

Mêrétxép và Paven... Những người đầy nghị lực và có thể nói được họ đã đi tới mục đích của đời mình!

Đôi lúc mình có cảm giác tội lỗi rằng mình đi bộ đội là tạm thời thôi. Hình như xa nhà chỉ vài ngày và không lâu nữa lại trở về Hà Nội. Lại tàu dừa và cái chợ ồn ào, buổi sớm, buổi chiều gặp bố mẹ và các em.

Chỉ thoáng một tí cảm giác về ngày ra trận. Mình sẽ làm những gì trong những ngày không bình thường ấy? Thật ghê sợ khi phải vĩnh viễn xa gia đình.

Kể ra, bây giờ mà chết thì thật đáng tiếc. Những ngày còn bé, những lúc đi học chẳng bao giờ phải phiền toái đến chuyện đó cả, chỉ miên man với tương lai anh sẽ làm gì và sống ra sao. Nhưng bây giờ, những ý nghĩ đó mọc ra.

Khó gì đâu - cái chết - chỉ một viên đạn lạc hay một hơi bom. Sự thật bi đát đó không trừ một ai cả.

17.12.1971

Mưa đêm. Cũng không còn biết mưa đông hay mưa xuân nữa. Năm nay rét muộn và rét không dữ lắm. Rét sơ sơ rồi lại ấm dần lên. Con người và thiên nhiên.

18.12.1971

Tụi trẻ đi cổ động. Không thấy thầy giáo nào cả, chỉ toàn cô giáo. Những cánh chim đỏ bay trong gió chiều.

Mình ngạc nhiên khi nhìn con đường mòn lên đồi đá. Màu tím, màu lam và mờ mờ sương. Bầu trời giống như không trên sân khấu. Mọi cái đều chỉ như làm bằng giấy, nếu như bọn trẻ không đánh trống hò reo trên đó.

Nhiều lúc mình ngạc nhiên và không thể nào tin được những đứa bé rất ngây thơ và nghịch ngợm kia lại có lúc cao lớn bằng mình - Lại mọc râu và chống gậy và cũng khó mà tin rằng mình cũng có những phút giây như thế - Mọi cái trôi nhanh.

Mai là 19.12 rồi, ngày toàn quốc kháng chiến. Năm ngoái, buổi chiều như thế này, mình đang trên gác 4 nghe thầy giáo giảng. Năm nay, đang trên đồi và nghe cuộc đời mở mắt. Thật không thể nào định liệu được ra sao nữa - 18.12.1971 thì thế... 18.12.1972 sẽ ra sao?

Lúc đó có còn được ngồi mà viết thảnh thơi như bây giờ không? Mọi cái đều không lường trước được. Paven khi nghe bản nhạc này “Ơ này! Quả táo" rạo rực đến nhảy lên mà khiêu vũ. Anh cũng không ngờ đó là lần khiêu vũ cuối cùng của cuộc đời mình.

3 giờ sáng. Trời mưa nên tỉnh giấc. Cơn mưa rất lạ, ít hạt và lốc đốc trên mái ngói. Mình cứ nghĩ đến cái gì đó đang nảy mầm. Thôi được, đồng ý gọi cơn mưa này là mưa xuân.

Lúc nãy hơi mưa mát mát, bây giờ lạnh. Hôm nay viết thế thôi. Luỹ tre vẫn vặn mình không ngớt, cái luỹ tre thân thuộc mà P. ao ước... Không nhớ cụ thể dáng người P. được Mọi cái đều thấp thoáng mờ ảo - Lúc này, P. làm gì nhỉ lúc này, lúc này...

20.12

Ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Mặt trận của mình chứ còn của ai nữa. Mai, là giải phóng quân rồi chứ tưởng à. Cũng không ngờ như bao chuyện không ngờ khác. Hôm nay, tất cả mọi người đều phải đeo quân hàm, chờ đón 22.12 mà.

Đi ra đi vào đều gặp màu đỏ, đều gặp những ngôi ngần làm xong nhà bếp. Sắp quen với rui, với mè rồi. Cái đục, cái chàng, cưa... Buồn cười nhỉ, ai lại lấy những cái tên ấy.

21.12

Anh con trai nhà bên sắp đi bộ đội. Sớm mai sẽ đi thì phải. Bạn bè đến chơi đông và chắc là bồn chồn lắm. Chà, có gì mà phải tiễn. Tôi là lính cũ rồi, đi bộ đội bình thường thôi - giản dị mà lên đường và khiêm nhường khi trở lại.

22.12

Ngày thành lập quân đội. Được nghỉ cả ngày. Hùng rủ mình đi Phố Mới chơi. Có hơi thở của Tết rồi. Quân đội mình 27 tuổi. Vậy thì 22-12-74 sẽ tròn 30 tuổi. Lúc ấy, mình sẽ ra sao?

Buổi chiều định rủ Năm đi Phả Lại. Mình thật yêu dòng sông - Vừa hùng vĩ vừa êm dịu.

Mấy tân binh được người quen đi tiễn có vẻ sung sướng lắm. "Khi đi thì vui, khi nghĩ lại bùi ngùi"? Nhưng chỉ đi được đến Đông Du là "gục" hết. Khóc không trùi một ai. Hôm mình đi, nào có khác gì. Buồn cười nhỉ.

5.23.12.71

Bắt đầu mở P.105. Máy Liên Xô kiểu 1954. Không có gì phức tạp cả. Hai đài đáy liên lạc rất đẹp với nhau, còn đài trưởng mạng chịu chết! Anh Lộc hẹn liên lạc từ 21 giờ đến 21 giờ 30.

Mình cảm thấy trong liên lạc vô tuyến, sự tôn trọng kỷ luật là điều rất quan trọng. Dải tần xê xích là hỏng ngay, ồn và rất khó bắt được liên lạc với đài bạn.

Bên ưu tiên 2 có vẻ đông đúc hơn mình. Họ nói ồn ào vào trong máy và rất thú vị, đến nỗi hát tướng lên. Bài gì không nhớ, hình như một bài có "hoa đào" thì phải, dĩ nhiên là "ướt nhèm"...

Mải tìm sóng, mãi không thấy 1825 – Mò sang nhà mấy gã đã lăn quay ra ngủ, thật tệ. Nhưng máy vẫn bắt được sóng của một đài lạ - Côlycốp chỉ phát sóng ra 5km. Đài kia hỏi: Anh đã mượn được xe chưa?

Đồng hồ chỉ 22 giờ kém vài phút thôi. Con nhà thông tin có mặt suốt đêm nay

Hôm nay Năm ốm rồi. Vạ vật mãi, chịu sao nổi. Không ăn uống được gì cả. Li bì suốt. Sơn từ máy 4950 gọi Năm ríu rít. Nhưng nó nhức đầu quá, không thể trả lời được.

Mình bị đau tai, do liên hợp nghe, nói ép vào. Nghe nói đi vô tuyến có 2 thứ bệnh: Viêm họng và đau tai.

6.24.12.71

Gấp cuốn sách vào và suy nghĩ về Paven. Những trang cuối của tiểu thuyết để lại cho mình nhiều chấn động mạnh hơn cả. Mình chú ý nhiều đến bức ảnh Paven ngồi như một ông già, nhưng sôi sục ngọn lửa sống. Lúc ấy bến bờ biến và ánh nắng đã nhạt dần...

Cái gì nấp đằng sau con người ấy? Cái gì làm nên nghị lực phi thường và dễ hiểu của Paven? Thật dễ hiểu.

Sao Paven có niềm khao khát trở về đội ngũ như thế. Cuộc sống dồn anh vào góc tường và cánh tay thần chết đã lần đến cổ anh. Nhưng, anh vùng ra, vùng ra và trở về với ánh sáng mặt trời. Kiêu hãnh thay, người cộng sản Xô Viết ấy.

Dạo ấy Paven mới 24 tuổi. Ba năm của thời 20, anh đã sống say sưa, sống gấp gáp và mạnh mẽ. Cưỡi trên lưng con ngựa cụt tai trong lữ đoàn Buđionrú anh đã đi khắp miền đất nước. Cuộc sống của anh là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân.

Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời mình cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng.

Hôm nay, lần đầu tiên trong đời mình cảm thấy hổ thẹn với mọi người, hổ thẹn với Paven, Pavơlusa thân yêu. Mình chưa phải là một đảng viên!

Buổi chiều, đang họp A, anh Lộc gọi ra sân và hỏi mình có giấy cảm tình Đảng không. Lúc đó, chỉ hơi thoáng qua một ý nghĩ còn mờ nhạt. Sao mình tới giờ vẫn chưa thấy gần gũi với Đảng của Bác Hồ? Anh Lộc bỏ đi khi mình lắc đầu. Mình như có lỗi gì đó, cái lỗi rất lớn mà bấy lâu mình không biết.

Đảng viên. Một người Đảng viên. Paven là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là người con của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng. Mà mình, dường như vẫn còn nhỏ lắm, trẻ con lắm, chưa là người lớn đâu Mình còn cá nhân lắm, nhỏ nhen và ti tiện. So bì thiệt hơn, đòi hỏi bao nhiêu thứ. Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Paven.

Còn lý lịch nữa. Lý lịch phải trong sạch, mình không biết có sao không - Dù sao, đó chỉ là điểm rất nhỏ - Cái cơ bản là mình có thật sự sống và làm việc như một Đảng viên chân chính hay không?

Sao trước kia mình không hề lúc nào nghĩ đến điều đó cả? Có phải vì mình thấy Đảng quá cao siêu và mình không thể nào với tới? Có phải vì mình kém nghị lực chiến đấu; kém tinh thần vươn lên và cam chịu sống cuộc đời riêng biệt, tẻ nhạt với những rung động êm đềm? Có phải vì mình thấy trước được những trở ngại không thể nào vượt qua được mà cảm thấy phiền lòng? Cảm thấy nhụt dần hứng thú hoạt động tập thể mà tuổi nhỏ rất nhiệt tình tham gia.

Anh Thoả hỏi nịnh trước kia có tham gia công tác Đoàn gì không? Mình lắc đầu, đoàn viên thường thôi – Dĩ nhiên có nhiều lý do, nhưng một phần do sự lười công tác.

Mình đổ đốn như vậy nữa đấy. Đổ đốn đến như thế nữa!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play