Sáng nay cả A, hầu hết lên "rú" kiếm củi, ở nhà có nình Y và anh Tr. làm bếp - Làm quanh quẩn buộc mấy cái nan tre lên mái là xong, tuy khói cũng um lên làm mình và Y ho sặc sụa. Mình cứ đữi anh Tr. cho chẻ lạt. Tục ngữ đã bảo: “Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác / Đàn ông không biết buộc lại là đàn ông hư” mà. Buộc lạt thì dễ dàng thôi, nhưng chẻ lạt thì quả là mình vụng lắm. Phải tập dần, rèn dần và chắc là làm tốt thôi.
Hôm nay cảm thấy thấm mệt và người hơi bải hoải. Mình nhớ đến buổi họp A tối qua. Thực tình mình cũng không ngờ bọn nó buồn cười như thế - chẳng qua Q. và Đ. là nhờ có sự lười họp của đồng đội mà này nọ thôi. Mình đã nghĩ và nhủ bao nhiêu lần. Tất cả những điều đó chỉ là trò trẻ con, nhưng vẫn cảm thấy buồn buồn và hơi nản chí. Người ta bảo rằng số phận càng ít chiều người nào thì người đó càng hạnh phúc. Càng gay gắt, càng nghiêm khắc với bản thân, thì càng tiến bộ nhanh. Mình cần gì một lời động viên hão huyền của một người cán bộ nào nhỉ. Làm việc là theo lương tâm, theo nhiệt tình cách mạng của mỗi người. Mình không thể chịu đựng được cái thái độ giả dối, bợ đỡ cấp trên và lấy lòng cấp dưới - Không thể chịu đựng được thái độ lên mặt kẻ cả, phát biểu với giọng khề khà nhạo báng của Đ. Nói chung, sống trong tập thể này không được thoải mái lắm. Gò bó và người ta sống không lành mạnh, giản dị, chân thành. B trưởng Lộc cũng không phải như mình suy nghĩ. Anh nhiệt tình, xốc vác, nhưng nhiều lúc lên tiếng cán bộ, hay cáu gắt.
14.4.72
Chuẩn bị đi lấy củi trên rừng. Hôm qua mình và Y định lên lấy mấy cây gỗ nhỏ về làm nắp hầm, nhưng nghe người ta nói thì rừng cách đây xa, 8km cơ, Thế mà hôm nay sẽ phải đến đấy lấy củi về đun. Hơi ngài ngại, nhưng chắc vào rừng sẽ thú vị hơn. Nghe tụi nó nói thì rừng có rất nhiều cây cơm nếp thơm lừng.
Nói chung, mình cảm thấy bây giờ đã quen sống thay đổi môi trường nhiều, nên không cảm thấy hết những điều mới lạ đang đến với mình. Chỉ nghĩ lại rằng, thuở nhỏ cứ mỗi lần chuyển chỗ ở (đi sơ tán hoặc chuyển nhà), là ít nhất một đêm mình khó ngủ - Cái cảm giác bồn chồn, rạo rực, cái cảm giác mới mẻ xoa dịu trôi trong cảm nghĩ như một đám mây bông. Để rồi buổi sáng, nhất định thằng bé lại mò ra ngõ, ngắm nghía cái lối đi về và cái cửa từ nay bắt đầu thân thương, quen thuộc... Song, giờ đây, không còn cảm giác lạ lẫm ấy nữa. Tới đâu cũng quen ngay và không cần có một thời gian nghiền ngẫm, sờ mó, tìm tòi hay kinh ngạc nữa. Dạo đến Đồng Châu lấy nứa, thảy những ngôi nhà lợp phên thấp thoáng trong cây lá bên dòng suối cạn, nước lay lức mà trong, nhìn thấy chiếc cầu vá víu bằng hàng trăm thanh gỗ xơ mướp... mình tưởng như không có gì lạ cả. Cái lạ lùng đối với mình là hàng rào quanh nhà chỉ gồm những thanh gỗ đặt gác lên một chạc cây ở đây cũng thế, nhà cửa cũng giống Nghệ An, bếp luôn luôn ở bên trái và kề sát nhà. Ngồi trong nhà thỉnh thoảng lại có mạng nhện đen bụi rơi vào cổ áo. Ngẩng lên nhìn thì cả mái trong đen ngòm - Người ta bảo như vậy thì đỡ mọt. Kể ra thì cũng hơi lạ một chút - ở đây chỉ khác một chút là sân phần lớn trát xi măng, bể nước hình trụ thấp lè tè. Người ta gánh nước ở sông theo một thói quen tốt: Ra giữa bãi cát giữa sông, khoét 1 lỗ và múc nước thấm vào đấy Như một cái bể lọc thiên nhiên vậy. Kể cũng sạch - mặc dù sông nhìn đã rất trong, thấy cả cát sỏi dưới đáy và những bụi cây gì đó mình chưa biết tên.
Thiên nhiên chỉ khác có vậy thôi, còn thì quen thuộc cả Cả lối vào nhà lối đi xuống sông cũng không có gì lạ. Vẫn là những âm thanh quen thuộc của con bìm bịp ở một quãng sông. Vẫn tiếng chim nhại theo tiếng lá tre rung trên môi anh bộ đội quen thuộc, quen thuộc như những con người ở đây.
Họ có lẽ cũng quen thuộc với cảnh bộ đội vào nhà ở và không coi đó là một hiện tượng đặc biệt. Bình thường như một nếp suy nghĩ, như một thói quen vậy. Và điều đó làm cho anh bộ đội dễ sống hơn, dễ quen hơn, dễ làm việc hơn. Nhưng liền đó, mình thấy thật sợ một điều, có lẽ, chẳng mấy chốc mà những cảm giác tươi mát, những cái nhìn trẻ dại sẽ chẳng còn ở trong con người mình nữa. Mới hiểu trước kia Xuân Diệu ao ước nhìn đời bằng đôi mắt xanh non mãi mãi, là một niềm ao ước chính đáng và hết sức khó thực hiện. Mình không tin rằng sẽ giữ được cái nhìn bỡ ngỡ quí giá ấy, vì giờ đây mình đã cảm thấy quen thuộc với mọi cái ở đây rồi. Người ta đi tìm cái mới trong cuộc sống cái tốt đẹp đang nứt nanh như thế nào nhỉ? Dạo lớp 10, nghe thầy Lưu kể và nói rất nhiều về việc đi thực tế của các nhà nghệ thuật. Người ta không tìm cái mới lồ lộ đập vào mắt, cái lạ của phong cảnh, của y phục của con người mà họ cắm sâu hàng năm trời, cắm sâu vào một vùng đất nước - Và ở đó họ sẽ sống, họ sẽ làm việc, họ sẽ hiểu con người và những sự tích kỳ diệu của họ trên mảnh đất này. Mình hiểu như vậy, biết như vậy, nhưng vẫn thấy lúng túng. Mình thấy mọi cái đều bình thường, bình thường đến mức độ chẳng có gì đáng nói. Không hiểu ở đâu đã và đang hiện ra những sự tích người ta hằng ca ngợi chứ ở đây, không, nhất định chẳng có gì ghê gớm cả.
Mình đi rừng hôm nay khá xa, nhưng phần lớn là qua cánh đồng và bãi cây thấp, chủ yếu là sim và mua. Buổi sáng nhìn ra cánh đồng thấy mù mịt sương. Sương mù làm nền cho bức tranh những con người đi làm, sắn quần quá gối. Dãy núi xa xa, xanh trang nghiêm, có những đám mây trắng ùn lên từ dưới thung lũng. Mặt trời nhô dần lên đấy. Và đến gần chân núi, càng thấy một cách rõ ràng: đây là phong cảnh thực, chứ không phải tranh vẽ. Bầu trời xanh mát và hơi chói rất xa đằng sau dãy núi gợi một cảm giác rất thực mà rất mơ hồ. Bên trái là hồ nước kéo dài, còn trước mặt là một khúc sông đáy toàn cát và sỏi. Tất cả cửa rừng giống hệt một bài thơ cổ trong sáng của Đỗ Phủ hay Lý Bạch. Rừng Hà 1 nh đây, cỏ rất cao, khiến người ta muốn thấy trên sườn núi một đàn bò sữa như ở nông trường. Chao ôi, cái sườn núi êm và mịn như nhung. Bỗng nhớ Câu ca dao, mà giờ đây mình mới hiểu rằng, nó chưa nói hết được cảnh đẹp mê hồn ở đây:
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”
Chính trong phong cảnh hữu tình đó, mình đã nghe tiếng gà rừng gáy trong một bùi cây thấp ở không xa con đường mòn vết chân người - Đã nhìn và nghe chim bách thanh hót, con chim đứng thèo đảnh trên một tảng đá, cái tảng đá như con cóc nghếch mõm lên trời.
Bọn lính quấy bên B vận tải vác cả súng lên rừng - Chúng nó bắn loạn xạ vào bầy chim đậu đầy ở bãi cát ven sông. Và lúc sắp về. chúng nó bắn được một con cáo con, màu đen có vằn xám, nom rất giống con mèo. Người ta bảo rừng này có nhiều thú, mình thấy bên suối nước đổ từ đỉnh núi theo một dải đá lớn, có nhiều vết chân lợn rừng. Ở những khu rừng già mọc trên đỉnh núi, mọc dưới thung lũng, còn ở sườn thì nhiều cỏ non như thế này, có lẽ sẽ có nhiều lươn. nai...
Nói chung. đi vào rừng với bọn trong A không thích lắm. Thiếu những người hiểu biết nhiều về rừng và những tay gan dạ. Chỉ có Được, đã ở rừng Nghĩa Lộ nhiều nên tương đối có kinh nghiệm, nhưng Được lại hơi "bo bo", và không muốn giúp đỡ người khác. Mình cũng chẳng thích. Lúc rẽ ngang con đường mòn lên núi để vào thác nước nhỏ vì từ xa đã nghe tiếng nước chảy ầm ào và thấy cả những cây chuối rừng xanh mướt. Mình rủ mãi, chẳng ai muốn vào cả. Có lẽ vì họ sợ, sợ những cây gianh cao lút đầu người cứa vào da thịt những vết xước đáng sợ, họ sợ những cây mây gai dài như ngón tay út sẵn sàng đổ xuống cổ Và cái sợ nhất theo mình, có lẽ là mùi đất mốc trắng, ẩm ướt, tối, lạnh. Vậy là mình mặc dù gan cũng "thỏ đế" lắm, minh cũng cứ chui tọt vào trong - Đề thốt lên kinh ngạc. Những tảng đá to bằng tấm phản nằm gối lên nhau thành những bậc thềm cho dòng nước trong vắt xoa từ trên đỉnh xuống.
Sao chính những lúc như thế này, lại nhớ Như Anh đến bồn chồn, nhớ đến nghẹn thắt cả trái tim lại. Dòng nước trong vắt này đây Như Anh chưa và chẳng hề được thấy. Chỉ mình mình và tụi quỉ sứ hò nhau cởi quần áo xuống tắm - tắm và đùa nghịch, nhưng nhớ đến Như Anh, những suy tưởng ngày mai, khi mình đã trở về nguyên vẹn và gặp lại Như Anh. Mình nhớ đến ngày đầu hai đứa gặp nhau, dạo ấy là tháng 4 này đây, ngày 18. Như Anh đang đọc “Bốn mùa” của Pritsv. Mình trở lại cái không khí ấm cúng, rạo rực của buổi đầu, trở lại cái dịu dàng, cái dịu dàng của bàn tay Như Anh, của đôi mắt Như Anh, của cái miệng cười xinh xắn... Thương Như Anh hết sức, muốn chiều Như Anh mãi. Muốn hái cả rừng hoa này mà tặng Như Anh. Muốn giữ lòng mình thật trong sáng để đem hết cho Như Anh... Như Anh ăn quả mây không? Ăn quả dưa rừng không? Đỡ khát nước lắm đấy. Và Như Anh nếu có đến đây, cũng cẩn thận vào, vắt nhiều vô kể, đừng vội vàng mà ngã đấy, ướt hết... ù, nếu như mình còn đi học thì tốt biết bao nhiêu - Nhưng, đành vậy, dĩ nhiên mình đã làm Như Anh khổ rất nhiều – Có ai đến với Như Anh, nói hộ mình nhỉ...Bao nhiêu lần như thế. Và lần nào, ngày nào cũng như thế, mình nhớ đến Như Anh, nói chuyện và nghĩ đến Như Anh trong cái ồn ào, ầm ĩ và rối loạn của công việc hàng ngày. Chúng nó đang nói những điều buồn cười hết sức - Và nó chỉ nghiêm chỉnh với những nhà nghiên cứu sinh vật. Nó bảo, con ếch đực tiếng kêu trầm hơn, còn ếch cái tiếng kêu thanh hơn. Còn cua đồng thì cua đực bao giờ cũng to một cách phổng phao.
- Thế con người? - Một câu hỏi thế. Người ta nhìn nhau và cười Cuộc đởi tươi và buồn cười như vậy cơ đấy!
Đúng là đại bác bắn ruồi, vì đi suốt buổi sáng vào tận rừng mà chẳng lấy được tí củi nào. Củi thì nhiều, nhưng lượng sức, mọi người biết rằng không thề lôi cái khối ấy về đến bếp ăn được, nên đành chịu. Thế là mấy thầy trò kéo nhau xuống bãi sim, mua mà chặt. Tròng teng mỗi đứa 2 bó củi thế là tếch về. Vừa đi vừa ngượng, vì ít quá. Bộ đội thì toàn "gộc trà xề" mà gánh củi thì đứa trẻ con nó cũng chỉ cầm 1 ngón tay là đủ.
Trước kia, mình được phát viên thuốc sát trùng để uống nước suối. Mãi hôm nay mới dám uống 1 ngụm. Nói chung, cũng không có gì lạ lùng lắm. Vì mình đã có lần uống nước sông còn đục và bẩn hơn nhiều. Chỉ có điều hơi sợ là uống nước suối nhỡ nó chảy qua cây thuốc gì độc thì đáng ngại đấy.
Lúc về, trời nắng gắt, nóng nhiều, anh Truyền bảo: Trời thế này nó dễ ném bom lắm đây. Buổi sáng, mình nghe thấy phía Quảng Bình rất nhiều tiếng nổ ầm ì. Mấy hôm nay, ở đây, mình đã thấy tình hình chiến sự khá căng. Lúc ở Cẩm Hưng, nghe nói đích định đổ bộ xuống mấy điểm cao, dân đã được lệnh sơ tán và bộ đội chuẩn bị chiến đấu gấp lắm rồi.
Chiều nay, máy bay địch ra rất nhiều. Từ bên Lào và cả từ ngoài biển. Lúc ăn cơm xong, thấy ầm ầm trên đầu, mình chạy vội ra sân thì thấy 5 cặp máy bay rất chậm từ phía Quảng Bình ra. Nó bay như đi dạo vậy - phía núi thì 3 cặp. Rồi sau đó, rất nhiều, rất nhiều cặp bay vào dọc theo con sông nhỏ, nó phì khói đen ở đuôi, nghiêng cánh và bay rất thấp. Bọn mình đứng ở dưới mà ức lộn ruột: Đất nước của mình mà nó bay vào tự nhiên và láo xược như thế. Cái đáng băn khoăn nữa là lực lượng phòng không ở đấy lại quá mỏng. Trên bầu trời Hà Tĩnh, mình chỉ thấy có hai vệt tên lửa yếu ớt và lẻ loi bắn lên. cũng chẳng rơi chiếc nào cả. Còn thì tuyệt không thấy phát đại bác hay pháo cao xạ nào cả.
Cứ sau mỗi tiếng rú của máy bay tăng tốc là lại nghe rầm rầm tiếng bom. Máy bay vừa bay qua đấy, tiếng pháo mình bắn lịch bịch, lịch bịch. Thỉnh thoảng lại rầm, rầm tiếng bom và tiếng lẹt rét của máy bay.
Dân không cảm thấy đột ngột. Việc ai người ấy làm. Còn mình và tụi lính mới thì bồn chồn và cứ ra ngóng máy bay hoài. Nó bay chậm, rất chậm. Chậm muốn thét lên ấy. Rồi nhào xuống cắt bom. Nó ở trên đầu đây. Không thấy pháo bắn gì cả.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT