Thời tiết đồng lõa với ánh mặt trời. Vì ánh nắng quá rực rỡ, Dục Thủy dậy sớm. Nàng trông thấy mẹ, nhưng không thấy cha đâu. Mẹ nàng nói tối hôm trước ông về quá trễ. Ông đã giải phẫu cho Hoà Lang, tuy thế chàng vẫn chưa qua cơn nguy hiểm, bởi vì ruột dư bị bể, và ông vẫn còn lo lắng. Mãi sáng hôm nay ông mới trở về nhà, và dặn phải đánh thức ông lúc 9 giờ sáng.
Dục Thủy ra khỏi nhà lúc 8 giờ rưỡi. Nàng để lại lời dặn cho cha, rồi sau đó quên hết. Đêm hôm qua là một trận bão nhỏ, đường phố vẫn còn ướt át và bầu tời rực rỡ. James đứng sẵn chờ nàng. Lần này lão gìa gác cổng vẫn còn trầm tư nhìn ra đường. Dục Thủy thấy lão liền đứng lại. James trông thấy nàng, và chạy lại. Hai người gặp nhau trong một cái ngõ nhỏ về phía tây của trường đại học.
James nói, "Lão không trông thấy em đâu."
"Chúng ta hãy đi đường phía sau để ra ga xe lửa. Từ đây đi Nara phải mất gần một giờ."
Hai người nắm tay nhau im lặng đi trên con đường ướt át. Những cành cây sà xuống, nhỏ nước đọng lên hai người. Nàng mặc một váy vải xanh, và một áo sơ mi trắng mỏng; nước mưa nhỏ xuống làm lộ rõ vài khoảng da của nàng. Nàng không bao giờ đội nón, để mặc nước mưa nhỏ xuống tóc và mặt.
Chàng nhìn nàng khen, "Em đẹp như một bông hoa đọng sương đêm."
Nàng mỉm cười với chàng, mắt long lanh tình yêu.
Chuyến xe lửa sớm không đông khách, và chàng đòi ít nhất phải đi hạng hai. Nàng trông thấy sự dò hỏi trong mắt của các hành khách, ngỡ ngàng thấy một người con gái nhà tử tế đi cùng với một người Mỹ. Người ta không thể làm gì được, nhưng cũng không chấp nhận. Đàn bà khinh miệt nhìn nàng, và đàn ông thì tức giận. Nàng cố gắng không để ý, cứ tiếp tục thao thao nói tiếng Anh, giải thích quang cảnh hai bên đường cho chàng.
Nàng nói bằng giọng trong trẻo và hơi tọ "Nara là kinh đô đầu tiên của Nhật Bản. Thoạt đầu nước này không có kinh đô vĩnh viễn. Mỗi ông vua đặt kinh đô tại nơi ông ta sống. Những thế kỷ đầu tiên Nara được chọn, và tiếp tục làm kinh đô trong suốt bảy đời vuạ Sau đó kinh đô chuyển tới Nagaoka, cũng gần Kyotọ"
Biết rằng nàng nói cho những người khác nữa, chàng dò hỏi, "Chúng ta sẽ xem gì tại Narả"
"Tùy ý anh muốn. Có những cửa tiệm, đền đài, cung điện, lăng tẩm, tượng Phật và Công viên Hoàng giạ"
"Xem Công viên đi, có rộng không?
"Rộng hơn 12 ngàn mẫu."
"Vậy thì đi công viên."
Nàng tiếp tục nói, thận trọng ngồi xa chàng, cho tới khi còi tầu báo hiệu tới Narạ Hai người bước xuống, bề ngoài vẫn còn xa cách; nàng mặc cả xe ngựa đi tới công viên. Cần phải mất nhiều thời giờ để loại bỏ cái ký ức khó chịu trước những con mắt buộc tội của hành khách. Hai người lang thang trong công viên một giờ, rồi đi tới một chỗ vắng vẻ, tại đây chàng không thể đè nén lòng ham muốn. Chàng dẫn đường dọc theo một lối đi hẹp, rồi bất thình lình chàng quay sang ôm nàng.
Bây giờ không còn vấn đề đầu hàng nụ hôn của chàng. Nàng không còn lạ lùng nữa. Nụ hôn thực là quen thuộc và ngọt ngào ngoài sức chịu đựng. Nàng thèm khát được hôn nữa. Đây là một kinh nghiệm đầu đời, đáng ghi nhớ mãi.
Tuy nhiên đối với chàng, nụ hôn chỉ là khởi đầu, một sự tìm hiểu ngay đối với người lạ, một lời mời dẫn tới những khám phá xa hơn trên đường tìm kiếm. Chàng hôn nàng lần nữa, rồi lần nữa, mỗi lần kề sát hơn, thân mật hơn nữa, một cánh tay quàng chặt lấy eo nàng, còn tay kia nâng cằm nàng lên. Rồi tới lúc cuối của nụ hôn, và không còn kiềm chế được nữa, chàng bồng nàng lên và đặt xuống một bờ cỏ dầy bên dưới rặng thông che kín hai người. Chàng nằm xuống cạnh nàng, nửa người đè lên nàng, bàn tay chàng run rẩy và táo bạo.
Trong một lúc nàng hiểu cái lý do hấp tấp của chàng. Nàng đưa tay lên đẩy mạnh chàng sang một bên. Nàng thì thầm, "Dừng lại. Làm thế này không phải, James Peterson! Không được!"
Lời trách của nàng quá mạnh mẽ. Lương tâm chàng vốn nhạy cảm từ thuở thiếu thời hạnh phúc trong căn nhà lớn tại Virginia, vội vàng dừng lại ý muốn của chàng. Sự gian khổ của những năm chiến tranh chưa đủ mạnh. Chàng cố gắng trau giồi một tính ích kỷ chính đáng, cái sự ích kỷ can đảm chai đá của người trẻ tuổi hôm nay phải đương đầu với cái sống chết cùng một lúc. Nhưng lòng ích kỷ của chàng là một bề mặt nông cạn. Mấy năm chiến tranh quá ít để có thể làm cho đủ mạnh. Lòng ham muốn nguội lạnh trước giọng nói buồn rầu của nàng, chàng giấu mặt vào ngực nàng và nằm im lặng.
Nàng nằm im lặng vài phút, để mặc sức nặng của đầu chàng trên vú nàng. Rồi nàng khẽ lùi ra, như nàng làm hôm qua khi nàng ngồi dậy trong lúc chàng vẫn nằm ngửa, nhìn lên hàng cây. Chính nàng là người cương quyết nói.
"Em không biết em là gì nữa, em là Nhật hay là Mỹ. Em nghĩ trên tất cả em là người con gái của ba em. Em thuộc về dòng họ Sơn Điền. Gia đình em không phải là người tầm thường. Gia đình em cao hơn thế. Anh và em cần phải xét lại tại sao chúng ta yêu nhau. Chúng ta phải quyết định. Chúng ta nên chia tay? Hay là - "
Nàng không thể nói tiếp. Nàng không thể chịu đựng được khi tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra cho nàng nếu chàng nói, "Chúng ta hãy chia taỵ" Nàng phải nghĩ đến cha nàng. Nàng phải nhớ tới khuôn mặt cương quyết của cha để thêm sức mạnh cho nàng qua sự kiêu hãnh của dòng họ Sơn Điền. Thay vì phải nhục nhã vào trại tập trung, cha nàng đã chọn Nhật Bản.
Chàng hỏi, "Chúng ta có cần phải quyết định tất cả ngày hôm nay không?"
Nàng hăng hái gật đầu, "Chúng ta phải!"
"Tại sao?"
Nàng ngập ngừng rồi cương quyết nói, "Bởi vì bất cứ khi nào chúng ta ở một mình thế này, anh lại tấn công em."
Chàng kinh hoàng trước sự bạo dạn thẳng thắn này. "Thôi mà, Dục Thủy."
Nàng hỏi, "Thế không phải là tấn công hay sao?" Nàng quay tia nhìn của đôi mắt to vào mặt chàng.
Chàng miễn cưỡng nói, "Anh đồng ý như vậy, nếu em muốn dùng từ ngữ rõ ràng."
Nàng mau lẹ nói, "Em cũng không buộc tội anh đâu. Nếu em tự cho phép ở một mình với anh, em phải chịu trách nhiệm."
"Người ta dạy em như thế tại California à?"
"Em không học điều ấy ở California. Em học tại đây, tại Nhật Bản, từ ba em."
"Một người cha hung dữ."
"Có lẽ."
Khi chàng không nói gì thêm, nàng nói tiếp, "Có lẽ, điều ấy cũng tốt cho một người con gái nữa." Nàng ôm đầu gối và cúi đầu xuống.
Cái gáy của nàng là một màu trắng ngà nhạt. Một vài sợi tóc thẳng, tuột ra khỏi búi tóc ở gáy, khẽ rung lên trong không khí thơm ngát của thông. Đầu nàng nằm đẹp đẽ giữa hai vai. Cánh tay nàng trắng và tròn, ống tay áo chỉ dài tới cùi chỏ, và hai bàn tay của nàng cũng rất đẹp. Phần đông con gái Nhật không có bàn tay và bàn chân đẹp. Nàng đi vớ trắng đẹp đẽ, và chàng không nhìn thấy bàn chân nàng.
Chợt chàng nói, "Cởi giầy ra. Hãy cho anh xem bàn chân của em. Chân của em có đẹp như bàn tay em không?"
Chàng ngạc nhiên thấy nàng đỏ bừng mặt. Nàng vùng đứng lên, bước xa khỏi chàng. Nàng nói một cách long trọng, "Bây giờ em không thể ở lại với anh được nữa. Em không thể! Anh xúc phạm em, James Peterson! Ñt nhất anh phải tôn trọng em. Thế này quá đủ cho em rồi. Bây giờ em hiểu tình cảm của anh. Tình yêu! Nó là gì? Em không muốn một tình yêu như thế."
Nàng bắt đầu bước đi; chàng nhỏm dậy và chạy theo và nắm lấy cánh tay nàng. "Dục Thủy, anh đã nói gì? Em yêu ơi, tại sao em cảm thấy bị xúc phạm? Có cái gì anh không hiểu không?" Chàng nắm lấy vai nàng. "Dục Thủy, hãy trả lời anh!"
Nàng nổi nóng với chàng, mắt bừng cháy, má đỏ bừng, môi tức giận. "Anh không trả lời em, James Peterson! Em nói, Chúng ta sẽ làm gì? Anh nói, Cho anh xem chân em... "
Nàng ngập ngừng, quay đầu đi, và hai hàng lông mi ứa lệ.
Chàng cảm động trước sự dịu dàng và bắt buộc phải nhận sự thực. "Em yêu ơi, nếu anh không trả lời là bởi vì anh không biết trả lời thế nào."
"Nếu anh không biết trả lời thế nào, thì anh đừng bao giờ đụng vào người em."
Hai tay chàng buông thõng. "Em nói đúng."
Nàng nói tiếp, "Nếu anh không biết, xin anh hãy trở về Đông Kinh, về Hoa Kỳ, và về nhà anh. Xin anh hãy quên đã gặp em, và để cho em quên."
"Dục Thủy, em quên được không?"
"Được, bây giờ em vẫn có thể quên. Sau này - em không biết."
Chàng đứng nhìn cái hình dáng dịu dàng buông thõng xuống. Sau sự im lặng của chàng, nàng khẽ nói, "Em muốn về nhà."
Thế là hai người đi chuyến xe lửa kế tiếp về Kyotọ Tại nhà ga, nàng nhất định đòi chia tay ngay.
"Dục Thủy, anh sẽ không quên em."
"Anh sẽ quên."
"Nếu anh không quên được, thì anh sẽ viết thư cho em được không?"
"Anh không nên viết."
Nàng bỏ đi, không từ giã chàng, chỉ nhìn chàng một cái nhìn thật dài khó hiểu, rồi không quay đầu lại, mặc dầu chàng đứng đó, cho tới lúc chàng mất hút nàng trong dòng người ngoài đường phố.
Chàng quay trở về khách sạn, thu dọn hành lý và đi chuyến tầu sớm nhất trở về Đông Kinh. Chàng không muốn nghỉ phép thêm nữa. Càng sớm trở lại làm việc càng tốt cho chàng.
° ° °
Bác sĩ Sơn Điền nói, "Hòa Lang khá rồi. Nó có một cơ thể sạch sẽ tốt lành, và nó phản ứng thuận lợi với thuốc."
Dục Thủy trả lời một cách hững hờ, "Con mừng lắm."
Ông biết con gái có điều gì bất thường, và ông hỏi bà vợ hồi sáng đã có chuyện gì xảy ra.
Bà Sơn Điền trả lời, "Nó không nói gì với tôi cả. Nếu tôi hỏi nó tại sao nó buồn thế thì nó tức giận tôi ngaỵ Nó bảo nó không buồn gì hết."
Bác sĩ Sơn Điền nói với sự quyết định cố hữu. "Nó không biết nó làm sao. Có thể nó đã lớn rồi. Nó không biết đây là lúc nó phải lấy chồng. Tôi sẽ phải lo chuyện này."
Vào lúc khác, bà Sơn Điền sẽ khuyên chồng nên kiên nhẫn hơn. Tuy nhiên sáng nay bà chỉ trả lời, "Có lẽ ông đúng đấy."
Ngày hôm ấy bác sĩ Sơn Điền nói với Dục Thủy, "Hòa Lang có thể coi là một thanh niên Nhật hoàn toàn. Tuy nó tân tiến, nhưng nó không đi tới chỗ thái quá. Nó vâng lời cha mẹ, nhưng sẽ tiến xa hơn cha nó. Một ngày nào đó, nó sẽ là một nhân vật quan trọng. Ba ao ước con có thể trông thấy da thịt khoẻ mạnh của nó. Khi ba giải phẫu, máu của nó thực là một màu đỏ trong sạch tinh khiết."
Dục Thủy tàn ác nhắc chạ "Dẫu sao ruột dư của anh ta cũng bị nhiễm độc."
Bác sĩ Sơn Điền khó chịu. "Ruột dư là dấu tích của người tiền cổ. Bây giờ không cần ruột dư nữa. Không thể trách Hòa Lang về chuyện này được. Từ nay nó sẽ không còn gặp rắc rối về ruột dư nữa."
Nàng muốn tránh né ý tưởng về Hòa Lang, vậy mà vì một bản năng muốn tự trừng phạt, ngay cả muốn số phận của nàng phải mau hiện ra, nàng hài hước nói tiếp. "Ba ơi, tại sao ba không nói thẳng cái điều ba muốn nói? Ba muốn con lấy Hòa Lang, tại sao ba không nói ngay rả"
Bác sĩ Sơn Điền nổi nóng tức khắc. Ông la lên. "Con là một đứa con gái bướng bỉnh! Con biết rõ tại sao ba không dám nói thẳng sự thực vói con. Con giống như một người con gái Mỹ. Nếu con biết ba hy vọng cái gì thì con sẽ phá hủy hy vọng của ba ngay!"
Ông thấy khinh tởm cơn phẫn nộ của ông, và bây giờ sẵn sàng chờ con gái tấn công lại. Hiển nhiên tất cả đều mất hết rồi. Nàng không bao giờ đầu hàng. Nhưng ông ngạc nhiên thấy nàng nói thật dịu dàng.
"Ba ơi, con bắt đầu thay đổi rồi. Con đã suy nghĩ nhiều lắm. Bây giờ con nghĩ con nên lấy một người Nhật, như ba vẫn khuyên con. Đôi khi con nghĩ con thích trở lại Hoa Kỳ, nhưng bây giờ con sẽ không đi nữa. Con thuộc về chỗ này. Như vậy Hòa Lang hay một người nào khác cũng được. Theo ba nói thì anh ta tốt lắm. Con muốn trên tất cả là một người chồng đàng hoàng tốt lành."
Nàng nói một cách gần như trầm tư, ngay cả có vẻ buồn nữa, đến nỗi ông không tin chính nàng nói thế. Ông nói lắp bắp, cơn giận biến mất, "Dục Thủy con gái của ba - thực là khôn ngoan - ba cảm thấy ngạc nhiên. Con có muốn ba nói với bố Hòa Lang không? Hãy cho ba biết, con muốn ba phải làm gì cho con?"
Nàng nhìn cha bằng đôi mắt buồn bã. "Thưa ba, bất cứ cái gì ba muốn."
Điều này làm ông hoảng sợ. "Con không bịnh gì, phải không?"
"Thưa ba không. Con thực sự rất mạnh khoẻ, mạnh khoẻ hơn trước đây." Rồi thấy cha lo lắng, nàng cố mỉm cười. "Cuối cùng con cũng trưởng thành. Ba có biết con hai mươi tuổi rồi không?"
Ông rất hài lòng, nhưng cũng thấy băn khoăn. Ông trịnh trọng nói, "Ba sẽ không hối thúc con. Ba cũng không muốn Hòa Lang lấy con một cách hấp tấp."
"Cám ơn bạ"
Đến đó nàng khẽ cúi đầu chào cha và đi ra ngoài vườn để sắp xếp lại những hòn đá cuội trong cái ao. Nàng thu thập những hòn đá cuội đẹp và sắp xếp dưới cái ao. Dưới làn nước trong, những hòn đá cuội trông lấp lánh. Đôi khi một hòn đá đục mờ trong không khí, nhưng lại sáng lấp lánh dưới nước. Nàng di chuyển những hòn đá khéo léo đến nỗi cái bóng nàng dưới nước không bị xao động.
° ° °
James không viết thư cho nàng lấy một lần. Một tháng đã trôi qua kể từ khi hai người chia tay, và chàng vẫn chưa viết thư cho nàng. Nàng vui mừng không biết địa chỉ của chàng, để nàng không viết thư cho chàng được. Vì trong những giờ trằn trọc mất ngủ về ban đêm, nàng đã yếu đuối tuyệt vọng đến nỗi muốn viết thư cho chàng, và nàng đã có thể cầu khẩn chàng trở lại, hoặc tự nàng tới với chàng. Nếu nàng đã viết thư và chàng đã trả lời, thì cuộc tình của họ một lúc nào đó sẽ chấm dứt, bởi vì niềm kiêu hãnh của nàng sẽ trỗi dậy. Và như thế tận cùng của cuộc tình này sẽ là một hạt giống bị hư thối.
Dần dần qua những tuần lễ chờ đợi, một đêm mất ngủ vượt qua được, và những đêm nữa, tương lai đã rõ ràng đối với nàng, cái tương lai giản dị, cái cuộc đời không tránh được của một người đàn bà tại Nhật Bản, hôn nhân, chồng con, gia đình. Tất cả những diễn văn tranh dấu của phụ nữ tân tiến cũng không thể thay đổi được cái gì không tránh được. Như vậy, như nàng đã nói với ông bố, tại sao không là Hòa Lang? Dần dần nàng quen với ý nghĩ về chàng. Nàng nhớ lại khuôn mặt hơi trắng xanh của chàng, đường nét hơi nặng nề nhưng vẻ mặt tử tế dễ dãi. Nàng cũng nhớ lại giọng nói của chàng nữa, một giọng nói rõ ràng, vui tai và chậm rãi, những chữ nói líu nhíu, có lẽ với một phát âm hơi ngọng. Chàng cũng nói được đôi chút Anh ngữ. Một lần chàng bình thản giải thích với nàng, "Tôi dốt ngoại ngữ lắm." Ñt nhất chàng không có vẻ đáng ghê sợ. Chàng cũng không quá táo bạo. Chàng sẽ không đè nén áp bức nàng. Như vậy dần dần nàng có thể yêu được chàng. Ñt nhất nàng có thể kính trọng chàng. Cái nàng muốn nhất là sự tốt lành giản dị Ở chàng.
Nàng lau chùi một hòn đá cuội màu lục bằng lòng bàn tay mịn màng, rồi buông nó rơi xuống nước. Màu lục nổi lên một màu trong sạch dịu dàng thú vị, lấp lánh không một nét chói.
° ° °
Mùa hạ tại Đông Kinh khá nóng. Đường phố trải nhựa nóng bỏng, và thỉnh thoảng một nhà máy điện bị hư làm quạt điện không quay được nữa, và thường xảy ra vào cái giờ nóng nhất trong ngày. Cách duy nhất để chịu đựng được cái không thể chịu được là vùi đầu vào công việc.
"Trung úy Peterson!"
Một binh sĩ phát thư đứng ở cửa. "Trung úy có thư nhà."
"Để trên cái bàn nhỏ kia cho tôi. Tôi còn bận viết cho xong bản báo cáo này đã."
"Thưa trung úy vâng ạ." Người lính chào, và thận trọng đặt lên bàn một cọc hơn mười lá thư rồi quay đi.
Gia đình chàng! Bố mẹ, cô dì, chú bác, anh em họ, vẫn thiết tha viết thư cho chàng, làm như họ quá coi trọng chàng phải sống xa xôi tại một nước như Nhật Bản. Bao giờ thư của mẹ chàng cũng bắt đầu bằng câu, "Con ơi, bao giờ con trở về?"
Chàng tiếp tục viết trên chiếc máy chữ. Trung úy là một chức vụ phải lo nhiều việc vặt, những việc cấp trên không thèm làm, hoặc không có khả năng làm được. Chàng biết có những ông tướng không biết viết chữ cho đúng - hoặc không nói đúng tiếng Anh. Khi họ biết chàng là người tốt nghiệp đại học, họ đổ xô cả đống bài phải viết cho chàng. Chàng đã thú vị biến bài báo cáo buồn tẻ này thành một áng văn hấp dẫn, một bài nói về những tổ chức dân sự của người Nhật dưới sự chiếm đóng của người Mỹ. Bây giờ chàng cảm thấy rất thích viết về Nhật Bản, và chàng công nhận đó là do tình yêu đối với Dục Thủy. Nhờ nàng, chàng nhận thức phải có một mối liên hệ thực tế với người bản xứ, mặc dầu đối với chàng, nàng mãi mãi vẫn là một người con gái đặc biệt xinh đẹp nhất mà chàng từng gặp. Nàng vừa can đảm vừa xinh đẹp. Bởi vì nàng yêu chàng và khó cưỡng lại được chàng, thế mà nàng làm được như vậy.
Như thường lệ, mỗi khi hình ảnh nàng bò vào ý nghĩ của chàng, khoảng hai mươi lần một ngày, và ban đêm còn nhiều hơn nữa, chàng cân nhắc những gì có thể xảy ra. Giả dụ cuộc chia ly khác đi, hoặc giả dụ chàng yêu cầu kết hôn với nàng - một điều chắc chắn chàng sẽ làm nếu nàng là một người con gái Mỹ mà chàng yêu - thì sau đó sẽ là gì? Chàng mải suy nghi quên cả những ngón tay trên máy chữ. Hai người có thể sống ở đây, tại Nhật Bản không? Liệu chàng có sẵn sàng sống suốt cuộc đời ở Nhật Bản không? Hoặc hai người có thể sống tại Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ có nhiều nơi chàng có thể sống hạnh phúc với nàng, và con cái nữa - phải, con cái của chàng và nàng! Hai người có cần phải có con không? Nàng chắc chắn muốn có con, và chàng cũng vậy. Chàng vẫn nghĩ rằng một ngày nào đó chàng sẽ lấy vợ và có con cái, không phải chỉ một đứa con cô đơn như chàng, mà phải đầy một nhà con cái. Chàng coi như là con cái chàng sẽ sống trong căn nhà ấy. Nếu không có chiến tranh thì chàng đã lấy vợ rồi, và sẽ chẳng bao giờ gặp Dục Thủy. Chàng có thể lấy Monica Johnson, người mà mẹ chàng rất ưa thích như con gái của bà.
Một lần chàng nói đùa, "Mẹ Ơi, đừng liệng bỏ Monica nhé. Một ngày nào đó con sẽ kết hôn với nàng."
Mẹ chàng trả lời bằng giọng ngọt ngào vui vẻ. "ồ nói khẽ chứ. Con sẽ quá nhỏ mọn khi con trưởng thành."
Trong chồng thư kia thế nào cũng có thư của Monicạ Nàng không viết thư nhiều, nhưng cũng khá đều đặn, và thường là những lá thư dài vui vui, nói về những tin tại quê nhà. Monica sống trong một căn nhà cạnh nhà chàng. Chàng quen biết nàng từ ngày còn nhỏ. Ba thế hệ trước, tổ tiên chàng và tổ tiên nàng đã có người kết hôn với nhau.
Chàng hỏi mẹ, "Chuyện ấy xảy ra bao lâu rồi?"
Mẹ chàng mau lẹ trả lời, "Đủ lâu để con và nó có thể lấy nhau an toàn được rồi."
Chàng thò tay lấy chồng thư, và lật xem. Thư mẹ chàng, ông mục sư, hai cái nữa chàng không biết của ai, và một phong bì lớn của Monicạ Ở Monica không có cái gì nhỏ bé cả, ngoại trừ vòng eo của nàng. Nàng cao và cân đối, tâm trí rộng rãi hào phóng. Chàng nghĩ một ngày nào đó chàng sẽ yêu nàng. Bây giờ vì cô đơn lạc lõng, chàng ao ước có thể kể cho nàng nghe về Dục Thủy.
Chàng lẩm bẩm, "Chắc chắn nàng sẽ thông cảm."
Chàng mở phong bì ra, và rút ra ba trang giấy đôi, gấp lại và đầy nét chữ của nàng viết bằng mực xanh.
"James thân mến," thư nào của nàng cũng bắt đầu như thế. Hai người đã viết cho nhau không đều trong nhiều năm, khi nàng học trung học và chàng học đại học. "James thân mến, chưa bao giờ có một mùa xuân đẹp thế này. Có thể em chưa bao giờ thực sự thấy mùa xuân trước đây. Năm nay dường như em có thời giờ."
Chàng tiếp tục đọc chậm chạp, trông thấy thành phố quê nhà, những con đường quen thuộc, những khuôn mặt quen biết của hàng xóm và bà con. Tuy nhiên tất cả xa cách chàng quá khi chàng ngồi một mình tại Đông Kinh, như thể sống trong một thế giới khác. Đúng như vậy. Họ sống trong một thế giới khác, và chắc chắn họ không hiểu biết gì về cái thế giới này, mà thủ đô là Đông Kinh, Nhật Bản. Dù chàng giải thích thế nào, dù chàng làm thế nào, họ cũng vẫn không hiểu. Không có cách gì làm họ hiểu được. Sự lựa chọn duy nhất của chàng là chàng muốn sống trong thế giới nào - và với ai.
Chàng gấp những lá thư cẩn thận, và bỏ từng cái trở lại phong bì, và ngồi nhìn chiếc máy chữ.
Chỉ có cha chàng là không viết. Ông ít khi viết thư và cũng ít khi nói. Chàng biết cha chàng không bao giờ nói nhiều, và chàng không nhớ được gì. Đôi khi trong cả bữa ăn, ông chỉ nói vài lần, như "Đưa hộp butter cho ba," hoặc "Mình ơi, bánh bích quy này ngon."
Mẹ chàng trả lời, "Ông Peterson, tôi có thể nói ông ít khi được ăn bánh bích quy ngon!"
Cha chàng thường mỉm cười, và thì thầm bà vợ Ông nói đủ cho hai người rồi, và còn nói hay nữa, hay hơn ông có thể nói.
Chàng không cố hiểu cha, và cũng không thấy cần phải hiểu ông. Bây giờ chàng mơ hồ ao ước chàng hiểu cha nhiều hơn để chàng có thể viết cho ông về Dục Thủy, và hỏi ý kiến ông.
Nhưng hỏi cái gì?
Chỉ có một câu hỏi mà chàng cần tự hỏi. Chàng đã yêu nàng đủ nhiều để lấy nàng không? Có phải cái chàng cảm thấy, nỗi ao ước khôn nguôi ngày đêm, có phải là tình yêu đích thực không? Chàng biết chàng chưa bao giờ yêu. Nhưng hiện nay có phải chàng đang yêu không?
Chàng bỏ thư vào ngăn kéo bàn giấy, rồi đi tắm và ăn mặc chỉnh tề. Chàng được mời ăn tối với vợ chồng đại tá, một cặp vợ chồng đàng hoàng tư cách, không hiểu được những kẻ tuyệt vọng vui tươi và cẩu thả là những binh sĩ dưới quyền chỉ huy của ông tạ Trong bữa ăn tối lần trước bà đại tá than phiền, "Họ không đàng hoàng về bất cứ chuyện gì. Họ cư xử quá phóng túng dâm dật."
Chàng hiểu bà ta muốn nói gì. Chàng cũng hơi cảm thấy như thế. Đôi khi không thể hiểu người Nhật cũng là những người tàn sát người Mỹ không thương xót cách đây không lâu. Chàng dường như quên hẳn chuyện đó, mặc dù chàng cũng gánh phần chia xẻ của chàng trong trận chiến. Nhưng những con người nhỏ bé, tàn ác xông vào người Mỹ từ những rừng già trên những hải đảo, không còn liên hệ với những ngọn đồi xanh ngắt, những nông dân mặc quần áo xanh, những người con gái xinh đẹp mặc kimono trong những kỷ viện, và nhất định là không có liên hệ gì với Dục Thủy, một người Mỹ hơn là một người Nhật.
Khi chàng để tên nàng nổi lên trong tâm trí, tim chàng lại hồi hộp và chàng muốn vươn cánh tay ra như thể nàng đang đứng trước mặt. Chàng tự hỏi với đôi chút ao ước, có nên đặt vấn đề với đại tá khi chỉ còn hai người sau bữa ăn tối không. Bà đại tá là người tế nhị, và bà chỉ thường ngồi với khách khoảng ba mươi phút sau bữa ăn, và lúc đó chàng sẽ tự do hỏi ông đại tá.
Nhưng chàng không dám bộc lộ tâm tình. Sau bữa ăn tối rất ngon do đầu bếp Nhật nấu nướng, có một người bồi Nhật mặc áo trắng hầu hạ, chàng hỏi viên đại tá có bao nhiêu người Mỹ lấy vợ Nhật trong thời gian chiếm đóng. Viên đại tá trông có vẻ không vui. "Tôi nghĩ tôi có con số ở đâu đó. Tôi không muốn nhìn con số ấy. Anh muốn nói hôn nhân chính thức, hay chỉ là... "
"Tôi muốn nói đến hôn nhân."
Viên đại tá nói một cách hy vọng, "Chắc là không nhiều. Nếu là chuyện chơi qua đường thì ai biết được? Tôi nghĩ ngay cả hàng ngàn trẻ con lai cũng không đủ biết rõ sự thực là bao nhiêu. Tôi không hiểu tại sao binh sĩ của ta lại quá dâm dục. Chính tôi cũng phải ngạc nhiên, mặc dù tôi là một sĩ quan già."
Chàng có vẻ quá chú ý. "Số phận trẻ con sẽ ra sao?"
Viên đại tá có vẻ khó chịu. "Tôi không biết. Một phụ tá của tôi kể cho tôi biết vợ Ông ta tìm thấy một đứa trẻ giấu trong nhà một hàng xóm rất đáng kính trọng, chủ nhân là một thương gia. Vợ Ông ta bực mình vì ban đêm bị một đứa trẻ khóc quấy rầy suốt đêm. Bà ta tới điều tra và tìm thấy một đứa trẻ lai Mỹ bị bà nội giấu trong một phòng chứa quần áo, vì bà nội đứa trẻ quá xấu hổ."
"Người phụ tá của ông làm gì với đứa trẻ ấy?"
"Ông ta báo cáo trường hợp cho một viện mồ côi Công giáo và người ta bắt đứa nhỏ ấy đi. Gia đình ấy rất cám ơn; bà mẹ đứa nhỏ là một cô gái xinh đẹp. Đứa bé trông kỳ cục lắm, nhưng người ta làm gì được?"
Vì thế chàng không dám hỏi về Dục Thủy nữa. Chàng ra về sớm, lấy lý do phải viết cho xong bản báo cáo.
Nhưng chàng không muốn đi Karuizawa để nghỉ phép hoặc đi coi chiếu bóng vào buổi tối. Chàng khiêu vũ vài lần trong mùa hạ, không thấy cô gái nào hấp dẫn, và không nhớ ai ở quê nhà. Ngay Monica cũng không gây được cảm giác yêu đương trong lòng chàng. Cuộc đời không còn sức quyến rũ nữa.
Ngay khi chàng tự nói như thế thì chàng biết ngay ở đâu có sự quyến rũ. Chàng cảm thấy người chàng đầy sinh lực khi chàng ở bên Dục Thủy, và vì thế một đêm nóng bức và cô đơn, chàng nằm tưởng nhớ lại từng lần chàng gặp Dục Thủy, đứng dưới cây tử đằng hoa ngày đầu tiên lơ đãng nhìn quanh. Chàng nhớ lại từng hình ảnh của nàng, đặc biệt là lần nàng ngó trộm chàng tại cửa nhà nàng. Hôm đó nàng quá đẹp trong chiếc áo kimono, lần duy nhất chàng trông thấy nàng mặc áo kimono bên trong căn nhà rộng mênh mông với rất ít đồ đạc, với mục đích tạo được vẻ đẹp bằng sự đơn giản. Có lẽ thế giới của nàng là thế giới đẹp nhất, một thế giới của trang trọng và tập tục. Nàng quyết định ở lại bên trong căn nhà ấy. Nàng không chỉ là một người con gái đẹp. Ngay cả khi chàng hôn nàng, vì chàng không cưỡng lại được, chàng cảm thấy nàng cho phép một cách miễn cưỡng, mặc dù nàng cũng yêu thích chàng lắm. Chàng tội nghiệp cho nàng bỡ ngỡ trước tình yêu, và không biết phải đương đầu thế nào với sự bối rối bên trong. Chàng đã phản bội nàng, và câu trả lời duy nhất của chàng là chàng đã bỏ đi trước khi quá trễ.
Nhớ đến nàng, vẽ lại hình ảnh nàng, chàng biết làm như thế thực là điên rồ, bởi vì từng ngày trôi qua, chàng vẫn tiếp tục cô đơn trong mùa hạ, trong khi từng người bạn của chàng bỏ đi ra biển hoặc lên núi nghỉ, và ông bà đại tá bay về nghỉ tại Hoa Kỳ hai tuần. Vào giữa tháng Tám, chàng cảm thấy chàng phải gặp nàng một lần nữa, để tự trắc nghiệm, để chắc rằng chàng có thể quên nàng để một lúc nào có thể kết hôn với một người đàn bà khác. Đúng ra nàng không còn đẹp khi chàng nhớ lại nàng.
° ° °
Mùa hạ cũng rất nóng tại Kyoto, nhưng bác sĩ Sơn Điền không có thì giờ nghĩ đến cái nóng. Không có vẻ vội vàng, ông thực hiện ngay lập tức việc hôn nhân của Dục Thủy. Ông hối tiếc những năm sống tại Hoa Kỳ của ông. bởi vì bây giờ thay vì biết ngay phải làm gì trong tục lệ hôn nhân của Nhật Bản, thì ông phải lật đọc từng trang sách cổ, dò hỏi người khác để biết cách làm thế nào con gái ông có thể kết hôn với con trai của một gia đình giầu sang quý phái. Mặc dù ông rất bận rộn, và mỗi ngày một bận rộn hơn, vì ông là một bác sĩ danh tiếng, nhưng ông tự mình quyết định những loại áo kimono mới của nàng, loại lụa và vải sa tanh thêu. Ông đòi Dục Thủy phải có mặt vì ông không muốn độc đoán, và vợ Ông cũng phải có mặt, cho đúng cách. Tuy họ có mặt, nhưng ông là người làm quyết định cuối cùng cho thích hợp với gia đình Mạc Sầu; ông biết rõ thói quen và phong cách của họ.
Ông cũng không đòi hỏi con gái một sự vâng lời mù quáng như tổ tiên của ông. Nếu nàng muốn, ông sẵn sàng cho nàng gặp Hòa Lang một cách không chính thức, tại nhà ông. Ông không cho phép nàng bị trông thấy đi với chàng ở nơi công cộng, cho tới khi hai người đã kết hôn, nhưng Hòa Lang có thể tới thăm nàng, vào lúc cả cha mẹ nàng có nhà. Như vậy vài lần trước đám cưới dự định vào giữa tháng Chín, Hoà Lang tới thăm Dục Thủy, sau khi thông báo trước ngày giờ thích hợp với gia đình Sơn Điền.
Bác sĩ và bà Sơn Điền bao giờ cũng tiếp chàng. Lần đầu ông bà hiện diện trong suốt buổi viếng thăm. Rồi ông bà thấy Dục Thủy nói quá ít. Nàng chỉ hơi cúi đầu mỗi khi Hòa Lang nói, chỉ lẩm bẩm mấy chữ "Phải" hoặc "Không" trước mỗi câu hỏi của chàng, và nàng không có nhận xét gì thêm.
Đêm đó vào phòng riêng, bác sĩ Sơn Điền hỏi vợ. "Chúng ta có nên để hai đứa ngồi riêng một mình không?"
Bà Sơn Điền đề nghị, "Dẫu sao chúng ta đã từng ở Hoa Kỳ nhiều năm rồi."
Ông bực mình cãi lại. "Bây giờ chúng ta ở Nhật Bản." Ông không muốn bất cứ cái gì giống như bên California. Nhiều lần ông đã nhắc nhở bạn bè và gia đình về việc tập trung người Nhật tại Hoa Kỳ, và ông sẽ tiếp tục nhắc nhở thế, mặc dù những trại tập trung đã đóng cửa và người Nhật lại trải ra khắp nơi ở Hoa Kỳ mà không bị khó khăn gì.
Bà Sơn Điền nói, "Dục Thủy nhớ Hoa Kỳ. Nó có thể lấy làm lạ tại sao nó không thể nói chuyện riêng một mình với người đàn ông nó sắp lấy làm chồng."
Bởi vậy trong lần viếng thăm kế tiếp của Hoà Lang, sau vài phút nói chuyện về thời tiết, viễn ảnh hoa nhài năm nay, bác sĩ Sơn Diền và bà vợ rút lui. Khi hai người đi rồi, Hòa Lang khẽ cười và quay nhìn Dục Thủy với niềm vui hớn hở. chàng nói bằng giọng trầm dịu dàng, "Ba cô thực là đặc biệt."
Dục Thủy hỏi, "Tại sao ba tôi đặc biệt đối với anh?"
"Ba cô Nhật Bản hơn chúng ta, vậy mà ba cô không biết ông có một cái gì không bao giờ có thể là Nhật Bản được, mặc dù cố gắng thế nào. Hoa Kỳ đã đóng dấu ấn vào ông ta rồi."
Dục Thủy trả lời, "Tôi sợ rằng tôi cũng bị đóng dấu ấn nữa."
Hòa Lang đồng ý. "Phải, cả cô nữa, nhưng nếu thế thì tôi lại thích người Mỹ."
Dục Thủy hỏi một cách nghi ngờ. "Ngay cả những người ở đây dưới sự chiếm đóng của quân đội Mỹ cũng bị đóng dấu ấn?"
"Ngay cả người Mỹ cũng vậy. Không phải bao giờ tôi cũng thích những gì họ làm, và thường khi tôi tội nghiệp cho họ. Nhiệm vụ của họ quá lớn."
"Nhiệm vụ của họ là gì?"
Hòa Lang lại cười. “Nhiệm vụ ấy là làm chúng ta thành người Mỹ. Một điều không thể thực hiện được!"
Dục Thủy đề nghị. "Tuy thế họ có thể thay đổi chúng tạ"
Hòa Lang đồng ý. "Phải, một số người chúng tạ"
Dục Thủy hỏi, "Anh nói thế có nghĩa là sau khi người Mỹ đi rồi, mọi thứ lại giống như hồi trước chiến tranh hay sao?"
Hoà Lang trả lời, "Thoạt đầu nó sẽ hơn thế nữa. Chúng ta sẽ cố gắng trở lại với Nhật Bản mãnh liệt hơn nữa, trước hết là tìm cái linh hồn cổ, linh hồn riêng của chúng tạ Rồi sau một vài thế hệ, có lẽ chúng ta thay đổi nữa. Chúng ta sẽ xét lại, chấp nhận một phần cái mà chúng ta bác bỏ. Phải năm mươi năm nữa chúng ta mới biết chúng ta sẽ như thế nào. Vào lúc ấy thì ai biết thế giới sẽ ra sao?"
Dục Thủy lắng nghe. Hòa Lang nói chuyện rất hay, trầm tư mà không có cái vẻ ngạo mạn của cha nàng.
Nàng dò hỏi, "Anh không sợ thế?"
"Tại sao tôi sợ? Tôi thuộc về một gia đình cổ, bảo thủ như cô đã biết. Chúng tôi sẽ thành công trong cái giai đoạn bảo thủ sắp tới. Những người tôi tội nghiệp là hàng ngàn trẻ con hiện đang sống trong các viện mồ côi, bố là người Mỹ, mẹ người Nhật, và do đó trở thành trẻ mồ côi.”
Thực lạ lùng nàng chưa hề nghĩ tới những đứa trẻ này! Nếu nàng cho phép James Peterson, nếu chàng yêu cầu kết hôn với nàng, con của hai người sẽ là những đứa trẻ như thế. Liệu chàng hay nàng có bỏ con cái không? Không, họ không thể làm một việc như thế!
Hòa Lang nói tiếp bằng cái giọng tội nghiệp. "Những đứa trẻ tội nghiệp. Tốt hơn là chúng đừng bao giờ sinh ra đời."
Bỗng nàng ao ước được nói cho Hòa Lang mọi ý nghĩ của nàng. Chàng quá tử tế, và đó là một phần thiện tâm của chàng. Nàng có thể tưởng tượng chàng ngồi nghe với lòng trắc ẩn, ngay cả với lòng thông cảm, chuyện xảy ra giữa nàng và James Peterson. Nàng có nên kể cho chàng biết, vì nàng sẽ là vợ chàng không? Nàng nhìn chàng, không biết rằng ý nghĩ ấy hiện sáng lên mặt nàng.
Chàng mỉm cười. "Cô có chuyện gì thế? Cô muốn hỏi điều gì, phải không?"
Nàng giật mình. "Tại sao anh biết?"
"Mặt cô rất cởi mở. Tôi hầu như đọc được điều cô đang nghĩ."
"Tôi đang suy nghĩ hả?" Nàng lưỡng lự, không biết đây có phải là lúc không, nhưng quả thực nàng nên kể cho chàng biết để không có một bí mật nào giữa hai người.
Chàng gợi ý, "Cô đang tự hỏi tôi là một người như thế nào, phải không?"
Thế là nàng tránh né chàng. "Có phải mọi đàn bà đều hỏi câu ấy?"
"Phải, tôi chắc thế."
Hai người đang quỳ gối kiểu Nhật Bản. Chàng lùi xa nàng đôi chút khiến nàng cảm thấy dễ chịu. Hòa Lang không bao giờ đụng chạm tới người nàng trước khi hai người kết hôn. Tuy thế chàng đã nói với bác sĩ Sơn Điền chàng tin rằng hai người có thể biết nhau bằng cách nói chuyện.
Hòa Lang suy nghĩ, rồi chàng nói, "Tôi tin tôi không phức tạp lắm. Những năm bị bắt buộc làm lính đã làm tôi bây giờ hoàn toàn trái ngược với những gì người ta dậy tôi. Bây giờ tôi không thể giết được bất cứ gì. Cô không nên hy vọng tôi giết ngay cả những con chuột. Tôi để mặc chúng chạy quanh nhà. Tôi đã từng nghe tiếng la hét khàn đặc của các sĩ quan đến nỗi có lúc tôi cảm thấy tôi nên nói nhẹ như một tiếng thì thầm trong suốt đời tôi. Tôi đã chứng kiến nhiều người bị đấm đá trừng phạt chỉ vì một lỗi lầm nhỏ, và vì thế xin đừng nghĩ tôi sẽ có bao giờ đánh đập một đứa trẻ. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tàn ác đến nỗi tôi chỉ có thể sống bằng lòng nhân hậu của tôi. Người ta có thể cho thế là yếu đuối. Tuy thế trong lúc tôi biết rằng chính tôi có thể kháng cự lại chất độc của sự tàn ác, nó giống như một căn bệnh hiểm nghèo, tôi hy vọng có những người khác như tôi, và một ngày nào đó không còn sự tàn ác nữa."
Nàng chưa bao giờ nghe chàng nói lâu và nghiêm trọng như thế, và nàng biết ơn chàng. Nàng biết rằng chàng làm thế để có thể tự bộc lộ con người chàng, như là bổn phận của chàng đối với nàng. Nhưng chàng không biết trả lời đúng câu hỏi của nàng. Vì lòng nhân hậu, nàng muốn nói cho chàng biết tình yêu của nàng cho một người đàn ông khác, chàng có thể nghĩ rằng nàng thoa? mãn với tình yêu ấy, hoặc ít nhất chàng sẽ rút lui cho đến khi nàng quên người đàn ông ấy, hoặc thay đổi. Chắc chắn nàng sẽ quên và thay đổi. Nàng không muốn chờ đợi. Nàng muốn lấy chồng, bởi vì hôn nhân sẽ làm trí óc nàng bận rộn.
Nàng nói, "Cám ơn anh đã nói với tôi những gì anh vừa nói. Tôi kính trọng anh, anh Hoà Lang Mạc Sầu ạ. Tôi nghĩ lòng nhân hậu là đức tính lớn nhất của con người. Tôi hy vọng tôi cũng là người nhân hậu."
Đến đây nàng tự cho phép nhìn chàng với một cái gì mà nàng cảm thấy như bình minh của tình yêu. Từ nhiều thế kỷ, hôn nhân tại Nhật Bản không có tình yêu. Lòng kính trọng và quý mến nhau là đủ rồi. Ñt nhất, tổ tiên nàng quan niệm như thế.
Chàng đáp lại nàng bằng một cái cúi đầu thân mật. Đến đây chấm dứt lần gặp gỡ thứ hai.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT