1.

Hòe là người đầu tiên cho Hai Long biết có những dư luận xấu đang nhằm vào anh. Thoạt đầu, anh nghe xong chỉ mỉm cười. Anh cho rằng trong một đôi chuyện mình bị hiểu lầm, và mình đã trở thành đối tượng ganh ghét của một số người. Dư luận sẽ tan đi khi người nghe tìm hiểu thấy đó không phải là sự thật. Mình cần tỏ ra tự tin, không quan tâm tới những dư luận không chính đáng dù có phương hại tới uy tín của mình.

Những dư luận này lúc đầu còn lác đác, rỉ rả, nhưng mỗi ngày càng rộ lên thành những luồng gió độc vây bọc lấy anh. Nó thêu dệt cho anh một hình ảnh mới trái ngược với hình ảnh của anh trước con mắt mọt người. Nó bám lấy một vài sự thật rồi từ đó xuyên tạc, bóp méo đi thành những điều phản lại anh. Mỗi ngày nó lại được nâng lên thêm, do đó càng xa sự thật. Nó thường mâu thuẫn nhau và trở nên rất phi lý. Nhưng nó lại rất hấp dẫn với những người nhẹ dạ, cả tin, họ coi đó là những "khám phá" về một con người được họ quan tâm và có cảm tình. Điều nguy hiểm là những dư luận này không bao giờ được làm sáng tỏ. Trong nhiều chuyện anh không bị kết tội, nhưng anh không còn giữ được bộ mặt tinh thần của mình.

Theo lời đồn đại: Hai Long là con hoang ở Viện trẻ mồ côi. Hai Long đã đi tu học tới năm chức, sắp ra làm linh mục, nhưng vì mê dì phước ở Pháp nên bị đuổi khỏi tu viện... Hai Long đã có vợ đầm, với hai con, bị Pháp trục xuất về nước... Hai Long là nhân viên tình báo quân đội Mỹ OSS trước đây... Hai Long là lê dương, là nhân viên Phòng nhì của Pháp, cài vào bên cha Hoàng... Hai Long là sĩ quan biệt kích của CIA phóng ra miền Bắc, bị Cộng sản mua chuộc, vừa ném trở lại miền Nam... Hai Long là người của Nguyễn Cao Kỳ cài vào bên Thiệu để phá Thiệu... Hai Long là người của cha Hoàng bị Thiệu mua chuộc để phá cha Hoàng...!

Đó là những điều đã tới tai Hai Long. Những người cho anh biết dư luận này hoặc là có thiện chí muốn bảo vệ anh, hoặc là muốn mang câu chuyện làm quà để nhờ vả, và cũng không thiếu kẻ muốn mượn dư luận này để gây sức ép đối với anh. Cũng may, chưa có điều gì đụng tới thời kỳ anh bị bắt ở trại Tòa Khâm, hay những chuyện dính dáng tới gái, tiền, địa vị...

Hai Long thường lắng nghe một cách bình tĩnh, không vội vàng thanh minh, và suy nghĩ xem những dư luận này xuất phát từ đâu. Anh nhận thấy nó có thể bắt nguồn từ nhiều nơi. Đầu tiên là từ những bộ hạ thân tín của cha Hoàng và những kẻ đang chống phá ông. Rồi tới những tay chân của Thiệu và những kẻ đang rình rập lật đổ Thiệu. Sau đó là những thế lực tôn giáo chống đối nhau, thân chính quyền hay đối lập với chính quyền, những kẻ thân Pháp, thân Mỹ hoặc là tay sai của những tổ chức tình báo Pháp và Mỹ.

Anh lo ngại vì nó ngược lại với điều mình mong muốn, bỗng nhiên chuốc lấy quá nhiều kẻ chống đối, chủ yếu bắt nguồn từ lòng đố kỵ, ganh ghét. Anh đã bị quá nhiều người chú ý bàn tán, một điều tối kỵ đối với nhiệm vụ của anh. Nhưng trước mắt, anh tiếp tục giữ im lặng. Mỗi khi nghe kể những điều này, anh chỉ mỉm cười rồi lảng qua chuyện khác. Phải có thời gian và cơ hội mới giải quyết được dư luận. Anh càng cải chính, càng kích thích bọn chúng bịa đặt những chuyện mới để bôi nhọ thêm anh. Cơn gió mạnh sẽ thổi qua không trở thành cơn lốc nếu nó không gặp sức cản.

Nhưng luồng dư luận độc địa này có thể quật ngã anh nếu như không sớm chặn nó ở những nơi anh đang đứng chân.

Anh thuật lại với Thiệu những dư luận đang nhằm vào mình, đánh giá đó là một áp lực ghê gớm nhằm tách anh ra khỏi Thiệu, và tách Thiệu ra khỏi khối Thiên chúa giáo.

Hai Long nói:

- Tôi phân vân nhiều trước khi vào Phủ tổng thống, chính vì lo ngại những dư luận xấu có hại cho anh cũng như cho tôi. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu mình giữ được tấm lòng trong sạch, ngay thẳng, không mảy may có tham vọng cá nhân, thì kẻ xấu không dựa vào đâu để xuyên tạc mình. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu không hẳn như vậy.

Thiệu an ủi:

- Làm chánh trị tránh sao khỏi kẻ ưa người ghét! Cứ thây kệ, mặc cho chó sủa, ta vẫn đàng ta, ta đi!

- Tôi muốn thời gian trước mắt, hãy thưa vào dinh, bớt gần gụi anh, cho dư luận này qua đi. Dù có ít vào dinh, tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ anh mọi việc như hiện thời.

Thiệu hăng hái:

- Thường anh nói chi tôi cũng nghe, nhưng ý kiến vừa rồi thì tôi không chịu. Kẻ thù của chúng ta đang nhằm chia rẽ tôi và anh, giờ mình rụt lại, là chúng thắng. Mình sẽ tìm ra những đứa tung dư luận, trị thẳng cánh làm gương cho những đứa khác. Anh cứ ở hẳn đây, mối thân tình giữa chúng ta càng keo sơn hơn xưa, thì mọi cái miệng sẽ câm như hến.

- Điều tôi lo ngại là dư luận này lại có ngay trong một đôi người thân cận của anh, e lâu ngày sẽ dẫn tới sự hiểu lầm giữa chúng ta?

- Làm sao lại có sự hiểu lầm? Tôi ít tin người lắm! Không khi nào tôi tin vào lời nói suông. Kẻ nào xúc xiểm, tôi biết liền. Anh cho tôi hay đứa nói bậy? Tôi cắt chức, đuổi khỏi dinh ngay. Hắn phá anh là phá chính tôi!

- Chỉ cần anh nghĩ như vậy là đủ. Anh luôn gần gụi, hỏi han tôi, gây nên sự đố kỵ, ghen ghét cũng là thường tình. Có thêm chuyện gì thật gay cấn, tôi sẽ trình với anh. Ta bỏ qua chuyện đó vì còn bao việc lớn phải lo...

Hai Long vào Bình An, kể với cha Hoàng toàn bộ những dư luận, và thuật lại cuộc nói chuyện giữa anh với Thiệu.

Cha Hoàng phẫn nộ:

- Sao không chỉ thẳng mặt mấy thằng cho Thiệu trị đi? Đi với ma phái mặc áo giấy! Ở đây, cũng có đôi ba đứa nói nhăng nói cuội, mình đã trị cho rồi. Mình bảo thẳng, mấy ngày Việt Minh tràn ngập xứ đạo, các anh đi đâu ráo, chỉ có mình Hai Nhã là lặn ngòi ngoi nước đi tìm cha. Đừng có nghe kẻ xấu đặt điều bôi nhọ người ta! Anh nào muốn giữ tình cảm cha con, thấy đứa nào nói xấu Hai Nhã thì phải khớp miệng nó lại!

Rồi ông an ủi:

- Chúa Giê-su còn bị vu khống, xỉ vả, còn có kẻ thù ghét huống chi mình! Trò đời như vậy, bận tâm làm chi!

Khâm sứ Palmas ngồi nhìn Hai Long với cặp mắt thương cảm. Ông không hỏi lại, vì không muốn nghe thêm lời những kẻ đặt điều. Ông vỗ về Hai Long:

- Cha đã biết tình hình chính trường Sài Gòn rất gay go, phức tạp, đầy rẫy những cạm bẫy. Đưa con vô đó là bắt con gánh chịu vô vàn thử thách. Con đã có tinh thần tử vì đạo, lẽ nào không bỏ qua được những lời thị phi? Con đã trở thành vệ sĩ của Tòa thánh, Tòa thánh lúc nào cũng ở bên con. Thử thách với con sẽ còn nhiều, không phải chỉ từng này. Hãy giữ vững đức tin! Chúa luôn luôn ở bên con.

Những chức vị mà anh định dùng làm chiếc lá chắn, đã trở thành cột thu lôi hút mọi sấm sét. Nhưng anh đã nối dược một đường dây tiếp đất để giữ an toàn cho mình.

2.

Vai trò một nhà chân tu thánh thiện thật ra không phù hợp với công việc của anh ở dinh Độc Lập. Thiệu không cần người thuyết giảng giáo lý và đạo đức. Để tạo cho Thiệu bộ mặt một tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo như cố tổng thống Diệm, Thiệu đã có cha Nhuận hàng ngày ra vào dinh và nhà nguyện trên lầu 4. Thiệu cần ở Hai Long những thế lực chính trị dựa vào Mỹ và Vatican, một mưu sĩ sắc sảo giúp cho y đạt được những mưu đồ, tham vọng của mình. Anh sẽ không thể tâm đầu ý hợp với Thiệu nếu chỉ giải quyết mọi vấn đề dựa trên cơ sở đạo lý. Như vậy, anh sẽ trở nên lạc lõng giữa môi trường này.

Hàng ngày, Hai Long bị bao vây ở khắp nơi vì những người tìm anh nhờ vả. Thiệu đang gấp rút củng cố bộ máy chính quyền. Hương giúp Thiệu thực hiện ý đồ một cách đắc lực. Kỳ rất hậm hực, nhưng trước mắt đành thúc thủ vì Thiệu đã thu tóm được quyền lực trong tay. Nhiều người thấy đây là thời cơ tốt để giành giật lấy một địa vị trong chính quyền. Họ nhờ người môi giới, viết thư xin gặp Hai Long. Đúng là anh đang ở vào cái thế có thể giúp đỡ được cho nhiều người. Anh không thể từ chối những cuộc tiếp xúc. Trong những cuộc gặp, trước thái độ nghiêm chỉnh của anh, không có chuyện trả giá trắng trợn, nhưng ai cũng nhắc tới sự biết ơn hoặc trả ơn. Hai Long hào hiệp giúp đỡ mọi người mà không nhận trả ơn. Những chức vụ bộ trưởng, tỉnh trưởng, quận trưởng ở những quận quan trọng tại Sài Gòn thường được tính bằng nhiều cây vàng. Không ai dám phớt lờ khi đã toại nguyện. Hai Long đẩy họ tới gặp vợ Thiệu. Bà tổng thống, dân Mỹ Tho, hiền dịu, thu nhận tất cả, không bao giờ nói là quá nhiều. Người được giúp đỡ biết ơn anh, và vợ Thiệu càng quý mến, trọng nể anh hơn.

Hai Long vừa dựng xe trước cửa tiệm phở ở đường Pasteur định vào ăn điểm tâm buổi sáng thì Hòe từ bên trong chạy ra.

- Anh Hai linh quá, vừa nhắc tới anh xong. Có một vị luật sư, dân biểu, nói là bà con, đang muốn được gặp anh Hai. Ảnh ở trỏng.

- Bà con với tôi ư?

- Dạ. Luật sư Trịnh Ngọc Tường. Ảnh cũng nói chưa gặp anh bao giờ. Anh vô cùng ăn sáng với ảnh luôn.

Một thoáng gợn trong tình cảm của anh. Luật sư Tường là chồng của Tú Uyên. Chị đã nói tới tên của chồng mình khi gặp cha Hoàng ở Đà Lạt. Từ ngày đó, anh đã cố tình không gặp lại Tú Uyên. Nhiều lần, anh đi ngang ngôi nhà vuông vức quét vôi màu vàng, nơi ở của vợ chồng chị. Những cánh cửa sổ màu xanh trên lầu ba thường hay mở rộng như mời đón anh. Anh phải kiên quyết gạt bỏ ý muốn vào thăm chị. Cuộc đời họ từ lâu đã chia thành đôi ngả quá xa nhau. Chỉ cần giữ lại ở nhau một vài kỷ niệm đẹp. Không nên vớt vát gì thêm. Mối quan hệ với chị có thể dẫn tới những điều bất lợi cho công tác của anh hiện nay. Nhưng vẫn không tránh khỏi. Chắc chị vẫn thường xuyên theo dõi anh. Anh đã nổi cộm lên trên chính trường Sài Gòn từ ngày Thiệu cầm quyền. Chị hẳn đã kể chuyện với chồng mình về anh.

Hai Long giữ thái độ tự nhiên khi bước vào quán. Anh nảy ra ý tò mò muốn biết chồng Tú Uyên là người như thế nào. Đó là một người cao lớn, vóc đáng thô, diện một chiếc áo nịt bó sát người, đi dôi giày vải thể thao. Trông anh có vẻ như những nhà trưởng giả thích xuất hiện trên sân quần vợt, nhưng không bao giờ có được một đường ban hay. Chiếc đồng hồ vàng đắt tiền trên cổ tay rất to xương, gợi Hai Long nhớ tới cổ tay Spellman, khi ông tháo chiếc Boulevard trao cho mình. Bàn tay nhỏ bé của anh lọt trong bàn tay to lớn của ông luật sư. Anh hơi ngỡ ngàng vì Tú Uyên đã lựa chọn một người có hình dáng trái ngược với mình.

Tường mừng rỡ hồ hởi:

- Hên quá chừng! Ai ngờ vừa nhắc tới anh thì anh xuất hiện ngay. Biết xưng hô thế nào cho phải đây... - Tường quay sang Hòe - Anh Hai đây là thầy học của bà nhà tôi.

- Anh đừng bận tâm về chuyện đó. Tôi chỉ là người kèm chị Uyên học thi một thời gian thôi.

Trong khi ăn, Tường nói:

- Nhiều lần định mời anh Hai tới nhà chơi, nhưng bà xã nhà em gạt đi, biểu "Đừng thấy người sang bắt quàng làm họ!". Sau đây, mời quý anh đi dùng cà phê, em hầu chuyện một lát được không?

Hai Long nhận lời. Anh cần biết vì sao chồng Tú Uyên muốn gặp mình.

Tường chọn một Snack bar vắng người, mời Hai Long và Hòe vào. Biết Tường muốn nói chuyện riêng với Hai Long, Hòe viện cớ cần vào dinh ngay để làm việc, kiếu từ.

Tường kêu hai phin cà phê, một hộp thuốc lá Craven A, ra dấu cho nhà hàng giảm bớt âm thanh tiếng nhạc chát xình ồn ào, rồi chuyện trò với Hai Long một cách cởi mở.

- Không biết ngày còn nhỏ tuổi, tánh tình bà xã em ra sao, nhưng ở với nhau nhiều năm rồi, em thấy tánh nết bả rất kỳ! Hồi em ra tranh cử nghị viện, bả phản đối kịch liệt. Anh Hai có ngờ rằng mới vài tháng gần đây bả mới nói anh Hai đã dậy bả học, và đã sống hàng năm ở nhà ông già vợ em! Đó cũng là do tình cờ một hôm, cha Hoàng hỏi em: "Vợ thầy ngày xưa là học trò của Hai Nhã à?". Khi đó em hỏi, bả mới chịu nói. Bao nhiêu người chẳng quen thuộc chi, còn chạy tới cầu cạnh, huống hồ anh Hai là người nhà!

Hai Long hiểu Tường cần mình để nhờ vả công việc. Anh có thể giúp đỡ mọi người, thì sao lại không giúp cho người là chồng của Tú Uyên. Anh mỉm cười nói:

- Ngày đó em Uyên còn ít tuổi, cá tính chưa bộc lộ rõ. Tôi chỉ nhận thấy cô thông minh, nhận thức nhanh, khi có điều gì không bằng lòng chỉ lặng thinh không nói.

- Chà, đúng vậy đó, anh Hai.

Tường chuyển sang chuyện thời sự:

- Từ hồi anh Hai vô dinh, thế ông Thiệu ngày càng vững như bàn thạch. Biết dựa vào anh Hai, người ta khen ông Thiệu là tổng thống khôn ngoan nhất từ xưa tới nay. Ai cũng nói tướng Khánh khờ, nếu biết làm như tướng Thiệu thì đâu tới nỗi phải đi tha phương...

Tường tán dương anh một hồi, ca ngợi anh là bộ óc của Việt Nam cộng hòa. Rồi Tường quay sang chê bai những người khác:

- Thay ông Lộc thì phải rồi, nhưng em thấy đưa già Hương trở lại vẫn chưa hay. Già Hương quá yếu! Thuần túy là một tay thơ lại, bắt đầu lẩm cẩm, giúp quý anh được việc chi? Đa số các ông bộ trưởng, tổng trưởng cũng chưa đảm đương được vai trò...

Tường kể tên một loạt người, nếu không chê là tham nhũng, nhiều tai tiếng thì cũng chê là dốt nát, bất lực.

Hai Long nói:

- Mọi chuyện không thể làm xong một sớm một chiều. Nhưng điều anh vừa cho biết rất có ích cho tôi.

- Dạ, dạ..., em biết, nhưng cần nói thì cứ nói: Em biết anh Hai đang giúp ông Thiệu sắp xếp lại bộ máy. Phải củng cố nhanh anh à. Bọn chống phá còn nhiều. Chánh sách dùng người của Mỹ dở lắm, họ chia để trị. Bọn hoạt đầu rất nhiều. Ông Nhu ngày trước dựa rất chắc vào Công giáo ta. Ông Thiệu chưa làm được việc đó! Phải có người ruột ở những nơi quan trọng. Anh Hai thấy nơi nào cần, em xin giúp anh hết mình.

- Cảm ơn anh. Trong công việc phải biết dựa vào nhau. Anh xem nơi nào có công việc gì thích hợp, cho tôi biết để tôi lo.

- Dạ... thưa thiệt với anh Hai, em đã là một người con hư của phía bên kia. Em tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu tiên. Cách mạng trọng đãi em, nhưng rồi em tiếc cái bằng cử nhân luật khoa, bỏ vô thành. Nếu cách mạng thắng, kéo vô đây, người ta tội một, em tội mười!... Bữa mô mời anh Hai qua chơi với vợ chồng em. Anh nhớ "phôn" cho chúng em biết trước.

Tường đưa cho Hai Long một tấm danh thiếp.

Hai Long linh cảm thấy Tường biết nhiều hơn anh tưởng, ngoài mối quan hệ thầy trò giữa anh với Tú Uyên.

3.

Tối hôm trước, sau khi làm việc khuya với Thiệu, Hai Long ở lại Phủ tổng thống. Buổi sáng, anh vừa thay quần áo xong thì nghe tiếng chuông réo kèm theo tiếng gõ cửa rất gấp.

Anh ra mở cửa, không hiểu có chuyện gì.

Thiệu đứng trước cửa, vẻ mặt hớt hải:

- Anh cho cô này vô phòng anh ngồi chơi một lát! Bà xã tôi đang rượt theo kiếm tôi.

Không đợi Hai Long trả lời, Thiệu đẩy vô phòng anh một cô gái. Đó là một nhân viên điện thoại của Phủ tổng thống.

Cô gái có thân hình phát triển, khỏe mạnh và mềm mại như một diễn viên xiếc. Dấu vết cuộc truy hoan còn hiện trên bộ mặt phấn son lợt lạt. Cô gái nhìn quanh căn phòng trống trải, đôi mắt bạc đi vì không biết ẩn náu vào đâu.

- Ngài cố vấn, cứu em với!

Hai Long quay ra gài chốt cửa rồi kéo tấm màn màu nghệ che toàn bộ ô kính.

Anh nói:

- Cô vô toa-lét trang điểm lại đi, rồi ra ngồi ở xa-lông, cứ bình tĩnh.

- Lỡ bả vô đây thì sao? Ngài cố vấn, ngài thương em!

- Tôi như người tu hành, phụ nữ không vô phòng tôi bao giờ. Bà Thiệu cũng vậy. Nếu có người tới kiếm tôi thì cô tạm lánh vô toa-lét chút xíu rồi ra ngay.

- Ông Sáu nài nỉ em quá! Bả biết thì em bị đuổi mất!

Thiệu vốn nổi tiếng về "hảo ngọt". Y có thể làm tình ở bất cứ nơi nào, kể cả lúc đang đi trên xe hơi. Bạn bè đã đặt cho Thiệu biệt hiệu là "Ép Em Đầu Bạc"[1]. Cô gái trực máy đêm qua, đang chờ người tới thay phiên. Thiệu xuống nơi làm việc sớm, kéo cô vào phòng. Không hiểu sao vợ Thiệu biết, xuống tìm, Thiệu bí quá, đẩy cô gái vào phòng Hai Long. Người ta nói, vợ Thiệu biết tính chồng, đã bí mật đặt camera theo dõi phòng nơi Thiệu làm việc.

Lát có tiếng gõ cửa. Hai Long vẫy tay cho cô gái lánh vào toa-lét. Anh tự hỏi, mình sẽ đối phó ra sao nếu đây lại là một âm mưu nhằm bôi nhọ mình?

Vẫn là Thiệu đứng trước cửa, vẻ mặt cầu khẩn:

- Anh qua phòng tôi một lát. Bả đang lu loa ở bên đó. Nhân viên Phủ tổng thống sắp tới rồi!

- Anh tạm lánh mặt đi đâu đó, để mình tôi nói chuyện với chị.

Thiệu biến ngay xuống cầu thang.

Trong phòng của Thiệu, vợ Thiệu đang ngồi gục đầu trên bàn nức nở.

- Chị Sáu! Chị Sáu!

Nghe rõ tiếng Hai Long, vợ Thiệu mới ngẩng đầu lên, tóc dính bết trên mặt vì nước mắt. Chị ta còn bận đồ ngủ và chưa kịp trang điểm. Vợ Thiệu gào lên:

- Ông giáo ơi? Cha ơi?

Hai Long chắp chéo hai bàn tay, giơ cao trước ngực:

- Chị cần bình tâm. Có chuyện chi giữa vợ chồng, anh chị nên giải quyết sau với nhau trong nhà. Nhân viên sắp tới cả rồi.

Vợ Thiệu vẫn ngồi lỳ như không còn thiết gì mọi chuyện. Hai Long tiếp tục khuyên giải:

- Tôi biết chị lo lắng ngày đêm cho công việc của anh. Người chống đối, đố kỵ với anh không thiếu, họ chỉ chờ anh có một chút sơ hở nhỏ là sẻ phá ngay. Chị nên hết sức tỉnh táo, không mắc vào âm mưu của họ. Nếu để việc này đổ bể ra, thì không chỉ khó khăn cho anh Thiệu, mà cả cha Nhuận và tôi cũng khó tiếp tục lui tới Phủ tổng thống.

Vợ Thiệu lấy khăn chùi mắt rồi đứng dậy.

- Không có âm mưu của ai trong chuyện này đâu, ông giáo à. Em khổ sở vì ảnh nhiều lần lằm rồi. Em chỉ muốn chết cho rảnh thôi.

Vợ Thiệu nghiêng người lảo đảo rời khỏi nơi làm việc của chồng.

Hai Long quay về phòng mình bảo cô gái biến cho nhanh, rồi đi tìm Thiệu.

Thiệu đứng ở cửa dinh, nhìn thấy Hai Long xuống cầu thang, rảo bước quay vào.

- Tạm yên! Chị đã lên trên nhà. Tôi cho cô gái đi rồi.

Thiệu hoàn hồn, mỉm cười, ghé tai Hai Long:

- Con nhỏ khoái tôi quá anh à. Nó nhào đại vô phòng tôi. Vui chơi chốc lát thôi, chớ tôi mê ai hơn mê bả! Không có anh hôm nay, bả sẽ ngồi lỳ ở phòng làm việc của tôi.

- Anh còn rầy rà với chị về chuyện này. Tôi chỉ mới khuyên được chị ấy phải giữ uy tín cho anh ở nơi làm việc.

- Anh đừng nói cho các cha hay. Thằng Kỳ còn quá xá hơn tôi. Bữa trước, ông nội nói xạo với vợ đi Cần Thơ, rồi kéo bồ bay ra Nha Trang, bà Mai bắt cả một phi đội trực thăng rượt theo đánh ghen đó!

- Anh yên tâm. Vừa rồi tôi cho cô gái vô phòng, có xảy ra chuyện chi thì tôi sẵn sàng gánh chịu, chứ không để anh phải chịu đâu!

Thiệu gọi xe vào làm việc trong Bộ Tổng tham mưu, lánh mặt ở phủ tổng thống ngày hôm đó.

Buổi chiều, vợ Thiệu cho người xuống mời Hai Long lên nhà. Chị ta kể những chuyện trăng hoa của Thiệu từ trước tới nay, nói mình không thể sống chung với Thiệu được nữa, và cho hay ngày hôm sau sẽ bay đi Thụy Sĩ. Hai Long khuyên ngăn hồi lâu, nhưng vợ Thiệu không chuyển. Chị ta nhờ Hai Long trông nom, theo dõi Thiệu, và hẹn chỉ trở về khi nào nhận được điện của chính anh.

Thiệu ở Bộ Tổng tham mưu về thì vợ đã đi. Y rầu rĩ nhiều ngày và liên tiếp gởi điện tín khuyên vợ quay trở về. Hai Long nhận thấy rõ y rất yêu vợ. Nhưng cô gái điện thoại viên có thân hình hấp dẫn, lại vẫn thường xuyên ra vào phòng. Và "Ép Em Đầu Bạc" không phải chỉ có một cô gái này trong khi vợ vắng nhà.

Anh quyết định để mặc Thiệu tiếp tục gửi cho vợ những lá thư và những bức điện vô ích.

4.

Hòe vào phòng, cầm trong tay tờ báo Tự Do.

- Sáng nay, tôi gặp luật sư Tường ở Pasteur, ảnh đưa tôi tờ báo này, bảo nên chuyển cho anh xem. Bọn chúng bắt đầu dùng tới báo chí công khai bôi nhọ anh.

Trong tờ báo có bài tố cáo Vũ Ngọc Nhạ - tức Hai Nhã, tức Hai Long, đã mạo nhận là đại diện cho cha Hoàng xứ đạo Bình An, lãnh hàng cứu trợ của bộ Xã hội cho giáo dân xứ Bình An trong chiến cuộc Tết Mậu Thân, đem bán bỏ túi mà không phát cho dân. Người viết bài nêu cả số căn cước của anh.

Hai Long đọc xong nói:

- Bọn bắn lén đã lộ diện, tuy mới chỉ là một tên. Mình sẽ nhân cơ hội này làm rõ để giải quyết những dư luận từ trước tới giờ.

- Luật sư Tường cũng nói, anh phải đưa ra luật pháp. Luật sư tình nguyện xin lãnh làm sáng tỏ vụ này.

- Để xem có cần tới mức đó không.

Hai Long vào Bình An gặp cha Hoàng.

- Vừa qua, cha có nghe nói chi về việc có người đại diện cho xứ đạo Bình An, lĩnh đồ cứu trợ trong chiến cuộc Tết Mậu Thân rồi bán lấy tiền bỏ túi không?

- Vụ đó giải quyết xong rồi. Hiểu lầm thôi, có gì đâu!

- Xin cha cho con biết rõ, vì mới đây lại có người thắc mắc.

- Bộ Xã hội và Tổng nha Cảnh sát cho người vào, mang theo một lá đơn tố cáo thầy đã nhận đồ cứu trợ của bộ Xã hội mà không chuyển về cho giáo dân. Mình bảo, phải coi lại, không thể có chuyện đó! Ở bộ Xã hội, có chữ thầy nhận đồ cứu trợ. Nhưng ở ủy ban tiếp nhận của trại Bình An, thì trong sổ chỉ ghi nhận đồ cứu trợ của tổ chức Viện trợ Công giáo quốc tế. Cho hỏi cơ quan Viện trợ Công giáo quốc tế, mới biết họ không gửi đồ cứu trợ cho ta, mà chỉ cho Bình An mượn xe để chở hàng. Coi số lượng trại đã nhận, thì thấy đúng là số lượng đồ cứu trợ thầy đã lãnh ở bộ Xã hội. Khi đó mới biết là trại Bình An ghi lộn...

- Bữa đó con nhận hàng cứu trợ của bộ Xã hội xong, thấy ở đó không có phương tiện vận chuyển, con phải chạy qua CARITAS mượn xe để đưa về Bình An cho nhanh. Chắc ở trại không xem kỹ giấy tờ, thấy xe của CARITAS nên tưởng lầm là hàng cứu trợ của cơ quan Viện trợ Công giáo quốc tế.

- Thế đó, mọi người rõ cả rồi, có chuyện gì đâu!

- Cha coi bài báo này.

Cha Hoàng đọc xong, ném tờ báo xuống đất:

- Chúng lại phá đây!

- Thưa cha, điều đáng buồn, đây là anh em trong nhà hại nhau, người ngoài làm sao biết chuyện này, lại biết cả số căn cước của con?

- Chúng không phá riêng thầy, mà phá cả mình, vì mình là cha chánh xứ, là trưởng trại! Giáo dân hay ủy ban cứu trợ muốn tố cáo điều gì, trước hết phải hỏi người chủ trì. Trước khi tố cáo đã không hỏi, vấn đề rõ ràng rồi, lại còn đưa lên báo bôi bác nhau! - Thưa cha, với giáo dân dù sao cũng là việc trong nhà, cha để đó có ý kiến sau. Nhưng báo chí đưa lên thành công luận, thì ta phải giải quyết sớm, nếu không sẽ hại tới uy tín của Bình An.

- Kiện hắn ra tòa!

- Con nghĩ trước hết, nên mời người phụ trách báo Tự Do tới đây, phê bình họ, bắt họ phải xin lỗi và cải chính trên báo, nếu họ không chịu, ta sẽ tính sẽ làm tới nơi. Con là người của Bình An, nhưng hiện thời còn là cố vấn của tổng thống, có liên quan tới nhiều tổ chức chính quyền cũng như tôn giáo. Mình sẽ làm cho họ thấy đây là một vụ mang tính chất chính trị.

Cha Hoàng lập tức cho người mời chủ báo Tự Do và người viết bài báo tới Bình An. Ông mắng nhiếc một hồi, rồi dọa sẽ làm to vụ này. Chủ báo và người viết nhận khuyết điểm thiếu điều tra trước khi đăng tải, hết lời xin lỗi và hứa sẽ thực hiện ngay tất cả những yêu cầu của cha chánh xứ.

Hai ngày sau, báo Tự Do đăng bài cải chính sự việc đã đưa, nói rõ nguyên nhân lầm lẫn, kết thúc với lời xin lỗi giáo sư Vũ Ngọc Nha, xứ đạo Bình An và độc giả.

Hai Long không dừng lại ở đó. Với những kẻ hám lợi, hám danh, hay ganh tị, kèn cựa, anh dùng ảnh hưởng của mình đối với Mỹ, Thiệu và cha Hoàng. Không những không trả thù, mà còn ban phát cho mỗi tên, mỗi phe nhóm chút ít quyền lợi, như giới thiệu vào bộ máy chính quyền, quân đội, đưa chúng ra thành lập đảng phái, đoàn thể để moi tiền trợ cấp của Mỹ... Chúng bắt đầu im miệng, tự nộp mình cho anh sai khiến, và quay lại chống phá, cấu xé lẫn nhau.

Đức Chúa lòng lành vô cùng, Đức Phật đại từ đại bi từ ngàn xưa tới nay vẫn gắn bó với đời không phải chỉ vì các ngài đã nêu những tấm gương đạo đức, thánh thiện. Rất nhiều vị thánh rất thánh đã bị con người quên lãng. Đức Chúa và Đức Phật còn gắn bó với đời vì còn nhiều người tin là nếu dốc lòng thờ phụng thì sẽ được ban thưởng những thứ mình cần cho cuộc sống, tai qua nạn khỏi, có được danh vọng, địa vị, tiền tài. Họ mang cách ứng xử vụ lợi giữa người đời tới cầu xin phước lộc. Họ không hề nghĩ rằng nếu chiều theo tất cả những lời cầu xin của họ thì thánh đâu còn là thánh! Con người đến với các ngài càng đông khi họ tưởng rằng tất cả những tội lỗi mình đã gây ra trên cõi đời, chỉ cần tới phủ phục dưới tượng, ảnh của các ngài, họ sẽ được gột sạch những bùn nhơ và những vết máu, trở thành trong trắng như lúc mới sinh.

Hai Long đã học được ở Chúa lòng tha thứ và sự ban phước lành cho tất cả mọi người, kể cả những kẻ ác.

---

[1] FM đầu bạc: tên một loại súng trung liên.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play