1.

Ngày 20-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên bố tình trạng thiết quân luật tại khắp Việt Nam cộng hòa, để lập lại trật tự an ninh và duy trì pháp luật; quân đội ở các nơi đều được lệnh cấm trại.

Buổi tối, cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu triệu tập tất cả cán bộ quân sự chỉ huy cao cấp ở Sài Gòn. Y nói về những cuộc biểu tình đấu tranh chính trị ở khắp các huyện lỵ, thị trấn miền Nam, do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam phát động, thu hút hàng triệu lượt người, và yêu cầu lực lượng quân đội phải tham gia đàn áp để chặn đứng lại. Nhu không hề đả động đến những cuộc biểu tình của Phật giáo ở Sài Gòn và các đô thị trong thời gian qua.

Lúc 1 giờ sáng ngày 21, trên đường phố Sài Gòn xanh biếc ánh đèn thủy ngân, về khuya vắng vẻ, bỗng ầm ầm xuất hiện hàng loạt xe quân sự chở đầy binh lính của lực lượng đặc biệt, cảnh sát và mật vụ tiến về những trung tâm lớn của phong trào Phật giáo như chùa Xá Lợi, Viện Hóa Đạo... Binh lính, cảnh sát, mật vụ từ trên xe nhảy xuống ào ào đổ vào khám xét, phá phách, tìm vũ khí. Nơi nào chúng cũng "tìm" ra được một số súng ngắn, vài quả lựu đạn (người ta nói là chính bọn chúng đã đem theo). Rồi chúng bắt tất cả những nhà sư, những Phật tử không kể bất cứ lý do nào có mặt ở trong chùa, dồn lên xe chở đi. Có những người chống lại không chịu để chúng bắt. Bọn chúng thẳng tay đàn áp. Số người bị thương lên tới vài chục.

Hòa thượng Thích Tịnh Khiết đứng đầu ủy ban liên phái Phật giáo miền Nam cùng nhiều nhà sư trong ủy ban đều bị bắt. Riêng thượng tọa Thích Trí Quang cùng với hai nhà sư khác vừa thấy động, kịp thời trốn khỏi chùa, chạy tới sứ quán Mỹ xin cư trú.

Những cuộc bắt bớ như trên cũng diễn ra tại Huế, Đà Nẵng và một số thành phố khác, những nơi thời gian qua đã có những cuộc đấu tranh của phong trào Phật giáo chống Diệm.

Lúc 5 giờ sáng ngày 21, những người đứng đầu các bộ máy trong chính quyền ngụy và các tướng lĩnh chỉ huy quân sự ở Sài Gòn được mời tới dinh tổng thống. Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu, mặt mũi xanh xao, môi tím sẫm, thông báo cho họ biết về chiến dịch toàn quốc do tổng thống phát động, nhằm bắt giữ những người của Phật giáo đã cầm đầu những vụ gây rối trong hơn một tháng qua.

Trên lãnh thổ Việt Nam cộng hòa có 1.400 sư sãi và Phật tử bị bắt. Một số mất tích.

Tình trạng thiết quân luật sau đó vẫn được giữ nguyên trên khắp miền Nam. Nhiều người đã hiểu rằng lệnh thiết quân luật không phải được ban hành nhằm chống những cuộc biểu tình do Mặt trận Giải phóng lãnh đạo, mà chỉ là một mẹo của Ngô Đình Nhu, nhằm tách quân đội ra để không gây cản trở cho chiến dịch càn quét những người cấm dầu Phật giáo.

Phong trào chống Diệm đàn áp Phật giáo lắng hẳn xuống. Những con em nhà Phật mất người cầm đầu, lại e sợ bị khủng bố nên tạm ngừng đấu tranh.

Tuy nhiên, phản ứng đối với cuộc đàn áp Phật giáo mới này, một biện pháp mạnh của Ngô Đình Nhu, không phải không đáng kể.

Sau khi được thông báo về chiến dịch càn quét những sư sãi, bộ trưởng ngoại giao Vũ Văn Mẫu đã đệ đơn xin từ chức và cạo trọc đầu để phản đối. Trần Văn Chương, bố đẻ của Lệ Xuân, đang làm đại sứ tại Mỹ cũng lên tiếng phản đối vụ đàn áp Phật giáo mới. Lập tức Ngô Đình Diệm ra quyết định giải nhiệm Chương khỏi chức đại sứ. Việc giải nhiệm Chương cũng còn một lý do khác: có tin đồn Mỹ định vận động đưa Chương về làm thủ tướng để biến Diệm thành bù nhìn.

Phong trào Phật giáo trên thế giới tỏ ra rất bất bình trước hành động đàn áp Phật giáo của Diệm - Nhu tiếp sau việc 6 nhà sư nam, nữ liên tiếp tự thiêu. Liên hiệp quốc ra nghị quyết cử một đoàn gồm thành viên của 7 nước có nhiều người theo đạo Phật, tới miền Nam Việt Nam tiến hành điều tra. Tuy nhiên, Ngô Đình Nhu đã khéo léo giới thiệu bản thông cáo chung giữa Ngô Đình Diệm với hòa thượng Thích Tịnh Khiết, và phong trào đấu tranh Phật giáo đã lắng xuống, nên đoàn điều tra khi ra về đã tuyên bố là vụ Phật giáo ở Nam Việt Nam đang được giải quyết thỏa đáng.

Cũng thời gian này, chính phủ Pháp ra tuyên bố mong muốn Việt Nam cộng hòa độc lập đối với nước ngoài, hòa bình và thống nhất nội bộ, nếu được như vậy, Pháp sẽ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ.

Ngô Đình Nhu coi như đã tháo được ngòi nổ trong vụ Phật giáo.

Nhưng phản ứng lớn nhất đối với chiến dịch đàn áp Phật giáo lần này, lại từ phía Mỹ, đồng minh chiến lược của Việt Nam cộng hòa. Nhà Trắng coi đây là sự tuyên chiến của Ngô Đình Nhu đối với Mỹ.

Ngày 24-8, bộ ngoại giao Mỹ điện cho Cabot Lodge: "Mỹ không thể tiếp tục cho Nhu nắm chính quyền, nếu Diệm không gạt Nhu thì Diệm cũng không được duy trì".

Ngày 29-8, sau khi nhận dược báo cáo của Cabot Lodge về những ý kiến khác nhau ở tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, với bức điện của bộ ngoại giao Mỹ, tổng thống Kennedy trả lời Cabot Lodge là tán thành ý kiến của Cabot Lodge hơn ý kiến của Harkin, người vẫn chủ trương duy trì Diệm - Nhu. Ý của tổng thống Mỹ là phải gạt ngay vợ chồng Nhu, còn có giữ Diệm hay không là tùy tình hình.

Nhà Trắng đã chính thức phát tín hiệu. 2.

Hàng ngày, Hai Long phải báo cáo những tin tức mới về Trung tâm. Ngoài những tin tức về quân sự, chính trị, điều quan tâm lớn nhất của Trung tâm lúc này là khả năng diễn ra một cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ Diệm và thời gian nổ ra đảo chính. Hai Long biết một tình hình không ổn định kéo dài của chính quyền Diệm sẽ rất lợi cho việc xây dựng lực lượng của cách mạng miền Nam. Và thời điểm của cuộc đảo chính là cơ hội rất tốt để đập tan hàng ngàn ấp chiến lược, củng cố và mở rộng vùng giải phóng, đẩy phong trào cách mạng miền Nam tiến lên một bước phát triển mới. Trung tâm cũng đã nhiều lần nhắc anh phải chuẩn bị một thế mới để công tác không bị gián đoạn trong trường hợp chế độ Diệm bị lật đổ.

Từ sau ngày cha Lê đi Roma, nhà thờ Phát Diệm trở nên vắng vẻ. Những người thường lui tới nhà thờ Phát Diệm đã chuyển về Bình An. Cha Hoàng nổi bật lên như người đứng đầu của Công giáo Phát Diệm, công giáo miền Bắc di cư.

Hai Long thường xuyên vận động theo chu vi của một hình tam giác: nhà thờ Bình An, dinh Gia Long và Tòa Khâm sứ Tòa thánh Vatican ở Sài Gòn.

Tòa Khâm sứ là nơi có những tin tức nhanh nhất về thái độ của Mỹ, chỉ thua toà đại sứ Mỹ. hàng tuần, hai Long đến đây ít nhất một lần. Anh phải thay mặt cha Hoàng báo cáo tình hình chính trị ở Sài Gòn, đặc biệt là những chuyện xảy ra ở dinh Gia Long. Bí thư của Khâm sứ tòa thánh cũng cho anh biết những tin tức mới về Mỹ, Pháp và Vatican để anh về báo cáo lại với cha Hoàng. De Nittis nói Vatican đã vận động Diệm cho vợ chồng Nhu cùng xuất ngoại, nhưng gia đình Diệm không thống nhất, chỉ để mình Lệ Xuân ra đi một thời gian, giữ Nhu ở lại với Diệm. Giáo hoàng cũng đã khuyến cáo Diệm - Nhu không nên chống Phật giáo, nhưng Mỹ đã quyết định số phận của Diệm - Nhu rồi. Việc Vatican gọi Ngô Đình Thục sang Roma là để bảo vệ tính mạng của Thục, tránh những hậu quả xấu cho giáo hội Việt Nam sau khi Diệm đổ. De Nittis luôn luôn nhắc anh, theo khuyến cáo của giáo hoàng, giáo hội Việt Nam phải đứng ngoài cuộc tranh chấp hiện nay giữa Diệm - Nhu và Phật giáo, giữa Diệm - Nhu với Mỹ.

Hai Long nhận thấy cha Hoàng cử mình đến Tòa thánh chỉ cốt nắm chủ trương, nắm tình hình, để thực hiện ý đồ riêng của mình.

Cha Hoàng không đứng ngoài vụ Phật giáo. Nhà thờ Bình An từ trước đến giờ vẫn là một trung tâm thu hút những người cầm đầu Phật giáo chống Diệm. Người thường xuyên lui tới là Thích Tâm Châu. Thích Tâm Châu hiện đứng trong ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo, tổ chức đang lãnh đạo các Phật tử đấu tranh chống Diệm. Thích Tâm Châu trước đây tu ở chùa Đồng Đắc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, chỉ cách Phát Diệm 3 km. Thích Tâm Châu cùng với cha Hoàng đều là thành viên ủa tổ chức Liên tôn diệt Cộng, đã được cha Lê che chở trong giáo khu Phát Diệm. Ngô Đình Nhu biết rõ cha Lê có quan hệ với Thích Tâm Châu, đã nhờ Hai Long nói với cha Lê, vận dộng Thích Tâm Châu hòa giải với Diệm - Nhu. Chạ Lê lờ đi. Trong khi đó, cha Hoàng đã cứ cha Lê Quang Oánh, nguyên là cố vấn của tổng bộ Phát Diệm, làm tham mưu cho Thích Tâm Châu để kích động quần chúng Phật tử đấu tranh chống Diệm.

Từ ngày cha Lê đi Roma và đánh hơi thấy Mỹ quyết tâm hạ bệ Diệm - Nhu, cha Hoàng như con ngựa sổ chuồng. Cha công khai tập hợp lại lực lượng cựu tự vệ Phát Diệm, cho rằng Diệm - Nhu không còn làm gì được mình. Cha không quên mối thù xưa đối với những kẻ đã đập tan tổ chức tự vệ Phát Diệm và đày ải cha về xứ đạo Bình An đầy sỏi đá và cỏ lác này.

Cha Hoàng nói với Hai Long:

- Phe cánh Công giáo Phát Diệm ta phải liên minh chặt chẽ với nhóm thân Pháp, nhóm chống Diệm và chống Mỹ, nhóm chống Cộng trong Phật giáo, và lợi dụng Mỹ và bọn thân Mỹ. Trong vụ Phật giáo này không phải chỉ có Mỹ và các phe phái chống Diệm mà cả Pháp cũng xen vào... Con có nhiệm vụ hợp đồng với tất cả người ta, phò tá Phật giáo chống Diệm - Nhu.

Những phe nhóm này đổ xô tới Bình An. Nhiều nhóm đã có liên hệ với Phát Diệm từ trước năm 1954 ở miền Bắc. Trong các nhóm đều có thêm những bộ mặt mới, một số đến nay mới xuất đầu lộ diện, cũng có những người trước đây rất thân thiết với Diệm - Nhu, nay thấy gió đổi chiều, nên vội trở cờ. Do bàn tay dắt dẫn khéo léo của cha Hoàng và cha Oánh, những nhóm này đã tập hợp chung quanh Thích Tâm Châu, dưới danh nghĩa ủng hộ ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo. Thích Tâm Châu, Lê Quang Oánh và Nguyễn Tường Tam hợp thành một bộ ba rất thân thiết, thường ngồi trao đổi ý hợp tâm đầu quanh những bữa nhậu lai rai. Thích Tâm Châu đã đặt tên cho Nguyễn Tường Tam là Thích Mạc Tiền (thích rượu Martell) và Lê Quang Oánh là Thích Diệu Đế (thích rượu đế). Sau ngày Nguyễn Tường Tam tự tử, bộ ba này chỉ còn có hai người.

Gần đây, đối với họ, số phận Diệm - Nhu không còn phải bàn cãi. Họ chỉ trao đổi xem người thay Ngô Đình Diệm sẽ là ai. Nhiều phe nhóm tự nhận là không có lãnh tụ chính trị. Thích Tâm Châu, người của nhóm lãnh đạo Phật giáo, cũng tự nhận như vậy, và tôn Lê Quang Oánh làm quân sư về vấn đề này. Nhưng Lê Quang Oánh tỏ vẻ rất kín tiếng.

Hai Long được cha Hoàng chính thức giới thiệu với các phe nhóm, là người thay mặt cho mình. Anh chú ý lắng nghe mọi ý kiến của họ. Nhưng anh vẫn chưa phát hiện ra người thay thế là ai trong trường hợp Diệm đổ. Đó là điều làm anh băn khoăn, vì anh phải có hướng chuẩn bị kịp thời một chỗ dựa mới.

Dương Văn Hiếu rất thèm cái kho tin tức ở nhà thờ Bình An. Mấy lần tới gặp Hai Long, Hiếu thử trà trộn vào những cuộc nói chuyện. Nhưng một số người đã biết hắn là người của Út Cẩn nay chuyển sang làm với Nhu. Họ rỉ tai nhau và lảng tránh. Có mặt Hiếu, mọi chuyện bàn bạc tạm ngừng, người ta chỉ trao đổi với nhau những câu vu vơ. Hiếu biết khó ăn, lại đành phải tiếp tục nhờ vả Hai Long. Hai Long khuyên hắn nên trực tiếp gặp cha Hoàng. Hiếu rất ngại cha Hoàng, vì cha là người sau cha Lê mà cả Diệm và Nhu đều phải e dè. Hiếu cử Tá Đen, đã trở thành phụ tá của y, xuống nhân danh mình gặp cha chánh xứ. Tá Đen lúc đầu khéo léo khen ngợi cha Hoàng đã xây trường mở lớp, biết nhìn xa trông rộng, lo việc đạo về lâu dài. Cha Hoàng ngồi nghe có vẻ bùi tai. Nhưng tới khi Tá đen thăm dò tin tức thì cha hiểu, nói bốp chát:

- Mỹ lật ông Diệm, ông Nhu tới nơi rồi, tin tức mà làm quái gì!... 3.

Cha Hoàng lên Tòa thánh gặp Khâm sứ Brini mới từ Roma trở về. Hai Long ngồi làm việc một mình ở văn phòng. Có người vào báo, một ông ở tòa đại sứ Mỹ đến tìm anh.

- Tìm cha Tổng hay tìm tôi? - Hai Long hỏi lại.

- Ông ta nói rõ là xin gặp ông Phi-líp[1] Vũ Đình Long.

- Mời ông ấy vào.

Hai Long đoán là Conien, người gần đây thỉnh thoảng lại tới gặp cha Hoàng. Gặp hắn là điều rất hay, vì Hai Long chưa có dịp móc nối với tòa đại sứ Mỹ.

Một người Mỹ lớn tuổi, mặt xương xương, cặp mắt nham hiểm bước vào. Hắn chính là Conien.

- Xin chào ông Philippe Vũ Đình Long. - Conien nói bằng tiếng Pháp như một người Pháp. - Tôi đến gặp ông có hơi đột ngột. Tôi là Lucien Conein.

- Hoàn toàn không đột ngột - Hai Long đáp lại bằng tiếng Anh - Tôi đã biết ông từ lần đầu khi ông đến thăm cha chánh xứ.

Đôi bên bắt tay nhau. Hai Long mời Conien ngồi.

- Tôi muốn gặp ông từ lâu - Conien vẫn nói bằng tiếng Pháp vì y muốn câu chuyện sẽ dễ dàng hơn - Tôi biết ông là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, cha Hoàng đã giới thiệu với tôi, ông là người đại diện có thẩm quyền của Đức cha.

- Về những vấn đề có liên quan đến giáo dân Phát Diệm. - Hai Long nhũn nhặn tiếp lời Conien.

- Hiện nay Phát Diệm là tất cả. - Conien mỉm cười, cặp mắt tinh quái nheo nheo - Mọi người đều tới nhà thờ Bình An, kể cả tôi.

Hai Long cũng mỉm cười, tỏ vẻ đôi bên đã hiểu nhau.

- Ông Philippe biết rất rõ về mối quan hệ đồng minh mật thiết giữa Mỹ với Việt Nam cộng hòa. Tòa đại sứ Mỹ chịu một trách nhiệm lớn về những việc xảy ra tại đây.

Hai Long ngồi im lắng nghe.

- Tôi muốn hỏi riêng ông về khả năng diễn ra một cuộc đảo chính?

- Mọi người đều nghĩ đó là một chuyện tất yếu sẽ xảy ra. Người ta chỉ còn chờ xem nó nổ ra vào lúc nào và ai sẽ là tác giả.

- Ông thường xuyên có quan hệ với Phủ tổng thống?

- Nếu không phải hàng ngày thì cũng là hàng tuần. Phát Diệm có quan hệ từ xa xưa với ông Diệm và ông Nhu.

- Cũng có thời gian mối quan hệ đó đã trở nên lạnh nhạt?

- Ông đã hiểu rõ vấn đề. - Hai Long nở một nụ cười tế nhị.

- Ông Ngô Đình Nhu có nghĩ đến một cuộc đảo chính sắp nổ ra?

- Tất nhiên... Nhưng đối với những câu hỏi cụ thể, ông cho phép tôi dược dè dặt.

- Điều đó không nên... Cha chánh xứ và tôi đã trao đổi với nhau như những người trong nhà. Vì cha và chúng tôi đều tự coi là có trách nhiệm với những chuyện sẽ xảy ra.

- Cha chánh xứ có cương vị của cha... Tôi sẽ nói với ông một điều rất thành thật: tôi chưa thực hiểu ông.

Conien xòe ngửa hai bàn tay với vẻ thất vọng như không rõ vì sao.

- Tôi biết ông là người có trách nhiệm ở tòa đại sứ Mỹ. Nhưng người Mỹ không có chung một quan điểm. Ngay trong tòa đại sứ Mỹ cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Ông Lodge không giống ông Nolting, ông Harkin không giống ông Lodge. Tôi không biết ông Richardson và ông có giống nhau không, mặc dù hai ông đều làm việc cho một nơi. Những người của CIA lại không hoàn toàn kín đáo như chúng tôi đã tưởng!

- Đó là một thực tế, - Conien gật gù - một điều rất đáng tiếc.

Hai Long dồn thêm:

- Nhiều tín hiệu từ phía Nhà Trắng tỏ ra rất bất bình với ông Diệm, đặc biệt là ông Nhu, đòi phải có sự thay đổi; nhưng ở đây, ông Harkin đã nói ở tòa đại sứ Anh, là rất ủng hộ ông Diệm, và hoàn toàn phản đối những âm mưu đảo chính?

Conien không xác nhận cũng không phủ định, ngồi trầm ngâm. Rồi y nói:

- Mỗi người có thể có những quan điểm khác nhau, nhưng đó là quan điểm cá nhân.

- Chúng tôi, những người không ở trong tòa đại sứ Mỹ, không phân biệt được đâu là quan điểm cá nhân của người Mỹ, đâu là quan điểm của chính phủ Mỹ?

- Giữa cha chánh xứ và tôi đã có sự đồng cảm, không biết cha chánh xứ có trao đổi lại với ông phụ tá?

- Tôi làm việc với cha chánh xứ hàng ngày.

- Vậy thì có thể nói thẳng với ông, lời phát biểu của tướng Harkin chỉ là quan điểm cá nhân. Tòa đại sứ Mỹ chúng tôi phải theo quan điểm của chính phủ Mỹ. Ông có thể cho tôi biết thái độ giáo phái Phát Diệm đối với tình hình hiện nay như thế nào?

- Để chúng ta dễ nói chuyện hơn... Ông muốn hỏi thái độ đối với một cuộc đảo chính?

- Coi là như vậy.

- Phát Diệm tuân theo lời khuyến cáo của Tòa thánh Vatican, chúng tôi đứng ngoài cuộc tranh chấp.

- Ông có bảo đảm dược điều đó không? Còn giáo hội Việt Nam như thế nào?

- Tôi không thể nói thay cho giáo hội. Nhưng về phía Phát Diệm thì chắc chắn là như vậy.

- Rất cảm ơn ông. Theo ông nghĩ thì ai sẽ tiến hành đảo chính?

- Chắc không ngoài giới quân sự, những người từ trước tới nay không tán thành ông Diệm và ông Nhu. Nhưng các ông phải biết hơn chúng tôi?

- Không hẳn vậy. Chủng tôi muốn có sự thay đổi, muốn Việt Nam cộng hòa có một chính phủ chống Cộng hữu hiệu hơn. Nhưng chúng tôi chưa biết rõ ai có khả năng này. Số tướng lĩnh tỏ vẻ bất bình với ông Diệm, ông Nhu không ít, nhưng không hiểu ai dám làm việc đó?

- Ông Diệm tin là có thần linh phù hộ. Còn ông Nhu có những biện pháp cứng rắn của mình. Đảo chính chắc sẽ nổ ra. Nhưng chưa chắc người làm đảo chính sẽ giành thắng lợi.

- Vì vậy họ còn e ngại? - Conien nhìn Hai Long chăm chú.

- Tôi nghĩ như vậy. Người ta sợ ông Nhu, người ta còn sợ cả phía người Mỹ. Phương ngôn Việt Nam có câu: "Qua cầu rút ván!". Người làm đảo chính lo nếu nửa chừng bị Mỹ bỏ rơi, họ sẽ không có đường về. Họ đã có những kinh nghiệm đau xót.

- A...! - Conien reo lên - Có tâm lý như vậy ư?

- Chắc chắn là có. Còn một điều quan trọng hơn... Nếu ông Diệm, ông Nhu đổ, ai sẽ là người thay thế? Mọi người đều chưa tìm ra lá bài. Như ý của chính phủ Mỹ: muốn có một chính phủ chống Cộng hữu hiệu hơn, người nào có khả năng làm được việc đó? Theo ông, có thể là ai?

Conien không trả lời, gật gù:

- Những vấn đề ông nêu lên rất hay. Xin hết sức cám ơn ông về cuộc gập gỡ bổ ích này. Nó sẽ giúp cho chúng tôi suy nghĩ thêm nhiều vấn đề. Nếu ông đồng ý, chúng ta sẽ còn những cuộc trao đổi...

Ngoài Bình An, Tòa thánh Vatican ở Sài Gòn, dinh Gia Long, Hai Long đã có thêm một mối quan hệ thứ tư: tòa đại sứ Mỹ. 4.

Sau khi xảy ra vụ Phật giáo, Ngô Đình Diệm mỗi ngày càng tỏ ra mệt mỏi và bấn loạn tinh thần. Cái chết của Nguyễn Tường Tam, vụ tiến công nửa đêm về sáng ngày 20-8 (Diệm đồng tình với Nhu về chủ trương nhưng không bằng lòng vì Nhu đã làm quá mạnh tay, huy dộng cả quân đội thường trực vào việc này) và gần đây nhất là thái độ dứt khoát của Mỹ. Những sự việc xảy ra, những vấn đề quá phức tạp đã vượt xa khả năng của Diệm, vốn xuất thân từ một viên quan lại hành chính thời bình.

Ngô Đình Nhu biết mình đã cưỡi trên lưng hổ, không thể nhảy xuống. Y lặng lẽ nắm hết công việc đối nội đối ngoại, quân sự và tự mình quyết định mọi biện pháp đối phó với tình hình.

Hồi Pháp thuộc, sau khi tốt nghiệp với điểm cao tại trường Bác cổ[2] Paris, một trường có những thể lệ thi cử ngặt nghèo, Nhu được thực dân Pháp chọn về làm việc ở Văn khố phủ toàn quyền Hà Nội. Nhiều người đã gọi Nhu là "mọt sách". Y tự hào về kiến thức, trí nhớ và tài tổ chức của mình. Nhu sống cô độc, không thích giao du, cho là chung quanh không hiểu được mình.

Nhu bắt đầu thực sự thi thố "tài năng" từ ngày Diệm làm tổng thống. Khi đã có quyền hành trong tay, Nhu nghiên cứu chủ nghĩa Marx không chỉ để chống lại mà còn để rút ra những gì có thể áp dụng vào công việc của mình. Nhu say sưa đọc những nghị quyết của ta. Sách gối đầu giường của Nhu là mấy cuốn "Chiến tranh nhân dân", "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi", "Sửa đổi lề lối làm việc". Mặc dù có những đoàn chuyên gia của Mỹ sang giúp đỡ Diệm xây dựng chính quyền cộng hòa, nhưng chính thể do Nhu tổ chức ở Nam Việt Nam là một "bản sao nguyên si" chính thể miền Bắc, Nhu chỉ thay đi cái lõi bằng chủ thuyết Cần lao - Nhân vị với tổ chức nòng cốt của nó: đảng Cần lao - Nhân vị. Nhu nói không giấu giếm: "Cộng sản có gì hay ta phải học". Bộ máy lãnh đạo của Nhu giống ta cả tên gọi: cũng đảng đoàn, quân ủy, tỉnh ủy, chi ủy, quân ủy hội, khu bộ, chi bộ. Nhu tổ chức rất nhiều đoàn thể quần chúng: phụ nữ, thanh niên, công chức... Nhu quan tâm đến giới trí thức. Nhu cho lập làng Đại học, làng Báo chí để mua chuộc trí thức. Y đã cho tổ chức hội Văn bút và đưa tay chân vào đó nắm những người viết văn. Nhu coi trọng một đôi người như Nhất Linh, nhưng không gần. Với những người trí thức có tham gia hoạt động chính trị, Nhu đều không ưa, coi đó là loại người "xôi thịt". Nhu bố trí đảng viên đảng Cần lao - Nhân vị vào tất cả các vị trí bộ máy nhà nước, đưa đảng viên về từng huyện, từng xã, từng ấp. Đảng viên được tung đi nắm các phong trào. Bộ máy an ninh, mật vụ tổ chức rất chặt chẽ đến từng nhà, từng người. Kể cả người trong gia đình như Cẩn cũng đều chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của mạng lưới chằng chịt, người nọ theo dõi người kia do Nhu lập ra.

Nhu tin vào chủ thuyết "vì con người" và tài tổ chức của mình, hy vọng một ngày kia chế độ Việt Nam cộng hòa sẽ "dân chủ hóa" được thể chế ở miền Bắc, đánh bại chủ thuyết cộng sản. Đây là tham vọng lớn nhất của y. Nhưng giờ đây, hy vọng đó đang tiêu tan. Những thứ Như tưởng như đã nắm chắc được, giống như cát tuột khỏi một bàn tay nắm chặt. Nhưng nếu Diệm lên làm tổng thống như nhận một thứ ân huệ do Chúa ban phát để hưởng thụ, thì Nhu gắn bó với chế độ này bằng máu thịt; y cho rằng mọi thứ đều được xây dựng bằng công sức của mình. Y sẽ sống chết với nó chứ không cam tâm để người khác giật khỏi tay mình.

Về Sài Gòn ít lâu, Hai Long hiểu sâu thêm về tính cách của Nhu. Nhu tự cao, tự tôn nhưng không hẹp hòi, cố chấp, cứng nhắc như Diệm. Nhu thâm trầm, ít nói, ít cười, kể cả khi gặp những chính khách Nhu cũng xẻn lời. Nhiều người nói Nhu thâm hiểm. Nhưng khi gặp câu chuyện tâm đắc, Nhu lại rất cởi mở. Nhu luôn luôn nghi ngờ mọi người, nhưng đôi lúc lại bộc bạch quá đáng. Nhu rất tự tin, không tổ chức bộ tham mưu, tự mình quyết định lấy mọi việc. Nhu chỉ lựa chọn người để trao đổi ý kiến riêng, số người này không nhiều. Mỗi lần gặp ai, Nhu vào việc ngay. Khi cảm thấy câu chuyện không bổ ích, Nhu lập tức cắt đứt, nhiều lúc bị coi là khinh người. Nhưng khi gặp người có những ý kiến đáng chú ý, Nhu không hề tiếc thời gian. Cách nói của Nhu luôn luôn tỏ ra áp đặt, buộc người nghe phải đồng ý với mình. Nhưng Nhu lại chấp nhận tranh luận, và khi đuối lý, Nhu không giận. Về điểm này, Nhu hoàn toàn khác với Diệm. Diệm không bao giờ chịu thua ai. Những người cãi lại Diệm đều bị Diệm ghét và khó tránh khỏi bị trả thù...

Hai Long biết Nhu chỉ gắn bó với mình chừng nào mình còn có ích cho y. Quan hệ giữa anh và Nhu sẽ nhạt dần nếu mỗi lần đến gặp, anh không đem lại cho y một điều gì mới có liên quan đến việc duy trì, bảo vệ chế độ mà Nhu coi như của riêng mình.

Lần này gặp, Hai Long thông báo cho Nhu những điều anh đã nghe được ở Tòa Khâm sứ và đặc biệt là cuộc nói chuyện với Conien.

Nhu nhíu mày nghe xong, mặt xạm lại. Rồi y nói:

- Tôi đã nghĩ đến chuyện này từ khi đại sứ Nolting bị triệu hồi. Gần đây lại thêm Richardson cũng bi gọi về. Cabot Lodge sẽ rảnh tay thực hiện ý đồ của Kennedy. Nhưng..., như anh nói, tất cả bọn họ đều chưa tìm ra con bài nào để thay thế tổng thống?

- Đến nay thì như vậy.

- Có ai nhắc đến Đán, đến Sửu không?

- Tôi không nghe. Sửu đã quá già. Đán thì không nắm được giới quân sự.

- Như vậy ta còn thời gian.

- Thời gian rất khẩn trương. Rất có thể, thấy Mỹ đã bật đèn xanh, bọn tướng lĩnh cứ làm liều. Sau đó, trong bó đũa chúng sẽ chọn cột cờ.

- Chính phủ Pháp đã tỏ thái độ sẵn sàng ủng hộ ta. Chắc Đức cha Lê và Vatican có góp phần. Giờ phải làm cho dư luận Mỹ đồng tình với ta. Nhung trước mắt vẫn là phải ngăn chặn một âm mưu đảo chính.

- Cần có lực lượng tin cậy ở ngay giáp Sài Gòn. Phải đập tan đảo chính từ trong trứng!

- Tôi đã bảo tướng Trần Văn Đôn hàng tuần họp các chỉ huy ở Sài Gòn, thông báo tình hình thiết quân luật. Tôi luôn luôn có mặt ở đó, giải thích những chủ trương và nghe luận điệu, xem thái độ các tướng lĩnh... Tôi đồng ý với anh, phải có lực lượng tin cậy ở chung quanh Sài Gòn và ngay tại Sài Gòn...

Rồi Nhu thở dài:

- Phải để bà Nhu đi thôi! Elle[3] có khả năng làm cho dư luận Mỹ ủng hộ ta. Đức cha không có điều kiện để tiếp xúc rộng với mọi người như elle.

Cuối thượng tuần tháng 9, Lệ Xuân lên đường để dự hội nghị ở Belgrade để sau đó qua Mỹ. 5.

Chuyến công cán của tổng giám mục Ngô Đình Thục ở Mỹ đã hoàn toàn thất bại. Hồng y giáo chủ Mỹ Spellman, người đỡ đầu Thục nhiều năm dài, đã khước từ gặp Thục. Thục lại xin gặp Mansfield, một trong những người đã tạo ra Ngô Đình Diệm. Đến lượt Mansfield cũng từ chối. Ngô Đình Thục đã thấy rõ tiếng nói của mình chỉ có giá trị giữa bốn bức tường trong gia đình. Ở đó ông là người thay mặt Chúa. Còn ở đây, không riêng gì Hồng y giáo chủ, thượng nghị sĩ quốc hội, mà người dân bình thường cũng không buồn nghe ông.

Lệ Xuân tới Mỹ sau Ngô Đình Thục, tỏ ra xuất sắc hơn.

Sau vụ Nhu tổ chức càn quét những chùa chiền, Kennedy đã tổ chức họp báo về Việt Nam, tuyên bố cảnh cáo tổng thống Ngô Đình Diệm, ra điều kiện cho Diệm phải thay đổi chính sách và không chừng phải thay đổi hệ thống nhân sự lãnh đạo ở Sài Gòn. Kennedy chĩa mũi nhọn vào vợ chồng Nhu, đe dọa một cuộc đảo chính có thể xảy ra vì những vụ đàn áp tôn giáo trên khắp Việt Nam cộng hòa, và Mỹ sẽ không chịu trách nhiệm.

Vừa tới Los Angeles, Lệ Xuân tổ chức ngay một cuộc họp báo để đáp lại. Đứng trước cử tọa đông đảo, những ống kính máy ảnh và vô tuyến truyền hình, Lệ Xuân công khai lên án Mỹ đang tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ tổng thống hợp hiến và chế độ Việt Nam cộng hòa, rằng trừ trường họp được Mỹ xúi giục và hậu thuẫn, bất cứ cuộc đảo chính nào cũng không thể thành công. Lệ Xuân gay gắt mạt sát Mỹ, cột Mỹ vào trách nhiệm nếu có đảo chính. Lệ Xuân lớn tiếng tuyên bố Việt Nam cộng hòa đủ sức tự lực tự cường và thách thức bọn âm mưu đảo chính.

Chính tổng thống Mỹ cũng phải e ngại những lời nói táo bạo, phẫn uất của Lệ Xuân, và đã gọi Lệ Xuân là "con rồng cái".

Nhưng cuộc họp báo này, cũng như những hoạt động sau đó của Lệ Xuân, mặc dù gây được nhiều tiếng vang, vẫn không làm chậm tấn thảm kịch sắp diễn ra với gia đình họ Ngô, mà trái lại chỉ thúc đẩy nó đi mau hơn.

Hai Long sang buồng Lệ Thủy, trao chìa khóa trước khi ra về.

- Chú Hoàng Long! - Lệ Thủy nói - Chú ngồi nán thêm một lát được không? Cháu có chuyện muốn hỏi chú.

Hai Long kéo ghế ngồi bên bàn học của cô gái đang tuổi dậy thì, có bộ mặt hao hao giống mẹ, nhưng lành hiền hơn.

- Má cháu đi rồi, cháu không biết hỏi ai, chỉ còn hỏi chú.

- Có chuyện chi, nói chú nghe!

- Dạ, cháu lo quá chú à! Đài BBC họ nói đủ mọi chuyện. Đi ra đi vô đều nghe sắp đảo chánh! Ba cháu khi ở nhà chỉ ngồi im lặng, đốt hết điếu thuốc nầy lại đốt điếu khác. Ba má cháu đâu có hại ai? Nếu có chuyện chi là do nơi mấy chú an ninh, mật vụ...

- Cháu còn nhỏ tuổi, không nên nghĩ tới chuyện đó!

- Nhưng cháu sợ! Nhà cháu như nhà có ma. Đêm nào cháu cũng nằm mơ thấy quỷ nó về đòi rước chị em cháu đi.

- Vì cháu quá lo sợ nên mới mê hoảng.

- Nhiều đêm cháu không ngủ được. Cháu nghe rõ tiếng chân người đi đi lại lại. Cháu sợ rúm người. Tưởng đúng là quỷ về...

- Bác cháu đó chứ ai!

- Dạ. Một đêm nghe thấy tiếng ho. Cháu đánh liều mở hé cửa, thấy bác cháu. Nhưng cháu vẫn sợ, mặt bác cháu như có quỷ ám... Trường học đóng cửa. Đi ra ngoài cũng sợ. Chị em cháu ở nhà không biết làm chi!

- Ba cháu đang bận nhiều việc, không săn sóc các cháu được. Theo ý chú, mấy chị em cháu nên đi nghỉ ở Đà Lạt để ba cháu ở nhà an tâm hơn. Khi nào mẹ cháu trở về, các cháu lại về nhà.

- Nhưng chú thiệt cháu nghe, liệu ba cháu và bác cháu có sao không? Cả chúng cháu nữa? - Lệ Thủy gần như sắp khóc - Cháu chỉ muốn ba má cháu thôi hết! Không làm chi hết! Cháu nhìn các bạn cháu mà thèm. Bọn chúng không có điều chi phải lo cho ba má chúng. Còn cháu thì hết cái sợ nầy lại tới cái sợ khác! Chú nói thiệt với cháu đi, liệu ba cháu có sao không?

- Theo chú thì mọi việc rồi sẽ qua.

- Thiệt không chú?

- Cháu phải tin lời chú. Nhưng cả ba chị em cháu phải đi nghỉ một thời gian. Việc này ngày mai chú sẽ nói với ba cháu.

Lệ Thủy ngước cặp mắt bồ câu nhìn Hai Long không bớt vẻ lo lắng:

- Nhà này đúng là có ma! Ma đang ám vào người ba cháu, bác cháu và cả chúng cháu! Đầu óc cháu muốn điên. Hôm qua ba cháu gọi em Trác biểu: "Con là con trai lớn, sau này phải săn sóc má và gia đình". Sao ba cháu không nói với cháu? Có chuyện chi ba cháu phải nói với cháu, em cháu còn nhỏ nó đã biết chi?

- Như vậy là ba cháu lo xa tình hình sẽ phức tạp hơn. Chị em cháu cần phải lên Đà Lạt sớm... 6.

Những cuộc tiếp xúc với Tòa Khâm sứ và Conien chỉ giúp Hai Long biết thêm về mức độ khẩn trương và không tránh khỏi của một cuộc đảo chính đe dọa lật chìm chế độ Diệm, nhưng không làm sáng tỏ ai là kẻ cầm đầu đang tiến hành âm mưu chính trị này do sự giật dây của CIA.

Chế độ chuyên quyền, độc đoán, gia đình trị khắc nghiệt của Diệm, Nhu đã tạo nên quanh nó quá nhiều kẻ thù. Khi thấy thời cơ đến, tất cả nổi lên đông nhung nhúc. Không ít những kẻ đang nhắm nhe chiếc ghế dinh Gia Long. Nhưng kẻ nào có cơ thành đạt nhiều nhất còn chưa rõ. Những người chủ trương lật đổ Diệm, Nhu phải tiến hành mọi hoạt động rất bí mật, khôn khéo, vì họ biết Nhu tuy đang ở thế bí, nhưng còn nắm dược chính quyền và bộ máy đàn áp trong tay, có thể tiêu diệt bất cứ kẻ nào như trước đây Nhu đã từng tiêu diệt nhiều người chống đối. Những kẻ có âm mưu đảo chính thuộc nhiều phe nhóm khác nhau, vì quyền lợi riêng của từng nhóm, từng người, luôn luôn nghi kỵ nhau, tìm đủ mọi cách đưa người vào tổ chức của nhau để làm nội gián. Ngay đối với tòa đại sứ Mỹ, nơi đã bật đèn xanh cho một cuộc đảo chính, những phe nhóm này cũng e ngại, vì đã xảy ra chuyện một tên CIA nào đó bí mật tới tố cáo với Nhu một người đang có âm mưu đảo chính, và tai họa lập tức đổ xuống đầu người đó.

Một hôm, Dương Văn Hiếu gặp Hai Long, nhờ anh theo dõi hộ Mai Hữu Xuân, thiếu tướng giám đốc trung tâm huấn luyện Quang Trung, người hay đi lại với cha Hoàng ở nhà thờ Bình An. Hai Long chưa rõ nhân vật này thế nào. Anh cảm thấy có những điều cha Hoàng không nói cho anh biết. Cha Hoàng vẫn tin anh, nhưng anh thường hay tới dinh Gia Long, có thể vô tình để lộ, làm hại đến những kẻ đang có âm mưu. Hai Long thấy nên dùng chuyện này để thăm dò cha Hoàng, may ra có biết thêm được điều gì. Cha Hoàng nghe xong chỉ gật đầu lặng thinh.

Một bữa, Hai Long tình cờ gặp Mai Hữu Xuân trên đường Công Lý. Xuân nhảy từ trên xe xuống, kéo anh ra một chỗ vắng người, vồn vã:

- Tôi rất cảm ơn anh. Đúng là thằng Hiếu đang cho người bám sát tôi.

- Tôi đã nhờ cha chánh xứ báo sớm cho anh biết chuyện đó.

- Vì vậy mới phải tìm anh để cảm ơn. Hôm nay, may lại gặp ở đây... Anh xem ngoài tôi, nó còn nghi ai nữa.

- Tôi nghĩ Minh Lớn cũng bị để ý. - Hai Long ứng khẩu nói vì biết Mai Hữu Xuân thân với Minh Lớn.

Xuân tròn mắt:

- Thằng cha này hết sức nguy hiểm!... Nghi ngờ lung tung cả! Một lần nữa lại xin cảm ơn anh. Có chuyện chi liên quan đến anh em chúng tôi, nhờ anh báo cho kịp thời. Anh chỉ cần nói nhỏ với cha chánh xứ.

- Điều này anh chẳng cần nhắc. Đó là bổn phận của tôi.

Xuân thì thào:

- Không lâu nữa đâu anh!

Y mỉm cười, bắt tay Hai Long rất chặt rồi nhảy lên xe.

Hai Long biết Xuân có dính đến một âm mưu đảo chính, nhưng chắc Xuân không phải là người cầm đầu. Đằng sau Xuân là ai? Hay là Minh Lớn? Lực lượng Xuân ở trung tâm huấn luyện Quang Trung không đủ sức đương đầu với lực lượng đặc biệt của Nhu. Còn Minh Lớn không có quân trong tay. Hay là Xuân cũng chỉ như nhiều kẻ khác, chỉ tính chuyện đục nước béo cò?... Anh đã có mặt trong hàng ngũ những người đối lập với Diệm - Nhu. Nhưng anh cần phải có mặt ngay cả trong hàng ngũ những kẻ sẽ trực tiếp tiến hành cuộc đảo chính. Anh đã bám được những người chủ của dinh Gia Long. Nếu dinh Gia Long chuyển sang tay những người chủ mới thì anh cũng phải tiếp tục bám lấy nó.

Giữa tháng 9, cha Hoàng nói với Hai Long:

- Cha Cao Văn Luận (người vừa bị gia đình họ Ngô gạt bỏ) nói với mình, theo ý của Fishel, nhân vật cao cấp của CIA, thì "Mỹ đã thay đổi chiến lược ở Việt Nam, nên phải thay Diệm, Nhu. Diệm, Nhu có thể bị thủ tiêu!". Tổng thống và ông cố vấn phen này vô kế khả thi, nếu không "tẩu vi thượng sách" thì cứ đương đầu đến cùng và chịu chết trong tay Mỹ!

Bọn gián điệp nước ngoài nổi lên như rươi. Hình bóng chúng thấp thoáng khắp nơi. Tình báo Mỹ đang gấp rút tiến hành lật đổ Diệm, Nhu, tìm con bài mới để thay thế. Chúng phải cảnh giác với Pháp trong âm mưu này. Tình báo Pháp muốn lôi kéo Diệm, Nhu thoát khỏi vòng tay Mỹ, để gây lại chút ảnh hưởng của Pháp, và nếu đảo chính cứ nổ ra thì sẽ phải lợi dụng nó đến mức độ nào. Tình báo Anh vốn trước đây đã có quan hệ với Trần Kim Tuyến, giám đốc sở nghiên cứu chính trị - xã hội Phủ tổng thống, đang theo dõi sát tình hình Sài Gòn và khai thác vụ đảo chính cách nào có lợi cho Anh. Tình báo Đài Loan vốn có quan hệ chặt chẽ với chế độ Diệm - Nhu, đôi bên đã có những việc làm ăn riêng với nhau qua mặt cả Mỹ, nay chế độ này đang nghiêng ngửa, sinh mệnh người cầm đầu bị đe dọa, tất nhiên phải có kế hoạch, mưu tính...

Mỗi biến cố ở miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đến nay, đều không lọt qua mắt bọn điệp viên quốc tế; bao giờ chúng cũng khai thác, tác động, lèo lái theo ý đồ riêng của chúng, và tranh chấp nhau giành phần lợi sau khi biến cố đã xảy ra. Những cuộc tranh chấp gay go, phức tạp không khoan nhượng, có khi đẫm máu trên chính trường miền Nam đều qua những điệp viên, tình báo đạo diễn và thực hiện. Bên nào giành phần thắng, bên nào trắng tay sau đó, đều chỉ biết ngầm với nhau, câm lặng để tính một âm mưu mới âm thầm và quyết liệt hơn.

Mình sẽ còn là người bạn "thủy chung" của gia đình họ Ngô cho đến bao giờ? Hai Long tự hỏi. Tình hình đang chuyển biến rất gấp. Trò chơi của anh trở nên cực kỳ nguy hiểm. Anh không được phép vội vàng rời khỏi dinh Gia Long. Vì một khi đã rời khỏi, nếu Diệm - Nhu vẫn duy trì được quyền lực thì anh không còn cơ hội quay trở lại. Nhưng nếu chậm rút chân ra, có lúc anh sẽ bị đặt giữa hai làn đạn.

Hai Long chưa muốn biến cố này xảy ra, và nếu nó vẫn xảy ra thì anh không muốn nó đi quá nhanh. Một tình hình rối loạn như hiện nay, càng kéo dài, càng có lợi cho cách mạng đang còn trong thời kỳ xây dựng lực lượng. Trong những ngày này, với việc Diệm - Nhu rút quân về chung quanh Sài Gòn và những đô thị, đề phòng một cuộc đảo chính, đồng bào ở những nông thôn miền Nam đang vùng lên phá kìm và đập tan thêm hàng loạt ấp chiến lược. So sánh lực lượng giữa ta và địch chưa có điều kiện lợi dụng một cuộc hất cẳng nhau trong nội bộ địch để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Một ngụy quyền miền Nam có mâu thuẫn với Mỹ còn tốt hơn nhiều so với một ngụy quyền tay sai hoàn toàn theo đuôi Mỹ. Diệm - Nhu đang làm một việc có lợi là ngăn chặn, chưa chịu cho Mỹ đưa quân vào. Nhưng nếu một ngụy quyền mới do Mỹ dựng lên, ngoan ngoãn tuân theo sự chỉ đạo của Mỹ, quân Mỹ ồ ạt kéo vào, thì sẽ là một thời kỳ vô cùng khó khăn cho cách mạng miền Nam.

Mình đang bơi giữa hai dòng nước, phải luôn luôn lựa chiều cho xuôi dòng, thì mới khỏi bị những con xoáy nước nhấn chìm... ---

[1] Philippe: tên Pháp của Cố vấn Vũ Ngọc Nhạ.

[2] Ecole des Chartes

[3] cô ấy

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play