1.

Cho đến trước năm 1960, người Mỹ rất tự hào đã phát hiện và tạo dựng nên một lãnh tụ chống Cộng ở châu Á kiệt xuất là Ngô Đình Diệm, thay thế cho những con bài đã lỗi thời như Tưởng Giới Thạch, Lý Thừa Vãn.

Ở Ngô Đình Diệm hội tụ tới mức tối đa những điều kiện cũng như những "đức tính" cần thiết cho nhân vật mà đế quốc Mỹ đang đi tìm để dùng trong ván bài sắp chơi ở Đông Nam Á.

Về dòng dõi, Diệm là con một đại thần triều Nguyễn được tiếng là trung thần. Bản thân Diệm đã được đào tạo để làm quan và đã làm đến chức thượng thư Bộ Lại. Năm 1945, Bảo Đại mời Diệm ra làm thủ tướng chính phủ bù nhìn thân Nhật, Diệm từ chối. Năm 1948, khi Bảo Đại từ Hongkong trở về làm quốc trưởng chính quyền bù nhìn thân Pháp, một lần nữa Bảo Đại nghĩ đến Diệm trong ghế thủ tướng. Diệm vẫn chối từ. Diệm lại là một tín đồ của đạo Thiên Chúa. Và đặc biệt, Diệm là một phần tử quốc gia chống Cộng từ huyết quản: anh em Diệm cón mối thù riêng với Cách mạng đã trừng trị người anh cả của mình. Ngoài Diệm ra, những anh em của Diệm đều là những nhân vật đáng chú ý, đáng coi trọng.

Đứng bên Bảo Đại, một ông vua bù nhìn, lười biếng, nổi tiếng ăn chơi, hưởng lạc; Diệm nổi bật lên với các đức tính thanh liêm, chăm làm việc, và "yêu nước". Khi Mỹ đã hất cẳng Pháp, bày trò trưng cầu dân ý xem dân miền Nam nên cho chế độ quân chủ với Bảo Đại hay chế độ cộng hòa với Ngô Đình Diệm, Bảo Đại bị loại dễ dàng.

Năm 1957, Diệm đã sang thăm Hoa Kỳ bằng máy bay riêng của tổng thống Mỹ. Eisenhower đích thân ra sân bay đón Diệm. Diệm đọc diễn văn trước cả hai viện của quốc hội Mỹ. Thị trưởng thành phố New York mô tả Diệm là "một con người mà lịch sử có thể đánh giá như là một trong những nhân vật vĩ dại của thế kỷ 20". Và ngay đến giữa năm 1961, khi quan hệ giữa Nhà Trắng và chính quyền Sài Gòn đã trở nên có vấn đề, phó tổng thống Mỹ Johnson sang thăm Sài Gòn, vẫn còn gọi Diệm là "Winston Churchill[1] của châu Á".

Những năm đầu của chính quyền Diệm diễn ra xuôi xẻ. Diệm đàn áp những lực lượng thân Pháp, thu tóm quyền hành vào trong tay không mấy khó khăn. Người dân miền Nam tạm ép mình chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất hai miền. Nhưng tình hình yên ổn này không kéo dài. Mỹ bắt đầu nhận thấy mặt trái của những cái, vốn đã được coi là những ưu đểm của Diệm và gia đình.

Để thực hiện chiến lược chống Cộng ở châu Á, rút kinh nghiệm thất bại của chủ nghĩa thực dân cũ, Mỹ chủ trương dựng lên ở miền Nam một chính quyền tay sai và một chính thể "dân chủ" theo kiểu Mỹ. Mỹ tin rằng hình ảnh của một nước Mỹ thu nhỏ tại Đông Nam Á "tự do", "phồn vinh", mạnh về quân sự, sẽ chặn đứng đà phát triển của chủ nghĩa cộng sản tại khu vực này, và trên phần còn lại của thế giới. Mỹ hy vọng Ngô Đình Diệm sẽ làm được cái điều mà Tưởng Giới Thạch, Lý Thừa Vãn với tính bảo thủ, lạc hậu của họ; đã không làm được. Nhưng Mỹ bắt đầu nhận thấy là đã lầm.

Diệm tuy được đào tạo theo văn hóa phương Tây, nhưng vẫn mang nặng đầu óc phong kiến, hoàn toàn theo triết lý đạo Khổng, duy trì mọi tôn ti, trật tự, lễ nghi phong kiến trong gia đình cũng như trong việc trị nước. Diệm thích giữ tiết tháo của nhà nho. Về những mặt này, Diệm còn bảo thủ, cố chấp hơn tất cả những kẻ trước kia Mỹ đã gặp. Diệm và Mỹ rất thống nhất với nhau trong mục đích chống Cộng triệt để. Diệm hiểu rằng muốn chống Cộng phải dựa vào Mỹ. Và có dựa vào Mỹ, Diệm mới tạo dựng, duy trì được quyền lực của mình và gia đình mình. Nhưng tới lúc Diệm đã có quyền lực trong tay, thì ngay cả Mỹ cũng không thể đụng vào. Trong khi ấy, Mỹ vẫn tưởng: "Ai chi tiền, kẻ ấy điều khiển"!

Ông tổng thống Việt Nam cộng hòa, từ Mỹ về, khi ngồi trong dinh Độc Lập đã hiện nguyên hình một bậc "phụ mẫu chi dân[2]" thời xưa. Diệm thích mặc áo dài đen như hồi còn làm việc với Nam triều. Diệm ngồi trên một chiếc ghế bành, trước mặt là cái bàn tròn và chiếc ghế tràng kỷ. Diệm hay ghi chép bằng chữ Hán, vừa là chữ thánh hiền, vừa ít người biết, giữ được bí mật. Người vào làm việc với Diệm phải ăn mặc tề chỉnh, từ bộ trưởng trở xuống khi ra về đều phải đi thụt lùi. Một vài tổng trưởng, tướng tá vẫn bị Diệm gọi bằng "ông Huyện", "ông Đội", theo chức vụ cũ của họ từ thời Pháp thuộc.

Mọi quyền lực đều tập trung trong tay Diệm và gia đình. Nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là Diệm. Những người được Diệm hỏi ý kiến bao giờ cũng phải đưa ra vài phương án, để tổng thống suy nghĩ và lựa chọn. Một số người đã có kinh nghiệm trong việc giới thiệu người cho Diệm đưa vào những chức vụ từ tỉnh trưởng trở lên. Nếu họ muốn Diệm chọn ai thì khi giới thiệu chỉ nên nói nhiều điều tốt về người đó, chứ nếu nói nên chọn người đó, thì nhất định Diệm sẽ chọn người khác. Diệm có những nguyên tắc riêng trong cách xử lý mọi vấn đề mà Nhu là người ở liền kề bên cạnh, nhiều lúc cũng không hiểu, vì khi quyết định Diệm thường không giải thích. Nhưng điều nổi rõ hơn cả là Diệm không chịu để bất cứ ai xâm phạm đến quyền lực của mình và sau đó là gia đình mình.

Diệm không lấy vợ, quen sống cô độc, khắc khổ. Diệm ăn, ngủ và làm việc đều trong một căn buồng. Một ông bõ già, người cùng quê, tóc bạc lưng còng, chuyên phục dịch cơm nước theo kiểu miền Trung. Diệm ngại đi ra ngoài, ngại tiếp xúc với đám đông, đặc biệt ngại tiếp xúc với phụ nữ. Lệ Xuân là người trong nhà, nhưng khi vào phòng của Diệm bao giờ cũng phải có mặt một người thứ ba. Vì ít có quan hệ với đời sống, không hiểu biết thực tế nên Diệm dễ mắc lừa. Khi Diệm đi thăm chợ tìm hiểu giá hàng, những người bán hàng đã được dặn trước phải nói giá thấp; Diệm so sánh với tiền lương của các nhân viên và binh lính, rồi cho rằng họ cũng sướng. Quan chức ở các địa phương tìm mọi cách nói dối Diệm để làm cho Diệm vui.

Diệm đặc biệt tin vào tướng số. Đỗ Mậu được Diệm ưa thích vì có thể ngồi đàm đạo với Diệm tới khuya về tử vi. Trước khi trao một chức vụ gì cho ai, bao giờ Diệm cũng cho gọi người đó lên để... coi tướng, rồi mới quyết định. Diệm tin là mọi chuyện lớn nhỏ đều do Chúa an bài. Diệm cho rằng phúc lộc gia đình họ Ngô còn vượng lâu dài, mọi hiểm nguy nhờ có thánh thần phù hộ rồi sẽ vượt được qua.

Càng ngày Diệm càng náu mình sâu trong căn phòng thâm nghiêm của mình, khi buồn thì gọi mấy đứa con trai của Nhu sang chơi, có lúc gọi hai sĩ quan cận vệ vào bảo đánh cờ với nhau cho mình ngồi xem. Diệm làm việc khá nhiều, suốt ngày cặm cụi đọc báo cáo, có lúc đêm khuya còn gọi người đến làm việc. Nhưng cách làm việc của Diệm thường tùy tiện, không theo đúng chương trình, kế hoạch, gặp ai vui chuyện, Diệm có thể tiếp hàng giờ, quên hết những việc khác.

Qua mỗi năm, Diệm càng thêm độc đoán, khó tính, không chịu nghe những lời trái với ý mình, khiến cho những cố vấn nước ngoài, kể cả đại sứ Mỹ khi tiếp xúc với Diệm cũng phải e ngại. Không ai dám nói với Diệm về những chuyện tham nhũng, vơ vét, lộng quyền của gia đình Diệm, từ Ngô Đình Thục cho đến vợ Nhu, Cẩn; vì biết rằng không những Diệm không tin, mà còn bị Diệm ghét bỏ. Tiếng liêm khiết của Diệm vì vậy không còn. Tài trị nước, an dân của Diệm cũng không còn ai tin, vì thấy Diệm chẳng thi thố được gì trước tình hình chính trị, kinh tế, trị an ngày càng rối loạn.

Đế quốc Mỹ không phải mất quá nhiều thời gian mới nhìn thấy những nhược điểm này của chế độ Diệm. Nhưng những nhược điểm đó chỉ trở thành vấn đề khi cuộc chiến dấu của nhân dân miền Nam ngày càng dâng lên mạnh mẽ. 2.

Biến cố ngày 27 tháng 2 đã kéo theo hàng loạt vụ khủng bố công khai và bí mật của bọn an ninh, mật vụ dưới quyền Ngô Đình Nhu.

Sau cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11 năm trước, Nhu đã cho bắt một loạt người hoạt động chính trị, cha cố và loại bỏ, điều động một số tướng tá. Bọn mật vụ bắt Phan Khắc Sửu (sau này trở thành quốc trưởng) giam vào một căn hầm ở Sở thú Sài Gòn và tra tấn nhục hình. Dương Văn Minh, trung tướng, người đã lập được nhiều công trong việc đánh dẹp Bình Xuyên thời kỳ đầu của chế độ Diệm, với danh hiệu là "anh hùng rừng Sát", bị điều làm tư lệnh bộ chỉ huy dã chiến trong sở chỉ huy lục quân. Trong thực tế, với chức vụ mới này, Minh đã trở thành một tướng "không quân", chỉ còn làm công tác thanh tra ở mấy quân đoàn. Trần Văn Đôn, thiếu tướng tư lệnh quân đoàn 1, được lệnh ngừng công tác hai tuần trong khi cơ quan an ninh tiến hành điều tra. Lê Văn Kim, thiếu tướng, giám đốc trường Học viện quân sự Đà Lạt, em rể của Trần Văn Đôn bị bắt giam. Ba viên tướng này được coi là những người thân Pháp. Hầu hết những người bị bắt đều chưa được đưa ra xét xử. Một số phần tử chống đối bị thủ tiêu bí mật.

Hai phi công trẻ trong lực lượng không quân đã ném bom và bắn súng phá hủy nửa tầng trên phía bên trái dinh Độc Lập, bên dưới là nơi làm việc của Ngô Đình Nhu. Một người là Nguyễn Văn Cử đã bay sang Phnôm Pênh và xin cư trú chính trị. Người thứ hai là Phạm Phú Quốc bị bắt. Máy bay của Quốc khi oanh tạc đã bị trúng đạn của bộ phận bảo vệ Phủ tổng thống từ dưới bắn lên. Quốc không thể bay tiếp, phải hạ cánh xuống bờ sông Sài Gòn. Quốc chưa chịu khai kẻ nào đã xúi giục Quốc và Cử làm việc này.

Biến cố 27 tháng 2 đã mang lại một sự tiến triển mới trong mối quan hệ giữa Hai Long và Nhu.

Buổi gặp lần thứ hai sau khi dinh Độc Lập bị ném bom, Nhu hỏi Hai Long:

- Anh nhiều tên quá! Tên thật của anh là gì?

Hai Long hơi chột dạ. Nhìn sắc thái Nhu vẫn bình thường, anh nói:

- Người ta quen gọi tôi bằng tên theo những công việc mà tôi đang làm. Hồi còn làm việc cho Việt Minh, tôi lấy bí danh là Vũ Ngọc Nhạ. Khi về với cha Hoàng, cha đặt tên cho là Hoàng Đức Nhã theo họ của cha. Còn chính tên bố mẹ đặt là Vũ Đình Long.

- Anh trùng tên với gia dình này. Bốn anh em chúng tôi đều có tên là Long.

- Quả là tôi chưa biết.

- Đức cha Ngô Đình Thục là Hồng Long. Tổng thống là Bạch Long. Chú Cẩn là Hắc Long. Còn tôi là Thanh Long. Đó là tên gọi trong gia đình.

- Những tên đó rất hay! - Hai Long tán dương. - Nghe tên là nghĩ đến người, không thể lầm được.

- Tôi muốn đặt tên anh là Hoàng Long, ý anh thế nào?

- Đó là một vinh dự lớn đối với tôi.

- Anh sẽ về hẳn đây làm cố vấn cho tôi. Như thế sẽ hình thành một Polit Bureau[3] 4 người,

có chuyện gì sẽ cùng bàn bạc.

Hai lần Hai Long báo tin chính xác những hiểm họa đang trực tiếp đe dọa tính mệnh gia đình họ Ngô đã đánh tan mối nghi ngờ của Nhu. Nhu tin rằng người phụ tá của cha Lê tuy chưa công khai nói ra, nhưng đã thực sự có bụng phản cha, cùng đi với mình. Anh ta còn phải đi hàng hai là chỉ cốt để lập công nhiều hơn cho mình tin.

Hai Long đoán được ý đó. Anh đáp:

- Như vậy rất bất lợi cho công việc hiện nay. Khi tôi vào ở hẳn trong Phủ tổng thống, tôi sẽ không còn điều kiện liên hệ với các phe phái đối lập với tư cách là người của cha Lê và cha Hoàng.

Nhu ngẫm nghĩ rồi nói:

- Anh về đây, tôi có thể trực tiếp trao cho anh nhiều công việc. Anh sẽ nhân danh tôi, dựa trên những mối quan hệ sẵn có của anh, tiếp xúc với mọi lực lượng phe phái. Ngoài ra, còn những công việc khác. Nhưng nếu anh chưa muốn về ngay thì tạm thời hãy cứ như vậy. Còn cái tên Hoàng Long...? Đây là để ta gọi với nhau trong gia đình.

- Đa tạ ông cố vấn.

Nhu đứng dậy chìa tay bắt tay Hai Long thật chặt:

- Như vậy, chúng mình đã coi nhau như người nhà. Hoàng Long này, ông Cụ muốn gặp anh.

- Tôi đã có nguyện ước được trình diện tổng thống, tiếc rằng chưa có dịp.

- Ông Cụ muốn gặp anh từ lâu. Mới đây, sau khi gặp Đức cha Thục, Cụ lại nhắc. Tôi chỉ dặn anh, gần đây, do tình hình, ngài không vui. Khi gặp, Cụ hỏi gì, anh cứ sự thật trình bày nhưng cũng nên lựa lời, chứ không nên có gì nói nấy như nói với tôi. Nếu ông Cụ có ý khác thì đừng tranh cãi.

- Dạ... Sắp tới ngày lễ Phục sinh, ông cố vấn cho tôi ngày đó đến trình diện tổng thống và chúc phước luôn.

- Như vậy cũng hay. 3.

Từ sau ngày dinh Độc Lập bị ném bom, Ngô Đình Diệm đã chuyển sang dinh Gia Long cùng ở với vợ chồng Nhu. Dinh Độc Lập chỉ cách dinh Gia Long vài trăm mét.

Diệm đang ngồi trước chiếc bàn lớn bề bộn giấy tờ. Nghe tiếng Nhu, Diệm nhìn ra, bỏ kính xuống bàn, rồi chậm chạp đứng dậy đi ra cửa.

Trước mắt Hai Long là một người thấp, đậm, tóc bắt đầu bạc, không có râu, mắt có túi, hai má chảy nước, da trắng bợt cớm nắng.

Nhu tươi cười giới thiệu:

- Thưa, đây là chú Hoàng Long, phụ tá của Đức cha Lê.

Diệm chìa bàn tay mềm nhũn bắt tay Long một cách hững hờ.

- Tôi đã nghe Đức cha Thục và chú Nhu nhắc nhiều đến thầy.

Hai Long cung kính nói:

- Thưa tổng thống, tôi qua lại chỗ ông cố vấn đã lâu, hôm nay nhân ngày lễ Phục sinh, lại được tổng thống cho gặp; xin kính chúc tổng thống trường thọ.

- Cảm ơn.

Diệm đưa Hai Long và Nhu ra ngồi ở xa-lông. Đồ đạc của Diệm từ dinh Độc Lập đã chuyển sang đây. Xa-lông, bàn làm việc, tủ hồ sơ, tủ quần áo, giường ngủ là một chiếc đi-văng cùng kê trong một phòng.

- Đức cha Lê có khỏe không? - Diệm hỏi.

- Cảm ơn tổng thống, ngài rất khỏe.

- Lâu ngày chưa có dịp gặp cha. Chú Nhu năm trước gặp cha ở Huế phải không?

- Dạ... - Nhu đáp.

Hai Long nói:

- Đức cha cũng mong một ngày gần đây có dịp gặp tổng thống.

- Đức cha quá lo về phía người Mỹ. - Diệm nói - Đức cha có quá nhiều thâm tình với người Pháp... Nếu Mỹ đảo chính tổng thống thì lấy ai mà chống Cộng! Nhóm 18 người ở Caravelle, cứ tìm xem, có mặt nào? (Diệm quay về phía Nhu như vừa chợt nhớ ra) Bao giờ xử bọn này?

- Thưa anh sắp. Để chuẩn bị thêm chút nữa.

- Mỗi quốc gia muốn ổn định, muốn phát triển mạnh, phải có một cái đầu. Không phải cái đầu ngu độn, xôi thịt, mà một cái đầu sáng suốt, biết nghe nỗi khổ của dân, biết giải quyết nỗi khổ của dân. Ta chủ trương "đồng tiến xã hội" để cho mọi người đều sung sướng. Bỏ tiền ra mua ruộng đất chia cho dân nghèo. Biến địa chủ thành tư sản như ở Đài Loan. Không phải đấu tranh giai cấp như kiểu Cộng sản gây thù hằn, chia rẽ dân tộc. Ngày xưa đâu có đấu tranh giai cấp như ngày nay mà có xã hội đã có thời Nghiêu, Thuấn... Ở Đài Loan họ đã làm được. Cái khó của mình là vướng Cộng sản. Ta phải chống Cộng theo kiểu của ta. Người Mỹ có kiểu của họ...

Diệm ngừng nói, mắt gườm gườm. Rồi như không nén được, Diệm lại nói tiếp:

- Chống Cộng của Mỹ là theo kiểu Triều Tiên, McArthur[4] dạy Leclerc[5] phải đưa quân viễn chinh vào thật nhiều, phải gài cố vấn từ trung ương đến tỉnh đến quận, đến đại đội. Người Mỹ quá tin vào sức mạnh của vũ khí, xe tăng, máy bay. Họ giỏi, họ mạnh về mặt này, nhưng họ đâu có hiểu Việt cộng bằng ta! Không biết tiếng nói, không quen phong tục Á đông, không quen thủy thổ, Pháp đánh đã không thắng, Mỹ vào đâu đã dễ thắng! Ở đây làm gì có kiểu chiến trường rộng lớn, hai bên dàn quân ra đánh nhau như kiểu châu Âu! Phải chống Cộng theo kiểu của ta thì mới diệt Cộng được tận gốc. Chống Cộng bằng quốc sách ấp chiến lược như kiểu chú Nhu đề ra. Không phải chỉ bằng hào sâu dây thép gai và súng. Mà phải bằng tân sinh, bằng trù mật, bằng lòng tin ở Chúa, bằng dân chủ theo kiểu của ta. Trong mỗi ấp chiến lược phải là một cuộc cách mạng xã hội...

Diệm nhìn Hai Long chăm chăm:

- Thầy về thưa với Đức cha, Mỹ phải dựa vào Việt Nam cộng hòa, Việt Nam cộng hòa phải dựa vào Mỹ để chống Cộng. Mỹ với ta là đồng minh chiến lược, nhưng không phải Mỹ nói gì chúng tôi cũng nghe, cũng theo. Tôi đã nói thẳng với họ: Mỗi quốc gia đều có chủ quyền. Nếu chủ quyền của Việt Nam cộng hòa bị vi phạm, thì ta còn lý do nào xác đáng để chống Cộng! Ở Việt Nam cộng hòa này, mình là chủ. Họ muốn mở rộng thành phần chính phủ để chống Cộng. Nhưng mở rộng thì đưa ai vào? Nhóm Caravelle ư? Toàn những kẻ vô công rỗi nghề, ganh ghé xôi thịt. Mở rộng cho họ vào thì mạnh lên hay yếu đi. Lắm thầy thối ma! Làm như thế là nối giáo cho giặc...

Diệm nói một thôi. Nhìn thấy Hai Long vẫn chắp tay lắng nghe, đầu thỉnh thoảng lại gật gật như đã lĩnh ý. Diệm dần dần bớt bực bội.

Diệm quay sang Nhu:

- Tôi đã đọc bản quốc sách ấp chiến lược soạn thảo lại. Được! Phải trang bị thật tốt cho phòng vệ dân sự. Mỗi ấp có thể cầm cự với một tiểu đoàn Việt cộng tấn công cho tới khi chủ lực đến cứu viện. Chừng nào thì làm xong cả 16.000 ấp?

- Cố gắng phấn đấu trong năm 1963 - Nhu đáp - Đợt đầu làm có trọng tâm. Nơi nào Mặt trận Giải phóng hoạt động nhiều ta làm trước.

Diệm hỏi Hai Long:

- Ý kiến cha Lê, cha Hoàng về kế hoạch ấp chiến lược ra sao?

- Thưa tổng thống, cha Hoàng, theo yêu cầu của ông cố vấn đã mang tất cả tâm huyết của mình, đóng góp những kinh nghiệm quý báu ở Bùi Chu - Phát Diệm với các chuyên gia Anh và Do Thái. Đức cha thì nói: ở Bùi Chu - Phát Diệm làm dược thì ở đây cũng làm được.

- Đức cha cũng tán đồng? - Diệm vui vẻ hỏi.

- Dạ... Đức cha chỉ có ý kiến là ở những vùng Công giáo toàn tòng, đặc biệt là giáo dân di cư, xây dựng ấp chiến lược sẽ thuận lợi hơn. Còn với dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, cha e hơi khó vì dân ở đây quen sống phóng khoáng.

Diệm đưa mắt nhìn Nhu.

- Đã tính đến điều này. - Nhu nói - Nếu Bình Xuyên, Hòa Hảo xây dựng được những đặc khu có vũ trang ở đồng bằng Nam Bộ thì ta cũng xây dựng được ấp chiến lược.

Diệm lại nhìn Hai Long:

- Đức cha còn e ngại điều chi?

- Đức cha vẫn e ngại nhất là những phe nhóm đối lập thân Mỹ ở liền kề dinh tổng thống, những kẻ mà tổng thống vừa gọi là bọn xôi thịt.

- Phải trị tận nơi! - Diệm quay sang Nhu - Thằng Trần Kim Tuyến sao rồi?

Trần Kim Tuyến trước đây đã có công đưa Nhu trốn ra nước ngoài, được bố trí làm giám đốc sở nghiên cứu chính trị - xã hội, thực chất là người lãnh đạo hệ thống thông tin theo dõi, phát hiện những người chống đối chế độ.

- Đã loại Tuyến. - Nhu đáp - Lấy Đường thay. Và đưa Dương Văn Hiếu, người của Hắc Long, về làm giám đốc sở cảnh sát đặc biệt.

Diệm nhìm đồng hồ rồi nói với Hai Long:

- Đức cha Thục khen thầy là người tốt đạo trung hậu, hết lòng với họ Ngô. Thầy cố gắng giúp ông cố vấn cũng như giúp tôi. Chế độ không khi nào quên những người đã thực lòng góp công sức gìn giữ chế độ. Khi nào có dịp thuận lợi, thầy chuyển lời mời của tôi thỉnh Đức cha Lê tới chơi Phủ tổng thống. Gắng làm cho Đức cha Lê xích lại gần với chế độ, với tổng thống, là thầy có công lớn đó! 4.

Những biện pháp an ninh của Ngô Đình Nhu tỏ ra có kết quả trong một thời gian.

Nhu đã bố trí một số viên tướng được y tin cậy phụ trách những quân đoàn và những đơn vị ở chung quanh Sài Gòn. Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, những người đã cứu nguy cho tổng thống trong vụ đảo chính 11 tháng 11 một được trọng dụng. Nguyễn Khánh trở thành tư lệnh quân đoàn 2 vùng 2 chiến thuật, đóng bản doanh ở Nha Trang. Trần Thiện Khiêm phụ trách sư đoàn 5 đóng quân giáp Sài Gòn. Quân đoàn 3 và vùng 3 chiến thuật do Tôn Thất Đính phụ trách. Đính là một tướng trẻ mới 37 tuổi, gia dình ở Huế, được Cẩn rất tin yêu. Chính Cẩn đã đề nghị Diệm - Nhu cất nhắc Đính, phong cho cấp tướng, điều về phụ trách quân đoàn 3 và những lực lượng ở chung quanh Sài Gòn. Quân đoàn 4 và vùng 4 chiến thuật vẫn do tướng Huỳnh Văn Cao, một người rất trung thành với Diệm phụ trách.

Một số cha cố người gốc Nam hay lên tiếng đả kích Diệm - Nhu bị bắt: cha Sắc ở Sóc Trăng, cha Lộc ở Cái Môn; cha Hồ Văn Vui bị đưa về quản thúc ở Tha La.

Để lấy lòng giáo dân Phát Diệm, theo gợi ý của Hai Long, Ngô Đình Nhu đã gửi đến tặng cha Lê một chiếc xe Peugeot 304 mới nguyên. Cha Lê vui vẻ nhận.

Tháng 3-1962, Diệm thông qua chương trình xây dựng ấp chiến lược. Tháng 4, nhiều ấp chiến lược được bắt đầu xây dựng. Tháng 8, với những phương tiện viện trợ của Mỹ đưa vào, chương trình xây dựng ấp chiến lược được áp dụng trên toàn miền Nam.

Mặc dù đã biết những trái bom và những loạt đạn trút xuống dinh Độc Lập hồi cuối tháng 2 là do CIA giật dây, nhằm gây áp lực, buộc Diệm phải mở rộng thành phần chính phủ cho các phe phái đối lập, nhưng Diệm - Nhu không hề lay chuyển, tiếp tục làm ngơ. Nhà Trắng vẫn đánh giá những cuộc đấu tranh chính trị và những hoạt động đấu tranh vũ trang của Mặt trận Giải phóng miền Nam ngày càng tăng mạnh, và tình hình khủng hoảng chính trị kéo dài trong nội bộ chính quyền Sài Gòn là do Diệm quá độc tài, dùng "gia đình trị", không chịu mở rộng thành phần chính phủ cho những lực lượng khác tham gia để tăng cường sức mạnh chống Cộng. Nhân viên CIA ở Sài Gòn tiếp tục xâm nhập vào những phe nhóm đối lập các loại, chuẩn bị khi có tín hiệu của Nhà Trắng lại tăng cường sức ép đối với Diệm.

Tuy vậy, trong tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn vẫn còn những nhân vật có thế lực như đại sứ Nolting, tướng 4 sao Paul Harkin, người cầm đầu Bộ chỉ huy yểm trợ quân sự ở Việt Nam (MACV), John Richardson, trùm tình báo Mỹ ở Việt Nam, vẫn chủ trương duy trì Diệm - Nhu.

Ngô Đình Nhu mặc dù có lo lắng trước thất bại hàng ngàn ấp chiến lược vừa xây dựng lên đã bị phá vỡ, nhưng lại củng cố được sự tự tin vì áp lực của phe phái đối lập do Mỹ, Pháp giật dây, đặc biệt là Mỹ, đã có phần giảm bớt.

Hai Long thấy cần phải tổ chức cuộc gặp mặt Ngô Đình Diệm và cha Lê, nhằm xác định rõ vai trò của anh trong việc xây đắp lại nhịp cầu đã đứt từ hơn chục năm nay giữa hai nhân vật chống Cộng, mà anh đều cần dùng làm chỗ dựa để có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cuối tháng 8, anh nói với cha Lê:

- Thưa Đức cha, sắp tới ngày lễ Thánh bổn mạng của ông Diệm, ngày lễ này năm ngoái Đức cha chỉ đưa thiếp chúc mừng, ông Diệm, ông Nhu và Đức cha Thục đều cảm động. Năm nay Đức cha xét xem có nên tới thăm ông Diệm không? Ông Diệm đã nhiều lần nhắc con khi có dịp thuận lợi thì chuyển lời mời của ông tới Đức cha, thỉnh cầu Đức cha qua thăm Phủ tổng thống để nối lại tình xưa giữa hai nhà.

Cha Lê hỏi lại:

- Ý thầy thế nào? Đã nên tới hay chưa?

- Con nghĩ, ông Diệm đã có lời từ lâu, Đức cha vẫn chưa đáp lại, họ dễ hiểu là kiêu kỳ. Nếu tới lần này, Đức cha nên nói rõ ý của Đức cha trước đây, muốn chống cộng hữu hiệu không thể chỉ dựa vào Mỹ, mà phải có quan hệ tốt với Pháp, phải theo chính sách trung lập.

- Thầy đã có ý kiến như vậy... thì ta đi cho phải phép. 5.

Mồng 4 tháng 9 là ngày lễ thánh Jean Baptiste, thánh bổn mạng của Ngô Đình Diệm.

Cha Lê và Hai Long tới thăm Diệm trên chiếc xe Peugeot 304 của Ngô Đình Nhu gửi tặng cách đó ít lâu.

Diệm và Nhu cùng ra đón cha Lê.

Khách chủ đều hết sức giữ lễ, và cố tránh tất cả những gì có thể làm phương hại đến sợi dây mong manh đang nối lại mối tình nghĩa đã tan vỡ qua nhiều năm.

Cha Lê nói:

- Nhân ngày lễ Thánh bổn mạng của cụ, tôi thay mặt giáo dân Phát Diệm đến chúc cụ luôn luôn khang cường để lãnh đạo quốc gia và sẽ hết lòng cầu Chúa phù hộ cho cụ.

Diệm đáp lễ:

- Tôi chân thành hết sức cảm ơn Đức cha. Từ ngày Đức cha có nhã ý cử thầy phụ tá đến với chúng tôi, tình thân giữa Đức cha với gia đình họ Ngô lại được như xưa. Chúng tôi không bao giờ quên ơn lớn của Đức cha và giáo dân Bùi Chu - Phát Diệm đối với hai anh em chúng tôi. Thầy phụ tá nói Đức cha lúc nào cũng quan tâm đến sự bằng an của chế độ, Đức cha luôn luôn có những lời chỉ bảo quý hóa nên đã giúp cho tôi và ông cố vấn sáng tỏ nhiều vấn đề. Chúng tôi gặp khó khăn trong quan hệ đồng minh với Mỹ, mọi chuyện chắc Đức cha đã rõ. Nếu bây giờ chúng ta nhượng bộ một bước thì Mỹ sẽ đòi thêm, biết nhượng bộ đến bao giờ cho vừa lòng họ. Và nếu họ nói sao mình cũng làm vậy thì còn gì là thể thống quốc gia. Tôi muốn vũ trang đầy đủ cho bảo an, dân vệ, thanh niên chiến đấu, Mỹ chỉ đáp ứng một phần. Tôi muốn tăng cường cho đủ quân đội để đối phó với cuộc xâm lăng của Cộng sản, nhưng người Mỹ cấp những vũ khí và phương tiện một cách hạn chế. Mỹ chỉ muốn sớm đưa quân qua Việt Nam mà thôi. Chả lẽ mình không đủ sức tự lực tự cường để chống Cộng ư?

Cha Lê nói:

- Tòa Khâm sứ tiết lộ với tôi là Vatican đang vận động một cuộc hòa giải chính phủ Pháp với chính quyền Việt Nam cộng hòa và được sự tán thành của Pháp.

- Trước đây, từ năm 1961, nhân dịp lễ đăng quang của vua Hassen II, tôi đã cử ông cố vấn sang Maroc rồi qua Pháp thăm dò thái độ của chính phủ Pháp. Ông cố vấn đã gặp Couve De Murville, nhưng vì họ chưa tin ta nên câu chuyện trở nên khó nói.

Nhu tiếp lời Diệm:

- Tổng thống và chúng tôi không hề có thái độ bài Pháp như nhiều người lầm tưởng. Chúng tôi phải dựa vào Mỹ để chống Cộng nhưng cũng phải kết thân cả với Pháp để chống Cộng. Nếu Đức cha có sáng kiến hay về vấn đề này, rất mong Đức cha chủ động tiến hành. Bản thân tôi cũng thử thăm dò thái độ người Pháp xem sao. Nếu không tế nhị, họ tưởng mình ở thế yếu sẽ bắt bí mình. Còn người Mỹ, nếu thấy mình yếu sẽ chẳng tha mình đâu! Đức cha có quan hệ tốt với Khâm sứ Tòa thánh Brini, mong Đức cha giúp cho...

Trên đường về, cha Lê nói với Hai Long:

- Mỹ ép quá! Phải làm nhịp cầu cho Diệm và Nhu bước tới Roma hay Paris trước khi Nhu tìm đường thỏa hiệp với Cộng sản.

Cuộc gặp gỡ Diệm - Nhu - cha Lê đã tạo dựng cho Hai Long lui tới Tòa Khâm sứ của Vatican ở Sài Gòn gặp Khâm sứ Brini. Có khi Hai Long mượn xe của cha Lê, có lúc Hai Long đi nhờ xe Lê Quang Tung tới Tòa Khâm sứ, để Brini thấy rõ mình có quan hệ chặt chẽ với cả hai phía. Lê Quang Tung về báo cáo với Nhu nên gặp anh, Nhu tỏ ra rất hài lòng: "Chú cứ tiếp tục bám chắc áo Đức cha Lê đồng thời níu chặt áo Brini cho tôi!".

Lễ Giáng sinh năm 1962, Hai Long gợi ý cha Lê gửi thư chúc mừng Ngô Đình Thục, đồng thời có thêm lời mừng ngân khánh 25 năm thụ phong giám mục của Thục vào quý II năm 1963. Hai Long mang thư tới dinh Độc Lập nhờ Nhu chuyển cho Thục. Nhu xem thư, rất mừng. Nhu nhận xét:

- Năm 1962 có được sự hòa dịu giữa gia đình họ Ngô với cha Lê là nhờ Hoàng Long góp một phần quan trọng.

Nhu tin rằng chế độ đã được củng cố nhờ việc thực hiện kế hoạch ấp chiến lược và kế hoạch trấn áp bọn mưu mô phản nghịch ở đô thành.

Nhu say sưa nói:

- Ta đang làm được điều quan trọng nhất hiện giờ là tổ chức hạ tầng cơ sở bằng cách lập ấp chiến lược. Trong năm 1963, chương trình ấp chiến lược thực hiện xong, cộng sản ở miền Nam hết đất sống, an ninh lãnh thổ được củng cố, bọn đối lập sẽ bị quét sạch, khi đó sẽ trả lời đề nghị hiệp thương giữa hai miền Nam - Bắc của Hà Nội. Đó cũng là câu trả lời đích đáng sự cảnh cáo của Mỹ đốt với chế độ Ngô Đình Diệm và nhất là với cá nhân tôi.

Hai Long bỗng nhở tời lời cha Lê đã nói với mình trên đường về nhà thờ Phát Diệm sau cuộc gặp Diệm - Nhu hồi đầu tháng 9.

Nhu mơ màng nhìn làn khói thuốc, nói:

- Mình chỉ mong muốn một Việt Nam cộng hòa nhân vị, thanh bình, thịnh vượng như Trung Hoa dân quốc, Sài Gòn xinh dẹp như Đài Loan; xứng đáng với danh hiệu "hòn ngọc Viễn Đông", tổng thống sẽ trở thành lãnh tụ Á châu chống Cộng số 1... Việt Nam cộng hòa phải lấy Đài Loan làm khuôn vàng thước ngọc. Nếu muốn khỏi bị ép thì phải làm như Đức cha Lê, đi hàng hai, hàng ba để thực hiện mục đích của ta.

Nhu chưa biết đống than hồng đang âm ỉ cháy, chỉ chờ một làn gió nhẹ sẽ bốc thành ngọn lửa. ---

[1] Winston Churchill (1874-1965), thủ tướng Anh, nổi danh chống Cộng.

[2] Cha mẹ dân

[3] Bộ chính trị

[4] Douglas McActhur (1880-1964) tư lệnh quân Mỹ chiến trường Viễn Đông

[5] Jacques Philippe Leclerc (1902-1947) tư lệnh quân Pháp chiến trường Viễn Đông, chỉ huy quân viễn chinh Pháp tái chiếm Đông Dương 1945.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play