Hôm sau Ngưu Nguyệt Thanh ra cửa hàng bán kẹo ở chợ Đền Lão Quan đặt mua bánh ga tô chúc thọ, lại có ý bảo sư phụ dùng bơ sữa đúc dòng chữ chúc mừng bà Uông bảy mươi đại thọ, lại mua một trượng lụa Tô Châu, một chai rượu Song Cầu, một gói thịt dê ướp sấy, một ký đường đỏ, nửa ký chè Long Tỉnh. Nhưng Trang Chi Điệp lại ngần ngừ không muốn đi. Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Anh không đi, nếu vợ chồng Uông Hy Miên hỏi thì em biết trả lời như thế nào?

Trang Chi Điệp nói:

- Hôm nay ở đó chắc đông người, nhốn nháo lắm. Anh cũng chẳng thiết nói chuyện với bọn họ. Nếu Uông Hy Miên hỏi, cứ bảo thị trưởng hẹn anh đi họp, quả thật không đi được.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Người ta mời anh đi là để làm đẹp cho nhà họ Uông. Uông Hy Miên thấy anh không đến sẽ giận, em hỏi người ta vay tiền, nếu khẳng khái thì không sao, nếu có khó khăn, thì em biết làm thế nào? Anh không muốn đi thật, hay chê em đi làm anh xấu hổ, thì em cũng không đi luôn.

Trang Chi Điệp nói:

- Đàn bà như em chỉ được cái lắm chuyện. Anh viết một bức tranh chữ em mang theo. Bà già chắc chắn sẽ vui vẻ.

Nói rồi trải giấy viết câu thơ "Tịch dương vô hạn hảo, nhân gian trọng vãn tình" (nắng chiều rực rỡ vô hạn, nhân gian coi trọng tình nghĩa những năm cuối đời). Viết xong thúc giục Ngưu Nguyệt Thanh đi ngay.

Ngưu Nguyệt Thanh vừa đi, Trang Chi Điệp liền có ý định đến nhà Chu Mẫn, ngẫm nghĩ nên đem cái gì cho Đường Uyển Nhi. Lục lọi một lúc lâu trong tủ ở buồng ngủ, chỉ có mấy cái bánh điểm tâm và kẹo, liền sang buồng mẹ vợ, định lấy một mảnh lụa hoa trong tủ tường. Bà mẹ vợ đòi ngồi nói chuyện, càu nhàu bố anh lúc tờ mờ sáng đã về đây cau có bà hỏi mới sáng bảnh mắt ra đã tức giận cái gì vậy. Bố anh bảo:

- Tôi không trông coi được chúng nó, các ngươi cũng không trông coi chúng nó ư?

Trang Chi Điệp hỏi:

- Chúng nó là ai hả mẹ?

Bà già đáp:

- Mẹ cũng hỏi chúng nó là ai, con rể của chúng ta, một nhân vật nổi tiếng như thế, ngồi ngang hàng với thị trưởng ăn cơm, đứa nào dám đến nạt nộ con ông? Bố anh bảo, chẳng phải hai vợ chồng nhỏ mới đến cạnh nhà, cãi giành nhau suốt ngày suốt buổi, làm khổ ông không sao yên giấc, ăn ngủ cũng chẳng ngon, mẹ nghĩ rồi, bố anh không nói dối đâu, hôm nay anh đã không đi ăn cỗ, thì thế nào cũng phải đi thăm bố, quả thật có nhà bên cạnh quấy rối ấy, thì lấy một cái chêm đào đóng xuống đó.

Nói xong bà già đi ra sân lấy con dao chặt một đoạn cành đào. Trang Chi Điệp vừa tức vừa buồn cười, vội dìu mẹ vợ vào, vót ba bốn đoạn cành đào, đống ý đi thăm mộ bố vợ. Vốn định an ủi mẹ vợ cho yên tâm rồi đi, nào ngờ bà chị kết nghĩa của Ngưu Nguyệt Thanh ở ngoại ô sang thăm, đem cho bà già một túi kê. Bà già mừng lắm cười cười nói nói rồi oà khóc, trách cô con gái này không nhớ bà, hỏi bố con làm gì mà sáu tháng một năm không đến thăm bà, bây giờ nhà quê giàu có rồi, liền quên chị em cũ, chị em cũ nào có định vay mượn tiền đâu cơ chứ. Người chị kết nghĩa vội giải thích, bố chị nhận khoán lò gạch ngói của làng, tuy ông không lao động chân tay được, nhưng ông là thợ đốt lò có tên tuổi, màu lửa hoàn toàn do ông điều khiển, quả thật không bỏ đi được. Bà già liền bảo:

- Bây giờ không bỏ đi được, thế sao ngày trước dăm ba ngày lại mò đến, ăn rồi, uống rồi, lúc về còn đem theo một bao tải ngô sắn, vậy là có thời giờ rảnh hả?

Bà nói tới mức người chị kết nghĩa lúc thì đỏ mặt lên, lúc thì tái nhợt đi. Trang Chi Điệp liền xoa dịu, bảo mẹ già rồi đầu óc đã lẫn cẫn, nói lung tung vớ vẩn suốt ngày. Người chị kết nghĩa nói:

- Tôi có trách người già đâu? Bà nói cũng đúng đấy, ngày ấy nhà chúng tôi đông con, đời sống túng bấn lắm, hoàn toàn nhờ bà cô cứu tế.

Liền nói với bà già:

- Cô ơi, cô mắng bố cháu là phải lắm. Bố cháu cũng bảo lâu lắm không lên thăm cô. Chờ mười ngày nữa, trong xã tổ chức hội chùa, có đoàn kịch lớn về biểu diễn lúc ấy bố cháu thế nào cũng sai cháu lên đón cô về xem.

Bà già bảo:

- Trong thành phố có "Dị tục xã", "Tam nghĩa xã", "Thượng hữu xã", chồng em chị đi xem kịch có mua vé bao giờ đâu mà tôi lại về quê xem kịch hả?

Người chị kết nghĩa nói:

- Cô ơi xem kịch trong rạp khác với xem kịch ở bãi, hơn nữa ở nhà quê đã giàu lên. Bố cháu bảo đón cô về để được trông nom hầu hạ cô tử tế.

Bà già bảo:

- Như vậy thì tôi đi, nhưng chị chỉ mời cô sao không mời chú hả?

Người chị kết nghĩa tái mét mặt đưa mắt nhìn thẳng vào Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp bảo:

- Bà cứ nói như thế đấy. Lúc thì nói tiếng người, lúc thì nói tiếng ma.

Người chị kết nghĩa nói:

- Có mời chứ cô, thế nào cũng mời cả chú nữa.

Bà già bảo:

- Chi Điệp ơi, thế là tốt rồi. Anh và chị nuôi đi thăm bố anh nhé? Trừng trị cái nhà bên cạnh một trận thì bố anh mới chịu đi.

Trang Chi Điệp chẳng biết làm cách nào đành bảo để bà chị ăn một chút rồi hãy đi. Bà chị bảo không đói, song vẫn ăn một ít bánh và hoa quả Trang Chi Điệp đưa ra rồi hỏi trong nhà cái tủ lạnh này bao nhiêu tiền, cái máy radio cát sét kia bao nhiêu tiền, hỏi cả cái tủ tổ hợp, cái tủ để đầu giường và cái đèn bàn để trên tủ, ngắm nghía có vẻ thèm thuồng đáo để. Khi hai người đi ra cửa thì đột nhiên bà già bảo chị kết nghĩa ở lại hỏi cái này đã, cứ để Trang Chi Điệp đi trước. Trang Chi Điệp chờ ở sân một lúc, thì người chị kết nghĩa đi ra, mặt đỏ bừng bừng. Trang Chi Điệp hỏi:

- Mẹ tôi lại nói cái gì thế?

Người chị kết nghĩa đáp:

- Bà hỏi thuốc em Ngưu Nguyệt Thanh mang sang đã uống chưa, có dấu hiệu gì không, dặn bảo chồng chị không được uống rượu nữa. Chị bối rối quá, có lòng đưa con sang đây hưởng sung sướng, song lại lo mình không sáng dạ, bôi xấu các em.

Trang Chi Điệp ngay lúc đó chẳng biết nói gì hơn, ậm ừ cho qua chuyện, rồi lảng sang chuyện khác, liền kể những chuyện mẹ vợ hay lú lẫn âm dương. Người chị bảo:

- Bà cao tuổi lắm rồi, tránh sao khỏi những chuyện lẩn thẩn. Nhưng người ta một khi già đi lại thông hiểu cõi âm cõi dương, cũng không hiểu cho những lơi nói ấy là lung tung vớ vẩn được đâu. Trong thôn chị cũng thường có những chuyện như thế.

Trang Chi Điệp nhăn nhó bảo:

- Không ngờ chị cũng giống mẹ tôi.

Hai người ngồi xe máy "Mộc lan" ra cổng thành phía bắc, đến thẳng bờ nương ở phía tây di chỉ Hán thành. Trời nóng nực vô cùng, xe máy đỗ ở đầu đường, người đẫm mồ hôi, bước qua vạt đất lổn nhổn, khi đi đến bên dốc bờ mương, từ xa xa đã nhìn thấy tấm bia đá. Người chị kết nghĩa khóc oà lên trước tiên. Trang Chi Điệp hỏi:

- Sao lại khóc thế chị?

Người chị kết nghĩa nói:

- Không khóc, chú sẽ tức giận không nói, mà hồn ma ở chung quanh lại cười giễu chú.

Liền khóc thêm ba tiếng nữa mới thôi. Điều khiến Trang Chi Điệp ngạc nhiên là ở bên trái ngôi mộ cũ của bố vợ, quả nhiên có một nấm mồ mới, cỏ tranh ở trên vẫn chưa mọc, giấy chăng của vòng hoa, bị nước mưa xối trôi trong bùn đất, liền nghĩ bụng: "Đây chắc là nhà bên cạnh mới đến mà bố đã nói". Trống ngực đập dữ dội. Người chị kết nghĩa đã quỳ xuống đốt giấy tiền, lẩm bà lẩm bẩm nói liên hồi. Trang Chi Điệp đi lên bờ mương, hỏi thăm một người dân đang đào đất, xem trong mộ mới là người nào. Người dân nói, một tháng trước, có hai vợ chồng trẻ họ Tiết ở trại Tiết Gia mang con vào thành phố, bị một xe tải cán chết cả nhà ngoài ngã ba, đã đem xác về đây chôn chung một mộ. Trang Chi Điệp sợ tái mặt biết lời mẹ vợ nói không sai, vội vàng ra đóng cọc đào chung quanh ngôi mộ mới, kéo người chị kết nghĩa quay về luôn.

Từ mộ bố trở về, bà mẹ vợ được người chị kết nghĩa đón ra ngoại thành. Trang Chi Điệp cũng thấy đã muộn, dự đoán Ngưu Nguyệt Thanh cũng ăn trưa ở nhà Uông Hy Miên rồi mới về, liền ăn qua quýt mấy thứ. Nghĩ lại quang cảnh trên ngôi mộ, không còn dám nhận định mẹ vợ nói vớ vẩn lung tung nữa, liền cố hết sức thu gom những lời nói hoang đường mà mẹ vợ đã nói ngày thường ghi hết vào một quyển sổ nghiền ngầm đi nghiền ngẫm lại. Lúc này, trời bỗng dưng u ám, gió thổi cửa sổ đập phành phạch, dường như sắp mưa to, Trang Chi Điệp vội vàng đóng cửa sổ lại rồi ra sân cất quần áo, chăn đệm phơi nắng, chờ đến một tiếng đồng hồ,vẫn chưa có một giọt mưa, mà mây đen nghìn nghịt đây trời, trong chốc lát đã biến thành những hình thù hết sức kỳ lạ. Trang Chi Điệp ngồi một mình trước cửa sổ, nhìn lâu lắm, chợt thấy mây đen càng đùa càng nhiều, cuối cùng là một hình tượng giống người mà không phải người, hơn nữa còn xoã tóc ra chạy, nhất là hai chân để trần to sù sù, gần như phân biệt rõ năm ngón chân cong lên và cả những đường vân hình cái đấu hình cái mẹt trên ngón chân. Trước cảm thấy thú vi, định ghi lại hình tượng đó, song ngay một lúc không tìm được câu chữ thích hợp, liền cứ thế vẽ theo, nhưng bất thình lình cảm thấy sợ hãi. Quay sang nhìn vào buông ngủ của mẹ vợ càng thêm bối rối không yên, liền khóa cửa đi sang khu nhà ở của Hội văn học nghệ thuật.

Buổi chiều Ngưu Nguyệt Thanh không về, buổi tối cũng không về. Khoảng mười giờ đêm, có một người đến nhắn tin, bảo phu nhân nhờ nói với Trang Chi Điệp là Bà Uông cứ một mực giữ phu nhân ở lại không cho về, cùng ngồi chơi mạt chược ở bên đó. Phu nhân cũng đã mời bà Uông và vợ Uông Hy Miên ngày mai sang chơi nhà, hai người đã nhận lời.

Trang Chi Điệp nói:

- Như thế có nghĩa là bảo tôi sáng mai đi chợ sắm thức ăn chứ gì?

Người kia nói:

- Ý của phu nhân là thế thưa ông.

Tiếp theo đưa Trang Chi Điệp một bảng kê mua thức ăn. Trang Chi Điệp xem, thì có các món thịt lợn một ký, xương sườn nửa ký, cá chép một con, ba ba một con, cá mực nửa ký, sâm biển nửa ký, ngó sen một nửa ký, hẹ vàng một ký, quả đậu nửa ký, đậu hà lan nửa ký, cà chua một ký, cà một ký, nấm tươi một ký, rượu uống Quế hoa một chai, Sevenup bảy hộp, đậu phụ một ký rưỡi, rau dưa Triều Tiên mỗi thứ một phần tư ký, thịt dê một ký, thịt bò ướp nửa ký, trứng muối năm quả, gà quay một con, vịt quay một con, gan lợn chín, dạ dày dồi hun khói thành phẩm, mỗi thứ một phần tư ký, ngoài ra đem từ nhà mẹ ở Song Nhân phủ sang một chai rượu Ngũ lương, mười chai bia, một gói lạc rang, một gói nâm hương, một gói mộc nhĩ, một bát gạo nếp, một túi táo tàu, một gói miến. Mua thêm, nửa ký lạp sường, một ký dưa chuột, một hộp đậu hà lan, một hộp anh đào, một lạng rau tơ, ba lạng hạt sen và một hộp măng.

Trang Chi Điệp nói:

- Phiền toái thế này, thật chẳng bằng ra nhà hàng đặt một hai mâm có phải hơn không?

Người đưa tin nói:

- Phu nhân dự đoán ông sẽ bảo thế, nên đã bảo tôi dặn ông, đây là phu nhân Uông Hy Miên đến chơi nhà, ăn ở nhà hàng, thì ăn núi uống biển, làm sao có không khí bằng ở nhà, hơn nữa còn để nói chuyện.

Trang Chi Điệp nghĩ bụng:

- Bà xã mình cứ tưởng mình mê vợ Uông Hy Miên thật sao?

Trang Chi Điệp tiễn người nhắn tin ra về liền nghĩ, đã chiêu đãi tại nhà thế này, thì sao không nhân thể mời hai vợ chồng Mạnh Vân Phòng và hai vợ chồng Chu Mẫn cùng đến cho vui, một là cho Ngưu Nguyệt Thanh xem mình đâu có ý với vợ Uông Hy Miên, hai nữa cũng để Đường Uyển Nhi đến thăm gia đình, quyết định như thế, ngay trong đêm gọi điện cho Triệu Kinh Ngũ, hẹn sáng mai đến giúp, ra chợ phố hàng than, mua rau xanh và các món thức ăn này.

Buổi sáng dậy thật sớm, Trang Chi Điệp đi xe máy đến nhà Chu Mẫn ở số 8 Phố Tự, ngõ Lô Đăng. Đường Uyển Nhi đã dậy trang điểm trước gương. Chu Mẫn ngồi xổm dưới giàn nho đánh răng bọt trắng đầy mồm, thấy Trang Chi Điệp đi vào mừng quýnh cà kê. Đường Uyển Nhi nghe thấy, hai tay còn trên đầu vội ra đón, mặt đỏ lên, hỏi một tiếng, song đi sang một bên, vẫn tiếp tục vấn tóc. Chu Mẫn nói:

- Đầu vẫn chưa chải xong ư? Sao không rót nước mời thầy giáo Điệp hả?

Đường Uyển Nhi trở lại bình tĩnh tự nhiên, vội vàng đi rót trà. Nước trà nóng quá, hai tay thay nhau bưng đến, vừa đặt cốc xuống, đã vẩy vẩy tay kêu xuýt xoa, lại e thẹn mỉm cười với Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp hỏi:

- Có sao không?

Đường Uyển Nhi đáp:

- Không sao.

Nhưng ngón tay lại ngậm ở mồm. Ngủ một đêm thoả mãn, sáng dậy lại trang điểm tử tế, khuôn mặt Đường Uyển Nhi càng trắng trẻo mịn màng, mặc chiếc áo sơ mi cộc tay cổ tròn màu cánh sen bó sát người, bên dưới là chiếc váy mini chật cứng, làm nổi cái lưng thon cao, mũi chân thì dài như cái dùi. Trang Chi Điệp hỏi:

- Hôm nay em đi đâu thế?

Đường Uyển Nhi đáp:

- Em đâu có đi đâu?

Trang Chi Điệp hỏi:

- Vậy sao ăn diện tươi tỉnh thế?

Đường Uyển Nhi đáp:

- Có quần áo gì đâu mà ăn diện, chỉ son phấn một chút ấy mà. Ngày nào ở nhà em cũng làm thế, trang điểm một tí, bản thân cũng tươi tỉnh. Nếu có khách đến thăm, đón tiếp người ta cũng là tôn trọng khách. Thầy giáo Điệp cười chúng em tầm thường phải không?

Trang Chi Điệp nói:

- Sao lại cười? Thế mới giống đàn bà chứ! Quần áo này cũng là diện lắm rồi!

Trang Chi Điệp nói và chợt cảm thấy chột dạ, đôi giày da mà Đường Uyển Nhi đi trên chân chính là đôi giày da anh tặng hôm nào, Đường Uyển Nhi cũng nhận ra điều đó, liền nói to:

- Thầy giáo Điệp ạ, bộ quần áo này đều là quần áo cũ của năm năm trước, chỉ có đôi giày là mới. Thầy xem, đôi giày của em có được không?

Trang Chi Điệp thấy yên tâm, biết Đường Uyển Nhi nói như vậy, một là để Chu Mẫn nghe, hai nữa là để ám chỉ cho mình: em đã không để lộ chuyện tặng đôi giày. Trang Chi Điệp cũng nói:

- Được đấy! Thật ra, quần áo giày tất không có chuyện đẹp xấu, mà là xem ai mặc.

Chu Mẫn hái một chùm nho ở ngoài sân đi vào nói:

- Cô ấy là cái giá quần áo, bao nhiêu là giày dép ra đấy, lại cứ mua đôi này, có mới nới cũ, lại xếp xó không đi nữa.

Trang Chi Điệp hớn hở trong lòng. Tại sao Đường Uyển Nhi không nói với Chu Mẫn nguồn gốc của đôi giày, hơn nữa lại còn nói dối rất tự nhiên trước mặt Chu Mẫn, vậy thì cô ấy có ý kia với mình không? Liền bảo:

- Chu Mẫn này, hôm nay mình đến sớm tìm cậu thế này là có ý mời các cậu trưa nay đến nhà mình ăn cơm. Có chuyện tày đình thì các cậu cũng phải gác lại, không đi không được đâu. Mình còn mời mẹ và phu nhân của họa sĩ Uông Hy Miên, có cả vợ chồng Mạnh Vân Phòng. Mình phải đi ngay, không ở đây chơi được lâu, còn phải sang nhà anh Phòng, sau đó bận ra chợ mua sắm.

Đường Uyển Nhi hỏi:

- Thầy mời chúng em ư? Lại vinh dự được thế ư?

Trang Chi Điệp đáp:

- Lần trước mình chẳng đến ăn cơm ở đây là gì?

Đường Uyển Nhi nói:

- Quả thật khó nói quá! Chúng em chỉ mong đến để biết nhà, cũng là để gặp mặt cô Thanh. Nhưng mời đông người thế, chúng em là cái thá gì, e sẽ làm xấu mặt thầy giáo.

Trang Chi Điệp nói:

- Đã là bạn rồi đừng có nói khác đi. Uyển Nhi ơi, em nhờ cô Tiệp tặng nhà mình một chiếc vòng ngọc phải không?

Đường Uyển Nhi đáp:

- Thế nào, cô Thanh không chịu nhận sao?

Trang Chi Điệp đáp:

- Đâu có phải không chịu nhận, chỉ có điều ngay cái mặt cũng không nhìn thấy, thì nhận không món quà làm gì?

Đường Uyển Nhi nói:

- Ôi, có đáng gì cho cam, anh Chu Mẫn đã tặng chị Hạ Tiệp một vòng ngọc để cám ơn thầy giáo Phòng đã giới thiệu chúng em với thầy, em nghĩ đã tặng chị Tiệp một cái, thì thế nào cũng phải tặng cô Thanh một cái, liền nhờ chị Tiệp chuyển giúp.

Trang Chi Điệp liền móc túi lấy ra một gói vải bảo:

- Cô Thanh của em bảo anh tặng lại một vật kỷ niệm, không hiểu các cậu có thích hay không?

Đường Uyển Nhi liền cầm trước,vừa giở ra vừa nói:

- Cô Thanh đã có lòng như thế, thì tặng cục đất em cũng thích.

Giở ra xem, thì là một cái gương đồng cổ, liền reo lên một tiếng ái chà:

- Mau mau lại mà xem anh Mẫn ơi!

Chu Mẫn cũng đến xem, bảo:

- Thầy giáo Điệp này, thầy làm em khó xử quá! Đây là vật quý hiếm vô giá.

Trang Chi Điệp nói:

- Vô giá có giá cái gì, để chơi ấy mà!

Đường Uyển Nhi lại cầm gương lên soi, trước đây nghe người ta bảo có gương đồng, cứ nghĩ gương đồng thì soi sao được, nào ngờ lại sáng bóng như kính thế này. Liền bỏ luôn cái đĩa tranh bày trên bàn đặt gương đồng lên giá tranh ấy. Rồi cứ soi cứ ngắm vuốt mãi. Chu Mẫn bảo:

- Xem kìa, em cứ xí xa xí xớn!

Đường Uyển Nhi bảo:

- Em đang nghĩ chiếc gương đồng này ngày xưa là của người đàn bà nào, chị ta soi gương, dán hoa cắt giấy trang kim lên trán như thế nào nhỉ?

Nói rồi bĩu mồm bảo tiếp:

- Chu Mẫn này, mấy viên ngói diềm mái, em thu gom trước kia anh chẳng coi ra cái gì hết, vứt lay vứt lắt, nhét chỗ này một hòn, nhét chỗ kia một viên, lại còn đánh vỡ tan của người ta một viên nữa cơ chứ! Chiếc gương này là bảo bối của em đấy nhá, đặt vào đây, anh đừng có động vào đấy!

Chu Mẫn bảo:

- Anh đâu có không hiểu thế nào là nặng nhẹ sang hèn kia chứ?

Rồi nhìn Trang Chi Điệp có phần nào ngượng ngùng. Đường Uyển Nhi liền giục:

- Anh Chu Mẫn ơi, vậy thì anh thay thầy giáo Điệp chạy đi thông báo cho thầy giáo Phòng, rồi về mua một ít quà, chưa biết chừng hôm nay là ngày sinh của thầy giáo Điệp, hay ngày sinh của sư mẫu cũng nên.

Trang Chi Điệp nói:

- Chẳng phải sinh nhật của ai cả, ăn uống là chuyện vặt, cái chính là họp mặt bạn bè.

Chu Mẫn sẵn sàng chuẩn bị đi. Trang Chi Điệp cũng định ra về, Chu Mẫn bảo:

- Có em đi báo, thầy cứ bình tĩnh, để Đường Uyển Nhi ra phố mua mấy cái bánh hấp vào óc đậu phụ về đã, chắc là thầy chưa ăn lót dạ buổi sáng.

Trang Chi Điệp cũng ngồi lại, bảo vậy thì mình nghỉ một lát sẽ đi. Chu Mẫn vừa ra khỏi cổng, Đường Uyển Nhi liền ra đóng cổng, nhưng quay về nói:

- Thầy giáo Điệp ạ, em đi mua cho thầy mấy cái bánh hấp nhé?

Trang Chi Điệp bỗng mất tự nhiên, đứng lên rồi lai ngồi xuống bảo:

- Tôi không quen ăn lót dạ buổi sáng, em cần ăn thì cứ mua cho em.

Đường Uyển Nhi liền cười bảo:

- Thầy không ăn thì em cũng không ăn nữa.

Đôi mắt nhìn chằm chằm Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp thấy toàn thân rạo rực, sống mũi toát mồ hôi hột, song cũng dũng cảm nhìn Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi liền ngồi ngay trước mặt Trang Chi Điệp. Chiếc ghế rất nhỏ, một bên chân duỗi ra đàng sau còn bên chân kia thì từ từ ngả xuống mũi chân chấm đất. Chiếc giày ở nửa chân nửa tuột ra để lộ nửa gót chân sau song song với chiếc ghế. Trang Chi Điệp lại một lần nữa ngắm nghía đôi giày da nhỏ nhắn xinh xinh kia.

Đường Uyển Nhi nói:

- Đôi giày này rất vừa đi ra phố, người cứ nhẹ bâng.

Trang Chi Điệp đưa tay ram song lại hươ thành nửa vòng tròn ở lưng chừng, rồi lại đỡ dưới cằm mình, có phần nào không ngồi yên. Đường Uyển Nhi dừng một lát, cúi đầu co chân vào, gọi:

- Thầy giáo Điệp!

Trang Chi Điệp đáp:

- Hả?

Ngẩng đầu lên thì Đường Uyển Nhi cũng ngẩng lên nhìn anh. Hai người lại không nói gì nữa. Trang Chi Điệp lúng túng nói:

- Đừng gọi tôi là thầy giáo.

Đường Uyển Nhi hỏi:

- Thế em gọi bằng gì?

Trang Chi Điệp bảo:

- Cứ gọi thẳng tên, gọi thầy giáo xa lạ quá!

Đường Uyển Nhi hốii:

- Vậy thì mở mồm thế nào?

Chị ta đứng dậy, song không biết làm gì, liền đi đến chỗ bàn sờ mó chiếc gương đồng, nói:

- Nghe thầy giáo Phòng nói thầy giáo Điệp thích thu gom đồ cổ, mà lại đem tặng chúng em chiếc gương đồng đẹp thế này ư?

Trang Chi Điệp bảo:

- Chỉ cần em cảm thấy nó đẹp là anh vui rồi. Em họ Đường, đây cũng là đồ vật của thời kỳ Đường Khai Nguyên, em giữ nó càng thích hợp. Em vừa xem độ sáng bóng của mặt gương, chứ chưa xem kỹ hoa văn ở đàng sau gương đâu.

Đường Uyển Nhi bèn lật gương ra xem, mới nhìn rõ, ở dưới núm sau gương có một con uyên ương mồm ngậm dải lụa đứng trên hoa sen, phía trên núm là một đôi hạc tiên xoè cánh, cổ cúi xuống lại ngậm dải lụa có nút đồng tâm. Còn ở chỗ gờ hẹp đường hoa văn răng lược lồi lên, có một vòng hoa văn khắc dòng chữ: "Nhân đức trong sáng, tuổi thọ kéo dài, chí lý thủy chung, lấy điều tốt làm gương, hoàn thiện bản thân, nhìn son phấn mà nên dáng nết, phân biệt trắng đen xấu đẹp, hoa nở bông xoè, trăng trong tròn vành vạnh".

Đường Uyển Nhi xem xong, ánh mắt bừng lên rạng rỡ, hỏi:

- Chiếc gương này tên là gì?

Trang Chi Điệp đáp:

- Gương đồng có hai con hạc ngậm dải lụa uyên ương có đường hoa văn khắc chữ.

Đường Uyển Nhi nói:

- Vậy thì sư mẫu sao chịu tặng gương này cho em cơ chứ?

Trang Chi Điệp bỗng chốc ngắc ngứ, không sao nói được.

Nhưng Đường Uyển Nhi đã đỏ mặt, trên trán lấm tấm có những giọt mồ hôi nhỏ li ti, lại hỏi:

- Thầy giáo nóng hả?

Rồi đứng lên tự lấy que gỗ chống cánh cửa sổ. Cửa sổ là cửa sổ kiểu cũ, nửa dưới cố định, nửa trên chúng tôi đóng mở. Que gỗ chống mấy lần không vững, kiễng chân hai tay nâng lên, thì lưng eo của Đường Uyển Nhi thót lại dài ra, một nửa lưng nõn nà lộ hẳn ra dưới gấu áo sơ mi. Trang Chi Điệp vội chạy đến giúp, que gỗ vừa chống xong, nào ngờ "sầm" một tiếng, que chống lại rơi xuống, cánh cửa đẩy ra liền đóng chặt. Đường Uyển Nhi giật mình, khẽ kêu lên, Trang Chi Điệp vừa kịp đỡ người chị ta sắp ngã, thì cả tấm thân kia ngã vào lòng Trang Chi Điệp một cách ngon thơm như có lắp trục quay ở bên dưới. Trang Chi Điệp lật cánh tay ôm luôn, hai cái mồm liền dính chặt vào nhau, chẳng cần giải thích gì hết và cứ như thế, cứ thể thở hổn hển lâu lắm, (tác giả cắt đi hai mươi ba chữ).

Trang Chi Điệp nhấc miệng ra, nghẹn ngào nói:

- Đường Uyển Nhi ơi, cuối cùng anh đã ôm được em. Anh thích em vô cùng, thật đấy Đường Uyển Nhi ạ!

Đường Uyển Nhi rối rít nói:

- Em cũng thê, em cũng thế!

Nhưng chị ta lại sụt sịt khóc, nước mắt lưng tròng. Trang Chi Điệp nhìn Đường Uyển Nhi khóc, trong lòng càng yêu thương vô hạn, đưa tay lau nước mắt cho Đường Uyển Nhi, rồi lại đưa miệng hôn vào cặp mắt đẫm lệ. Đường Uyển Nhi liền cười sằng sặc, giãy giụa không cho hôn, hai cái mồm lại dính vào nhau, tất cả sức lực dồn cả vào mút lưỡi.

Bất giác, cả bốn bàn tay cùng một lúc nắm bóp trên thân thể đối phương. Tay Trang Chi Điệp như con rắn luồn xuống dưới, cái váy chật quá, tay cứ cuống quýt lên, chỉ nắm được cạp váy. Đường Uyển Nhi liền cởi cúc váy ở sau lưng ra (tác giả lược bỏ mười một chữ).

Trang Chi Điệp nói:

- Hôm tặng giày cho em, anh rất muốn sờ vào chân em.

Đường Uyển Nhi bảo:

- Em đã nhận ra, muốn anh sờ lắm, nhưng anh đã dừng lại.

Trang Chi Điệp hỏi:

- Thế sao em không ra hiệu bật đèn xanh?

Đường Uyển Nhi đáp:

- Em không dám.

Trang Chi Điệp nói:

- Anh cũng không có gan. Từ hôm gặp em, trong lòng đã yêu em, cảm thấy có duyên với nhau. Nhưng em là người đàn bà đầu tiên anh đón tiếp, trong lòng lại sợ, chỉ muốn mà thôi, chỉ cần em có một chút bày tỏ, thì anh sẽ dũng cảm vô cùng.

Đường Uyển Nhi nói:

- Anh là danh nhân, em cứ tưởng anh không để ý đến cơ đấy!

Trang Chi Điệp đặt Đường Uyển Nhi mềm nhũn như sợi bún lên giường, bắt đầu cởi bỏ xi líp, tụt luôn cả tât ny lông dài xuống dưới đầu gối. Cặp chân trắng nõn nà bày ngồn ngộn ra trước mặt, trong cảm giác của Trang Chi Điệp, đó là làn da mịn màng của cây xuân liễu đã bóc vỏ bên sông Hoàng ở Đồng Quan thời còn bé, là cây hành già đã bóc vỏ trong nhà bếp. Đường Uyển Nhi định tháo giày ra và bỏ hẳn tất ở chân, Trang Chi Điệp bảo, anh thích nhất đi giày cao gót như thế này, liên giơ hai chân ấy lên, đứng ở cạnh giường (tác giả cắt bỏ ba trăm bảy mươi chín chữ).

Trang Chi Điệp đã mặc xong quần áo, nhưng Đường Uyển Nhi vẫn nằm như chết tại chỗ. Trang Chi Điệp đặt chị ta nằm ngay ngắn, rồi ngồi hút thuốc trên ghế xa lông đối diện giường nằm ngắm nghía, thưởng thức mãi trạng thái ngủ của người ngọc.

Đường Uyển Nhi mở mắt nhìn Trang Chi Điệp dường như hơi xấu hổ, cười không thành tiếng, vẫn chưa có sức bò dậy. Trang Chi Điệp liền nhớ tới câu thơ Đường miêu tả Dương Quý Phi tắm xong người mệt lử, nhận ra đấy chẳng phải là tắm xong, mà hoàn toàn là miêu tả cảnh tượng sau cuộc giao hoan.

Đường Uyển Nhi bảo:

- Anh khoẻ thật đấy!

Trang Chi Điệp hỏi:

- Anh khoẻ ư?

Đường Uyển Nhi bảo:

- Em chưa bao giờ được thoải mái như thế này.

Trang Chi Điệp đã không tỏ ra tự hào, mà còn thật thà bảo:

- Ngoài Ngưu Nguyệt Thanh ra, em là người đàn bà đầu tiên anh tiếp xúc. Hôm nay quả thật hơi kỳ lạ, anh chưa bao giờ dai sức thế này. Thật đấy, chung đụng với Ngưu Nguyệt Thanh anh cứ bảo mình bất lực, chẳng ra hồn đàn ông nữa.

Đường Uyển Nhi bảo:

- Đàn ông chẳng người nào bất lực đâu, nếu có thì toàn là chuyện của đàn bà.

Trang Chi Điệp nghe vậy, không kìm giữ nổi, lại lao đến, ôm chặt Đường Uyển Nhi. Đột nhiên gục đầu vào lòng chị ta khóc lóc và nói:

- Anh cám ơn em, Đường Uyển Nhi ạ. Đời này kiếp này anh không quên được em!

Đường Uyển Nhi đỡ Trang Chi Điệp dậy, khe khẽ gọi:

- Anh Điệp!

Trang Chi Điệp đáp:

- Hả?

Đường Uyển Nhi nói:

- Em vẫn gọi anh là thầy giáo hay hơn.

Trang Chi Điệp hỏi:

- Em cười anh đáng thương quá phải không?

Đường Uyển Nhi đáp:

- Luôn mồm gọi anh là thầy giáo, đột nhiên không gọi nữa, chẳng phải là dở sao? trước mặt người ta, em gọi anh là thầy giáo, khi chỉ có hai người em gọi anh là anh Điệp được chứ?

Hai người lại ôm, lại hôn một lúc, thì Đường Uyển Nhi bắt đầu mặc quần áo, chải đầu, kẻ lại lông mày, lông mi, bôi môi son, bảo:

- Anh Điệp ơi, bây giờ em là người của anh rồi. Hôm nay mời vợ Uông Hy Miên, chắc chắn người ấy phải như tiên, em đi quả thật có xấu mặt không đấy?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play