Trang Chi Điệp nói câu ấy đương nhiên là nói một cách tuỳ tiện, nào ngờ con bò này lại nghe vào tai từng chữ. Người ta bảo chó hiểu tính người, mèo thông tính người, thật ra bò càng thông hiểu tính người.

Một năm trước, Trang Chi Điệp đi thực tế ở vùng ngoại ô, đã ở tại nhà chị Lưu, người đàn bà này lúc đầu trồng rau, rau trồng đã không tốt, khi bán lại không biết ranh ma trên đòn cân nên đương nhiên quang cảnh chẳng sáng sủa cho lắm.

Một hôm Trang Chi Điệp gợi ý: "Sữa cung ứng cho thành phố thường bị pha nước, dân chúng nhao nhao phản đối. Nhưng người dùng sữa nhiều, trại sữa lại muốn kiếm tiền, nước vẫn pha vào như cũ, nhưng người đặt mua sữa, vừa chửi bậy, cũng lại vừa đặt mua. Vậy thì sao không nuôi một con bò sữa, rồi dắt vào thành phố, vắt sữa đến đâu bán đến đó, cho dù giá cao một chút cũng được người ta hoan nghênh, thu nhập chắc hẳn hơn trồng rau."

Chị Lưu nghe theo, do đó đã mua con bò này ở tận núi Chung Nam. Bò đã vào Tây Kinh theo đề nghị của Trang Chi Điệp. Mỗi lần uống sữa, Trang Chi Điệp lại chống tay ngửa cổ bú vú bò, nên bò đã xúc động đối với Trang Chi Điệp. Lần nào nhìn thấy Trang Chi Điệp, con bò cũng rống lên chào hỏi. Từ lúc nghe Trang Chi Điệp lại nói: "Bò chẳng khác nào một triết gia", thì từ đó quả thật, nó đã có tư duy, đã nhìn nhận thành phố này bằng con mắt của một "Triết gia". Chỉ có điều không biết nói tiếng người, cho nên con người đã không hiểu.

Hôm nay bán xong sữa lúc sáng sớm, chị Lưu đã dắt con bò nghỉ mát ở chân tường thành, chính là lúc Chu Mẫn thổi huyên trên tường thành, tiếng huyên trầm lắng vang vọng, u u như gió đêm rít trước cửa sổ, như ma khóc ở mộ cổ, người và bò nghe thấy đều có phần rờn rợn, song lại cứ thích nghe, mà tiếng huyên lại dừng, liền ngẩng lên nhìn người thổi huyên như tranh cắt giấy từ từ đi xa dần. Trong cảm giác có phần xúc động thở than, song không có ngôn từ miêu tả nổi, đã cúi đầu ngủ gật và thiếp đi. Con bò đã gặm no một bụng cỏ, cũng nằm xuống nhai lại, hễ nhai lại là bắt đầu suy nghĩ: Khi ta ở tận núi Chung Nam đã biết có lịch sử của con người, liền biết có lịch sử của con bò, hay nói một cách khác, thật ra con người biến hoá từ con bò, hay con bò biến hoá từ con người đấy nhỉ? Nhưng con người không nhận xét như thế, con người bảo họ biến hoá từ con khỉ. Con người tại sao biến hoá từ con khỉ kia chứ? Cái thằng cha mông đít đỏ lòm, dầy bì bì như mặt đấy, mà lại là tổ tông của con người ư? Để vĩnh viễn nô dịch chúng ta, lại muốn tâm chân lý đúng, con người đã hoàn toàn nói dối. Nếu vụ án oan này không thể làm sáng tỏ, thì chúng ta có thể nhận định thế này: tổ tiên của con người và con bò đều là con khỉ. Khỉ đã biến hoá thành hai loại, một loại biết nói và một loại không biết nói. Nói là biểu hiện của tư duy của con người, còn tư duy của con bò thì biến thành nhai lại. Như thế mà thôi! A ha! Trong đất trời mịt mù hỗn độn, con bò có cần thiết phải nhỏ lại như con bọ chó hầu như không tồn tại hay không? Không, bò là con vật bề thế, có thân hình cao to, có bốn chân mạnh khoẻ, có cặp sừng chiến đấu sắc nhọn bền chắc. Nhưng trong một thế giới mọi dã thú đều tấn công con người, thì chỉ có một mình bò đứng về phiá người, hợp tác với con người, chịu sự chỉ huy của con người. Điều đó hoàn toàn là dòng máu gần gũi tâm linh tương thông. Nhưng con người đã coi bò như gà như lợn, hoàn toàn phục vụ cho mình, gà và lợn, con người còn phải chăn nuôi mới được ăn trứng của chúng, được ăn thịt của chúng, còn bò thì phải cày bừa cho người, kéo cối xay cho người, thồ hàng cho người và phát triển tới mức vắt ra sữa bò! Người ơi người, sở dĩ chiến thắng bò, là con người có trái tim vong ơn bội nghĩa và đã chế tạo ra roi vọt. Con bò sữa này đã bất bình bởi nỗi oan nhục của chủng tộc mình, lỗ mũi bắt đầu hít thở phì phò phun ra hai luồng hơi mạnh, khiến bụi đất trước mặt tung lên hình thành hai hố nhỏ. Nhưng nó ngẩng đầu lên nhìn bầu trời trắng trong, cuối cùng đã ôn hoà trở lại, mà cười một cái thật dài, điệu cười dài của bò tức là phát ra một tiếng "Rống". Nguyên nhân của điệu cười dài là: " Trên thế giới này trong mọi động vật, ngoài loài bò ra, thì đều hung dữ. Im lặng chỉ có Thượng Đế và bò. Chính vì bị con người nô dịch, bò mới khác với dã thú khác mà theo con người bước vào xã hội văn minh. Tốt lắm, nền văn minh của xã hội, xét cho cùng sẽ làm khánh kiệt các cơ quan của con người, thông minh quá hoá lỡ trớn "Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần". Sẽ đi đến tiêu diệt. Vậy thì thay thế con người, mà sẽ làm chúa tể xã hội này là ai nhỉ? Là bò, chỉ có thể là bò! Điều này đâu phải là lời bông đùa không có căn cứ. Trong lịch sử đời sống của con người, chẳng phải thường xảy ra chuyện đầy tớ trong nhà phản chủ đó sao? Huống hồ, chủng tộc của bò, trên thực tế, đã đi vào đội ngũ loài người đầu tiên. Bạn không thấy trong loài người, tại sao lại có nhiều người thích mặc áo khoác, ao bờ lu dông và giày làm bằng da bò đến thế. Những người mặc áo da, đi giày da đó, đều là đặc vụ của bò. Sau khi chúng lẫn lộn vào loài người tự nhiên lưu luyến chủng tộc của bò, hoặc nhắc nhở nhiệm vụ của mình, mới dùng những thứ của bò ngấm ngầm rêu rao và ám thị trên một bộ phận nào đó của cơ thể mà bản thân con bò này đã đương đương tự đắc. Quả tình là nhiệm vụ to lớn trời giao, lại là kẻ đầu tiên trần trùng trục đi vào thành thị phồn hoa nhất của con người với thân phận con bò, thử hỏi ở thành thị nào, có con bò nghênh ngang đàng hoàng trên phố lớn?

Con bò này nghĩ đến đây, thì vô cùng cảm ơn Trang Chi Điệp. Do Trang Chi Điệp đề nghị, mà một người đàn bà đã mua nó từ vùng núi hoang hẻo lánh về, rồi lại dắt nó vào thành, vắt sữa đến đâu bán đến đấy, lại còn nói một câu "bò chẳng khác gì một triết gia", một chữ ngàn vàng, ném đi kêu sang sảng, làm cho nó chợt tỉnh ngộ sứ mạng thiêng liêng của mình.

Ôi! Ta là triết gia, ta là triết gia thật sao? Ta phải quan sát thật cẩn thận thành phố của những con người này, suy nghĩ về đời sống của con người trong thành phố này, làm một tiên tri giác bò vĩ đại trong thế kỷ quá độ.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play