Một tuần sau, Khánh Xuân đến trại cai nghiện thăm Tiêu Đồng.

Vẫn là bài hát “Bố mẹ thân yêu, nghĩ đến mọi người...” vang lên trong sân vận động của trại. Khánh Xuân cùng với Giám đốc trại đứng bên ngoài sân nhìn những học viên chạy dưới khẩu lệnh của viên quản đốc trẻ - “Một hai một! Một hai một...”. Hơn một trăm con người chạy một cách chỉnh tề theo tiếng hô giữ nhịp của anh ta, trông rất khí thế. Khánh Xuân trông thấy Tiêu Đồng trong hàng ngũ ấy với đầu tóc cắt ngắn, bộ quần áo màu lam thi thoảng quay đầu nhìn cô. Từ xa, cô nở một nụ cười thật tươi với anh.

Giờ rèn luyện sức khỏe đã hết, quản giáo nhận xét mấy điểm đại khái rồi tuyên bố giải tán. Tất cả đồng loạt hô vang một câu gì đó rồi tản về bốn phía, ngồi tụm năm tụm ba dưới những tán cây chung quanh sân vận động. Tiêu Đồng chạy nhanh về phía cô. Không hổ danh là một người đã từng chơi bóng đá, dáng chạy của anh thật đẹp, khác xa với tất cả mọi người ở đây.

Giám đốc trại ưu ái tìm cho hai người một căn phòng nhỏ để chị em có thể tự do hàn huyên tâm sự. Qua những giới thiệu vắn tắt của Giám đốc trại, Khánh Xuân biết là sau khi đến đây hai ngày, cơn nghiện của Tiêu Đồng phát tác rất mạnh, kịch liệt đến độ quản giáo phải dùng dây thừng buộc chặt anh xuống giường mấy tiếng đồng hồ liền, nôn đầy trên người và trên giường. Cách đây mấy ngày, sức khỏe và khí sắc của Tiêu Đồng mới dần dần ổn định trở lại, nếu so với người bình thường thì không khác nhau là mấy.

Đưa mắt nhìn Tiêu Đồng lúc này toàn thân đang đẫm mồ hôi, Khánh Xuân hỏi:

- Nóng đến mức ấy hay sao?

Tiêu Đồng cười nhẹ. Nụ cười ấy đã thấp thoáng vẻ rực rỡ tươi tắn ngày xưa, nói:

- Chạy bộ mà.

Cô đưa khăn tay cho anh. Anh cầm lấy nhưng không lau mồ hôi. Cô hỏi:

- Cảm thấy sức khỏe hồi phục chưa? Ngủ có ngon không?

- Có khi ngủ khá ngon.

- Mỗi ngày cậu làm gì ở đây?

- Huấn luyện quân sự, lên lớp; Quản giáo gặp gỡ nói chuyện; khám bệnh uống thuốc.

- Họ cho cậu uống những loại thuốc gì?

- Phiêu trường tử, Đại hoàng, Giao nang 626... Nói chung đều là thuốc Đông y, lấy độc trị độc.

- Ở đây có trò vui gì không?

- Bóng bàn, cầu lông, lại còn có karaoke, cũng có thể xem ti vi.

- Quản giáo và bác sĩ đối đãi với cậu tốt không?

- Tốt lắm.

- Tôi nghĩ, nơi đây không khác nấy so với các viện điều dưỡng, tôi cũng muốn đến đây rồi đó.

Khánh Xuân thấy thái độ của Tiêu Đồng có vẻ trầm lặng nên buông một câu đùa. Có điều anh vẫn không cười, cũng chẳng có bất kỳ phản ửng nào. Ngừng lại một lát, Khánh Xuân lại hỏi:

- Ăn uống ra sao? So với ngày cậu nằm viện thì có hơn không?

Tiêu Đồng không trả lời Khánh Xuân nữa. Anh ngước mắt lên nhìn cô, nói:

- Tôi muốn rời trại. Ở đây buồn quá!

- Mới đến có một tuần thôi mà, theo yêu cầu thì ít nhất phải ba tháng.

Tiêu Đồng cúi đầu dùng khăn tay lau mồ hôi, nói:

- Tôi van chị đấy, chị hãy đưa tôi ra, tôi đã cai được rồi. Tôi hứa với chị, tôi không bao giờ đụng đến thứ thuốc độc đó nữa.

- Cai nghiện là một quá trình lâu dài - Khánh Xuân cố gắng thuyết phục - Cậu đừng xem nó đơn giản như thế. Theo tôi, ba tháng là vẫn còn quá ngắn. Vị bác sĩ hôm ấy đã nói, theo quy định giới lý luận y học quốc tế thì chỉ có người trong ba năm rưỡi không hút lại mới có thể gọi là đã cai nghiện hoàn toàn. Cậu mới có một tuần. Vả lại, ở đây không có nhiều chỗ trống, cậu về nếu có chuyện gì không ổn, quay lại đây cũng chẳng dễ dàng gì. Hơn nữa, lần đi cai nghiện này, toàn bộ kinh phí là do cơ quan công an lo liệu. Nếu cậu tái nghiện thì tự mình phải kiếm tiền mà đi cai nghiện lại. Do vậy, theo tôi, cậu cứ ở thêm một thời gian nữa, sau này hẵng nói.

Tiêu Đồng cúi đầu, không hiểu vì sao anh lại không dám nhìn thẳng vào mắt cô, nói:

- Ở đây chẳng khác nào trong nhà giam. Tôi ghét những người nghiện ma túy chung quanh tôi. Tôi không muốn nằm chung một phòng cùng với họ. Tôi sẽ không hút lại nữa đâu. Ở đây ngày nào, tôi sẽ kiệt sức mà chết thôi. Những người chung quanh tôi ai ai cũng đầy bệnh tật, người thì lao, người thì phổi. Chị không sợ họ sẽ lây bệnh cho tôi sao?

Tiêu Đồng đưa ra hàng loạt lý do để thuyết phục Khánh Xuân. Cô suy nghĩ rất lâu, cuối cùng thì nói:

- Chờ một lát, để tôi đi hỏi ý kiến Giám đốc, xem ông ta nói thế nào.

Tiêu Đồng sốt sắng nói:

- Thế thì chị đi nhanh lên, nếu không ông ta về nhà mất!

- Cậu nghĩ là có thể về ngay trong hôm nay sao? Không thể được!

- Chị đưa tôi về ngay hôm nay đi, tại sao lại không được?

Đúng là tính cách của một đứa trẻ, đòi cái gì là đòi cho kỳ được. Hơn nữa, sự dựa dẫm vào cô như một đưa trẻ cô độc tìm thấy một nguồn hy vọng của Tiêu Đồng khiến Khánh Xuân dao động. Có điều cô vẫn kiên quyết làm theo nguyên tắc. Cô nói:

- Tuyệt đối là không được, cho dù là Giám đốc trại có đồng ý tôi cũng không thể đưa cậu về ngay hôm nay. Tôi còn phải xin ý kiến của lãnh đạo. Cậu có về được hay chưa, sau khi về thì thế nào, tất cả đều do lãnh đạo quyết định.

- Không phải chị đã nói là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi sao? Không phải là chị đã nói mọi người không cần tôi nữa rồi sao? Tại sao lại phải xin ý kiến của lãnh đạo?

- Cậu đã từng làm việc với chúng tôi. Lúc này vụ án vẫn chưa kết thúc, những kẻ xấu ấy vẫn đang tác oai tác quái. Chúng tôi phải đảm bảo sự an toàn cho cậu.

Tiêu Đồng nhăn mặt nhăn mày cau có. Anh nhìn qua cửa sổ, hướng về sân vận động, nhìn những học viên khác đang ngồi nghỉ một cách nhàn tản dưới những bóng cây. Anh không muốn quay về nhập bọn với họ tí nào. Khánh Xuân nói:

- Tiêu Đồng, dù sao thì tôi cũng hơn cậu mấy tuổi. Tôi vẫn nhớ rằng trước đây cậu đã hứa với tôi rằng, trong bất cứ việc gì cậu cũng sẽ nghe tôi, không làm một cách tùy ý. Nếu cậu không muốn làm như vậy, tôi không quan tâm đến cậu nữa.

Không biết câu nói của cô có uy lực thế nào mà chỉ thấy Tiêu Đồng im lặng, không van nài gì thêm. Cô đưa cho anh một ít trái cây, mấy cuốn tạp chí rồi đứng dậy cáo từ.

Trước khi ra về, Khánh Xuân có một cuộc nói chuyện với Giám đốc trại. Ông nói, Tiêu Đồng dùng thuốc chỉ mới ở dạng hít, chưa tiêm, do vậy mà chất độc chưa hoàn toàn thấm vào máu. Hơn nữa, lượng thuốc đưa vào người Tiêu Đồng hãy còn rất ít, do vậy trước mắt là đã hoàn thành việc cai nghiện về mặt sinh lý. Cũng có nghĩa là cơ thể không còn những phản ứng của thuốc nữa. Nhưng những người sau khi đã cai nghiện, việc tái nghiện chủ yếu, chính xác là hơn 95% trường hợp tái nghiện xuất phát từ tâm lý. Do vậy, để cai nghiện về mặt tâm lý nhất định phải có một quá trình tương đối dài. Lúc này, Tiêu Đồng đã có thể rời trại nhưng để đảm bảo cậu ta không hút lại, gia đình hàng ngày phải có người theo dõi, giáo dục, giúp đỡ và quản lý, cố gắng tránh những trường hợp ức chế về tâm lý cũng như sự buồn nản. Do vậy, có một gia đình hạnh phúc, hòa thuận là điều cốt yếu để cho cậu ta tìm thấy sự hứng thú trong cuộc sống. Đó cũng là điều kiện tốt nhất để cậu ta đoạn tuyệt với ma túy. Cậu ta có được điều kiện ấy không?

Nghe xong, Khánh Xuân khó có thể xác định tâm trạng của mình là thư thái hay nặng nề. Từ trại cai nghiện về đến nhà, trời đã bắt đầu tối. Bố đang chờ cô về ăn cơm bởi trước khi đi làm, cô đã nói với ông là tối nay nhất định sẽ về ăn cơm cũng ông. Trong bữa ăn, theo lệ thường, ông hỏi han cô hôm nay đã làm những việc gì, gặp ai, trong đơn vị có chuyện gì mới không... Khánh Xuân im lặng ăn cơm, ăn xong, vừa thu dọn bát đĩa vừa lên tiếng với vẻ thăm dò:

- Bố, có một chuyện con muốn nhờ bố giúp đỡ.

Ông nói, có chuyện gì con cứ nói.

- Nhưng con không biết là bố có bằng lòng hay không?

- Có phải là muốn tìm cho bố một người bạn? - Ông cười nói.

- Gần đúng như vậy, gần như là tìm cho bố một người bạn.

Ông xua tay:

- Chuyện của bố, bố tự khắc sẽ suy nghĩ khi thấy cần thiết, con đừng vì bố mà lo lắng. Đúng hơn là con hãy tự lo lắng cho chính con, cũng nên tìm cho mình một người rồi đó. Xuân Cường có được không? Nó mà không được thì liệu còn có ai thích hợp với con?

- Nói chuyện của bố đi, tại sao bố lại bắt qua chuyện của con? Bố đừng lo lắng quá thế, không phải là con tìm vợ cho bố đâu. Con muốn tìm cho bố một người bạn rất trẻ.

Ông không hiểu ý con gái như thế nào nên nghi ngờ hỏi:

- Bạn trẻ? Bố tham gia cách mạng cả đời, lập trường chính trị vẫn kiên định lắm, trong cuộc sống cũng không phạm phải sai lầm gì... Nói chung là bố vẫn giữ được phẩm chất tới cuối đời.

- Điều mà con nhờ bố làm, không những là bố giữ được phẩm chất mà còn có thể nói là lập được công mới nữa là đằng khác. Nhưng bố đã nghỉ ngơi hai năm rồi, không biết bố còn giữ được năng lực ấy hay không?

- Con nói đi, chuyện gì? Đừng có mà mập mờ như thế!

- Tiêu Đồng! Cậu sinh viên năm thứ hai, bố còn nhớ không?

- Sao lại không nhớ, lần trước có đến đây.

- Ấn tượng của bố về cậu ta như thế nào?

- Rất tốt. Bố thích cậu bé ấy. Nó rất chân chất tự nhiên. Nó gọi bố là ông hay là bác nhỉ?

- Sao lại ông được, con với cậu ta cùng một thế hệ.

- Mà con muốn nó đến đây để làm bạn với bố à? Bố cô có vẻ không hiểu. - Có phải là đang nghỉ hè? Hay là con muốn bố giáo dục truyền thống cho nó?

Khánh Xuân chọn lựa mãi mà không biết phải bắt đầu như thế nào:

- Thế này, cậu ta..., cậu ta đã bị đuổi học rồi.

- Bị đuổi học? - Ông thoáng sững sờ - Vì lý do gì?

- Hút ma túy!

- Cái gì?

Thái độ của ông lập tức tỏ ra nghiêm trọng. Khánh Xuân biết là vẻ ngoài tráng kiện và trong trắng của anh khiến không ai có thể tin là anh có thể trở thành một con nghiện.

- Bố à, Tiêu Đồng vì tham gia công tác của chúng con nên mới hút nhầm phải heroin, biến thành kẻ nghiện. Có thể là bố không hiểu gì lắm về chất ma túy này. Có điều bố cũng biết là chỉ cần dùng một lần chất heroin tinh chất là đã biến thành con nghiện rồi. Phát hiện ra vấn đề này, trường đuổi học cậu ta ngay lập tức.

Bố cô trầm ngâm không nói gì, có lẽ ông cho rằng đó là chuyện đương nhiên, giây lâu mới nói:

- Thế thì các con phải đến trường để trình bày và giải thích mọi việc, nếu không tiền đồ của Tiêu Đồng coi như mất sạch rồi đó.

Khánh Xuân không biết nói như thế nào về toàn bộ quá trình, chỉ có thể nói một cách đơn giản:

- Chuyện cậu ta làm việc cho chúng con là tuyệt mật, nếu nói ra không thể đảm bảo an toàn cho cậu ta. Trong lúc mọi việc vô cùng cấp thiết thế này, cậu ta lại mắc nghiện. Nếu không cai nghiện được thì đừng nói là tiền đồ mà ngay cả tính mạng của cậu ta cũng không được đảm bảo đâu.

Bố cô không nói gì, chỉ chú ý lắng nghe. Khánh Xuân nói tiếp:

- Chúng con đã đưa cậu ta đến trại cai nghiện. Về mặt sinh lý mà nói, cậu ta đã có thể cai được thuốc, nhưng cần có một thời gian tương đối dài để ổn định về mặt tâm lý. Việc này cần phải có một môi trường sống, cần phải có người quản lý, chăm sóc và giáo dục cậu ta. Có điều, bố mẹ cậu ta đều ở nước ngoài, hiện tại cậu ta sống cô độc ở Bắc Kinh. Nếu cậu ta trở về từ trại cai nghiện, sống một mình với ngôi nhà lạnh lẽo, gặp phải chuyện gì không vui, hoặc giả là bọn bán ma túy lại đến tìm cậu ta, chín phần mười là cậu ta sẽ hút trở lại...

- Ý con nói là hãy cho cậu ta đến nhà mình để bố quản lý, đúng không?

Bố cô đã nói ra những gì mà Khánh Xuân muốn nói. Cô quan sát những biểu hiện của bố. Thái độ ông rất nghiêm trang và đó chính là thái độ thường thấy ở ông mỗi khi bàn về những vấn đề quan trọng.

- Đúng thế ạ. - Cô lí nhí.

Ông cúi đầu, rút ra một điếu thuốc, đưa lên miệng định hút nhưng không hiểu sao lại nhét vào bao, nói:

- Bao giờ thì nó đến?

- Bố đồng ý rồi sao? - Khánh Xuân khấp khởi mừng thầm.

- Bố thử xem. Nghe nói đã nghiện thì rất khó cai. Nếu người khác làm không được thì bố cũng không dám bảo đảm, chỉ có thể nói là thử xem.

Khánh Xuân mừng không kể xiết, những mối lo trong lòng cô đột nhiên tan biến, cất giọng hồ hởi:

- Con thay mặt cho chính mình, thay mặt cho toàn đội cảnh sát hình sự biểu thị lòng tri ân với tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi của bố!

Ông dùng ngón tay dí dí vào trán cô, nói:

- Con bé này, con có thể dùng bất kỳ ai bên cạnh con để phục vụ cho đội cảnh sát hình sự của mình. Người ta đang học đại học một cách yên lành, con lôi nó vào chuyện này để làm gì?

Khánh Xuân không dám tranh luận. Nói gì thì nói, bố đã chấp nhận nguyện vọng khiến cô cảm thấy thư thái vô cùng. Đêm đó, cô cùng bố lên kế hoạch bố trí cho Tiêu Đồng, từ chuyện cuộc sống hàng ngày cho đến việc giải trí, học tập, giáo dục về tư tưởng cho anh ra làm sao. Bố nói, cứ để cho nó ở cùng với bố, không biết là nó có sợ tiếng ngáy của bố hay không?

Sáng sớm hôm sau, Khánh Xuân đến tìm trưởng phòng Mã trình bày những ý định của mình. Anh đồng ý trên nguyên tắc, lại còn nhắc nhở là, hiện nay trên toàn quốc chỉ có duy nhất một người phụ nữ ở Quảng Đông sau khi từ trại cai nghiện về là không tái nghiện. Nhưng có điều thời gian mới ba năm, so với tiêu chuẩn quốc tế thì còn thiếu nửa năm nữa. Lúc này, Ủy ban Quốc gia về phòng chống ma túy rất quan tâm đến người phụ nữ này để theo dõi. Nếu bác nhà mà quản lý và giáo dục được Tiêu Đồng cai nghiện triệt để thì không những cứu vớt được một con người mà còn là một tấm gương điển hình trong công tác này, tên tuổi có thể ghi vào sử sách. Khi về đến nhà, Khánh Xuân đem những lời của trưởng phòng Mã kể lại với bố. Ông không có thái độ gì, chỉ nói: Được thôi, nếu toàn quốc nếu chưa có trường hợp nào cai nghiện triệt để thì đến lúc cảm thấy khó khăn quá, bố có thể sẽ buông tay, lúc ấy cũng có lý để mà ăn nói với mọi người. Tuy nghe bố nói như vậy nhưng Khánh Xuân lại cảm nhận được rằng, trong thâm tâm của bố đã có một nguồn khích lệ vô cùng lớn.

Riêng Xuân Cường tỏ ra không thống nhất với ý định của Khánh Xuân, thậm chí anh còn đề xuất một hướng giải quyết khác: Hãy để Tiêu Đồng đến ở tại nhà anh. Anh nói: Lúc này bố mẹ anh đang vô cùng rỗi rãi, hoàn toàn có thể để cho hai người làm công việc này. Khánh Xuân lắc đầu, nói: Đội trưởng, anh sợ gì chứ? Anh không tin vào bố em sao? Xuân Cường lắc đầu, nói: Anh chỉ không tin em. Khánh Xuân nóng mặt, nói: Thế thì chúng ta không còn chuyện gì để nói nữa cả. Đến lúc này thì Xuân Cường không nhượng bộ nữa, anh nói toạc suy nghĩ của mình: Khánh Xuân, em có thể cho anh biết, em đối xử với Tiêu Đồng như vậy có phải là thuần túy công việc hay là còn có một ẩn tình nào bên trong?

Khánh Xuân trầm ngâm rất lâu rồi lạnh lùng nói:

- Đây là trách nhiệm của em. Cậu ta đã từng tham gia vào công việc của chúng ta. Chính em lại là người phụ trách, do vậy em chịu trách nhiệm hoàn toàn về cậu ta.

- Anh vẫn còn nhớ em đã từng nói rằng, em sẽ là một đội viên xuất sắc nhất của đội cảnh sát hình sự. Anh thừa nhận thời gian qua em đã từng rất xuất sắc và cũng rất hy vọng là từ nay về sau, em vẫn giữ được bản lĩnh ấy. - Ngừng lại giây lát, Xuân Cường nói tiếp - Một cảnh sát hình sự xuất sắc là phải trung thành với chức trách của mình, không để cho tình cảm cá nhân chi phối đến công việc chung.

- Đúng thế! Đây cũng là câu mà em cũng đang định nói với anh.

Nói xong thì Khánh Xuân nín lặng, tỏ ý không muốn tranh luận với Xuân Cường nữa. Một lát sau cô lái xe đi đón Tiêu Đồng.

Tại trại cai nghiện, cô nhờ Giám đốc trại bố trí một cuộc nói chuyện riêng với Tiêu Đồng. Cô hỏi: Đúng là cậu muốn rời trại phải không? Tiêu Đồng gật đầu. Cô nói tiếp: Lúc này, chất thuốc trong người cậu vẫn chưa hoàn toàn bị loại trừ. Muốn rời khỏi trại, cậu phải chấp nhận mấy điều kiện của tôi. Nếu không thì cậu vẫn phải cứ ở lại trong này. Tiêu Đồng hỏi: Điều kiện gì? Khánh Xuân nói: Sau khi rời trại, cậu nhất định phải căn cứ vào những yêu cầu của bác sĩ, tiếp tục uống thuốc. Tôi đã xin ý kiến lãnh đạo rồi, cậu phải về ở tại nhà tôi và bố tôi chính là người giám sát cậu. Cậu có đồng ý không? Tiêu Đồng tưởng như mình đã nghe nhầm, hỏi lại: Về ở nhà chị ư? Khánh Xuân nói: Nếu cậu không đồng ý thì tôi có thể tìm chỗ ở khác và người giám sát khác cho cậu. Và như vậy thì e rằng cậu phải lưu lại đây chờ đợi thêm một thời gian nữa. Tiêu Đồng vỗ tay hoan hô, nói: Không! Không! Không! Tôi đồng ý! Tôi đồng ý! Nhưng có điều anh vẫn không tin lời Khánh Xuân là thật nên hỏi lại: Đúng là tôi phải về ở nhà chị thật à? Khánh Xuân nói: Nhà tôi có thể chứa được cậu, nhưng cậu phải phải hứa là phải đảm bảo cho tôi những khoản này: Mỗi ngày phải ngủ lúc nào, dậy lúc nào; lúc nào ăn cơm, lúc nào uống thuốc, lúc nào luyện tập... Nói chung là trong tất cả các sinh hoạt hằng ngày phải nghe lệnh của người khác. Nếu cảm thấy không làm được thì thôi vậy, thực ra mà nói cứ để cậu ở đây thì kết quả càng tốt hơn. Tiêu Đồng gật đầu lia lịa: Nhất định tôi sẽ làm được, tôi bảo đảm một cách danh dự với chị.

- Thế thì tốt, bây giờ cậu đã có thể về cùng với tôi. - Khánh Xuân nói.

Tiêu Đồng nhảy dựng lên, nói:

- Bây giờ? Về ngay bây giờ à?

- Đi thu xếp đồ đạc đi!

Như một mũi tên, Tiêu Đồng chạy biến về phòng, chỉ một lát sau là đã quay trở lại vơi toàn bộ đồ đạc. Các thủ tục rời trại không lấy gì làm phức tạp. Rất nhanh sau đó, Giám đốc trại và viên quản giáo trẻ đã đưa hai người ra cổng, nói mấy lời động viên và dặn dò mang tính chất công việc nhưng rất thân thiết đối với Tiêu Đồng.

Hai người chào tạm biệt Giám đốc và viên quản giáo rồi leo lên xe. Vẫn chưa khởi động máy, Khánh Xuân nhìn Tiêu Đồng nói nhỏ:

- Cậu phải hứa với tôi một chuyện, hứa riêng với tôi!

- Chị muốn tôi phải hứa điều gì?

Giọng Khánh Xuân vẫn rất nhỏ nhưng rất rõ ràng:

- Vĩnh viễn không bao giờ hút nữa!

Hình như nước mắt Tiêu Đồng đã rươm rướm, anh nói:

- Tôi xin hứa!

Những lời vừa rồi chẳng khác nào những lời minh ước giữa hai người. Cả hai im lặng nhìn nhau khá lâu, ánh mắt đầy vẻ thông cảm và tin tưởng. Lâu lắm Khánh Xuân mới nói:

- Về thôi! Về nhà chúng ta!

Đó là một buổi sáng cuối thu đầu đông. Bầu trời thu trong vắt không một gợn mây. Những con đường ngoại ô Bắc Kinh rộng rãi, phẳng lỳ và thẳng tắp với hai hàng dương liễu bên đường cao vút. Tiêu Đồng mở cửa sổ xe. Gió vun vút qua tai anh. Anh đưa mắt ngắm bầu trời bị hai hàng cây cao bên đường che mất tầm nhìn nên biến thành một dòng sông xanh thẩm chảy mãi về nơi xa xăm. Chưa bao giờ Tiêu Đồng thấy cuộc sống đáng yêu như hôm nay. Anh cao giọng nói chuyện với Khánh Xuân, chỉ cho cô những cảnh đẹp bên đường và nhận xét về chúng. Trông Tiêu Đồng lúc này chẳng khác nào một đứa trẻ, mặc sức thả hồn với trời đất khi tìm lại được tự do cho chính mình.

Để đón tiếp Tiêu Đồng, cũng là chuẩn bị cho một nhiệm vụ mang ý nghĩa quốc tế, bố cô đã chuẩn bị mọi việc. Trước tiên là ông bố trí lại căn nhà, tìm cho Tiêu Đồng một chiếc giường đơn. Trên đầu giường có một bóng đèn nhỏ, lại còn giành cho anh một vài ngăn kéo riêng và trong tủ quần áo, ông cũng đã dọn cho anh một khoảng trống riêng. Ông cũng đã mua một số vật phẩm trong nhà tắm như xà phòng, dầu gội... Bình thường trong cuộc sống hàng ngày, bố đã rất ngăn nắp và tỉ mỉ. Bất ngờ nhất đối với Khánh Xuân là ông cũng đã tìm đâu đó được rất nhiều những tài liệu viết về kinh nghiệm cai nghiện mặc dù Khánh Xuân đã tìm cho ông mấy cuốn sách thường thức về cai nghiện và cách thức cai nghiện. Ngoài ra, trên giá sách cũng còn có mấy cuốn sách tâm lý học và giới thiệu về du lịch... Nói chung ông đã chuẩn bị rất chu đáo về mặt vật chất và tinh thần như thể đang bắt tay vào thực hiện một nhiệm vụ rất trọng đại nào đó. Khánh Xuân nghĩ, những cán bộ thế hệ của bố đều như vậy, trong công việc luôn luôn lấy trách nhiệm làm đầu, thậm chí có một đôi chút cực đoan.

Tiêu Đồng làm quen rất nhanh với cuộc sống trong ngôi nhà mới. Ăn ngủ hết sức điều độ. Bố và Tiêu Đồng cùng nhau thức dậy, cùng nhau chạy bộ rồi cùng nhau nấu cơm. Ăn cơm xong thì bố dọn và lau bàn, Tiêu Đồng rửa chén bát. Tuyệt đại thời gian ban ngày là đọc sách, bố đề nghị Tiêu Đồng tiếp tục đọc sách pháp luật, động viên anh cố gắng tự học tất cả những giáo trình còn lại theo chương trình của trường đại học. Tối, Khánh Xuân về đến nhà, cả ba cùng nhau ăn cơm, cùng xem ti vi, cùng bình luận về những tiết mục, tiết mục hay thì khen, tiết mục dở thì chê. Ý kiến của cả ba thường là rất nhất trí. Có điều ngôn từ bình luận của Tiêu Đồng đôi khi tỏ ra có phần nhọn sắc đến khắc nghiệt. Mười giờ đêm, bố bảo tắt ti vi, rửa mặt mũi chân tay rồi lên giường. Tất nhiên là khi có những chương trình hay, họ có thể xem đến mười một giờ.

Bố rất quan tâm đến chuyện giáo dục chính trị cho Tiêu Đồng nên ông không cho phép anh bỏ qua bất kỳ một chương trình thời sự nào. Ông còn cùng với Tiêu Đồng đến rạp chiếu phim mua vé xem bộ phim “Chiến tranh Nha phiến” của đạo diễn Tạ Tấn và xem đó là một cách giáo dục trực tiếp nhất. Khi nói chuyện với Tiêu Đồng, ông thường tránh hai tiếng “ma túy”, cũng không hề nhắc đến những chuyện có liên quan đến vấn đề này. Nếu thi thoảng có đụng đến thì ông cũng không lên tiếng phê phán, cũng không phân tích sâu. Khánh Xuân cho rằng, về mặt tâm lý mà nói, bố cô ứng xử như thế là vô cùng tinh tế và chính xác.

Chủ đề mà bố nói nhiều với Tiêu Đồng nhất là phẩm hạnh cá nhân và ứng xử giữa con người với con người. Chẳng hạn, ông nói với Tiêu Đồng, Khánh Xuân lớn hơn cháu mấy tuổi, cháu không nên gọi tên, chí ít là phải có một tiếng chị trước cái tên, tuy là người thân nhưng cũng nên giữ phép lịch sự. Tất cả những gì bố nói, Tiêu Đồng đều nghe và thuận tùng răm rắp, riêng điều này thì hình như không lọt vào tai anh.

Thường thường thì bố bắt Tiêu Đồng dùng xe đạp chở ông đi vòng vòng, chủ yếu là đi ra vùng ngoại ô. Đầu tuần, hai người đã đèo nhau đến suối Anh Đào ở núi Thọ An và khu dấu tích biển băng gần chùa Pháp Hải ở phía tây thành phố. Ông đã từng tốt nghiệp đại học Địa chất nên có thể nói thao thao bất tuyệt về hàng tỉ năm trước, do vận động của trái đất nên mới sinh ra biển, rồi hàng trăm ngàn năm trước, vùng Bắc Kinh toàn là băng tuyết phủ đầy, kế đến là hàng vạn năm trước đây, do băng hà vận động nên mới để lại những dấu tích như chúng ta thấy ngày hôm nay. Ông cũng có thể cất giọng ngâm thơ của Lý Tứ Quang: “Người cũ bây giờ đâu? Vết đá vẫn ngàn năm”. Không biết là Tiêu Đồng không có hứng thú lắm với chuyện này hay là do kiến thức về địa chất quá kém nên mới hỏi: Bác à, Dấu vết băng hà ở đâu, cháu chẳng trông thấy gì cả? Bố dùng chai nước lọc mang theo bên mình đổ xuống tảng đá đang đứng dưới chân mình. Nước chảy thành một dòng và ngay lập tức, vết tích của dòng sông băng hiện ra. Ông nói, đây là phương pháp mà nhà khoa học Lý Tứ Quang ngày xưa đã từng dùng để phát hiện ra dấu vết của dòng sông băng nơi đây.

Khánh Xuân rất tán thành cách thức quản lý của bố và rất bằng lòng với thái độ thuận tùng của Tiêu Đồng. Thời gian gặp riêng giữa Tiêu Đồng và cô rất ít. Thi thoảng bố có việc đi khỏi nhà, Tiêu Đồng bèn chạy sang phòng cô để nói chuyện, thường là những tâm sự trong lòng anh. Nhưng Khánh Xuân rất chú ý đến khoảng cách. Cô không muốn Tiêu Đồng thất vọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình cai nghiện của anh. Song cô cũng không muốn tiến thêm bước nữa về tình cảm vì cô nghĩ, giữa Tiêu Đồng và Xuân Cường, cô thấy đều rất khó để cho cô chọn lựa. Cuối cùng, cô dựa vào lý do: Lúc này chưa phải là lúc thích hợp để nói chuyện yêu đương mà giữ khoảng cách giữa hai người.

Đôi khi cô cũng vẽ nên một viễn cảnh: Tại sao Xuân Cường và Tiêu Đồng lại không thể trở thành anh em, thậm chí là bạn bè? Cô rất muốn hai người đàn ông bên cạnh cô - một lớn một bé, có thể xây dựng một mối quan hệ nào đó, chí ít là cũng có thể đối mặt với nhau một cách hòa bình. Vừa may, sinh nhật Xuân Cường cũng sắp đến, cô nghĩ, đây có thể là một cơ hội để hai người gặp nhau và vun đắp một mối quan hệ nào đó. Cô tin rằng, đàn ông nhất định sẽ có những sở thích giống nhau. Chính vì vậy, cô đã dùng danh nghĩa của bố đến gặp Xuân Cường, mời anh đến nhà dùng cơm nhân ngày sinh nhật. Xuân Cường không giấu được niềm vui trước sự quan tâm của cô nhưng đề nghị: Hay là chúng ta cứ đi ăn tiệm vậy, đến nhà em, có mặt bố em, anh cảm thấy không được tự nhiên. Ngoài ra lúc này còn có Tiêu Đồng, lúc ăn cơm mà có mặt cậu ta cũng không hay mà không có mặt cậu ta lại càng không ra gì.

- Sinh nhật em, em đã đến nhà anh ăn cơm, có mặt bố mẹ anh nhưng em không hề cảm thấy không tự nhiên. - Khánh Xuân nói.

- Hay là, chúng ta mời bác đi vậy, chúng ta cùng ăn cơm với nhau.

- Tiêu Đồng thì sao? Không thể không có người bên cạnh cậu ta.

Xuân Cường nín lặng, không tỏ rõ thái độ nào.

- So với cậu ta, anh là bậc đàn anh, anh không thể mở lòng ra được một chút hay sao? - Khánh Xuân nói.

- Thôi thì sắp xếp thế nào tùy em vậy. - Xuân Cường nói với vẻ không vui - Dù sao thì anh cũng muốn chỉ có em và anh trong ngày sinh nhật của mình.

Khánh Xuân mỉm cười. Cô nghĩ, nụ cười của mình có thể làm Xuân Cường thư thái hơn, thậm chí có sức thuyết phục rất lớn. Cô hỏi:

- Anh muốn ăn gì để em chuẩn bị?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play