III.

Những dòng ghi chép của mẹ tôi dừng tại đây. Năm mươi năm sau tôi thường tình cờ nói về lần hạ trại của chúng tôi trong những khu rừng đã biến mất và mẹ tôi đã cắt ngang lời tôi một cách giận dữ:

- Mẹ không muốn nghĩ tới việc đó nữa.

Tôi không nhớ cha tôi đã mất bao nhiêu ngày lùng kiếm một khoảnh đất có thể mua nổi bằng tờ giấy một trăm đô la bí mật. Mỗi buổi sáng cha tôi cưỡi ngựa đi với một nhân viên điền địa, lên xuống những ngọn đồi và quay về vào buổi tối không tìm được gì.

Paul, George và tôi đều rất vui. Sau tình trạng nhạt nhẽo kéo dài của những ngày buồn nản mà chúng tôi khó nhớ lại ở De Smet, lúc này mỗi ngày đều là ngàychủnhật không cần có quần áo chải chuốt và cư xử đúng các khuôn phép. Lần hạ trại trở thành cắm trại ngày chủ nhật với mấy cỗ xe của gia đình Cooley ở một bên, xe của chúng tôi ở một bên, ở giữa là bàn, ghế và chiếc võng giăng dưới bóng cây trong khu rừng nhỏ. Chiếc lò nấu được đặt ở một khoảng xa phía bên kia những cây tần bì mát rượi. Xa hơn nữa, những con ngựa được buộc dưới các cội cây và sau những cỗ xe là nơi quây lại làm chỗ tắm rửa của chúng tôi trong ngày chủ nhật.

Chúng tôi phải quanh quẩn trong tầm nhìn hoặc ít nhất là nghe rõ tiếng gọi của các bà mẹ, nhưng ngay sau khi các công việc buổi sáng được làm xong, chúng tôi hoàn toàn tự do chơi ở trong rừng. Suốt ngày chúng tôi trèo cây, hái trái, ăn những quả óc chó, quả phỉ xanh, kẹp vỡ chúng giữa hai hòn đá. Chúng tôi ngắm những con thỏ mà chúng tôi không được phép đuổi theo ra xa, ngắm những con sóc, những con chim, những con bọ cánh cứng hoặc những ổ kiến. Không khí tràn ngập mùi vị nồng đậm của gỗ mục, hạt khô, những thảm lá sồi rụng từ năm trước ẩm ướt. Những cọng bồ công anh đắng nghét trên đầu lưỡi và những búp lá non rũ xuống quanh tai tôi.

Những phiến đá phẳng sắc cạnh xếp dầy dưới bàn chân. Chúng tôi chạm ngón chân vào chúng và ngón chân cái của chúng tôi phải bọc vải kín. Các vết bầm trên những gót chân chai sạn của chúng tôi không cản nổi chúng tôi chạy nhảy. Chúng tôi thấy những đám nấm và rêu mọc chen chúc như những khu rừng bé xíu, những cây leo màu xám xanh phủ trên các tảng đá, những lớp da châu chấu hoàn hảo, trống rỗng, mỏng giòn bám vào những cây lớn bằng các móng chân li ti.

Chúng tôi lượm được nhiều viên đá kì lạ. Khi tôi cho cha tôi một viên đá dẹt hình tam giác có gợn sóng phía trên và một mũi sắc nhọn, cha tôi bảo đó là một đầu mũi tên của người da đỏ. Chúng tôi sưu tập hàng tá những thứ này và Paul kiếm được một viên đá hình đầu rìu.

Một bữa tôi phải ở lại lều trại với bà Cooley. Tôi được nhắc nghe lời theo bà và không được rời khỏi tầm mắt của bà. Cha tôi đã tìm ra đất. Mẹ tôi đi cùng với ông tới coi và cả hai không muốn có gì lo ngại về tôi trong lúc đi vắng. Không bao giờ có một buổi sáng dài như thế. Tôi rất bối rối và bà Cooley cũng thế. Cuối cùng, khi tôi nhìn thấy những con ngựa và cha mẹ tôi đang trở về, tôi ngỡ như đang nổ tung ra. Tôi khó giữ nổi im lặng chờ được nghe nhắc tới.

Cha tôi tươi rói và mẹ tôi mặt mày rạng rỡ. Chưa khi nào mẹ tôi nói nhanh như thế. Mẹ tôi nói với bà Cooley rằng đúng là nơi cha mẹ tôi muốn có và còn vượt nhiều hơn cả sự mong mỏi nữa. Một dòng suối chảy quanh năm với thứ nước tốt nhất để uống không biết chán, một căn nhà gỗ gọn gàng giữa những khu rừng, trên một ngọn đồi chỉ cách thị trấn một dặm rưỡi nên Rose có thể đi bộ tới trường và còn phải nghĩ thêm đến bốn trăm cây táo non đã được bao gốc để sẵn sàng đặt xuống khi đất được dọn xong. Cha mẹ đã mua khu đất và ngay khi ăn bữa trưa xong sẽ tới ngân hàng kí kết giấy tờ. Chúng tôi sẽ rời chỗ trong buổi chiều hôm đó.

Khi bị kích động, cha tôi luôn trấn tĩnh, im lặng đi lại và nói năng từ tốn. Nhiều lúc mẹ tôi như vụt bay tới cha tôi, nhưng hôm nay mẹ tôi rất nhẹ nhàng, ấm áp. Mẹ để cho cha ngồi ăn trong lều trại, dặn tôi dọn dẹp bàn, rửa chén đĩa khi cha ăn xong rồi mẹ đi vào chỗ quây tắm để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt tại ngân hàng.

Tôi ngồi chênh vênh trên một gốc cây, ngắm mẹ chải và bện tóc. Mẹ có mái tóc thật đẹp, màu nâu hung, dày và rất mịn. Không bện, tóc mẹ xõa tới gót chân, dài tới mức khi đã bện chắc lại, mẹ có thể ngồi trên các bím tóc của mình. Bình thường, tóc mẹ được bện thành bím lớn ở sau gáy nhưng khi kéo áo lên, mẹ phải lôi tóc ngược lên và đau đầu khủng khiếp.

Lúc này mẹ kết tóc thành bím rồi cuốn vòng thành một búi lớn sau gáy, cài chặt lại bằng chiếc kẹp mai rùa. Mẹ gỡ những lọn tóc phía trước cho hơi xõa xuống trán, nhìn vào chiếc gương nhỏ gắn trên một thân cây và thình lình, tôi nghe thấy mẹ đang huýt gió. Tôi nhớ rằng sau này tôi không còn nghe thấy mẹ huýt gió nữa. Mẹ đã nói một cách vui vẻ:

- Con gái huýt gió và gà mái gáy luôn đi đến những kết cục xấu.

Bây giờ mẹ vẫn đang huýt gió. Mẹ huýt gió theo một điệu chim hót nhẹ nhàng, trong trẻo, dịu ngọt, líu lo rồi luyến láy và buông rơi từng nốt như tiếng chim chiền chiện lảnh lót vọng xuống từ lưng trời. Tôi rất vui nếu được nghe mẹ huýt gió trở lại.

Vừa huýt gió, mẹ vừa đóng nút giầy. Mẹ lấy chiếc áo đầm vải ra rồi gấp lại gọn ghẽ. Trong bộ đồ lót mu-xơ-lin trắng và chiếc áo nịt có viền đăng ten, mẹ lôi chiếc áo đầm đẹp nhất, chiếc áo cưới màu đen vẫn nằm im trong thùng từ lúc mở đầu chuyến đi rời khỏi Dakota. Mẹ vẫn huýt gió: Em yêu quý, đừng vì anh rơi lệ. Mẹ vuốt thẳng lại những nếp váy. Tôi tiếc là chiếc váy che kín hết đôi giầy mới của mẹ. Mẹ xỏ tay vào những ống tay áo vừa khít và cẩn thận cài hàng nút ở phía trước lên tới sát cằm. Chiếc kẹp vàng được cài giữ dải nơ màu xanh trứng chim trước cổ áo thẳng đứng. Rồi, tới điều cuối cùng và cũng là đỉnh điểm: mẹ gắn lên chiếc nón màu đen dải nơ màu xanh và chiếc thoa mang hình bông lúa dựng thẳng đứng ở một bên. Những bím tóc ở sau gáy đẩy chiếc mũ hơi nghiêng về trước một chút và diềm mũ trước trán vừa chạm vào các lọn tóc.

Mẹ có vẻ dễ thương và thật đẹp. Qua ánh mắt của cha nhìn mẹ khi mẹ bước ra thì chắc cha cũng nghĩ thế.

Mẹ nhắc cha chuẩn bị nhanh để không trễ giờ, nhưng giọng mẹ như đang hát, không bận tâm thứ gì. Cha bước vào chỗ quây tắm để thay áo, chải tóc, râu và đội chiếc nón mới. Mẹ nói với tôi là lo dọn sạch bàn ngay rồi nhớ lo rửa chén đĩa khi cha mẹ đi vắng và như thường lệ, mẹ nhắc phải cẩn thận để không làm vỡ chiếc nào. Tôi chưa bao giờ làm vỡ một chiếc đĩa.

Tôi vẫn nhớ rõ ràng chuyện bữa đó vì sự việc xảy ra. Tôi đã mang chén đĩa đi và lau sạch bàn. Mẹ tôi đặt lên bàn chiếc khăn tay, chiếc bóp vải nhỏ màu đỏ với các cạnh bằng xà cừ. Mẹ đang mang bao tay mỏng nhẹ. Cẩn thận, mẹ đem chiếc bàn viết ra đặt lên mặt bàn. Mẹ lật nghiêng phần đậy phía trên lên, lôi chiếc khay gỗ hẹp dùng đựng bút và lọ mực.

Tờ giấy một trăm đã biến mất.

Một cú sốc giống như bước hụt chân từ một đỉnh cao vào bóng tối. Nhưng không thể nào không phải chuyện thực. Chỗ cất tiền trong chiếc bàn trống lốc. Mọi thứ đảo lộn hết. Trong sự choáng váng căng thẳng, cha mẹ tôi như không còn là họ nữa và tôi cũng cảm thấy không còn là tôi.

Cha mẹ hỏi tôi có kể với ai không? Không. Tôi có khi nào nói một điều gì với ai về món tiền đó không? Không. Tôi có thấy người lạ nào tới gần xe trong lúc cha mẹ đi vắng không? Không.

Hoặc có ai vào lều không? Không.

Mẹ nói khó mà tin được, vì gia đình Cooley không làm chuyện này. Cha tôi đồng ý, gia đình đó không làm. Vậy thì nó phải ở đó. Mẹ tôi còn nhìn thấy tờ giấy bạc khi tớiKansas.

Cha mẹ lôi tất cả giấy tờ trong hộc bàn ra để tìm, mở từng bao thư để nhìn vào phía trong. Cha mẹ lật ngược chiếc bàn lên và lắc mạnh để lay động những chiếc nắp ở phía trong. Mẹ tôi nói không thể nào hiểu nổi. Đột nhiên, mẹ nảy ra một ý nghĩ và hi vọng, hỏi tôi có đem tờ giấy bạc ra chơi không?

“Không!” Tôi như bị phỏng lửa. Mẹ hỏi nữa coi tôi có chắc không? Tôi không một lần nào mở chiếc bàn để chơi chứ? Họng tôi như bị sưng nghẹt, tôi lắc đầu, không. Mẹ nói một cách tự nhiên:

- Đừng khóc.

Tôi không khóc, không khi nào tôi khóc, nhưng tôi tức giận, vì bị lăng mạ và khổ sở. Tôi không còn là đứa bé để đùa chơi với đồng tiền hoặc nghịch ngợm mở chiếc bàn ra. Tôi sắp tám tuổi rồi. Tôi cảm thấy nhỏ nhoi, đơn độc và kinh hoàng. Cha mẹ tôi ngồi đó, bất động. Trong sự lặng lẽ kéo dài, tôi từ từ chìm sâu vào nỗi khiếp hãi, một nỗi khiếp hãi hoàn toàn vô cớ, một nỗi khiếp hãi trong ác mộng.

Cuối cùng, mẹ tôi nói:

- Thôi.

Ý mẹ muốn nói vô ích khi than khóc cho số sữa bị chảy tràn. Điều gì không thể thay đổi được thì phải chịu đựng. Cha tôi nói mẹ không nên trách cứ mình vì không phải lỗi của mẹ. Một cách thận trọng, mẹ tháo những chiếc găng tay mỏng. Mẹ lộn phải trở lại từng ngón tay, vuốt cho phẳng. Mẹ nói tốt hơn là cha hãy tới giải thích với người của ngân hàng.

Bằng cách nào thì chuyện tệ hại nhất cũng qua, khi cha cố trì hoãn với câu nhắc nhở mọi chuyện còn có thể thay đổi và mẹ phát cáu nói lớn rằng cha đã quá biết là “chẳng có gì thay đổi khi chính mình không thay đổi nổi mình.” Rồi mẹ nhắc tôi ra ngoài chơi và tôi nhớ tới những chiếc đĩa còn chưa rửa. Mẹ đã quên khuấy chuyện đó.

Nhiều ngày, tôi không nhớ rõ là bao nhiêu ngày, mọi việc có vẻ giống như thường lệ và cũng chẳng có vẻ gì giống như thường lệ. Tôi không nói một lời nào về chuyện xáo trộn, tôi không thích nhắc tới. Mẹ tôi nói với bà Cooley là tốt nhất cần có thời gian ổn định lại tinh thần. Cha tôi vào thị trấn kiếm việc làm. Mẹ tôi không quen ai ở đấy. Ông Cooley đã bán một cặp ngựa và một cỗ xe còn Paul với George sẽ tới giúp việc cho một khách sạn. Tôi biết chúng tôi có thể bán những con ngựa nhưng sau đó sẽ ra sao? Những cỗ xe vẫn chạy ngược xuôi mỗi ngày và đôi khi hạ trại ở gần bên. Tôi thường cố nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng tôi không còn gì để ăn. Tôi không thể hình dung nổi thế nào.

Lúc này trái mâm xôi chỉ còn rất ít và nhỏ hơn. Tôi đi sâu hơn vào những lối đi đầy cây mọc chằng chịt để lùng kiếm nên khi mẹ gọi và gọi thêm nữa, tôi vẫn chưa thể ra khỏi những bụi cây đầy gai nhọn mà không bị rách áo để chạy trên các tảng đá sắc trở về lều trại. Cha tôi đang đóng ngựa và mẹ đang bỏ những món đồ cuối cùng vào trong thùng xe. Cha mẹ tôi đã mua trại. Mẹ đã tìm thấy tờ giấy bạc một trăm đô la. Trong ngăn dùng làm bàn viết. Sự dằn xóc đã đẩy nó vào trong một kẽ ván và tôi không còn thắc mắc nữa, bước lên xe. Ngay khi thấy tờ giấy bạc, mẹ tôi đi kiếm cha tôi và lo đi kí các thứ giấy tờ liền. Và bây giờ tôi ở đó, chưa kịp rửa chân đã nghe lời mẹ leo luôn lên ghế ngồi trên xe và không nói thêm một lời nào về chuyện đó.

Thị trấn mở đầu với hai căn nhà nhỏ ở hai bên đường trong một khu rừng. Rồi có hai ngôi nhà lớn giữa những khoảng sân rộng trồng cây và một căn nhà nhỏ thấp dễ thương ngay bên lề lối đi phủ sỏi. Bên kia đường, đối diện với căn nhà nhỏ là cầu thang lên khách sạn mà Paul và George sống ở đó. Trước khách sạn là quảng trường với nhiều cây lớn và những sợi dây của các cọc buộc ngựa đóng xung quanh ngoại trừ phía xa bên kia dẫn tới đường sắt. Chúng tôi cho xe chạy dọc con phố chính, phốMain, nằm một bên chúng tôi và nằm cả ở phía trước và phía sau chúng tôi. Con phố bọc vòng ba phía quảng trường. Có ba dãy cửa hàng phía sau ba con đường lát ván cao. Đó là thị trấn The Gem của vùng Ozarks.

Chúng tôi chạy ngang cửa hàng bách hóa lớn Reynolds có hai dãy tủ hàng rộng đầy ắp các món đồ với một khung cửa ra vào ở giữa. Nhiều người đàn ông đang thơ thẩn, tản rộng, chuyện trò và khạc nhổ dọc theo những lối đi lát ván cao. Có nhiều cửa hàng nhỏ, Ngân hang Mansfield, cửa hàngBostonRacket với hàng chữ “Kịch viện Opera” sơn trên các cửa sổ tầng trên, nhà nuôi giữ ngựa Hoover’s và những con ngựa trong khu chăn nuôi, rồi tới một ngôi nhà lớn nằm trong một hàng rào dây kẽm. Qua khỏi cửa hàng đóng móng ngựa, con đường đầy bụi chạy xuống đồi băng qua một cây cầu nhỏ. Sườn đồi dài là vườn cây và bãi chăn nuôi nhưng lại bắt đầu có những căn nhà khi con đường vươn lên ở phía bên kia cầu. Tính chung phải có tới một tá nhà trong những khuôn sân có hàng rào và cổng, phía sau những lối đi qua cỏ dại ở cả hai bên đường.

Hết thảy các ngôi nhà đều có cổng trước tô điểm bằng nan gỗ và nhiều màu sơn khác nhau. Phía sau cổng là những vườn rau với các hàng dây phơi, các nhà kho, chuồng gà và một số nhà có cả chuồng heo. Hai ngôi nhà có gác và một trong hai ngôi nhà này có cửa sổ lồi và mái vòm. Sau những căn nhà bên phải chúng tôi là nền đường sắt được be bờ và sau những căn nhà bên trái là hai ngôi nhà khác rồi tới một đồi cỏ cao in lên nền trời.

Trên đỉnh con đường dốc là ngôi trường mà tôi sẽ tới học. Trường đứng vuông vức, cao hai tầng với các ô cửa sổ xung quanh và một tháp chuông dựng đứng phía trên những khuôn cửa trống. Bên kia trường là rừng cây. Trường nằm trên bìa rừng nhưng không còn một gốc cây nào trên nền đất trần nện cứng ở xung quanh. Có một giếng nước ở gần trường và sau trường là một nhà lán bằng cây với hai khu nhà vệ sinh ghi rõ: con trai vàcongái.

Tôi cố ngắm thật lâu nhưng con đường đã xoay khỏi trường học để hướng theo đường sắt.

Những vết bánh xe chạy cặp theo đường sắt với những hàng cột đỡ một sợi dây thép buộc trên các núm thủy tinh. Có hai ngôi nhà ở trong rừng rồi con đường chạy vào trong rừng bỏ đường sắt lại phía sau lưng chúng tôi.

Lúc này không còn gì khác ngoài rừng cây ở hai bên đường và hai vệt bánh xe chạy thẳng tren một đoạn hơi dốc xuống. Giữa hai vệt bánh xe là những gốc cây và các tảng đá lớn. Cỗ xe xóc nảy chao đảo trên những tảng đá chìm trong bụi rậm và tiếng vó ngựa bịt sắt vang lên.

Từ câu chuyện hiện qua trong trí, tôi bỗng nhận ra là may mắn biết chừng nào khi đồng xu cuối cùng vừa đủ trả cho món thịt ướp muối và bột mì. Bây giờ chúng tôi có thể ổn với viêc bán củi và sẽ khá hơn khi những cây táo ra trái. Lúc đó, việc thanh toán món nợ thế chấp sẽ dễ dàng. Ba trăm đô la với mười hai phần trăm phải trả mỗi ba tháng (Tôi thắc mắc tại sao phải bắt buộc trả như thế?).

Mẹ tôi có thể nhẩm tính con toán trong đầu. Đám táo hẳn đủ giải quyết vấn đề nếu chúng sống nổi.

Lúc đó hoặc sau này, tôi được biết từ câu chuyện đó là có một người đàn ông hết sức ngớ ngẩn đã mua hết thảy những cây táo nhỏ kia từ một người buôn bán quỷ quái mặc dù ông ta chưa dọn xong đất. Khi những cây táo được đưa tới ào ạt, ông ta không có đất để trồng xuống, nhưng ông ta đã kí kết các thứ giấy tờ nên bắt buộc phải cầm thế đất để có tiền trang trải. Sau đó, ông ta bỏ cuộc. Chỉ trong hai ngày, ông ta rời bỏ hết từ đất đai, căn lều tới những cây táo nhỏ bao rễ trong một rãnh mương và món nợ thế chấp. Thế là cha mẹ tôi tiếp nhận tất cả từ người chủ ngân hàng.

Con đường lại vươn lên tựa hồ chạy thẳng đứng lên đỉnh một dốc đồi dài thăm thẳm, nhưng cha tôi cho lũ ngựa xoay theo một con đường mờ nhạt đi vào thung lũng. Lúc này bên cạnh chúng tôi là một dòng suối trong như gương chảy tràn trên những mặt đá phẳng và qua các hồ chứa đầy bóng mát.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play