Kăply nghiến chặt răng để khỏi nhe ra đớp thằng này một phát. Tiếng nói của nó gần như xì ra từ hai lỗ mũi:
- Chỉ những đứa không có đầu óc như mày mới ăn phải bã của Eakar và Ama Đliê thôi.
Amara rất muốn nhảy xổ vào Kăply nhưng nhớ đến cú phản đòn cách đây mấy ngày, nó cố bắt mình đứng yên, chu mỏ phun ra một câu rặt mùi khiêu khích:
- Tao không nghĩ mày dám phỉ báng cả xứ Lang Biang. Độc giả của tờ Tin nhanh S, N & D đến nay đã tăng lên bao nhiêu thì mày cũng biết rồi đó.
- Tờ báo lá cải đó chẳng đáng để đem ra khoe đâu, Amara!
Tiếng thầy Haifai lạnh lùng cất lên từ ngoài cửa cắt ngang cuộc tranh cãi giữa hai đứa. Như bị ném giày vào giữa mặt, Amara ngoảnh phắt lại, hằn học:
- Thầy không được quyền đụng chạm đến ba con.
- Lạ nhỉ! – Thầy Haifai cười khảy. – Thế mà trước nay ta cứ tưởng Ama Đliê là một người, còn ba của trò là một người khác chớ.
Nhìn hai bàn tay không ngớt duỗi ra co vào của Amara, Nguyên và Kăply đoán là nó rất muốn xáng cho mình một bạt tai về câu nói hớ hênh vừa rồi. Những tiếng cười khúc khích vang lên từ các dãy bàn không ngừng chọc vào tai Amara khiến mặt nó càng lúc càng tím bầm.
- Cô ơi, cô! – Bất thần nó tru lên. – Thầy xúc phạm đến con như vậy mà cô nỡ nào làm thinh hả cô?
- Cũng tại trò cả thôi. – Thầy Haifai khẽ lắc đầu làm hai chiếc khoen đeo tai đưa qua đưa lại, và một giọng eo éo phát ra từ đôi môi đỏ chót. – Ama Đliê có liên quan gì đến trò mà trò cứ một điều “ba con” hai điều “ba con”.
- Cái đó là con nói lộn. – Amara nhăn nhó như vừa đặt mông phải tổ kiến. – Cô cũng biết rồi mà. Ba con cung cấp giấy cho ổng.
Cả lớp nghe rõ tiếng cô Haifai thở dài:
- Cho dù như vậy thì theo ta, trò cũng không nên xoen xoét cái miệng về tờ báo của Ama Đliê nếu không định làm cho trường Đămri hỗn loạn hơn nữa.
- Người gây ra sự hỗn loạn là thầy hiệu trưởng chớ không phải là con. – Không tìm thấy sự ủng hộ thường lệ nơi sư mẫu, Amara bắt đầu nói xẳng.
Cả đống cặp mắt đổ dồn vào thầy Haifai, xem thử trước thái độ xấc láo của Amara, thầy hay là cô sẽ giành là người mở miệng trước.
Không đứa nào nghĩ người lên tiếng lại chính là thầy N’Trang Long. Quấn mình trong chiếc áo chùng màu tím rộng rinh, không biết thầy xuống tới từ hồi nào mà bọn học trò thấy thầy đứng ngoài cửa nói vô:
- Trò đừng có nói oan cho ta à nha. Người gây ra tình trạng bát nháo thê thảm này là tên thủ phạm giấu mặt chớ hổng phải là ta à.
Thầy N’Trang Long nói giọng vui vẻ nhưng vẫn khiến thằng Amara rúm người lại. Nó nghệt mặt cố ấp úng một câu gì đó như là lời phân bua nhưng tụi bạn đều thấy sự sợ hãi như một cục tổ chảng chắn ngang miệng nó.
Không để ý đến vẻ lóng ngóng của Amara, thầy N’Trang Long tỉnh bơ xoắn lấy một sợi râu cằm, thủng thẳng tiếp:
- Những điều Eakar nói không phải là vu vơ nhưng nếu xét cho cùng thì hoàn toàn trật lất. Vì vậy mà ta nghĩ là các trò cứ yên tâm ngồi học cho tử tế.
Lần này, nói xong thầy N’Trang Long biến mất chỗ cửa, cũng đột ngột như lúc thầy xuất hiện, nhưng mãi một lúc lâu thằng Amara vẫn không cựa quậy nổi, đến nỗi cuối cùng thằng Y Đê phải chạy tới kéo nó vô chỗ ngồi, ấn vai nó giúp cho nó rơi phịch xuống ghế nhưng ngay cả như vậy, Kăply vẫn thấy là Amara rơi theo cái kiểu của người chết rồi và điều đó làm nó hả hê hết sức.
- Kết thúc chuyện này được rồi đó!
Thầy Haifai đập hai tay vào nhau theo thói quen và ngoác miệng hô lớn, giọng dõng dạc, thậm chí long trọng như tuyên bố kết thúc chiến tranh. Như chưa cho thế là ấn tượng, thầy cung tay dộng tay lên bảng đánh “rầm” một tiếng, cao giọng:
- Các trò lật tập ra. Hôm nay ta sẽ dạy cho các trò câu thần chú chiến đấu số chín.
Thầy Haifai điệu bộ trông rất hung hăng, câu thần chú chiến đấu mà thầy sắp dạy có cái tên nghe cũng hung hăng không kém: thần chú Rụng răng.
- Rụng răng là sao thầy? Có phải đây là câu thần chú làm cho đối phương móm xọm như ông nội bà nội mình không hả thầy? – Thằng Y Đê lấc cấc hỏi, căn cứ vào bộ mặt xấc láo lẫn cái cách nó rướn người như cố kéo dài thân hình nhỏ thó của nó ra có thể tin là nó muốn đóng thế vai trò của sư phụ nó lúc này đã bắt đầu nhúc nhích được một chút trong ghế.
- Ta không cần biết ông nội hay bà nội của trò răng cỏ như thế nào. – Thầy Haifai nhếch đôi môi mỏng, khoe gần hết ba mươi hai cái răng nhọn hoắt ra ngoài. – Nhưng rụng răng nghĩa là không có chút xíu gì giống như ta, tức là nếu muốn cũng không thể nhào tới cắn cổ những tên học trò quậy phá được.
Giọng điệu đe dọa của thầy Haifai khiến khuôn mặt Y Đê trông giống như một bức tường vừa bị quét vôi. Lần này thì rõ ràng là nó đang cố thu người lại theo cái cách của một con giun chết nhát và điều đó thiệt tình khiến Kăply khoái chí không thể tả.
Mà thầy Haifai có vẻ cũng muốn coi thằng Y Đê là một con giun thiệt. Thầy nguýt nó một lần nữa bằng vẻ chán ghét (cái nguýt này chắc là động tác của vợ thầy. – Kăply thầm nghĩ) rồi lướt mắt một vòng khắp lớp, cái trán dồ lừ lừ quét từ phải qua trái rồi vòng trở lại như cố sục tìm một gương mặt nào đó thiệt dễ ưa để rốt cuộc khìn khịt mũi, hỏi một câu dễ ợt:
- Tam, trò có thể nói cho ta biết câu thần chú chiến đấu số tám là thần chú gì không?
- Thưa thầy, – Tam nhanh nhẹn bật người lên khỏi ghế, hoàn toàn khác hẳn thằng Tam ủ dột và rúm ró trước đây. – thần chú chiến đấu số tám là thần chú Trẹo quai hàm ạ.
- Giỏi! Giỏi lắm! – Thầy Haifai reo lên. – Trò ngồi xuống đi. Ta cho trò mười điểm.
Trong khi Tam rụng người xuống ghế vì sướng thì thằng Amara cựa quậy người dữ dội trong chỗ ngồi như một con thú bị đánh lưới, Kăply thấy rõ là nó đang muốn rống lên thiệt to để phản đối cái lối cho điểm quái chiêu của thầy Haifai nhưng cuối cùng Amara ngoác miệng ra chỉ để làm mỗi một việc là hớp lấy hớp để không khí như thể nó vừa trồi lên khỏi mặt nước.
Không cần quan tâm đến chuyện Amara có thể chết vì uất, thầy Haifai lắc lư chiếc đầu lưa thưa tóc, tiếp tục tán dương Tam:
- Đúng như trò Tam vừa trả lời một cách đặc biệt xuất sắc, thần chú chiến đấu số tám chính là thần chú Trẹo quai hàm. Một khi đối thủ đã trẹo quai hàm, coi như các trò đã vô hiệu hóa được khả năng kháng cự của hắn, ta nói vậy các trò thấy có đúng không?
- Dạ rất đúng ạ. – Cả đống cái miệng rập ràng hô.
Thầy Haifai gật gù, giọng hài lòng:
- Cũng như trò Tam, các trò thiệt là thông minh ngoài sức tưởng tượng của ta. Tất nhiên là trừ trò Amara và trò Y Đê…
Lần này thầy Haifai chưa kịp nói hết những lời thiên vị quá đáng, vợ thầy đã bực mình chen ngang:
- Ông ăn nói vớ vẩn gì thế. Dạy không lo dạy, cứ nói linh tinh.
- Cô ôi, cô! – Được tiếp sức bởi sự can thiệp bất ngờ của cô Haifai, Amara cố gào lên bằng cái giọng không hiểu sao trở nên the thé rất giống với cái giọng của sư mẫu nó. – Cô phải bắt thầy xóa bỏ cái điểm mười cà chớn của thằng quái nhân Tam đi cô.
- Quái nhân cái con khỉ! – Vẫn giọng eo éo của cô Haifai đáp trả nhưng lần này chiều hướng có vẻ không thuận lợi cho Amara chút nào. – Hổng lẽ đến giờ này mà trò không biết…
Như chợt nhận ra sự hớ hênh của mình, cô Haifai đột nhiên ấp úng và cố tìm cách xoay chuyển tình thế:
- … trò… trò không biết rằng ta không có quyền thay đổi điểm số trong giờ dạy của ổng sao.
Bọn Tam, Bolobala, Nguyên và Kăply tim dộng binh binh, cơ thể gần như đông cứng lại, đến khi cô Haifai kịp nói trớ đi, tụi nó mới có cảm giác máu trong người bắt đầu lưu thông trở lại. Cái vụ thằng Tam bị gán cho là quái nhân dù sao cũng đã xảy ra rồi và càng ngày mọi người càng như không nhớ tới nữa, nhất là lâu nay con nhỏ Bolobala không tung ra trong trường một lời nguyền rủa thầm nào. Bây giờ nếu bí mật của Bolobala bị xì ra, chắc chắn trường Đămri sẽ dấy lên một cơn bão mới và không cần phải thông thái mới biết lần này cơn bão dư luận sẽ khủng khiếp như thế nào. Bolobala khó yên thân đã đành mà thầy N’Trang Long lẫn thầy Haifai sẽ bị lão Ama Đliê và đám tay chân quay như quay dế là cái chắc, thậm chí nhiều khả năng lão sẽ tìm mọi cách lôi kéo Cục an ninh và Bộ giáo dục vào cuộc. Và nếu tờ Tin nhanh N, S & D nhân danh vấn đề an ninh của cộng đồng để liên tục kích động và yêu sách, ngay cả Hội đồng Lang Biang cũng chưa chắc sẽ đứng ngoài như xưa nay.
Trong khi bao rắc rối hiện nay chưa giải quyết xong, nếu chồng chất thêm gánh nặng này nữa, trường Đămri sẽ đổ sập và tanh banh như một bãi chiến trường là điều không cần phải nằm mơ mới thấy được.
Amara dĩ nhiên không hiểu được tất cả những éo le đó. Thấy không làm suy suyển được điểm mười cao chót vót của thằng Tam, nó húc đầu qua chỗ khác:
- Nhưng con vẫn chưa hiểu học câu thần chú số chín này làm cái con khỉ gì.
- Đồ ngu! – Thầy Haifai quắc mắt, giành lại quyền phát ngôn nhân lúc bà vợ còn chưa kịp trấn tĩnh sau khi suýt để lộ bí mật của Bolobala. – Học để chiến đấu chứ không phải để làm cái con khỉ!
Thầy chĩa ngón tay màu mè ra trước mặt, rà rà dọc các dãy bàn như xạ thủ quơ nòng đại liên, khò khè hỏi:
- Các trò nói ta nghe đi. Có phải nếu chẳng may thần chú Trẹo quai hàm không hiệu nghiệm thì các trò phải sử dụng tiếp thần chú Rụng răng để đối thủ hết đường niệm chú hay không?
Trong khi cả đống cái miệng nhao nhao “Dạ phải” thì thằng Amara vẫn bướng bỉnh:
- Con không nghĩ rụng hết răng thì đối thủ không nói được.
Có thể thấy thầy Haifai đang làm mọi cách để không văng ra một tiếng chửi tục. Thầy đưa tay lên nắn nắn chiếc mũi gãy (Kăply có cảm tưởng như thầy đang ấn nút kiểm soát để cơn giận khỏi bùng lên) và trong cái tư thế ngó thiệt là kỳ cục đó, thầy gằn giọng, nói như nhai từng tiếng:
- Ta muốn đập vỡ cái đầu ngu muội của trò ra để nhét vô đó một ít thông minh quá, Amara à. Trò thử hình dung đi, nếu trò không còn lấy một cái răng làm vốn thì trò sẽ niệm chú như thế nào.
Thầy Haifai ngừng lại một chút rồi tiếp tục gầm gừ:
- Hừm, ta nói thiệt, muốn niệm một câu thần chú đơn giản nhất như Giơ tay lên, trò cũng cóc làm được.
- Được! – Amara gầm lên bằng cái giọng đã bắt đầu khùng khùng.
Thầy Haifai rọi mắt vô mặt tên học trò cứng đầu, cười khảy:
- Nghe nè, lúc đó cái miệng móm xọm của trò cùng lắm chỉ có thể rặn ra những tiếng phều phào. Trong khi đối thủ của trò đàng hoàng hô “Giơ tay lên” thì trò chỉ có thể móm mém “Phơ phay phên” như một thứ ngôn ngữ cóc nhái chỉ có tác dụng cù lét đối thủ thôi, hiểu chưa?
Mặt Amara tím bầm như bị ai bóp cổ. Những tiếng cười rúc rích như chuột của tụi bạn ở chung quanh càng khiến nó cảm thấy như có ai chẹt lấy cổ nó thật. Nhưng Amara không phải là thằng nhãi đần độn đến mức bỏ ra ngoài tai những lý lẽ chính xác của thầy Haifai.
Nó xộc tay vào mái tóc quăn như để làm cho nó quăn hơn nữa, cặp mắt hí láo liên, cái cách của người không chịu đầu hàng một cách dễ dàng.
Trong khi Amara đang cố nghĩ cách lấy lại thể diện, Hailibato thình lình vọt miệng:
- Dù sao thì thần chú số chín cũng là thần chú quá sức nguy hiểm để học nó, thưa thầy. Tác dụng của các loại thần chú khác đều có thể sửa chữa, nhưng nếu tụi con thực hành thần chú Rụng răng và thực hành hiệu quả, thì tụi con lấy gì để ăn uống, thưa thầy?
Thầy Haifai liếc vẻ mặt lo lắng đến tươm mỡ của Hailibato, cặp mắt sâu hoắm của thầy lóe lên:
- Hừ, ta tưởng khi đặt chân vào lớp, trò đã tự giác bỏ cái tật tham ăn của trò ở bên ngoài cổng trường rồi chớ, Hailibato.
Thầy dộng tay vô tấm bảng đánh “rầm” một cái, lần này mạnh đến mức làm cả lớp học giật bắn:
- Hổng lẽ mấy trò nghĩ ta là người đần độn đến mức sau khi dạy xong câu thần chú số chín, học trò của ta răng rụng sạch trơn sao? Hừm… hừm…
Cô Haifai có lẽ cũng nóng ruột không kém gì mấy đứa ngồi dưới, nhất là cô thấy tiết học đã trôi qua hơn phân nửa rồi mà ông chồng mình vẫn còn say sưa cãi nhau với học trò, chưa kịp dạy một chữ nào. Cô vội vàng nói, thừa lúc thầy Haifai đang thở dốc:
- Thần chú Ơnđu, mấy trò. Mấy trò sẽ được học thần chú Ơnđu.
- Thần chú Ơnđu là thần chú số chín rưỡi. – Vẫn giọng cô Haifai trả lời với sự đồng tình của thầy Haifai, Kăply đoán thế vì nó thấy thầy có vẻ đuối đơ sau một hồi hò hét quá mạng. – Đây là câu thần chú có nguồn gốc từ xứ Mũi Lõ, có tác dụng giúp đối tượng trở lại tình trạng nguyên vẹn ban đầu sau khi trúng phải thần chú Rụng răng.
Năm phút sau, Kăply đã thấy Hailibato và Lung đứng trước bảng, chuẩn bị thực tập câu thần chú chiến đấu số chín thầy Haifai vừa giảng. Hai đứa run run chìa bộ mặt xanh lè xanh lét vào mắt nhau, cái bộ dạng không thể nhầm được của những kẻ không tin chút xíu nào hết vào câu thần chú Ơnđu mà cô Haifai vừa quảng cáo.
Nhưng đến khi Hailibato và Lung đã vung tay vào mặt nhau và hét tướng câu thần chú số chín lên thì hai đứa nó chợt nhận ra thà rụng sạch trơn hai hàm răng còn sướng hơn là cái tình trạng mà đứa này vừa gây ra cho đứa kia: Răng chiếc rụng chiếc không, có chiếc lung lay như cây cọc rào bị bão. Đám con gái sợ hãi thét lên be be khi thấy Hailibato và Lung miệng rỉ máu, dây cả ra vạt áo trước ngực, trong khi Amara và tên đệ tử Y Đê của nó vừa nhảy cẫng vừa vỗ tay bôm bốp với vẻ mặt rất chi là phấn khích.
- Tụi bay làm ăn cái kiểu gì ngu như heo vậy hả? – Thầy Haifai giận dữ đến mức tóc trên đầu dựng đứng.
Thầy lắc lư cái trán dồ, hét ầm:
- Quay mặt lại đây! Nhanh lên!
Thầy phẩy tay một cái nhẹ hều vào hai đứa học trò khốn khổ, ngay lập tức răng cỏ tụi nó trở về ngay chóc vị trí cũ, y như trồng mới, máu me biến mất, vạt áo trước ngực sạch bong như mới giặt.
Thằng Lung đưa tay lên mặt rờ rẫm, lúng búng hỏi:
- Thầy vừa sử dụng thần chú Ơnđu hả thầy?
- Đúng rồi! Trò thấy có hay không?
- Hay thiệt đó, thầy ơi. – Hailibato nhăn nhó đáp thay bạn, hai tay nó đang bưng lấy cằm. – Nhưng quai hàm con vẫn còn rêm quá hà.
Căn cứ vào thân hình cựa quậy một cách nguy hiểm của thầy Haifai có vẻ như thầy đang tính tuôn ra tiếp một tràng chửi rủa nếu như ngay lúc đó tiếng chuông tan học không kịp thời vang lên trong tiếng thở phào của những đứa chưa bị thầy kêu lên thực tập bữa nay.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT