Khi chiếc đồng hồ ở hành lang điểm 10h30 thì tôi đang ở trên ban công hóng gió. Hơn bốn mươi phút trước, tôi và Nhiếp Diệc đi dạo công viên về, ăn tối xong thì mỗi người tự trở về phòng mình tắm rửa súc miệng, sau đó ảnh ngủ còn tôi tỉnh như sáo. Đêm nay trăng sáng vằng vặc, cây nguyệt quế soi mình trên hồ nước sóng gợn lăn tăn, tựa như một tấm lụa tơ tằm đen nhánh thêu chỉ bạc, mềm mại phủ trên mặt đất giữa khung cảnh an tĩnh này. Tôi đang ở trên hòn đảo cô độc giữa hồ, không thấy rõ nguyệt quế và cây phong mọc bên mép nước đằng xa, hàng cây như biến thành những cái bóng đen trùng trùng lớp lớp điểm xuyết lác đác vài ánh đèn ảm đạm, như mê cung dài đằng đẵng mà tối tăm của người cá. Tôi bỗng nhớ đến một buổi tối mẹ đến văn phòng thăm tôi, hai mẹ con cùng nhau ngồi bên cửa sổ uống trà.

Phòng làm việc của tôi nằm trên tầng 40 của tòa nhà Song Tử tọa lạc giữa trung tâm tài chính, nên chỉ cần nhìn ra ngoài cửa sổ là có thể thu hết cảnh đêm xa hoa rực rỡ của nửa thành phố S vào trong tầm mắt. Mẹ tôi nhíu mày, than phiền với tôi, bảo là hồi xưa khi nhắc tới cảnh đêm là có “Trăng chiếu vườn hoa như tuyết rải”, có “Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ”, còn có “Thuyền ai đậu bến Cô Tô, nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”, đẹp, an tĩnh, u buồn, khiến cho con người ta phải xao xuyến bâng khuâng. Còn thành phố ngày nay nhìn chẳng ra làm sao, càng này càng người dưng nước lã với hai chữ “tình tư” (tâm tư), nhà cao tầng san sát, đèn xanh đỏ tím vàng, ai cũng xô bồ khiến người ta cảm thấy bức bối, may mà nhà của chúng tôi không ở trong nội thành nên có thể chịu đựng nổi. Mẹ tiếp tục thả hồn vào dòng cảm xúc, cho rằng gia đình tôi sinh sống trên một sườn núi vùng ngoại ô đã hơn 20 năm, nơi đó đẹp, an tĩnh, u buồn, có thể khiến con người ta phải xao xuyến bâng khuâng, hơn nữa các loài côn trùng rắn rết sinh sôi đàn đàn đống đống, tới bây giờ mà đường xá gập ghềnh vẫn hoàn ghềnh gập. Tôi nghe nói tháng sau thành phố dự định quy hoạch vùng đất dưới chân núi thành một trạm xe buýt. Tôi sống trên đời đã 23 năm, cũng không quá quan tâm chuyện mình có thể hiểu rõ nỗi lòng thi nhân của mẹ hay không, nhưng đêm nay đột nhiên lại được đả thông tư tưởng.

Không có ánh đèn nê ông chói lòa, có thể nhìn thấy rõ đêm đen cùng ánh trăng trên đỉnh đầu, từng cơn gió nhẹ lướt qua rừng cây phẩy tới, mang theo hương hoa thơm ngát, Nhiếp Diệc đang an giấc trong căn phòng ngay phía sau lưng tôi, chẳng hề phòng bị. Cảm giác thỏa mãn giống như những vần thơ lãng mạn của Tịch Mộ Dung, như dòng nước êm đềm trôi không ngừng nghỉ, lại giống như ánh trăng vô hạn rải trên núi trên sông. Đúng rồi, ánh trăng, có một bài hát tên là “Ánh trăng thành phố”, giai điệu nhẹ nhàng, ca từ thư thái ấm áp: Ánh trăng thành phố sáng soi giấc mộng, xin hãy ở bên thủ hộ cho người ấy, nếu có một ngày ta gặp lại, vân vân và mây mây. Tôi ngồi trên ban công chừng hơn 30 phút, bị gió đêm quạt vào mặt càng lúc càng thanh tỉnh, thấy cũng không còn sớm sủa gì nữa nên định xuống lầu pha ít sữa uống. Tôi đứng trong phòng ăn tầng một, vừa hớp sữa òng ọc vừa cảm thấy buồn ngủ, bỗng nhiên mẹ tôi gọi điện thoại tới, lúc đó đã mười một giờ. Trịnh nữ sĩ chưa bao giờ gọi cho tôi sau 10 giờ rưỡi tối, tôi nghĩ chắc ở nhà xảy ra chuyện nên nhanh chóng nhận điện.

Giọng nói của mẹ có chút căng thẳng, trực tiếp hỏi tôi: “Phi Phi, chị có bị người ta ăn hiếp không đấy?” Tôi sửng sốt một chút, không hiểu tại sao vụ ầm ỹ hôm trước lại truyền đến tai mẹ, trả lời: “Ý mẹ nói cái tên Nhiếp Nhân tâm thần á hả? Không sao đâu, con đã tẩn nó một trận, Nhiếp Diệc cũng chuẩn bị tống nó qua Mỹ rồi, chắc trong mấy tháng tới nó không có cách nào tới làm phiền con đâu.” Mẹ tôi cũng sửng sốt một chút: “Còn có chuyện Nhiếp Nhân nữa sao?”

Tôi càng sửng sốt: “Mẹ không biết? Vậy hỏi con có bị ăn hiếp hay không là sao?” Mẹ nói: “Có người vừa gọi cho mẹ, nói tối nay chị ở cùng Nhiếp Diệc,” bà ngừng một chút: “Chị bảo nhà bên ấy định đưa Nhiếp Nhân qua Mỹ? Tốt lắm, lần này nhà thông gia hành động làm mình hả dạ ghê, Nhiếp Diệc…” hình như bà chợt nghĩ tới điều gì, đột nhiên nói: “Đúng rồi, Nhiếp Diệc, mẹ muốn nói chuyện Nhiếp Diệc với chị, Nhiếp Diệc nó có ức hiếp chị không?” Tôi cảm thấy quái lạ: “Sao ảnh lại ức hiếp con?”

Mẹ đắn đo 3 giây rồi nói: “Phi Phi, chị cũng biết mẹ không tán thành hành vi bất chính trước hôn nhân, Nhiếp Diệc nó có ép buộc chị không đấy?” Tôi lập tức hiểu mẹ ám chỉ chuyện gì, sữa liền tràn vào khí quản, tôi liều mạng ho khan, mẹ tôi ở bên kia sốt ruột: “Chị mau trả lời mẹ trước cái đã!” Tôi vừa sặc vừa trả lời bà: “Không có, tụi con chỉ cùng nhau ăn một bữa cơm, sau đó ảnh đi ngủ liền hà.”

Mẹ lập tức thở phào nhẹ nhõm, đang lúc tôi định bụng chúc bà ngủ ngon rồi dập điện thoại thì bà đột nhiên nói: “Không đúng, chị bảo nó ăn cơm với chị, sau đó nó đi ngủ một mình á?” Tôi nói: “Dạ.” Mẹ tôi lập tức tức giận nói: “Trong nhà chỉ có hai người, cô nam quả nữ, thiên thời địa lợi nhân hòa, bầu không khí tốt biết bao nhiêu, sao nó có thể ngủ o tờ ót vậy được cơ chứ?”

Tôi nói: “Cái nhà lớn ầm mà.” Mẹ tôi nghiêm túc nói: “Chuyện này với chuyện cái nhà có lớn hay không không có liên quan gì tới nhau, nếu như nó yêu chị thì bây giờ sao có thể đi ngủ một mình.” Tôi cảm thấy Nhiếp Diệc thực sự là tiến thoái lưỡng nan, không khỏi nói giúp cho ảnh, tôi nói: “Mẹ, mẹ không thể như vậy, chiếu theo tiêu chuẩn của mẹ thì dù ảnh có ngủ hay không cũng có chuyện, ảnh phải làm sao thì mẹ mới hài lòng đây?”

Mẹ tôi suy nghĩ một chút, nói: “Nó cần phải có một sự khát khao cháy bỏng, tuy nhiên vẫn phải tâm hoài bất loạn (có mỹ nhân ngồi trong lòng mà tâm vẫn không loạn).” Nhưng rồi lập tức phủ định kết luận của mình: “Nhưng chỉ khi không có tình yêu thì mới có thể tâm hoài bất loạn thôi.” Mẹ tôi hoàn toàn lâm vào một vòng tư duy lẩn quẩn, lòng như tro tàn mà thở dài: “Làm mẹ thật khổ, sinh con gái ra phải lo nghĩ đủ chuyện.” Tôi an ủi mẹ: “Mẹ, theo logic học mà nói thì suy nghĩ của mẹ rất ổn, nhưng mà Nhiếp Diệc ảnh ngủ riêng cũng có điểm tốt phải không, mẹ khỏi cần lo lắng vì cái chuyện khiến mẹ lo lắng lúc đầu nữa, nhỉ? Còn về chuyện mà mẹ lo lắng lúc sau ấy thì…” tôi còn chưa nói hết câu, chợt có tiếng người từ đằng sau truyền đến: “Anh vẫn chưa ngủ đâu, mẹ vợ tìm anh?” Tôi lập tức ngoảnh đầu lại, tấm rèm che cửa sổ bị gió thổi tung, Nhiếp Diệc mặc bộ piyama tối màu đứng cạnh tấm rèm, còn mang chiếc headphones trên cổ.

Tôi nhanh chóng che ống nói, hỏi anh: “Anh anh anh anh anh nghe được bao nhiêu rồi?” Anh ngẫm nghĩ một chút: “Em nói với mẹ là anh ngủ riêng cũng có điểm tốt.” Mẹ tôi liếng thoắng ở đầu dây bên kia: “Sao thế? Xảy ra chuyện gì rồi? Phi Phi sao tự nhiên chị im re không nói lời nào vậy?”

Tôi nhận điện thoại lần nữa, nói với mẹ: “Ảnh vẫn chưa ngủ, mẹ không cần lo lắng question 2 nữa đâu, có thể quay lại lo lắng question 1 (*), mẹ ngủ ngon nha.” (* nghĩa của từ question ở đây là “vấn đề” chứ không phải là “câu hỏi”. Ý của bạn Phi là mẹ không cần lo lắng về chuyện anh Diệc ngủ 1 mình vì không có “khát khao cháy bỏng” nữa (vì ảnh thức rồi); mà nên quay lại lo lắng chuyện ảnh có “ép buộc, ức hiếp” bạn Phi hay không ấy). Sau đó tôi quả quyết cúp điện thoại nói với Nhiếp Diệc: “Mẹ em không có tìm anh, chẳng qua là hai mẹ con trò chuyện đêm khuya, bàn luận vài vấn đề luân lý triết học ảo diệu thôi.”

Anh đi tới: “Anh tưởng là em ngủ rồi.” Tôi cầm cốc sữa, nói: “Em cũng vậy, cứ nghĩ là anh ngủ rồi…” Anh qua chỗ sofa lấy một cái đệm mềm: “Anh mệt quá, ngủ không được, đành kiếm ít phim cũ ngồi xem.” Ngẩng đầu nhìn tôi: “Giờ em muốn đi ngủ luôn hay là xem phim với anh? Là phim tài liệu “Hải dương” của Jacques, có thể là em đã xem rồi.”

Đúng là tôi xem rồi, nhưng lúc này sao có thể nói là mình đã xem rồi thậm chí là không chỉ xem 1 lần, tôi nhanh chóng nói: “Chưa xem.” Để tăng thêm độ tin cậy của câu nói này còn bổ sung thêm 1 câu: “Hải dương”, phim tài liệu hả? Nghe có vẻ thú vị đấy, nói về cái gì thế?” Anh đáp: “Câu hỏi này rất có chiều sâu, nếu tựa phim đã là hải dương thì anh nghĩ chắc nó không có nói về sa mạc.” Tôi thực sự muốn đâm đầu xuống đất, đành phải lấp liếm: “À đúng ha.”

Đột nhiên anh nói: “Buổi tối không nên uống sữa nguội, em đã đun nóng chưa đó?” Tôi giơ cái cốc về phía ánh đèn, là cốc sứ, đâu phải thủy tinh trong suốt đâu. Tôi hỏi anh: “Sao anh biết em uống sữa?”

Anh cúi người lấy thêm 1 tấm đệm, thấp giọng nói: “Trên môi có màng sữa.” lại nói: “Uống xong thì tới đây nhé.” Tôi cầm cốc sữa đứng như trời trồng ngây ngốc hết 30 giây, không ngờ anh lại mời tôi cùng xem phim, cứ như là đang hẹn hò ấy. Quả thực ông trời đối xử với tôi tốt đến mức kì lạ. Đã biết đối phương sẽ không bao giờ cho mình một cuộc hôn nhân tràn ngập tình yêu thì cũng không nên hành xử lo được lo mất: bởi vì chắc chắn mối quan hệ này sẽ mãi nhàn nhạt như thế, cho nên không cần lo nghĩ xem phải làm thế nào để có thể cùng đối phương tiến lên một bước. Nhưng vấn đề là tôi thích Nhiếp Diệc, cũng mốt ngày càng gần gũi anh hơn, cho dù anh đã bảo tôi hãy làm người thân của anh, tôi có thể làm bất cứ điều gì cho anh, nhưng thực ra ngay từ đầu anh đã hy vọng tôi không thích anh, yên tâm lựa chọn tôi mà không hề hay biết rằng tôi không chỉ muốn có đồ lặn biển mà còn muốn có anh. Đây là một thứ tình yêu đơn phương câm nín.

Tôi cẩn thận suy nghĩ 1 phút, sau đó chạy tới tủ rượu chọn lấy hai bình. Thôi kệ, cơ hội khó được, lỡ có làm gì hơi quá thì cứ đổ cho rượu là được rồi. Sau đó tôi xách hai bình rượu đỏ bình tĩnh men theo cửa sổ đi vào phòng chiếu phim. Tôi cứ tưởng đó chỉ là phòng chiếu phim bình thường, khi đi vào mới mới phát hiện chỗ này là một căn phòng thủy tinh. Nó không giống với căn phòng thủy tinh nuôi cá nhiệt đới trong vườn nhà Nhiếp Diệc, căn phòng này cao và rộng hơn hiều, cách bài trí cũng đẹp hơn, tựa như một đình viện tinh xảo. Hòn giả sơn chiếm hơn phân nửa không gian, lấy đá làm núi, lấy cát làm nước, hai cụm dây thường xuân làm cảnh. Phần còn lại của căn phòng có những chậu bonsai và đá tự nhiên trang trí, màn hình cỡ lớn gắn lên tường, đang chiếu cảnh cái heo nhảy lên trên mặt biển. Chỗ ngồi duy nhất trong phòng là một tảng đá sậm màu kề sát vách tường, cao chừng bốn, năm mươi phân, lại rất rộng rãi, trên tảng đá có đặt một hàng đệm đồng màu. Nhiếp Diệc đang ngồi xếp bằng trên đó, thấy tôi tiến đến, anh liền gỡ headphones, lấy chiếc điều kiển từ xa mở tiếng to lên, lập tức tiếng sóng biển quen thuộc từ từ truyền đến.

Tôi tự giác đến ngồi cạnh anh rồi định khui rượu, anh lập tức giành lấy bình và đồ khui: “Để buồn ngủ không cần nốc tới hai bình đâu, nửa ly là được rồi.” Nhiếp Diệc khui rượu khá chuyên nghiệp, tôi bội phục nói: “Anh biết bây giờ có trào lưu gì không? Các bậc phụ huynh phát cáu với con cái thường vừa uống rượu vừa xem TV vừa giáo huấn chúng nguyên đêm ấy?” Anh hơi giương mắt: “Muốn chuốc anh say? Vậy sao chỉ lấy một cái ly?”

Tôi trêu anh: “Thực ra em chỉ định uống một mình, sao anh cũng muốn tham gia?” Tôi vỗ vai anh: “Này tiểu bảo bối, với tửu lượng của cưng thì chỉ có thể uống sữa bò thôi, chờ một chút ta đi pha sữa cho mà uống.” Vừa nói vừa trèo xuống ghế. Anh lấy tay ngăn tôi: “Mẹ, ít nhất cũng phải để tôi uống bia.” Tôi cân nhắc hai giây: “Bảo bối, cùng lắm ta chỉ có thể cho thêm tí rượu vào sữa thôi, tỷ lệ 1:50 thế nào?” Ngẫm lại lại cảm thấy hiếu kì: “Ế, cưng nói coi nó sẽ có vị gì, có thể uống được không?”

Cái nút gỗ bật ra khỏi miệng bình, kêu một tiếng, anh trả lời tôi: “Protein trong sữa sẽ biến tính, bị vón cục, không biết mùi vị thế nào, nhưng uống vào chắc chắn bị tào tháo rượt.” Anh nhìn tôi: “Chắc người không phải là mẹ ruột tôi nhỉ?” Tôi không kiềm được, bật cười hỏi anh: “Bác sĩ Nhiếp, sao trước giờ em không biết anh cà lắc thế này?” Anh chìa tay đưa cái khui cho tôi: “Hình như anh chưa từng phủ nhận khiếu hài hước của mình?”

Tôi nói: “Trước đây thỉnh thoảng anh cũng có nói đùa, nhưng,” tôi không biết phải nói thế nào: “nhưng không giống như tối nay.” Anh nói: “Nghe nói trước đây anh đối xử với em rất hờ hững.” Tôi dối lòng nói: “Không có, con người anh rất nice.” Lại bổ sung thêm một câu: “Tất cả mọi người đều nghĩ rằng anh rất nice.”

Anh không ngẩng đầu: “Anh không ngu ngốc lãng phí khiếu hài hước của mình, anh nghĩ chẳng ai cảm thấy anh nice đâu.” Tôi lập tức nói: “Khiếu hài hước không phải là nhân tố quyết định được chuyện một người có nice hay không đâu, có lẽ mọi người đều cho rằng anh rất…” Vắt óc nửa ngày mà vẫn nghĩ không ra cái từ dùng để diễn tả tính cách của anh khi đối đãi với người lạ, trên cơ bản là anh toàn mặc kệ người khác. Nhiếp Diệc rót rượu xong, vô cùng kiên nhẫn đợi tôi hoàn thành câu nói dang dở đó.

Tôi khó khăn mở miệng: “Có lẽ mọi người đều cho rằng anh rất đẹp trai, anh cũng biết đó, mọi người thường ưu ái bao dung những người đẹp trai mà.” Anh trầm tư: “Nghe có vẻ là một lời khen, thế nhưng…” Tôi cắt lời anh như chém đinh chặt sắt: “Không nhưng nhị gì hết, đây là một lời khen chắc chắn 100%.”

Anh nhìn tôi 3 giây, đột nhiên nói: “Cho nên dù em biết rõ Nhiếp Nhân có thể nổi điên, gây nguy hiểm cho em bất cứ lúc nào, nhưng tối nay em vẫn đến đây, là bởi nó đẹp trai khiến cho em hạ thấp cảnh giác?” Tôi thầm nghĩ, cái sự suy ra ấy đặt trong trường hợp này thực ra cũng khá logic, nhưng giá trị vẻ ngoài của Nhiếp Nhân thực sự không đủ để tôi buông lỏng phòng bị với nó, tôi thở dài: “Chuyện phòng bao hôm đó chẳng qua chỉ là gia môn bất hạnh.” Anh nghi hoặc nhìn tôi.

Tôi nói: “Anh xem, lúc mình ở trên đảo V anh đã kể cho em nghe chuyện nhà anh rồi, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh mà, chẳng phải người đời có câu ‘gia gia hữu bản nan niệm đích kinh yêu’ (mỗi nhà đều có riêng cho mình một quyển kinh khó đọc) hay sao? Nhà em cũng vậy thôi, chuyện nhà em ấy à, phải nói là một long long story luôn đó.” Đêm đã khuya, ánh trăng bị mây che khuất, phát ra một thứ ánh sáng mông lung, tựa như đem tờ giấy Tuyên Thành đã bị bôi đen đặt trên ngọn đèn rồi đốt thủng, đẹp đẽ và thần bí không nói nên lời. Ở dưới bầu trời tĩnh lặng ấy, ở trên hòn đảo cô độc giữa hồ ấy, có lẽ căn phòng thủy tinh mà chúng tôi đang ngồi là nơi phát ra nguồn sáng đáng kể nhất, mà ở nói đó chỉ có tôi và Nhiếp Diệc hai người. Thực sự rất lãng mạn.

Ở trong hoàn cảnh lãng mạn như vậy, chuyện nhà hiển nhiên là một đề tài không mấy thích hợp để tâm sự. Nói qua loa nguyên nhân gây ra vụ phòng bao, nói đến chuyện vì sao Nhuế Tĩnh không thích tôi, tôi bèn thương lượng với anh: “Hay là mình đổi kênh đi? Em cảm thấy trong bầu không khí thế này, chúng ta hẳn là nên bàn luận vấn đề nhân văn nghệ thuật âm nhạc vân vân mây mây.” Nhiếp Diệc chống tay: “Không cần, đề tài này cũng thú vị mà.” Tôi nhìn anh ba giây, thở dài: “Được rồi, lúc nãy nói tới đâu rồi ấy nhỉ? A đúng rồi, Nhuế Tĩnh không thích em là bởi năm đó, đối tượng mà ba em định tán tỉnh ban đầu là mẹ của nó, cũng chính là dì của em, nó cứ nghĩ rằng nếu như nếu như mẹ nó với ba em mà thành đôi thì vị trí của em bây giờ sẽ là nó, nó vẫn cho rằng em đã trộm cuộc đời nó, là một kẻ ăn cắp trơ trẽn.”

Nhiếp Diệc nói: “Dưới góc nhìn sinh vật học mà nói, cho dù ba vợ với mẹ của cổ cùng nhau thì người được sinh ra chưa chắc là cổ.” Tôi dạy bảo anh: “Anh không nên phí công giảng giải nguyên lý sinh vật học gì đó với một nữ sinh lớp 11. Cho dù mình chỉ là tiểu bối, không nên thảo luận chuyện của các trưởng bối, nhưng giả dụ không có mẹ em thì chưa chắc ba em đã đến với dì, cũng giống như nếu không có em thì chưa chắc anh sẽ ở bên Giản Hề, phải không?” Tôi điều chỉnh tư thế ngồi một chút: “Chuyện yêu đương của ba mẹ em hồi đó cũng ly kì lắm, tuy rằng chuyện tình tay ba tay tư rất vô vị nhưng thôi cứ nghe thử nhé, cơ mà anh tuyệt đối không được cho ba mẹ em biết là em mách lẻo chuyện này với anh nha.” Anh gật đầu.

Tôi nâng tay phải, co ngón út đưa lên trước mặt anh, anh mỉm cười nghéo tay tôi. Tôi liền nghiêm túc kể lại tình sử giữa ba và mẹ, tôi nghiêng đầu hỏi Nhiếp Diệc: “Anh có tin vào chuyện nhất kiến chung tình không?”.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play