*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Lâm Gia Thái Bảo
-
Những phân cảnh này, tôi mặt dù vẫn theo dõi được tình tiết nhưng không thể nào hiểu được vì sao dòng thời gian lại bị đảo lộn như vậy. Thứ nhất là cảnh hai vị công chúa Tỳ Sa Mật La và Tỳ Sa Mật Lan mang ý nghĩa gì? Thứ hai, tại sao lại cho chúng tôi xem cảnh Từ Khoái quay về Ca Lâu Thành trước khi chiếu lên hình ảnh của Ca Lâu Vương và lão già Giản Độ? Thứ ba, làn khói này là giống quái gì, có thể tin nó được không hay chúng tôi lại đang rơi vào một cạm bẫy khác, rằng chúng tôi sẽ mãi kẹt vào dòng ký ức và quên luôn thực thể của bản thân, không bao giờ thoát ra được nữa? Tôi quay sang anh Hùng, đơn giản vì những câu hỏi cứ ập đến làm tôi cảm thấy ngạt thở, anh nhìn tôi, suy nghĩ một hồi rồi bảo: “Theo anh thấy thì đây là một loại ngải khác, được cài vào người công chúa hoặc dấu dưới chỗ nào đó trong phòng, khi có người đi vào, nhận thấy sự tình rồi đọc chú siêu thoát, loại ngải này sẽ tự động được kích hoạt. Lúc đầu, anh có hơi nghi nghi, kiểu như linh tính thôi, anh tưởng rằng làn khói này là một dạng đánh lạc hướng, toả ra để khống chế, rồi sau đó một thứ khác, ví dụ như ma quỷ trong căn phòng sẽ xuất hiện và giết chết những người xâm phạm, nhưng anh lập tức gạt bỏ giả thuyết đó khi anh thấy được đạo hạnh cao thâm của Từ Khoái. Anh nghĩ đây là mục đích ban đầu của gã ta, khi có người đủ khả năng giải mã hết mọi chuyện thì cây ngải trong căn phòng sẽ phát tán. Đây có thể là những sự kiện then chốt, đưa cả bọn tới câu trả lời cuối cùng.”
Tôi thắc mắc: “Em thấy thằng cha Từ Khoái bị mê công chúa nên mới quay lại thôi, đạo hạnh gì nữa anh?”
Anh Hùng lắc đầu: “Không không. Chuyện đơn giản thôi, suy luận bình thường có thể đoán ra được, Từ Khoái sống ở Ca Lâu Thành chưa được bao lâu mà đã thông thuộc ngôn ngữ của họ mà thảo ra những cuộn da. Thứ hai, gieo quẻ Dịch, cơ bản thời đó đa số thầy địa lý, thầy phong thuỷ đều làm được, nhưng gieo quẻ dịch cộng với Cải Thi anh mới thấy luôn. Lại gieo ra chính xác nữa chứ.”
Thuỳ giơ tay, cô đang xin phép được phát biểu, anh Hùng nhìn rồi cười nhẹ, bảo cứ mạnh dạng nói, cô giờ khác gì một phần của đoàn, mọi người còn sống đến bây giờ cũng nhờ công không phải nhỏ của Thuỳ, mặt cô hơi đỏ, cô bảo: “Mọi người có nghĩ...chuyện Từ Khoái viết những mảnh da, đưa ra những cạm bẫy, cơ quan, còn gài cả quái vật này kia là đang tìm một người nào đó có đủ sức để...để...giúp ông ta làm một điều gì đó không?”
Anh Hùng nghe xong, tôi thấy trong ánh mắt anh có một tia sáng nào đó loé lên, tựa như anh hiểu mọi thứ mà Thuỳ vừa nói. Riêng tôi thì không hiểu gì cả, chỉ thấy mọi chuyện rắc rối đều từ sự ích kỷ của Ca Lâu Vương và sự mê gái của hai gã Tỳ Giả và Từ Khoái. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhờ vậy mà chúng tôi có khả năng sẽ tìm ra Ngô Công Kim Thân, thôi cũng là điều tốt. Tôi vừa định nhắc đến Từ Khoái thì đã thấy làn khói mờ ảo dâng lên, che mờ tất cả rồi đột ngột tan biến như có một cơn cuồng phong thổi bay tất cả. Ca Lâu Vương đứng trầm ngâm tư lự, nhìn xuống bên dưới thành, ánh mắt đầy vẻ khó xử lại xuất hiện, giống như con người ta cân nhắc khi phải đánh đổi những thứ quan trọng. Ông ta đang trầm ngâm thì nghe người hầu báo lại là có Từ Khoái xin yết kiến. Ca Lâu Vương hết sức ngạc nhiên bèn cho vào, ân cần hỏi han: “Từ Đại phu sao còn chưa về Tấn Quốc?”
Chỉ thấy Từ Khoái trút ra hơi thở nặng trịch, nói: “Không giấu gì quốc vương, Khoái tôi gieo quẻ, thấy hiện giờ còn duyên chưa dứt buộc phải lưu luyến nơi này, chưa tiện về được, Khoái tôi có hẹn với Thiên Tử xin hai năm nữa sẽ về, với lại…”
Từ Khoái nói đến đó thì đưa mắt nhìn quanh vẻ ái ngại, Ca Lâu Vương hiểu ý bèn cho mọi người lui ra, lúc này Từ Khoái mới hành lễ cung kính, nói vẻ đầy sợ sệt: “Xin Quốc Vương lượng thứ nếu Khoái tôi có lỡ lời, tôi gieo quẻ thấy được thành ta có đại nạn sắp ập đến, e là lê dân bá tánh không khỏi lầm than, tôi dù chỉ có tài hèn sức mọn cũng xin gánh vác, thấy chết không cứu tuyệt nhiên không phải cách sống của Từ Khoái này!”
Ca Lâu Vương không tỏ ra bất ngờ mấy, có lẽ ông ta đã biết rõ năng lực cao thâm của Từ Khoái nên chẳng lấy làm lạ gì chuyện y biết được bí mật của Ca Lâu Thành, có chăng lý do gã ta chọn ở lại còn khó nghĩ đôi chút. Ông ta vuốt nhẹ râu rồi nói: “Việc này bản thân ta và Hội đồng Tư tế cũng đã có tiên liệu, lại phiền Từ Đại phu bận tâm rồi, thân làm quốc vương như ta thật đáng hổ thẹn.”
Ngầm hiểu ý nghĩa trong đó, Khoái không dám bàn thêm, tuy nhiên cũng không thể cứ thế quay về, liền ứng biến: “Quốc vương thật anh minh, điều này Khoái tôi sẽ kể lại sau khi hồi quốc, Khoái tôi có một thỉnh cầu, cúi xin Quốc vương ưng thuận?”
Ca Lâu Vương bèn hỏi thử xem là gì, Từ Khoái trả lời: “Ca Lâu Thành thanh bình thịnh trị, lễ nhạc phong phú, tiếc là Tấn Đế chẳng thể tận mắt trông thấy, phận làm bề tôi, Khoái ngày đêm trăn trở, mong muốn học hỏi ở nơi này để về Tấn Quốc không phụ lòng Thiên Tử, cúi xin quốc vương cho tiện chức lưu lại ít lâu, nghiên cứu kinh thư lễ nhạc, khi xong sẽ đi ngay.”
Tôi thấy Ca Lâu Vương suy nghĩ khá lâu, lý do thì chắc là: nếu đuổi hắn đi thì sinh hiềm khích, lưu hắn lại thì sợ kế hoạch bại lộ, dù gì chuyện hắn ở lại cũng rất đáng ngờ. Sau cùng, Ca Lâu Vương quyết định ban cho Khoái một dinh thự ngoài thành, ba ngày cho nhập cung một lần để đọc kinh thư. Khoái cúi lạy rồi lui ngay. Vừa lúc đó, Tỳ Giả và Giản Độ xuất hiện.
Lớp khói xanh lại dâng lên, khi nó tan đi, tôi lại thấy cảnh phòng của công chúa hiện lên: Từ Khoái bước vào. Điều tôi hết sức bất ngờ là phản ứng của Mật La, nàng ra lệnh cho người hầu lui ra, lập tức lao đến ôm chầm lấy Từ Khoái, tôi cười thầm, thính nặng thế này thì dù công chúa có là quỷ thì Từ Khoái cũng chẳng màng. Gã lau nước mắt công chúa rồi nói: “Ta đợi nàng ở bến thuyền, sao nàng lại lỗi hẹn.” Tôi vỡ lẽ, thì ra lúc nãy ở bến thuyền, Từ Khoái chần chừ rồi gieo quẻ là vì không thấy Mật La xuất hiện.
Mật La thút thít: “Ta không đi với chàng được, còn phụ vương và cơ đồ Ca Lâu Thành…”
Từ Khoái nắm chặt vai cô, nói: “Nàng còn chưa thấy được dã tâm của Quốc vương hay sao? Ông ta vốn dĩ chỉ xem nàng và Mật Lan là con cờ mà thôi, ngày xưa tiên đế Tỳ Khâu Chất Đà vốn chẳng ưu ái ông ta do không sinh được hoàng tử nên để cho Hoàng thúc nàng lên ngôi, ngày ấy nàng còn nhỏ thì đã bị đem ra luyện Nhân Quỷ, hồn phách bất định, ngay khi vừa lật đổ em trai, Quốc vương dùng Thiên Lôi mưu hại nàng, nay đại nạn Ca Lâu Thành sắp đến, ông ta lại chần chừ chưa muốn vãng sinh cho nàng, trước sau gì cũng vì lợi ích của ông ấy mà thôi!”
Mật La nghẹn ngào: “Ta không màng chuyện đó, ta chỉ mong chàng đừng để bản thân mình bị liên lụy, nhỡ phụ vương nghe thấy thi…”
Từ Khoái gạt tay, khẳng khái nói: “Vài loại yêu thuật vớ vẩn của Giản Độ và Tỳ Giả, Khoái ta vốn chẳng để trong mắt, chỉ cần nàng chịu cao bay xa chạy cùng ta, bọn họ chẳng thể làm gì được bọn mình!”
Mật Lan nãy giờ nép sau rèm bèn bước ra, nãy giờ có vẻ nàng cũng đã nghe hết cuộc nói chuyện, khuôn mặt không có chút sinh khí, nói: “Tỷ hãy đi theo Từ Đại phu, dù gì Ca Lâu Thành từ lâu đã chỉ còn cái xác không hồn mà thôi.”
Mật La nghe vậy, nhưng trong lòng đang dâng lên những cơn sóng khó tả, nàng quay ra cửa nhìn xuống kinh thành bên dưới rồi nói: “Nếu đại nạn ấy không đến, ta và chàng nhất định sẽ đi, chỉ xin chàng đợi ta thêm chút ít nữa.”
Từ Khoái vừa định nói gì đó, Mật Lan bèn ngăn lại, bảo: “Từ Đại phu đường đột quay về, Phụ vương ắt hẳn sinh nghi và cho người kiểm soát chặt chẽ, trốn chạy lúc này e là lành ít dữ nhiều, chi bằng ngài hãy lấy lòng tin với Phụ vương ít lâu, người lơ là cảnh giác thì khi ấy trốn chạy cũng không muộn, với lại, tử hạn của tỷ muội tôi còn hai năm nữa, chớ nên bứt dây động rừng.”
Từ Khoái cho là lời ấy có lý, bèn lui ra ngoài, trước khi đi không quên gửi cho Mật La một gói bột màu vàng, bảo rằng pha với nước ấm rồi uống sẽ kiềm chế quỷ hóa. Lúc Từ Khoái quay ra thành, đâu biết rằng bên trong, Tỳ Giả cùng Giản Độ sau khi gặp Ca Lâu Vương xong, bèn đến hậu thất của Hoàng hậu, bắt giam bà ta.
Không gian sau đó như một cuốn phim được chiếu với nhịp độ rất nhanh, chỉ thấy sự vật hiện lên rồi thay đổi không ngừng. Từ Khoái hàng ngày vùi mình bên những cuộn da, ghi chép công đức của Ca Lâu Vương, việc làm này tỏ ra rất hữu hiệu, số lính gác tư dinh của Từ Khoái, thực chất là bọn lính canh là tai mắt của Tỳ Giả và Giản Độ, thưa dần. Viết nên những điều hư cấu về Ca Lâu Vương, Từ Khoái xấu hổ vô cùng. Anh Hùng “xem” đến đây, bèn quay sang nói với bọn tôi: “Thì ra tất cả những chuyện này đều là âm mưu của hắn…”, tôi ngơ ngác, thật ra thì ai cũng ngơ ngác cả, anh Hùng có lẽ như định thì thầm ai ngờ nói lớn quá nên cả bọn nghe hết. Thấy bọn tôi mất tập trung, anh chỉ vào “màn hình”, bảo cứ xem tiếp đi, sắp đến đoạn giải mật.
Làn khói mờ ảo hiện lên ngoại ô Ca Lâu Thành một đêm mưa âm u, sấm giật đầy trời, tư dinh của Từ Khoái chợt vang lên tiếng động cửa đóng lại, một nhóm người mặc áo choàng tiến vào, Từ Khoái đã đứng đợi sẵn, khi tất cả vào rồi thì chàng ta mới nhẹ nhàng khép cửa lại. Dưới ánh đèn hiu hắt, tựa hồ tất cả chỉ là những cái xác vô hồn, họ bàn bạc gì đó rất gãy gọn. Từ Khoái đứng quay lưng lại, tay chắp sau lưng, nghiêm nghị nói: “Tử hạn của công chúa đã đến, điểm yếu của Ca Lâu Thành xuất hiện, Khoái tôi hy vọng các vị thực hiện theo những gì đã bàn bạc.”
Một bóng đen trong nhóm người kia lên tiếng: “Được Từ Đại phu giúp đỡ, ơn này tôi và chúa công không bao giờ quên.”
Từ Khoái ra dấu cho họ lui ra, nhóm người đó vừa đánh ngựa đi khuất đã nghe chúng thì thầm âm mưu trừ khử Từ Khoái khi mọi chuyện xong xuôi. Tôi cảm thấy quan trường sao mà rối ren, thật giả lẫn lộn, với lại nhóm người đó là ai, xuất hiện ở đó làm gì, thế là thắc mắc nối tiếp thắc mắc, ngay cả từ đầu cuộc hành trình này, vốn dĩ Ca Lâu Thành đã là một thắc mắc khổng lồ. Câu trả lời làm tôi đợi không lâu, khi làn khói dâng lên rồi tan đi, chúng tôi bất giác hốt hoảng bởi một âm thanh kinh hoàng của chiến trận. Quang cảnh bi hùng còn hoành tráng hơn cả những bộ phim tôi coi, cảm giác máu nóng và mùi hôi dâng tràn trong không khí. Từ trên cao, những rặng núi đồi xung quanh Ca Lâu Thành, hàng trăm ngàn người đang lao vào chém giết nhau, Tú Linh kêu lên khi nhìn cờ hiệu: “Là quân của Tỳ Khâu Sa Thác, em trai của Ca Lâu Vương!”
Tôi ngỡ ngàng: nói vậy thì nhóm người kia lẽ nào của Sa Thác, vậy thì Từ Khoái giúp cho quân của Sa Thác âm mưu lật đổ Ca Lâu Vương, chỉ để gã ta cứu người tình thôi sao? Sử chỉ chép lại mười bảy năm trước, Đạt Bà dấy quân lật đổ Chất Đà cùng Sa Thác, Sa Thác chạy loạn về Phù Nam, được vua Hỗn Bàn Huống (Vua Kaundinya III của Phù Nam) giúp đỡ với lời hứa của Sa Thác là Ca Lâu Thành sẽ quy thuận Phù Nam. Trên các cờ hiệu của liên quân bên cạnh Sa Thác, Tú Linh chỉ ra quân của Phù Nam, Tất Đà, Phổ Cáp, Phạn Sơn… đều là những thành bang lân cận, trải dài theo khu vực từ Hồng Ngự, Châu Đốc, Long Xuyên, Trà Vinh ngày nay, thấy Ca Lâu Thành sắp bị đánh gục bèn kéo đến định ăn hôi. Quân Ca Lâu Thành đông đảo và thiện chiến uy lực ngất trời, tuy nhiên binh lính của Sa Thác tựa như âm binh đao thương bất nhập, thân thể dù bị đâm chém thế nào cũng không chết được, đoàn quân âm binh ấy tiến lên như chẻ tre, những phòng tuyến Ca Lâu quân lập ra đều vô hiệu, trống trận vang lên liên hồi, khói lửa mù mịt cả một phương, Ca Lâu quân chống đỡ yếu ớt dần. Cứ đà này thì chỉ còn hai mươi dặm nữa là loạn quân của Sa Thác tiến vào thành chủ.
Lúc này, Ca Lâu Vương và bộ tướng đang họp bàn, tình thế hết sức căng thẳng, bỗng một bộ tướng vào báo cáo về đặc tính quỷ dị của quân địch. Ca Lâu Vương đập bàn quát: “Thằng khốn, dám dùng tà thuật đối đầu với Tỳ Khâu Đạt Bà này!” Dĩ nhiên ông ta biết tà thuật Sa Thác đang dùng là gì, tuy nhiên thắc mắc vẫn là ai đã giúp sức cho hắn? Lập tức, ông cử Tỳ Giả lãnh hữu quân, Thập Bát tư tế lãnh tả quân, Giản Độ cầm trung quân ra nghênh địch, lệnh giữ chân địch tại đồi Én cách thành chủ mười lăm dặm.
Tỳ Giả và Giản Độ nhận lệnh lập tức lên ngựa phóng như bay đến chiến trường. Lúc nãy tôi có nghe Từ Khoái xem thường đạo pháp hai người bọn họ, cứ nghĩ Tỳ Giả và Giản Độ cũng chỉ như hạng lôm côm, đánh đấm chẳng bao nhiêu rồi họ cũng cúp vòi chạy về mà thôi, nhưng không ngờ, hai người họ pháp lực tuyệt nhiên không phải loại xoàng, vung tay múa chân, thi triển nhiều loại phép thuật tà dị khó tả, đám âm binh bị đẩy lui nhanh chóng, quân Ca Lâu Thành phối hợp ngăn cản, làm chậm quân Sa Thác, lúc này bọn Tỳ Giả, Giản Độ cùng Thập bát Tư Tế thi triển thuật, chỉ một thoáng đã thấy quân địch rút chạy sau một hồi trống dài.
Tin thắng trận lập tức vang về thành chủ, Ca Lâu Vương còn chưa dứt câu cười thì lại nhận thêm hung tin: pháp bảo trấn thành phía Bắc bị vỡ. Như đã biết, Ca Lâu Vương đời thứ nhất xây dựng vương quốc trên một nền đất yếu có thể sụp lún bất cứ lúc nào, chỉ vì vùng này có vượng khí nên ông ta lập ra trận đồ trấn yểm, gồm hai mươi pháp bảo là các viên ngọc tự nhiên, trải qua trăm năm, đặc tính các pháp bảo này dĩ nhiên có suy giảm tuy nhiên chưa tới mức tự hủy, ắt hẳn có bàn tay người khác nhúng vào. Ca Lâu Vương tức điên người, cho rằng chỉ có Sa Thác biết chuyện, y đang định đi nước bài cuối cùng, hủy hoại hoàn toàn Ca Lâu Thành rồi xây dựng lại, nói vậy thì trong thành có nội gián, nhưng là ai mới được? Vừa mới nói đến đó, Ca Lâu Vương còn chưa biết sao thì đã nghe từ ngoài có tiếng nói vọng vào: “Tấn Quốc Phiêu Nam Hầu Từ Khoái xin được yết kiến Ca Lâu Vương.”
Ca Lâu Vương ngạc nhiên, không biết Từ Khoái có ý định gì nhưng vẫn cho y vào, tuy nhiên quốc vương do dự chưa biết Khoái định làm gì nên cho người vời y vào phòng riêng. Từ Khoái vừa vào liền nói một cách chắc chắn: “Tại hạ có cách để phục hồi nguyên khí Ca Lâu Thành!”
Ca Lâu Vương hết sức ngạc nhiên, liền hỏi Từ Khoái xem cách đó ra sao. Y từ tốn trả lời: “Dùng người thay pháp bảo!”
Đạt Bà không giấu nổi sự khó hiểu trong mắt, bản thân ông ta cũng có một bụng pháp thuật, nghiên cứu nhiều, tuyệt nhiên chưa nghe đến chuyện dùng người thay pháp bảo trấn địa. Từ Khoái giải thích: “Tại nước của tôi, chuyện này không hiếm. Về cơ bản, những bảo vật trấn Ca Lâu Thành lúc bấy giờ chỉ là tạm bợ, ngọc thì chỉ mang một đặc tính duy nhất, hoặc Thái Dương hoặc Thái m, từ lúc chúng hình thành đến khi tan biến cũng không tài nào thay đổi được, hoạ chăng chỉ có loại ngọc của loài rết thì còn may ra, nhưng tìm được nó còn khó hơn lên trời. Lại nói về xác người, là Thi, thì ngược lại. Con người còn sống là dương, chết đi là âm, cơ bản mang hai Thái trong bát quái, muốn thay đổi qua lại không phải là việc khó. Khó ở chỗ…”
Ca Lâu Vương nghe đến đó liền đổi tư thế ngồi, như nghiệm ra một chuyện tày trời vậy, mắt ông hơi trợn, ông phán: “Từ Đại phu cứ nói, tình hình đã đến nước này không cần phải giấu diếm!”
Từ Khoái chắp tay, cúi người rồi đưa ra thỉnh cầu: “Khó ở chỗ tìm ra những Thi phù hợp cho việc trấn thành, điều này chỉ còn trông cậy vào Quốc Vương, hai vị công chúa Tỳ Sa và mười tám vị tư tế!”
Lúc này, tự dưng tôi nghe một tiếng nấc, là Tú Linh. Nhìn sang anh Hùng cũng thấy anh trợn mắt, hiếm khi anh có phản ứng như vậy. Chẳng lẽ lời thỉnh cầu của Từ Khoái ẩn chứa sự kiện ghê gớm gì lắm sao? Tôi hỏi, chỉ nghe anh Hùng đặt ngón trỏ lên môi, bảo tôi im lặng mà theo dõi.
Ca Lâu Vương gào lên: “Ngươi muốn...muốn lấy mạng trẫm? Khi quân!”
Từ Khoái thấy vậy liền quỳ sát đất, hai tay bái lạy liên hồi, van xin Ca Lâu Vương cho mình được nói hết. Hình như Quốc Vương cũng nhận thấy mình vừa phản ứng hơi quá, cộng thêm những đóng góp bao lâu nay của Từ Khoái trong việc soạn ra những mảnh da với mục đích tôn vinh ông nên ông bèn ngồi xuống, khoát tay ra hiệu Từ Khoái nói tiếp. Gã bảo: “Xin Quốc Vương lượng thứ, tôi vì nói gấp nên gây ra hiểu lầm. Theo tôi được biết, việc công chúa bị giết mấy năm trước là do một người nào đó mách bảo cho bệ hạ…?”
Ca Lâu Vương trợn mắt, hai ngón tay vò lên trán, thấy vậy Từ Khoái liền nói tiếp: “Phải chăng đó là phương thuốc trường sinh bất lão mà người này đã hứa sẽ mách cho bệ ha? Nếu vậy thì, Khoái tôi xin lấy mạng mình ra đảm bảo, phương thuốc đó hoàn toàn vô tác dụng, chỉ là người kia đạo hạnh chưa đủ cao thâm, nhận thức chưa đủ tường tận, suy nghĩ còn quá ngây thơ mà thôi!”
Quốc Vương vẫn chưa hết bất ngờ, lẫn trong đó còn có cả sự hoài nghi, “người kia” mà Từ Khoái đang nhắc đến chính là Giản Độ chứ còn ai khác nữa, lúc nãy, trong những ký ức của làn khói, tôi thấy lão ta nhắc đến phương thuốc trường sinh bất tử với Ca Lâu Vương mà. Còn một chi tiết ghê rợn nữa, tôi muốn nói với anh Hùng nhưng tiếc rằng những hình ảnh đang chiếu ra trước mắt không phải là một đoạn video nào đó, không thể dừng hình được. Ca Lâu Vương đổi tư thế ngồi, hai tay ông đặt lên đầu gối, lưng khom xuống nhìn thẳng vào Từ Khoái: “Nhà ngươi đã tìm hiểu được gì rồi?”
Từ Khoái tâu: “Dạ bẩm, vừa đủ.” Chỉ nghe tiếng Ca Lâu Vương thở dài, mắt ông nhắm nghiền, đầu ông lắc liên hồi, tựa như một người đang hoài niệm về quá khứ, chợt, như nhận ra được gì đó, ông chống hai tay lên thành ghế, đứng bật dậy, đi về phía Từ Khoái rồi nắm vạt áo gã, nhất bổng gã lên, đôi tay lực lưỡng tựa như chẳng cần dùng chút sức lực. Quốc Vương nghiến răng rồi nói: “Nhà ngươi nói phương thuốc đó không có tác dụng là ý gì? Chẳng lẽ ta… ta… giết chết con gái mình chẳng vì lý do gì cả? Ngươi… ngươi chưa nói gì với công chúa đó chứ?”
Từ Khoái bảo: “Muôn tâu, hạ thần chưa tiết lộ gì cả.”
Tôi nghĩ bụng: đồ dốc láo, lúc nãy mới thấy ông rủ công chúa đánh bài chuồn, ông khui hết mẹ nó rồi, chưa tiết lộ cái đầu nhà ông, mả mẹ thằng khọm này đúng là xảo quyệt không ai bì kịp. Tôi nhìn sang ba người bọn họ, người thì nhăn mặt, người thì khịt mũi, đúng là họ cũng có nghĩ như tôi. Chợt suy tư của tôi bị câu nói của Ca Lâu Vương làm đứt quãng: “Ta giết con gái mình… chẳng vì lý do gì cả…” Nói xong ông đứng đực ra, ông buông Từ Khoái xuống rồi gầm lên một tiếng, ông ra ngoài, bảo quân lính lập tức cho gọi Tỳ Giả và Giản Độ ngay lập tức. Không lâu sau, hai người bọn họ máu me đầy mình, có lẽ như vừa lâm trận, chưa kịp chỉnh chu đã phải gấp rút chạy về yết kiến Quốc Vương, ánh mắt lộ chút ngạc nhiên khi thấy sự hiện diện của Từ Khoái, gã ta đang đứng bên trái ghế ngồi của Quốc Vương. Về phần Ca Lâu Vương, ông vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, ông hỏi tình hình chiến trường, binh lính, lương thực, được một hồi ông mới nói sang chuyện chính nhưng vẫn làm ra vẻ hỏi han bình thường: “Giản Độ, Tỳ Giả này, phương thuốc trường sinh bất tử của trẫm đã đến đâu rồi?”
Hai người họ nhìn nhau, Giản Độ thưa: “Muôn tâu bệ hạ, phương thuốc trường sinh của người đã vào những giai đoạn chuẩn bị cuối cùng, quá trình chuyển biến của công chúa đã sắp hoàn thành. Chuyện này…” Lão Giản Độ ngập ngừng rồi nhìn vào chỗ Từ Khoái đang đứng, ý muốn hỏi liệu có nên tiếp tục khi có người ngoài ở đây.
Ca Lâu Vương phán: “Ngươi cứ nói.”
“Có thể đây chính là lý do Tỳ Khâu Sa Thác dẫn quân đến vây Ca Lâu Thành, hắn đã đánh hơi được phương thuốc trường sinh bất tử!”
Ca Lâu Vương tỏ ra dửng dưng với suy nghĩ đó, ông nói: “Hai ngươi chắc cũng biết đến Từ Đại phu đây.” Họ gật đầu chào, ông tiếp: “Từ Đại phu là một người học cao hiểu rộng, cũng có công rất lớn đối với Ca Lâu Thành, giúp quảng bá nó đến đại chúng, thiết nghĩ những chuyện sắp tới đưa ông ấy ghi chép lại là hợp lý nhất. Các khanh hãy trình bày lại một lần nữa để Từ Đại phu có cơ sở mà biên soạn.”
Tỳ Giả nghe Quốc Vương nói vậy bèn mạnh dạn nói: “Khải bẩm bệ hạ, căn nguyên của thuật trường sinh, chính là làm cho âm dương trong nội tâm luôn được cân bằng. Con người sở dĩ vướng vào sinh lão bệnh tử vì nguyên khí trong nội tâm bị suy giảm qua năm tháng, phần âm lấn át phần dương, khiến cơ thể già úa mục rữa nội tạng mà chết, còn những kẻ càn dương nhập tâm, hỏa khí xung nộ bộc phát cũng không tránh khỏi cảnh vỡ mạch mà chết. Vi thần phát hiện ra, điện hạ có nguồn chí dương từ Thần Điểu phò trợ, trong khi Ca Lâu Thành lại là cực chí âm của thiên nhai, ngày ngày điện hạ ra vào thần điện, hai khí âm dương cơ bản luôn xung khắc nhưng lại điều hòa nhau, điều này cốt yếu nằm ở mạch đất của Ca Lâu Thành, nếu thành sụp đổ, mạch âm biến mất, ngài sẽ bị càn dương nhập tâm, nộ hỏa thiêu đốt cơ thể. Từ đó, vi thần dùng Nhân Quỷ, một mặt phò tá bệ hạ, mặt khác nó sẽ hút bớt cả nguồn âm và nguồn dương nếu lỡ một trong hai tăng đột biến. Nhị vị công chúa chính là thứ cân bằng khí lưu, tuy nhiên tử hạn của công chúa sắp đến, khí lưu sẽ bộc phát, lúc này chúng ta cần thi triển bước cuối cùng của Nhân Quỷ, làm cho công chúa quỷ hóa hoàn toàn, dùng quỷ khí phong ấn tại trung cung của thành chủ, vừa điều tiết âm dương, vừa bổ sung nguyên khí cho bệ hạ không bị hư hao, tuyệt đối không thể sai lầm, vi thần xin đem đầu ra đảm bảo!”
Từ Khoái nghe đến đó thì đứng dậy vỗ tay, cất tiếng cười lớn khiến Tỳ Giả dù đang tự tin dương dương tự đắc cũng phải cảm thấy chùng xuống. Khoái nói: “Khá khen cho Tỳ Giả sư phụ, nghĩ được cách đó, tuy nhiên Khoái tôi vì tương lai Ca Lâu Thành phải có lời chê cho đạo hạnh của hai vị đây” - Từ Khoái nói dứt câu thì chỉ tay về phía Tỳ Giả và Giản Độ, khiến hai người này lập tức muốn nổi điên vì bị xem thường. Thấy họ có vẻ chưa phục, Từ Khoái bèn tiếp lời: “Khoái tôi tuy học không nhiều, nhưng cũng dám xin chỉ ra điểm sai lầm tử nạn của nhị vị. Dịch lý có câu “vật cùng tắc biến, vật cực tất phản”, phàm thứ gì trong tự nhiên, nếu phát triển đến mức thái quá thì đều thay đổi tính chất. Ca Lâu Thành, xét ra tự như một huyệt âm vị khổng lồ, tuy nhiên, căn nguyên của nó lại do dương trưởng thái quá nên dương mang âm tính. Chuyện Quốc vương đây được Thần Điểu Ca Lâu La phò trợ, Khoái tôi đã sớm biết…” - nói đến đấy, Từ Khoái im lặng để thăm dò thái độ của Ca Lâu Vương, thấy ông vẫn chống tay theo dõi, ánh mắt dò xét vô cùng, nếu là người khác thì hẳn phải khó chịu đến run tay cuống chân, đứng còn không vững huống hồ gì thuyết giản, nhưng Từ Khoái chứng tỏ được bản lĩnh, dõng dạc tiếp lời: “Ca Lâu La là chim thần, bay trên chín tầng trời, đập cánh một cái có thể đi vạn dặm, lấy trời làm nơi sống, trong Dịch lý, trời là quẻ Càn, nếu kỳ thực Ca Lâu La có dương tính thì sao lại sống ở nơi càn dương như vậy? Truyền thuyết nói rằng, Ca Lâu La ăn rắn thần mà sống, rắn thì âm tính, chỉ nghe ăn vật cùng loại, chưa nghe ăn vật ngược tính, vậy khác nào tự đầu độc mà chết? Phán đoán sai đặc tính của sự vật là cái sai thứ nhất của hai vị. Pháp bảo trấn thành trước giờ, kỳ thực là để giữ dương khí lại mà thôi! Phàm vật nhiều dương thì khô héo, nhiều âm thì mục rữa, Ca Lâu Thành xây dựng trên một hang động khổng lồ, có thể nói là lớp giấy mỏng trên chảo âm mạch, nếu để âm khí dâng cao, âm chồng lên âm, hai bên tương hợp thì đó mới chính là ngày tàn của Thành chủ, vì âm chồng lên âm thì sụp đổ, dương với âm thì trái tính, dương bốc lên cao, âm tụ dưới thấp, vì chỗ ly tán đó mà Thành chủ còn vững được đến ngày nay, vậy mà hai vị đây còn định dùng Nhân Quỷ để hút bớt dương khí, nhỡ đâu dương khí không đủ lớn để gánh vác, Thành chủ sụp đổ, hai cái đầu của các vị có đủ để cứu mọi người không, đó là cái sai thứ hai. Luyện Nhân Quỷ cần dùng một âm một dương, nhị vị công chúa đều sinh vào ngày giờ âm khí dâng cao, thân nữ nhi cộng thêm, chẳng phải khi quỷ hóa sẽ thành một nhục thể chí âm, vậy mà hai vị còn dám giảo biện là cân bằng âm dương, đó là cái sai thứ ba. Hay là hai vị có mưu đồ riêng khi mưu hại cả công chúa và hoàng hậu?”
Quả thật Từ Khoái là một tay chính khách lão làng, nắm bắt tâm lý Ca Lâu Vương chuẩn xác khi biết được ông ta rất thương hai người con gái, chỉ một câu chốt như vậy đủ để tâm lý Tỳ Khâu Đạt Bà dao động. Lúc này, Tỳ Giả và Giản Độ giận đến tím người, chẳng còn cách gì biện giải, bỗng nhiên có kẻ mang vào một tên thích khách, nhìn như người của Sa Thác. Tên này vừa bị giải vào thì liên tục mắng chửi Tỳ Giả và Giản Độ bội ước, bán đứng chúa công của hắn ta, ra tay ngăn chặn đoàn quân âm binh của Sa Thác. Ca Lâu Vương nghe đến đó thì nộ khí xung thiên, lao đến dùng một chưởng đánh chết tên này, chỉ tay vào Tỳ Giả và Giản Độ, nghiến răng, nói: “Khá khen cho hai tên súc sinh, dám lừa gạt cả ta! Để ta cho chúng bây được toại nguyện!”
Ca Lâu Vương lệnh cho quan binh trói gô cả hai, cùng với Thập Bát Tư tế tống giam vào ngục, mặc kệ bọn họ cứ luôn mồm kêu oan. Chúng tướng thấy Ca Lâu Vương một lúc đòi tống giam tất cả Tư tế, lo sợ không có người cầm chân được quân của Sa Thác, bèn đồng loạt quỳ xin tha tội cho hai người họ. Không để Ca Lâu Vương phải suy nghĩ cách ứng phó, Từ Khoái dõng dạc nói: “Chuyện này không cần Quốc vương và chúng tướng lo nghĩ, Khoái tôi đã có tiên liệu, quý vị hãy chờ xem…”
Quả nhiên, Từ Khoái vừa dứt lời, từ bên ngoài đã nghe thấy tiếng quan binh cấp báo, quân của Sa Thác đột nhiên rút lui, liên quân cũng vì thế tan rã, chỉ trong buổi chiều đã rút chạy hơn năm mươi dặm. Tất thảy mọi người đều kinh ngạc, Tỳ Khâu Đạt Bà không giấu nổi bất ngờ, bèn hỏi Từ Khoái căn nguyên do đâu, chàng ta lấy ra một hình nhân có ghi họ tên và bát tự của Sa Thác, trên đó có kèm một sợi tóc, cổ hình nhân thì bị đứt lìa, bên trong lớp vải chảy ra dung dịch gì đó màu đỏ thẫm như máu, hết sức kinh dị. Gã ung dung đáp: “Khoái tôi dùng bí thuật của đạo sĩ Tấn quốc, hành thích được Sa Thác, quân Sa Thác như rắn mất đầu, buộc phải lui binh.”
Anh Hùng theo dõi nãy giờ, đến bây giờ mới buộc miệng, tặc lưỡi, nói: “Chuyện đâu đơn giản vậy…”
Lúc này không chỉ quốc vương, mà tất thảy bộ tướng bên dưới đều bội phục tài năng đạo pháp của Từ Khoái, riêng Ca Lâu Vương thì cảm thấy nhẹ nhõm và an tâm hẳn. Lập tức, ông lệnh cho quân sĩ không được lơ là mất cảnh giác, tiếp tục giữ vững phòng ngự, tăng cường giới bị, đêm nay có thể quân của Sa Thác đánh úp, tất cả nghe theo lệnh, lập tức thi hành.
Quân lính đi rồi, Từ Khoái mới tiến đến kế bên Ca Lâu Vương mà tâu rằng: “Thưa ngài, như thần vừa tâu lúc nãy, Ca Lâu Thành có thể được cứu, tính mạng của bệ hạ cũng được bảo toàn, người sẽ hút tinh hoa của hai mươi bảo vật trấn thành làm những cái Thi mà trường thọ muôn đời, mười tám vị tư tế và hai công chúa điện hạ là vừa đủ!”
Vua trầm ngâm nói: “Mật La và Mật Lan trước sau gì cũng phải thành pháp bảo mới được hay sao?”
Từ Khoái đáp: “Đúng vậy, vi thần nghĩ nát óc cũng chẳng tìm ra cách khác, vả lại… vả lại hai vị công chúa dù gì cũng đã một phần quỷ hóa, chi bằng tạm thời dùng ngọc quý trấn yểm, biến họ thành pháp bảo, đợi vi thần thu thập đủ nguyên tố sẽ tìm cách hồi sinh trở lại, chuyện này tuyệt đối sẽ thành công, ngài chớ nên lo lắng.”
Ca Lâu Vương tiến ra ban công, lại chắp tay ra sau, nói bằng giọng tuyệt vọng: “Vậy thì ngươi cứ làm, bước tiếp theo là gì?”
Từ Khoái nhìn trước sau, đoạn mới tiến đến gần, hỏi: “Để lần thay pháp bảo này được thành công, Khoái tôi cần biết thêm nữa về chim thần…”
Ca Lâu Vương đến giờ phút này thiết nghĩ chẳng còn cần thiết phải giữ bí mật làm gì nữa, liền kể lại: “Mọi chuyện bắt đầu từ mười bảy năm trước, tiên đế vì trách ta không có con trai, cộng thêm Sa Thác dùng thủ đoạn hèn hạ vu khống ta định giết hại tiên đế, ông nổi trận lôi đình, ra lệnh bắt ta về xử trảm. Lúc này ta đang cầm cự với quân Phù Nam ở Ba Sát, may có thân tín mật báo, ta đành phải lẩn trốn. Vợ con đều bị tống giam, ta lang thang hết ngày này qua tháng khác khỏi sự truy sát của phụ vương. Một ngày nọ, ta đến cửa biển, nơi này có những cánh rừng ngút ngàn, thân cây cao hơn trăm trượng, hết sức hùng vĩ. Trong cơn đói khát, ta gục ngã ngay bìa rừng, phía sau đã nghe thấy tiếng hò reo của quân lính truy đuổi, lòng ta lúc ấy cho rằng số mình đã tận, muốn chạy cũng không còn sức. Tuyệt vọng, ta cầu khẩn thần Ca Lâu La hãy cho ta sức mạnh, rồi ta thiếp đi. Trong cơn mê, ta nghe giọng một ông lão thì thầm bên tai: ta cứu nhà người một mạng, đổi lại ngươi phải cho ta linh hồn.”
Kể đến đó, đột nhiên Ca Lâu Vương ngưng lại, trút ra những tràng thở dài não nùng, Từ Khoái thắc mắc: “Và ngài đồng ý đánh đổi?”
Ca Lâu Vương gật đầu. Ông im lặng một lúc rồi nói tiếp: “Ta đã chấp nhận đánh đổi linh hồn để có sức mạnh quay về lật đổ em trai ta, phụ vương vì tức giận nên đã qua đời trước đó vì bạo bệnh, ta chỉ căm hận là ngày đó đã để tên khốn Sa Thác chạy mất.”
Từ Khoái tò mò, hỏi: “Nếu vậy chẳng phải sự đánh đổi đó có hiệu quả tốt cho ngài hay sao? Hà cớ gì trông ngài vẫn tiếc nuối như vậy?”
Ca Lâu Vương quay mặt sang nhìn Từ Khoái đầy giận dữ, khiến gã ta suýt thất kinh mà kêu lên một tiếng, không phải vì sợ Ca Lâu Vương đang nổi trận lôi đình, mà là khuôn mặt của Ca Lâu Vương biến đổi, đôi mắt tròn vạnh, khuôn mặt mọc đầy lông vũ, răng nanh dài nhọn hoắt, cái mũi khoằm xuống tựa như mỏ chim ưng Anh Hùng trợn mắt, nói với giọng pha chút thất kinh, anh bảo truyền thuyết nói về Ca Lâu La là loài chim thần đầu người mình chim, không biết rằng loài quái điểu ấy thực sự tồn tại cho đến lúc này, hoặc chăng đó là do một loại ma thuật nào mà anh chưa được biết?
Ca Lâu Vương quát: “Ta căm hận cái quyết định đó, nó biến ta thành một con quỷ, vợ con ta từ chối ta, còn gì đau khổ bằng… Lần đó, giọng nói trong mơ kia ban cho ta sức mạnh với điều kiện linh hồn ta thuộc về lão, lão chỉ đợi ngày trùng sinh mà thôi, đã lâu lắm rồi ta ăn không còn thấy ngon, uống không còn đã khát, nhìn không còn thấy màu, thở không còn ấm, cảm giác đó khốn nạn lắm ngươi có biết không?”
Mặc dù đạo hạnh cao thâm, nhưng có vẻ Từ Khoái vẫn tỏ ra lép vế trước áp lực Ca Lâu Vương tỏa ra. Tôi thắc mắc: “Nói vậy Ca Lâu La là có thật hả mọi người?”
Tú Linh nói: “Cũng có thể đó chỉ là một loài đại bàng to lớn thời cổ đại mà thôi, người xưa hay thần thánh hóa mọi thứ mà… Mà cũng có thể Ca Lâu Vương luyện một loại tà thuật nào đó, dẫn đến chuyện bản thân ông ta bị quỷ hóa một phần cho nên có khuôn mặt gớm ghiếc đó!”
Anh Hùng cắt ngang: “Không phải tà thuật đó, điều này anh không muốn tin đâu, chẳng lẽ lão Ca Lâu Vương đó có đồ khủng?!”
Tôi quay sang hỏi: “Pháp thuật? Ấn Chú hay gì vậy anh?”
Chỉ thấy anh Hùng nói đầy vẻ ái ngại: “Nếu kêu chắc thì anh không dám, nhưng mười phần thì tám chín phần chính là nó rồi. Nói Ấn Chú hay pháp thuật gì cũng không phải, đúng ra thì nó là một lời nguyền rủa, nhưng phương thức hình thành và vận hành rất giống với Phù của lục lâm. Thôi thì cứ gọi là Phù Ca Lâu La cho dễ hiểu!”
-
Ảnh minh họa
Nguồn: chế Google