Tôi liếc mắt nhìn Hùng, gã vẫn giữ ánh mắt đầy tâm sự nhưng địêu bộ thì pha lẫn giữa giấu diếm và cười cợt. 

"Rồi mày leo núi tiếp hả?", ông anh tôi hỏi.

"Dĩ nhiên rồi anh, phải lên đó chứ, trên đó êm lắm, mà lần này em leo núi khác, không leo núi Cấm nữa." 

"Núi gì vậy mày?"

"Em cũng không biết tến nó nữa, nhưng có cái này em quan tâm hơn cái tên nó nè..."

Tôi dừng xe dưới chân núi là đã 5h45 chiều. Trời tháng 8 nên tối chậm hơn, nhờ vậy mà còn thấy đường leo lên. Lý do tôi chọn leo ngọn núi này là vì nó ít nổi tiếng, kiểu như không có mấy bạn phượt thủ chuyên nghiệp với nón full đầu, áo dạ quang, giày hịêu, đến và xả rác rồi đi. Nó trong lành, cảm nhận của tôi thì đúng là vậy thật. Điều này tôi được một người chị kể cho nghe. Chị ấy đi núi này một cách vô tình khoảng ba tháng trước, kiểu như bả đến nhầm chỗ nhưng vẫn leo lên, rốt cuộc thấy đẹp quá nên về khoe. Tuy nhiên điều hấp dẫn tôi nhất từ những tấm hình chị tôi khoe cho tôi đó là từ đỉnh núi nhìn xuống, cách ko xa lắm có một ngọn đồi nhỏ kiểu như đã bị khai thác đá, lộ ra vách đá hình vòng cung khá đẹp mắt. Hình ảnh vách đá hình vòng cung đều đặn nằm giữa cánh rừng đã kích thích tôi khá nhiều cho nên tôi đi chuyến này là để tận mục sở thị. Gửi xe dưới núi, tôi nhanh chóng tiến hành leo lên, không quên hành trang là ít thịt bò để nướng và bếp than vốn được chuẩn bị từ trước chuyến đi, và.. rượu. 

Lúc này đã 18h. Mây trên cao đã chuyển sang ửng hồng và ráng chiều đã làm không khí trở nên buồn man mác. Núi này không cao, ước chừng hơn 200m, tuy nhiên đường đi lại có độ dốc cao và chiều cao bậc thang không đều nhau, khiến tôi leo khá vất vả. 

Độ dốc có những đoạn tôi ước chừng phài hơn 50 độ, nếu không có những thanh sắt lan can chắc tôi té cả chục lần rồi. Đường đi dốc, quanh co và lắm côn trùng. Trời lúc đó đã bắt đầu nhá nhem, gió thôi mạnh làm cây rừng kêu xào xạc. Tôi mới để ý là chỉ có mình tôi leo lên thôi, chẳng có ai khác cả. Cảm giác rất thoải mái, tự tại. Nếu là người khác, có khi họ lại tưởng tượng ra những ánh mắt trong lùm cây hay hốc đá đang dõi theo họ; tiếng thì thầm trong những khoảng không hay con gì đó đang bay qua lại. 

Trên đường đi, có nhiều miểu, lọai miểu nhỏ hay thấy thờ thổ thần, nằm rải rác. Có cái ngay đường đi, có cái tôi vô tình liếc ngang thì thấy nó nằm ở xa, cách đường lên vài chục mét, ẩn dưới một tảng đá to. Tuy nhiều miểu, nhưng cái nào cũng được thắp nhang, hoặc có ánh đèn cháy trong đó. Hầu như cái nào cũng có cả. Nó tạo cảm giác cho tôi thấy đây như là nơi tu hành của các đạo sĩ vậy. Leo chừng bốn mươi phút, tôi ngồi dựa lưng vào một cái miểu như vậy và nhìn lên trên thì thấy còn chút xíu nữa là tới rồi. Một cái đài cao có tựơng quan âm trên đấy. Hít mạnh vào không khí mát lạnh, tôi phấn khởi bước tiếp. Đường lên có một đoạn gấp khúc, do dốc cao, trời hơi tối và bậc thang không đều, tôi phải cúi đầu xuống. Vừa qua khúc ngoặc, đường thoải hơn, tôi ngẩng đầu lên để đi thì giật cả mình vì có một người đứng bên đường, cầm khẩu súng chỉa vào tôi.

Hết hồn. Thì ra đó là một bức tượng nữ du kích, cao chừng hai mét, mặc áo xanh, quấn khăn rằn, đội nón tai bèo. Đối diện với tượng là tôi, sau lưng tôi là lan can, sau lan can có một tảng đá to, dưới tản đá có một cái miểu. Miểu này to hơn những cái khác một chút. Ngộ là những cái miểu bên dưới đều hướng mặt xuống núi thì cái này lại hướng mặt lên trên núi, chính xác hơn là hướng về phía bức tượng. Nhờ ánh đèn trong miểu, tôi lại nhìn rõ hơn. Tượng kiểu này gặp đầy trong các khu du lịch ở miền tây. Tôi rất chán cách làm du lịch ở miền mình, làm cẩu thả, các bức tượng đắp lên cho có, nhìn không cân đối và thiếu thẩn mỹ tệ hại. Về cơ bản, tượng nữ du kích này cũng vậy. Khá xấu. Nhưng nó nhìn gần rất sống động, màu sơn trên tượng còn mới, các chi tiết như khăn hoặc nón nếu nhìn riêng thì cũng chấp nhận được, khá thực. Mặt tượng tô một lớp sơn hồng, các chi tiết mắt mũi miệng được vẽ bằng sơn đen, khá là chớt nếu không muốn nói là kinh dị. Bức tượng này, kiểu riêng này thôi, tôi nhớ là đã gặp ở đâu rồi. Quen lắm. Nhìn tượng này tôi liên tưởng đến tượng kia ngay, nhưng ngặt nỗi không nhớ được là gặp cái còn lại ở đâu cả. Với lại, tượng này cao quá, to, gì mà tới hai mét, dưới chân còn có một lư hương rất cũ, có ba cây nhang mới cháy được một nửa. 

Nhìn kỹ rồi, cũng tranh thủ để nghỉ mệt, vừa lấy hơi lại là toi đi lên luôn. Trời tối, ánh đèn trong miểu hắt ra ánh sáng vàng vọt chiếu lên mặt bức tượng, trông như nó đang quay đầu theo nhìn tôi vậy. Một ảo giác khá thú vị. Leo lên đến đỉnh, trời trên đó còn chút ánh sáng để tôi ngắm nhìn vùng núi non hùng vĩ. Ngay dưới chân núi là thị trấn Nhà Bàn, ban đêm lên đèn tựa như ngôi sao năm sánh sáng rực. Phía xa xa là dãy núi bên đất Cam, thấp thoáng ánh đèn trên triền núi. Ngăn cách giữa nước ta và nước bạn là một vùng mênh mông toàn nước là nước, là những cánh đồng đón lũ về. Nhìn về hướng đông là Châu Đốc, đèn đô thị như những ánh nến lung linh giữa đất trời. Đắm mình trong khung cảnh đó tôi quên đi hết cặp giò đang run lên bần bật do mỏi, quên luôn cái áo ướt đẫm mồ hôi.

Đứng hút thuốc một hơi, trời lên gió mạnh làm tôi thấy lạnh, bèn đi xuống ngôi nhà, mà theo chị tôi nói, có thể ngủ đêm ở đó. Đường dẫn đến ngôi nhà đó khá đẹp, với hai tảng đá to dựa vào nhau, để lộ ra một khe trống. Lách người qua khe đó là một cây cầu gỗ, sơn đỏ, tuy trời tối nhưng vẫn thấy nổi bật giữa khung cảnh núi rừng. Tôi nôn nóng đến sang mai để thấy được vẻ đẹp kiến trúc nơi này. Qua cây cầu, tôi đi xuống chừng chục bậc thang để dẫn đến gian nhà chính.

Gian ngủ của tôi nằm bên trái nhà, bên phải chếch lên chút xíu, là một gian thờ Phật. Cuối gian ngủ cũng là một bàn thờ Phật được thắp sang bởi ánh đèn led. Gian ngủ nền lát gạch men, có tám cái võng mắc trong đấy dành cho khách ngủ. Gian ngủ không có cửa, thoáng gió, chỉ có mái che bằng tole nhìn khá cũ, vì mỗi khi gió lên tôi lại nghe những tiếng kêu răng rắc. Nhìn chung chỗ ngủ cũng tươm tất và sạch sẽ. Tranh thủ tắm rửa, tôi dựng ngay cái bếp nướng dã chiến lên nướng thịt. Qua làn khói và hơi ấm, tôi và anh chủ nhà có cuộc nói chuyện với nhau. Anh ăn chay, độ ba mươi lăm tuổi, dáng người mảnh khảnh, nói chuyện rất thoải mái. Sau một số câu chào hỏi đơn thuần, tôi có hỏi về những cái miểu nằm rải rác khắp núi. Anh trả lời là không phải có cái miểu trước đâu. Ngày xưa nơi này còn nhiều đá hơn, những vị đạo sĩ đầu tiên lên đây tu hành họ cũng đã phát hiện những hốc đá hoặc chỗ thích hợp để toạ thiền. Qua quá trình sống ở đây, họ đi và để lại những lư hương, có chỗ lư hương tượng trưng cho chỗ họ từng ngồi, có chỗ người đời sau đặt lư hương vì thấy có cặp rắn thần, ông Hổ hay đi lại chẳng hạn. Càng về sau thì họ thấy linh thiêng, nên không để lư hương riêng nữa mà mới xây miểu, hình thành nên một quần thể những miếu nhỏ như bây giờ. Khách hành hương lên núi để trải nghiệm tâm linh, họ thường thắp nhang trên các miếu đó, lúc tôi leo lên tầm 6h thì lượt khách cuối cùng vừa về, có thể nhang đó do họ đốt. 

"Ủa sao em thấy có một chỗ có lư hương mà không có miểu vậy anh?", tôi hỏi về chỗ bức tượng.

"Chỗ nào em?"

"Chỗ cái tượng nữ du kích, đường quẹo lên chỗ này nè anh.", tôi chỉ tay ra lối lên ước chừng.

"Ý em là cái tượng hổ dưới chân núi hả?"

"Dạ không, cái tượng nữ du kích cầm súng, đặt ngay khúc quẹo cuối cùng để lên điện thờ Quan Âm đó anh."

Anh ra vẻ đăm chiêu. Rồi mặt anh cũng đỡ căng thẳng, giãn ra, và anh nở nụ cười:

"À, nhớ rồi, không sao đâu em."

Bỗng nhiên anh đứng dậy, bảo là để tôi tự nhiên nên đi vào trong tụng kinh, dặn tôi trên đây nhiều muỗi, nhớ đi ngủ sớm và tắt đèn, vì vấn đề an ninh trên núi không cho mở đèn khuya. “Không sao đâu em?”, ý anh nói thế là gì, tôi suy nghĩ mà không hiểu. 

Tôi ăn uống xong xuôi cũng chỉ mới hơn 9h. Đi dạo một vòng rồi quay về võng ngủ, phần vì mệt phần vì ngà say nên tôi nằm chỗ lạ nhưng cũng cảm thấy rất thoải mái. Tôi tắt đèn. Cả ngọn núi chìm vào màn đêm như nút. Gió nổi ầm ầm, cây quẹt vào mái tole ầm ĩ, ngoài khoảng sân trống thỉnh thoảng vang lên tiếng bịch bịch, tôi nghĩ là của bọn khỉ núi, nãy anh cũng bảo khỉ trên đây nhiều lắm.

Sáng hôm sau tôi thức khá sớm để đi ngắm mặt trời mọc. Cảnh thật hung vĩ với những dãy núi chạy dài, trời trong vắt, cao thật cao, xa xa thì mây như một bức tường thành bằng tuyết trắng tinh. Những cành cây đã thấy lũ khỉ chuyền qua lại. Khung cảnh đó với tôi thật thanh tịnh, như gột rửa tâm hồn mệt mỏi, hữu hiệu, hữu hiệu!

Quay vào thu dọn nhanh đồ đạc rồi khởi hành đến điểm tiếp theo cho kịp lộ trình, tôi đi ngang khoảnh sân gần chỗ tôi nằm ngủ tối qua, ngăn bởi tấm vách tole hoen gỉ. Chỗ đó nền lót đá thềm mỗi viên hình vuông nhìn rất đẹp, phía trên có ít bùn do cây cỏ mục và nước mưa tạo nên, nhờ có bùn nên tôi thấy được có vết gì đó như vết giày in trên đó, mà vết giày đó không giống đôi giày nào tôi từng tưởng tượng. Nhiều vết giống vậy lắm, chỉ xuất hiện xung quanh khu vực có bùn đó. Kiểu như tối qua có ai đứng ngoài này vậy!

Tôi xuống núi, nhanh chóng lên xe, vỗ về chiếc xe thân yêu và nhắm hướng Tịnh Biên, mục đích ra biên giới chơi. Chạy được một quãng, tôi cảm giác như mình vừa quên quên một cái gì đó. Thì ra là cũng như lần đi tìm vách núi lúc quay lên tôi không để ý ba ngôi nhà, lần này lúc leo xuống cũng không thấy bức tượng nữ du kích, như kiểu tôi bỏ quên một tảng đá sặc sỡ mà chỉ có mù mới không thấy vậy, bực lắm, hoặc như nó có chân chạy đi chỗ khác vậy, tượng có chân mà, tôi nghĩ rồi cười. 

Xe chạy về hướng Tịnh Biên được một quãng nữa, có chạy ngang một chùa Khmer khác, ngoài chùa có một cái tháp, trên một mặt của nó mà tôi thấy, có đắp một bức tượng Phật đang toạ thiền. Tôi nhớ rồi, tôi nhớ tôi gặp bức tượng còn lại ở đâu rồi. Ngày trước khi tôi đi thi đại học, tôi có xin ở “ké” một ngôi chùa Khmer. Chính điện nằm ở tầng hai với một cầu thang dẫn thẳng lên đó, tầng một được bố trí như chỗ đạu xe, khu ăn uống của các sư và ở đó cũng có một cái tượng một vị sư già đang toạ thiền. Tôi ấn tượng với bức tượng đó bởi vì nó được khoác áo cà sa, kiểu như bức tượng đó đứng dậy, mặc áo vào đầy đủ rồi mới toạ thiền. Tượng làm bằng xi măng, cũng tô khuôn mặt một lớp sơn hồng, ngũ quan vẽ màu đen, ánh đèn chiếu lên lớp xi măng bóng nhẵn như thoa dầu. 

Hai bức tượng tạo cho tôi cảm giác chúng giống nhau. Mãi sau này, lúc học đại học rồi, tôi có lui tới chùa đó một vài lần nữa thì mới nghe nói rằng bức tượng đó chính là vị trụ trì chùa trước đây, khi viên tịch thì thân thể không hoại, người sau cho rằng ông đã hoá Phật, nên đắp xi măng lên thành tượng. Tôi chỉ nghe vậy thôi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play