*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Nhớ lại cảm giác hòn đảo u ám lúc ban sáng kèm với sóng lưng rợn rợn làm tôi khô cả họng. Anh Hùng đảo mắt nhìn cả nhóm một lượt, kiểu như dò ý mọi người xem họ có muốn đi tìm nhà kho hay không, không thì anh đi một mình cũng được. Tú Linh thì quay lưng đi, tỏ ra bình thản; Sinh chỉ lo nốc rượu rồi chê không ngon bằng Gò Đen. Anh Hùng quay sang Quý, nói: “Anh có ghe chở tôi ra đó được không?”

Quý nhấp ngụm rượu, bảo: “Sao không lấy ghe chú Năm đi kìa?”

Anh Hùng nói: “Ghe ổng vướng cái vô lăng, nó có dám vào vùng trong đâu, giờ liều sấn vô cũng được, nhưng bọn Thối Nha mà cắn, hư tàu tội ổng!”

Quý cúi mặt, kiểu như anh đang suy nghĩ lung lắm, xong rồi anh ngẩng lên bảo: “Ghe nhỏ thì tôi có, nhưng các anh tự đi, tôi không đi chung, vì còn lo đám cho ông già, phần thì tuy tôi biết về lục lâm nhưng tánh tui ghét nó, hứa với lòng không dính dáng vô rồi.” Anh Hùng gật đầu, bảo chỉ cần vậy là được. Quý hỏi khi nào đi, Hùng bảo càng nhanh càng tốt, Quý hất hàm ra sau, ý nói dưới bến sau nhà có cái ghe dưới đó, tự đi. Ba người Hùng, Tú Linh và Sinh nhất loạt đứng dậy đi thẳng ra sau, Tú Linh quay lại mắng: “Thằng này lề mề, đi nhanh, chế tán cho bây giờ!”



Chiếc ghe loại câu mực nhỏ, nhưng còn mới và chắc chắn, anh Hùng nhìn mà tấm tắc mãi: “Đồ của hàng thịt làm có khác.” Tôi hỏi có gì khác biệt, anh Hùng bảo nhìn kỹ từng tấm ván, tôi cúi xuống xem thật kỹ thì chúng chi chít những ký tự, có thể là kinh văn (đi với họ ít nhiều tôi cũng có chút kiến thức). Tú Linh nói thêm: “Ghe này không dùng đinh tán hay bù-lon gì đâu, toàn dùng Lỗ Ban Tỏa ghép gỗ lại thôi, tuy dùng thủ công nhưng thách Nhóc dùng lực tách nó ra được, có cái này rồi thì đi qua vùng nước của mấy con Thối Hồn Nha cái một.” 

Nghe Thối Hồn Nha thì tôi lại run lên, những con vật huyền thoại hồi sáng chỉ nghe tiếng rít gió với đập nước cũng đủ làm tôi ghê ghê, nhưng không biết hình thù nó ra sao, Tú Linh nói vậy không biết cô ta trị được bọn chúng hay không, dù sao thì thú thật tôi cũng hơi nghi ngờ khả năng đập miễu của Tú Linh, cô ta là Tẩu Lộ mà. Bốn chúng tôi ngồi gọn trên chiếc ghe, Sinh phụ trách chạy, máy dầu thường giống loại ông Năm nên Sinh chạy ngon ơ. Chúng tôi đi thẳng một mạch về hướng Hòn Tre hay còn gọi là Đảo Bia Mộ. Cùng là đi trên biển bằng ghe như lúc sáng, nhưng hiện giờ tôi không tài nào cảm thấy hào hứng như ban sáng nổi, mặc dù biết tôi đang chung thuyền với những con quái vật giới lục lâm cộng với cả cái phù trên vai, nhưng những thứ chưa biết luôn làm chúng ta lo sợ, giống như ban sáng hình ảnh một hòn đảo đầy bia mộ nhìn thẳng ra biển, sương mù cùng những quái vật trên đó, trên hết là lời dặn của anh Hùng: tại sao tôi đừng chơi dại “bật” Hổ Phù lên? 



Hòn Tre hiện ra trước mắt, sương mù lúc sáng đã tan bớt, chỉ có một hòn đảo nhìn bình thường hết sức nếu không tính tới cả ngàn cái bia quay thẳng ra biển. Vẫn còn gần cả cây số mới đến vùng lãnh địa của bọn Thối Hồn Nha, tôi thấy anh Hùng đang ngồi ở mũi, có vẻ suy tư, tôi hỏi: “Sao vậy anh, khó nghĩ gì hả?”

Anh vẫn nhìn xa xăm, bảo: “Anh thấy có chuyện gì đó cấn cấn, kiểu như... vụ này không đúng. Những thứ lẽ ra phải theo chính xác những gì anh tính nhưng lòng vòng một hồi lại vào ngõ cụt.” 

Tôi hỏi chỗ nào không đúng thì anh chỉ lắc đầu, bảo là tôi chưa hiểu được, nói ra chỉ tổ làm tôi lo thêm thôi. Bỗng anh quay sang Tú Linh, nói: “Hàng rong đi biển em có đem đúng không?”, Tú Linh nói có, hồi sáng do mình tránh nên không vào, giờ muốn vào để cô ra tay cho. Sinh vừa lái tàu, nghe vậy bỗng cười kiểu châm chọc: “Làm được hông à nghe chị đẹp, hông thôi em cứu hổng nổi à nha.” Chỉ thấy Tú Linh khịt mũi, cười mỉa mai. 

Bỗng đâu sương mù lại nổi lên, đặc hơn cả hồi sáng, tôi hỏi anh Hùng lý do sao lại vậy, anh ấy bảo: “Sương mù này không phải sương mù tự nhiên, đồ trấn yểm hết đó, nếu là dân không phải lục lâm đi vào thì sẽ không sao, nếu là dân lục lâm thì âm khí dương khí trên mình hỗn độn, tự động kích hoạt địa thế được yểm sẵn. Bọn Thối Hồn Nha cũng vì thế mới thức giấc, mày sẵn sàng chưa?”, tôi gật đầu đầy mạnh dạn, anh Hùng kêu Tú Linh bước lên. Xung quanh tôi bắt đầu vang lên những tiếng đập nước và rít gió như ban sáng, tôi thầm nhủ sắp chạm trán rồi, để xem bọn nó tài phép cỡ nào! 

Anh Hùng quay sang bảo tôi bám vào thuyền cho chắc, thuyền nhỏ, lát nữa rung lắc mạnh không khéo tôi lại văng xuống biển. Đầu mũi, Tú Linh đứng chống nạnh nghĩ ngợi gì đó rồi nhìn xung quanh, lấy trong cái túi nhỏ ra vài cây kim châm cứu châm vào huyệt vị ở quanh mắt. Thuyền chúng tôi chầm chậm tiến vào màn sương, nhìn xa không quá mười mét. Một tiếng đập nước rất lớn, sau đó là tiếng gào rú man dại, thình lình từ màn sương phía trước bay đến một cái đầu người khổng lồ, cái miệng há to ra như cái miệng giếng đen ngòm, tóc rất dài bết lại bởi nước.

Thối Hồn Nha đã xuất hiện, mình cá heo, đầu người, răng nhọn, tóc dài, chuyên ăn linh hồn, tuy bản thể của nó cũng là linh hồn, giống như Thiên Ma Thù mà anh Hùng gặp ở Mộ Hồ Ly, loài Thối Hồn Nha này cũng có thể gây tác dụng vật lý. Tôi giật mình kinh hãi một phen, chỉ thấy Tú Linh vẫn điềm tĩnh đứng đầu mũi tàu, vung tay tựa như đang phi tiêu, cái đầu đó hóa thành tro bụi. Con quái ngư đầu tiên vừa ngã ra thì trong màn sương, bóng dáng của những cái đầu khác đang ngóc khỏi mặt nước, nhìn trân trân vào bốn chúng tôi. Tú Linh cũng đảo mắt qua lại, tựa như đang kiếm gì đó. Bốn, năm con Thối Hồn Nha khác lao tới, những cây kim từ tay cô lại bay đi vun vút, làm bọn ác ngư còn lại khá e dè. Bỗng cô hét lên: “Chế thấy rồi nhé!”, tức thì một tay cho vào túi rút ra một cây kim khá to, phóng thẳng vào sương mù, tôi nghe tiếng kim loại va vào nhau, trong màn sương lóe lên tia lửa, lúc ấy màn sương tan đi cũng nhanh như khi nó xuất hiện, mặt biển yên lặng, những cái đầu người to tướng đã không còn bơi xung quanh thuyền nữa. Tú Linh phủi tay, ra bộ chuyện cỏn con, tôi đứng dậy nhìn xung quanh thật kỹ thì thấy phía trước cách chúng tôi chừng trăm mét, có một cây cột, đến gần mới nhận ra đó là cây cột bằng sắt, trên đó khắc nhiều hình cá heo mặt người, tựa như con Thối Hồn Nha lúc nãy.

Tôi hỏi Tú Linh vừa nãy là sao, cô ta quay sang Sinh, kiểu như dằn mặt rồi mới giải thích cho tôi. Có thể hiểu đại khái là, vùng biển này được trấn yểm bằng bốn cột sắt ghim xuống biển, gọi là Vu Hồi Trụ, nếu cô đoán không lầm thì bốn hướng của Hòn Tre có ghim bốn cây lần lượt theo hướng Đông-Tây-Nam-Bắc là bốn loài quái thú trấn giữ: Hoảng Báo Đầu (báo biển), Thối Hồn Nha (cá heo), Diệp Mặc Đẩu (bạch tuộc) và Sa Cáp Lị (con hàu). Cây cột sắt được rèn trong lửa phép, chịu được ăn mòn, có chức năng như cây ăng-ten thu sóng âm dương, khi âm dương hỗn độn thì mở cửa cho bọn trấn thú xuất hiện. Bọn quái thì đông vô kể, chiến đấu ngày đêm cũng không giết hết, chỉ có cách duy nhất là tìm được cây cột, ghim vào đó vật trung hòa, hoặc Ảo Khí Chức, mảnh vải tựa như bùa, đánh lừa cách mà cột sắt phân định được âm dương. Đã biết được nguyên nhân, việc còn lại quá đơn giản, Tú Linh tự khai thông huyệt đạo, nhắm thẳng hướng đó mà bắn thôi. Thuyền chạy qua cây cột, tôi vẫn nhìn thấy trên đó còn ghim cây kim mà Tú Linh đã phóng, lút cả nửa cây! Thế là tôi không dám coi thường cô ta nữa.

Nếu không tính lũ quái ngư ngoài kia và cả ngàn cái mộ thì Hòn Tre vẫn khá đẹp. Chúng tôi đậu thuyền ngay một bãi đá nhiều màu, không có bãi cát, trước mắt là một cánh rừng nhỏ, cây khá thưa nên có thể thấy phía sau là một khu nghĩa địa. Anh Hùng bảo anh nghĩ hướng đó là nhà kho, vì đảo này nhỏ, nên đi đường nào cũng đến, nên lựa đường ngắn nhất vậy. Nghĩa địa sau cánh rừng gồm cả ngàn ngôi mộ, tuy nhiên điểm làm tôi thấy sợ không phải nó có quá nhiều mộ, mà là cách bố trí. Mộ ở đây không thấp như những cái tôi biết, nó cao hơn đầu, bia mộ cũng to hơn, thân mộ đắp đủ kiểu, có cái bằng đất, có cái đắp gạch nung thô, cái thì xây theo kiểu Chàm nữa, đặc điểm chung là tuy chúng đều mang dấu ấn thời gian rất lớn, Sinh bảo những người dưới kia hẳn đã nằm đó cả trăm năm, nhưng lại khá sạch sẽ. Anh Hùng dẫn đường, tôi và Tú Linh đi giữa rồi đến Sinh. Con đường xuyên nghĩa địa không thẳng, mà gấp khúc liên tục, cảm tưởng như chúng tôi đang đi trong một con hẻm chứ không phải ở nghĩa địa. Ngộ cái là nền đất ở đây không cứng, bước đi cảm thấy lún xuống nhẹ, như lò xo vậy, lâu lâu dưới lòng đất có tiếng “uỳnh uỳnh”, nghe như con gì đang đi hoặc là có xe cơ giới nào chạy vòng quanh vậy. Hòn Tre có chiều dài khoảng ba cây số, chiều ngang rộng nhất cũng chỉ chưa đến một cây số, tuy nhiên chúng tôi đi hơn nửa tiếng vẫn chưa ra khỏi nghĩa địa. 

Cảm thấy có chuyện không ổn, Sinh không cần ai nhắc liền đánh dấu lên một ngôi mộ. Tôi không hiểu sao lại đánh dấu làm gì, vì đường chúng tôi đi cảm giác luôn đi tới, không có trạng thái đi vòng lặp, điều này khác hẳn lúc tôi lạc trong Vách Ma Giấu. Tôi quay sang hỏi Sinh nhưng cu cậu im lặng. Anh Hùng và Tú Linh bỗng đứng lại, anh Hùng nói: “Lãnh địa hàng thịt có khác, anh chỉ nghe điều này trong sách vở, hôm nay tận mắt chứng kiến quả là mở rộng tầm mắt!” 

Tú Linh nói thêm: “Cỡ ông Ba thì có thể đó.” 

Tôi hỏi ba người họ chuyện gì, Sinh bảo cứ để đó đi, lát cho tôi mở mắt. Anh Hùng ra dấu cho chúng tôi đi tiếp, những ngôi mộ cao hơn đầu người làm tôi thấy lạnh lẽo đến đáng sợ, những bia mộ cũ sứt mẻ, thỉnh thoảng có những di ảnh nhìn trân trân. Quả nhiên chưa đầy năm phút sau, Sinh phát hiện ra chỗ mình đánh dấu lúc nãy, tuy nhiên cảnh vật xung quanh, vị trí các ngôi mộ khác hẳn. Anh Hùng bảo tất cả dừng lại, rồi quay sang tôi giải thích là đã lọt vào một loại mê cung, tên của nó là Rùa Cõng Mộ. 



Phục Ma Thư mà Viễn Từ để lại cho Chín Danh, rồi ông Chín lại đưa cho Hùng, bao gồm một ngàn không trăm tám mươi (1080) bài chú diệt ma, ngoài ra còn có một số câu chuyện liên quan, kể về các công cụ hỗ trợ. Trong đó có nhắc đến chú Triều Áng Quân, loại chú diệt ma nước bình thường, người tạo ra ấn này không rõ lai lịch, chỉ biết được rằng trong giới trồng lan, đập miễu thì nó có tên là Triều Áng Quân, còn trong giới bán thịt cũng có những công cụ có tính chất tương tự, gọi là Sân Rùa, Sân Rùa là tên của Mê Cung theo cách gọi dân hàng thịt, anh Hùng kể ra một số loại Sân Rùa như Rùa Chạy, Rùa Bù Lốc, Rùa Trôi Sông và Rùa Cõng Mộ. Sân Rùa là cách vận dụng âm dương của giới hàng thịt khi muốn cản trở ai đó, giống với giới săn lan và đập miễu thì dùng Tiêu Đồ Hống như ở Vách Ma Giấu chẳng hạn. Một bên dùng ấn chú, bên còn lại dùng… tự nhiên. Sân Rùa, đúng như tên gọi của nó, là cả ngàn con rùa kết hợp lại với nhau theo ý đồ của người bày trận. Lý do chọn rùa là vì tuy nó chậm nhưng sống thọ, có thể bố trí một trận đồ mà đến trăm năm sau vẫn sử dụng được, nghe nói ngày xưa, các tiền bối hàng thịt có tạo một trận đồ như vậy cho giới Xuyên Hải, nhưng làm bằng tôm hùm. Thông tin đó chưa kiểm chứng được, nhưng nếu có trận đồ bằng tôm hùm thì hầu như vài trăm năm là bình thường. 

Trở lại chỗ chúng tôi đang kẹt, Rùa Cõng Mộ, anh Hùng giải thích, nếu theo đúng trận đồ, khu nghĩa địa này có hình bát giác, bên trong chia ra ba trăm sáu mươi (360) hình vuông và bảy (7) hình thang nằm vòng rìa, bên dưới cái mà tôi nghĩ là “mặt đất”, kỳ thực có tổng cộng ba trăm sáu mươi bảy (367) con rùa cạn khổng lồ, mỗi con được đắp một khoảnh đất trên lưng, ba trăm sáu mươi con có khoảnh đất vuông, bảy con hình thang là “hội đồng đầu đàn”, khi phát hiện có nguồn khí hỗn độn, những con rùa này sẽ để cho đối phương đi trên lưng, khi vào gần giữa trận đồ thì chúng sẽ di chuyển để tạo cảm giác lạc trong mê cung. Trận đồ này không có sát ý, chỉ là làm kẻ địch thối chí, không tiến vào được, khi đó sẽ bị ảo giác từ các ngôi mộ làm sợ hãi mà phải quay ra. Tôi hỏi nếu vậy sao không leo lên các ngôi mộ mà đi, anh lắc đầu, bảo là trận này chỉ hù dọa, nếu kẻ bị hù còn ngoan cố, thì trên đỉnh mộ là đủ thứ bẫy, rắn, rết, trình độ “chơi đồ” của hàng thịt vốn không thể xem thường. Cho nên nếu quay đầu đi trở lại, tự khắc sẽ được dẫn ra chỗ lúc mới vào, còn cứ sấn tới thì càng đi càng rối, leo lên trên thì gần như cầm chắc cái chết. 

Tôi cực kỳ khó nghĩ, không biết làm sao ra khỏi đây, tới lui hoặc leo lên đều không được, không lẽ chui xuống đất? Anh Hùng ra dấu cho Sinh đào một lớp đất chỗ tiếp giáp hai ngôi mộ, nó khoét cái lỗ cỡ cái tô rồi đạp mạnh, bên dưới lộ ra một hang nhỏ phát ra những tiếng uỳnh uỳnh dữ dội. Anh Hùng phóng xuống trước rồi tới Tú Linh, Sinh nhìn tôi, giục: “Nhảy đi cha, đứng nhìn cái gì.” Thú thật tôi thấy rất lo, không thứ gì đang chờ bên dưới nữa, chần chừ mãi cũng nhảy xuống, cũng may có anh Hùng đỡ lại nên té đỡ đau. Sau đó, anh kéo tôi vào cạnh anh, vừa đó Sinh cũng nhảy xuống, đứng sau lưng tôi. Dưới này tối om, không gian nồng mùi cỏ và rất hôi, anh Hùng bảo bắt ấn khai nhãn, tôi làm theo thì một cảnh tượng hết sức bất ngờ đập vào mắt. Tôi đang đứng dưới chân một con rùa khổng lồ, khe nứt lúc nãy tôi chui xuống nằm giữa hai khoảng đất của hai con kế nhau. 

Nhìn xung quanh chỉ có những cái chân sần sùi to như cột đình, ngẩng lên thì cái mai phải cao đến ba, bốn mét. Những con rùa vẫn đang di chuyển như được lập trình sẵn, rất nhịp nhàng, con này qua trái, con kia qua phải, tiến, lùi, ngang, chéo đủ cả. Anh Hùng ra dấu tiến về trước, phía xa có một ánh sáng le lói, có lẽ là đường ra, chúng tôi cúi thấp người, di chuyển qua những cái cột khổng lồ kia, nếu không có anh Hùng và Sinh hướng dẫn, chắc tôi bị đạp bẹp dí rồi. Do phải cúi người, đi và né nên di chuyển chậm, tuy nhiên tầm mười phút sau đã chui ra ngoài, nhìn lại thì lỗ ra là một hốc trong ngôi mộ kiểu người Tàu hay xây. Cả đám thở phào, thấy vậy tôi mới hỏi sao anh Hùng biết cách này, anh chỉ cười rồi nói: “Anh đoán vậy thôi.” 

Có khi anh đoán thật, làm nghề săn lan, linh cảm là một thứ hết sức quan trọng mà chỉ những người sành sỏi mới luyện được. Tôi hỏi thêm về trận đồ này, về lũ rùa đó, anh Hùng bảo, lũ rùa đó chắc cũng đã trăm tuổi cả rồi, chúng là Rùa Đá. Người tạo trận, trước hết dùng La Kinh chọn một mạch đất âm, làm nền bằng đá trắng, trên nền đá khắc chú, dùng để “lập trình” cách di chuyển cho bọn rùa, bọn rùa này được nuôi bằng cỏ Máu Chó, mọc liên tục trên các đường nối của các mảnh đá trắng, nguồn âm khí trên các ngôi mộ tạo một môi trường khép kín, ngăn không cho thế lực bên ngoài làm hại chúng, chúng cứ ăn, đi vòng quanh khi có kẻ lạ xâm nhập, khi bình thường thì ngủ. Do lối vào và lối ra là cố định chỉ có đường đi bên trong là xáo trộn, nên về lý thuyết có thể thấy được lối ra khi đứng ở chân rùa. Tôi nghe đến đó xong rồi quay lại nhìn vào cái hốc, bên trong theo tôi đúng là một kỳ quan, cổ nhân đôi khi làm ta kinh người. 



Tạm gác chuyện Mộ Rùa sang một bên, tôi đưa mắt nhìn khu này một lượt, xung quanh có rất nhiều cây cao che mát cả một vùng. Giữa nơi đó là một cái chòi con, có vẻ là nhà kho, tuy nhiên có một điều không bình thường: ánh đèn bên trong. Quái lạ, trên đảo này toàn mộ, làm gì có ai sinh sống? Anh Hùng vẫn đi trước, anh nói: “Tới thì cũng tới rồi, hy vọng là chú Ba không còn thứ nào làm tụi mình lên bờ xuống ruộng.” 

Sinh cười lớn, bảo: “Chắc kèo rồi anh ơi, anh nhìn mấy cái gốc cây kìa!” Theo lời Sinh, bọn tôi vừa đi vào trong, thấy rằng dưới mỗi gốc cây có một thứ trông giống cái chuồng chó, nhưng lại na ná miễu. Bên trong có lư hương, đèn cầy đã tắt, lại có thêm một tượng chó to như con bò, bị một tấm vải đỏ trùm đầu lại. Xung quanh như lời Tú Linh nói là hết sức bình thường, không có dấu hiệu âm khí dâng cao hay quỷ hồn lan tỏa, áp khí lại càng không. Anh Hùng dừng lại, tiến đến gần một cái miễu nhìn kỹ vào bên trong. Bỗng đâu xung quanh vang lên tiếng cười “hí hí” rất quái dị, tuy nhiên vẫn như khi nãy, không có dấu hiệu gì của âm khí cả! Tiếng cười vang lên càng lớn, bỗng đèn cầy trong miễu chỗ anh Hùng đến xem bừng cháy, anh lui ra sau, hét lên: “Tạm thời rút về chỗ lúc nãy, nhanh!” Anh chưa nói dứt câu, hàng loạt những cái bóng đen phóng từ trong miễu ra, những pho tượng chó đã biến thành chó thật. Mảnh vải đỏ vẫn trùm trên đầu chúng, chỉ có cái lưỡi đỏ hoét, dài thườn thượt thè ra bên ngoài.



Cả trăm con chó đã bao vây chúng tôi, những tiếng cười hí hí lúc nãy là của chúng. Sinh nói: “Mọi người dạt qua, để tui xử đẹp lũ chó dại này!”, nói rồi nó kết Ấn, đạp chân xuống đất, nó đang cố đánh ngã những con chó này. Nhưng vô dụng! Ấn không thành. Lũ chó cười man dại và siết chặt vòng vây hơn, chúng đi vòng quanh như chờ sơ hở là xông vào. Sinh ngơ ngác vì Ấn không thành, nó làm lại cả chục lần cũng vậy. Tôi cũng thử khai nhãn, vô dụng nốt. Anh Hùng và Tú Linh cũng như thế. Tú Linh nói với anh Hùng: “Lúc trước, có lần sư phụ em kể về ngày còn theo Lý Tổ sư, thầy có một bài chuyên dành cho hàng thịt, dĩ nhiên là chỉ có ông Ba làm được, tên là Như Lai Ngũ Chỉ Thiên.” Cả tôi, Sinh và anh Hùng đều quay nhìn Tú Linh. Cô kể, trong giới săn lan và đập miễu dùng bốn cách diệt ma là Quyết, Ấn, Chú và Phù thì những người hàng thịt cũng có bốn cách hay nhất để làm “đồ chơi” cho lục lâm, gọi là Quan, Tập, Hình, Thiên. Quan là đồ gây sát khí trực tiếp như dao, kiếm, rựa, búa, vân vân. Tập là cách bày trận đồ, tựa như Rùa Cõng Mô lúc nãy, Hình là điều khiển vật vô tri còn Thiên là tạo một không gian bị ngăn cấm. Nói nôm na cho dễ hiểu, ví dụ người tạo ra Bất Tiếu Thiên, ai vào khu vực đó không được cười, nếu cười sẽ bị hút sinh khí, thành xác khô mà chết. Một Thiên được tạo thành bởi ít nhất bốn Tỏa, nghĩa là những cột mốc đánh dấu khu vực “Thiên”. Trong các loại Thiên, Như Lai Ngũ Chỉ Thiên thuộc hàng thượng thừa, bởi người nào lọt vào đây, không thể dùng được Ấn, Quyết, Chú hoặc Phù. Muốn phá Như Lai Ngũ chỉ Thiên có một cách duy nhất là tìm được năm Tỏa của nó, rồi tìm cách hủy, chỉ cần hủy hai trên năm Tỏa là được. Nhưng hiện giờ bốn phía bị chó dữ bao quanh, vật lộn với nó đã khó huống gì còn phải đi tìm năm cái Tỏa. Bốn chúng tôi co cụm lại, tạm thời anh Hùng vẫn chưa có giải pháp tốt nhất, lũ chó thì càng ngày càng lại gần hơn cùng với những tiếng cười khó chịu. 



Bỗng đâu có tiếng gậy đập vào đá kêu lên chan chát, rồi một ông lão ốm nhom lù lù xuất hiện, tóc búi củ hành, áo bà ba đen, quần nâu xắn quá đầu gối, ông cất tiếng tựa như chủ nhà la mấy con chó ngưng sủa vậy, nhưng bằng ngôn ngữ gì nghe lạ lắm, quả nhiên lũ chó nằm xuống rên lên ư ử. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt ông lão thì thấy có gì đó không đúng, Sinh cũng nghĩ giống tôi nên nó hỏi: “Sao ông này nhìn quen quen vậy?”

Anh Hùng cũng ngây ra, rồi nói: “Ừ, mày thấy quen là đúng rồi, hồi nãy mày có nhìn di ảnh của ổng rồi mà!”

Tôi giật bắn người: trước mặt tôi là Ba Lành sao?

-

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Nguồn: chị Google



Trong hình ảnh có thể có ngoài trời và thiên nhiên

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play