Thạch Sinh chắc say lắm rồi nên đứng trên gian nhà gào thét kêu chúng tôi muốn nhờ đi đập miễu thì phải dâng thêm mồi với rượu lên cho cậu ta. Đến khi chúng tôi bước vào vùng sáng của ánh đèn thì cậu mới tá hỏa, ném cả chai Gò Đen đi rồi chạy xuống, chắc định bụng ra đón chúng tôi lên, ai ngờ mới chạy chưa được ba bước thì té cái đụi, úp cả mặt xuống nền đất, rồi lăn từ từ xuống triền núi. Anh Hùng kêu tôi cõng cậu ta lên, khi vừa bước vào nhà thì mùi men xộc lên làm tôi suýt nữa thì nôn. Căn nhà sàn cũng khá rộng rãi nhưng phần lớn diện tích đã bị rác chiếm hết, nhà được chia thành hai gian, phía sau là nhà bếp, nhà vệ sinh còn phía trước có một bộ bàn ghế, một cái giường và một đống rác. Trên các mảnh ván ép tường vẽ đầy những biểu tượng cổ quái bằng phấn trắng. Mặc dù căn phòng đã được thắp sáng bằng bóng đèn sợi tóc nhưng bốn góc phòng vẫn có cắm đèn cầy, sáp chảy đỏ như vũng máu đặc. Chính giữa căn phòng là “buổi tiệc” của đám kiến và ruồi, chúng bâu quanh đống xương gà, thịt gà mà Thạch Sinh đang ăn dở.

Anh Hùng nói tôi đặt Sinh lên giường, đoạn anh mở ba-lô lấy ra chai dầu gió rồi bóp trán cho cậu ta, tôi có cảm giác như Hùng lúc này không khác gì người anh ruột của Sinh cả. Quay sang Tú Linh, tôi thấy cô nàng có vẻ bồn chồn nên hỏi: “Vụ gì vậy?”

“Chỗ này dơ quá…”

Tôi cười.

“Chế vốn ghét dơ, ê Nhóc, cầm giùm!”

Tôi chỉ ngón trỏ vô bản mặt mình ý muốn hỏi “Nói tao á hả?” nhưng cái ba-lô bộ binh của Tú Linh đã bay về phía tôi, tôi vội chụp lấy, Tú Linh xắn tay áo rồi bắt tay vô dọn dẹp, không quên dặn tôi cứ đứng ôm ba-lô, làm rớt là chết với nhỏ. Ổn thôi, tôi không nạnh với đứa con gái làm gì.

Tôi và Hùng nấu ăn trong lúc Tú Linh dọn dẹp, lúc xong cũng gần mười giờ. Anh Hùng gọi Sinh dậy ăn cháo gừng cho tỉnh rượu, chúng tôi cùng ngồi xếp bằng dưới đất, trong gian nhà phía trước. Gương mặt Sinh bơ phờ nhìn vào chén cháo, chưa dám lên tiếng gì cả. Anh Hùng hỏi: “Sao tóc mày ra nhanh vậy?”

Sinh nói: “Anh hỏi em rồi em biết hỏi ai giờ!?”

“Mấy năm qua không gặp, nghe nói mày vẫn đi đập miễu bình thường?”

“Đúng rồi. Phải kiếm tiền mua rượu chứ. Mà nhắc mới nhớ, ăn cháo không vậy đó hả anh? Làm vài ly đi!”

Đoạn, Sinh đứng dậy đi về phía sau, tôi nghe tiếng xoong nồi va chạm, tiếng mở cửa tủ gì đó rồi còn có cả tiếng ly cốc nữa. Một lúc sau Sinh ôm một chai Gò Đen khác cùng vài cái cốc uống rượu, bước chân cậu ta loạng choạng, nôm có vẻ chưa tỉnh hẳn, bỗng cậu trật chân nhoài cả người về trước. Suýt sắp mặt thêm một lần nữa thì anh Hùng đã nhanh chóng chụp cậu lại. Anh nhăn mặt, giựt chai Gò Đen trên tay Sinh rồi sẵn tiện xắn ống tay áo cậu lên luôn, trên cánh tay rám nắng có một hình xăm kì lạ, một vị thần phật đang ngồi trên toà sen, phía sau ông ta có hàng trăm cánh tay giơ lên không trung, xung quanh là những hoa văn phù điêu trông giống với trường phái xăm henna của người Ấn Độ. Tôi lầm bầm: “Ấn Phục Ma Chú?”

Anh Hùng gật đầu rồi cũng lập lại lời tôi: “Ấn Phục Ma Chú?!” Giọng anh chen lẫn tức giận: “Mấy năm qua anh tưởng mày xuất sơn đi giúp đời rồi cũng song song đó là tập luyện. Mày muốn một đợt nửa sống nửa chết, không biết phần trăm thành công mà cứ lao vào làm giống đợt con Phét Đặp nữa không?” 

Tôi thắc mắc: “Ủa, sao vậy anh?”

Anh lạnh lùng nói: “Dân đi đập miễu, đạo hạnh là thứ quyết định bởi số lượng Chú trên hai cánh tay. Thằng cứt này chỉ có một cái Chú này chứng tỏ mấy năm qua bỏ bê, lười biếng không chịu tu luyện!” Anh nhìn sang Sinh rồi gằn giọng: “Đúng không??”

Sinh cười ha hả rồi nói: “Anh coi thường thằng em này quá rồi!” Xong cậu ta đứng dậy cởi luôn cái áo rồi quay lưng lại, tôi giật thót mình phải ngồi lùi về sau một chút, trên tấm lưng trần của Thạch Sinh là một gương mặt quỷ to tướng có màu xanh hết sức ma mị, hai cái nanh trắng hếu dài thườn thượt với bộ hàm nhọn hoắc, nó đang thè cái lưỡi dính đầy máu ra ngoài và điểm đặt biệt thấy ghê nhất chính là con quỷ này không có tròng mắt, chỉ thấy một lỗ sâu hoắm như nó được khoét vào xương sườn của Sinh vậy. Hùng thốt lên: “Dạ Xoa Ấn Chú!”

Tú Linh nói: “Nghe đồn cái này thất truyền rồi mà?”

Sinh đáp: “Bà chị đây nói không sai, Dạ Xoa Ấn Chú có nguồn gốc từ Phật Giáo Mật Tông, vốn bị phật tử ngày xưa coi là tà ma, ngoại đạo nên không có nhiều người tu tập, từ từ cũng bị thất truyền ít nhiều. Ngày nay vẫn có người vừa tu Thiền Tông vừa tu Mật Tông, tuy vậy những thứ như Dạ Xoa Ấn Chú em đây dám cá số người biết tới không quá trăm!” 

Hùng nói: “Anh cũng có biết chút chút, nhưng mày giải thích kĩ hơn đi.”

Sinh mặc áo vào rồi tiếp: “Thật ra chuyện dài dòng lắm nhưng chủ yếu là có đạo hạnh là một phần, có duyên tới chín phần mới may mắn sở hữu Dạ Xoa Ấn Chú. Hôm nào hứng thú bên đống lửa gì đó, em kể anh nghe. Còn về phần công dụng, phải nói đến truyền thuyết truyền miệng nhau rằng Dạ Xoa là loài quỷ địa ngục, chuyên đi làm nhiệm vụ tra tấn, thực thi hình phạt. Cái đó là sai, Dạ Xoa vốn là một loài chúng sanh trong bát bộ chúng, có những Dạ Xoa còn quy y, đến nghe Đức Phật thuyết giáp. Ấn này trên lưng em để triệu hồi một trong những con đó, nhưng nói thật, nó có thiện tâm nhưng là sinh vật trong truyền thuyết, đâu dễ gì bị em điều khiển. Cho nên cùng đường lắm mới phát Chú, sau khi phát lâu nhất là một phút, chậm thì vài giây…” 

Hùng cắt ngang: “Vậy là mấy năm qua mày chỉ tu luyện được Chú này?”

Khuôn mặt Sinh thoáng buồn, tôi nghĩ nãy giờ không phải là anh Hùng hỏi mà thằng nào khác chắc số phận cũng giống như con Mộc Quỷ lúc chiều, chắc vì Sinh kính trọng Hùng hết mực nên mới vậy. Cậu nói: “Chưa hết đâu đại ca. Thôi vậy đi, giờ anh em mình uống vài cốc, ngồi tâm sự, sẵn tiện làm quen hai người bạn mới này luôn. Xong mai mình đi Hòn Sơn một chuyến, em có kèo đi đập miễu cũng khá lớn ngoài đó với lại…” Sinh rót rượu, lần lượt đưa cho Hùng, Tú Linh và tôi, đoạn quay sang kính Hùng rồi nói tiếp: “Thằng em cũng muốn tận mắt chứng kiến đạo hạnh anh thâm hiểm tới đâu rồi!”



Bốn chúng tôi ngồi quây lại với nhau giữa ánh đèn dầu leo lét, nội dung cuộc trò chuyện thực ra chỉ xoay quanh cuộc phiêu lưu ngày xưa của Hùng và Sinh. Lâu lâu Sinh lại vỗ đùi đen đét những đoạn cậu ta thích thú, rồi giải thích thêm. Uống chẳng được bao nhiêu thì Sinh say mèm, lật ngang ngáy khò khò. Hùng nhìn vừa thương vừa buồn, mặt anh đăm chiêu hết sức, tỏ vẻ rất lo âu, có lẽ vì Sinh khác với những kỳ vọng của anh. Anh bảo tôi đi sắp xếp chỗ ngủ, anh kè Sinh lên còn Tú Linh thì dọn dẹp. Đêm ấy trôi qua lặng lẽ, do lạ chỗ cho nên tôi còn thao thức, lâu lâu lại nghe Hùng thả những tiếng thở dài sầu não vào đêm đen. 

Sáng hôm sau tôi thức khá sớm, phần vì nôn nao cho cuộc khởi động là chuyến đi đập miễu ở Hòn Sơn - Kiên Giang, phần vì ngủ không được. Không khí buổi sớm ở đây hết sức trong lành, khiến người ta dễ chịu, tâm hồn khoan khoái. Nhìn ra sân trước, tôi thấy Sinh đang đứng tấn làm gì đó. Khi tôi ra thì cậu ta ngưng lại, quay sang nhìn tôi khiến tôi ngạc nhiên. Thần thái khác hẳn, một Thạch Sinh hoàn toàn tỉnh táo, gương mặt lạnh tanh, ánh mắt sắc lẻm, mồ hôi nhễ nhại làm tóc bết lại, ngay lúc đó tôi có cảm giác nơi Sinh cũng tỏa ra một cái gì đó na ná như anh Hùng, nhưng lại mang một màu sắc rất khác. Chẳng biết diễn tả sao cho đúng nữa!



Khởi hành từ Ba Thê, chạy xe máy chẳng được bao lâu chúng tôi đã đến bến tàu Rạch Giá vừa kịp mua bốn vé. Hòn Sơn, hay còn gọi là Hòn Sơn Rái, là xã đảo phía Tây Nam tỉnh lỵ Kiên Giang, cách Rạch Giá tầm 40km, là một địa điểm du lịch mới nổi thu hút rất nhiều phượt thủ từ chuyên tới không chuyên, với nào nón, nào áo giáp mô tô, áo dạ quang đủ các thứ làm chiếc tàu khách trông như tàu quân sự, ngột ngạt khó chịu. Sinh thì có vẻ hòa nhập nhanh vì cậu ta đã kịp nốc gần lít Gò Đen trên đường đi, vừa ngồi xuống ghế là ngủ khì ngay. Cũng cần nói thêm là Hùng cũng chẳng hỏi Sinh về cái miễu ngoài này là loại gì, ai thuê cậu ta, vân vân. Hình như đó cũng là một quy tắc bất thành văn trong giới lục lâm: đừng tò mò về công việc của nhau. Riêng chuyện đi Kiên Lương, Sinh đã đồng ý với anh Hùng rồi, cho nên chắc hôm sau khi về đất liền thì chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình. 

Tàu chạy hơn một giờ thì đến nơi. Vừa cập bến, Sinh như bừng bừng sinh khí, lên cầu cảng đi thẳng. Cuối cảng có một người đàn ông tầm năm mươi tuổi, dáng người gầy gò đang đợi sẵn trên con xe còn nát hơn chiếc mà Hùng đi với Thông đợt nọ. Hai chiếc xe tống ba chạy men theo những con dốc ngoằn ngoèo dưới chân núi, chỉ chút là đến một căn nhà nhỏ, bên ngoài đứng bảy tám người đang láo nháo, thấy Sinh bước vào thì bỗng im bặt. Có lẽ đây là nhà có người bị vong nhập. Tôi hồi hộp hết sức, trước giờ chưa từng tận mắt thấy chuyện trục vong, lần hồi nhỏ thì tôi chỉ được nghe kể lại. Hình ảnh một vị đạo sĩ khấn chú, dán bùa, múa kiếm các thứ bắt đầu xuất hiện trong đầu tôi. 

Trong sảnh nhà chính, trước mắt tôi chỉ có một bé trai chừng mười hai mười ba tuổi, tóc tai bù xù, mắt trợn ngược, miệng trào bọt mép không ngớt, tay chân co quắp. Sinh nhét chai Gò Đen vào túi quần, quay sang mẹ đứa bé nói: “Như giao kèo, tôi trục ra, khi nó tỉnh bà cho nó dẫn đường lên chỗ đó cho tôi, khi đó nó về, được chưa?”, người mẹ gật đầu cảm tạ. Sinh không làm gì khác, tóc anh vẫn còn rối do gió biển, người đầy mùi rượu, quần áo có phần xốc xếch, trong tay nó cũng không có gươm ngọc phất trần gì cả - có thể nói chính xác nó chỉ có đôi bàn tay. Sinh ngồi xuống kế bên thằng nhóc, khẽ xắn tay áo bên Chú Phục Ma, lấy tay đó chụp lên trán nó, tay còn lại dùng ngón trỏ và ngón giữa thọc vào miệng thằng bé, rồi Sinh khẽ chau mày một cái, lôi tọt ra một con gì đấy như đỉa nhưng dài gần nửa mét. Thân nó đầy gân máu đen, bốc mùi hôi thối, dưới “bụng” là chi chít các giác bám như mực vậy. Con vật lạ vừa lôi ra ngoài chưa được vài giây đã khô đét lại rồi rã ra như cát bụi. Trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người lúc đó, thằng bé tỉnh dậy như chưa từng trải qua cơn thập tử nhất sinh. Sinh đứng dậy phủi tay, ra vẻ như chuyện này hết sức cỏn con, kiểu như nếu nó không vì mục đích nào đó sâu xa khác thì đừng mơ nó nhúng tay vào làm. Cậu ta quay sang nói với gia đình đứa bé: “Xong rồi đó, giờ theo đúng cam kết, tui nhờ thằng nhỏ này dẫn đường cho tui, xong rồi ông bà đến rước nó!”. Cha mẹ đứa bé gật đầu, Sinh dặn họ đứng ở Bắc đảo đợi dưới chân núi, chuyện sẽ xong sớm thôi, không được phép đi theo Sinh, nếu không thì tự rước họa vào thân.

Tới lúc theo chân Sinh đi lên lưng chừng Ma Thiên Lãnh, dừng trước một hốc đá nhỏ, tôi vẫn chưa thể hiểu nổi tất cả những chuyện vừa mới xảy ra. Chính xác chúng tôi vừa đặt chân lên đảo được bốn mươi phút và Sinh vừa thu phục được một con yêu còn hiện giờ thì chuẩn bị đánh trọn ổ của nó. Đứa bé được Sinh cho về, nó tuy vẫn còn mệt sau chuỗi ngày bị vật nhưng vẫn ráng ù té chạy một mạch xuống chân núi - nó quá sợ cái hang đá này rồi. Lúc này, Sinh mới quay sang nói với Hùng: “Thằng đó sau này có thể là dân đập miễu tiềm năng đó anh, sinh giờ Dần, ngày Dần, tháng Dần, tam muội chân hỏa được đốt bằng ba mắt hổ, vía nó nặng như núi, vậy mà… vậy mà nó chỉ cầm có một cái đồng xu ở trước cái hang này về thì bị vật. Nghe thú vị chưa?”

Sinh đến lúc này mới móc chai Gò Đen trong túi quần ra, làm một hơi rồi nói ngồi nghỉ chút, sẵn nó kể chuyện cho nghe. Hùng và Tú Linh vẫn bình thường, có lẽ họ hiểu được câu chuyện Sinh vừa gặp, cho nên khi Sinh nói cậu ta sẽ kể chuyện, Hùng cho rằng người nghe nên là tôi thôi. Bốn ngày trước, Sinh nhận được cuộc gọi của mẹ thằng bé, bà ta lại biết Sinh qua một người bạn đã từng nhờ Sinh đập miễu, mà người bạn đó lại có mối quan hệ nhờ Sinh đập miễu thông qua lời giới thiệu từ một người bạn khác nữa. Thằng bé từ nhỏ đến giờ, vía phải nói mạnh đến át cả tổ tông, có nó trong nhà đôi khi cúng ông bà còn không về được. Buổi chiều nọ, nó dẫn một đoàn khách tham quan lên đỉnh Ma Thiên Lãnh, lúc đi xuống, trong khi khách nghỉ mệt, nó nghe có tiếng động ở bụi cây phía sau, nghĩ là có thú rừng cho nên định rượt bắt. Đoàn khách chỉ thấy nó lủi vào trong đó chừng mười lăm phút, khi quay ra thì không thấy có con thú nào cả, trên tay là một đồng xu như tiền cổ, màu đen nhánh, nhưng nhìn nó có vẻ phờ phạc đi lắm. Chưa đến được chân núi thì nó đã bị vật đến ngất đi, tay chân co quắp lại y như lúc nãy, chỉ ú ớ không ra tiếng, gia đình ập tức nhờ thầy - Thạch Sinh!

Sinh sau khi nghe kể xong, đoán được khu lưng chừng núi Ma Thiên Lãnh ắt có mộ huyệt bị trấn yểm, tuy nhiên một số lần cậu ra đó thì không thấy, có thể kẻ yểm cũng sử dụng một loại kỹ thuật tương tự như Tiêu Đồ Hống tại Vách Ma Giấu, ảo giác che mắt không cho người khác xâm nhập. Thằng bé này do vía nặng quá, phần nào áp tỏa được trận yểm bên ngoài nên vượt qua được, đến trước cửa hang này đây thì gặp được đồng xu, còn gặp như thế nào thì nó không tài nào nhớ nổi. Sinh lại cho rằng, khả năng cao sẽ có một bà lão ngồi ở cửa hang, thấy nó đến thì cho đồng tiền - đây gọi là Quỷ đút cơm, Ma cho tiền mục đích để vật chết những kẻ xâm phạm đến khu vực được yểm. Nốc thêm một hơi rượu nữa, Sinh quay sang nói với Hùng: “Tới khúc này mới hay nè anh…” Hùng cũng thấy cậu ta nghiêm túc, cho nên cũng giả vờ chăm chú lắng nghe: “Đồng tiền thằng bé cầm được chính là vật tùy táng theo nghi thức Quỷ Reahu, có một cái ấn bằng đồng đen!”. Nghe tới đó, Hùng chú tâm hẳn về cục đồng đen. Sau đợt quay về từ Núi Két, Sinh tu ở chùa cũ không được bao lâu thì chuyển đi, trước khi chuyển đi, có một người bạn lâu năm của sư trụ trì đem đến gửi chùa một bộ kinh thư, ghi chép lại đời sống vùng Thuỷ Chân Lạp lúc trước. Khoảng cuối thế kỷ mười tám, tình hình bến đấy hết sức rối ren. Một vị hoàng thân tên Lạp Nel, sau khi mưu sát vua không thành, dẫn theo một số tuỳ tùng trốn ra biển tây, không dám lên bờ mà cũng không dám sang Xiêm La do sợ bị bắt lại. Sử ghi chép lại chỉ biết ông ta trú thuyền tại các đảo nhỏ thuộc địa phận Kiên Giang ngày nay, chờ ngày nội công ngoại kích tái chiếm kinh thành. Không bao lâu sau, tàn dư của Lạp Nel bị triều đình tiêu diệt, quan binh đem quân ra đảo bao vây, nhưng lúc tấn công lên định bắt nhưng chỉ thấy Lạp Nel trở nên điên dại, cả người bóng nhẫy, bốc mùi hôi thối, số tuỳ tùng đi theo đều bị ăn thịt hết. Để hạ được ông ta cũng phải mất đến hai mươi người. Vị quan kia không muốn đem thi thể lão Lạp Nel về, sợ lại gây phiền phức, bèn dùng nghi thức táng quỷ Reahu - con quỷ nuốt mặt trăng mặt trời trong thần thoại Khmer để yểm ông ta lại. Nghi thức này quan trọng dùng đồng đen khi luyện có tiếp xúc máu người, tính chất hết sức đặc biệt: Càn Âm Hàn Dương. Nghĩa là nó không thuần về âm hoặc dương như các vật phong thuỷ khác, nó cũng như là một nguồn pháp khí độc lập, có thể liên tục phát ra áp lực kiềm chế nếu có thái âm hoặc thái dương xuất hiện. Khi táng lạp Nel, họ để viên đồng đen khắc ấn đó trong miệng lão ta, xung quanh là các hũ sành đựng các xu bằng đồng đen nhỏ. Bị yểm trong trận thế đó, giống như là bị rớt vào khối bê tông, không cử động được.

“Nghe có đồng đen là khoái rồi đúng không đại ca” - Sinh cười nhìn Hùng. Đúng là anh đang cần loại đồng đen khắc ấn đó, cách luyện hết sức công phu - cần đến cả tấn đồng tinh chất, luyện trong ba tháng, nhưng chỉ thu về khối ấn nặng tám mươi mốt gram. Có được khối ấn loại đó không khác nào Hùng như hổ mọc thêm cánh, có thể ra vào kỳ động ở Kiên Lương như chốn không người. Tôi hỏi Sinh: “Như ông nói, cục đồng đen đó khắc chế cả thái âm và thái dương, ghê gớm vậy sao?” 

Sinh lúc này mới nhìn tôi, ra vẻ khó hiểu nói: “Chú chưa nghe về quỷ sống à? Quỷ sống là một kiểu càn dương nhập tâm đó.” Tôi lại hỏi tiếp: “Chẳng phải mình cần tìm một nguồn Thái Dương sao? Nếu có cục đồng đó thì mình cứu Thông được rồi”. Nghe đến đây, cả ba người họ đều quay sang nhìn tôi, Sinh thì thở dài, anh Hùng giải thích: “Ấn đồng đen là một vùng Pháp khí tỏa ra liên tục để áp chế làm quân bình âm dương, nếu để gần Thông, không phải Thông sẽ được đẩy phần âm ra, mà là phần áp khí đó làm Thông tiêu tan cũng không chừng. Tóm lại làm vậy rất mạo hiểm.” Chợt Sinh nhích lại gần, nhìn vào mắt tôi hết sức khó hiểu, gương mặt cậu sáng lên rồi cậu trầm trồ: “Chà! Đó giờ có hàng ngon mà gặp ngay người không biết xài, tiếc quá!”

Hùng cười, nói với Sinh: “Mày đừng chê nó, đợi khai Phù cho nó hoàn tất, cỡ hai đứa mình nó chấp mấy xác đó.” Hùng đứng dậy, quẩy ba-lô lên rồi nhìn Sinh: “Sao mày để người già đợi vậy?”

Hùng, Tú Linh và Sinh đứng dậy nhìn thẳng về cửa hang, tôi chỉ thấy thấp thoáng, từng đồng xu một lăn ra khỏi đó.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play