Gần đến đêm thất tịch, những nữ tử chưa lập gia đình ở Trần phủ đều bận rộn thêu túi thơm để chuẩn bị tặng cho ý trung nhân của mình. Những phụ nhân có chồng rồi cũng lập kế hoạch đá con sang một bên để hai vợ chồng có thể trải qua một lễ khất xảo* ngọt ngào nhất có thể.

* Tên gọi khác của lễ thất tịch. Tối ngày 7-7 âm lịch, theo tục cũ, người phụ nữ bày hoa quả ở sân, cầu khấn Chức Nữ phù hộ cho mình khéo tay may vá.

Kế hoạch của Đông Thục Lan rất đơn giản. Nàng sắp thành bà già rồi, tốt nhất là đem treo mấy thứ đèn lồng hoa sen với đèn lưu ly trong viện, sau khi dùng bữa tối, hai người họ sẽ ngồi ở chiếc xích đu trong sân, phe phẩy quạt hương bồ, ngắm trăng ngắm đèn, phẩm trà, nói chuyện phiếm… chính là cảnh tượng đôi vợ chồng già hạnh phúc kinh điển.

Mà cảnh tượng này chắc chắn không có phần của trẻ con, vậy nên tiểu Thi Ngữ đương nhiên bị mẹ mình ném sang cho Long Khoa Đa, để một già một trẻ cùng nhau trải qua lễ thất tịch. Đáng tiếc, sau khi Đông Thục Lan ném lại một câu: “Cho đại bá cơ hội trâu già gặm cỏ non này”, “ngọn cỏ non” vốn đang đưa đến miệng Long Khoa Đa ngay lập tức bị cướp lại, lão lại phải trải qua một lễ thất tịch cô đơn đến thê lương.

Cùng lúc này Lỗ Thái có việc phải vào thành Dương Châu, Thúy Châu cũng đi theo chơi hai ba ngày. Tiểu Thi Ngữ, ngọn cỏ non ban nãy, bị a mã của nàng nhét vào cỗ xe ngựa đang thẳng tiến Dương Châu của hai người. Không khí lãng mạn bị phá hủy với lý do hoa mĩ là: muốn Thi Ngữ được đi đây đi đó để biết thêm kiến thức.

Xe ngựa chậm rãi tiến về phía thành Dương Châu. Nhìn đôi mắt mở to của bảo bối Trần gia trước mặt mình, Thúy Châu lại nhớ tới Đại a ca yểu mệnh, Đại a ca cũng có đôi mắt to tròn như vậy, nếu như đứa trẻ còn sống…

“Dì Thúy Châu đang nghĩ gì thế?” Trình Thi Ngữ thấy hơi kì lạ, tại sao mắt dì Thúy Châu nhìn nàng lại buồn như vậy?

“À, không có gì, chỉ là nhớ lại một vài chuyện khi xưa thôi”.

“Chuyện khi xưa? Chuyện của a mã với ngạch nương ạ?” Thi Ngữ bắt đầu hứng thú.

Thúy Châu suy nghĩ một lát rồi kể: “Nô tỳ nhớ, vào lễ khất xảo năm ấy, lão gia từng tặng cho phu nhân một cây cầu nhỏ hình vòm bằng ngọc lưu ly, chuyện này đúng là náo động cả kinh thành lúc bấy giờ”.

“Không thể nào! A mã mà lãng mạn như vậy?” Biểu cảm của Trình Thi Ngữ như muốn nói: đánh chết con cũng không tin. “Cữu gia gia bảo a mã là một kẻ ngốc, từ xưa tới nay luôn là người chỉ biết yên lặng làm chứ không nói ra. Người sẽ ghi nhớ thật kĩ những câu nói bất kể thật giả của mẹ, sau đó cưng chiều mẹ lên trời. Nhưng khổ nỗi dây thần kinh cảm giác của ngạch nương lại quá thô, vừa nhắc đến ăn liền không biết cái gì gọi là ‘kính già yêu trẻ’. Nếu có mười quả nho thì a mã được ba, con chỉ được một. Nghe đâu trong ba quả nho đưa a mã thì cuối cùng cũng có ít nhất hai quả về lại miệng ngạch nương”. Càng nói, tiểu Thi Ngữ càng bất bình, “Cữu gia gia nói, cưới được nữ nhân như ngạch nương là phúc lớn bằng trời của a mã, nhưng yêu nữ nhân như ngạch nương lại chứng tỏ a mã ngốc hết chỗ nói. Nói mà không làm là giả dối, làm mà không nói là ngu ngốc, phải vừa nói vừa làm mới là đúng đắn. Nói tóm lại, a mã là ngốc nhất thiên hạ! Mấy lời này đều là cữu gia gia nói”. Trình Thi Ngữ đệm thêm câu cuối. Cữu gia gia bảo a mã là kẻ ngốc, cô bé chỉ triển khai ý tứ của cữu gia gia, vậy nên không tính là nói dối, cô bé chỉ chứng minh lời của Long Khoa Đa, nói có sách, mách có chứng, làm cho người nghe tâm phục khẩu phục mà thôi. Có điều, nếu cữu gia gia đã nói chỉ có ngu ngốc mới yêu ngạch nương, vậy tại sao ông lại bảo lấy được ngạch nương là phúc phận của a mã? Loạn quá! Tư duy của Trình Thi Ngữ rối hết cả lên.

Xe ngựa lắc lư mấy cái do bánh xe cán lên vài hòn đá nhỏ. Thúy Châu vẫn còn rất trung thành, định nói đỡ cho lão gia nhà mình mấy câu, cứu vãn hình tượng kẻ ngốc của lão gia trong lòng đứa con gái nhỏ, nàng mở miệng, song lại không nghĩ ra được món quà oanh động nào mà phu nhân từng tặng cho lão gia. Đến cuối cùng, nàng vẫn không nhịn được nói một câu: “Đứa nhỏ ngốc, hạnh phúc lớn nhất trong đời của nữ nhân chẳng phải là được gả cho một nam nhân ‘ngốc’ như con nói sao?”

“Gả cho một kẻ ngốc mà là hạnh phúc ư?”

Thúy Châu cảm thấy đúng là càng nói càng thêm loạn. “Bây giờ con còn nhỏ nên không hiểu, về sau trưởng thành sẽ rõ”.

“À”. Thật giống những người khác trong nhà: lúc nào không nói lại được là sẽ đem những lời này ra dùng, đúng là chỉ có ngạch nương tốt nhất, ngạch nương sẽ giải thích cho đến khi cô bé hiểu mới thôi, a mã thì lúc nào cũng hỏi ngược lại để con mình tự suy nghĩ. Trình Thi Ngữ không định làm khó Thúy Châu nữa, bởi vì ngạch nương đã dặn, khi người khác nói câu này thì chứng tỏ bọn họ không giải đáp được thắc mắc của mình, tốt nhất không nên hỏi tiếp nữa, bằng không vừa không nhận được đáp án mình cần, vừa làm cho người khác mất thể diện, nói không chừng còn thẹn quá hóa giận. Mặc dù chuyện lần này Trình Thi Ngữ vẫn còn thắc mắc, nhưng ngạch nương đã nói: một loại gạo nuôi trăm loại người, mỗi người lại có cách lý giải vấn đề khác nhau, nếu ai ai cũng giống nhau thì thế gian sẽ cực kì nhàm chán. Vậy nên, tốt nhất là cô bé cứ gác những thắc mắc ấy qua một bên, khi nào về hỏi ngạch nương là được.

Đang suy nghĩ thì xe ngựa đột ngột dừng lại. Lỗ Thái vén rèm xe lên, nói: “Mọi người cứ ở trong xe, không được ra ngoài. Phía trước hình như có chuyện, ta sẽ đi kiểm tra tình hình”.

Không khí trong xe thoáng cái đã trở nên căng thẳng. Thúy Châu vội nói: “Chàng nhất định phải cẩn thận. Nếu có gì không ổn thì quay lại ngay, cùng lắm là chúng ta đi đường vòng”.

“Đã biết, nàng cũng phải cẩn thận. Ta để lại mấy người thân thủ nhanh nhẹn. Ta đi một lát sẽ trở về”.

Trình Thi Ngữ thấy bộ dạng đứng ngồi không yên của Thúy Châu, bèn khích lệ: “Dì Thúy Châu không cần lo lắng, Lỗ Thái sư phụ võ công rất cao cường, sẽ không xảy ra chuyện gì đâu”.

“Nếu đây là Chu Lan Thái thì ta đã không lo lắng, chú ấy thấy tình hình không ổn sẽ chạy, nhưng sư phụ Lỗ Thái của con lại không như vậy, nếu thấy chuyện bất bình sẽ lập tức rút đao tương trợ. Vậy nên lão gia luôn giữ sư phụ con bên người, còn cử Chu Lan Thái ra ngoài làm nhiệm vụ. Trước kia ta gả cho sư phụ con cũng vì nhìn trúng bản tính chính trực ấy, bây giờ ta lại hi vọng chàng đừng quá thật thà, như vậy ta sẽ bớt lo hơn. Với lại sư phụ con tuổi tác không còn nhỏ, tay chân không thể linh hoạt như khi còn trẻ được”.

“Dì Thúy Châu cứ yên tâm, chỉ cần Lỗ Thái sư phụ còn nhớ hai người chúng ta vẫn đang ở đây chờ, sư phụ chắc chắn sẽ có chỗ kiêng dè, sẽ không liều mạng như vậy đâu”.

Dù nói như vậy nhưng hai người vẫn thấy được sự lo lắng trong mắt đối phương. Thời gian cứ chậm chạp trôi qua, Thúy Châu thỉnh thoảng lại ló đầu ra ngoài nhìn quanh, thế nhưng người vẫn chưa thấy về.

Lát sau, một hạ nhân tinh mắt hô lên: “Phía trước có người đến”. Những người ngồi vây quanh xe ngựa đồng loạt đứng lên, ai cũng mang vẻ đề phòng. Thúy Châu hạ rèm xuống, ngồi thẳng người, trong miệng liên tục lầm bầm A di đà phật, Phật tổ phù hộ.

“Là tổng hộ viện!”

Nghe thấy tiếng thông báo bên ngoài, hai người ngồi trong xe liền thả lỏng tinh thần, đồng thời vén rèm xe lên. Trình Thi Ngữ còn nhỏ, lanh lợi, nhanh như chớp đã xuống xe ngựa, chạy về phía Lỗ Thái. Thế nhưng sau khi chạy được nửa đường, Thi Ngữ liền khựng lại. Trong đám người đang tiến đến, ngoại trừ nam nhân nhìn giống chủ tử võ công không cao, còn lại những người vây quanh hắn đều là cao thủ. Lẽ nào Lỗ Thái sư phụ bị bọn họ bắt? Thi Ngữ quay đầu nhìn về phía Thúy Châu.

Thúy Châu sau khi nhìn thấy người được bảo vệ trong vòng tròn thì nụ cười vì sắp được gặp Lỗ Thái cũng cứng ngắc trên môi. Người này khoác áo choàng nguyệt sắc, trên người mặc áo gấm xanh, đầu đội mũ, giữa mũ đính một viên ngọc bích tuyệt đẹp. Quan trọng nhất là khuôn mặt của người này, mặc dù đã nhiều năm chưa gặp lại, nhưng nàng chỉ cần nhìn lướt qua liền nhận ra được! Hai chân Thúy Châu mềm nhũn:

“Hoàng thượng cát tường!”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play