Xa xôi vạn dặm đường trường,
Tay không bắt cọp như tuồng mèo con.
Anh hùng giữa cảnh núi non,
Can vân hào khí vẫn còn như xưa.
*
* *
Tất cả các kỵ sĩ không ai chần chừ gì, lập tức nhảy xuống, kẻ dùng bội
đao, kẻ dùng trường mâu giết ngay con ngựa của mình. Tiêu Phong không
ngờ quân sĩ tuân lệnh lẹ làng đến thế, trong lòng ngầm bội phục nghĩ
thầm: Gã mặc áo đỏ này xem ra chức vị không phải là thấp, mở miệng
nói ra một câu, các võ sĩ không ai dám trái lệnh. Quân lệnh của người
Khất Đan nghiêm minh thật, thảo nào giao chiến với người Tống bao giờ
cũng thắng nhiều thua ít. Ông bèn nói:
- Ngươi bảo tất cả quay trở về, không ai được đuổi theo. Nếu một
người đuổi theo, ta chặt ngươi một cánh tay, hai người đuổi theo ta chặt
hai cánh tay, bốn người đuổi theo thì tứ chi đều chặt hết.
Gã áo đỏ tức đến râu ria dựng ngược lên, nhưng bị kẹp chặt không thể
làm gì khác chỉ đành truyền lệnh:
- Các ngươi quay trở về, điều động nhân mã kéo đến sào huyệt
người Nữ Chân.
Các võ sĩ hô to:
- Tuân lệnh!
Tất cả cùng khom lưng hành lễ. Tiêu Phong quay đầu ngựa, đợi cho
bọn A Cốt Đả sáu người lên yên rồi cả bọn theo đường cũ trở về. Đi được
mấy dặm, Tiêu Phong thấy người Khất Đan quả nhiên không đuổi theo,
bèn nhảy lên yên một con ngựa, để cho người áo đỏ cưỡi một mình một
con. Tám con ngựa không dừng bước chạy thẳng về đại doanh, A Cốt Đả
bẩm lại cho phụ thân Hòa Lý Bố việc gặp địch như thế nào, được Tiêu
Phong cứu, bắt được thủ lãnh bọn Khất Đan ra sao. Hòa Lý Bố rất vui
mừng nói:
- Hay lắm, đem tên chó Khất Đan lên đây ta xem.
Người áo đỏ bước vào trong trướng nhưng thần thái vẫn uy võ, đứng
hiên ngang không chịu khuất phục. Hòa Lý Bố biết y là quí nhân của
Khất Đan bèn hỏi:
- Ngươi tên gì? Tại nước Liêu làm chức quan chi?
Gã kia ương ngạnh đáp:
- Có phải ngươi bắt được ta đâu, làm gì có quyền hỏi ta?
Người Khất Đan và người Nữ Chân đều có tập quán, mỗi khi bắt được
ai thì kẻ đó là nô lệ của mình. Hòa Lý Bố cười ha hả nói:
- Ngươi nói đúng lắm!
Người áo đỏ đi đến trước mặt Tiêu Phong, khuỵu chân phải, một bên
gối quì xuống, tay phải để lên trán nói:
- Chủ nhân quả thực là anh hùng, ta đánh không lại ông, bên ta đông
mà vẫn thua. Ta bị ông bắt được, không có điều gì oán hận, nếu ông chịu
thả ta về, ta sẽ đền lại năm mươi lượng vàng, năm trăm lượng bạc, ba
chục con tuấn mã.
Chú của A Cốt Đả là Phả Lạp Tô nói:
- Ngươi là đại quí nhân của Khất Đan, tiền chuộc bấy nhiêu ít quá.
Tiêu huynh đệ, ngươi bảo y đem đến năm trăm lượng vàng, năm nghìn
lượng bạc, ba trăm con tuấn mã.
Phả Lạp Tô là người lanh lợi khôn ngoan, đem giá cả tăng lên gấp
mười, cốt để hai bên trả giá. Với lối sống giản dị của người Nữ Chân, cái
giá năm mươi lượng vàng, năm trăm lượng bạc, ba chục con tuấn mã đã
là một tài sản hãn hữu. Người Nữ Chân giao chiến với người Khất Đan
mấy chục năm qua, chưa bao giờ có món tiền chuộc nào lớn đến thế, nếu
người áo đỏ không chịu tăng thêm cứ theo đúng những gì y hứa trả đã là
một món hoạnh tài khổng lồ.
Ngờ đâu người áo đỏ không cần suy nghĩ đáp ngay:
- Được rồi, cứ thế mà tính.
Những người Nữ Chân trong trướng nghe vậy không khỏi giật mình,
tưởng như không tin ở tai mình nữa. Người Nữ Chân hay Khất Đan nói láo
để đánh lừa nhau không phải là không có, thế nhưng trong giao dịch mua
bán, hoặc đã hứa với ai điều gì thì một là một, hai là hai không bao giờ
nuốt lời. Huống chi đang nói đây là tiền chuộc, một khi người Khất Đan
không giao đủ, hoặc như nói rồi lại không muốn làm thì người áo đỏ
không thể nào trở về bản tộc được thành thử có hứa cuội cũng vô ích.
Phả Lạp Tô sợ rằng y bị bắt rồi kinh hoảng mất trí, đầu óc rối loạn
bèn nói:
- Này, ngươi đã nghe rõ chưa? Ta nói là hoàng kim năm trăm lượng,
bạch ngân năm nghìn lượng, tuấn mã ba trăm con!
Người áo đỏ vẻ đầy kiêu ngạo, lạnh lùng nói:
- Hoàng kim năm trăm lượng, bạch ngân năm nghìn lượng, tuấn mã
ba trăm con thì đã là bao? Nước Đại Liêu chúng ta giàu có bậc nhất thiên
hạ, con số đó coi chẳng vào đâu.
Y quay sang nói với Tiêu Phong, đổi sắc mặt cung kính nói:
- Chủ nhân, ta chỉ nghe lệnh một mình ông thôi, người khác nói ta
không thèm nghe đâu.
Phả Lạp Tô nói:
- Tiêu huynh đệ thử hỏi y xem y ở nước Liêu làm quan chức gì?
Tiêu Phong chưa kịp mở lời người kia đã nói:
- Chủ nhân nếu muốn hỏi thân thế lai lịch, ta sẽ đặt điều nói láo
đánh lừa ông, ông cũng không biết thật hay giả. Thế nhưng ông là anh
hùng hảo hán, ta cũng anh hùng hảo hán, ta không muốn lừa ông thành
thử xin đừng hỏi làm gì.
Tiêu Phong tay trái lật một cái, rút phắt thanh đao đeo nơi hông, tay
phải vỗ vào sống đao, nghe cạch một tiếng lưỡi đao đó liền cong lại, hầm
hè quát:
- Ngươi lớn mật không nói chăng? Nếu bàn tay ta chém xuống đầu
ngươi thì sẽ ra sao?
Người áo đỏ không tỏ vẻ gì sợ hãi, đưa ngón cái tay phải lên nói:
- Tài giỏi thật! Ghê gớm thật! Hôm nay ta được gặp đương thế đệ
nhất anh hùng, quả không uổng! Tiêu anh hùng, nếu ông dùng lực uy
hiếp muốn ta phải chịu khuất phục thì không xong đâu. Ông muốn giết cứ
việc giết, người Khất Đan tuy đánh không lại nhưng cũng cứng cỏi không
kém gì ông đâu.
Tiêu Phong cười ha hả nói:
- Giỏi, giỏi lắm! Ta không giết ngươi ở đây đâu. Nếu ta một đao giết
ngươi, ngươi chắc không tâm phục. Chi bằng mình ra chỗ xa xa, ác đấu
một trận nữa.
Hòa Lý Bố và Phả Lạp Tô cùng lên tiếng khuyên giải:
- Tiêu huynh đệ, người này giết đi thật uổng, chi bằng để y sống lấy
tiền chuộc tốt hơn. Nếu như ngươi tức giận, chi bằng dùng gậy gỗ roi da
đánh cho y một chập thật đau là được.
Tiêu Phong đáp:
- Không được! Y muốn cho mình là anh hùng hảo hán thì ta để cho y
toại nguyện.
Ông quay sang mượn người Nữ Chân hai cây trường mâu, hai bộ cung
tên, nắm tay người áo đỏ cùng ra khỏi trướng, nhảy lên ngựa ra lệnh:
- Lên ngựa mau!
Người mặc hồng bào không một chút sợ hãi, biết chắc đấu với Tiêu
Phong thì chỉ có chết mà thôi, y đòi đấu thêm một trận nữa chẳng qua chỉ
là mèo vờn chuột, muốn đùa rỡn một hồi rồi mới giết mình nhưng không
sờn lòng lập tức lên ngựa chạy về hướng bắc.
Tiêu Phong theo sau, hai người chạy được mấy dặm, Tiêu Phong nói:
- Quay qua hướng tây!
Người áo đỏ đáp:
- Nơi đây phong cảnh tuyệt đẹp, ta muốn chết tại nơi đây.
Tiêu Phong nói:
- Tiếp lấy!
Ông cầm trường mâu và cung tên ném qua, người kia đều bắt được cả,
lớn tiếng nói:
- Tiêu anh hùng, ta biết chắc không phải là đối thủ nhưng người Khất
Đan thà chết không chịu khuất phục! Ta ra tay đây!
Tiêu Phong đáp:
- Hãy khoan! Tiếp lấy đã!
Ông lại cầm cây giáo và cung tên còn lại trên tay mình thẩy qua, chỉ
còn hai tay không, môi nở một nụ cười khó hiểu. Người áo đỏ cực kỳ giận
dữ, gầm lên:
- Hừ, ngươi định tay không đấu với ta, chẳng phải làm nhục ta quá
lắm hay sao?
Tiêu Phong lắc đầu:
- Không phải thế! Tiêu mỗ bình sinh kính trọng bậc anh hùng, yêu
thích người hảo hán. Võ công ngươi tuy không bằng ta thật nhưng là kẻ
đại đại anh hùng, hảo hán, Tiêu mỗ muốn kết bạn với ngươi! Thôi ngươi
trở về bộ tộc của mình đi.
Người áo đỏ hết sức kinh ngạc, hỏi lại:
- Cái ... cái gì?
Tiêu Phong mỉm cười đáp:
- Ta nói Tiêu mỗ coi ngươi là một hảo bằng hữu, để cho ngươi bình
an quay trở về.
Người mặc hồng bào tưởng chết đến nơi lại bình yên vô sự, vui sướng
không sao kể xiết hỏi lại:
- Có thực ngươi thả ta về chăng? Ngươi ... chẳng hay ngươi ... muốn
gì? Ta về rồi sẽ đem tiền chuộc gấp mười, gửi sang cho ngươi.
Tiêu Phong hiên ngang đáp:
- Ta coi ngươi là bạn, sao ngươi lại không coi ta là bạn? Tiêu mỗ
đường đường hán tử thế này, lẽ đâu lại còn tham ngoại thân tài vật hay
sao?
Người áo đỏ đáp:
- Đúng thế!
Y ném binh khí đi, nhảy xuống ngựa, quì phục xuống đất vái lạy nói:
- Đa tạ ân công tha mạng!
Tiêu Phong quì xuống hoàn lễ đáp:
- Tiêu mỗ không giết bằng hữu, cũng không nhận bạn bè vái lạy.
Còn như là phận nô lệ, thì dẫu có lạy lục Tiêu mỗ, Tiêu mỗ cũng chẳng
tha đâu.
Người áo đỏ lại càng mừng hơn nữa, đứng lên nói:
- Tiêu anh hùng, ông luôn mồm nhận ta là bè bạn, vậy ta cùng ông
kết làm anh em, nên chăng?
Tiêu Phong học nghệ xong liền gia nhập Cái Bang. Trong bang vai vế
phân biệt thật nghiêm minh, từ bang chủ, phó bang chủ trở xuống, còn có
Truyền Công, Chấp Pháp, tứ đại hộ pháp trưởng lão, rồi đến hương chủ
các đà, xuống đến đệ tử tám túi, đệ tử bảy túi cho chí kẻ chưa được mang
túi nào. Thế nhưng ông chỉ lo lập công để được thăng cấp, chưa từng giao
bái anh em với ai, mãi đến sau này ở thành Vô Tích cùng Đoàn Dự đấu
rượu với nhau, có lòng cảm mến bấy giờ mới kết nghĩa kim lan. Bây giờ
nghe người mặc hồng bào nói như thế, nghĩ đến trước đây ở Trung
Nguyên giao thiệp với đủ mọi loại anh hùng, hôm nay lưu lạc, ăn nhờ ở
đậu nơi đất man di, quả thực thất thế biết bao. Bây giờ nghe đề cập đến
chuyện này, ông không khỏi cảm khái, lại thấy người áo đỏ khí độ hào
hùng, quả là một hảo hán liền đáp:
- Hay lắm! Hay lắm! Tại hạ Tiêu Phong, năm nay ba mươi mốt tuổi.
Tôn huynh quí canh bao nhiêu?
Người kia cười đáp:
- Tại hạ là Gia Luật Cơ, so với ân công thì lớn hơn mười ba tuổi.
Tiêu Phong nói:
- Huynh trưởng sao vẫn còn gọi tiểu đệ là ân công? Huynh trưởng là
đại ca, xin nhận một lạy của đệ.
Nói xong bèn phục xuống lạy, Gia Luật Cơ vội vàng hoàn lễ.
Hai người bèn lấy ba mũi tên cắm xuống đất, đốt cháy lông đuôi làm
hương, hướng lên trời lạy tám lạy, kết làm anh em. Gia Luật Cơ trong
lòng cực kỳ vui sướng nói:
- Huynh đệ họ Tiêu cũng chẳng khác gì người Khất Đan chúng ta.
Tiêu Phong đáp:
- Chẳng dấu gì huynh trưởng, tiểu đệ chính là gốc người Khất Đan.
Nói xong cởi áo ra, để lộ chiếc đầu sói xanh xâm trên ngực. Gia Luật
Cơ vừa thấy thật mừng nói:
- Quả nhiên đúng vậy, ngươi thuộc về họ bên hoàng hậu Khất Đan.
Huynh đệ, đất Nữ Chân lạnh lắm, chi bằng theo ta đi về Thượng Kinh,
chung hưởng phú quí.
Tiêu Phong đáp:
- Đa tạ hảo ý của ca ca, có điều tiểu đệ trước nay nghèo hèn, xem ra
không hợp đời sống giàu sang. Tiểu đệ sống với người Nữ Chân, săn bắn
uống rượu thấy tiêu dao khoái hoạt hơn. Ngày sau nếu nhớ ca ca, thể nào
cũng có lúc qua nước Liêu đi kiếm.
Ông xa cách A Tử cũng đã lâu, khắc khoải không hiểu thương thế
nàng thế nào bèn nói:
- Ca ca nên sớm quay về để người nhà và bộ thuộc khỏi trông đợi.
Sau đó hai người hành lễ cáo biệt. Tiêu Phong quay ngược đầu ngựa
đã thấy A Cốt Đả cùng hơn chục người nghênh tiếp. Thì ra A Cốt Đả thấy
Tiêu Phong đi lâu không về, e ngại không biết có trúng phải ngụy kế của
người áo đỏ hay chăng, trong bụng không an nên đến tiếp ứng. Tiêu
Phong kể lại đã thả y trở về nước Liêu, A Cốt Đả là kẻ rất hiểu biết, rất
anh hùng thấy Tiêu Phong khinh tài trọng nghĩa, khoan hồng đại lượng
như thế lại càng thán phục.
Một ngày kia, Tiêu Phong nhàn rỗi nói chuyện chơi với A Cốt Đả, cho
y hay sở dĩ A Tử thụ thương vì lỡ trúng phải chưởng lực của mình, tuy
dùng nhân sâm có thể duy trì tính mạng nhưng đã lâu không thuyên giảm,
hết sức buồn phiền. A Cốt Đả nói:
- Tiêu đại ca, thì ra cô em của đại ca bị ngoại thương, người Nữ Chân
chúng tôi trị ngoại thương sai khớp xưa nay vẫn dùng ba vị thuốc gân hổ,
xương hổ và mật gấu rất là hiệu nghiệm. Sao đại ca không thử xem thế
nào?
Tiêu Phong mừng quá nói:
- Cái gì chứ gân hổ, xương hổ ở đây thiếu gì? Còn như mật gấu ư, ta
sẽ cố gắng giết ít con là xong.
Ông hỏi kỹ cách dùng, lấy gân hổ, xương hổ nấu thành cao đút cho A
Tử. Sáng hôm sau, Tiêu Phong một mình đi vào núi hoang, đầm lớn kiếm
gấu. Ông đi một mình, có thể thi triển khinh công, so với cùng đi cả đoàn
tiện hơn nhiều. Hôm đầu không thấy dấu vết gấu, hôm thứ hai săn được
một con. Ông mổ lấy mật, chạy về nơi đóng doanh, đút cho A Tử uống.
Gân hổ, xương hổ, mật gấu và nhân sâm lâu năm kiếm nơi rừng sâu núi
thẳm đều là những dược phẩm cực kỳ trân quí dùng để trị thương, mật
gấu tươi lại càng khó kiếm bội phần. Tiết Thần Y tuy nói là y đạo như
thần nhưng không có thuốc thỉ cũng đành chịu, nếu phải dùng lão sơn
sâm cho bệnh nhân dùng thay cơm thì ông cũng không thể nào làm nổi,
còn như Tiêu Phong, cứ vài ngày đi đánh chết một con gấu lấy mật tươi
cho A Tử uống thì càng khó hơn.5
Hôm đó, Tiêu Phong đang ngồi trong trướng nấu xương hổ, gân hổ làm
cao, một gã Nữ Chân hấp tấp chạy đến nói:
- Tiêu đại ca, có khoảng chục tên Khất Đan đem lễ vật đến cho đại
ca.
Tiêu Phong gật đầu, biết là do nghĩa huynh Gia Luật Cơ sai người đem
tới. Chỉ nghe tiếng vó ngựa dồn dập, một đoàn ngựa chậm rãi tiến vào,
trên lưng ngựa chất đầy phẩm vật. Tên đội trưởng Khất Đan đi đầu đã
nghe Gia Luật Cơ mô tả diện mạo Tiêu Phong nên vừa trông thấy từ xa
đã vội vàng nhảy xuống ngựa, rảo bước tới trước mặt, lạy phục nói:
- Chủ nhân từ khi từ biệt Tiêu đại gia đến nay, nhớ nhung lắm lắm,
đặc biệt sai tiểu nhân Thất Lý đem chút bạc lễ, lại mời Tiêu đại gia đến
Thượng Kinh hàn huyên.
Nói xong khấu đầu mấy lượt, hai tay trình lễ đơn6, thần thái cực kỳ
cung kính. Tiêu Phong đưa tay cầm danh sách cười nói:
- Quả là có lòng, xin hãy đứng dậy đã.
Ông mở tờ lễ đơn ra thấy toàn là chữ Khất Đan liền nói:
- Ta không biết chữ, chẳng cần xem làm gì.
Thất Lý nói:
- Chút bạc lễ này gồm năm nghìn lượng hoàng kim, năm vạn lượng
bạch ngân, một nghìn súc cẩm đoạn, một nghìn thạch lúa mạch hạng
ngon, một nghìn con bò, năm nghìn con cừu, ba nghìn con tuấn mã, ngoài
ra còn một số quần áo đồ dùng.
Tiêu Phong càng nghe càng kinh ngạc, lễ vật như thế gấp mười tiền
chuộc Phả Lạp Tô đòi hôm trước. Ông thấy hơn chục con ngựa chở đến
5 sự thực nhân sâm, hùng đảm, hổ cốt là những vị thuốc, dược tính rất mạnh, việc điều
chế và dụng pháp phức tạp không phải là thực phẩm mà có thể dùng thay cơm. Ở đây
tác giả viết theo lối kết cấu của tiểu thuyết, xin độc giả đừng tin là thật.
6 lễ đơn là danh sách viết những vật phẩm mang tới
đã quá nhiều, nếu cứ theo đúng danh sách viết đây thì không biết phải
bao nhiêu ngựa xe mới đủ.
Thất Lý khom lưng nói:
- Chủ nhân sợ các sinh vật đi đường xa mất mát, cho nên cừu bò
ngựa đều sai mang thêm một phần trừ hao nhưng may nhờ hồng phúc chủ
nhân và Tiêu đại gia, bọn chúng tôi đi đường không bị gió bão dã thú,
sinh khẩu7 tổn thất rất ít.
Tiêu Phong thở dài:
- Gia Luật ca ca tính toán thật chu đáo, nếu ta không nhận thì phụ
tấm lòng tốt của anh ta, còn nếu nhận tất cả, thì e quá đáng, không biết
sao cho phải.
Thất Lý nói:
- Chủ nhân dặn đi dặn lại, nếu như Tiêu đại gia khách sáo không
nhận, tiểu nhân trở về thể nào cũng bị phạt nặng.
Bỗng nghe tiếng tù và u u thổi, người Nữ Chân các doanh trướng đều
cầm đao thương cung tên nhốn nháo chạy ra. Có tiếng truyền lệnh:
- Quân địch đến tấn công, dự bị nghênh chiến.
Tiêu Phong nhìn về phía tiếng tù và thổi thấy bụi bay mù mịt, tưởng
chừng vô số quân mã đang tràn đến. Thất Lý lớn tiếng kêu:
- Các vị đừng hoảng hốt, đây là bò cừu ngựa của Tiêu đại gia đó.
Y dùng tiếng Nữ Chân liên tiếp gọi mấy lần nhưng những người kia
chẳng ai chịu tin, Hòa Lý Bố, Phả Lạp Tô, A Cốt Đả chia nhau ra chỉ huy
tộc nhân dàn thành trận thế ở phía tây doanh trại.
Tiêu Phong lần đầu tiên thấy người Nữ Chân bố trí trận mạc, nghĩ
thầm: Bộ tộc Nữ Chân không đông nhưng người nào cũng nhanh nhẹn
dữ dằn, các kỵ sĩ Khất Đan dưới quyền Gia Luật ca ca xem chừng không
ghê gớm lắm, chưa bằng được khí thế người Nữ Chân, còn như quan binh
nhà Đại Tống thì còn kém hơn nữa. Thất Lý kêu lên:
7 con vật còn sống
- Để tiểu nhân đi bảo bộ thuộc tạm ngừng không tiến lên nữa để
khỏi hiểu lầm.
Y chuyển thân lên ngựa, phóng về hướng tây. A Cốt Đả giơ tay một
cái, bốn tên thợ săn Nữ Chân liền đuổi theo sau. Năm người rong ngựa
chầm chậm tiến tới thấy trên đồng cỏ bụi mù toàn là bò cừu ngựa, hơn
trăm mục nhân Khất Đan dùng sào dài xua đuổi, ngoài ra không có quân
sĩ.
Bốn người Nữ Chân cười rộ lên quay về, bẩm lại cho Hòa Lý Bố.
Chẳng bao lâu, đội gia súc đến gần hơn, tiếng bò kêu ngựa hí rầm rĩ, át
cả tiếng người không nghe thấy gì cả.
Tối hôm đó Tiêu Phong bảo người Nữ Chân giết cừu xẻ bò để đãi
khách phương xa. Hôm sau, ông lấy một phần vàng bạc gấm vóc, thưởng
cho bọn người đưa lễ vật đến. Đợi khi người Khất Đan cáo từ rồi, ông
đem hết tất cả bò cừu ngựa, vàng bạc giao lại cho A Cốt Đả bảo y chia
cho người trong bộ tộc. Người Nữ Chân tụ tập sống chung với nhau,
không có của riêng, một người được thì toàn thể bộ tộc hưởng chung, thấy
Tiêu Phong khẳng khái như thế không cho là lạ lùng nhưng tự nhiên ở
trên trời rơi xuống nhiều tài vật như thế, ai nấy đều vui vẻ. Toàn bộ tộc
ăn uống vui chơi mấy ngày liền, người người đều cảm kích lòng tốt của
Tiêu Phong.
Qua mùa hạ rồi sang mùa thu, bệnh của A Tử cũng đỡ được vài phần,
thần trí vừa tỉnh táo thấy ngày ngày phải nằm trong trướng dưỡng thương
thật chán ngán, thường bảo Tiêu Phong đưa nàng ra ngoài cưỡi ngựa rong
chơi cho thư thái tâm hồn. Hai người cưỡi chung một con, nàng ngồi đằng
trước dựa vào ngực Tiêu Phong nên không tốn một chút hơi sức nào. Tiêu
Phong chiều chuộng cô gái hết mực, trong mấy tháng liền, trừ những
ngày gió lớn, bão to hai người ngày nào cũng cùng nhau nhàn du. Về sau
những nơi gần đi mãi cũng chán, hai người mang theo cả lều chăn dựng
trại ngủ ở bên ngoài, mấy ngày liền không về. Tiêu Phong cũng nhân dịp
đó đánh hổ, săn gấu, đào nhân sâm. Chỉ vì A Tử bắn lén một mũi độc
châm, gấu đen, mãnh hổ cả một dãy Trường Bạch bị chết khá nhiều,
không biết bao nhiêu con táng mạng dưới chưởng của Tiêu Phong.
Tiêu Phong vì muốn đi đào sâm nên mỗi lần đều theo hướng đông
hoặc hướng bắc. Hôm đó A Tử bảo rằng phía đông phía bắc phong cảnh
coi đã nhiều, nay muốn qua phía tây chơi. Tiêu Phong nói:
- Phía tây chỉ là một thảo nguyên thật rộng, chẳng có núi non sông
ngòi gì mà coi.
A Tử đáp:
- Đại thảo nguyên cũng thích chứ, chẳng khác gì biển cả, tiểu muội
chưa từng được thấy biển cả thực bao giờ. Tinh Tú Hải tuy nói là biển
nhưng vẫn còn bến còn bờ.
Tiêu Phong nghe nàng đề cập đến biển Tinh Tú cũng thấy chột dạ.
Trong một năm qua sống chung với người Nữ Chân, những chuyện võ
lâm đã dần dần quên lãng, A Tử không hành động được, muốn làm
chuyện xấu xa cũng chẳng có cách gì. Còn ông chỉ cố hết sức giúp nàng
trị thương cứu mạng, nhưng lại sợ rằng một khi thuyên giảm, ác tính cả
nàng lại phát tác, lúc đó biết làm sao?
Ông quay đầu nhìn A Tử, thấy khuôn mặt tái mét không một chút
máu, má hóp lại, đôi mắt to đen lõm vào, dung sắc cực kỳ tiều tụy, người
gầy tong teo chỉ còn da bọc xương. Tiêu Phong không khỏi chua xót trong
lòng: Nàng vốn dĩ là một cô bé con khả ái hoạt bát biết là dường nào, bị
ta đánh đến chết đi sống lại, có khác gì một bộ xương khô, sao ta lại chỉ
nghĩ đến những điều xấu của nàng?. Ông bèn mỉm cười:
- Nếu cô thích đi qua hướng tây thì mình đi qua đó xem sao. A Tử,
khi nào bệnh em đỡ nhiều rồi, ta sẽ đưa em đến biên giới nước Cao Ly để
xem biển cả thực sự, nước biếc mênh mông, nhìn không thấy bến bờ,
cảnh đó coi mới thật là hùng vĩ.
A Tử vỗ tay reo lên:
- Hay quá! Hay quá! Thực ra chẳng cần phải đợi cho bệnh của em
khỏi hẳn lúc ấy mình mới đi.
Tiêu Phong kêu lên một tiếng, vừa mừng vừa sợ hỏi:
- A Tử, hai tay của em cử động được như thường rồi.
A Tử cười đáp:
- Nửa tháng trước hai tay tiểu muội đã cử động được, hôm nay lại
càng linh hoạt hơn nhiều.
Tiêu Phong mừng rỡ nói:
- Thế thì hay lắm! Ngươi quả là một con bé cứng đầu, vậy mà sao lại
dấu ta?
Đôi mắt A Tử lóe lên một vẻ tinh quái, mỉm cười đáp:
- Em chỉ mong được vĩnh viễn không cử động, có thế tỉ phu mới ngày
ngày ở bên cạnh em. Chú nếu như thương thế em khỏi rồi, tỉ phu sẽ lại
đuổi em đi.
Tiêu Phong nghe nàng nói thật chân thành, trong bụng không khỏi
thương hại nói:
- Ta là một hán tử lỗ mãng, hôm đó không cẩn thận, lỡ tay đánh cô
ra nông nỗi này. Cô ngày ngày ở bên cạnh ta có gì vui đâu?
A Tử không trả lời, một lát sau mới khẽ hỏi:
- Sao hôm đó tỉ phu xuất chưởng đánh em mạnh như thế?
Tiêu Phong không muốn nhắc lại chuyện cũ, lắc đầu đáp:
- Chuyện đó vốn đã qua rồi, nhắc lại làm gì? A Tử, ta đánh cô đến bị
thương như thế này, trong lòng cảm thấy thật áy náy, em có giận ta
không?
A Tử đáp:
- Lẽ dĩ nhiên tiểu muội không giận, có việc gì em phải giận tỉ phu
đâu? Em vốn chỉ mong được anh ở kề cận bên mình, bây giờ chẳng phải
được như thế hay sao? Trong lòng em hết sức sung sướng là khác.
Tiêu Phong nghe nàng nói như thế, tuy thấy ý nghĩ của tiểu cô nương
này thật là quái lạ, nhưng gần đây thấy nàng trở nên tử tế hơn trước, nghĩ
bụng mình hết sức lo lắng cho cô ta đã làm cái tính độc ác của nàng giảm
đi thật nhiều. Ông quay về dự bị ngựa xe, màn trướng, lương khô mọi thứ.
Sáng sớm hôm sau, hai người đi về hướng tây. Đi được trên chục dặm,
A Tử bỗng hỏi:
- Tỉ phu có đoán ra được chưa?
Tiêu Phong hỏi lại:
- Đoán ra cái gì?
A Tử nói:
- Hôm đó em đột nhiên dùng độc châm đả thương anh, tỉ phu có biết
vì cớ gì không?
Tiêu Phong lắc đầu nói:
- Tâm tư cô thần xuất quỉ một, làm sao ta đoán nổi?
A Tử thở dài một tiếng nói:
- Nếu anh không đoán ra, thì chi bằng đừng nghĩ tới nữa. Tỉ phu xem
thử sao những con vịt trời kia, sao lại làm thành một đoàn bay về hướng
nam là sao?
Tiêu Phong ngửng đầu lên, thấy bên trời hai đoàn đại nhạn, bay thành
hình chữ nhân, quả thực đang bay về hướng nam bèn nói:
- Trời sắp sang đông, chim nhạn sợ lạnh nên bay về phương nam
tránh tuyết.
A Tử hỏi:
- Thế sao đến mùa xuân, chúng lại bay trở về? Mỗi năm bay đi bay
lại chẳng khổ sở khó nhọc lắm ru? Bọn chúng nếu sợ lạnh sao không ở
luôn phương nam, cần gì phải quay lại.
Tiêu Phong trước nay chuyên tâm học võ, chưa bao giờ từng suy nghĩ
về tập tính của cầm thú côn trùng, bị nàng hỏi như thế, không sao trả lời
được, lắc đầu cười nói:
- Ta cũng chẳng hiểu sao chúng lại không ngại gian khổ, chắc có lẽ
là chim nhạn sinh nơi phương bắc, lưu luyến cố hương đấy thôi.
A Tử gật đầu nói:
- Chắc là thế. Anh xem con nhạn sau cùng kia, tuy còn nhỏ vậy mà
cũng ráng bay về phương nam. Mai này cha nó, mẹ nó, chị nó, anh rể nó
cùng bay về phương bắc, dĩ nhiên nó cũng đi theo.
Tiêu Phong nghe nàng nói "chị nó, anh rể nó", trong lòng chợt động
đưa mắt nhìn A Tử, thấy cô bé đang ngẩng đầu mơ màng nhìn về phía
đàn chim nơi chân trời, hiển nhiên câu đó nói ra không có ý gì, nghĩ
thầm: "Nàng buột miệng nói ra, vậy mà đem ta cùng với cha mẹ bỏ
chung một giỏ, đủ biết trong lòng nàng coi mình là một người rất thân, từ
nay không thể nào tùy tiện bỏ rơi nàng. Để đến khi nàng khỏi bệnh rồi, ta
sẽ đưa nàng trở về Đại Lý, giao lại cho cha mẹ, lúc đó gánh nặng trên vai
mới trút đi được.
Trên đường, hai người vừa đi vừa nói chuyện. Đến khi A Tử mệt mỏi,
Tiêu Phong liền bồng nàng từ trên lưng ngựa xuống, bỏ vào thùng xe ở
đằng sau cho nàng ngủ. Khi dêm xuống, hai người tìm rừng cây dựng lều.
Cứ như thế mấy ngày liền, đã đến bên bờ đồng cỏ. A Tử đưa mắt nhìn
quanh thấy đại thảo nguyên không bờ không bến, trong lòng hết sức cao
hứng nói:
- Mình nhìn qua hướng tây chẳng thấy đâu là tận cùng, còn như biển
cả mênh mông thì nhìn bốn bề đông tây nam bắc chỗ nào cũng không bờ
không bến.
Tiêu Phong biết A Tử muốn đi sâu vào giữa đồng cỏ, không muốn trái
ý nàng, giơ roi lên quất một cái giục ngựa đi tiếp về hướng tây.
Hai người đi trong đại thảo nguyên mấy ngày liền, quả đến lúc nhìn
chung quanh bốn phía, không còn thấy biên giới dồng cỏ là đâu. Khi đó
vào mùa thu khí hậu mát mẻ, nghe tiếng rì rào, xào xạc thật là dễ chịu.
Trong đồng cỏ những thú nhỏ rất nhiều, Tiêu Phong săn bắt con nào ăn
con đó, không lo không sầu.
Lại đi thêm mấy ngày nữa, hôm ấy đến trưa, nhìn đằng xa thấy có vô
số doanh trướng, lại thêm cờ xí mao tiết, dường như chỗ đóng quân, lại
trông như nơi bộ lạc sống chung với nhau. Tiêu Phong nói:
- Trước mặt đông người lắm, không biết họ đang làm gì, mình đi về
dể khỏi gây thêm rắc rối.
A Tử nói:
- Không! Không! Em muốn đến xem. Hai chân em còn chưa cử động
được, đâu có thể gây rắc rối gì cho anh?
Tiêu Phong cười nói:
- Chuyện rắc rối đâu có phải chỉ do ngươi mà ra, có khi người khác
gây cho mình, ngươi có muốn tránh cũng không được.
A Tử cười nói:
- Thế thì mình đến xem cũng chẳng sao cả.
Tiêu Phong biết cái tính trẻ con thích chỗ náo nhiệt của nàng nổi lên,
nên giục ngựa đi chầm chậm. Trên thảo nguyên địa thế phẳng lì, những
doanh trướng đó từ đằng xa đã nhìn thấy nhưng đi cho tới nơi, lộ trình
cũng không phải ngắn. Đi đến bảy tám dặm rồi, bỗng nghe tiếng kèn
hiệu thổi u u, tiếp theo bụi bay mù mịt, hai hàng nhân mã mở ra, một đội
đi về hướng bắc, một đội phóng về phía nam.
Tiêu Phong hơi kinh hãi nói:
- Không xong, đây là kỵ binh người Khất Đan.
A Tử nói:
- Là người của anh đấy ư? Thế thì hay quá chứ có gì bảo là không
hay?
Tiêu Phong đáp:
- Nhưng ta không biết họ là ai, thôi mình quay về.
Ông ghìm cương ngựa quay đầu, theo đường cũ để trở về. Chưa được
mấy bước, bỗng nghe tiếng trống đánh tùng tùng, lại có mấy đội kỵ binh
Khất Đan nữa xông ra. Tiêu Phong nghĩ thầm: Bốn bề không thấy có
địch nhân đâu cả, không lẽ họ thao luyện tập trận chăng?.
Chỉ nghe tiếng người vang lên:
- Bắn hươu đi! Bắn hươu đi!
Phía tây, phía bắc, phía nam chỗ nào cũng nghe tiếng người giục bắn
hươu. Tiêu Phong nói:
- Thì ra họ vây để săn thú, thanh thế như vậy quả không phải nhỏ.
Ông bèn bồng A Tử đặt lên yên ngựa, ghìm cương đứng ở phía đông
nhìn ra. Chỉ thấy kỵ binh Khất Đan người nào cũng mặc cẩm bào, bên
trong có áo giáp sắt. Cẩm bào màu sắc đội thì đỏ, đội thì xanh, đội thì
vàng, đội thì tím, cờ quạt với áo cùng màu, tới lui nhanh chậm, mã tráng
binh cường trông thật đẹp mắt, Tiêu Phong và A Tử đứng coi mà khen
ngợi thầm. Quân sĩ nghe theo quân lệnh dọc ngang tiến thoái, giơ trường
mâu ra xua hươu, trông thấy Tiêu Phong và A Tử, cũng chỉ liếc một cái
rồi không để ý gì tới nữa. Bốn đội kỵ binh chia ra bao vây bốn bên, dồn
mấy chục con hươu vào giữa. Thỉnh thoảng có một con theo khe hở chạy
được ra ngoài thì lập tức có một toán quân nhỏ đi ra cản, vây thành vòng
tròn đuổi trở lại vào trong.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT