Tôi là Ê-ri là cuốn tự truyện kể lại chuỗi
ngày đầy sóng gió nơi xứ người của một cô gái điếm người Thái Lan. Tác
phẩm là tiếng nói tố cáo những tệ nạn xã hội đẩy nhiều phụ nữ vào cảnh
sống như địa ngục. Đồng thời nó cũng thắp lên hy vọng cho những người
trót lầm lỡ qua thông điệp: Sẽ không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại.
Tuy khai thác mảng đề tài cũ và được viết bởi một người không chuyên, không sử dụng những thủ pháp nghệ thuật đặc biệt nhưng Tôi là Ê-ri đã tạo
được điểm khác biệt khi triển khai cốt truyện từ điểm nhìn của người
trong cuộc, vì thế nó đã được Hội đồng giám khảo đồng thuận trao giải
nhất cuộc thi sáng tác văn học dành cho nữ giới Chommanard lần thứ hai,
2009.
Lời nhà xuất bản
Dự án giải thưởng Chommanard lần thứ hai dành cho sách văn học được hình thành từ ý tưởng của nhà
xuất bản Praphansarn với mong muốn hỗ trợ và đầu tư cho các tác phẩm văn học phi hư cấu (Non-Fiction) của các nữ nhà văn Thái Lan. Các tác phẩm
này được viết dựa trên những câu chuyện có thật, nhờ vậy nó phản ánh
chân thực hình ảnh người phụ nữ Thái Lan dưới nhiều góc độ khác nhau,
trong tương quan so sánh với nam giới. Qua đó giúp độc giả có cái nhìn
mới mẻ và sâu sắc hơn về phụ nữ Thái Lan thời hiện đại.
Dự án đã
nhận được sự quan tâm của nhiều cây viết nữ khiến tác phẩm gửi về khá
phong phú. Ban giám khảo sau khi bình xét, phân tích cuối cùng cũng chọn ra được tác phẩm hay nhất và xứng đáng với giải nhất Chommanard Book
Prize lần thứ hai, thể loại Non-Fiction, đó chính là tác phẩm Tôi là
Ê-ri.
Tôi là Ê-ri là câu chuyện cuộc đời một cô gái điếm Thái
Lan, vì muốn thay đổi cuộc sống khó khăn của gia đình đã quyết định ra
nước ngoài bán thân kiếm tiền. Tuy nhiên, quyết định ấy đã đẩy cô vào
một cuộc đấu tranh khốc liệt để tồn tại.
Sức hút của tác phẩm
không chỉ ở tình huống truyện hấp dẫn mà còn trong những góc nhìn mới về đời sống như hôn nhân gia đình, suy đồi đạo đức, phân hóa giàu nghèo…
hay sự phản ánh chân thực cuộc sống trong tù, cuộc sống ở xóm đèn đỏ…
Bằng cái nhìn của người trong cuộc, tác giả đã đưa độc giả vào những ngóc
ngách đen tối của xã hội, để người đọc đau đớn, cũng để người đọc thán
phục và cảm động trước những con người dưới đáy xã hội đang vươn lên tìm ánh sáng.
Nhà xuất bản Woman Publisher trân trọng gửi đến độc
giả tác phẩm này với hy vọng cách nhìn nhận, đánh giá cuộc sống dưới góc nhìn của phụ nữ sẽ được xã hội thừa nhận. và quan trọng hơn, nó sẽ trở
thành động lực thúc đẩy xã hôi Thái Lan, thúc đẩy văn hóa đọc trong
nước, giúp Thái Lan trở thành xã hội phát triển một cách toàn diện nhất
trong mắt bạn bè thế giới.
Women Publisher
Lời giới thiệu của tác giả
Tôi là Ê-ri là câu chuyện về cuộc đời tôi trong suốt bốn mươi năm qua với
nhiều biến cố đến mức đã có lúc tôi cảm thấy câu chuyện của mình giống
như trong tiểu thuyết. Nhưng thực sự, tôi không hề thêm bớt hay hư cấu
bất kỳ một chi tiết nào. Đôi khi tôi còn cảm thấy xấu hổ vì đã đem
chuyện riêng tư của mình kể cho người khác. Điều này chẳng khác gì tự
bêu xấu. Nhưng cuối cùng tôi nhận ra, qua câu chuyện về đời mình tôi
muốn nói cho cả thế giới biết rằng: “Trên đời này còn có nhiều điều mà
bạn cần phải biết và còn có những điều khiến bạn phải thốt lên: Chuyện
này cũng có thể xảy ra được sao? Nó có thật sao?”
Tôi không mong
ước sẽ giành được giải thưởng cao nhất, chỉ là hiện tại tôi đang thất
nghiệp và muốn trở thành người lương thiện như bao người khác, muốn bỏ
lại quá khứ đen tối sau lưng. Nhưng tôi cũng không chắc sẽ dừng lại như
thế này được bao lâu và sẽ còn phải lên đường nữa hay không?
Thanadda SawangdueanLời người dịch
Tôi đã từng đọc nhiều tác phẩm văn học của Thái Lan, nhưng có lẽ Tôi là
Ê-ri là một trong những tác phẩm để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc
về cuộc sống chân thực của một góc xã hội Thái Lan thông qua những biến
cố cuộc đời của một cô gái điếm.
Mại dâm không phải là một đề tài mới mẻ trong văn học, đã có nhiều tác giả viết về đề tài này, nhưng Tôi là Ê-ri là tác phẩm đầu tiên do chính người trong cuộc viết. Có nhiều
sự thật được tác giả can đảm hé mở mà đôi khi chúng ta thường chỉ nhìn
nhận chúng một cách phiến diện chứ không thật hiểu rõ về cảm xúc của
người trong cuộc. Chính vì thế, tác phẩm ngoài phản ánh cuộc sống chân
thực của những cô gái điếm đằng sau những ánh đèn mờ lấp lánh mà còn thể hiện được tâm tư, tình cảm và cách suy nghĩ của họ.
Ê-ri sinh ra và lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, thiếu đi sự quan tâm
chăm sóc của bố mẹ. Vì hoàn cảnh khó khăn, vì cám dỗ của cuộc sống và
thiếu đi sự định hướng của gia đình đã biến Ê-ri từ một cô bé ngây thơ
trở thành một gái bán dâm chuyên nghiệp, khiến cuộc sống của cô phải
trải qua muôn vàn những khó khăn, thử thách và đôi khi còn phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Nhưng tận sâu trong trái tim cô vẫn luôn thắp
sáng thứ tình cảm trong sáng của một trái tim nhân hậu, tràn đầy yêu
thương và luôn khát khao một cuộc sống mới tươi đẹp.
Nhắc đến
Thái Lan người ta thường nghĩ đến một đất nước nổi tiếng về du lịch và
các dịch vụ về tình dục. Mại dâm cũng không phải là nghề mới mẻ đáng
ngạc nhiên ở xứ sở này. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những quán bar, những nhà hàng đèn mờ với đầy rẫy những cô gái ăn mặc mát mẻ đứng mời chào
dưới những ngọn đèn xanh đỏ. Lối sống hiện đại, phóng khoáng của phương
Tây đang dần dần ngấm sâu vào xã hội Thái Lan để thay thế dần những giá
trị văn hóa truyền thống. Người Thái cũng đang dần có cái nhìn dễ dãi
hơn về tình dục, mại dâm cũng được coi là một trong những nghề kiếm sống giống như nhiều nghề nghiệp khác. Sự hấp dẫn của những ánh đèn mờ, sự
dễ dãi trong nhận thức về xã hội của giới trẻ đã khiến nhiều cô gái trẻ
sa chân vào vòng xoáy của tội lỗi. Vì thế, không chỉ có riêng mình Ê-ri
mà còn có rất nhiều cô gái Thái khác vẫn đang ngày đêm đánh đổi thân
xác, tuổi trẻ và cuộc sống của mình để có được những đồng tiền tội lỗi.
Tôi hy vọng thông qua câu chuyện này, người đọc sẽ có cái nhìn thông cảm
hơn cho những số phận trót lỡ dấn thân vào vũng bùn nhơ nhớp cũng như sẽ là một bài học cảnh tỉnh cho những cô gái trẻ sống buông thả. Chúng ta
không thể lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể lựa chọn cách mình
sống.
Vì tác giả không phải một cây bút chuyên nghiệp, không được đào tạo bài bản về kỹ năng viết nên giọng văn trong cuốn sách này khá
đơn giản, nhiều khi còn ngô nghê, lặp ý, lặp câu chữ khá nhiều, nhưng
tôi hy vọng bạn đọc có thể thấy được điều quan trọng hơn tất cả ở đây là sự chân thật và lòng can đảm của tác giả khi đã dám viết rất thật những suy nghĩ, cảm xúc của mình cũng như sự thật về cuộc sống của các cô gái bán dâm.
Cuốn sách có hai phần, ở Thái Lan được xuất bản riêng
thành hai tập, ở đây được gộp chung lại cho bạn đọc tiện theo dõi. Phần
hai nói cụ thể hơn về cuộc sống trong những nhà tù tác giả từng bị bắt
giam mà ở phần một chưa được nói rõ, tuy phần này không nằm trong phần
truyện chính được trao giải thưởng Chommanard nhưng cũng rất đáng đọc và để lại nhiều suy ngẫm cho chúng ta.
Dịch giả: Thanh Xuân
Lời đề tặng
Xin gửi tặng những người bạn có cùng số mệnh.
Đặc biệt là những phạm nhân nữ đang phải ngồi tù một cách không công bằng. Mong các bạn đừng vội bỏ cuộc.
Nỉnh hy vọng rằng cuốn sách này, không ít thì nhiều, sẽ có thể thay lời giãi bày mà các bạn vẫn hằng ấp ủ.
Ra vào khu đèn đỏ
Trốn học giúp nước
Lúc đó tôi năm tuổi
và đã có thể nhớ được chuyện của mình. Điều kiện gia đình tôi chỉ ở mức
trung bình nếu không muốn nói là khá nghèo. Tôi có tất cả bốn anh chị
em. Anh trai cả tên là anh Tông, chị thứ hai tên là Chiếp và chị thứ ba
tên là Cày. Tôi là con út. Khi tôi lên năm tuổi, ông Lek và bà Lek, vốn
là em của ông bà nội, thường đến đón tôi về nhà nuôi vì họ không có con
gái. Quên không nói, nhà tôi ở Bangkok. Ông bà Lek có ba người con trai
đều đã lớn. Cả ba là chú họ nhưng tôi vẫn gọi là anh, gồm có anh Nùm,
anh Thui và anh Côn. Ba người này đều không thích tôi. Họ ghen tị vì ông bà yêu quý tôi hơn. Ông bà bán hàng tạp hóa ở chợ Wat Khru Nai[1]. Còn
nhà tôi ở gần Wat Thung Khru[2], cách nhau không xa.
[1] Wat Khru Nai: Tên một ngôi chùa ở tỉnh Samut Prakan thuộc miền Trung Thái Lan.
[2] Wat Thung Khru: Ngôi chùa ở quận Thung Khru, Bangkok, Thái Lan.
Bố tôi là thợ mộc, làm việc cho một công ty gần Wat Khru Nai. Ông rất
thích uống rượu và gần như ngày nào cũng say. Khi say, ông thường cãi vã với mẹ. Mẹ tôi làm việc cho một nhà máy dệt. Tiền lương của cả bố và mẹ cộng lại cũng không đủ tiêu vì bố hay uống rượu, nghiện cờ bạc, có vợ
bé và hai đứa con trai riêng.
Ông bà Lek rất thương tôi. Mỗi khi
tôi nhớ bố mẹ, ông bà lại lái xe đưa tôi về, còn mang cả gạo, đồ khô cho nhà tôi. Ông bà vẫn làm như vậy cho đến khi tôi lên bảy và bắt đầu đi
học. Từ đó trở đi, tôi chỉ đến ở với ông bà lúc nghỉ hè hoặc nghỉ giữa
kỳ. Tuy vậy khi vào năm học mới, ông bà vẫn chu cấp tiền tiêu vặt và mua đồ dùng học tập cho tôi.
Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu nhận thức được sự nghèo khổ của gia đình, nỗi vất vả của bố mẹ. Tôi thường xuyên
chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau mỗi khi bố uống rượu say trở về nhà lúc
đêm khuya. Tiếng cãi vã của họ rất lớn. Sáng hôm sau trên đường đến
trường, người trong làng thường trêu tôi: “Bố mẹ mày tối qua lại diễn
cải lương hả?”. Mới đầu tôi cũng không nghĩ gì, nhưng lâu dần tôi bắt
đầu thấy ngượng khi có người hỏi như vậy. Mẹ tôi là một người phụ nữ rất đáng thương. Đi làm có bao nhiêu tiền mẹ đều dành dụm mang về mua thức
ăn cho lũ con và trả nợ cho người ta. Còn bố khi vừa nhận được tiền
lương là vội đi tìm mấy ông bạn nhậu và bà vợ bé. Bố thường xuyên không
về nhà để đến ở với bà ta. Mẹ tôi phải gánh vác gia đình một mình, đêm
nào mẹ cũng khóc. Tôi thấy thương mẹ lắm. Nhiều lần, mấy mẹ con tôi phải nhịn đói, không có gì để ăn vì bố không về nhà nhiều ngày. Mẹ tôi phải
muối mặt sang nhà hàng xóm vay gạo về nấu cơm, hái rau muống, xào cho
chúng tôi ăn. Như thế thì gọi là nghèo có đúng không nhỉ? Tôi may mắn
hơn vì được ông bà giúp đỡ nuôi nấng, thậm chí nhiều lần còn được cho
gạo và đồ khô mang về cho gia đình.
Một ngày, tự nhiên bố lôi bà
vợ bé về nhà ở cùng với mẹ con tôi. Tôi không thể hiểu sao bố lại làm
như vậy. Thời gian đầu bố áp dụng phương pháp ngủ luân phiên với mẹ một
đêm, vợ bé một đêm. Lâu dần, bà vợ bé muốn bố ngủ hẳn với bà ta. Bố bèn
thỏa thuận với mẹ sẽ ngủ chung cả ba người. Vậy mà mẹ cũng đồng ý. Tôi
thấy thương mẹ lắm. Tôi thường xuyên thấy cảnh bố làm nhiều điều không
phải với mẹ nhưng mẹ luôn nhẫn nhịn. Thế rồi họ cũng không thể chịu được nhau. Cả ba lại chia ra ngủ luân phiên mỗi người một đêm như trước. Vợ
bé của bố rất độc ác. Bà ta sống với chúng tôi khoảng hai, ba năm thì
chuyển ra ngoài ở bởi tính tình ngày càng trở nên quá quắt. Khi bà ta
chuyển đi, tôi cảm thấy rất vui mừng vì không phải thấy cảnh mẹ tủi khổ
nữa.
Lên lớp năm, lớp sáu, tôi đã hiểu cuộc sống nhiều hơn một
chút. Ông bà Lek vẫn đối xử tốt với tôi như xưa. Hồi đó, nhà tôi không
có ti vi, nếu muốn xem phim phải đi bộ khá xa đến nhà hàng xóm xem nhờ.
Ngày ấy chưa có đường dây điện mặc dù nhà tôi sống ở ngay thủ đô
Bangkok, khu Wat Thung Khru nhưng vẫn nghèo nàn chẳng khác gì ở nông
thôn. Nhà tôi không có tiền mắc dây điện nên vẫn phải dùng đèn dầu. Tôi
cứ thắc mắc mãi rằng tại sao gia đình mình lại nghèo khổ đến thế? Tôi
muốn nhà tôi cũng có điện, có ti vi, có mọi thứ như nhà người ta, nhưng
điều đó sẽ không thể thành hiện thực bởi bố tôi còn có nhiều mối lo toan khác cộng thêm việc bố lại rất nghiện cờ bạc. Gia đình tôi nghèo đến
mức nhiều lúc không có gì mà ăn nhưng tôi và các anh chị cũng không cảm
thấy buồn bởi khi đó chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ. Không có thức
ăn, chúng tôi lấy đường hoặc lấy mỡ trộn với cơm ăn. Điều này trở thành
niềm hạnh phúc của lũ trẻ chúng tôi, nhưng mỗi lần nhìn thấy cảnh ấy mẹ
lại khóc.Học tới lớp năm, lớp sáu, tôi bắt đầu có người yêu giống như
các bạn, nhưng đó chỉ là tình yêu kiểu trẻ con. Tôi không hiểu gì hết,
chỉ thấy các bạn có người yêu thì mình cũng phải có. Tuy nhiên, chúng
tôi chưa từng đi quá giới hạn. Anh cả tôi là người rất nghiêm khắc. Tôi
sợ anh còn hơn cả sợ bố mẹ. Nếu tôi cãi nhau với chị gái thứ ba, dù tôi
đúng hay sai, anh tôi đều sẽ đánh tôi trước bởi tôi rất bướng. Còn chị
gái tên Cày của tôi lại vô cùng hiền lành. Nhiều lúc có cảm giác chị
không phải là người bình thường, nhưng cũng không đến mức ngớ ngẩn. Chị
thứ hai tên Chiếp, có phong cách tomboy, là người khá tốt bụng, rất ít
khi quát mắng tôi. Chị ấy còn có người yêu là con gái. Chị ấy như thế từ nhỏ, đến lúc lớn cũng không hề thay đổi. Hồi nhỏ, chúng tôi sống khá
nghèo khổ nhưng đó là sự nghèo khổ một cách sung sướng theo quan niệm
của riêng tôi. Lên lớp năm, tôi chuyển đến ở hẳn với ông bà vì bố mẹ
không có tiền cho tôi đi học. Tôi càng lớn, ba người con của ông bà càng ghét tôi. Họ sai tôi làm đủ mọi việc từ giặt quần áo cho cả nhà, nấu
cơm, lau nhà, rửa bát và hàng ngày còn phải giúp ông bà bán hàng ở chợ.
Hôm nào không chịu được, tôi trốn về ở với bố mẹ. Nghỉ hè năm đó, ông bà mang rất nhiều đậu đen và đậu tương cho gia đình tôi. Vì muốn có tiền
nên tôi lấy đậu tương làm nước bán. Hồi đó còn nhỏ nên tôi làm nước đậu
rất dở, vậy mà cũng có khách mua. Tôi rất vui vì bán được tiền mà không
phải mua nguyên liệu. Có tiền, tôi tích lại, đến khai giảng mua bánh kẹo bán cho các bạn trong trường. Tôi làm vậy là vì muốn có tiền và cũng vì tôi là người thích buôn bán. Để có tiền tiêu, tôi chấp nhận làm bất cứ
việc gì mà người ta thuê chỉ với giá năm, mười bạt. Nhưng thế cũng có
thể coi là nhiều vào những năm 1978 – 1979.
Năm lớp sáu, tôi có
một người bạn thân tên là Cung. Hàng ngày đi học, tôi đều phải đi bộ qua nhà cậu ấy. Quãng đường đến trường dài gần hai cây số. Nếu lên xe bus
tôi sẽ phải trả khoảng bảy mươi lăm sa-tăng[3] tiền vé. Lần nào ra nhà
Cung tôi cũng rẽ vào chơi vì tôi thầm thích bạn của cậu ta. Vì vậy, ngày nào tôi cũng về nhà muộn. Vừa về đến nhà tôi đã bị anh trai mắng, nhiều lúc còn bị đánh. Tôi rất sợ anh Tông, bị anh đánh nhiều nhưng cũng
không chừa.
[3] 1 bạt = 100 sa-tăng = 650 VND.
Tôi đang
học lớp sáu thì bố xin đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập. Từ đó, cuộc sống
gia đình tôi cũng bớt khó khăn hơn. Anh em tôi có tiền đi học, nhà cũng
có điện để dùng. Lúc về thăm nhà bố còn mua cả ti vi và đài quay băng
nữa. Bọn trẻ chúng tôi rất vui mừng vì được xem ti vi dù chỉ là ti vi
đen trắng. Bố thường về thăm gia đình hai năm một lần. Nhưng đến lần
sang Ả-Rập thứ hai bố quay ra chơi cờ bạc và ít khi gửi tiền về nhà,
chúng tôi lại trở nên thiếu thốn. Nhiều lúc hàng hai, ba tháng liền bố
không gửi tiền về nhà vì thua bạc. Mẹ tôi lại phải vất vả tìm việc làm.
Chúng tôi nợ hàng xóm rất nhiều tiền. Ngoài ra, mẹ còn vay tiền chơi hụi của các cửa hàng về tiêu trước, lâu không có tiền trả thì họ cũng không cho vay nữa. Mẹ tôi đành phải đi giúp việc cho gia đình người ta để trừ nợ dần. Nhiều lúc họ cũng cho mẹ thức ăn mang về. Đồ đạc trong nhà, ti
vi, đài mẹ tôi đều phải mang đi cầm cố. Đừng nói là tiền ăn, đến tiền
điện cũng không có mà trả nên bị họ đến cắt điện. Chúng tôi đều cảm thấy rất buồn vì bố và không biết phải tìm lối thoát ra sao. Một hôm, mẹ
mang về từ đâu không rõ rất nhiều vỏ bao xi măng. Mẹ bảo chúng tôi gấp
thành túi giấy mang đi bán. Thế là tất cả mọi người trong nhà cùng giúp
nhau gấp túi giấy. Hồi đó chưa có túi nilon, túi giấy mà mẹ gấp dùng để
đựng hoa quả, đựng gạo. Hôm nào mẹ mang túi đi bán là chúng tôi sẽ được
ăn một bữa ngon, cũng không hẳn là sang lắm nhưng vẫn còn hơn việc suốt
ngày phải ăn rau muống. Trước kia, chúng tôi rất ít có cơ hội được ăn
hoa quả. Một quả sầu riêng rất đắt. Tôi cũng chưa từng được ăn một quả
táo nào. Chuyện mua một quả sầu riêng hay táo về ăn quả là sự kiện lớn.
Tôi nhớ có lần mẹ mua hai bát hủ tiếu về nhưng nhà có đến năm người nên
phải lấy cơm ăn cùng với hủ tiếu mới đủ. Tôi phải sống như vậy suốt mười năm và tự hỏi không biết đến khi nào gia đình mình mới có ăn, có mặc?
Nhiều lần tôi với chị Cày còn rủ nhau đi hái rau muống, rau bầu, bán
được bốn mươi, năm mươi bạt chúng tôi đều đưa mẹ mua thức ăn và để dành
đóng học.
Tôi còn nhớ mỗi khi đến kỳ nghỉ hè, các con của chú -
em ruột của bố - tên là Ót và Ét đều đến nhà tôi chơi. Ót là con trai
còn Ét là con gái. Cả hai đều có chung họ với tôi bởi vì chúng tôi là
chị em họ con chú, con bác. Ót lớn hơn tôi hai tuổi. Tôi cảm thấy mình
thích Ót như thích người yêu, nhưng vì còn là trẻ con nên chưa nghĩ đến
chuyện chúng tôi là chị em họ. Tôi chỉ nghĩ rằng mình chẳng làm điều gì
ghê gớm và sai trái cả. Đó chỉ là cảm nhận của một đứa trẻ, ngoài ra tôi không hề nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Với lại, có lẽ tại vì năm nào
chúng tôi cũng gặp nhau, từ nhỏ đến lớn nên phát sinh tình cảm gắn bó.
Nhà Ót cũng ở tỉnh Nakhon Sawan, ngay gần đây thôi.
Tôi còn có
một chị họ khá thân, là con bác gái - chị của bố tôi - tên là Sỉ-pray.
Trong mắt tôi, Sỉ-pray rất xinh xắn, đáng yêu. Tôi ghen tị với Sỉ-pray
vì chị ấy được nhiều con trai thích. Thực ra, Sỉ-pray bằng tuổi tôi
nhưng vì nghỉ học sớm nên trông chị phổng phao hơn hẳn. Chị biết cách ăn mặc, trang điểm, trái ngược hẳn với tôi - không dám trang điểm, đến son môi cũng không được phép tô bởi chắc chắn anh tôi sẽ đánh. Đi chơi với
Sỉ-pray, bọn con trai toàn tán tỉnh chị ấy, tuyệt nhiên không có một đứa nào để ý đến tôi vì trông tôi rất xấu xí. Đến cả Ót cũng tỏ ra thích
Sỉ-pray hơn. Thế nên tôi luôn thầm ghen tị với chị ấy. Khi Sỉ-pray vào
làm việc cho một nhà máy dệt, trông chị lại càng ra dáng thiếu nữ. Trong khi đó, tôi vẫn còn là một cô bé học lớp sáu.
Tôi học lớp bảy
tại trường Phuttha Bucha Witayakom, gần khu vực Bang Mod. Trong thời
gian đi học, tôi thường mang bánh kẹo đến trường bán. Có lúc, tôi còn
bán hoa hồng thủy tinh do anh Thui, con trai của ông bà Lek tự làm. Hồi
đó, loại hoa hồng làm bằng thủy tinh, bên trong có màu óng ánh đẹp mắt
rất được ưa chuộng. Gần đến ngày Valentine, tôi mang hoa đến bạn cho các bạn ở trường. Nếu bán được anh ấy sẽ chia phần trăm cho tôi mỗi bông
hai bạt. Tuy nhiên, nhiều lần tôi cũng bị giáo viên bắt và tịch thu hết
hàng. Điều đó có nghĩa là tôi bị lỗ vốn.
Tôi vẫn nhớ năm lớp bảy, ngày nào tôi cũng bị giáo viên đánh vì tội ăn mặc sai nội quy. Giáo
viên sẽ kiểm tra việc ăn mặc của từng học sinh từ đầu đến chân, mỗi ngày sáu lần, ngày nào cũng kiểm tra. Tôi hay bị ăn roi vì lúc thì tóc tôi
ngắn quá, lúc thì cổ áo dài quá, áo ngắn quá hở cả lưng, váy ngắn quá
hay bít tất không gấp lại được. Tuy thế tôi vẫn không sợ. Tôi là đứa
thích làm trái nội qui. Tôi không thích kiểu chỉn chu, lạc hậu, thiếu
sáng tạo bởi tôi là đứa thích ăn mặc kiểu cách!
Ngoài việc bị
giáo viên đánh ở trường, ngày nào về đến nhà gặp lúc anh tôi đang bực
dọc là thế nào cũng bị quát mắng vì tội ăn mặc không tử tế.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT