Lại nói chuyện Hùng vương bị giam cấm trong tám năm trời, mà không hề oán
giận một câu gì. Ngày nay thái hậu lâm triều vẫn định tức khắc ân xá cho Hùng vương, nhưng Mạnh Lệ Quân vương phi tâu xin hãy xét đoán tội ác
của Mã Thuận và Đồ Man Hưng Phục trước, vì thế mà Hùng vương lại phải
chậm mất mấy ngày chưa được ân xá.
Khi xét đoán tội ác của Mã
Thuận và Đồ Man Hưng Phục xong. Mạnh Lệ Quân vương phi tâu xin thái hậu
tuyên bá cho thần dân biết rằng Hùng vương vốn người trung thành, chứ
thật không phải có lòng phản nghịch. Hùng vương nghe được tin ấy mừng rỡ mà rằng:
- Nếu vậy thì Mạnh vương phi thật là tài cao trí rộng.
Việc cứu cho vợ chồng ta khỏi chết, chưa lấy gì làm lạ, chứ việc rửa
được tiếng oan cho vợ chồng ta thì ơn ấy dẫu mai sau ngậm vòng kết cỏ
cũng chưa đủ báo đền.
Vệ Dũng Nga vương phi cũng gạt nước mắt mà rằng:
- Phu quân ơi! Bây giờ tôi trông thấy mạnh vương phi thì tôi biết nói làm sao cho được! Xót thương thay năm xưa ở chốn pháp trường ba mẹ con
vương phi khóc than kể lể, mà tôi thì cứ oán trách nọ kia. Ai ngờ trong
lòng Mạnh vương phi vốn đã có mưu kế từ ấy.
Hai vợ chồng Hùng vương đang cùng nhau trò chuyện thì Phạm lão bà đến, tươi cười hớn hở mà thưa rằng:
- Tôi xin có lời chúc mừng vương gia và vương phi. Chỉ trong một vài hôm
nữa đã được thoát khỏi nơi ngục thất này. Lần lần tháng trọn ngày qua mà thành ra ở đây đã tám năm trời vậy. Vương gia và vương phi ơi! Tôi có
đứa con trai tên gọi Phạm Kim, xin vương phi làm ơn cho ra theo hầu hạ
tại nơi vương phủ, để khỏi đến nỗi làm nghề đầu trâu mặt ngựa ở trong
ngục thất này. Than ôi! Cái nghề đầu trâu mặt ngựa kiếm được đồng tiền
phân bạc, còn gì là chút lương tâm! Vậy tôi muốn xin cho nó vào hầu hạ
vương gia và vương phi thì già này cũng được đành lòng yên dạ.
Vệ Dũng Nga vương phi nói:
- Mụ vốn có lòng tử tế với ta trong mấy năm nay, ngày nay vợ chồng ta được ra thì làm gì mà chẳng bao dung cho một đứa con mụ!
Phạm lão bà nghe nói mừng rỡ xiết bao, lại vội vàng đứng dậy hầu hạ cơm
nước. Vợ chồng con cái nhà họ Hùng cùng ngồi lại ăn cơm, Hùng Khởi Thần
kể lể những nông nỗi sau khi tương biệt. Khi thuật đến chuyện nàng Văn
Cơ thì Hùng Khởi Thần không khỏi có ý giấu diếm một đôi chút., trước là
sợ thân mẫu nghe chuyện mà tức giận, sau là sợ Phi Loan quận chúa lại
đem lòng nghi ngờ cho mình chăng, vậy nên cứ hàm hồ không dám nói hết
lời, chỉ nói là nàng Văn Cơ bị bắt mà thôi. Mãi đến buổi tối Hùng Khởi
Thần mới nói riêng cho cha mẹ nghe. Vệ Dũng Nga nghe nói căm tức bội
phần mà rằng:
- Nếu vậy thì Vệ Dũng Bưu thật không phải giống
người! Dung túng cho đứa tiểu thiếp và đứa tiện nữ làm càn như vậy thì
gia thanh họ Vệ còn ra thế nào! Xưa nay ta vẫn oán trách nhà họ Mạnh
dung túng con gái làm càn, ai ngờ con gái họ Vệ lại bội phần nhơ nhuốc.
Con Phi Giao chẳng qua chỉ lộng quyền chuyên chính, chưa đến nỗi điếm
nhục khuê phòng, còn như con Văn Cơ này thì thất tiết phạm gian, lại là
vợ đứa phản nghịch, trăm phần hổ thẹn, ta còn mặt mũi nào trông thấy
Mạnh Lệ Quân vương phi nữa.
Hùng vương cũng thở ngắn than dài, Hùng Khởi Thần lại tìm lời khuyên giải hai thân. Hùng Khởi Thần nói:
- Nàng Văn Cơ là con một người tiểu thiếp, hà tất hai thân phải phiền
lòng. Huống chi cữu phụ con cũng lấy việc này làm căm tức vô cùng, lúc
thì toan cắt tóc đi tu, lúc thì toan liều mình tự tử. Vả việc này thật
bởi con mà sinh ra rắc rối, vậy khi hai thân có giáp mặt với cữu phụ
con, cũng chớ nên oán trách làm chi.
Đang nói chuyện thì bỗng thấy Phạm lão bà bước vào, nét mặt tươi cười mà rằng:
- Tôi xin chúc mừng vương gia và vương phi! Thái hậu đã ban chiếu thư
đến. Mạnh vương phi, Hoàng Phủ phò mã và hai quốc cữu đã đem ngựa xe đến đón, trống giong cờ mở, huyên náo lạ thường! Tôi đến chực đây, chỉ cốt
xin vương gia cho đứa con tôi theo vào nơi vương phủ để sau này được làm một chức quan nhỏ vậy.
Vệ Dũng Nga vương phi cầm lấy tay mà bảo rằng:
- Phạm lão bà ơi! Hai mẹ con mụ tử tế với ta bấy lâu, ta rất lấy làm cảm
tạ. Nhưng ta cùng vương gia ra chuyến này, đã quyết cáo về thì còn làm
thế nào mà bổ quan chức được cho con mụ. Vậy ta sẽ thưởng tiền bạc cho,
đã có tiền bạc, sau này muốn có quan chức cũng chẳng khó chi!
Nói chưa dứt lời thì bỗng thấy cửa ngoài lũ lượt kéo vào, nào Mạnh Lệ Quân
vương phi, nào Tô Ánh Tuyết phu nhân, nào Lưu Yến Ngọc phu nhân. Vệ Dũng Nga vương phi không đợi cho vào tới nơi, vội vàng chạy ra cầm lấy tay
Mạnh Lệ Quân vương phi mà bảo rằng:
- Mạnh vương phi ơi! Năm
trước tôi oán trách vương phi ở chốn pháp trường, thật là tôi kiến thức
hẹp hòi quá, ngày nay nghĩ lại, mới biết vương phi trí rộng tài cao!
Vương phi đã làm ơn cho vợ chồng tôi nhiều lắm, nào giải tỏ tình oan cho vợ chồng tôi, nào chữa bệnh điên cho con gái tôi. Lệnh lang thì cứu
được hoàng tử ở trong cung ra, lệnh ái thì cam chịu đắng cay ở nơi ngục
thất. Vương phi đem tài lược nữ anh hùng mà phò vua giúp nước, còn hai
vợ chồng tôi dẫu rằng trung thành, nhưng bẩm tính ngu ngốc, thì bấy lâu
giam cấm thiết tưởng cũng chẳng đáng thương!
Vệ Dũng Nga vương
phi vừa nói xong, vừa khóc vừa sụp lạy, Mạnh Lệ Quân vương phi cũng nước mắt chứa chan, liền quì xuống đất mà đáp rằng:
- Vệ vương phi
ơi! Vương phi dạy quá lời, tôi đây thật là thiên thu tội nhân vậy. Trong bấy nhiêu năm trời nay, tôi uổng phí bao nhiêu tâm quyết, trước là muốn báo ơn triều đình, sau là muốn trả nghĩa vương phi đó. Ngày nay đại sự
đã gần yên ổn, chỉ có thượng hoàng chưa biết tông tích ở đâu, phu quân
tôi đi tìm thượng hoàng cũng chưa thấy về. Bây giờ mời vương gia và
vương phi ra đứng làm thạch trụ cho triều đình, còn tôi và các con tôi
sẽ xin cáo quan trở về, rồi chia nhau đi khắp góc bể chân trời, họa may
tìm thấy thượng hoàng thì tội của Mạnh Lệ Quân này mới giảm bớt được đôi chút.
Phi Loan quận chúa cũng khóc mà sụp lạy. Tô Ánh Tuyết phu nhân và Lưu Yến Ngọc phu nhân liền cầm lấy tay mà rằng:
- Phi Loan con ơi! Xót thương cho con bấy lâu nay luống cam chịu trăm chiều cực khổ!
Mạnh Lệ Quân vương phi lại càng đau xót bội phần, ôm lấy Phi Loan quận chúa mà nức nở khóc, vừa khóc vừa nói:
- Phi Giao mày hỡi mày! Ta nghĩ bao nhiêu lại càng căm tức bấy nhiêu! Tội của Mạnh Lệ Quân này, biết bao giờ mà rửa cho sạch!
Bấy giờ nàng Hạng Ngọc Thanh ẵm tiểu công tử ra chào. Mạnh Lệ Quân vương phi và hai phu nhân đều kinh ngạc mà rằng:
- Ta không ngờ nàng lại là một người nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần như thế!
Nàng Hạng Ngọc Thanh sụp lạy. Mạnh Lệ Quân vương phi sai người đỡ dậy mà bảo rằng:
- Nương tử ơi! Nương tử thật là một bậc kỳ nữ thế gian hiếm có! Chịu ngậm đắng nuốt cay để giữ trọn hai chữ “Tiết nghĩa” chẳng qua cũng vì vương
gia và vương phi có lòng trung thành, cho nên trời sai một người kỳ nữ
xuống để sớm khuya hầu hạ vậy.
Mạnh Lệ Quân vương phi trông thấy tiểu công tử mặt mũi khôi ngô, cũng xúc động trong lòng, rồi ứa nước mắt khóc mà rằng:
- Vệ vương phi ơi! Vương phi đã có cháu lớn, mà các con tôi thì phần
nhiều vẫn còn phòng không, nhất là Triệu Lân lại càng đáng thương, mới
ngần ấy tuổi mà trên đầu đã điểm tóc bạc. Rút lại thì chỉ bởi tội ác của Mạnh Lệ Quân này để di lụy đến con cái!
Khi xe Hùng vương ở trong ngục ra, người xem đông như kiến cỏ, già trẻ lớn bé, ai nấy đều trỏ mà bảo nhau rằng:
- Ngày nay Hùng vương được ra mà Mã Thuận và Đồ Man Hưng Phục thì phải
vào ngục, đạo trời báo ứng rất ghê, chỉ trong vòng mười năm, đã trông
thấy sự kết quả.
Phò mã Triệu Câu và hai quốc cữu nghe được câu ấy đều thở dài mà than rằng:
- Nếu Hùng vương không phải là người hiền đức thì khi nào nhân dân trong nước lại có những câu nói như thế!
Hùng vương vào ngồi trong một thư viện, kể lể những câu chuyện về trước. Mỗi khi nói đến chuyện quân thượng thì ai nấy đều hai hàng nước mắt chảy
xuống ròng ròng. Hùng vương lại thở dài mà than rằng:
- Xót
thương cho Hùng Hiệu này năm xưa cũng ngu ngốc quá, sao không biết bỏ
quan đi tìm thượng hoàng. Hễ tìm thấy thượng hoàng về là một cái may cho nước nhà, mà không tìm thấy thì chẳng thà liều thân ở nơi quê người đất khách!
Phò mã Triệu Câu và hai quốc cữu nghe nói, lại động lòng thương xót mà giọt châu lã chã khôn cầm.
Bỗng thấy một đứa tiểu đồng hoảng hốt chạy vào báo rằng:
- Dám bẩm vương gia! Có quan nội giám Lăng Mậu đến nói là Mạnh vương phi
bị bệnh, đã sắp đưa về đây, xin mời phò mã và hai quốc cữu ra để thưa
chuyện.
Phò mã Triệu Câu vội vàng ra tiếp kiến nội giám Lăng Mậu, Lăng Mậu trông thấy phò mã Triệu Câu, liền đệ trình một tờ biểu chương
mà nói rằng:
- Dám bẩm phò mã! Đây là tờ biểu tạ ân của Phi Giao
hoàng hậu trong khi từ trần đó. Khi thái hậu xem xong, cầm trao cho Mạnh vương phi, Mạnh vương phi trông thấy, bỗng thổ huyết ra, rồi ngất người đi mà ngã xuống đấy. Hai vị phu nhân cùng tả cung hoàng hậu đều xúm lại nâng đỡ. Gia Tường công chúa tâu thái hậu xin đưa Mạnh vương phi về
tịnh dưỡng tại phủ phò mã, vậy nay đã sắp về tới đây. Phò mã ơi! Tôi
nghĩ càng căm tức cho Phi Giao hoàng hậu, bấy lâu nỡ lòng nào mà giam
cấm thái hậu cùng Mạnh vương phi. Ngày nay Phi Giao hoàng hậu phải vào
lãnh cung thật đã đáng kiếp! Phi Giao trông thấy tôi đến, liền hỏi: “Có
chiếu thư đến đó phải không?” Tôi đáp: “Thái hậu có chiếu thư đến,
truyền cho lệnh bà nên tự tận.” Trời ơi thế mà Phi Giao hoàng hậu nét
mặt vẫn không hề biến đổi. Thiên tử thì vật mình lăn khóc, lại ôm lấy
Phi Giao hoàng hậu mà rằng: “Hoàng hậu ơi! Vì trẫm mà di lụy đến hoàng
hậu! Chẳng thà ngày nay cùng chết cho rồi!” Phi Giao hoàng hậu sai hai
người cung nữ vực thiên tử sang phòng bên cạnh, rồi ngồi viết tờ biểu tạ ân giao cho tôi. Lại chỉnh tề mũ áo, trước lạy tạ thượng hoàng và thái
hậu, sau nghoảnh lại phòng bên lạy tạ thiên tử, rồi lạy đến cha mẹ. Khi
lạy xong,bấy giờ mới khóc òa lên mà daăn tôi nói với phò mã rằng: “Mấy
câu phò mã khuyên bảo năm trước, ngày nay dẫu về nơi chín suối, vẫn còn
ghi nhớ trong lòng". Phi Giao hoàng hậu lại dặn các cung nữ rằng: “Các
con nên chăm chỉ hầu hạ thiên tử, đợi khi thượng hoàng về triều thì các
con sẽ được theo thiên tử ra khỏi chốn lãnh cung này. Hễ thiên tử có
tưởng nhớ đến ta thì các con nên tìm lời khuyên giải, nói là tội ta đáng chết”. Phò mã ơi! Phi Giao hoàng hậu dặn bảo xong thì đuổi mọi người
ra, đóng chặt cửa lại, rồi dùng cái khăn là mà thắt cổ tự tử. Tôi đem tờ biểu về dâng thái hậu, thái hậu xem xong trao cho mọi người xem, ai nấy đều ứa nước mắt khóc. Mạnh vương phi nghe xong tờ biểu thì thổ huyết mà ngất người đi. Tả cung lại càng kinh hoảng bội phần, tâu xin thái hậu
tức khắc cho triệu quốc cữu Triệu Lân vào cung để chữa thuốc, Gia Tường
công chúa thì tâu xin được ra tịnh dưỡng tại phủ phò mã. Thái hậu chuẩn y lời tâu của Gia Tường công chúa. Tả cung hoàng hậu khóc mà tâu rằng:
“Thần thiếp chịu ơn nghĩa mẫu, chưa báo đáp được tý gì, trong lòng nghĩ
lấy làm áy náy. Việc này khởi hấn tự thần thiếp, nếu thần thiếp không
quá nghe lời cung nữ mà đòi lại quyền chính thì có lẽ Phi Giao cũng chưa đến nỗi làm càn. Vả Phi Giao là chỗ thân tình, xin thái hậu đặc cách
thi ân cho được mai táng theo lễ “Quý phi”, để yên lòng thiên tử. Hai bà thái phi cũng cố tâu xin như lời tả cung hoàng hậu. Bấy giờ thái hậu
mới chuẩn tấu, sai nội giám Thẩm Nhân sửa soạn quan quách, theo lễ “Quý
phi” để sau khi ba ngày thì đem an táng tại Tiểu Hoa Sơn. Khi khâm liệm
Phi Giao thì tả cung hoàng hậu, Tô phu nhân và Lưu phu nhân đều đến
khóc, chỉ có Gia Tường công chúa còn phải đưa Mạnh vương phi về phủ vậy.
Nội giám Lăng Mậu nói xong thì phò mã Triệu Câu và hai quốc cữu đều giậm
chân khóc òa lên. Phần thì thương Phi Giao hoàng hậu; phần thì thương
Mạnh Lệ Quân vương phi trên vì nước dưới vì nhà mà phải chịu bao nhiêu
nỗi đắng cay khổ sở. Lao lực quá thành bệnh, chưa biết có chữa khỏi được hay không.
Lăng Mậu cáo từ lui ra. Phò mã Triệu Câu bảo Triệu Phượng và Triệu Lân rằng:
- Ngày nay anh em ta nên đem binh quyền giao cho Hùng vương thì triều
đình mới không phải lo ngại. Bây giờ tam đệ mau mau đi đón thân mẫu, còn ta đây sẽ thảo một tờ biểu để sáng mai tâu thái hậu.
Triệu Lân vội vàng lên ngựa đi ngay. Phò mã Triệu Câu cầm tờ biểu của Phi Giao đem vào đưa cho Hùng vương xem.
Tờ biểu như sau:
“Tội thiếp là Hoàng Phủ Phi Giao xin cúi tâu để thái hậu soi xét:
Nguyên tôi thiếp này, từ thuở ngây thơ, vẫn giữ nếp nhà khuôn phép; đến khi
khôn lớn, may được lượng thánh đoái thương. Nào ngờ tấc dạ nghĩ sai để
đến nghìn thu đeo tiếng. Tự mình gây vạ, dẫu chết cũng cam. Hiềm một nỗi thiên tử vốn tính nhân từ, hết lòng hiếu kính. Vả lại thông minh ít có, chỉ trót vì ham sự vui chơi; chẳng qua phiến hoặc tại ai, nên đã quá
nghe lời khuyên bảo.
Nay tội lớn đã có người đảm nhận, vậy ngôi
trời chớ nên để chuyển đi. Huống chi thái hậu sinh được có một thiên tử, vạn nhất xảy ra sự gì thì trên phụ ơn đức thượng hoàng, dưới đau lòng
cháu thái tôn biết là dường nào!
Cha mẹ anh em tội thiếp này, đã
có công tận trung báo quốc, thiết tưởng cũng có thể đem công mà chuộc
tội. Đó là tùy lượng hải hà của thái hậu, chứ không phải quan hệ ở mấy
lời thô thiển của tội thiếp này.
Tội thiếp này xin kính chúc thái hậu và tả hoàng hậu đều được vạn thọ vô cương. Còn như cha mẹ anh em
tội thiếp này, có nghĩ đến tình máu mủ mà rỏ giọt nước mắt để thay ly
rượu chiêu hồn thì tội thiếp này ở dưới suối vàng cũng được ngậm cười
vậy.”
Hùng vương xem xong thở dài mà than rằng:
- Khen cho con Phi Giao thật là một người tài giỏi hơn đời! Trừ phi Mạnh vương
phi, khó ai địch nổi. Văn chương thì có phần lại xuất sắc hơn Mạnh vương phi, khôn ngoan rất mực nói năng phải lời, thế mới biết con tạo cũng
khắt khe thật. Ngày nay Mạnh vương phi còn đang bị bệnh thì hiền điệt
hãy nên chủ trương việc binh quyền.
Phò mã Triệu Câu và Triệu Phượng đồng thanh mà rằng:
- Chính vì thế mà chúng con muốn được cô phụ chủ trương binh quyền để giúp đỡ cho.
Nói xong, lại thuật hết đầu đuôi mọi lẽ cho Hùng vương nghe. Hùng vương chối từ mà rằng:
- Ta được ân xá, cũng đã quá lắm rồi, khi nào lại dám chủ trương binh
quyền. Huống chi trong mười năm nay, thần trí giảm suy, sao được lanh
lợi bằng phò mã cùng hai vị quốc cữu.
Phò mã Triệu Câu khóc mà đáp rằng:
- Cô phụ ơi! Nước nhà ngày nay mới gọi là tạm yên, nhưng hai đứa gian
thần kia vẫn còn chưa chém, con sợ đảng võ của nó, hoặc giả lại gây ra
cuộc binh đao. Nếu cô phụ không chịu chủ trương binh quyền cho thì chúng con e công lao bấy lâu cũng thành ra uổng phí cả.
Bỗng thấy mặt
ngoài tiếng người huyên náo. Triệu Lân đã đưa Mạnh Lệ Quân vương phi về. Phò mã Triệu Câu cùng hai quốc cữu xúm lại đỡ Mạnh Lệ Quân vương phi
vào trong phòng. Phò mã Triệu Câu cầm lấy tay Mạnh Lệ Quân mà gọi:
- Thân mẫu ơi! Thân mẫu ơi!
Mạnh Lệ Quân vương phi cứ đưa mắt nhìn mà không mở miệng nói được. Triệu
Phượng thấy vậy, liền khóc òa lên. Triệu Lân vội vàng gạt đi mà bảo
rằng:
- Chớ làm náo động! Thân mẫu ta dẫu mê mẫn nhưng mạch lý
không hề chi, chẳng qua chỉ vì quá nghĩ mà can hỏa bốc lên đó thôi. Nếu
tịnh dưỡng ít lâu, tinh thàn sẽ lại hồi phục.
Hùng vương ở trong triều về, phàn nàn với phò mã Triệu Câu rằng:
- Hôm nay thái hậu lại bắt tôi phải nhận chức cũ. Thiên tử thì cho sang ở Trường Thu viện cùng với Chu vương. Phi Giao trước bị biếm truất, nay
đã chết rồi, cũng được khoan miễn. Lại ban chiếu thư đi khắp bốn phương: Hễ ai dò biết tin tức thượng hoàng ở đâu thì được phong quan và thưởng
vàng vạn lạng; ai tìm thấy thượng hoàng đưa về thì được đời đời phong
vương cùng nước cùng hưởng phúc lâu dài. Bấy giờ tôi tức khắc phải tới
Bình Giang phủ để điều binh khiển tướng, sắp sửa đi đánh Kim Lăng. Nội
nhân tôi thì thái hậu lưu lại trong cung chỉ có Lương Cẩm Hà và Hạng
Ngọc Thanh ra về mà thôi. Nước nhà ngày nay trông cậy ở phò mã và hai
quốc cữu, thế thì phò mã và hai quốc cữu nnê phải giữ gìn thân thể,
trước là trông nom việc thuốc thang cho thân mẫu, sau là khiến cho thân
phụ ở nơi góc bể bên trời cũng được yên lòng vậy.
Nói xong, lại vội vàng gọi Hùng Khởi Thần mà bảo rằng:
-Cữu mẫu ( trỏ Mạnh Lệ Quân) dẫu bị trọng bệnh, nhưng con bất tất phải lo
ngại, một người tận trung báo quốc có lẽ nào trời hại bao giờ! Con nên
mau mau sửa soạn để đi tòng quân, vừa rồi ở trước mặt thân mẫu con, ta
đã thay lời mà cáo từ cho con rồi đó.
Hùng Khởi Thần vâng lời,
liền vào nhà trong từ biệt cùng Mạnh Lệ Quân vương phi, vương phi ngây
người ra nhìn mà kho nói chi cả. Hùng Khởi Thần cúi đầu sụp lạy rồi lại
ứa nước mắt khóc mà theo thân phụ ra đi.
Ngày hôm sau, Hùng vương đã điểm duyệt đại đội quân mã để sửa soạn việc khởi binh. Lưu Quí làm
tham mưu, mà tướng tiên phong thì đã có Trương Vĩnh, cũng là một tay anh hùng vô địch.
Đến ngày làm lễ an táng Phi Giao, trong sáu cung
cũng đều phát tang cả. Phò mã Triệu Câu và hai quốc cữu vật mình lăn
khóc, anh khóc em, em khóc chị, ai nấy đều hạt châu lã chã khôn cầm. Khi đặt áo quan xuống huyệt tại Tiểu Hoa Sơn, nhân vì có tội, không được
phong thần và không được trồng cây. Phò mã Triệu Câu và hai quốc cữu
thấy vậy trong lòng lại càng chua xót. Phò mã Triệu Câu nghĩ thầm: “Vừa
mới ngày nào uy quyền nhất nước, nhan sắc nghiêng thành mà ngày nay đã
một nắm cỏ xanh, chôn chặt trong ba thước đất!” Tả cung hoàng hậu phái
người ra tế một tuần rượu. Lại cắt cung nữ và nội giám ra canh thủ nơi
mộ địa. Tô Ánh Tuyết phu nhân và Lưu Yến Ngọc phu nhân cùng Phi Loan
quận chúa thì còn ở đấy hết bảy ngày mới về.
Bấy giờ Mạnh Lệ Quân vương phi cứ ngày đêm li bì như người ngủ say, mọi người thấy vậy đều
lấy làm kinh hoảng. Thái hậu cũng bội phần lo sợ, một ngày ba lần sai
nội giám đến thăm, nhất là tả cung hoàng hậu lại càng phiền não.
Nàng Diễm Tuyết bỗng tâu với thái hậu rằng:
- Muôn tâu thái hậu! Thần thiếp ngắm xem tinh tượng thì thấy ngôi Thái
thượng đế tinh đã có ánh sáng thẳng chiếu vào sao Tử vi, chắc rằng
thượng hoàng sắp về, xin thái hậu sửa soạn lễ nghênh tiếp.
Thái hậu ngẫm nghĩ một lúc rồi thở dài mà phán rằng:
- Diễm Tuyết con ơi! Con sợ ta lo phiền mà nói như thế đó thôi, chứ mong gì còn có ngày ấy.
nàng Diễm Tuyết lạy dập đầu mà tâu rằng:
- Muôn tâu thái hậu! Thần thiếp không dám khi mạng! Cứ như tinh thượng
thì ngày nay chẳng những thượng hoàng về triều, thần thiếp chắc rằng
thiên tử cũng sẽ được phục vị.
Thái hậu nghe nói nửa tin nửa ngờ, mật sai Vệ Dũng Nga vương phi ra thuật chuyện cho Hùng vương nghe, bảo
Hùng vương họp các quan văn võ triều thần bàn lễ nghênh tiếp, nhưng cấm
không được tuyên tiết. Khi có đạo mật chỉ ấy ra, Nguyễn Long Quang tướng công cùng các quan văn võ triều thần bàn lễ nghênh tiếp. Hùng vương
xướng nghị định: cứ cách năm dặm đường lại làm một cái nhà trạm để bái
vọng,trên cắm cờ vàng, tàn vàng cho được trọng thể.
Lại nói
chuyện Hoàng Phủ Thiếu Hoa từ khi đem đứa con nhỏ đi tìm thượng hoàng.
Trong khi đi đường, cải dạng mặc đồ đạo phục, đi đến các nơi danh lam
thắng cảnh, đều xin vào ngủ trọ một vài hôm để dò la tin tức. Trong mười ba tỉnh thành, đi chưa được nửa mà đã giày rách chân đau. Hoàng Phủ
Thiếu Hoa dẫu nguyên là võ tướng, nhưng trong nước thái bình đã lâu, vả
xưa nay động đi đến đâu thì xe xe ngựa ngựa, những nơi lâu các, ăn những vị cao lương, ngày nay bỗng lặn lội đường trường trong năm năm trời,
tinh thần đã thấy mỏi mệt. Chỉ có ngũ lang còn bé, cho nên suốt ngày vẫn vui chơi, viên đất bắn chim. Một hôm đi đến tỉnh Hà Nam, bỗng nghe
tiếng chuông ở phía ngoài thành, ngẩng trông một ngọn tháp cao, chùa đâu đã gần kề trước mặt. Nguyên chùa ấy tên gọi Ngõa Cung tự, đến đời nhà
Tống, Lỗ Trí Thâm phóng hỏa đốt thành bình địa. Về sau các nhà phú hào ở trong hương thôn mới rủ nhau phát tâm quyên tiền tái tạo, lại thành ra
một nơi thắng cảnh danh lam. Đến bây giờ gần được hai trăm năm. Trong
chùa có hơn một trăm tăng nhân trụ trì, nhưng trong bọn từ bi không khỏi có phường gian ác. Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy trời gần tối, mới vào chùa
ngủ trọ. Người giám tự đưa vào nói với sư cụ Trí Viên ở phòng số ba mươi lăm. Khi Hoàng Phủ Thiếu Hoa vào tới nơi thì có năm vị tăng hoan hỉ
chạy ra mời ngồi rồi hỏi rằng:
- Chẳng hay tiên sinh tên họ là
gì? Cậu nhỏ này có phải là học trò của tiên sinh đó không? Ngày nay tiên sinh định đi chơi đâu mà lại qua đây?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa đáp lại rằng:
- Tôi họ Doãn, đạo hiệu là Siêu Nhiên, đứa bé này là con tôi, chứ không
phải học trò. Nó cũng ham sự nhàn du, cho nên mới theo tôi. Tôi vốn nghe chỗ này là nơi thắng cảnh, vậy xin ở chơi đây mấy hôm, rồi lại khởi
hành.
Sư cụ Viên Trí đáp rằng:
- Được! Người cứ ở đây! Có cái phòng nhỏ tại phía tây này rất sạch sẽ.
Nói xong, liền bảo người đi sửa soạn cơm chay để khoản đãi. Sự cụ Trí Viên
ngồi nói chuyện mãi, đã gần hết canh một Hoàng Phủ Thiếu Hoa nhọc mệt
quá, cố gượng ăn được có một lưng cơm. Sau hai cha con Hoàng Phủ Thiếu
Hoa cáo từ xin sang tây phòng yên nghỉ. Năm người tăng nhân cùng đưa
sang, lại xếp dọn đây đấy rồi quay ra. Hoàng Phủ Thiếu Hoa không kịp cởi áo, cứ nằm nguyên như thế mà ngủ, Trương Thành cũng ngủ say thiếp đi.
Ngũ lang Triệu Thụy trong lòng nghi hoặc, nghĩ thầm: “Năm vị tăng nhân
này, ta xem ý không phải là người lương thiện. Vừa rồi chúng cứ chú ý mà nhìn vào những đồ hành lý của thân phụ ta, chắc là chúng có lòng gian
tham vậy. Chi bằng ta thử nghe xem thế nào.”
Triệu Thụy nghĩ vậy, mới tắt đèn mà ngồi lặng thinh. Bấy giờ đã sang canh ba, bỗng nghe
tiếng cạy cửa, hai cánh cửa đã thấy sọc sạch gần ngỏ. Triệu Thụy ở trong phòng, chẳng còn hồn vía nào. Vội vàng kéo áo gọi Hoàng Phủ Thiếu Hoa
mà bảo rằng:
- Thân phụ ơi! thân phụ dậy mau có sự nguy cấp!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa giật mình tỉnh dậy liền hỏi:
- Cái gì thế?
Triệu Thụy nói chưa dứt lời thì cửa đã vở toang, thấp thoáng trông thấy có
năm người, đều tay cầm lưỡi dao sáng loáng, chạy xô đến cạnh giường
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nằm. Hoàng Phủ Thiếu Hoa vùng dậy đá ngay một cái,
một người ngã lăn xuống đất. Hai người nữa bị cung bắn vào mù mắt, cũng
ngã lăn ra. Hoàng Phủ Thiếu Hoa liền rút thanh bảo kiếm chét luôn mấy
nhát. Bấy giờ Trương Thành đã hoảng hốt vùng dậy, đi châm lửa soi, trông thấy bọn tăng nhân cả thảy năm người nằm ngang dọc ở dưới đất đều đầm
đìa máu chảy. Hai người lòi mắt và ba người trọng thương. Hai người lòi
mắt còn sống, trong miệng lúng búng không hiểu nói những câu gì. Năm
lưỡi dao găm thì rơi ở mặt đất. Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy vậy tức giận
không biết dường nào. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lấy chân đá hai vị hòa thượng
ấy bảo dậy, rồi quát mắng mà hỏi rằng:
- Mấy thằng sư hổ mang
kia! Ta cùng các ngươi không có thù oán gì với nhau cả, cớ sao các ngươi lại sinh lòng độc ác như thế này? Các ngươi nên thú thật, ta sẽ tha
chết cho.
Hai vị hòa thượng lòi mắt ấy vừa khóc vừa nói:
- Chúng tôi tu hành ở đây, không biết lấy gì làm sinh nhai, chỉ trông nhờ về những du khách qua lại ngủ trọ. Hễ ai có tiền của thì chúng tôi phải mưu hại để cướp lấy làm miếng ăn. Ngày nay chúng tôi trông thấy người
theo hầu của tiên sinh gánh một cái đãi mà đến nỗi sụt bùn lên đến bụng
chân thì đủ biết rằng trong đãy tất có nhiều vàng bạc. Bởi vậy sư phụ
chúng tôi rủ chúng tôi đến giết tiên sinh, không ngờ tiên sinh là tay vũ dũng. Lại đã có biết trước, cho nên chúng tôi không địch nổi. Bây giờ
ba người nằm chết đây tức là sư phụ và hai sư đệ chúng tôi, còn hai
chúng tôi thì đều bị hỏng mắt. Xin tiên sinh rộng ơn mà tha chết cho.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa bảo Trương Thành thu thập các đồ hành lý, và gọi ngũ lang cùng nhau ra đi. Bấy giờ trời chưa sáng rõ không biết đi về lối nào,
mấy người còn đang ngần ngại thì vị hòa thượng lòi mắt kia đã lóp ngóp
đứng dậy, chực đi về phía nhà hậu, Triệu Thụy liền nắm lại mà bảo rằng:
- Nhà ngươi mau mau dẫn đường cho ta thì ta không giết nhà ngươi.
Vị hòa thượng ấy run sợ cầm cập mà nói rằng:
- Cái cửa vườn này có khóa, mà chìa khóa hiện bây giờ ở người giám tự giữ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa bước đến cạnh cửa, lấy tay bẻ mạnh một cái thì cái khóa gãy tan ra. Vị hòa thượng ấy kinh ngạc mà rằng:
- Trời ơi! Tiên sinh thật là một bậc đại dũng lực!
Bấy giờ ba người ở trong vườn rau ấy, lối đi toàn thị là những non cao suối nước. Trời hây hẩy gió, phía đông đã rạng đi quanh đi quẩn, thế nào lại vòng về bên cạnh vườn rau. Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy vậy hầm hầm nổi
giận ngẩng trông bốn mặt, cây cao rậm rạp, chân đi đã mỏi mà vẫn chưa
tìm được lối ra. Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Quái lạ! Hay là ta bị thằng sư mù ấy lừa ta rồi! Bây giờ làm thế nào mà ra cho được, chi bằng ta quay về chùa Ngõa Cương Tự.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT