Phi Loan quận chúa nói xong, nức nở khóc hoài, nàng Hạng Ngọc Thanh lại tìm lời khuyên giải. Vệ Dũng Nga vương phi vẫn còn oán trách Mạnh Lệ Quân:
- Họ Mạnh vốn là một người tàn nhẫn, thuở xưa đối với hai thân và phu
quân cũng hờ hững như không, cho nên ngày nay sinh được một đứa nữ nhi,
lại độc ác bội phần vậy. Vì nó mà khiến cho thượng hoàng phải bỏ đi,
thái hậu thì nằm bẹp một chỗ, bao nhiêu quyền chính về tay nó tất cả. Nó cũng chẳng kém chi Võ hậu, thật quả như lời Triệu Câu nói năm trước.
Toàn gia họ Hùng chỉ vì họ Mạnh làm hại, đến nỗi như thế, thế mà lại còn giả nhân giả nghĩa, khéo đem mấy hàng nước mắt để khóc hão thương vờ.
Vệ Dũng Nga vương phi nghĩ quanh nghĩ quẩn, suốt đêm không ngủ. Sáng hôm
sau, Vệ Dũng Nga vương phi đi ra phòng ngoài, trông thấy Hùng Hiệu chưa
dậy, liền chạy đến gần, lạy gọi mà bảo rằng:
- Phu quân ơi! Sao hôm nay phu quân dậy trưa như thế, hay là trong mình mệt nhọc đó chăng?
Hùng Hiệu nghe tiếng gọi, bừng mở mắt dậy, trông thấy Vệ Dũng Nga vương phi nước mắt chạy quanh, mới kinh ngạc mà hỏi rằng:
- Phu nhân ơi! Sao hôm nay phu nhân dậy sớm thế? Chẳng hay có việc chi?
Hùng Hiệu vừa nói vừa đứng dậy mặc áo. Vệ Dũng Nga vương phi lại khóc than
kể lể và có ý oán giận Mạnh Lệ Quân. Hùng Hiệu cả cười mà rằng:
- Phu nhân ơi! Phu nhân đẹp duyên cùng tôi trong bấy nhiêu năm, tôi
thường kính phục phu nhân là một bậc nữ anh hùng, cớ sao ngày nay lại có kiến thức trẻ con như vậy. Hai vợ chồng ta không nên oán giận họ Mạnh,
vì từ năm xưa họ Mạnh vẫn không thuận cho con Phi Giao vào cung. Sinh
con ai có sinh lòng, họ Mạnh cũng chẳng muốn chi thế. Nếu phu nhân có
lòng oán giận thì cái độ lượng há chẳng cũng có phần nhỏ nhen lắm ru!
Hùng Hiệu nói xong, Vệ Dũng Nga lại thở ngắn than dài mà rằng:
- Đã đành ta không dám oán ai, nhưng ta chỉ thương xót thay cho mấy kẻ vô tội kia mà cũng phải chịu trăm chiều cực khổ. Chồng nam vợ bắc, biết
bao giờ cho được sum họp một nhà.
Hai vợ chồng đang chuyện trò
cùng nhau thì bỗng thấy tên ngục tốt đưa một người gia tướng nhà Hoàng
Phủ vào. Hùng Hiệu nhìn mặt, tức là Tôn Vượng. Tôn Vượng thò tay vào
trong mình, lấy ra một phong thư và hai gói bạc đệ trình mà bẩm rằng:
- Dám bẩm vương gia và vương phi! Hai quốc cữu tôi vẫn có lòng nhớ mến,
nhưng vì tị hiềm, cho nên chưa dám đến đây, đợi khi nào thánh thượng hồi tâm, bấy giờ sẽ xin vào bái kiến.
Hùng Hiệu thở dài mà rằng:
- Hai quốc cữu lại còn nhớ đến ta. Nhưng ta đã không thiết sống thì việc
gì ta cũng không muốn hỏi đến. Ta chỉ xin hỏi việc Hoàng Phủ Tương vương đi tìm thượng hoàng, sự thể ra thế nào?
Tôn Vượng chắp tay thuật hết hết đầu đuôi mọi việc cho Hùng Hiệu nghe. Hùng Hiệu nghe nói cả mừng mà rằng:
- Nếu vậy hay! Hoàng Phủ Tương vương thật là một người bạn tốt của Hùng Hiệu này!
Nói xong, nghoảnh lại bảo Vệ Dũng Nga vương phi rằng:
- Phu nhân ơi! Phu nhân nghe nói mà mà coi, có phải Hoàng Phủ Tương vương là người một lòng trung thành không! Còn như vợ chồng ta thì tội ác khó lòng khoan thứ được. Đã không trừ nỗi bọn quyền gian cho nước, lại
không biết liều mình đi tìm thượng hoàng, để đến nỗi bây giờ lực kiệt
thế cùng, chỉ đành ngồi khoanh tay mà thở ngắn than dài vậy.
Vệ Dũng Nga vương phi bấy giờ cũng khóc mà rằng:
- Hoàng Phủ Thiếu Hoa em ơi! Hai chữ “trung hiếu” em thật không hổ thẹn.
Nhưng không biết cớ chi em lại sinh ra một đứa con gái yêu quái ấy,
chẳng giống tính cha chút nào!
Tôn Vượng lại thuật cho vợ chồng
Hùng Hiệu biết rằng hôm trước có quan khâm sai đến bắt, phò mã Triệu Câu nói dối là Hùng Khởi Thần đi sang thăm ông cậu ở Giang Ninh, nhưng kỳ
thực thì Mạnh vương phi đã bày mưu lập kế cho Hùng Khởi Thần theo Mạnh
Khôi trốn sang Vân Nam từ trước. Hùng Hiệu thở dài mà rằng:
- Ta vẫn biết Mạnh vương phi là một người tài trí cao rộng, cho nên ta mới đem Hùng Khởi Thần mà phó thác nhờ trông nom cho.
Tôn Vượng lại thuật cho biết việc phò mã Triệu Câu đang ra sức luyện tập
quân mã để phòng khi có việc. Bấy giờ Vệ Dũng Nga vương phi mới nguôi
cơn giận mà rằng:
- Nếu vậy thì một nhà Hoàng Phủ quả nhiên giữ
trọn được bốn chữ “Trung hiếu tiết nghĩa”. Ta nghĩ lại hổ thẹn với Tô
Ánh Tuyết phu nhân, vì ta mà khiến cho con gái phu nhân cũng bị cực khổ ở nơi ngục thất này.
Tôn Vượng cáo từ lui ra. Bấy giờ có tiền bạc
của Triệu Lân và Triệu Phượng gởi vào, cho nên các đồ thực dụng không
thiếu thứ gì. Thủ ngục quan và các ngục tốt lại hết sức phụng thừa,
không dám trễ nảy như trước. Cách ba hôm sau, có thánh chỉ đến, vợ chồng Hùng Hiệu mặc áo tù nhân mà ra nghênh tiếp. Nội giám Lã Xương mở thánh
chỉ ra tuyên đọc như sau:
“Thừa thiên hưng vận, hoàng đế chiếu rằng:
Cứ như tội ác của Hùng Hiệu và vợ là Vệ Dũng Nga đáng lẽ phải tức khắc đem ra hành hình. Nhưng trẫm hãy rộng lượng bao dung, đợi khi thượng hoàng
về đây, bấy giờ sẽ xét xử. Nay tạm tha vợ chồng Hùng Hiệu không phải mặc áo tù nhân như trước, cho được tự do trong mấy gian nhà nhỏ, để mà sửa
mình đổi lỗi.
Nếu vợ chồng Hùng Hiệu còn có lòng phản nghịch, xét được chứng cứ rõ ràng thì bấy giờ quyết không khoan thứ. Khâm tai”
Vợ chồng Hùng Hiệu lạy tạ thánh chỉ. Nội giám Lã Xương lại bẩm rằng:
- Dám bẩm vương gia! Đã mấy năm nay tôi không được thừa tiếp tôn nhan,
vẫn lấy làm nhớ mến. Hôm nay tôi cố xin phụng chỉ tới đây là có ý muốn
nói riêng mấy việc trong cung để vương gia vùng vương phi biết.
Vợ chồng Hùng Hiệu bảo mọi người lui tránh, rồi mời Lã Xương ngồi. Lã
Xương thuật chuyện Hùng hậu nhờ có thái hậu đem về nội cung chữa thuốc,
nhưng long thai cũng không bảo toàn được. Ngày nay bệnh tình thái hậu
hiện đang rất nguy kịch.v.v... Vợ chồng Hùng Hiệu nghe nói đều ngẩn mặt
nhìn nhau mà rằng:
- Thái hậu nguy kịch như thế, mà thánh thượng
vẫn say đắm chưa tỉnh. Vợ chồng Hùng Hiệu ngày chết vẫn không tiếc, chỉ
sợ rằng cha con Đồ Man Hưng Phục nhân cơ hội này chiếm đoạt ngôi trời,
Phi Giao hoàng hậu mắc kế quân gian mà không tự biết vậy.
Lã
Xương lại thuật chuyện Mạnh Lệ Quân bị giam cấm ở trong cung. Hai quốc
cữu Triệu Phượng và Triệu Lân đêm qua xin vào vấn an mà cũng không được. Phi Giao hoàng hậu lại giả nhân giả nghĩa, đặt tiệc ở trong cung mời
hai quốc cữu. Hai quốc cữu cố tâu xin Phi Giao hoàng hậu phải tha cho họ Hùng thì nhà Hoàng Phủ mới khỏi bị thiên hạ thóa mạ. Phi Giao hoàng hậu chỉ sợ vương gia và vương phi có sức khỏe địch nổi muôn người, cho nên
chưa dám khoan thứ. Hai quốc cữu xin đem tính mệnh mà bảo nhận rằng họ
Hùng quyết không có lòng phản nghịch. Hai quốc cữu lại nói: “Chẳng lẽ
anh em ruột thịt trong nhà không ủng hộ cho nhau mà lại đi ủng hộ người
ngoài hay sao! Hoàng hậu ngự ngôi chí tôn là một điều vinh quý cho nhà
Hoàng Phủ. Nếu họ Hùng đắc chí thì thần đẳng khi nào được vẻ vang là
hàng quốc thích hoàng thân vậy.” Phi Giao hoàng hậu nghe hai quốc cữu
nói như thế, bấy giờ mới vui cười mà rằng: “ Nếu anh em ta biết cùng
nhâu một lòng thì còn nói chi nữa! Vì thế mới có đạo thánh chỉ này. Hai
quốc cữu lại gởi lời tôi đến bẩm vương gia và vương phi hãy cứ yên lòng, đợi khi thượng hoàng về triều, bấy giờ sẽ được thị phi biện bạch.
Vợ chồng Hùng Hiệu lẩm nhẩm gật đầu mà rằng:
- Nếu vậy thì mới không hổ thẹn là con nhà Hoàng Phủ!
Lã Xương lại xin phép yết kiến Phi Loan quận chúa. Vợ chồng Hùng Hiệu truyền gọi Phi Loan quận chúa ra. Lã Xương nói:
- Dám bẩm quận chúa! Thái hậu và Mạnh vương phi nếu trông thấy quận chúa
lam lũ thế này, tất lấy làm đau lòng. Nhưng thôi quận chúa cũng chớ nên
oán trời, chẳng qua chỉ tại Phi Giao hoàng hậu gây ra tai vạ này. Phi
Giao hoàng hậu thật là người nhẫn tâm thái quá.
Nói xong, lại thò tay vào trong mình lấy ra một phong thư trao cho Phi Loan quận chúa:
- Đây là phong thư của hai quốc cữu gởi cho quận chúa. Xin quận chúa mở ra xem rồi y kế mà thi hành.
Phi Loan quận chúa cầm lấy phong thư, không hề mở ra xem, liền xé nhỏ ra, rồi khóc mà bảo rằng:
- Ta nhờ nhà ngươi nói với quốc mẫu và hai quốc cữu, bây giờ không nên
hỏi han gì đến ta cả, chỉ nên nghĩ kế làm sao mà khiến cho họ Hùng được
ra khỏi chốn này. Cứ như bây giờ thì dẫu quốc cữu đến đây ta cũng không
tiếp. Ta là một người vô tội, bao giờ họ Hùng được ân xá, bấy giờ ta mới ra. Nếu hai quốc cữu có nghĩ tình cốt nhục trong nhà thì xin lấy việc
nước làm trọng.
Lại nói chuyện Hùng Khởi Thần theo Mạnh Khôi về
Vân Nam, trong khi đi đường luống những thở than khóc lóc. Ngày giờ thấm thoát, bỗng đã cuối thu. Bấy giờ thuyền tới phủ Giang Ninh, Mạnh Khôi
vào thành dự tiệc, Hùng Khởi Thần một mình ngồi ở dưới thuyền, nghĩ
quanh nghĩ quẩn: “Nay cả nhà ta đều phải vào ngục thất, chỉ có một mình
ta làn nạn tới dây. Nhưng tham sống mà xa cách cha, chẳng thà liều chết
cho được sum vầy dưới gối. Nay nhân lúc anh Mạnh Khôi ta vào trong thành vắng, chi bằng ta ta trẩy thuyền tiến kinh, rồi tình nguyện vào nhà
giam cho được gặp mặt cha mẹ. Ngặt vì nỗi còn có Chu Thống theo đó, âu
là ta phải lập kế sai hắn đi chỗ khác mới xong.” Hùng Khởi Thần nghĩ
vậy, mới gọi Chu Thông vào mà bảo rằng:
Bây giờ anh Mạnh Khôi ta đi vắng, nhà ngươi nên mua giúp ta mấy thứ thực phẩm gì để ta uống rượu cho đỡ buồn.
Chu Thống nói:
- Các thứ thực phẩm trong thuyền đều có sẵn cả, can chi mà phải đi mua.
Hùng Khởi Thần nói:
- Ta ăn khô khan lắm, không thể chịu được, trong lòng rất lấy làm phiền
muộn. Ta chỉ muốn ăn một vài quả lê hay quả cam gì đó mà thôi.
Chu Thống nói:
- Nếu vậy để tôi xin lên bộ đi mua.
Chu Thông nói xong, vội vàng cầm tiền đi ngay. Bấy giờ các thủy thủ đều đi
vắng cả, gia tướng nhà họ Mạnh cũng đều đi theo hầu Mạnh Khôi. Hùng Khởi Thần cởi thuyền buông theo dòng nước, dẫu muốn tiến kinh, nhưng không
biết đi lối nào. Lại sợ người nhà họ Mạnh đuổi theo, mới thuyền vào một
nơi rừng rậm ở phía chân núi. Hùng Khởi Thần cắm thuyền bỏ đó, rồi lóp
ngóp trèo lên, ruột đói như cào, vừa trèo vừa thở, nghe trong lòng đã
mệt nhọc, mồ hôi ướt đầm. Bấy giờ trời tối đen, gió động cành cây, có
tiếng sột soạt. Hùng Khởi Thần nghĩ thầm: “Quái lạ! Hay là có giống sài
lang hổ báo chi đây! Nếu vậy thì ta khó lòng mà sinh toàn được. Thôi
thôi cũng liều một chết, ai ngờ ta lại về trước ở nơi chín suối mà đợi
hai thân”. Hùng Khởi Thần mệt quá, không thể đi được nữa, chịu nằm lăn
ra đấy. Đang trong mơ mơ màng màng thì bỗng nghe có tiếng người lao
nhao: Kẻ thì bảo người này chết rồi, kẻ thì bảo con mắt hãy còn mở.
Chúng soi đèn đốt đuốc, kéo đến khám trong mình Hùng Khởi Thần, thấy có
tiền đều chia nhau mà lấy. Chúng lại khám thấy tập tranh “Bách mỹ” cũng
lấy đem đi, Hùng Khởi Thần cố gượng ngồi dậy, trông thấy ở trên đỉnh núi ánh lửa sáng rực, lại nghe có tiếng người bàn nói, không hiểu câu gì.
Hùng Khởi Thần nghĩ thầm:
- Bọn này chắc là bọn cướp, nếu chúng
bắt ta, quyết không khi nào để cho cho ta được toàn. Chi bằng ta nhân
lúc chúng quay đi này mà lẩn trốn một nơi, họa may mới khỏi chết. Hùng
Khởi Thần nghĩ vậy, liền đứng dậy toan chạy, nhưng bước không vững lại
ngã gục xuống đấy. Chúng thấy vậy kéo ồ cả đến, bảo nhau bắt lấy để đem
vào nhà nộp lão gia. Bấy giờ chúng xúm lại khiêng Hùng Khởi Thần đem lên trên đỉnh núi. Khi tới nơi trông thấy một viên võ tướng quân, thân thể
tráng kiện, ước độ khoảng bốn mươi tuổi. Mình mặc áo tố bào, lưng đeo
cung tên, lại có mấy chục gia binh đứng sắp hàng chung quanh. Viên tướng quân ấy đang cầm tập tranh tranh “Bách mỹ” mà ngắm nghía. Chúng đặt
Hùng Khởi Thần xuống đây, rồi quỳ bẩm:
- Bẩm lão gia! Chính người này lấy trộm tập tranh “Bách mỹ”, chúng tôi đã bắt đem về đây, để lão gia xử phán.
Viên tướng quân ấy nhìn mặt Hùng Khởi Thần có ý ngần ngại, ngờ là ngoại sanh của mình, nhưng vì cách biệt đã sáu năm nay, cho nên chưa nhận được
chắc. Bấy giờ cũng giả cách nổi giận mà mắng rằng:
- Đứa gia tặc
kia dám lấy trộm tập tranh “Bách mỹ”, trong bấy nhiêu lâu, lẩn trốn nơi
nào, ngày nay bỗng lại sa vào tay ta, thế mới thật là lưới trời khó
tránh vậy. Họ tên là gì? Phải mau mau thú thật.
Hùng Khởi Thần
nghe nói, đã toan cãi lại, nhưng bấy giờ người mệt nhọc quá, nói không
ra tiếng. Nghĩ quanh nghĩ quẩn đành nhắm mắt nín lặng, tha hồ cho chúng
muốn làm gì thì làm. Viên tướng quân bảo các gia đem về phủ. Chúng lại
khiêng Hùng Khởi Thần đi. Đi độ mấy dặm đường đem vào một toà nhà lớn.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT