THIẾU HOA BỎ ĐI TÌM THƯỢNG HOÀNG

LỆ QUÂN LẬP KẾ CỨU HÙNG HIỆU

Mạnh Lệ Quân nghe lời nín lặng, chưa biết nói thế nào thì Lưu Yến Ngọc nói:

- Hiền sanh nghĩ lầm! Hiền sanh cũng đường đường là thân nam tử, vậy cái hiếu nhỏ mọn ấy sá kể làm chi. Hiền sanh nên biết rằng dòng dõi họ Hùng trông cậy ở hiền sanh đó. Ngày nay hãy tạm lánh mình, cố chí học hành, rồi mai sau thay họ đổi tên, sẽ xuất đầu lộ diện mà dâng biểu giải oan cho thân phụ. Vả Mạnh vương phi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ tiến kinh, tìm lời khuyên bảo con Phi Giao, hoặc giả nó hồi tâm mà ân xá cho họ Hùng chăng thì bấy giờ lại được cùng nhau một nhà sum họp vậy. Hiền sanh chớ nên trái ý hai thân, hãy tạm lánh mình sang Vân Nam, có Mạnh Gia Linh cữu phụ kia vốn là người trung trực lạ thường, đối với họ Hùng, xưa nay vẫn một lòng quý mến.

Tô Ánh Tuyết cũng khóc mà bảo rằng:

- Thôi, nói nhiều làm chi! Hiền sanh cứ nên sang Vân Nam là hơn. Nếu không khi triều đình giáng chỉ nã tróc hiền sanh thì bấy giờ dẫu muốn thoát thân, thiết tưởng cũng khó lòng mà gỡ cho được. Xót thương cho nghĩa huynh (trỏ Lương Trấn Lân) tôi đập đầu tự tử, ngày nay vợ con trăm phần khổ sở, mà tôi thì không giúp được tí gì. Tôi còn nhớn ngày nào tôi đâm đầu xuống sông, được nghĩa mẫu tôi cứu vớt, ơn sâu ấy luống đã phụ phàng. Lại xót thương cho con gái tôi là Phi Loan kia xấu duyên phận hẩm, gặp phải nhà chồng đang lúc hiểm nguy, chẳng biết con tạo xoay vần, sau này vợ chồng có được đoàn viên chăng tá! Năm trước ta từ biệt con gái mà về quê nhà, lòng ta đã đau như cắt, ngày nay thì một đứa con nhỏ lại theo phu quân ra đi khiến tôi càng thêm cay đắng muôn vàn. Nhưng chỉ vì công nghĩa không dám nghĩ đến tư tình, cho nên dẫu sao cũng bấm gan chịu vậy. Tôi là đàn bà còn như thế được, huống chi hiền sanh là bậc tu mi. Hiền sanh nên yên lòng mà sang Vân Nam lánh nạn.

Nói chưa dứt lời thì Mạnh Khôi vào cáo từ xin đi. Hùng Khởi Thần bất đắc dĩ cũng phải đi theo. Mạnh Lệ Quân cầm lấy tay Mạnh Khôi mà dặn rằng:

- Hiền điệt ơi! Hiền điệt về tới nhà cứ nói là ta vẫn được khỏe mạnh như thường, chớ đem những nỗi đau lòng mà nói cho tổ phụ và tổ mẫu biết, kẻo người tuổi già sức yếu, luống thêm một mối thương tâm. Hiền điệt lại nên mật bảo với thân phụ và thân mẫu rằng: Ngày nay chẳng may xảy ra tai nạn này, ta đây cũng chưa biết sống chết thế nào nữa.

Mạnh Lệ Quân nói đến câu thương tâm ấy, lại ngất người ngã ra. Cả nhà vào gọi và đổ nước sâm thang hồi lâu mới tỉnh. Khi Mạnh Lệ Quân tỉnh rồi lại giục Mạnh Khôi và Hùng Khởi Thần đi. Bỗng có phò mã Triệu Câu ở phủ Hán vương về. Phò mã Triệu Câu nói:

- Tôi nghe tin triều đình đã có giáng chỉ, chỉ sáng mai thì sẽ tới đây. Dẫu chưa biết có phải là nã tróc Hùng công tử hay không, nhưng chi bằng ta tiên cơ định liệu. Bây giờ Hùng công tử nên thay hình đổi dạng, cứ nói là con một người gia tướng, từ thuở nhở cữu phụ tôi nuôi làm nghĩa tử, đặt tên gọi Mạnh Vân.

Phò mã Triệu Câu lại gọi Chu Thống vào mà bảo rằng:

- Chu Thống nhà ngươi hãy theo Hùng công tử lánh nạn sang ở nhà họ Mạnh tại Vân Nam, để cho được yên việc.

Chu Thống vâng lời. Một lúc Hùng Khởi Thần cải trang xong đi lẫn với bọn gia bộc, phò mã Triệu Câu và hai em tiễn ra đến ngoài cửa phủ, rồi hai bên cùng gạt nước mắt mà từ biệt nhau. Khi phò mã Triệu Câu trở vào trong nhà đem bức thư của tam đệ là Triệu Lân đệ trình Mạnh Lệ Quân:

“Con là Triệu Lân có mấy lời kính trình để ba mẹ (tức ba bà mẹ) rõ chuyện:

Từ khi con tiếp được thư nhà, được biết tin thân phụ con đem ngũ đệ đi tìm thượng hoàng, xa cách hai phương, lòng con thật nóng như lửa đốt. Muốn về không được, mà ở đây thì cũng nguy hiểm lắm thay! Ngày nay biến cố lạ thường, Hùng Hiệu bị oan, toàn gia Bình Giang vương phải giam vào ngục. Lương thừa tướng đập đầu tự tử. Thái hậu đã nhiều lần phẫn uất, hết sức bênh vực, cho nên gia quyến họ Hùng mới chưa phải đem ra hành hình.

Đồ Man Hưng Phục làm thừa tướng, hai con làm Long Vũ tướng quân, đem cấm binh vào trong cung, giả danh là hộ vệ hoàng gia, nhưng kỳ thực có lòng phản nghịch. Xin thân mẫu mau mau thu xếp tiến kinh, kẻo con còn thơ ngây, một mình ở đây khó lòng mà bảo toàn được. Phi Giao giáng chỉ tha cho Phi Loan để định ly hôn cùng họ Hùng, nhưng Phi Loan không chịu cải giá, lại tình nguyện theo họ Hùng vào trong ngục thất. Hiện nay có giáng chỉ nã tróc biểu huynh con là Hùng Khởi Thần, chẳng bao lâu sẽ tới Vân Nam vậy ta nên phải đề phòng trước.

Độ này quan dân náo loạn, chỉ đêm ngày mong đợi thân mẫu về triều. Hùng hậu may nhờ được thái hậu đem vào ở nội cung, mà thái hậu thì bệnh nặng không dậy, thánh thượng cũng chẳng vào vấn an lần nào, Phi Giao lại truyền ngôn là thái hậu muốn hại thánh thượng để lập Triệu vương, như vậy thì thật nguy cho nước nhà lắm lắm.

Triệu Lân thủ thư”

Mọi người xem thư, ai cũng thở ngắn than dài, ngẩn mặt ra mà nhìn nhau. Phò mã Triệu Câu nói:

- Quái lạ! Không biết cớ sao trong thư lại không nói chi đến việc long thai. Mà thái hậu có lẽ nào lại biến tâm như thế. Tất có sự bí mật chi đây, cho nên không thể nào viết ra thư được.

Mạnh Lệ Quân vương phi căm tức bội phần, nghiến hai hàm răng mà ngất người đi. Cả nhà xúm lại gọi hồi lâu mới tỉnh. Khi Mạnh Lệ Quân tỉnh dậy, thở dài than rằng:

- Trời ơi! Cái tội làm hại nước, ta đây dẫu chết cũng không tránh khỏi. Tiếc thay những bậc hiền thần danh tướng ở Nguyên triều này, ai ngờ lại bị vùi dập về tay họ Mạnh.

Lưu Yến Ngọc gạt nước mắt mà tìm lời khuyên giải. Tô Ánh Tuyết thì nức nở khóc mãi không thôi. Bỗng nghe báo có thánh chỉ đến, phò mã Triệu Câu vội vàng ra nghênh tiếp. Trương Hổ đứng tuyên đọc tờ thánh chỉ. Phò mã Triệu Câu nghe xong liền nói:

- Trương Hổ! Nhà ngươi phụng chỉ đến bắt Hùng Khởi Thần nhưng ngày hai mươi tháng ba hắn đã đi sang nhà ông cậu rồi. Trương Hổ kinh ngạc mà bẩm rằng:

- Chết nỗi! Bây giờ biết làm thế nào? Ông cậu hắn quê quán ở đâu? Họ tên là gì? Làm chức nghiệp gì? Xin phò mã chỉ bảo cho, để chúng tôi theo đến đấy mà tróc nã.

Phò mã Triệu Câu nói:

- Ông cậu hắn là một quan tổng binh, nay đã cáo bệnh về nghỉ, hiện ở Giang Ninh, tên gọi Vệ Dũng Bưu, nhà ngươi nên tức khắc đi ngay, ta đây cũng sẽ có bản tâu về tâu thánh thượng.

Trương Hổ nghe nói có ý buồn rầu mà rằng:

- Bây giờ chúng tôi lại kéo nhau sang Giang Ninh thì biết lấy chi làm tiền lộ phí.

Phò mã Triệu Câu truyền người nhà đem hai trăm lạng bạc trao cho Trương Hổ, Trương Hổ cáo từ lui ra, rồi theo đường Giang Ninh cất quân thẳng bước.

Phò mã Triệu Câu thầm nghĩ: “May sao thân mẫu ta lại biết liệu trước, nếu không thì ngày nay có quan khâm sai đến, ta khó lòng mà giấu được Hùng Khởi Thần”. Phò mã Triệu Câu quay vào nhà trong thăm Mạnh Lệ Quân thì thấy thần sắc hôn quyện, lại chập chờn cơn tỉnh cơn mê. Cả nhà xúm quanh, đều lấy làm lo sợ. Các danh y trong tỉnh, mời đã gần khắp mà bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm chút nào. Một hôm quan tuần phủ Thiếp Mộc Nhĩ đến thăm bệnh Mạnh Lệ Quân, nói với phò mã Triệu Câu rằng:

- Tôi có người bạn tên gọi Nhạc Hiệu. Ông ta tinh nghề làm thuốc nổi tiếng danh y gia truyền đã ba đời. Gần một năm nay ông ta vẫn ở với tôi, âu là phò mã thử dùng xem, biết đâu cũng có công hiệu.

Phò mã Triệu Câu nghe nói mừng lòng, liền gọi người nhà là Triệu Thành mà bảo rằng:

- Triệu Thành! Nhà ngươi cầm danh thiếp của ta đi theo đại nhân đây về nhà, để mời thầy thuốc.

Triệu Thành vâng lời, theo quan tuần phủ Thiếp Mộc Nhĩ về. Khi tới nhà, Thiếp Mộc Nhĩ bảo Nhạc Hiệu rằng:

- Đây là người nhà Hoàng Phủ phò mã sai đến đón tiên sinh để về chữa thuốc cho Mạnh vương phi đó!

Nhạc Hiệu nói:

- Tài học tôi chưa được bao nhiêu, chỉ sợ lại phụ công tiến cử của đại nhân vậy.

Quan tuần phủ Thiếp Mộc Nhĩ nói:

-Nghề là thuốc của tiên sinh, tôi vẫn kính phục đã lâu. Vả làm thuốc có người mát tay, hoặc giả tiên sinh cũng mát tay mà chữa khỏi bệnh cho Mạnh vương phi chăng.

Nhạc Hiệu vâng lời, liền đội mũ mặc áo đi theo Triệu Thành về nhà Hoàng Phủ. Triệu Câu nghe báo, vội vàng chạy ra nghênh tiếp, mời ngồi uống nước trà và kể bệnh trạng Mạnh Lệ Quân cho Nhạc Hiệu nghe.

Nhạc hiệu lẩm nhẩm gật đầu, rồi nói:

- Xin phò mã cho chúng tôi vào bắt mạch.

Triệu Câu đứng dậy đưa vào nhà trong, sai nữ tỳ cuốn màn để cho Nhạc Hiệu bắt mạch. Khi bắt mạch xong, Nhạc Hiệu không nói câu gì, lại cùng Triệu Câu đi ra nhà ngoài. Phò mã Triệu Câu hỏi:

-Tiên sinh xem mạch thân mẫu tôi thế nào, xin tiên sinh nói rõ cho biết.

Nhạc Hiệu nói:

- Cứ như bệnh trạng của Mạnh vương phi đây không phải là nhẹ. Số là vương phi đa tài, xưa nay vẫn dùng quá tâm lực. Tâm khí đã hư, can hỏa tất vượng. Ngày nay lại gặp có sự bất bình, cho nên huyết hải xung khai mà sinh ra thế. May sao nguyên khí vẫn vững, nhưng nay muốn tránh thổ huyết không nên dùng sâm. Các danh y đều cho là chứng huyết hư, bởi vậy càng bổ huyết thì càng vọng hành. Bây giờ nên dùng bài “Dẫn hỏa qui nguyên” thì tự khắc can hỏa bình tĩnh vậy.

Phò mã Triệu Câu gật đầu khen phải, rồi xin Nhạc HIệu kê đơn thuốc. Nhạc Hiệu kê đơn xong, lại nói với phò mã Triệu Câu rằng:

- Cái đơn thuố này bất tất phải đổi chi cả, cốt giữ làm sao cho vương phi đừng nghe thấy những tin tức buồn rầu thì chỉ trong trăm ngày, có thể bình phục như thường được. Nếu để cho có sự gì lo phiền giận dữ, bấy giờ thuốc tiên cũng chẳng công hiệu nào. Dẫu rằng không chết, nhưng sau này cũng thành ra phế nhân vậy.

Nhạc Hiệu nói xong, cáo từ lui ra. Phò mã Triệu Câu truyền đem tiền bạc ra để tiến tống. Mạnh Lệ Quân uống một nước thuốc rồi nằm thiu thiu ngủ. Cách mấy ngày hôm sau, bệnh thế đã bớt nhiều. Phò mã Triệu Câu dẫu thấy bệnh thế đã bớt nhiều, nhưng bao nhiêu tin tức ở trong nội cung, nhất thiết không dám cho biết một tý gì nữa. Công việc trong nhà đã có phu nhân lo liệu. Hai cậu đệ nhị và đệ tứ công tử thì lúc nào cũng hầu hạ luôn bên cạnh mình Mạnh Lệ Quân. Mạnh Lệ Quân tinh thần vẫn trấn định, trong khi nhàn hạ, mới hỏi hai công tử rằng:

- Chẳng hay ai bốc thuốc cho ta uống như thế?

Hai công tử mới thuật chuyện mời Nhạc Hiệu đến chữa thuốc cho Mạnh Lệ Quân vương phi nghe. Mạnh Lệ Quân vương phi nói:

- Nếu vậy thì người ấy thật giỏi nghề thuốc, đoán bệnh không đế nỗi lầm. Ngày nay ta nghe trong mình đã khoan khoái lạ thường âu là ta phải sửa soạn tiến kinh mới được.

Lưu Yến Ngọc nói:

- Xin hãy thư thả, đợi đến xuân sau sẽ đi.

Mạnh Lệ Quân vương phi nói:

- Không thể được! Ngày nay thái hậu luống những lo sợ, gia quyến Hùng vương thì bị giam ở trong ngục thất, ta nỡ lòng nào mà ngồi cho yên. Vậy ta nhất định đến ngày ba tháng chín này sẽ khở hành tiến kinh, còn công việc trong nhà đã có hai phu nhân lo liệu.

Nói chưa dứt lời thì bỗng thấy phò mã Triệu Câu bước vào mà nói với Mạnh Lệ Quân rằng:

- Tiết đoan ngọ vừa rồi, Gia Tường công chúa đã đẻ sinh đôi: Một trai và một gái. Hiện tam đệ là Triệu Lân đã sai người báo tin cho con biết.

Nói xong, liền đem bức thư của Triệu Lân đệ trình Mạnh Lệ Quân. Bức thư như sau này:

“Kính trình ba mẹ, (tức ba bà mẹ)

Nhà cửa vẫn được bình yên, chỉ có thái hậu bệnh nặng, một mình con không sao mà trông nom cho xiết, vậy xin thân mẫu mau mau tiến kinh.

Sự thể Phi Giao lộng quyền, con đã nói ở trong thư trước. Bây giờ gia quyến họ Hùng cực khổ trăm chiều. Chị Lương Cẩm Hà mới sinh con trai, trông nom nhờ có quan Nguyễn tướng công, chứ con đây tị hiềm, không dám đi lại hỏi han chi cả. Lại có một người kỳ nữ, nói là tiểu thiếp của biểu huynh Hùng Khởi Phượng, tình nguyện vào nhà giam. Xem thế thì biết nhà họ Hùng trung trực, đã cảm hóa cả đến bọn phụ nữ, mà Hoàng Phủ ta thật không được bằng. Cái họa “diệt tộc” sau này, con chỉ sợ để tiếng về thiên cổ.

Ký tên: Triệu Lân"

Mạnh Lệ Quân xem xong, nửa mừng nửa lo, bàn đi tính lại hồi lâu, rồi nhất định phải tiến kinh mới được. Ngày hôm sau, Mạnh Lệ Quân sang phủ Hán vương yết kiến bà thái phi. Thái phi đứng dậy nghênh tiếp, mời ngồi mà bảo rằng:

- Hôm trước Triệu quốc thái phi (mẹ Triệu vương) có viết thư hẹn với tôi để cùng tiến kinh, không ngờ thánh thượng lại giáng chỉ cấm không cho hồi triều, nói thượng hoàng dẫu bỏ đi, nhưng các phiên vương đều phải yên phận mà giữ bờ cõi, chớ sinh lòng dòm dỏ, khiến cho náo loạn dân tâm. Như thế thì chúng tôi khi nào còn dám tiến kinh nữa. Thái hậu ơi! Bây giờ muốn vào vấn an mà cũng không được đó! Nói xong, hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi. Mạnh Lệ Quân cũng gạt nước mắt mà rằng:

- Xin thái phi cứ yên lòng. Ngày nay dẫu tai biến lạ thường, nhưng nhờ có ân trạch tiên triều thì giang sơn này chắc chưa đến nỗi đã nghiêng đổ. Còn như tội ác của nhà Hoàng Phủ tôi, dẫu muôn chết cũng không rửa sạch được nào. Thái phi có muốn nhắn điều chi gì xin người chỉ bảo.

Bà thái phi khóc mà đáp rằng:

- Tôi cũng chẳng có nhắn chi cả, chỉ xin cầu cho thái hậu chóng được bình phục như thường. Thượng hoàng tất có ngày về triều, mà thiên đạo khi nào lại có giúp đứa gian ác. Mạnh vương phi ơi! Vương phi là người trí rộng tài cao, việc nước sau này trông cậy ở trong tay vương phi đó. Tôi còn có một điều cốt yếu này, xin vương phi ngồi trên cho tôi lại rồi sẽ thưa: Vương phi ơi! Vương phi cùng Phi Giao dẫu là tình mẹ con ruột thịt, nhưng vương phi cũng nên phải nghĩ đến nghĩa vua tôi và ân tình của thái hậu đối với vương phi thuở xưa.

Bà thái phi vừa nói vừa phục xuống đất lạy Mạnh Lệ Quân. Mạnh Lệ Quân giật mình kinh sợ, cố hết sức đỡ bà thái phi dậy, rồi lại cúi đầu sụp lạy mà thưa rằng:

- Thái phi bất tất phải như thế. Tấm lòng trung thành của tôi, đã có hoàng thiên soi xét. Tôi quyết không khi nào dám quên công nghĩa mà vị tư tình. Nếu tôi nói chẳng như lời thì dám xin lôi thần đả tử. Tội ác của tôi dẫu chết cũng đáng, tôi còn mặc dầy chữa thuốc cho khỏi là còn mong rằng phen này tiến kinh, sẽ dùng lời khuyên bảo con Phi Giao. Nếu khuyên bảo không được, bấy giờ tôi cũng xin liều mình một chết, để đền ơn triều đình vậy.

Mạnh Lệ Quân nói xong, bà thì bà thái lại nức nở khóc hoài. Các cung nữ xúm lại khuyên giải, và pha trà mời uống. Trong khi uống trà, bà thái phi lại thuật chuyện bà Triệu quốc thái phi nghe tin Triệu vương nói, cũng vật mình lăn khóc, kể sao xiết nỗi thảm sầu. Mạnh Lệ Quân lại khóc mà rằng:

- Thôi thì trăm điều tội ác, tôi xin chịu cả. Vì tôi bất hiền, cho nên mới sinh ra một đứa con bất hiếu ấy. Nhà Hoàng Phủ tôi thật tận trung báo quốc đã mấy đời nay, nay phu quân tôi quyết chí đi tìm thượng hoàng, hễ tìm không thấy thì cũng liều chết không về nữa.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play