Tần Sĩ Thăng phu nhân gọi một tên lão bộc họ Từ đến mà bảo rằng:
- Nhà ngươi mau mau đưa nàng Hạng Ngọc Thanh tới cửa Tam Pháp, rồi nhà
ngươi đợi đấy, chờ xem tin tức thế nào sẽ về báo cho ta biết.
Tên lão xương đầu họ Từ vâng dạ, rồi theo Tần Sĩ Thăng phu nhân đi sang tây lầu. Nàng Hạng Ngọc Thanh gạt nước mắt mà hỏi rằng:
- Phu nhân ơi! Chẳng hay quan Tần học sĩ đã say rượu ngủ yên chưa? Tôi nghe bây giờ trống điểm canh tư rồi.
Tần Sĩ Thăng phu nhân nói:
- Bây giờ đi thì vừa, nếu để đến trời sáng không tiện.
Nàng Hạng Ngọc Thanh sụp xuống lạy tạ. Tần Sĩ Thăng phu nhân cầm lấy tay dặn dò mấy câu, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Phu nhân nói:
-
Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Hai ta tương biệt chưa biết bao giờ mới lại
trùng phùng, vậy tôi xin chúc cho nàng được những sự tốt lành vui vẻ.
Đóa hoa khi nở khi rụng, người ta tất phải có lúc biệt ly. Hai ta sum
họp trong nửa năm nay, thật coi nhau như chị em ruột thịt, ngày nay tôi
khôn cầm giọt lệ để tiễn chân nàng. Nàng nên gắn chí bền lòng, chớ thấy
khó khăn mà biến đổi. Tôi đây kính lòng trinh bạch của nàng, cho nên
mong nàng giữ được tiết sạch giá trong vậy.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói:
- Mấy lời vàng ngọc tôi xin tạc dạ, quyết không bao giờ dám để phụ lòng phu nhân.
Hai người nhìn nhau cùng khóc, dùng dằng chưa nỡ rời tay, thì tên lão bộc
dứng ngoài đã lên tiếng giục giã. Tần Sĩ Thăng phu nhân đưa nàng ra khỏi mái tường, rồi tên lão xương đầu kia tay xách lồng đèn nhỏ, dẫn đường
cho nàng đi. Khi nàng đi xa rồi, Tần Sĩ Thăng phu nhân mới quay vào
trong phòng, ngồi ngẩn người ra mà nghĩ. Nghĩ thầm:
- Hôm nay thật là nàng Hạng Ngọc Thanh tự dẫn thân đến chỗ chết, mà ta đã đi đưa đám nàng về đây!
Phu nhân càng nghĩ bao nhiêu, lại càng căm tức thay cho phu quân một người
bất nghĩa. Phu nhân đang ngồi ngẫm nghĩ thì bỗng nghe tiếng Tần Sĩ Thăng trong màn gọi mà hỏi rằng:
- Phu nhân! Sao phu nhân hôm nay dậy sớm thế này?
Tần Sĩ Thăng vừa nói vừa trở dậy, vén màn bước ra, trông thấy phu nhân nét
mặt hầm hầm, đôi lông mày cau lại, có ý tức giận. Tần Sĩ Thăng chẳng còn hồn vía nào nữa, liền hỏi:
- Phu nhân ơi! Chẳng hay có việc chi mà phu nhân lại ra ý tức giận như thế?
Phu nhân thấy Tần Sĩ Thăng hỏi, tức khắc đứng dậy túm lấy vạt áo, rồi nói:
- Hay cho phu quân! Bây giờ tôi mới biết là phu quân lừa tôi. Phu quân
mau mau theo tôi vào triều, việc này tôi phải tâu thánh thượng mới được!
Nói xong, liền khóc òa, rồi đập đầu dậm chân, làm rất ghê gớm! Bấy giờ Tần Sĩ Thăng kinh sợ, vội hỏi:
- Quái lạ! Sự tình đầu đuôi thế nào? Phu nhân nói cho tôi nghe. Tôi có
điều gì dám lừa dối phu nhân đâu, sao tự nhiên vô cớ phu nhân lại đặt để ra như vậy.
Tần Sĩ Thăng phu nhân cứ nổi tam bành lên rồi nói:
- Phu quân lại còn chối đó, phải không! Đêm qua phu quân ngủ rồi, nàng
Hạng Ngọc Thanh có thuật chuyện cho tôi nghe, số là ngày trước phu quân
đã hứa với nàng rằng nếu Hùng quốc cữu không lấy thì phu quân lấy nàng
làm chánh thất rồi sắc phong sẽ xin cho nàng, còn tôi thì đuổi về quê
nhà. Ngày nay nàng nhất định đòi lấy sắc phong, nếu không được sắc phong thì nàng quyết không thuận. Nàng lại nói đã cam chịu khổ trong nửa năm
trời, để chờ Hùng quốc cữu cho được phú quý, bây giờ đã được phú quý thì quyết cũng không chịu làm bạn với một ông quan thanh đạm như ai. Nàng
nói nhiều câu khiến cho tôi phải tức mà chết. Trời ơi! Ai ngờ phu quân
lại lòng lang dạ thú, định lừa dối tôi như thế! Phu quân vì tính hiếu
sắc mà đem một người mỹ nữ về, bắt tôi phải cung cấp như thờ bà mẹ chồng trong nửa năm nay. Ngày nay lại trang thần lộng quỷ, giả cách nói là sợ tai vạ, để nghiễm nhiên được hưởng phú quý phong lưu, mà tình phụ tôi
là một người vợ đã kết tóc cùng nhau từ thuở còn nhỏ. Tôi vẫn tưởng phu
quân là một người biết trọng trinh tiết! Tôi vẫn tưởng phu quân là một
người đã dự ngôi trong tòa Hàn Lâm, tất phải biết trọng phẩm giá! Không
ngờ phu quân lại táng lương tâm mà định bỏcon vợ tào khang này! Phu quân không nhớ những lúc hàn vi, từ khi tôi mới bước chân về nhà này, dậy
sớm thức khuya, bữa rau bữa cháo, thế mà tôi vẫn thắt lưng buộc bụng, cố lần hồi cho phu quân được yên thân mà chăm việc sách đèn. Cũng mong
rằng mai sau phú quý phụ vinh, một giải đồng tâm, cùng nhau gắn bó cho
đến khi đầu bạc. Ai ngờ ngày nay phu quân mới được hiển đạt đã toan vợ
nọ vợ kia. Tôi hỏi phu quân: đã đành tôi chưa có con là phạm một trong
điều lệ “Thất xuất”, nhưng phu quân há lại không biết rằng một người vợ
đã từng chịu tang cha mẹ chồng thì không bao giờ đáng kể vào lệ ấy được! Một tay tôi đã từng lo lắng công to việc lớn cho nhà phu quân, trong
đạo làm dâu và làm vợ, thật tôi không hề trễ biếng chút nào. Tôi đã vì
cớ hiếm muộn, khuyên phu quân mua thiếp thì phu quân lại nói là không
muốn chia lòng riênt tây, đợi khi tôi bốn mươi tuổi rồi mà chưa sinh nở
gì, bấy giờ vườn sẽ thêm hoa, cũng chẳng lấy chi làm muộn. Ngày nay tôi
mới biết toàn là những câu lừa dối, thế mà tôi cứ mơ màng trong giấc
chiêm bao.
Phu nhân vừa nói vừa khóc, khóc đến nỗi vạt áo bào của Tần Sĩ Thăng cũng ướt dầm. Tần Sĩ Thăng muốn cãi lại mà cãi không kịp
miệng. Lại thấy phu nhân dọa tâu thánh thượng thì cũng lo thêm tội vào
mình, bất đắc dĩ phải tìm lời ngọt ngào để khuyên giải cho yên chuyện.
Bấy giờ Tần Sĩ Thăng đỡ phu nhân dậy, rồi thay bộ áo ướt cho phu nhân,
và nói:
- Phu nhân ơi! Không biết tự ai bịa ra câu chuyện này.
Tôi biết thế này thì thật cát vàng tôi cũng không đem nàng Hạng Ngọc
Thanh về. Chẳng qua tôi lầm mà mến nhan sắc của nàng, để khiến cho phu
nhân tức giận, nhưng còn câu bảo rằng tôi muốn bỏ phu nhân mà lấy nàng
làm chính thất thì quả tôi không nói bao giờ. Nàng Hạng Ngọc Thanh khéo
vu oan cho tôi, chứ tôi đây khi nào dám như thế. Xin phu nhân bớt giận,
hãy nghe tôi nói một lời: Tôi cùng phu nhân lấy nhau từ khi hãy còn bần
tiện, cho đến ngày nay, thật vẫn thủy chung một lòng kính yêu. Tôi đã
biết cầm quyển sách vào tay, há phải là phường quên ơn bội nghĩa. Nếu
phu nhân không tin lời tôi nói thì xin gọi nàng Hạng Ngọc Thanh ra đây
để đối chất cùng tôi.
Phu nhân lại nổi giận mà bảo Tần Sĩ Thăng rằng:
- Tôi còn chứa ở nhà này làm gì nữa! Tôi đuổi nó bước rồi. từ nay tôi
cũng đâm liều chẳng cần giữ thể diện chi cả. Bây giờ phu nhân phải theo
tôi đến cửa Ngọ Môn, để tôi được giải oan.
Phu nhân nói xong lại túm áo Tần Sĩ Thăng mà rằng:
- Việc này thế nào tôi cũng phải tâu thánh thượng!
Tần Sĩ Thăng nghe nói, mặt tái mét đi, ngẫm nghĩ một chút rồi nói:
- Phu nhân ơi! Phu nhân hại tôi rồi. Nàng Hạng Ngọc Thanh bị đuổi, chắc
nàng tức giận mà đầu đơn kiện tôi, bấy giờ tôi mang tiếng là kẻ cưỡng
bách một người trong đảng phản nghịch để làm tiểu thiếp, còn ra thế nào.
Tần Sĩ Thăng vừa nói vừa giậm chân mà phàn nàn rằng:
- Việc này thật là phu nhân hung ác quá, không định hại tôi mà thành ra
hại tôi. Tôi vẫn tưởng nhờ lượng hải hà của phu nhân cho được một nhà
sum họp, trước là khiến nàng lo chỗ nương tựa, sau là nhà ta tránh khỏi
tai ương. Bây giờ xảy ra cớ sự này, thật tôi không còn mặt mũi nào mà
trông thấy ai nữa! Phu nhân hại tôi...
Tần Sĩ Thăng nói xong, lại khóc òa lên mà rằng:
- Trời ơi! Chẳng qua vhỉ vì tôi ham sắc, đến nỗi thế này!
Bấy giờ Tần Sĩ Thăng nằm lăn ra giường, vừa khóc vừa nói:
- Tôi đành nằm đây mà đợi thánh chỉ đến bắt.
Phu nhân cứ mặc, không đến khuyên giải, lại đứng dậy trang điểm, truyền các nữ tỳ thu xếp đồ đạc trong nhà và nấu cơm ăn. Phu nhân nói:
- Ta nên ăn cơm cho no, kẻo chẳng bao lâu có thánh chỉ đến bắt.
Khi người nhà dọn cơm, phu nhân kéo Tần Sĩ Thăng dậy, bắt phải cùng ăn cơm vào bảo rằng:
- Tôi cùng phu quân vĩnh quyết là ngày hôm nay!
Tần Sĩ Thăng không chịu dậy, xua tay mà bảo rằng:
- Thôi phu nhân đừng ân cần hão nữa! Phu nhân nỡ lòng nào mà hại danh giá của tôi. Bây giờ tôi mới biết phu nhân là một hiền nội trợ... Tôi chết
đã vậy, nhưng xót thương thay cho phu nhân sau này song le chiếc bóng,
họ hàng vắng vẻ biết lấy ai mà nương tựa sớm khuya. Phu nhân tức giận
trong một thời, mà khiến cho hai họ Tần và Trương này phải bại hoại danh giá.
Tần Sĩ Thăng vừa nói vừa khóc, hai hàng nước mắt lã chã
tuôn rơi, rồi nằm thi thủi ngủ. Phu nhân nghĩ cũng thương tình, nhưng
định để cho chàng hãy ngủ một giấc, liệu chừng nàng Hạng Ngọc Thanh đã
vào Tam pháp rồi, bấy giờ sẽ hay. Phu nhân vẫn giả cách hầm hầm nổi
giận, cứ đập bàn đập ghế mà mắng Tần Sĩ Thăng là kẻ bạc tình.
Lại nói chuyện nàng Hạng Ngọc Thanh đêm hôm ấy lủi thủi đi theo tên lão bộc, vừa đi vừa khóc. Tên lão bộc nói:
- Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Nàng nên rảo bước đi mau kẻo trời sáng rõ thì
nhiều điều không tiện. Khi đi tới đấy, hễ thấy xe ngựa các quan tiến
triều, cứ kêu to lên, tự khắc quan phải hỏi.
Nàng Hạng Ngọc Thanh gật đầu, tay gạt nước mắt. Khi đi đến Ngọ Môn, trông thấy trước cửa
thành cao lớn, có một dãy ngựa xe. Chỗ nọ mấy toán thị vệm mũ mao lông
gà; chỗ kia mấy vị triều thần, đai vàng hốt bạc. Ông thì hình dung cổ
quái, ông thì mặt mũi khôi ngô. Người đến dẫu đông, nhưng có vẻ rất
nghiêm trang, ai nấy ngậm tăm, bốn mặt im phăng phắc. Bấy giờ nàng Hạng
Ngọc Thanh nghĩ lại ghê sợ ngẫn người ra. Tên lão bộc lại giục nàng mà
rằng:
- Nàng Hạng Ngọc Thanh ơi! Nàng cứ sấn đến mà kêu, kẻo chậm một nhát, trống gióng chuông hồi thì các quan vào triều hết. Tôi xin
đứng chực ngoài này để đợi nghe tin nàng. Nói xong, tức khắc đứng nép
tại một bên cửa cấm.
Nàng Hạng Ngọc Thanh run sợ, hai chân luống cuống, mồ hôi toát dầm. Sau nàng bỗng nổi giận mà nghĩ thầm rằng: Hạng
Ngọc Thanh ơi! Hạng Ngọc Thanh ơi! Cớ chi hôm nay ngươi lại biến tâm mà
rụt rè không dám bước bạo. Nếu ngươi đổi ý, lại chẳng uổng phụ tấm lòng
hào hiệp của Hùng quốc cữu lắm ru. Nàng Hạng Ngọc Thanh nghĩ vậy, liền
cau mày nghiến răng bước rảo mấy bước, tiến thẳng vào trước cửa thành.
Quân thị vệ hai bên quát to lên mà rằng:
- Con mụ nào thế kia, dám cả gan tiến vào cửa cấm!
Chúng vừa quát mắng thì bỗng có một cỗ xe đi đến. Người ngồi trên xe tức là
một vị tôn thất Tề vương. Bấy giờ nàng Hạng Ngọc Thanh gót sen rón rén
quì ở ngang đường mà bẩm rằng:
- Tiện nữ nay có một việc muốn xin đại vương rủ lòng thương mà soi xét cho.
Các quân thị vệ đều tuốt gươm ra, quát to lên rằng:
- Quái lạ! Con mụ nào dám cả gan ngăn trở loan nghi như thế! Nhà ngươi
muốn kêu việc gì thì đã có các nha môn, đức đại vương đây khi nào lại
xét đến những việc tầm thường nhỏ nhặt.
Nàng Hạng Ngọc Thanh vừa khóc vừa nói:
- Vương hầu tể tướng có trách nhiệm thay quyền thánh thượng soi xét dân
tình, tôi thiết tưởng việc gì lại không đáng tội. Huống chi tiện nữ đây
lại là phản nghịch trọng tội, muốn nhờ đại vương tâu với thánh thượng
cho tiện nữ được tự thú mà xin vào nhà giam.
Các quân thị vệ đều xua đuổi đi ra chỗ khác:
Nhà ngươi chớ ngăn trở loan nghi mà để đi lụy đến chúng ta.
- Đại vương đã không xét cho thì tôi cũng chẳng tiếc chi cái thân sống thừa này nữa.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói xong, thò tau vào tay áo, rút một lưỡi dao con ra,
toan liều mình tự tử. Các quân thị vệ thấy vậy, vội vàng giật lấy lưỡi
dao thì nàng Hạng Ngọc Thanh lăn ra đấy mà khóc. Tề vương truyền dừng xe lại và bảo các thị vệ rằng:
- Các ngươi gọi người con gái ấy đến đây để ta hỏi xem việc chi.
Thị vệ vâng mệnh gọi nàng Hạng Ngọc Thanh lại. Nàng Hạng Ngọc Thanh mừng
rỡ, liền gạt nước mắt, rồi theo thị vệ đến gần trước xe, phủ phục xuống
đất, không dám ngẩng đầu lên. Tề vương ngẩng nhìn, chỉ thấy hình dung
yểu điệu, chứ không hiểu nét mặt xấu đẹp thế nào, mới cất to tiếng mà
mắng rằng:
- Nhà ngươi là một người con gái, có việc chi oan
uổng, sao không làm giấy kêu các nha môn, mà dám cả gan ngăn đón xe ta.
Lại toan liều mình rút dao tự tử, thế thì không thể tha tội được.
Nói xong, truyền thị vệ bắt giải ra pháp ti để nghị tội. Quân sĩ vâng lệnh, trăm miệng dạ ran, kẻ kéo người lôi, bắt nàng đem đi giải nạp. Nàng
Hạng Ngọc Thanh lại kêu rầm lên mà rằng:
- Xin đại vương hãy cho tiện nữ được nói một lời dẫu xây chín bậc phù đồ, cũng không phúc bằng.
Tề vương nghe lời, lại truyền bảo các thị vệ rằng:
- Khoan đã! Nếu vậy thì hãy cho được nói một lời, để ta xem oan uổng những thế nào.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói:
- Tôi không có sự gì oan uổng, chỉ vì Hùng vương ngày nay bị tội sắp phải toàn gia tru lục, tiện nữ đây tức là một người tiểu thiếp chưa cưới của trưởng tử Hùng vương tên gọi Hùng Khởi Phượng. Từ khi cùng nhau đính
ước vẫn để ở riêng một chỗ tại chốn hương thôn, vậy nên ngày nay tôi mới biết tin, thiết nghĩ không dám trốn tránh lưới trời, tự xin vào nhà
giam chứ không hề có phạm tội chi cả.
- Nếu vậy thì đáng khen cho lòng trung nghĩa của Hùng vương cảm hóa được
biết bao nhiêu kẻ! Nào ba trăm gia binh xin liều mình theo chết, nào một người tiểu thiếp chưa cưới cũng tự thú nhận chịu giam. Thế thì ta chắc
Hùng vương quyết không có lòng phản nghịch. Tề vương nghĩ vậy, liền nói:
-Để ta tâu thánh thượng, có lẽ thánh thượng cũng ban đặc ân mà khoan xá cho nhà ngươi. Nhưng chẳng hay nhà ngươi tên họ là gì, mau mau nói rõ cho
ta biết.
Nàng Hạng Ngọc Thanh nói:
- Nguyên tôi là họ Hạng, tên là Ngọc Thanh.
Tề vương gật đầu mà rằng:
- Ngọc khiết băng thanh, hợp mà làm một, nàng thật không hổ thẹn với tên nàng vậy.
Khi vào tới triều đường, Tề vương nói chuyện nàng Hạng Ngọc Thanh cho các
quan triều thần nghe. Đồ Man Hưng Phục mỉm cười mà nói với tề vương
rằng:
- Việc một người nữ tử, há phải là việc quan trọng, hà tất lại trần tấu.
Nói chưa dứt lời bỗng thấy nội giám Lã Xương ở trong cung ra truyền chỉ cho bãi triều.
Tề vương bất đắc dĩ phải thuật chuyện đầu đuôi việc nàng Hạng Ngọc Thanh
cho Lã Xương nghe. Lã Xương nghe nói, cũng khen ngợi mà rằng:
- Nếu vậy để tôi xin thay đại vương mà tâu thánh thượng.
Lại nói chuyện Phi Giao hoàng hậu ở trong cung, từ khi bị thái hậu quở
trách, uy phong giảm bớt đi một vài. Nét mặt lúc nào cũng rầu rĩ, lược
không muốn chải, gương chẳng buồn soi, có lúc lại hầm hầm nổi giận, nằm ở trên long sàng mà nức nở khóc. Vua Anh Tôn thấy vậy, phiền não vô cùng, cả ngày chỉ quấn quýt cạnh mình Phi Giao hoàng hậu. Lúc thì thổi ống
ngọc địch, vui chuyện mua cười; lúc thì mượn chén kim chi, làm phương
giải muộn. Vì thế đã lâu không ra ngự triều. Phi Giao hoàng hậu nghĩ
thầm: “Bây giờ ta chỉ ước gì cho thái hậu ốm nằm ở trong cung không dậy
được thì ta chẳng còn phải e sợ người nào. Dẫu cha mẹ ta tới đây, ta
cũng không ngại. Ta chỉ cốt làm sao cho quyền chính về một tay ta, bấy
giờ họ Hùng kia ta quyết phải tru lục. Nhưng trước hết ta hãy nên thi ân mua chuộc lấy lòng người.
Phi Giao hoàng hậu nghĩ vậy, mới tăng
lương cho các quân hộ vệ, phong Đồ Man Định Quốc và Đồ Man An Quốc là
tả, hữu long võ tướng quân, để coi giữ ở trong cấm viện, lại tuyển trong các cung nữ, chọn riêng lấy ba mươi sáu người toàn là những người nhan
sắc nghiêng thành nghiêng nước, chia ra làm ba mươi sáu cung, mỗi cung
lại tuyển mười hai tên vũ nữ, y phục đều một sắc. Trong ngự viện có lập
một toà đại điện gọi là Vạn Thọ điện, mỗi khi thiên tử và hoàng hậu ngự
ra chơi đấy thì các cung phi phải đem vũ nữ ra múa hát, thật là cuộc vui hiếm có vậy. Vua Anh Tôn say đắm về các cung phi, chẳng thiết chi đến
quốc chính, Phi Giao hoàng hậu tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Bệ hạ chớ lo nghĩ chi đến quốc chính cho thêm nhọc lòng, đã có thần thiếp xin vất vả lo tất cả.
Vua Anh Tôn vốn lười biếng, nay lại đam mê tửu sắc, chỉ muốn làm một vị
quân chủ ở trong đội Đào hoa (tức là mỹ nhân), bởi vậy nghe lời Phi Giao hoàng hậu tâu thì vui lòng mà ưng thuận ngay. Từ đó bao nhiêu bản tâu,
quyền xét đoán đều ở một tay Phi Giao hoàng hậu cả.
Lại nói
chuyện Hùng hậu từ khi được thái hậu đem về cung, thuốc thang tẩm bổ thì tinh thần dần dần phục hồi, không đến nỗi mặt xanh người võ như xưa, mà ai hỏi câu gì đã biết trả lời, không phải là người ngây dại nữa. Còn
thái hậu nghĩ vừa tức giận lại vừa hổ thẹn, bệnh trạng mỗi ngày một
nặng, nằm liệt ở trên long sàng. Bấy giờ Gia Tường công chúa sắp đến kỳ
lâm sản, mà long thai của Hùng hậu cũng đã gần tới tuần khai hoa. Triệu
Lân chỉ sợ Phi Giao hoàng hậu biết chuyện, mới giả cách viết đơn thuốc
đưa cho nội giám Lăng Mậu cầm vào dâng thái hậu. Thái hậu mở ra xem thì
thấy mấy hàng như sau này:
“Kỵ
đô úy kiêm chức thái y là Hoàng Phủ Triệu Lân xin cúi tâu để thái hậu
xét. Kẻ hạ thần xem mạch tả cung hoàng hậu thì long thai vô ngại, sắp
tới tuần khai hoa. Nếu nay sinh hạ hoàng nam, tất thế nào hữu hoàng hậu
cũng hỏi đến. Ngày nay thánh thượng đam mê tửu sắc, quyền về hữu cung,
mà thái hậu ngọc thể chưa an, biết lấy ai làm bảo hộ. Vậy kẻ hạ thần
thiết nghĩ: Hễ khi Hùng hậu lâm sản, chớ có truyền gọi uẩn bà, chỉ nên
dùng bảo mẫu đem hoàng tử đặt nằm tại trong giỏ thuốc, rồi một mặt
truyền gọi kẻ hạ thần vào xem mạch thái hậu, để kẻ hạ thần đưa ra giao
cho Gia Tường công chúa. Nếu sợ hoàng tử khóc thì xin đệm bông xung
quanh và lấy đường bỏ vào miệng, tự khắc hoàng tử nín khóc. Việc này xin thái hậu nhẫn nại mà giữ kín cho, kẻo tuyên tiết ra thì chẳng những
hoàng tử không bảo an, mà kẻ hạ thần cùng cha mẹ kẻ hạ thần đều khó toàn được tính mệnh.
“Khí số dẫu gặp tai ách, nhưng ta khéo lựa chiều bổ cứu, may ra cũng hồi được thiên tâm, tất có một ngày kia thượng
hoàng về nước, thiên tử chuyển lòng, chỉ thương xót riêng cho nhà Hoàng
Phủ xiết bao nỗi thảm sầu vậy. Kẻ hạ thần tận trung báo quốc ở một việc
này, còn mưu kế khác thì bây giờ chưa có thể thi hành được. Khi nào Hùng hậu lâm sản rồi, kẻ hạ thần xin dâng một tể thuốc “An thần định phách”
sẽ giữ được sức khỏe như thường. Bấy giờ thái hậu truyền chỉ báo với
thiên tử là Hùng hậu sing được một cục máu, cũng không cho về tả cung
nữa, cử ở đây để hầu hạ thái hậu mằ thôi. Kẻ hạ thần nghĩ đã kỹ lắm, xin thái hậu lưu bảng tâu này, để khi thượng hoàng về cung, biết cho cha
con kẻ hạ thần không phải là phường bất trung hại nước. Cẩn tấu”.
Thái hậu xem xong, lẩm nhẩm gật đầu mà nghĩ thầm rằng:
- Ừ! Cái kế này cũng vạn toàn thật! Thái hậu lại mật bảo cho bảo mẫu
biết, bảo mẫu cũng khen ngợi lấy làm diệu kế. Từ đó trong cung đã sửa
soạn sẵn, chỉ đợi đến ngày hoàng tử giáng sinh.
Vừa gặp tiết đoan ngọ ngày năm tháng năm, Hùng hậu bỗng ứa nước mắt khóc, bảo bảo mẫu rằng:
- Hôm nay ta thấy trong lòng quặn đau, ngồi không yên mà ngủ cũng không được. Mụ nên xoa đỡ cho ta.
Bảo mẫu biết là Hùng hậu sắp lâm sản, tâu với thái hậu. Thái hậu giả cách
truyền chỉ là nhân vì có bệnh lâu ngày, mọi người trong cung hết sức
chăm chỉ hầu hạ, vậy đặt một tiệc rượu để thưởng công. Các cung nữ và
các nội giám ai nấy đều vui mừng uống rượu, say mê chẳng biết chi cả.
Trong cung đang vui mừng tiết đoan ngọ thì bỗng đâu trên không mây kéo
tối rầm, một tiếng sấm vang, trời đổ mưa như trút. Bấy giờ tiệc xong,
chén đĩa ngổn ngang, các cung nữ và các nội giám mỗi người đi ẩn núp một nơi. Vừa lúc ấy Hùng hậu ở trong cung đã sinh hoàng tử, nhưng đau đớn
quá độ, hai tên cung nữ vực lên giường, liền ngủ thiếp đi. Bảo mẫu đã
sắp sẵn một cái giỏ, trong đệm bông nõn, đặt hoàng tử nằm vào đấy, bỏ
đường vào miệng, rồi lấy một vài vị thuốc giải rắr ở trên. Bảo mẫu báo
cho thái hậu biết, thái hậu gưọng dậy trong mặt hoàng tử, ruột đau như
cắt, ứa hai hàng nước mắt khóc mà than rằng:
- Trời ơi! Một đứa
hài nhi mới lọt lòng mẹ, đã tội tình gì mà gặp bước gian nan này. Thương xót thay! Một bà hoàng hậu hạ sinh hoàng tử, mà không bằng một nhà
thường dân lại còn kẻ thăm người mừng. Ta trông tướng mạo đứa hài nhi
này, thật đáng một vị thái bình thiên tử, thế mà không biết cớ sao xấu
duyên hẩm phận mới oe tiếng khóc đã phải ly biệt mẫu thân.
Thái hậu nghoảnh lại bảo bảo mẫu rằng:
- Mụ đưa cái vạt áo của Hùng hậu ra đây để ta đề một bài thơ, đến khi
thượng hoàng về cung, hoặc giả ta có tạ thế rồi thì đem hoàng tử và bài
thơ này ra để trình nghiệm.
Các cung nữ đem bút mực đến, thái hậu đề một bài thơ:
“Nước nhà gặp lúc biến
Số mệnh cũng lạ thường
Đặt nằm trong giỏ thuốc
Ngẫm nghĩ càng thêm thương
Giang san lời khấn nguyện
Cốt nhục mối tình vương
Báo phục cơ trời định
Công tội hẳn tương đương”
Đề xong, hai hàng nước mắt ròng ròng, càng nghĩ càng thêm đau ruột. Các
cung nữ xúm lại khuyên giải, còn bảo mẫu thì xách giỏ thuốc đem ra. Bấy
giờ Triệu Lân đứng trực ở ngoài, khi trông thấy bảo mẫu, liền hiểu ý
ngay, đỡ lấy giỏ thuốc đem đi, không cần phải hỏi han lôi thôi chi cả.
Khi ấy trời vẫn sấm chớp ầm ầm, mưa như đổ nước, Triệu Lân ướt đầm từ
đầu đến cuối, nhưng chỉ mừng thầm rằng may sao trong cung không gặp một
ai.
Đi được một quãng, bỗng gặp mấy viên nội giám. Chúng thấy lạ liền hỏi. Triệu Lân cười mà đáp rằng:
- Tôi phụng mệnh thái hậu định chế một tễ thuốc bổ vào giờ ngọ hôm nay,
đang chế chưa xong. Lại được tin Gia Tường công chúa lâm sản, cho nên
thái hậu bảo tôi phải tức khắc ra về, và đem giỏ thuốc này về để chế cho xong, đến mai dâng cho thái hậu.
Trong bọn có một tên tiểu nội giám cười mà nói rằng:
- Giỏ thuốc này, tôi xin mang hầu quốc cữu.
Triệu Lân nói:
- Thôi được, để tôi mang lấy!
Chúng đều quay đi, Triệu Lân lại cắm đầu rảo bước. Vừa đi vừa sợ, chi lo
hoàng tử oe tiếng khóc mà lỡ gặp ai thì thật là nguy hiểm đến tính mệnh. Khi ra tới cửa cung, bỗng thấy một cái kiệu chung quanh có áo tơi che
kín. Quân sĩ cầm giáo đi hầu hai bên. Trong kiệu có một vị đậi tướng
quân, trông mặt đã ngà ngà say rượu. Triệu Lân chẳng còn hồn vía nào cả, cứ liều đánh bạo, tay xách giỏ thuốc, miệng gọi:
- Đồ Man tướng quân ơi!
Đồ Man Định Quốc trông thấy, vội vàng đứng lại hỏi:
- Trời đang mưa to, quốc cữu đi đâu mà vội thế?
Triệu Lân nói:
Xin tướng quân sai người tới Ngọ Môn gọi giúp mấy tên người nhà tôi đem
kiệu tới đây đón. Trong giỏ này có tể thuốc của thái hậu, đang chế chưa
xong, nhân có việc cần, nên phải đem về để chế nốt.
Đồ Man Định Quốc nói:
- Tôi sẵn có kiệu đi mưa này, xin nhường để quốc cữu về phủ.
Triệu Lân nói:
- Nếu vậy thì còn gì hơn nữa, xin đa tạ tướng quân.
Đồ Man Định Quốc vào dinh, rồi nhường kiệu cho Triệu Lân đi, lại mời Triệu Lân vào dinh thay đổi mũ áo, Triệu Lân nói:
- Thôi bất tất! Đa tạ thịnh tình của tướng quân, hôm nào thư thả, xin đến bái yết.
Triệu Lân lên kiệu đi ngay. Sau Đồ Man Định Quốc cưỡi ngựa về nhà, đem việc
gặp Triệu Lân vừa rồi thuật cho thân phụ là Đồ Man Hưng Phục nghe.
Đồ Man Hưng Phục nói:
- Định Quốc con ơi! Trong triều ta hôm nay có một việc này: Cao Ly nữ chủ là nàng Hạng Nam Kim dâng biểu xin lưu Hùng Khởi Phượng ở lại để dạy
ngôi thế tử, và Doãn Thượng Khanh ở lại để tu bổ quốc sử Cao Ly. Ta nghe lấy làm mừng. Nhưng việc này các quan đại thần còn can gián, không
thuận theo lời Nam Kim, ta lại cần phải nói với Mã Thuận, để nhờ hắn tâu Phi Giao hoàng hậu cho hai người ấy lưu tại Cao Ly trong mấy năm. Còn
việc hôm nay con gặp Triệu Lân, sao con không xem trong giỏ thuốc, ta
chỉ e rằng Hùng hậu sinh hoàng tử mà đặt nằm ở trong giỏ thuốc chăng.
Nếu không thì cớ chi lại dãi gió dầm mưa mà đi vội như thế.
Đồ Man Định Quốc nói:
- Thân phụ chớ nên đa nghi. Triệu Lân vốn tính ôn hòa, ra vào trong cung, vẫn cùng con thân mật, không giống như cha con họ Hùng kiêu ngạo lạ
thường. Cha con họ Hùng hễ trông thấy con là gọi tên xách mé, chứ Triệu
Lân thì bao giờ trông thấy cũng chắp tay vái chào, mà một điều “tướng
quân”; hai điều “tướng quân”. Cười nói ngọt ngào, không bao giờ dám lên
mặt hoàng thân quốc cữu. Vả hắn là em ruột Phi Giao hoàng hậu, khi nào
lại vì Hùng hậu mà làm những việc nguy nan.
Bỗng nghe báo có nội giám Mã Thuận đến. Đồ Man Hưng Phục vội vàng ra nghênh tiếp, Mã Thuận nói:
- Quan thừa tướng đã biết việc nàng Hạng Ngọc Thanh tự xin vào nhà giam
chưa? Hôm nay đã giam nàng vào ngục thất rồi. Chỉ sợ để lâu không đem
chém gia quyến họ Hùng thì hoặc giả lại sinh biến cố.
Hai người đang ngồi nói chuyện thì có Đồ Man An Quốc vào. Bấy giờ Đồ Man Hưng Phục lại nói với Mã Thuận rằng:
- Ngày nay sứ thần Cao Ly sắp về, chẳng biết chủ ý Phi Giao hoàng hậu nghĩ thế nào.
Mã Thuận cười mà bảo rằng:
- Hữu cung hoàng hậu đã tâu thánh thượng là Hùng Khởi Phượng con nhà phản nghịch, chớ nên lưu lại Cao Ly mà lại gây vạ về sau. Nhưng nay không
nên nói rõ ra vội, hãy tạm phê chuẩn cho hắn cùng Doãn Thượng Khanh ở
Cao Ly trong ba năm, như thế thì thật “Nhất cữ lưỡng đắc” vậy.
Cha con Đồ Man Hưng Phục mừng rỡ mà rằng:
- Nếu thế thì còn gì vui sướng cho bằng.
Lại nói chuyện quân thị vệ giải nàng Hạng Ngọc Thanh vào ngục thất, gọi thủ ngục quan mà bảo rằng:
- Có một người con gái trong đảng phản nghịch tên gọi Hạng Ngọc Thanh tự
nguyện và nhà giam. Tề vương truyền cho giam chung ở chỗ Hùng vương, và
cấm thủ ngục quan không được tàn ngược, vì nàng là một người con gái
tiết nghĩa song toàn vậy.
Thủ ngục quan vâng lệnh, nàng Hạng Ngọc Thanh theo thủ ngục quan vào trong ngục. Tối tăm lạnh lẽo, âm khí nặng
nề, bốn mặt xa nghe ti tỉ tiếng khóc, thật là một nơi hắc ám địa ngục
vậy. Nàng Hạng Ngọc Thanh trong lòng ngẫm nghĩ, xiết bao những nỗi thảm
sầu. Thủ ngục quan bảo nàng Hạng Ngọc Thanh rằng:
- Nàng đã vào đây, nên phải biết quý lệ trong ngục thất.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT