Buổi tối ăn cơm xong, Từ Thẩm Bình ngoan ngoãn ngồi nhà chờ Từ Văn Tuấn về. Trong thời gian
chờ bố về, anh đã nói chuyện với mẹ, hai người đều thống nhất ý kiến là
sẽ nhận hai trăm vạn đó. Nhưng làm thế nào để nhận thì lại phải bàn đến
vấn đề “kĩ thuật”. Đó là một vấn đề quan trọng cần phải bàn bạc thật kĩ.
Khoảng 8h30 tối thì Từ Văn Tuấn về tới nhà. Thẩm Thái Hồng hỏi Từ Văn Tuấn đã
ăn cơm chưa, ông đáp đã ăn bên ngoài rồi. Thẩm Thái Hồng gọi ôsin pha
một ấm trà ngon, đưa vào thư phòng của Từ Văn Tuấn, sau đó gọi hai bố
con Từ Văn Tuấn vào thư phòng, đóng cửa lại, rót trà ra chén rồi bắt đầu “hội nghị gia đình”.
Trước tiên Từ Thẩm Bình nói Vương Hãn Đông
là người trung gian, thay mặt cho Chương Kiến Quốc biếu cho gia đình hai trăm vạn để mua nhà, cùng với thái độ cơ bản của Chương Kiến Quốc trong việc này, ngoài ra còn chuyện sự thăng tiến của Chương Kiến Quốc cũng
ảnh hưởng tới tiền đồ của Từ Thẩm Bình sau này. Sau đó Thẩm Thái Hồng
nói về việc nhận tiền: Cơ hội không thể bỏ lỡ. Đây là cơ hội kiếm tiền
ngàn năm có một, không thể để nó tuột qua trước mắt mình, nếu không sẽ
hối hận cả đời.
Từ Văn Tuấn yên lặng lắng nghe vợ và con trai nói như đang ngồi nghe báo cáo ở tổ chức. Ông chìm vào suy nghĩ, nửa ngày
trời không thấy mở miệng nói gì. Vợ và con trai ngồi một bên mở lớn hai
mắt nhìn ông. Ông uống một ngụm trà rồi lại rít mấy hơi thuốc, bây giờ
tâm trạng ông đang vô cùng mâu thuẫn. Bình thường ông cũng nghe không ít những chuyện kiếm tiền của các bạn đồng liêu, mặc dù nhiều lúc mắt thấy tai nghe nhưng nó vẫn vô cùng xa lạ đối với ông. Ngày trước ông cũng đã thử kiếm ít tiền mọn, nhưng cũng không đáng là bao, mặc dù trong lòng
không cam tâm lắm, nhưng lại chẳng biết làm thế nào. Cơ hội trước mắt đã đến, ngộ nhỡ có sơ sẩy gì thì hậu quả vô cùng khó lường. Dạo trước tham quan ô lại các nơi trên cả nước bị bắt, chưa có ai là thoát khỏi sự
trừng phạt của pháp luật. Nghĩ tới đây, bất giác ông thấy lạnh sống
lưng. Lúc này ông như người muốn ăn cá nhưng lại sợ cá tanh. Đúng vào
lúc ông đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan thì Thẩm Thái Hồng không
nhịn được nữa:
- Này, ngài bộ trưởng của em, ít nhiều gì thì anh cũng nói một câu đi chứ! Không thể cứ im lặng mãi thế được!
Từ Văn Tuấn cũng không chịu nổi sự giục giã của vợ, mở miệng:
- Đúng vào lúc Thẩm Bình cần tiền mua nhà, hai trăm vạn mà Chương Kiến
Quốc biếu rất kịp thời. Điều kiện mà ông ta đưa ra cũng nằm trong phạm
vi của anh, không phải là khó làm, cho dù có thể sẽ xảy ra một vài tình
huống bất ngờ, nhưng chỉ cần cố gắng thì chuyện cho Chương Kiến Quốc lên làm cục trưởng chính thức cũng không phải là không làm được. Điều duy
nhất khiến anh thấy phiền lòng bây giờ là số tiền này quá lớn, ngộ nhỡ
xảy ra chuyện gì thì ngay cả một cái cớ hay đường lùi đều không có, muốn trốn tránh trách nhiệm cũng không trốn được. Đó mới là vấn đề chính.
Nếu có thể có cách nào giải quyết tốt và hợp pháp món tiền này thì nhất, cho dù chỉ là một cái vỏ hợp pháp thôi cũng được. Như thế không những
hôm nay có thể nhận hai trăm vạn mà sau này nhiều tiền hơn cũng có thể
nhận được.
Trình độ của bộ trưởng Bộ Tổ chức đương nhiên là phải
cao hơn cục trưởng và chủ nhiệm một phòng ban, lời nói của Từ Văn Tuấn
khiến họ như mở rộng tầm mắt. Thẩm Thái Hồng nghĩ ngay tới việc lần
trước Hàn Diệu Tiến bên Cục Chống tham nhũng đã từng kể cho bà một câu
chuyện về việc rửa tiền:
- Hàn Diệu Tiến từng nói là bọn xã hội đen có cách rửa tiền. Hay là chúng ta cũng học theo xem sao.
Từ Thẩm Bình vừa nghe đã thấy hứng thú:
- Mẹ nói mau lên, bọn nó rửa tiền như thế nào?
- Hàn Diệu Tiến nói rửa tiền có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giai
đoạn ngâm, đó là một giai đoạn thống nhất. Người rửa tiền lợi dụng khoản vay ngân hàng, hối phiếu bưu chính, séc du lịch và các công cụ lưu
thông khác để chuyển số tiền mặt này vào hệ thống tài chính. Thời gian
ngâm càng dài thì tiền rửa ra sẽ càng an toàn. Bước thứ hai là giai đoạn chia nhỏ, hay còn gọi là rửa lần một. Trong giai đoạn này, người rửa
tiền khiến cho số tiền đó thoát ra khỏi nguồn gốc số tiền không chính
đáng. Thông qua việc biến số tiền này thành nhiều tài khoản khác nhau,
khiến chúng ra ra vào vào giữa các công ty cổ phiếu ở các nơi, đồng thời dựa vào chế độ bảo mật của các ngân hàng và đặc quyền che giấu thân
phận của người ủy thác, tạo ra một mạng lưới giao dịch tài vụ phức tạp
tới nỗi bất kì nhân viên kiểm toán nào cũng không thể kiểm tra ra. Giai
đoạn cuối cùng là phơi khô, có lúc còn được gọi là giai đoạn thu hồi. Số tiền đã được rửa quay lại khu vực lưu thông, nhưng lúc này tiền đã hoàn toàn sạch sẽ, có thể tham gia đóng thuế được. Đó là quy trình cơ bản
của việc rửa tiền, vấn đề hiện nay của chúng ta là làm thế nào để vận
dụng được lí thuyết đó, việc này cần phải có một cao thủ tiến hành kế
hoạch tỉ mỉ mới được.
Quá trình rửa tiền phức tạp như thế, lại
phải thực hiện các bước cụ thể, với ba người quả là một việc khó. Cuối
cùng cả ba đều thống nhất: thứ nhất, hai trăm vạn của Chương Kiến Quốc
chắc chắn phải nhận; thứ hai, Từ Thẩm Bình đi thương lượng với Vương Hãn Đông về việc làm thế nào để rửa tiền; thứ ba, Từ Văn Tuấn bắt đầu công
tác vận động đưa Chương Kiến Quốc lên chức cục trưởng; thứ tư, Thẩm Thái Hồng liên hệ với Hàn Diệu Tiến, tiếp tục thăm dò về các hoạt động chống tham nhũng để có đối sách ứng phó hợp lí. Biết địch biết ta, trăm trận
trăm thắng.
Cuộc “hội nghị gia đình” tới 10 giờ mới kết thúc.
Người muốn nhanh chóng có hai trăm vạn tệ nhất là Từ Thẩm Bình, nhưng người
hành động tích cực nhất lại là Thẩm Thái Hồng. Bà cảm thấy nếu đã hành
động thì phải càng nhanh càng tốt. Ngày hôm sau vừa tới cơ quan, bà đã
gọi điện thoại cho Hàn Diệu Tiến, mấy hôm trước Từ Văn Tuấn bảo tuần sau mời Hàn Diệu Tiến tới ăn cơm, bà không chờ được nữa bèn nói với Hàn
Diệu Tiến là tối nay mời ông ta đi ăn cơm luôn.
Hàn Diệu Tiến
thấy phu nhân của bộ trưởng Bộ Tổ chức đề cao mình, làm sao không dám
“tuân lệnh”. Chức vụ của Hàn Diệu Tiến hiện nay là cục phó Cục Chống
tham nhũng của Viện Kiểm sát thành phố. Ông ta từng điều tra ra mấy vụ
án tham nhũng lớn của thành phố, lập được công lớn nên vô cùng tự hào,
luôn cho rằng mình phải được đề bạt và trọng dụng, nhưng nửa năm đã trôi qua mà không thấy tổ chức có động tĩnh gì, bởi vậy cảm thấy mấy vị lãnh đạo của viện kiểm sát đang cố ý chèn ép mình. Từ đó ông ta đưa ra một
kết luận: Trong các cơ quan, người bình thường luôn chiếm giữ vị trí
lãnh đạo quan trọng nhất. Các lãnh đạo có trình độ không thích cấp dưới
giỏi hơn mình. Cấp trên lãnh đạo cấp dưới dựa vào quyền lực chứ không
phải năng lực. Mà quyền lực thì luôn giết chết năng lực! Bởi vậy nếu ông ta muốn trèo tiếp lên trên thì buộc phải tìm con đường khác. Hôm nay
Thẩm Thái Hồng hẹn ông ăn cơm, ông cho rằng đây là một cơ hội tốt, được
tiếp xúc với bộ trưởng Bộ Tổ chức, sau này sẽ có chỗ dựa vững chắc.
Quyền lực của bộ trưởng Bộ Tổ chức lớn hơn rất nhiều so với quyền lực
mấy cấp trên của ông. Ông chỉ cần bám vào cái cành cây đại thụ này thì
sau này không lo tới việc thăng tiến. Lịch tiệc tùng của Hàn Diệu Tiến
hôm nay đã sắp xếp kín mít, nhưng vừa nhận được điện thoại, ông lập tức
hủy bỏ mấy bữa ăn tối nay, một lòng một dạ chuẩn bị tới bữa cơm mà Thẩm
Thái Hồng mời.
Gần như cùng lúc đó, Từ Thẩm Bình cũng đang ngồi
trong phòng làm việc của Chương Kiến Quốc, báo cáo với cấp trên về tình
hình “hội nghị” của nhà mình hôm qua. Trước khi thương lượng với Vương
Hãn Đông, anh không thể nói thẳng hết mọi chuyện với Chương Kiến Quốc,
mà chỉ nói chuyện qua loa:
- Bố tôi nói việc sắp xếp cục trưởng
mới, tới giờ thị ủy vẫn chưa có ý kiến chính xác. Trong vấn đề này, xin
cục trưởng cứ yên tâm, bố tôi chắc chắn sẽ cố hết sức để giới thiệu
người thích hợp nhất. Ông sẽ liên hệ với Đảng ủy của cục để tổ chức
nhanh chóng đưa báo cáo tiến cử người lên trên. Nhưng quyết định cuối
cùng vẫn phải phụ thuộc vào hội đồng nhân dân thành phố. Ý kiến của hội
đồng nhân dân như thế nào giờ vẫn khó nói lắm, chỉ đành đi bước nào hay
bước đó thôi.
Từ Thẩm Bình gần như truyền đạt lại toàn bộ lời nói của Từ Văn Tuấn, nhưng từ đầu tới cuối không nhắc gì tới món tiền hai
trăm vạn tệ, điều này khiến Chương Kiến Quốc trong lòng không yên, nhưng nếu bây giờ trực tiếp nói tới vấn đề này thì lại chứng tỏ mình đang quá sốt ruột:
- Tiểu Từ, mong cậu giúp tôi nói với bộ trưởng Từ, tôi rất cảm ơn sự giúp đỡ của ông ấy, cũng rất cảm ơn sự tin tưởng mà ông
ấy dành cho tôi, ân tình này cho tới chết, Chương Kiến Quốc tôi cũng
không quên đâu.
Từ Thẩm Bình nói:
- Tôi sẽ nói giúp ông.
Chương Kiến Quốc phá lệ, tiễn Từ Thẩm Bình ra tới tận ngoài cửa phòng.
Từ Thẩm Bình về phòng làm việc của mình, lập tức gọi điện thoại cho Vương
Hãn Đông, hẹn ông ta 6 giờ tối nay gặp riêng tại hộp đêm Đại Hào Hoa,
còn dặn ông là đừng cho Nhan Lệ biết, lưỡi của đàn bà rất dài, không giữ được bí mật nào cả. Vương Hãn Đông lập tức hiểu ý, Từ Thẩm Bình không
chống đỡ nổi cám dỗ của hai trăm vạn, đã bắt đầu hành động. Ông nói là
không có vấn đề gì, tối nay ông cũng không có cuộc hẹn nào đặc biệt,
chắc chắn sẽ tới đúng giờ. Vương Hãn Đông cúp điện thoại xong, lập tức
gọi đến hộp đêm Đại Hào Hoa, đặt trước một phòng nhỏ, nhân tiện đặt luôn hai suất đồ ăn.
Chưa tới 6 giờ, Từ Thẩm Bình đã có mặt ở hộp đêm Đại Hào Hoa. Nhân viên phục vụ quen mặt Từ Thẩm Bình, bèn đưa thẳng anh lên căn phòng mà Vương Hãn Đông đã đặt trước rồi mang trà tới. Má mì
của hộp đêm thấy “bộ trưởng Từ thứ hai” tới như muỗi ngửi thấy mùi máu,
lập tức sán vào:
- Ôi, cậu Từ của tôi, mấy hôm nay cậu không tới
Đại Hào Hoa chúng tôi rồi. Cậu không nhớ tôi thì cũng phải nhớ Nhan Lệ
chứ! Mấy ngày nay, hôm nào Nhan Lệ cũng nhắc tới cậu, cậu không thấy
nóng tai sao? Có cần tôi gọi Nhan Lệ tới đây không?
Mấy mụ tú bà
của xã hội hiện đại không có chút tinh thần cầu tiến nào cả, vẫn tính
tình y như mấy trăm năm trước. Từ Thẩm Bình vì trong lòng đang có tâm sự nên chán ghét sự đeo bám của má mì:
- Đi đi! Đừng có làm phiền tôi, cũng đừng nói với Nhan Lệ là tôi ở đây. Chờ tôi làm xong việc sẽ gọi bà.
Má mì chán nản bỏ đi. Má mì vừa bước chân trước đi thì chân sau Vương Hãn Đông đã tới. Vương Hãn Đông hỏi Từ Thẩm Bình:
- Ăn cơm trước hay nói chuyện trước?
Từ Thẩm Bình trả lời:
- Hôm nay ăn cơm chỉ là thứ yếu, chúng ta bàn chuyện trước đi.
Ngay sau đó, anh kể lại tường tận cho Vương Hãn Đông nghe về tình hình cuộc
họp của nhà mình ngày hôm qua. Vương Hãn Đông nghe xong không có ý kiến
gì, ông uống mấy hớp trà rồi châm thuốc cho Từ Thẩm Bình, hai người im
lặng hút thuốc, không khí trong thoáng chốc trở nên thật nặng nề.
Từ Thẩm Bình cuối cùng cũng không nhịn được nữa:
- Giám đốc Vương, anh có kế sách nào vẹn toàn không?
Vương Hãn Đông rít một hơi thật sâu:
- Phương pháp rửa tiền mà bác gái nói là phương pháp mà bọn nhận hối lộ,
tội phạm và các doanh nghiệp ăn tiền của nhà nước thường xuyên dùng. Với tình hình của chúng ta hiện nay, có thể khó phát huy tác dụng. Bởi vì
trong tay cậu không có thực thể kinh doanh nào có thể lợi dụng, hơn nữa
số lượng thực thể kinh doanh quá ít cũng không được. Bởi vậy phải nghĩ
cách khác.
Từ Thẩm Bình nghe Vương Hãn Đông phân tích như vậy, bắt đầu sốt ruột:
- Em chỉ làm việc trong cơ quan nhà nước, không hiểu lắm về tài chính và tiền tệ, anh thấy có cách nào giải quyết tốt hơn không?
Vương Hãn Đông nói:
- Bụng đói thì đầu óc cũng trống rỗng, hay là cứ ăn cơm no trước đã.
Ông ấn chuông bảo nhân viên mang cơm lên. Không lâu sau, nhân viên mang hai đĩa tôm xào đậu Hà Lan và một bát canh La Tống lên. Hai người bắt đầu
dùng cơm. Từ Thẩm Bình ăn không thấy ngon, chỉ ăn rất ít. Vương Hãn Đông đang mải mê suy nghĩ nên ăn cũng rất chậm, có điều ông ăn rất ngon
lành, không lâu sau một đĩa thức ăn đầy ứ đã trôi cả vào bụng. Vương Hãn Đông ăn no xong quả nhiên có tinh thần. Ông lấy ra một điếu thuốc lá
đưa cho Từ Thẩm Bình, hai người hút thuốc, hưởng thụ niềm vui sau bữa
cơm.
Hút hết một điếu thuốc, Vương Hãn Đông mở miệng:
-
Lúc ăn cơm, anh nhớ ra trên báo từng đăng một vụ án: Tháng trước viện
kiểm sát thành phố Thông Giang từng khởi tố một vụ án bí thư thị ủy nhận hối lộ. Vị bí thư thị ủy này có sở thích sưu tầm, đồ ông ta nhận hối lộ toàn bộ là các bức tranh nổi tiếng. Viện kiểm sát nhờ một người trong
nghề đánh giá về các bức tranh thu được, ước tính sơ bộ khoảng hai trăm
vạn tệ. Viện kiểm sát thận trọng hơn, lại đưa những bức tranh này tới
bảo tàng của thành phố thẩm định lại lần nữa, điều khiến người ta buồn
cười là những bức tranh này toàn bộ là hàng nhái, không đáng đồng tiền
nào. Bây giờ viện kiểm sát lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan,
không biết định đoạt thế nào về số tiền mà ông ta đã nhận hối lộ. Kết
quả cuối cùng thế nào anh cũng không rõ, nhưng vụ án này gợi ý cho chúng ta rất nhiều điều.
- Gợi ý gì?
- Chúng ta có thể thông qua các bức tranh để rửa tiền.
- Rửa như thế nào?
- Cổ nhân nói “Thời loạn tích vàng, thời bình tích tranh”. Bây giờ đang
là thời bình, thị trường tranh ảnh vô cùng phát triển. Nhưng trong số
những người sưu tầm tranh có không ít người đầu óc nhanh nhẹn, nhân cơ
hội để kiếm món hời. Ví dụ như, giả sử doanh nghiệp anh bỏ ra 10 triệu
để mua một bức tranh của Từ Bi Hồng trong một cuộc bán đấu giá, thêm vào đó là tiền thuê công ty đấu giá, tổng cộng là 10,1 triệu. Số tiền này
là tiền của công ty chi ra, làm giảm bớt 10,1 triệu lợi nhuận của công
ty, cuối năm có thể bớt được 3,66 triệu tiền thuế, đó là thứ nhất. Ngoài ra, bức tranh mua về được tính là tài sản cố định, sau 15 năm hao mòn
thì giá trị của tài sản là 0, nhưng ngược lại, bức tranh này sau 15 năm
không những không bị hao mòn chút nào mà còn tăng giá trị. Tới lúc giá
trị bức tranh còn là 0, xử lí bức tranh này chẳng phải là do quyền quyết định của anh? Đây là cơ hội biến của công thành của tư, có ngày nào đó
bán bức tranh này đi còn có thể thoát được việc đánh thuế cá nhân, đó là thứ hai. Nếu tiền mua bức tranh là tiền vay ngân hàng, chờ khi bức
tranh này bị hao mòn hết, doanh nghiệp có thể tuyên bố phá sản, tài sản
của bức tranh này là 0, không còn nằm trong phạm vi bị thanh lí tài sản
nữa. Ngộ nhỡ bị điều tra thì cứ nói là bức tranh đã rách hoặc đã mất rồi lại chẳng dễ dàng sao?
- Chu kì này dài quá, nước xa không cứu được lửa gần.
- Anh không nói là chúng ta làm theo cách này. Nếu anh kết hợp hai việc
vừa nói lại với nhau, chắc chắn sẽ tìm ra một điểm thích hợp, vấn đề
trước mắt sẽ được giải quyết.
Từ Thẩm Bình nhìn ra một tia sáng trong câu nói của Vương Hãn Đông:
- Điểm thích hợp này nằm ở đâu?
Vương Hãn Đông cũng dần dần tìm ra manh mối từ trong suy nghĩ của mình:
- Anh nghĩ thế này, cậu có thể tìm một người đại diện ra mặt, đăng kí
thành lập một công ty nghệ thuật hay một phòng tranh gì đó. Giả sử anh
gửi hai trăm vạn vào tài khoản của phòng tranh, vậy là hoàn thành bước
đầu tiên của việc rửa tiền, cũng là giai đoạn ngâm tiền mà cậu vừa nói.
Nhưng có một điểm rất quan trọng là khi nhận được tiền, cậu phải đưa cho anh một bức tranh trị giá hai trăm vạn. Về bề mặt thì đây hoàn toàn là
một quá trình giao dịch bình thường, kì diệu ở chỗ bức tranh mà phòng
tranh đưa anh đều là hàng giả không đáng tiền. Nhưng mục đích của anh là gửi tiền đi, tuyệt đối không suy nghĩ tới tính thật giả của bức tranh.
Làm như vậy vừa thực hiện được giai đoạn chia tiền, khiến số tiền đó
thoát khỏi những khoản tiền không chính đáng, hình thành hai đường thu
chi, vừa không dễ thu hút sự nghi ngờ của bộ phận chống tham nhũng. Sau
khi phòng tranh thu tiền, nếu cậu không phải người keo kiệt thì có thể
nộp thuế theo thông lệ, số tiền lúc này đã là tiền sạch sẽ rồi, hoàn
thành giai đoạn cuối cùng là “phơi khô”. Cậu thấy kế hoạch của anh thế
nào?
Từ Thẩm Bình nghe ý kiến của Vương Hãn Đông, không biết phải nói thế nào mới được. Khâm phục? Cảm kích? Hay là kích động? Hoặc là cả ba tâm trạng trên? Anh chỉ nói đơn giản:
- Ý của anh hay lắm! Em thấy nó không có một kẽ hở nào, đúng là một kế hoạch hoàn hảo.
Vương Hãn Đông được Từ Thẩm Bình khen ngợi, càng thêm đắc ý:
- Anh làm như vậy có mấy ưu điểm: thứ nhất là rút ngắn được thời gian rửa tiền; thứ hai là ngộ nhỡ xảy ra sai sót gì thì giữa cậu và bác Từ cũng
có một bức tường chắn lửa. Cùng lắm thì chỉ dính tới một doanh nghiệp
lừa đảo chứ không có liên quan gì với việc nhận hối lộ cả. Chỉ cần bác
Từ ngồi vững trên ghế thì trời có sập xuống cũng không có gì phải lo.
Từ Thẩm Bình uống một ngụm trà rồi lại cùng Vương Hãn Đông châm một điếu thuốc:
- Trực tiếp lấy tiền từ công ty bán đấu giá được không? Đỡ phải làm thêm
thủ tục mở doanh nghiệp. Một doanh nghiệp dù to hay nhỏ cũng phải dính
dáng tới hiệp hội công thương, thuế vụ, đội quản lí thị trường…, phiền
phức lắm. Với lại nhờ ai mở cái công ty này cũng là một vấn đề khó, vừa
phải tìm người đáng tin cậy, lại phải là người nhanh nhẹn. Gấp như vậy
em không tìm được ai cả.
Vương Hãn Đông nói:
- Trực tiếp
lấy tiền từ công ty đấu giá đương nhiên là bớt phiền phức nhưng cũng khó khăn hơn. Trước tiên sản phẩm mà công ty bán ra phải được các chuyên
gia thẩm định, hàng giả rất khó qua được ải này. Thứ hai là cho dù có
qua được, ngộ nhỡ trong buổi đấu giá gặp phải một đối thủ đáng gờm, để
hắn lấy được hàng nhái thì lại càng phiền phức hơn. Thông thường người
mua sau khi mua sẽ mang sản phẩm của mình đi tìm một chuyên gia đáng tin cậy khác thẩm định lại, như vậy rất dễ bị lộ, thế là sẽ đi ngược lại
với ý định ban đầu của anh và cậu. Thứ ba, bán ra một lượng lớn tranh
nổi tiếng rất coi trọng trình tự mua bán, chúng ta không có lời giải
thích nào về nguồn gốc bức tranh, rất dễ thu hút sự nghi ngờ của công ty bán đấu giá, làm lâu chắc chắn sẽ xảy ra việc. Huống hồ mỗi lần phải
mất mười phần trăm tiền thuê công ty, làm nhiều cũng không phải là một
con số nhỏ. Bởi vậy cách này không được.
Từ Thẩm Bình vừa nghe thấy Vương Hãn Đông nói vậy, cũng tỏ ra chán nản:
- Vậy thì chỉ còn cách mở một công ty rồi. Anh xem có ai thích hợp làm người đứng đầu một công ty nghệ thuật không?
- Anh với cậu đều là công chức, đương nhiên là không thích hợp. Chỉ tiếc
là cậu không có anh chị em gì, xem ra món mồi ngon này đành phải nhường
cho người ngoài rồi.
- Thế là sao?
- Hiện nay chỉ có một người thích hợp nhất.
- Ai?
- Nhan Lệ. - Chỉ có hai chữ mà cứ như từng chữ, từng chữ một nhảy ra khỏi miệng Vương Hãn Đông.
Từ Thẩm Bình chỉ biết rõ từng nốt ruồi nhỏ trên thân thể Nhan Lệ nhưng không hiểu rõ con người cô:
- Cô ấy có được không? Đáng tin cậy không? Đây là một vụ làm ăn lớn đấy!
Vương Hãn Đông cười:
- Trước đồng tiền thì không có ai đáng tin cả. Quan trọng là cậu làm thế
nào để lợi dụng ham muốn tiền bạc của cô ta, để khống chế cô ta trong
tay mình.
- Ngộ nhỡ cô ấy không đáng tin thì sao?
Vương Hãn Đông quả quyết:
- Vậy thì chỉ cần cắt đứt sợi dây nối với cô ta. Đó là cô ta tự làm tự chịu, không thể trách người khác được.
Nghe Vương Hãn Đông nói vậy, Từ Thẩm Bình bất giác thấy lạnh sống lưng. Cả
về tiền bạc lẫn đàn bà, Vương Hãn Đông đều đáp ứng Từ Thẩm Bình rất đầy
đủ, có thể coi là một người bạn. Hôm nay nhìn ông ta tỉ mỉ lên kế hoạch, rõ là một người đa mưu quỷ quyệt, máu lạnh vô tình, có thể coi là một
người thầy. Nhưng Vương Hãn Đông lại là một kẻ địch đáng gờm. Khi Vương
Hãn Đông có đủ khả năng để đấu đá với Từ Thẩm Bình, chỉ sợ anh không thể là đối thủ của ông ta.
Từ Thẩm Bình nhất thời cũng không tìm ra người nào hợp lí, chỉ đành đồng ý:
- Anh cho rằng Nhan Lệ được thì cứ nhờ cô ta vậy.
Vương Hãn Đông thấy Từ Thẩm Bình đã đồng ý, bèn ấn chuông gọi má mì, bảo bà
mau tìm Nhan Lệ tới, nói với cô là có một chuyện vô cùng tốt đẹp đang
chờ đón cô.
Nhan Lệ tới căn phòng riêng của Từ Thẩm Bình, Vương Hãn Đông lập tức ra hiệu cho cô ngồi xuống cạnh Từ Thẩm Bình:
- Nhan Lệ, hôm nay chủ nhiệm Từ có một tin tốt lành muốn nói với em. Để cậu ấy tự nói đi.
Từ Thẩm Bình cảm thấy cứ để Vương Hãn Đông nói sẽ tốt hơn, như vậy sẽ rõ ràng hơn:
- Hay là anh cứ nói đi, như vậy thỏa đáng hơn. Anh hiểu rõ tình hình, nói sẽ rõ ràng hơn em.
Vương Hãn Đông nói:
- Cung kính không bằng tuân lệnh, anh nói thì anh nói. Tình hình là thế
này: chủ nhiệm Từ định mở một phòng tranh, chủ yếu là tạo một nơi giao
lưu văn hóa giữa bạn bè với nhau. Theo như quy định của nhà nước, bọn
tôi đều là công nhân viên chức, không thể tự mình mở công ty, bởi vậy
đang nghĩ tới việc nhờ em làm đại diện pháp nhân cho phòng tranh này. Em thấy thế nào?
Nhan Lệ không hề có chút chuẩn bị tư tưởng nào trước chuyện này, cô kinh ngạc trước đề nghị của Vương Hãn Đông:
- Cho em làm bà chủ? Em chẳng hiểu gì về hội họa, có được không?
Vương Hãn Đông nói:
- Sao lại không được? Những việc như thẩm định tranh, kinh doanh buôn bán đều có các chuyên gia lo rồi, em chỉ cần quan tâm tới hoạt động ngoại
giao rồi chăm sóc phòng tranh, đây chẳng phải là năng khiếu của em sao?
- Vậy sau này em không cần phải tới Đại Hào Hoa nữa hả?
- Đương nhiên là không cần tới nữa, hơn nữa thu nhập của em ở phòng tranh sẽ cao hơn ở Đại Hào Hoa, em không có thù oán gì với tiền đó chứ? Nếu
em làm bà chủ của phòng tranh, cả ngày chỉ quan hệ với những người nho
nhã, lịch sự, nói nói cười cười, chẳng phải sẽ thích hơn sao! Còn hơn là ngày nào cũng ở đây mua vui cho thiên hạ!
Nhan Lệ cũng đã chán
ngấy cuộc sống buôn hương bán phấn này. Ngày nào cô cũng bị một đám đàn
ông ôm tới ôm lui, sờ chỗ nọ, mó chỗ kia, đã cảm thấy tê dại hết rồi,
tâm trạng thì mệt mỏi, nhưng vì kế sinh nhai nên ngày ngày cô vẫn cố
gắng nở nụ cười, trêu chọc đám đàn ông bẩn thỉu. Cô chỉ hận mình không
có tài năng gì mà chỉ thích hưởng thụ cuộc sống giàu sang, cô không làm
gà thì còn ai làm gà nữa? Bây giờ cô có cơ hội thoát khỏi cuộc sống
phong trần này, đương nhiên là vô cùng thích thú:
- Giám đốc Vương, vậy ngày nào em được bắt đầu đi làm bà chủ?
- Bắt đầu từ ngày mai, em không cần tới Đại Hào Hoa làm việc nữa, chuyên
phụ trách công tác trù bị cho phòng tranh. Làm việc cụ thể như thế nào
ngày mai chúng ta sẽ bàn bạc kĩ hơn với nhau. Công việc giai đoạn đầu
chủ yếu là chọn địa điểm mở phòng tranh và làm mấy thủ tục đăng kí.
Nhan Lệ liếc Từ Thẩm Bình một cái:
- Tối nay không còn chuyện gì khác hả? Vương Hãn Đông nói:
- Lát nữa tôi và chủ nhiệm Từ còn chút việc, nói chuyện xong với em chúng tôi sẽ đi. Em cũng có thể về sớm nghỉ ngơi. Nhưng nếu hôm nay em muốn
làm việc ngày cuối cùng ở Đại Hào Hoa thì chúng tôi cũng không phản đối.
Vương Hãn Đông nói xong, trên mặt nở một nụ cười đểu cáng. Nhan Lệ cũng không chịu thua kém:
- Ngày làm việc cuối cùng của em ở đây là đứng hầu giám đốc Vương. Đứng
xong rồi thì chờ giám đốc Vương lập cho em một tấm biển trinh tiết. -
Nói rồi lấy ra một cái hóa đơn. - Bây giờ ông kí vào hóa đơn cho em đã.
Vương Hãn Đông kí hóa đơn xong, Nhan Lệ cầm lấy rồi bỏ đi.
Chờ Nhan Lệ đã bỏ đi xa, Vương Hãn Đông đóng cửa phòng lại. Ông ngồi xuống nói với Từ Thẩm Bình:
- Mọi việc bây giờ đã rõ ràng rồi. Tiền vốn làm việc lấy từ chỗ của anh,
chính là hai trăm vạn mà Chương Kiến Quốc để ở đây. Bây giờ cậu cứ mua
nhà đi đã, số tiền còn lại để làm thủ tục đăng kí và mở phòng tranh.
Tiền chỗ Nhan Lệ cũng không thể tiết kiệm được, giờ cứ cho cô ta một ít, sau này xem tình hình thế nào rồi tính sau. Ngày mai cậu tới lấy séc về nhé!
- Lấy séc lúc nào chờ em về bàn với mẹ đã rồi nói với anh. Chỉ có điều địa điểm chọn mở phòng tranh ở chỗ nào thì được nhỉ?
- Phòng tranh của chúng ta không phải là phòng tranh thông thường nên địa điểm phòng tranh không những phải đặt ở nơi buôn bán tốt, mà còn phải
là nơi sang trọng. Như vậy vừa thuận tiện cho sự ra vào của khách hàng
mà cũng dễ dàng tránh được tai mắt của người khác, tốt nhất là thuê một
dãy phòng trong khách sạn 5 sao, chi phí cao một chút cũng không sao,
quan trọng là có đáng hay không.
Từ Thẩm Bình cảm thấy ý kiến của Vương Hãn Đông rất có lí:
- Tạm thời cứ quyết định như vậy đi.
Vương Hãn Đông thấy việc đã tới mức này cũng là lúc hợp lí để nói ra điều
kiện trao đổi của Chương Kiến Quốc cho Từ Thẩm Bình nghe:
- Nhân tiện anh hỏi cậu một câu, chuyện đưa cục trưởng Chương lên làm chính có vấn đề gì không?
- Bộ Tổ chức thì không có vấn đề gì. Bố em chỉ lo bên hội đồng nhân dân
thành phố thôi, không hiểu có vấn đề gì không, đành phải chờ bên đấy rồi mới tính sau. Sáng qua em đã nói chuyện với cục trưởng Chương rồi, đáp
án chắc chắn thì bây giờ chẳng ai nói được, chuyện trên chốn quan trường thay đổi khó lường, đâu ai dám khẳng định?
Vương Hãn Đông là
người sống trong chốn quan trường, đương nhiên biết những câu Từ Thẩm
Bình nói đều là thật lòng, cũng chỉ còn biết xem tình hình phát triển
thế nào thôi. Căn cứ vào phán đoán của ông hiện này thì ít nhất Chương
Kiến Quốc cũng có tám mươi phần trăm cơ hội.
Hai người thấy
chuyện cần nói đều đã nói xong, chuyện cần bàn bạc cũng không còn vấn đề gì nữa, bèn uống thêm mấy ngụm trà rồi ra về.
***
Từ Thẩm Bình về tới nhà, thấy mẹ đã về tới nơi. Anh không nhìn thấy bố, bèn hỏi:
- Bố đâu mẹ? Muộn thế này rồi mà còn đi đâu?
Thẩm Thái Hồng nói:
- Trưa nay bố con tới thành phố Thông Giang khảo sát cán bộ rồi, mấy ngày tới chưa về được đâu. Hôm nay mời Hàn Diệu Tiến ăn cơm mà ông ấy cũng
không đi, có mình mẹ đi đại diện.
Từ Thẩm Bình lại hỏi tình hình hôm nay ăn cơm với Hàn Diệu Tiến, Thẩm Thái Hồng cười nói:
- Bây giờ ai cũng chỉ muốn làm quan to. Hàn Diệu Tiến bây giờ đã là quan
cấp phó cục rồi, vậy mà vẫn còn muốn trèo lên cấp cục trưởng, cấp bộ
trưởng. Hôm nay ông ta cằn nhằn với mẹ là không hài lòng với hiện trạng
của Viện Kiểm sát. Con người này rất hữu dụng với chúng ta, là một người có thể lợi dụng được.
- Người của Viện Kiểm sát đều là người mà chúng ta phải đề phòng, sao lại lợi dụng được?
- Chẳng phải Hàn Diệu Tiến muốn lên làm viện trưởng Viện Kiểm sát sao?
Chúng ta giúp ông ta. Chờ khi làm tới viện trưởng rồi thì ông ta sẽ trở
thành “nô tài mượn áo” cho chúng ta, nô tài có thể không trung thành và
tận tâm tận lực với chủ nhân được sao? Chủ mà đổ thì nô tài còn chỗ dựa
nào nữa?
Từ Thẩm Bình không thích xem phim cổ trang, bởi vậy không hiểu lắm những lời mà mẹ nói:
- Mẹ, cái gì gọi là “nô tài mượn áo”?
- Con đúng là chẳng hiểu biết gì cả, “nô tài mượn áo” mà cũng không hiểu. Thời nhà Thanh có người làm nô tài trong nhà quan, sau này được chủ đưa ra ngoài làm quan, cho dù là chức quan to tới đâu thì vẫn là nô tài của nhà chủ, thấy chủ nhân vẫn phải quỳ xuống lạy, thế gọi là “nô tài mượn
áo”. “Nô tài mượn áo” vĩnh viễn là người của gia đình chủ, cả đời phải
trung thành, không được phản bội.
Từ Thẩm Bình lúc này đã hiểu rõ ý định lôi kéo và khống chế Hàn Diệu Tiến của mẹ. Một người muốn thăng
quan, một người muốn lợi dụng, đúng là ai cũng có cái lợi của mình, là
một cuộc mua bán rất công bằng. Từ Thẩm Bình lại kể cho mẹ nghe về toàn
bộ kế hoạch mà mình đã thảo luận với Vương Hãn Đông tối hôm nay, muốn
nghe ý kiến của Thẩm Thái Hồng như thế nào, xem trong việc này có chỗ
nào không hợp lí hay không.
Thẩm Thái Hồng chăm chú lắng nghe. Bà cảm thấy về đại thể thì kế hoạch này được, nhưng vẫn có chỗ không hiểu:
- Ở giữa có mấy chỗ mẹ không hiểu lắm. Trước tiên là những bức tranh giả
đó lấy từ đâu ra? Thứ hai là người mua biết rõ là tranh giả, vậy thì mua một đống phế phẩm đó về làm gì? Chi bằng trực tiếp mang tiền tới rồi bỏ đi, như thế chẳng phải càng đỡ phiền phức hơn sao, việc gì phải lắm
chuyện thế? Lại còn nhờ Nhan Lệ làm người đại diện pháp nhân của phòng
tranh nữa, hai người có đảm bảo là không xảy ra chuyện gì không?
Từ Thẩm Bình cảm thấy mấy câu hỏi mà mẹ đặt ra đúng là mình không nghĩ
tới, ngày mai anh phải bàn lại với Vương Hãn Đông mới được. Cũng may mấy hôm nay Từ Văn Tuấn không ở nhà nên phải chờ ông về rồi mới tiến hành
được, nếu cần dừng lại thì chắc vẫn còn kịp. Sau đó anh lại nói với mẹ
chuyện của Quỳnh Hoa. Anh nói anh đã gặp Quỳnh Hoa rồi, mặt mũi trông
xinh xắn, thông minh, nhanh nhẹn, chỉ chờ cô ôsin hiện nay đi là anh sẽ
bảo Quỳnh Hoa tới.
Thẩm Thái Hồng nghe con trai kể về bao nhiêu
ưu điểm của Quỳnh Hoa nên không có ý phản đối. Bà biết bây giờ đang
thiếu ôsin, tìm được một ôsin tốt cũng rất khó khăn:
- Nếu con đã gặp rồi, cảm thấy tốt thì con cứ bảo cô ta tới! Ngày mai mẹ nói với cô
ôsin nhà mình, không cần chờ tới 1-5 nữa, bảo cô ta về nhà sớm cũng
được, kết hôn là việc lớn cả đời người, không nên tổ chức gấp gáp quá.
Mấy năm nay cô ấy cũng hết lòng với nhà mình rồi, tiền lương vẫn cứ tính tới 1-5, dù sao chúng ta cũng không đến nỗi thiếu mấy đồng tiền này.
Lúc nào đi thì cho mấy chai rượu với mấy bao thuốc lá ngon của bố con,
thể hiện tấm lòng của nhà mình, coi như là quà mừng cưới.
Chỉ trong mấy phút ngắn ngủi mà việc thay thế ôsin cho nhà bộ trưởng đã được quyết định nhanh chóng và thuận lợi.
***
Ngày hôm sau, Từ Thẩm Bình gọi điện tới Phòng Giao thông, báo là sáng nay
anh còn có việc nên không tới cục được. Có chuyện gì chờ buổi chiều về
sẽ giải quyết. Anh đã hẹn với Vương Hãn Đông tới Ngân hàng Viêm Hoàng
tìm ông.
Từ Thẩm Bình lái xe tới Ngân hàng Viêm Hoàng. Vương Hãn
Đông đã pha sẵn một ấm trà ngon chờ ở phòng giám đốc. Hai người vừa ngồi xuống, Vương Hãn Đông đã hỏi:
- Tối qua cậu về nhà nói chuyện chưa, bác Từ có ý kiến gì không?
Từ Thẩm Bình nói:
- Bố em không ở nhà, tới thành phố Thông Giang khảo sát cán bộ rồi. Mẹ em rất tán đồng việc mở phòng tranh, nhưng vẫn còn vài điểm không yên tâm. Bởi vậy hôm nay chúng ta phải bàn bạc thật kĩ càng, để sau này bớt phải đi đường vòng.
Sau đó Từ Thẩm Bình nói sơ qua về mấy lo lắng của mẹ mình cho Vương Hãn Đông nghe. Nghe xong, Vương Hãn Đông nói:
- Mấy vấn đề mà bác gái nêu ra đúng là phải nghiêm túc xem xét lại. -
Nhưng ngay sau đó ông ta lại chuyển giọng. - Nhưng thực ra ba vấn đề này không khó giải quyết. Trước tiên nói về vấn đề hàng giả của phòng
tranh. Có lẽ vào khoảng những năm 70, 80 của thế kỉ trước, tranh vẽ hoàn toàn không đáng tiền, cũng không có thị trường tranh như bây giờ, bởi
vậy chẳng ai nghĩ tới việc làm giả. Khoảng mười năm trở lại đây, giá các bức tranh tăng lên gấp chục lần, thậm chí là hàng trăm lần, bởi vì làm
tranh giả thu được lợi nhuận rất cao nên nhiều người lao vào làm nghề
này, bởi vậy tìm tranh giả không khó, cần bao nhiêu có bấy nhiêu. Cái
chúng ta cần là những bức tranh cao cấp, giả mà như thật, việc này thì
tốn công sức hơn một chút, phải tìm các “cao thủ” mới được. Bây giờ nói
tới vấn đề thứ hai. Nếu trực tiếp nhận tiền cũng chính là trực tiếp nhận hối lộ, đương nhiên nhanh chóng và gọn nhẹ, nhưng mục đích của chúng ta chẳng phải là rửa tiền cho sạch sẽ sao? Không có trình tự này thì tiền
không sạch sẽ được. Cách này cổ nhân cũng đã từng dùng. Thời nhà Thanh,
tham quan Hòa Thân đã mở một cửa hàng bán đồ cổ để bán đồ nhận hối lộ
của mình. Nếu không phải Càn Long chết đi, tới đời Gia Khánh thì Hòa
Thân cũng không bị thất thế, “Hòa Thân bị ngã, Gia Khánh ăn no”. Tác
dụng của việc chúng ta mở phòng tranh là để tách bạch việc biếu tiền và
làm việc, xây lên giữa chúng một bức tường dày, để bảo vệ cho sự an toàn của bác Từ, bức tường này không thể không xây. Còn về vấn đề của Nhan
Lệ thì vô cùng đơn giản. Thứ nhất, không tiết lộ cho cô ta biết sự thật
rằng những bức tranh bán ra đều là hàng giả. Thứ hai, cô ta chỉ phụ
trách các sự việc thường ngày. Con người bây giờ đều “cáo” lắm, không
thấy Phật thật không đốt hương, Nhan Lệ cũng không thể nào đón tiếp được những vị khách hàng thực sự. Có khách hàng thì cô ta thông báo cho cậu
đi tiếp, chỉ cần khi gặp khách hàng, cậu đề phòng cô ta một chút là
được. Đương nhiên cũng cần có một vài thủ đoạn với Nhan Lệ. Nếu cậu có
thể trói được cô ta cả trên giường và tiền bạc thì còn sợ cô ta phản bội lại sao?
Những câu nói của Vương Hãn Đông như liều thuốc an
thần, đánh bay mọi do dự cuối cùng của Từ Thẩm Bình, anh hạ quyết tâm
làm một vụ thật lớn. Anh đưa tay ra:
- Được, cứ làm như thế đi. Chờ bố em về em sẽ làm công tác tư tưởng cho ông. Anh đưa séc của Chương Kiến Quốc ra đây.
Vương Hãn Đông đưa tấm séc 200 vạn tệ cho Từ Thẩm Bình. Từ Thẩm Bình cất tấm
séc đi. Đây là lần đầu tiên anh ta được cầm một món tiền lớn như vậy
trong tay. Chỉ một tờ giấy mỏng manh nhưng khi đã nằm trong tay lại như
có sức nặng ngàn cân. Giờ đây, đồng tiền đã che mờ hai mắt Từ Thẩm Bình, anh không hề nghĩ rằng: Một cán bộ nhà nước, một công bộc của nhân dân, một khi đã suy đồi đạo đức thì hậu quả không thể nào tưởng tượng được,
cũng giống như đã rơi vào bể khổ vô bờ, không thể quay đầu lại được.
Nhưng lúc này, Từ Thẩm Bình không thể nào nghĩ ra những việc đó nữa.
Anh và Vương Hãn Đông cùng bàn bạc những chi tiết cụ thể của việc mở phòng
tranh. Khi hai người đã bàn bạc tương đối kĩ, Vương Hãn Đông nói:
- Bây giờ phải gọi Nhan Lệ tới.
Từ Thẩm Bình nói:
- Được, để em gọi cô ấy.
Từ Thẩm Bình gọi di động cho Nhan Lệ:
- Nhan Lệ, anh là Từ Thẩm Bình. Em lập tức tới Ngân hàng Viêm Hoàng, anh
đang ở phòng giám đốc Vương chờ em. Càng nhanh càng tốt. - Giọng nói quả quyết, ngắn gọn của Từ Thẩm Bình như giọng một ông chủ đang ra lệnh cho người hầu của mình.
Nhan Lệ đã quyết định không tới hộp đêm Đại
Hào Hoa làm việc nữa, hôm qua vừa lấy lương ở chỗ má mì. Bây giờ cô đánh cược cuộc đời mình vào Từ Thẩm Bình, nghe điện thoại xong không dám
chậm trễ, lập tức tới Ngân hàng Viêm Hoàng.
Vương Hãn Đông rót trà cho Nhan Lệ xong, nói với cô:
- Bọn tôi vừa mới bàn bạc chuyện mở phòng tranh, sau này có rất nhiều
công việc cụ thể em phải tự làm. Trước tiên là lấy danh nghĩa cá nhân
của em đến kí một hợp đồng thuê phòng dài hạn với khách sạn Cổ Đô. Em
bao một dãy phòng lớn, nhờ khách sạn cải tạo không gian bên ngoài thành
phòng làm việc, giữ những căn phòng bên trong, có chỗ cho em nghỉ ngơi.
Việc thứ hai là chiều nay em dùng danh nghĩa của mình, mở một tài khoản ở ngân hàng của tôi, chủ nhiệm Từ sẽ gửi vào đó năm mươi vạn nhân dân tệ
làm tiền chi phí cho việc đăng kí. Việc thứ ba là xin giấy phép của hội
công thương. Việc này có thể ủy thác cho luật sư đại diện làm giúp, em
chỉ cần thường xuyên đốc thúc là được.
Từ Thẩm Bình lại bổ sung thêm:
- Có mấy việc cụ thể phải nói rõ với em: Tiền lương mỗi tháng của em tạm
thời là 3.000 tệ, sau này khi công ty thu được lợi nhuận rồi tính sau.
Em tới bàn chuyện thuê phòng với khách sạn Cổ Đô, tiền thuê phòng một
năm không được quá hai mươi vạn. Vấn đề ăn ở của em bàn luôn với khách
sạn khi thuê phòng, trong khách sạn có cơm văn phòng. Ngày trước anh
từng ăn ở đấy rồi, bữa sáng là 5 tệ một người, bữa tối là 10 tệ, đồ ăn
khá ngon. Tiền ăn hàng tháng là 750 tệ sẽ do công ty trả. Em thấy thế
nào?
Điều kiện Từ Thẩm Bình đưa ra còn vượt quá cả dự tính ban đầu của Nhan Lệ, đương nhiên là cô rất vui mừng:
- Chủ nhiệm Từ tốt bụng quá? Anh nói thế nào thì em làm thế đó. Em sẽ
nghe lời anh tuyệt đối. - Cô thấy Vương Hãn Đông trừng mắt nhìn mình,
bèn bổ sung thêm. - Đương nhiên em cũng nghe cả giám đốc Vương nữa. Cả
hai người đều là ông chủ của em.
Bữa trưa do Vương Hãn Đông mời
cơm, ba người tới nhà hàng Tùng Hạc Lầu ăn một bữa thịnh soạn, công việc trù bị cho phòng tranh coi như đã chính thức khởi động.
Hai ngày sau Từ Văn Tuấn trở về. Ông vừa về tới nhà, Thẩm Thái Hồng đã nói cho
ông chuyện mình đồng ý nhận hai trăm vạn tệ của Chương Kiến Quốc và việc Từ Thẩm Bình mở phòng tranh. Ông phân tích một số chi tiết trong đó,
cảm thấy về cơ bản có thể thực hiện được nên cuối cùng cũng đồng ý với
kế hoạch này. Hai vợ chồng quyết định lấy 150 vạn tệ trong đó ra để mua
căn nhà ở Mỹ Lô, còn lại 50 vạn để cho Từ Thẩm Bình mở phòng tranh. Thẩm Thái Hồng nhân tiện nói với ông về việc thay ôsin mới, Từ Văn Tuấn vốn
không mấy quan tâm tới việc trong nhà nên để mặc cho Thẩm Thái Hồng
quyết định.
Ngày hôm sau vừa tới cơ quan, Từ Văn Tuấn đã gọi thư
kí tới làm giúp ông hai việc. Việc thứ nhất là yêu cầu thư kí liên hệ
với phòng tổng biên tập của tòa soạn báo thành phố, ông muốn đăng một
bài viết trên báo, tiêu đề là “Bộ Tổ chức phải là tấm gương công chính,
liêm minh”, yêu cầu tòa soạn giúp ông đăng bài. Bối cảnh bài viết của
ông là hội đồng nhân dân và hội hiệp thương chính trị thành phố sắp tổ
chức đại hội, kì tuyển cử mới sắp bắt đầu. Việc thứ hai là ông yêu cầu
thư kí đem hết những món quà mà các cán bộ và chính quyền địa phương đã
tặng ông trong lần đi khảo sát Thông Giang lần này cho Phòng Công tác
của Bộ Tổ chức giữ, tổng cộng có: 8 cây thuốc lá Trung Hoa, 4 chai rượu
Ngũ Nương, 1 nhánh sâm Cao Li. Thư kí ngoan ngoãn đi làm theo chỉ thị
của ông. Hai việc mà ông làm là để chấp hành sách lược mà Thẩm Thái Hồng đã vạch ra cho ông, luôn phải duy trì hình tượng trong sạch của mình
trước nhân dân.
Ngày hôm sau, bài viết của Từ Văn Tuấn được lên
báo. Nội dung chính của bài viết là: Công chính liêm minh là truyền
thống ưu tú của cán bộ Đảng viên, cũng là yêu cầu cơ bản đối với các cán bộ và tổ chức. Muốn biết một cán bộ cơ quan nào đó có đạt yêu cầu hay
không, trước tiên phải xem người đó có công chính liêm minh hay không;
xã hội muốn đánh giá một cán bộ, trước tiên cũng phải xem người đó có
công chính liêm minh hay không. Kiên trì tuân thủ nguyên tắc công chính
liêm minh chính là yêu cầu cần thiết của các tổ chức để thực hiện tư
tưởng “ba vị đại biểu”. Đảng của chúng ta phải trung thành là “ba vị đại biểu”, quan trọng là xây dựng được một đội ngũ cán bộ, lãnh đạo có tố
chất cao, phù hợp với yêu cầu mới, tình hình phát triển mới. Bộ Tổ chức
là cơ quan chức năng quản lí cán bộ của Đảng ủy, trên vai gánh vác sứ
mệnh nặng nề là phải bồi dưỡng nên một đội ngũ cán bộ có tố chất đạo đức cao. Các cán bộ của Bộ Tổ chức phải làm gương cho người khác, phải là
người công chính liêm minh thì mới không phụ lòng của Đảng, nhà nước và
nhân dân, mới phát huy vai trò “ba vị đại biểu” của mình…
***
Nửa tháng sau khi quyết định với Vương Hãn Đông sẽ mở một phòng tranh, Từ
Thẩm Bình bận giải quyết làm thủ tục mở phòng tranh. Mọi việc của phòng
tranh đều tiến triển rất thuận lợi. Trụ sở phòng tranh được đặt ở phòng
1808 khách sạn Cổ Đô. Vương Hãn Đông đặt cho phòng tranh một cái tên rất nho nhã “Vườn nghệ thuật”. Ông ta còn mời chủ tịch hội thư pháp thành
phố, Uất Thiên Thủy viết biển cho phòng tranh, làm một tấm biển lớn thếp chữ vàng treo ở ngoài. Ba chữ “Vườn nghệ thuật” sáng chói, nét bút
phóng khoáng, sắc nét, thể hiện rõ khí thế của phòng tranh. Mọi thủ tục
công thương, thuế vụ đều đã làm xong. Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn
của Vương Hãn Đông làm bên cục thuế, toàn bộ tiền thuế một năm chỉ mất
1,2 vạn tệ.
Nhan Lệ được vào ở trong khách sạn Cổ Đô nên rất vui
mừng, các trang thiết bị và sự phục vụ ở một khách sạn 5 sao khiến cô
tận hưởng được hết vinh hoa phú quý, đây chính là cuộc sống mà cô chờ
đợi từ lâu. Phòng tranh vừa khai trương, các tác phẩm tranh vẫn chưa
nhiều, bởi vậy cả ngày cô chẳng có việc gì để làm, cảm thấy chưa bao giờ thoải mái đến thế. Ban ngày cô xem ti vi, tới nhà ăn của khách sạn để
thưởng thức bữa cơm văn phòng cao cấp, buổi tối cô tới quầy bar uống
chút rượu, liếc mắt đưa tình với vài chàng trai trẻ, ngày tháng trôi qua an nhàn và thanh thản. Từ Thẩm Bình cách một ngày lại tới qua đêm với
cô một lần, cả thể xác lẫn trái tim Nhan Lệ đều được thỏa mãn. Bây giờ
cô hầu như không có bất cứ khoản chi tiêu nào cho cá nhân, tiền lương
hằng tháng đều có thể để dành lại, lo cho những ngày tháng sau này.
Sự việc cấp bách nhất của phòng tranh bây giờ là nhập hàng. Con đường nhập hàng do một người bạn trong giới buôn tranh của Vương Hãn Đông giúp đỡ. Người bạn này tên là Giả Tác Nhân. Ông ta đã lăn lộn trong nghề sưu tầm tranh hai, ba chục năm nay, là một tay sành sỏi, nổi tiếng trong giới
sưu tầm tranh thành phố. Nguyên nhân Vương Hãn Đông tìm ông ta là vì ông ta có mấy chục năm kinh nghiệm làm tranh giả, là một “cao thủ” trong
lĩnh vực này. Giả Tác Nhân là một miếng đậu phụ thối, ngửi thì thấy
thối, ăn vào thấy thơm, là một nhân tài hiếm có.
Sau khi thuê
phòng của khách sạn Cổ Đô, Vương Hãn Đông hẹn Từ Thẩm Bình và Giả Tác
Nhân cùng tới “Vườn nghệ thuật”. Vương Hãn Đông giới thiệu hai người cho nhau, ông chỉ nói với Giả Tác Nhân rằng Từ Thẩm Bình là ông chủ của
phòng tranh này mà che giấu đi thân phận thực sự của Từ Thẩm Bình và
hoàn cảnh gia đình anh để đảm bảo an toàn. Sau mấy câu giới thiệu đơn
giản, cuộc trò chuyện đi vào chủ đề chính. Vương Hãn Đông nói:
-
Phòng tranh của ông chủ Từ mới khai trương, không có khả năng nhập nhiều hàng thật, muốn bổ sung thêm chút hàng nhái cho đẹp cửa hàng. Trong
những người làm tranh giả cao cấp thì ông Giả đúng là cao thủ của mọi
người, hôm nay mời ông tới đây chính là vì muốn ông giúp đỡ ông chủ Từ
một tay.
Giả Tác Nhân chuyên buôn bán tranh giả, chuyện giúp đỡ chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là có tiền để kiếm:
- Giám đốc Vương khách khí quá, tôi chẳng dám nói gì tới giúp đỡ. Không biết ông chủ Từ cần tác phẩm của những người nào?
Bởi vì Từ Thẩm Bình không phải người trong nghề nên vẫn do Vương Hãn Đông ra mặt nói đỡ:
- Chỉ cần là các tác phẩm hội họa nổi tiếng trên thị trường hiện nay đều
được, nhưng chỉ lấy những tác phẩm nhái cao cấp, những bức tranh trình
độ thấp hơn chúng tôi không cần.
- Tiền nào của nấy, chỉ cần ông
đưa ra yêu cầu cụ thể thì dễ làm lắm. Trước tiên chúng ta định ra một
phạm vi giá thành cụ thể của các bức tranh, tôi sẽ đưa ra các bức tranh
cho các ông lựa chọn.
- Từ hai vạn tới hai trăm vạn.
- Đơn hàng này tôi có thể hoàn thành trong khoảng một, hai ngày. Các ông cần tranh phong cảnh hay tranh chân dung?
- Cái này thì không giới hạn. Quan trọng là danh tiếng của họa sĩ phải
lớn, chỉ cần là những họa sĩ được thị trường thừa nhận đều được.
Cuối cùng hai bên thống nhất giá của các bức tranh nhái: thấp nhất mỗi mét vuông là một nghìn tệ, cao nhất là năm nghìn tệ.
Giả Tác Nhân lấy ra từ cái túi đeo bên mình hai bức tranh phong cảnh chưa đóng khung:
- Hai bức tranh này, một bức là “Sáng xuân ở Thái Hồ” của Tống Văn Trị,
một bức là “Linh sơn tĩnh thủy” của Phương Tuấn. Hai họa sĩ này đều là
những họa sĩ phong cảnh nổi tiếng của Giang Nam. Ông Tống sở trường vẽ
Thái Hồ, còn được người ta ca ngợi là “Tống Thái Hồ”. Tranh phong cảnh
của ông ta có thể dùng một chữ “đẹp” để hình dung: “Đẹp mà không thô,
đẹp mà không tục”. Còn tranh phong cảnh của ông Phương có thể dùng một
chữ “tĩnh” để hình dung: “Tĩnh như ngọn núi, tĩnh như giấc mơ”. Giá
tranh thật trên thị trường hiện nay của Tống Văn Trị mỗi mét vuông vào
khoảng 6 vạn tệ, của Phương Tuấn khoảng 2 vạn tệ, nếu nhái lại hai bức
vẽ này thì tranh của Tống Văn Trị giá cả cũng rất cao, ít nhất cũng cao
hơn các bức tranh khác một, hai lần. Hai bức tranh này đều là hàng nhái
chất lượng cao, hai ông xem trình độ thế nào.
Vương Hãn Đông cầm
hai bức tranh xem tỉ mỉ, trình độ mô phỏng của hai bức tranh này quả là
tốt, một bức sắc nét, một bức sống động, hoàn toàn thể hiện được phong
cách hội họa của hai họa sĩ này.
Nghe lời giải thích của Giả Tác
Nhân, Từ Thẩm Bình coi như cũng có thêm được chút tri thức nhập môn.
Vương Hãn Đông biết một vài nội tình của thị trường tranh, nhưng không
hề mặc cả với Giả Tác Nhân:
- Chỉ cần những tranh ông mang tới là hàng tốt, vấn đề tiền bạc có thể thương lượng được. Ông phải hiểu rõ,
giữa chúng ta không phải là mua bán một lần mà là làm ăn lâu dài. Ông có thể làm chúng tôi hài lòng thì chúng tôi cũng sẽ giúp ông hài lòng. Có
tiền mọi người cùng kiếm, có tài mọi người cùng phát. Ông không cần lo,
chỉ cần việc buôn bán của ông chủ Từ thuận lợi, ông đương nhiên sẽ có cơ hội kiếm tiền. Mọi người cùng hưởng phúc mà!
Giả Tác Nhân nói:
- Có tiền mọi người cùng kiếm thì chắc chắn không sai rồi. Tôi không phải người cứ nhìn thấy tiền là quên hết tất cả, kiếm tiền cần phải kiếm chỗ sáng. Ông xem nét bút sử dụng để vẽ hai bức tranh này đều là bút thần… - Giả Tác Nhân khoa trương.
Từ Thẩm Bình không hiểu việc giám định tranh. Anh nhìn hai bức tranh Giả Tác Nhân đem tới, cũng không nhận ra
chúng có sự khác biệt gì. Anh vẫn không yên tâm lắm về kĩ thuật làm giả
của Giả Tác Nhân:
- Thứ bọn tôi cần là hàng cao cấp. Kĩ thuật làm tranh giả của ông có chỗ nào hơn người không?
Giả Tác Nhân thấy Từ Thẩm Bình vẫn còn nghi ngờ thì nhân cơ hội đó thổi phồng bản thân:
- Những điều hôm nay tôi nói ở đây đều không quá đâu, trong nghề làm
tranh giả ở thành phố này, không có ai ở trên tôi cả. Kĩ thuật làm tranh giả của chúng tôi có bí quyết riêng, không nằm ngoài hai phương diện:
Thứ nhất, người vẽ tranh phải là cao thủ trong nhân gian. Các họa sĩ
trong nhân gian có không ít người nét vẽ rất đẹp, nhưng họ thiếu sự
tuyên truyền và cơ hội nên bị mai một mất không ít nhân tài. Tôi mở ra
một mạng lưới gồm các cao thủ, cung cấp cho họ một sân khấu để họ chuyên tâm chế tác các tác phẩm nhái, dù sao cũng còn hơn là để họ sống cuộc
sống nghèo khổ cả một đời. Thứ hai là kĩ thuật. Nếu chúng tôi có nguyên
tác, việc mô phỏng sẽ dùng nguyên tắc “Thấu thị”. Đặt nguyên tác lên một cái bàn trong suốt, ở giữa đặt một lớp màng mỏng, trên đó đặt giấy lên
và vẽ lại. Nếu không có nguyên tác trong tay thì chúng tôi chụp ảnh rồi
phóng to ra. Tranh làm ra từ hai phương pháp này đảm bảo giống y hệt
nguyên tác, sau đó chúng tôi tiến hành xử lí làm cho chúng cũ đi, khi
hoàn thành, nhìn tranh hoàn toàn không khác tranh thật là bao.
Từ Thẩm Bình thấy Giả Tác Nhân thao thao bất tuyệt bèn tin là thật. Anh
dặn Nhan Lệ xuống nhà ăn của khách sạn Cổ Đô đặt cơm, trưa nay anh phải
đón tiếp Giả Tác Nhân một bữa ra trò.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT