Cỗ xe ngựa của Chương Kiến Quốc, Từ Thẩm Bình và Vương Hãn Đông thuận lợi tiến về phía trước, có vẻ mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió, nhưng trong lòng ai cũng có cảm giác bất an. Cảm giác bất an này là vì hoạt động chống tham nhũng, hối lộ trên trung ương càng ngày càng mạnh, tháng nào báo đài cũng đăng tin về một vị quan tham bị bắt. Những lúc như vậy, họ đều cảm thấy may mắn vì mình thoát nạn, nhưng cũng âm thầm sợ hãi nếu mình có một ngày như thế.

Khi cơn gió điều tra việc tham ô hối lộ của các quan chức cao cấp trong các tỉnh thành lan ra cả nước, Chương Kiến Quốc vì muốn phối hợp với phong trào chính trị này, cũng diễn một màn kịch: Ông chủ trì triệu tập một cuộc họp liên quan tới vấn đề các doanh nghiệp hối lộ trong phạm vi Cục Giao thông thành phố. Trong cuộc họp, ông phát biểu:

- Thực tiễn nói với chúng ta rằng, nhất định phải hiểu rõ tầm quan trọng và tính cấp bách của việc chỉnh đốn hành vi hối lộ trong các doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm chính trị, áp dụng các biện pháp có hiệu quả để việc chống tham nhũng, hối lộ hoạt động có hiệu quả.

Tham quan Chương Kiến Quốc rất có khả năng diễn kịch, ông ta từng biểu diễn một màn kịch nói có tên “Thâm tình và quyền lực”, khiến rất nhiều cán bộ trong Cục Giao thông thành phố đều nhớ mãi không quên. Trong một cuộc họp các cán bộ trung cấp, ông ta nói:

- Phải dùng tốt quyền lực có trong tay, phải nhớ rõ hai chữ “thận trọng”. Giả sử thành tích của chúng ta là 100 thì trừ đi 1 là phủ bại, công lao chỉ còn là 00. Một người làm việc cho dù tốt đến đâu nhưng không liêm chính thì tất cả công lao cũng đều đổ sông đổ biển.

Những câu nói của Chương Kiến Quốc quả thật là rất có sức lay động lòng người, chỉ tiếc rằng ông ta không biết liên hệ với chính bản thân mình. Là một người có nghệ thuật miệng lưỡi, khoảng cách từ những lời nói của ông ta cách lương tâm mình quá xa.

Nếu “khai quật” tới tận góc sâu tối nhất trong tâm hồn Chương Kiến Quốc, việc ông ta tham lam vô độ bắt nguồn từ sự mất cân bằng tâm lí của ông ta trong nền kinh tế thị trường. Người tới Cục Giao thông tìm ông ta hằng ngày rất nhiều, những người này đều lái những chiếc xe ô tô đắt tiền, xa xỉ, ở trong các khách sạn hạng sang, tiêu tiền như nước. Điều Chương Kiến Quốc không hiểu là, tại sao anh nhận từ tay tôi một công trình nào đó, vung tay đã kiếm được hàng ngàn vạn, vậy mà thu nhập cả năm của tôi cũng chỉ là vài chục vạn nhỏ nhoi, mới chỉ bằng một con số lẻ của anh? Mặc dù ông làm cục trưởng, ngày nào cũng được ngồi hướng mặt về phía nam, được bọn thương nhân xun xoe nịnh nọt, nhưng trong lòng vẫn thấy không phục. Có điều phục hay không phục là một chuyện, có tuân thủ luật pháp hay không lại là chuyện khác, hai vấn đề này không liên quan gì tới nhau. Vậy mà Chương Kiến Quốc lại gộp chung hai vấn đề này, để từ đó gây ra một sai lầm to lớn.

Trong cơn bão chính trị, Vương Hãn Đông vẫn một mình một đường. Mặc dù ông ta cũng có dự cảm về ngày tận thế của mình, nhưng trước khi ngày tận thế đó tới, ông ta vẫn không chịu từ bỏ việc hưởng thụ cuộc sống. Con người tại sao cứ phải tự làm khổ mình? Hôm nay ông ta lại tới căn nhà mà mình đã thuê mấy tháng trước, quấn lấy hai chị em song sinh Ngũ Lệ và Lục Lệ. Ba người sau một hồi đấu tay đôi, rồi một chọi hai, mệt mỏi lăn ra. Hai chị em luôn miệng khen ngợi khả năng bền bỉ của Vương Hãn Đông trên cuộc chiến giường chiếu. Vương Hãn Đông đắc ý nói:

- Anh chưa bao giờ phải dùng các loại thuốc xuân dược, bởi vậy những gì mà anh đem lại cho hai em đều là sản phẩm tự nhiên bảo vệ môi trường.

Người ngoài có thể nghe không hiểu những lời mà Vương Hãn Đông nói, nhưng hai chị em đương nhiên hiểu sản phẩm mà ông cung cấp là gì, hai người nghe xong bèn bật cười lớn. Vương Hãn Đông lại hỏi:

- Anh nói có đúng không?

Ngũ Lệ nói:

- Có bảo vệ môi trường hay không thì không thể do anh quyết định được! Phải chờ chi cục bảo vệ môi trường nghiệm thu, anh đã đi nghiệm thu chưa?

Lục Lệ cũng nói:

- Sản phẩm mà anh cung cấp? Bọn em thành người tiêu dùng rồi hả? Anh không thể nói thế được, hôm nay anh là người tiêu dùng, bọn em là sản phẩm tiêu dùng của anh!

Vương Hãn Đông nói:

- Hai em việc gì phải tự hạ thấp mình như thế? Việc gì phải coi mình là đồ chơi?

Lục Lệ hỏi ngược lại:

- Chẳng nhẽ bọn em phải dương dương tự đắc, tự cao tự đại?

- Anh thấy tự cao tự đại thì không cần, nhưng đúng là cũng nên tự đắc một chút. Anh kể cho bọn em nghe vòng sinh vật về giới tự nhiên nhé. Trên đất liền, đàn dê thì ăn cỏ, hổ thì ăn dê. Dưới nước cá lớn ăn cá bé, cá bé ăn tôm tép. Đây là quy luật kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, hay là nguyên tắc “lựa chọn tự nhiên” mà Darwin nói để duy trì sự cân bằng sinh thái. Trong dây chuyền sinh vật của xã hội, nông dân và tầng lớp công nhân, bần nông trong thành phố thuộc vào tầng lớp thấp nhất. Các quan chức trong chính phủ, các nhà doanh nghiệp, cho dù thu nhập của họ chính đáng hay không chính đáng, tất cả đều lấy từ tầng lớp tận cùng của xã hội. Mà thu nhập của các em lại lấy từ bọn anh, bởi vậy bọn em ở tầng lớp cao cấp nhất trong dây chuyền sinh vật của xã hội, vậy không đáng để các em tự đắc sao? Bởi vậy các em không cần tính toán những lúc ở trên giường, em được nằm trên hay phải nằm dưới.

Những phân tích của Vương Hãn Đông về kết cấu xã hội khiến hai chị em không còn nói được gì. Ngũ Lệ nói:

- Đúng là thế thật, theo như logic của anh thì bọn em cũng nên tự cao tự đại. Lí do để bọn em tự cao tự đại là: Bọn em đã cố gắng phát triển ngành nghề thứ ba của Trung Quốc, đó là một ngành nghề không có khói bụi, bảo vệ môi trường. Điểm đáng ngại duy nhất là bọn em không nộp thuế theo quy định, nhưng “quy định” này ở đâu nhỉ?

Ngũ Lệ nói xong làm mặt hề, Vương Hãn Đông nghe vậy cười lớn:

- Câu nói của anh và em bổ sung cho nhau, kết hợp với nhau, quả là kín kẽ, lí thuyết này quả là hoàn hảo.

Sau một hồi nghỉ ngơi ba người lại bắt đầu vào trận chiến mới.

***

Trước khi trận bão chống tham nhũng quét tới thành phố này, cảm giác của Từ Thẩm Bình có lẽ là nhạy cảm nhất, người bố là bộ trưởng Bộ Tổ chức của anh càng nhạy cảm hơn với mọi sự thay đổi trong cơn gió chính trị. Nguyên nhân khiến Từ Thẩm Bình vẫn còn bình tĩnh là viện phó Viện Kiểm sát, cục trưởng Cục Chống tham nhũng Hàn Diệu Tiến đã đưa ra lời cảnh báo về việc này: Bầu trời nhà họ Từ vẫn còn trong xanh.

Từ Thẩm Bình trong lúc sơ ý, đã để mất tất cả. Khi anh đang tắm mình trong ánh nắng mặt trời của một bầu trời trong xanh, từ trên trời bỗng xuất hiện một đám mây đen, che khuất mặt trời trên đầu anh. Đám mây đen này chính là ông chủ Hoàng. Ngày hôm sau khi ông chủ Hoàng bị Từ Thẩm Bình đuổi ra khỏi phòng làm việc, ông ta đã tới Cục Giao thông để đòi lại bức tranh giả. Suy nghĩ của ông ta vốn dĩ rất đơn giản, là một người buôn bán nhỏ, tầm nhìn cũng rất hạn hẹp, họ chỉ thực hiện những vụ giao dịch bằng tiền mặt một tay giao hàng, một tay giao tiền. Bây giờ ông ta đã không kiếm được công trình nào từ dự án đường cao tốc, vậy thì phải đòi số tiền mà mình đã hối lộ về. Cho dù đòi bức tranh đó về, mình có dùng hay không thì cũng phải bỏ ra mười vạn tệ để mua, tìm một phòng tranh nào đó để bán, ít nhất còn lấy về được năm, sáu vạn tệ, như vậy tổn thất của mình sẽ được hạ xuống mức thấp nhất.

Ngay hôm ông chủ Hoàng lấy được bức tranh bèn mang tới Siêu thị đồ cổ Sơn Tây để bán. Đúng là số trời. Cửa hàng đầu tiên mà ông ta bước vào chính là phòng tranh giả cổ do Giả Tác Nhân mở. Hôm đó, Giả Tác Nhân đang ngồi chơi trong phòng tranh, một tay ôm ấm trà Tử Sa, tay kia kẹp điếu thuốc lá, thưởng thức vị ngon của trà và thuốc thì ông ta cảm thấy hình như trước mặt mình có bóng người, mở mắt ra nhìn, đó là một người trông có vẻ nhà quê nhưng lại ra dáng ông chủ, chân tay đều ngắn, khuôn mặt thì giống như Vương Anh trong bộ phim “Thủy hử”. Giả Tác Nhân mừng thầm trong lòng: Ông ta biết loại người này không hiểu gì về hội họa, vào phòng tranh tất phải có nguyên do, hơn nữa đó là một người rất dễ bị người khác “chém”. Giả Tác Nhân lập tức đứng lên chào đón:

- Chào sếp, hôm nay sếp muốn xem tranh gì? Ở đây có tranh sơn thủy, tranh chân dung, tranh chim chóc, loại nào cũng có. Xin cứ xem tự nhiên!

Ông chủ Hoàng không xem tranh mà lôi bức tranh của mình ra:

- Ông chủ, không phải tôi đến mua tranh mà là có bức tranh này muốn bán. Trước cửa phòng tranh của ông có ghi “Mua tranh bằng tiền mặt” nên muốn vào hỏi xem.

Giả Tác Nhân vừa nghe ông chủ Hoàng nói muốn bán tranh, lập tức lấy lại tinh thần. Người nhà quê tới bán tranh, nói không chừng có thể vớ được món hời:

- Phòng tranh của chúng tôi có mua tranh. Ông mang tranh tới không? Đưa tôi xem nào.

Ông chủ Hoàng thận trọng trải bức tranh ra. Giả Tác Nhân vừa nhìn đã nhận ra ngay đây là “kiệt tác” của mình, bất giác há hốc miệng. Ông nghĩ thầm: “Có phải lão nhà quê này định chơi ông không? Mang tranh giả của mình tới bán lại cho mình?”. Nhưng ông vẫn không tỏ thái độ gì:

- Bức tranh của ông nhìn là biết tranh của người nổi tiếng. Nhưng là tranh thật hay tranh giả phải nhờ chuyên gia giám định thì mới biết được. Nếu ông muốn giám định thì phải trả tiền phí giám định.

- Phí giám định là bao nhiêu?

- Thấy ông không phải người trong nghề nên tôi lấy rẻ một chút, 1000 tệ.

Ông chủ Hoàng vì muốn nhanh chóng bán được bức tranh nên miễn cưỡng gật đầu:

- 1000 thì 1000. Ông mau gọi chuyên gia tới đây giám định đi.

Giả Tác Nhân lập tức bỏ ấm trà trong tay xuống, móc điệu thoại di động ra gọi cho một họa sĩ mà ông ta thuê, bảo ông ta lập tức tới phòng tranh, sau đó còn nhỏ giọng dặn dò cái gì đó.

Trong thời gian chờ đợi “chuyên gia”, Giả Tác Nhân đã tranh thủ thu luôn 1000 lệ phí giám định của ông chủ Hoàng. Chưa đầy ba phút sau, “chuyên gia” đã tới, ông ta giả bộ nhìn qua bức tranh một lượt, sau đó lại gí sát mặt vào con dấu đóng trên bức tranh:

- Ông chủ, bức tranh này của ông là hàng fake rồi. Không đáng tiền.

Ông chủ Hoàng lo lắng:

- Thế nào là hàng fake? Đáng bao nhiêu tiền?

“Chuyên gia” nói:

- Hàng fake là hàng giả. Bức tranh này chỉ đáng hai trăm tệ thôi, đủ tiền thuê người vẽ.

Ông chủ Hoàng nghe “chuyên gia” nói vậy, suýt chút nữa thì ngất đi:

- Anh không nhìn nhầm chứ?

- Chúng tôi ngày nào cũng buôn bán tranh, nhầm làm sao được? Hàng thật thì không giả được, mà hàng giả thì không thật được. Hai người cứ nói chuyện đi, tôi đi đây. - Nói xong, “chuyên gia” quay gót bỏ đi.

Ông chủ Hoàng thất vọng hoàn toàn:

- Lần này thì xong rồi.

Ông thầm nghĩ, bây giờ mình phải lập tức tới phòng tranh “Vườn nghệ thuật” để đòi lại công bằng, nhưng lại không có bằng chứng thì sao đi được. Thế là ông nói với Giả Tác Nhân:

- Chuyên gia nói là hàng giả, vậy ông có thể cho tôi một tờ giấy giám định không?

Giả Tác Nhân cảm thấy ông chủ Hoàng này hơi buồn cười:

- Người ta chỉ cho giấy chứng nhận giám định khi bức tranh là thật thôi. Hàng fake mà cũng cần giấy giám định hả? Ông rỗi hơi sao?

Ông chủ Hoàng nói:

- Tôi cần giấy giám định làm gì là việc của tôi. Ông nhận tiền phí giám định rồi thì phải viết giấy cho tôi. Nếu ông không chịu viết thì trả tiền lại cho tôi!

Miếng thịt đã nuốt vào rồi, làm gì có chuyện lại nhả ra, Giả Tác Nhân nghĩ cứ viết linh tinh mấy chữ vào giấy rồi đuổi lão nhà quê này đi:

- Nếu ông cứ đòi giấy giám định thì tôi viết cho ông. Có điều tờ giấy giám định này có tác dụng gì không thì tôi không dám bảo đảm đâu nhé.

Ông chủ Hoàng chỉ cần một chứng cứ để đòi lại công bằng với “Vườn nghệ thuật”, không mang lên tòa án làm gì nên cũng không cần quan tâm, chỉ cần có giấy giám định là được rồi:

- Ông viết giấy giám định thế nào là việc của ông. Tôi dùng thế nào là việc của tôi. Ông viết mau đi! Nếu không viết thì trả tôi tiền!

Ông chủ Hoàng vừa mới nhắc tới việc đòi tiền, Giả Tác Nhân vội vàng viết luôn một tờ giấy giám định cho ông ta, trên đó có kí tên của mình, còn đóng dấu của phòng tranh. Giả Tác Nhân vốn dĩ không có tư cách để viết giấy giám định, đó chỉ là một tờ giấy bỏ đi. Chuyên gia làm giả họ Giả viết một tờ giấy giám định giả để giám định một bức tranh làm giả, quả là việc buồn cười nhất trên thế gian này.

Ông chủ Hoàng cầm tờ giấy giám định rồi bỏ đi. Chính tờ giấy giám định giả tới mức không thể giả hơn của ông chủ Hoàng đã khiến “bức tường lửa” trong việc rửa tiền của Từ Thẩm Bình bị hổng một lỗ nhỏ.

***

Từ siêu thị đồ cổ đi ra, ông chủ Hoàng nổi giận đùng đùng. Trước tiên ông chửi Giả Tác Nhân bất nhân, sau đó chửi Từ Thẩm Bình bất nghĩa, cuối cùng chửi bà chủ phòng tranh Nhan Lệ là một con đĩ. Ông ta quyết định đi tìm Nhan Lệ để tính sổ, đòi cả gốc lẫn lãi số tiền mười vạn tệ mà mình đã bỏ ra. Ông ta bắt taxi tới khách sạn Cổ Đô, đi thẳng lên phòng tranh, nhưng thấy phòng tranh đóng cửa im ỉm, gõ sắp thủng cả cửa mà không thấy bà chủ ra mở cửa, ngược lại lại thu hút sự chú ý của nhân viên phục vụ và bảo vệ khách sạn, họ hỏi han ông một hồi, xong lại mắng cho ông một trận. Ông chủ Hoàng có nỗi khổ mà không nói ra được, đành nghiến răng nuốt vào trong! Ông chờ bảo vệ đi xuống, cố nén giận hỏi thêm phục vụ xem có phải phòng tranh đã chuyển đi hay không? Bà chủ của phòng tranh đi đâu rồi? Nhân viên phục vụ bảo ông tới quần bar ở tầng hai tìm thử xem, nói không chừng bà chủ đang ngồi uống rượu ở đó.

Ông chủ Hoàng không dám chậm trễ, vội vàng xuống lầu tìm quầy bar. Nhân viên phục vụ nói không sai, ông vừa bước vào quán bar đã thấy Nhan Lệ đang ngồi cạnh một thanh niên nhuộm tóc đỏ rực, nói nói cười cười. Ông chủ Hoàng không nói lời nào, đi thẳng tới nắm tay Nhan Lệ lôi ra ngoài. Nhan Lệ bị người ta kéo tay bất ngờ thì hét lên. Gã thanh niên bên cạnh cô lập tức đứng ra bảo vệ, đẩy mạnh ông chủ Hoàng một cái, mặt lộ nét hung dữ:

- Lão già nhà quê, ông bị mù hay uống nhầm thuốc hả? Dám giở trò ở đây sao? Mau cút đi! Ông còn dám ở đây, tôi tẩn cho một trận bây giờ! Ông có tin hay không hả?

Ông chủ Hoàng thấy việc không hay, bèn biến nhanh khỏi quán bar. Dù sao “quân tử báo thù, mười năm không muộn”. Ông lại quay về phòng tranh, ngồi bệt xuống đất chờ đợi, chỉ cần phòng tranh của bọn mày không chuyển đi thì sớm muộn gì tao cũng bắt được con đàn bà này.

Bởi vì Từ Thẩm Bình đã cảnh cáo trước nên Nhan Lệ không dám đưa đàn ông về phòng tranh. Ông chủ Hoàng chờ mãi tới tám giờ tối mới thấy Nhan Lệ đã ăn uống no say lảo đảo bước lên lầu. Nhan Lệ thấy ông chủ Hoàng ngồi chờ trước cửa phòng tranh, giật nảy mình:

- Sao ông vẫn chưa đi? Rốt cuộc ông định làm gì?

Ông chủ Hoàng giơ bức tranh trong tay lên:

- Cô nói tôi muốn làm gì? Bức tranh lần trước cô bán cho tôi là một bức tranh giả! Tôi đã tìm người giám định rồi, chỉ đáng hai trăm tệ thôi. Cô thật là xấu xa! Một bức tranh đáng giá hai trăm tệ mà lấy của tôi những mười vạn. Cô bảo chuyện này nên giải quyết thế nào?

Nhan Lệ lúc này mới nhận ra người trước mặt chính là ông chủ Hoàng lần trước tới mua tranh. Cô tỏ ra khinh bỉ:

- Cái gì mà giải quyết với không giải quyết? Cần giải quyết chuyện gì? Tranh là hàng nghệ thuật, ông tưởng là ti vi hay tủ lạnh mà còn có chế độ bảo hành sao? Ông có hiểu quy định nghề nghiệp không hả? Mua tranh phải nhìn rõ ngay lúc mua, thật hay giả do mình tự quyết định, một tay giao tiền, một tay giao hàng. Ra khỏi cửa rồi thì không ai nợ ai nữa. Ông bảo bức tranh này là do tôi bán cho ông, nếu tôi không nhận thì sao? Ông có hóa đơn không? Ông có chứng cứ gì chứng minh bức tranh này là của phòng tranh chúng tôi không? Cứ cho là ông từng tới phòng tranh này mua tranh, thì ai chứng minh được là ông mua bức này? Chẳng nhẽ ông không biết thay tranh thật bằng tranh giả rồi tới chỗ chúng tôi ăn vạ hay sao?

Ông chủ Hoàng nghẹn họng, gắt lên:

- Sao tôi lại tráo tranh để lừa các cô chứ? Nói gì cũng phải có lương tâm, nếu tôi nói có lời nào là giả, cả nhà tôi không được chết toàn thây!

- Ông chết hay không chẳng liên quan gì tới tôi cả. Hôm nay tôi nói trắng ra với ông, ông mua phải tranh thật hay tranh giả là do mắt của ông cả, coi như đây là học phí để ông biết đường mà thông minh hơn một tí, lần sau đừng có mắc lừa nữa. Nếu ông không đi mau, tôi sẽ lập tức gọi điện thoại cho thằng nhóc ban nãy. Vừa nãy ông gặp rồi đấy, lúc đó thì đừng trách tôi không khách sáo!

Ông chủ Hoàng vừa nghe thấy gã thanh niên vừa rồi, cả người đã nổi gai ốc. Biết rằng hôm nay không cãi nhau được với Nhan Lệ, bởi vậy chỉ ném lại câu:

- Nếu cô không chịu thừa nhận thì cứ chờ xem, tôi sẽ tới hiệp hội người tiêu dùng tố cáo các người! Tới lúc đó thì gặp nhau trước tòa!

Nhan Lệ vì đã có Từ Thẩm Bình đứng sau lưng đỡ nên không sợ lời đe dọa của ông chủ Hoàng:

- Đúng là đồ ăn no dửng mỡ! Ông thích đi đâu tố cáo thì đi! Bà đây sẽ chờ ông!

Ông chủ Hoàng thất bại ra về. Nhan Lệ vui vẻ vì thắng lợi ban nãy, mở cửa vào phòng, cô xả nước vào bồn rồi thoải mái ngâm mình trong nước nóng.

Ông chủ Hoàng về tới nhà, giận dữ không thể nào chợp mắt nổi. Nếu để mười vạn tệ trước mặt Vương Hãn Đông, ông ta không thèm chớp lấy một con mắt, nhưng đối với một ông chủ nhỏ như ông Hoàng thì mười vạn tệ là con số trên trời. Ngày hôm sau, ông ta tới hiệp hội tiêu dùng tố cáo thật. Đúng như Nhan Lệ nói, ông ta không có hóa đơn, không có người làm chứng, hiệp hội tiêu dùng cũng không biết làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho ông ta. Ông chủ Hoàng không chịu từ bỏ, lại tới một trung tâm tư vấn luật để tìm luật sư tư vấn. Luật sư nói nếu muốn kiện thì trước tiên phải tìm ra chứng cứ có lợi cho mình, bây giờ ông không có chút bằng chứng nào thì có kiện cũng sẽ thua, chi bằng không kiện còn hơn. Ông chủ Hoàng không kiện ra tòa được, lại mất hai trăm tệ cho một tiếng đồng hồ xin tư vấn. Sự việc đã đến nước này mà ông chủ Hoàng vẫn không chịu buông tha, chẳng nhẽ trên đời này không còn công lí nữa hay sao? Ông quyết định tìm tới phương tiện truyền thông. Chiêu này là điều mà Nhan Lệ không thể ngờ tới được. Thông tin đại chúng mặc dù không thể phán đoán ai đúng ai sai, nhưng sự việc đã lan ra cả xã hội, khiến tất cả mọi người đều biết, gây ra những phiền toái không nhỏ. Chiêu này của ông chủ Hoàng chắc chắn sẽ gây phiền phức cho Nhan Lệ, không, phải nói là gây phiên phức cho cả Từ Thẩm Bình nữa chứ.

Trong cơn phong ba về sự kiện tranh giả do ông chủ Hoàng gây ra, Từ Thẩm Bình và Nhan Lệ đều mắc phải một sai lầm lớn. Từ Thẩm Bình quên mất lời dạy bảo của bố mình: Vô công bất thọ lộc. Vốn dĩ khi ông chủ Hoàng tới đòi tranh, anh nên trả tiền cho ông ta, nhưng anh kiên quyết đeo cái mặt nạ giả của mình, bởi vậy mới khiến sự việc không thể kết thúc được. Anh ta không ngờ nổi sau đó ông chủ Hoàng lại gây ra chuyện. Sai lầm của Nhan Lệ là tự mình làm chủ, quên mất rằng mình chỉ là một con rối, một con rối muốn làm chủ nhà, không gây chuyện mới lạ. Nếu cô ta nói với Từ Thẩm Bình về chuyện ông chủ Hoàng tới tố cáo tranh giả thì với tính cách của Từ Thẩm Bình, chắc chắn anh ta sẽ không để ông chủ Hoàng làm lớn chuyện tới mức không thể nào dàn xếp được nữa.

Ông chủ Hoàng càng nghĩ càng giận, nếu con đường luật pháp không đi được, vậy thì tìm tới truyền thông là lựa chọn duy nhất. Cho dù có chuyện đó thật hay không, ít nhất cơ quan thông tin truyền thông cũng sẽ nêu ra quan điểm khác nhau của đôi bên, ông ta cũng có quyền nói chuyện bình đẳng chứ không cần phải sợ hãi một thằng oắt con nhuộm tóc vàng khè. Sau khi đã quyết định như vậy, trước tiên ông liên hệ với kênh Dân sinh của đài truyền hình. Kênh Dân sinh của đài truyền hình thành phố mới được mở trong năm nay, nổi tiếng với những tin tức như vòi chữa cháy bị đứt, nước chảy lênh láng khắp nơi. Tin mà ông chủ Hoàng đưa ra đương nhiên là quan trọng và thú vị hơn nhiều so với tin về cái vòi chữa cháy bị đứt, bởi vậy chủ nhiệm kênh truyền hình Dân sinh lập tức phê chuẩn tin tức này, phái hai phóng viên trẻ đi phỏng vấn. Các phóng viên nghe ông chủ Hoàng kể về quá trình mình bị lừa gạt, hai người đều vô cùng phẫn nộ, kiên quyết đòi thay ông chủ Hoàng “chủ trì công đạo”. Nhưng sau khi xin tư vấn pháp luật của đài truyền hình, cảm thấy việc làm thế nào để khống chế mức độ của tin tức này thì có phần khó khăn: Họ chỉ nghe những lời ông chủ Hoàng nói, ông ta lại không đưa ra được chứng cứ nào, cũng không có nhân chứng có mặt lúc đó, một tin tức như vậy không phù hợp với quy định cơ bản trong ngành thông tin. Họ đành dẹp lời tố cáo của ông chủ Hoàng sang một bên, sau đó hai người giả danh làm khách hàng, tới “Vườn nghệ thuật” âm thầm phỏng vấn, thu thập chứng cứ, tìm hiểu lời nói của ông chủ Hoàng có phải là thật hay không.

Hai thanh niên tuổi đời rất trẻ nhưng tràn đầy nhiệt huyết mang máy ghi hình đi vào khách sạn Cổ Đô. Máy ghi hình được giấu trong cái cặp táp nhỏ, cặp táp lại được kẹp ở dưới nách. Ở phần trên cùng của cái cặp để hé một lỗ nhỏ bằng hạt đỗ xanh, đầu tiêu cự của máy được giấu ngay bên dưới cái lỗ nhỏ đó. Khi hai người đi tới phòng tranh, Nhan Lệ đang ngồi rỗi việc. Cô ta thấy hai thanh niên trông có vẻ sành điệu bước vào, lập tức lấy lại tinh thần. Từ khuôn mặt non nớt của hai người có thể đoán, chắc họ là khách hàng của khách sạn tới phòng tranh tham quan, không có chủ đích mua tranh. Ngày trước những người tới mua tranh đều là người làm ăn buôn bán, Nhan Lệ làm gái ôm đã nhiều năm, liếc mắt là biết ai là ông chủ, ai không, hai người này rõ ràng là không có đặc điểm của những người kinh doanh. Nhưng đang lúc chán nản vì không có việc gì làm, đong đưa hai chàng trai trẻ này cũng thú vị.

Nhan Lệ chờ sau khi hai người bước hẳn vào trong mới đứng lên đón tiếp:

- Hai anh muốn mua tranh hả? Hai anh vào xem đi. Có bức tranh nào hai anh thích, em để giá ưu đãi cho.

Hai người đi một vòng khắp phòng tranh. Họ cố ý dừng lại trước mỗi bức tranh khoảng một phút để ghi hình rõ nét bức tranh đang treo trên tường để sau này tìm chuyên gia giám định thật giả. Sau khi hai người quay phim xong, bèn ngồi xuống nói chuyện với Nhan Lệ:

- Bà chủ, tranh của chị ở đây đều là hàng thật hả?

Nhan Lệ được người khác gọi là bà chủ thì thích lắm:

- Đương nhiên là hàng thật rồi. Cửa hàng bán tranh giả làm gì có tiền để thuê trong khách sạn Cổ Đô.

Sau đó Nhan Lệ ngồi xuống, chỉ tay lên mấy bức tranh, giới thiệu với hai anh chàng không hiểu gì về hội họa vài kiến thức cơ bản. Những gì mà Nhan Lệ nói chẳng qua chỉ là học mót được từ Từ Thẩm Bình, nhưng cũng khiến hai anh chàng mắt tròn mắt dẹt. Ba người nói chuyện một lúc sau hai người kết thúc cuộc phỏng vấn, về đài.

Hai phóng viên vừa về tới nơi đã mang băng vừa ghi lén được vào phòng cắt phim, trên chiếc máy biên tập kĩ thuật số, hình ảnh hiện lên không rõ nét lắm, nhìn một hồi lâu vẫn không nhận ra điều gì. Họ lại phái một chiếc xe tới bảo tàng thành phố đón một vị chuyên gia giám định tranh tới đài truyền hình, vị này nhìn vào hình ảnh mờ mờ trước mặt, cũng khó phân biệt được thật giả. Tới lúc này thì việc tố cáo của ông chủ Hoàng gặp phải khó khăn thực sự. Ngay sau đó, hai phóng viên báo cáo kết quả lên chủ nhiệm. Chủ nhiệm cho rằng cái kết quả chưa rõ ràng này không có giá trị tin tức, yêu cầu hai phóng viên thông báo cho Cục Quản lí hành chính công thương ở khu vực mà khách sạn Cổ Đô tọa lạc để họ tiến hành xử lí điều tra tiếp.

Người của Cục Quản lí hành chính công thương nhận được điện thoại của đài truyền hình, vừa nghe nói tới việc tố cáo của ông chủ Hoàng mà họ từng xử lí, mặc dù hơi bực mình, nhưng việc của truyền thông thì không thể coi nhẹ, bèn gọi điện thoại tới “Vườn nghệ thuật” để tìm hiểu tình hình. Trong điện thoại Nhan Lệ khẳng định chắc chắn rằng phòng tranh của mình luôn tuân thủ đúng pháp luật. Ông chủ Hoàng cũng chưa từng mua bức tranh nào của họ, ông ta chỉ đơn thuần là muốn gây sự. Đối với vụ việc này, Cục Quản lí cũng không muốn hỏi nhiều, bèn trả lời đài truyền hình rằng: Không có chứng cứ. Việc này coi như kết thúc. Nhưng dù sao trong hồ sơ của Cục Quản lí hành chính công thương đã xuất hiện cái tên “Vườn nghệ thuật”, điều này gây ra rất nhiều bất lợi sau này.

Nhan Lệ sau khi nhận được điện thoại của Cục Quản lí hành chính công thương, mặc dù cô ta đã chối bay chối biến, nhưng dù sao cũng vẫn có tật giật mình. Vì lo lắng nên cô ta thông báo lại cho Từ Thẩm Bình toàn bộ việc ông chủ Hoàng đi tố cáo rồi việc điều tra của Cục Quản lí.

Từ Thẩm Bình nhận được điện thoại của Nhan Lệ, cảm thấy sự việc có cái gì đó không ổn. Anh bắt đầu lo lắng chỉ vì một “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play