Đời người khó liệu, thế sự như mơ. Hàn Đinh gặp toàn chuyện khó bề dự liệu trước.
Chiều hôm ấy, họ có mặt ở Tòa án nhân dân quận Bắc thành phố Bình Lĩnh đúng
như thời gian đã hẹn để tham dự phiên hòa giải do tòa án chủ trì. Ở đó,
Hàn Đinh nhìn thấy bố mẹ cô gái xấu số cùng mười mấy người đồng hương.
Những người đồng hương đều là những thanh niên đi cùng nạn nhân đến Bình Lĩnh làm thuê. Dẫn đầu là một gã đàn ông cao to, tuổi tác có vẻ nhỉnh
hơn cả, nhưng cũng không quá ba mươi. Hàn Đinh nghe những người kia gọi
gã là Đại Hùng. Vương thì thầm vào tai Lâm, gã Đại Hùng đó chính là một
cai thầu tại công trường mở rộng, nâng cấp nhà máy chế dược. Gã đồng
thời cũng là thủ lĩnh của cánh nông dân làm công quê Thiệu Hưng. Hôm ấy, Đại Hùng đóng một bộ vét, thắt cà-vạt. Nhưng gã và cánh nông dân làm
công do gã cầm đầu đến tòa để thị uy, vẫn bị cảnh sát tư pháp chặn ngoài cửa phòng xét xử. Cảnh sát chỉ để cho bố mẹ nạn nhân và luật sư của họ
vào trong. Còn đại diện của nhà máy chế dược lại không hề bị cảnh sát
ngăn cản. Cả bốn người đều được vào bên trong. Tại hành lang chật hẹp
trong tòa án, đám nông dân làm công lố nhố nhìn La Bảo Xuân và chánh văn phòng Vương đi vào phòng hòa giải với ánh mắt giận dữ. Đến ngay cả Lâm
và Hàn Đinh cũng không thoát khỏi ánh mắt gằm gè của bọn họ.
Trong thời gian thực tập hồi đại học, Hàn Đinh đã tham gia và dự thính một số phiên xét xử, nhưng chưa từng chứng kiến phiên hòa giải. Không khí của
buổi hòa giải hôm ấy khác xa tưởng tượng ban đầu của anh về mức độ chính quy. Đầu tiên, gian phòng được gọi là phòng hòa giải này quá tuềnh
toàng. Độ xập xệ của nó, trong con mắt của Hàn Đinh, rõ ràng đã tổn hại
đến sự tôn nghiêm của pháp luật. Sau nữa, vị thẩm phán chủ trì phiên hòa giải còn quá trẻ - một cô gái tuổi tác dễ chừng chỉ nhỉnh hơn anh một
tí tẹo, thậm chí, trông còn không chững chạc bằng cô thư ký ghi biên
bản. Hai bên hòa giải ngồi đối diện qua chiếc bàn dài đã bong sơn. Nữ
thẩm phán trẻ tuổi ngồi giữa ra câu hỏi. Khẩu khí cứng nhắc như học sinh đọc thuộc lòng trên lớp. Cô ta nói: Hôm nay, chúng tôi mời đương sự hai bên tới đây để hòa giải lần nữa về khoản tiền tử tuất của nạn nhân Chúc Tứ Bình. Lần trước, chúng ta đã hòa giải một lần, nhưng hai bên có quan điểm khác xa nhau. Lần này, chúng tôi hy vọng các vị có thiện chí giải
quyết vấn đề, suy xét nhiều hơn đến lập trường, thái độ của bên kia,
quan tâm nhiều hơn đến khó khăn của bên kia, và cũng nghĩ nhiều hơn đến
sự ổn định, đoàn kết trong xã hội. Cố gắng hết sức để nhà nước, đơn vị,
cá nhân không bị tổn thất, hoặc giảm thiểu tổn thất. Thế nào, mấy hôm
nay, các vị suy nghĩ thế nào rồi? Muốn giải quyết vấn đề này, hai bên
cần phải có thái độ nhượng bộ. Kiện tụng không có lợi cho cả hai bên.
Hiện nay, chúng tôi đã quá bận rộn với những vụ án lớn. Không muốn các
vị cứ dây dưa mãi.
Vừa xong phần mở đầu, nữ thẩm phán hầu như
không để chừa ra một kẽ hở thời gian nào, tiếp tục làm công tác khuyên
giải với hai bên đương sự. Trước tiên, cô ta nói với bố mẹ Tứ Bình:
- Hai bác lặn lội từ xa đến đây. Chi phí ăn ở mất, chi phí kiện tụng rất
tốn kém. Để dây dưa mãi cũng không có lợi gì. Con gái hai bác chẳng may
không còn, chúng tôi rất thông cảm. Phía nhà máy cũng rất thông cảm.
Nhưng hai bác cũng không thể vì thế mà đòi hỏi quá đáng. Yêu cầu mà
không hợp lý chưa chắc đã được đáp ứng. Lần trước, tôi đã trình bày hết
lời với hai bác rồi. Không biết lần này, ý các bác thế nào?
Nữ
thẩm phán nhìn bố mẹ Tứ Bình, chờ câu trả lời. Trông dáng bố mẹ Tứ Bình
biết ngay họ là dân nghèo đến từ vùng sâu vùng xa. Bố Tứ Bình có sức
khỏe của một người lao động chân tay. Mẹ Tứ Bình gầy yếu, trông thật
thà, khắc khổ. Họ đổ dồn ánh mắt vào người luật sư của mình. Vị luật sư
này là nam giới, tuổi ngoài bốn mươi, được bố mẹ Tứ Bình mời từ Thiệu
Hưng lên. Ông ta nói thay lời đương sự:
- Tôi thấy, chuyện này
thật ra rất đơn giản. Điều cốt yếu nhất không phải là bồi thường bao
nhiêu tiền. Điều đầu tiên cần phải làm rõ là, lao động do nhà máy chế
dược Bảo Xuân thuê bị giết hại khi đang làm việc trong nhà máy. Phải
chăng nhà máy không có một chút sai sót nào trong việc này, không phải
gánh chịu một chút trách nhiệm nào? Các biện pháp bảo vệ trong nhà máy
phải chăng tuyệt đối không có vấn đề? An toàn tính mạng của những công
nhân làm việc trong nhà máy phải chăng hoàn toàn được đảm bảo? Việc Tứ
Bình bị giết trong nhà máy phải chăng hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của nạn nhân, mà không liên quan một chút gì đến nhà máy? Những câu hỏi này là một tiền đề. Và tiền đề này cần phải được nói cho rõ ràng trước đã.
Còn chuyện, cuối cùng phải bồi thường bao nhiêu tiền? Phía nhà máy rốt
cuộc có những khó khăn gì? Có khả năng chi trả được không? Những vấn đề
này, đương nhiên là có thể thương lượng được.
Thẩm phán nhìn sang phía nhà máy chế dược. Lâm hắng giọng, đang định phát biểu, thì La Bảo
Xuân đã tranh nói trước. Ông ta hùng hổ với luật sư của đối phương:
- Giả sử như vừa nãy, ông bị giết ngoài hành lang vào đây, thì theo ông, phải bắt hung thủ bồi thường, hay tòa án bồi thường?
Câu nói của La Bảo Xuân ngay lập tức khiến cho buổi hòa giải trở thành buổi khẩu chiến. Luật sư của đối phương cũng cao giọng không kém:
-
Nếu là chuyện xảy ra ở nơi công cộng, tòa án có thể không chịu trách
nhiệm. Nhưng nếu tôi bị giết trong khu làm việc của tòa án, chẳng hạn,
ngay tại phòng hòa giải này, thì phải xem xem công tác bảo vệ an ninh
của tòa án có kẽ hở nào không. Nếu công tác bảo vệ an ninh của tòa án
cũng như nhà máy chế dược Bảo Xuân của các ông, có quá nhiều kẽ hở như
thế, thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm!
Hòa giải chưa bắt đầu mà hai bên đã căng thẳng. Điều này, dường như đến ngay cả thẩm phán
cũng không ngờ đến. Thấy tình hình diễn biến theo hướng tiêu cực, Lâm
định tiếp lời luật sư đối phương. Nhưng lúc này, La Bảo Xuân đã lại mặt
đỏ tía tai, cứ như vừa nốc rượu xong. Ông ta không còn kiềm chế được cảm xúc của mình, gào lên:
- Bảo vệ ở đâu mà chẳng có kẽ hở. Bọn tội phạm nếu đã rắp tâm giết người thì ở đâu chúng chẳng ra tay được. Các
người rõ là muốn vin vào người chết để vòi tiền doanh nghiệp. Không phải tôi không trả được số tiền bốn mươi vạn tệ. Tổng giá trị tài sản hữu
hình của nhà máy chế dược Bảo Xuân chúng tôi, cộng thêm tài sản vô hình
là thương hiệu, uy tín của chúng tôi, cũng phải đến một, hai trăm triệu. Không phải tôi không có khả năng đền các người bốn mươi vạn tệ! Mấy hôm trước, các người còn phái người đến gặp riêng tôi, bảo tôi bỏ ra mười
vạn tệ là sẽ cho êm việc này. Tôi là tôi không trả! Bồi thường mà hợp
lý, kể cả một triệu tôi cũng trả. Nhưng đã không hợp lý, thì một xu cũng đừng hòng tôi trả! Đám người này, nói khó nghe một chút, thì rõ là bọn
xã hội đen. Tôi không tin, chính quyền và tòa án lại không bảo vệ quyền
lợi hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân chúng tôi!
Luật sư phía đối phương xòe hai tay, nhìn vị thẩm phán trẻ tuổi đang lúng túng không
kiểm soát được tình hình. Qua nét mặt và giọng nói, có thể biết là ông
ta đang rất căm phẫn:
- Tứ Bình và những nông dân làm công này đã phải tạm xa người thân ruột thịt ở quê đến Bình Lĩnh làm việc, đóng góp biết bao cho nhà máy chế dược Bảo Xuân. Nhưng cuối cùng lại bị chết
ngay trong khi làm việc, để đến nỗi bố mẹ cô - những người sinh thành và chăm bẵm cô từ tấm bé - cũng không được nhìn mặt con lần cuối. Vậy mà,
một doanh nghiệp tên tuổi như nhà máy chế dược Bảo Xuân lại không hề cảm thông, không có lấy một chút đối xử nhân đạo tối thiểu! Để không phải
bồi thường, ông không những không thương xót cho cảnh ngộ bất hạnh của
cô gái trẻ, không thông cảm với gia đình nạn nhân, mà ngược lại còn vu
cáo họ là xã hội đen. Nếu ông còn tiếp tục nói năng như thế, chúng tôi
sẽ kiện ông tội phỉ báng, làm nhục nhân cách công dân. Thân chủ tôi mặc
dù rất nghèo, cô con gái đã mất của họ và bạn bè cô ấy mặc dù đều rất
nghèo, nhưng họ cũng đều có nhân cách, cũng đều có quyền bảo vệ danh dự
mình...
Cùng với sự phản đối kịch liệt của luật sư, mẹ Tứ Bình
nước mắt vòng quanh. Gân xanh trên trán ông bố Tứ Bình nổi lên. Ông rống lên tức tưởi, giọng địa phương đặc sệt:
- Các ông có còn là người nữa không? Các ông có còn đại diện cho Đảng cộng sản nữa không, hả?
La Bảo Xuân cự lại, không hề khách sáo:
- Tôi chỉ đại diện cho nhà máy của tôi. Tôi không phải chính quyền, tôi không đại diện cho Đảng Cộng sản!
Bố Tứ Bình gào lên:
- Cái nhà máy của ông có còn... mẹ kiếp, có còn thuộc quản lý của Đảng
Cộng sản nữa không? Mẹ kiếp, mày còn ác hơn cả bọn tư bản, bọn địa chủ
ác bá ngày xưa. Lương tâm của mày bị chó nó xơi rồi à? Hả?
Mẹ Tứ Bình vừa sụt sùi, vừa khuyên chồng:
- Ông đừng nói, để luật sư nói. Ông nói không rõ ràng...
Nhưng ông chồng không còn kiểm soát được tình cảm của mình:
- Tôi nói có điều gì mà không rõ! Để tôi hỏi cho ra nhẽ. Xem bọn nó có còn công lý không!
La Bảo Xuân cũng ra sức gân cổ lên:
- Cho nhà ông tiền thì là công lý chứ gì? Không cho nhà ông tiền thì là không công lý chứ gì? Dễ, nhà ông là công lý chắc?
Phòng hòa giải òm tỏi bởi tiếng cãi cọ và khóc lóc. Vị thẩm phán trẻ tuổi
cuối cùng cũng có được sự quyết đoán muộn mằn. Cô ta nghiêm giọng:
- Hai bên đương sự đã có thái độ như vậy, chứng tỏ các vị không có thiện
chí hòa giải. Tôi hỏi lại các vị lần cuối cùng. Bên nguyên cáo có mong
muốn hòa giải hay không, có phương án hòa giải mới hay không?
Luật sư phía đối phương vốn đã rất kích động. Tiếng quát mắng, tiếng sụt sùi của bố mẹ nạn nhân càng làm gia tăng sự phẫn nộ của ông. Ông ta trả lời thẩm phán mà như cãi nhau:
- Vừa rồi, chúng tôi đã trình bày lập trường của mình. Nhưng nếu bên bị cáo đã có thái độ bất hảo như thế,
chúng tôi đành phải kiện đến cùng!
Thẩm phán không dài dòng, chuyển câu hỏi cuối cùng sang bên bị cáo:
- Bên bị cáo có muốn hòa giải hay không, có phương án hòa giải mới hay không?
Không để cho Lâm có cơ hội mở miệng, La Bảo Xuân đập bàn đứng dậy:
- Tôi chơi đến cùng! Hẹn gặp nhau ở tòa!
Thẩm phán cũng phẫn nộ trước thái độ của La Bảo Xuân, nghiêm mặt nói:
- Ông La Bảo Xuân. Đây chính là tòa! Không phải văn phòng của ông. Ông đập bàn như thế là ý làm sao?
La Bảo Xuân khựng người, nhưng không cãi lại, ngồi xuống.
Thẩm phán chau mày, nói với vẻ khó chịu:
- Thôi được, tôi tuyên bố, lần hòa giải thứ hai về vụ bồi thường liên
quan đến cái chết của Chúc Tứ Bình thất bại. Tòa sẽ đưa vụ này ra xét xử trong một ngày gần đây. Công việc hôm nay đến đây là hết.
Tiếng
thẩm phán vừa dứt, thì tiếng chửi rủa của bố Tứ Bình lại nổi lên. La Bảo Xuân đứng dậy, quay ngoắt mặt bỏ đi. Lâm và Hàn Đinh đưa mắt nhìn nhau. Có lẽ, một luật sư từng trải như Lâm cũng chưa bao giờ chứng kiến một
buổi hòa giải như vậy. Là luật sư của một bên đương sự, nhưng anh chưa
kịp nói lời nào, buổi hòa giải đã kết thúc. Thậm chí, anh và Hàn Đinh
còn chưa kịp tặc lưỡi, tình hình đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhưng cả
hai đều không ngờ rằng, điều nghiêm trọng hơn còn ở phía sau. Trong lúc
mọi người lần lượt rời chỗ ngồi, bố nạn nhân tiếp tục tuôn ra những lời
chửi rủa ngày càng khó hiểu. La Bảo Xuân đang đi ra cửa, bỗng thân hình
ông ta loạng choạng, xiêu vẹo, tay huơ về phía trước như muốn bấu víu
một thứ gì đó, nhưng không được. Thân hình ông ta đổ ập xuống đánh
“rầm”, kéo theo cả mấy chiếc ghế gỗ lăn chỏng chơ.
Lâm và Hàn
Đinh giật mình, tưởng ông ta vấp phải vật gì đó. Hai người không ai bảo
ai, cùng nhoài người tới đỡ ông ta đứng dậy. Nhưng đồng thời, cả hai đều trông thấy mặt của La Bảo Xuân đã đổi từ màu đỏ ửng sang máu trắng
bệch. Lông mày rúm ró. Hàm răng nghiến chặt. Thớ thịt hai bên má vẹo vọ. Đau đớn tột đỉnh. Hàn Đinh hoảng quá, luồn tay xuống phía dưới định đỡ
ông ta dậy, nhưng Lâm đã quát lên: Để yên đấy! Vương lật đật gạt Hàn
Đinh ra, cuống quýt giở lật, tìm kiếm thứ gì đó trong túi áo trong áo
vét của La Bảo Xuân. Đến chiếc túi thứ hai, quả nhiên tìm thấy một lọ
thuốc nhỏ xíu. Trông thấy lọ thuốc, Hàn Đinh mới biết, bệnh tim của La
Bảo Xuân lại đột phát. Anh đứng trân trân nhìn Vương đổ thuốc ra, gắng
sức nhét chúng vào miệng La Bảo Xuân. La Bảo Xuân đã ngậm thuốc, nhưng
vẫn mang bộ mặt đau đớn tột cùng của người sắp chết. Nữ thẩm phán và cô
thư ký đứng ngây như phỗng. Có lẽ, bởi họ là phụ nữ, nên khi gặp phải
tình huống bất ngờ như thế này, có phần lúng túng. Luật sư bên nguyên
nhìn sang, mặt thoáng vẻ quan tâm kiểu nhân đạo. Mẹ Tứ Bình vẫn hai tay
che mặt khóc thút thít. Chồng bà ta không khuyên can, nhưng đã ngưng
tiếng chửi, nhìn cảnh hỗn loạn với ánh mắt lạnh tanh. Hàn Đinh chưa từng trông thấy tận mắt cảnh người mắc bệnh tim bị bệnh tim đột phát, nhưng
nhớ bập bõm cách cấp cứu đã trông thấy trên ti-vi: Ngồi xổm trên người
bệnh nhân. Lấy tay ấn ngực bệnh nhân để hô hấp nhân tạo. Rồi còn phải
cầm hai tay bệnh nhân làm động tác vươn thở giống như khi tập thể dục
buổi sáng theo nhạc phát thanh. Còn phải áp miệng vào miệng bệnh nhân hà hơi thổi ngạt... Vốn định đề nghị mọi người áp dụng cách cấp cứu này,
nhưng Hàn Đinh đồng thời cũng ý thức được rằng, mình trẻ tuổi nhất trong số những người có mặt ở đây, cần phải xăng xái nhận phần việc “nặng
nhọc” này. Nhưng nghĩ đến cảnh phải áp miệng La Bảo Xuân, hà hơi thổi
ngạt cho ông ta, Hàn Đinh lại theo bản năng, do dự mất vài giây. Hàn
Đinh chưa kịp mở miệng, Vương đã nói với anh như ra lệnh: Mau gọi xe cấp cứu đi! Nữ thẩm phán và cô thư ký lúc này mới bừng tỉnh, vội chạy ra
khỏi phòng hòa giải gọi điện thoại. Khi họ gọi điện thoại xong và quay
trở lại phòng hòa giải, hơi thở của La Bảo Xuân đã rất yếu. Sắc máu trên khuôn mặt ông ta khiến người ta liên tưởng đến cái chết. Lúc này, Hàn
Đinh mới biết rằng, người bị bệnh tim đột phát phải được nằm yên tĩnh.
Không đến mức vạn bất đắc dĩ thì không được động vào bệnh nhân. Nếu
không, sẽ phản tác dụng. Hàn Đinh hoảng hồn nghĩ đến chuyện: Vừa nãy,
nếu như anh xăng xái lao vào hô hấp nhân tạo cho La Bảo Xuân thật, để
đến khi ông ta nhắm mắt xuôi tay, quả là tẽn tò hết chỗ nói!
Xe
cứu thương đến. Bác sĩ lật đật chạy vào phòng hòa giải. Kiểm tra cho La
Bảo Xuân - lúc này đang nằm yên dưới đất - xong, tiêm một mũi, rồi ra
hiệu mọi người khiêng ông ta xuống dưới. Hàn Đinh và Vương dùng cáng
khiêng ông ta xuống tầng 1. Rồi lên xe cứu thương. Đi theo xe cứu thương đến bệnh viện. Lâm bị thẩm phán giữ lại để ký kên vào biên bản hòa giải và xử lý một vài vấn đề khác mang tính thủ tục.
Trên đường tới
bệnh viện, Vương gọi điện thoại di động cho người thân duy nhất của La
Bảo Xuân là La Tinh Tinh để thông báo về bệnh tình của ông ta, nhưng
không được, vì điện thoại của La Tinh Tinh luôn “ngoài vòng phủ sóng”.
Vương lại gọi số điện thoại khác, hỏi thăm xem La Tinh Tinh đang ở đâu.
Hỏi chán chê mới biết, sáng sớm nay, La Tinh Tinh đã đáp chuyến máy bay
đầu tiên rời Bình Lĩnh tới Nam Kinh, tham gia một buổi biểu diễn mốt
tóc.
Vừa đến bệnh viện, La Bảo Xuân được đưa ngay vào phòng cấp
cứu. Điện thoại di động của Vương hết pin. Ông ta cuống quýt chạy đi tìm điện thoại. Bên ngoài phòng cấp cứu chỉ còn lại mỗi mình Hàn Đinh. Ở
đây không có lấy một chiếc ghế. Hàn Đinh đành đứng. Chốc chốc lại đi đi
lại lại. Thi thoảng, có bác sĩ, y tá ra vào phòng cấp cứu. Tay họ cầm đồ nghề, vội vội vàng vàng, chẳng buồn ngó ngàng đến Hàn Đinh. Không biết
sau bao lâu, chợt một nam bác sĩ đi ra ngoài, vừa trông thấy Hàn Đinh,
đã hỏi:
- Anh là người nhà bệnh nhân à?
Hàn Đinh lắc đầu bảo không phải. Bác sĩ lại hỏi:
- Người nhà bệnh nhân đã đến chưa?
Hàn Đinh lắc đầu bảo chưa đến. Bác sĩ lại hỏi:
- Vậy anh có quan hệ thế nào với bệnh nhân?
Hàn Đinh nói anh là luật sư của bệnh nhân. Bác sĩ liền bảo:
- Anh là luật sư? Thế thì hay quá. Mời anh vào trong một chút. Bệnh nhân có chuyện muốn nói với anh.
Hàn Đinh nối gót bác sĩ vào trong phòng cấp cứu. Phía trong cửa phòng cấp
cứu là một hành lang vừa ngắn, vừa rộng. Gian đầu tiên là phòng phẫu
thuật. Bốn cửa mở toang. Bên trong, ngoài một chiếc giường và lỉnh kỉnh
một số máy móc, còn thì chẳng có bóng người. Đi tiếp vào trong là phòng
làm việc của bác sĩ. Qua gian phòng này là đến phòng theo dõi bệnh nhân. Hàn Đinh theo bác sĩ đi thẳng vào phòng theo dõi.
Trong phòng
theo dõi có ba chiếc giường. Hai chiếc để không. La Bảo Xuân - sau khi
được cấp cứu - đang nằm trên chiếc giường ngoài cùng. Sắc mặt ông ta vẫn khó coi, hơi thở yếu ớt, nhưng dấu hiệu về sự sống đã rõ ràng hơn so
với lúc vào viện. Bác sĩ tới cạnh giường, ghé tai La Bảo Xuân, nói nhỏ:
- Người ông cần tìm đã đến rồi. Ông có muốn nói điều gì không?
Hàn Đinh vội đi tới cạnh giường, cúi người nhìn La Bảo Xuân. Khó khăn lắm, La Bảo Xuân mới mở được mắt. Hàn Đinh vội nói:
- Ông La, tôi là Hàn Đinh, luật sư của Văn phòng luật sư Trung Á. Ông có nhận ra tôi không?
Kỳ thực, Hàn Đinh vừa mới tốt nghiệp đại học, chỉ là một anh luật sư thực
tập, nhưng anh không nói ra hai chữ “thực tập”. Mắt La Bảo Xuân đục
ngầu, ấn đường tối đen, nhìn Hàn Đinh với ánh mắt vô hồn. Hàn Đinh tưởng ông ta không nhận ra mình. Nhưng không ngờ, La Bảo Xuân đột nhiên run
rẩy giơ một cánh tay lên. Có vẻ như muốn làm một động tác gì đó. Cũng có vẻ như muốn kéo Hàn Đinh đến gần mình hơn. Hàn Đinh cúi thấp người
xuống. Mặt anh và ánh mắt đục ngầu của La Bảo Xuân cách nhau gang tấc.
Hàn Đinh hỏi to hơn:
- Ông có muốn nói điều gì không ạ?
Khóe miệng La Bảo Xuân mấp máy, run rẩy:
- Nhà...
Hàn Đinh áp gần hơn với La Bảo Xuân, cố nghe cho ra ý tứ của ông ta:
- Ông bảo nhà gì cơ ạ?
Chiếc tay giơ lên của La Bảo Xuân vẽ một vòng tròn run rẩy trước mặt Hàn
Đinh. Cùng với nó, là vài âm tiết được nặn ra trong hơi thở run rẩy đến
khó nhọc:
- Nhà... máy... và cả... đều để lại... cho Tinh Tinh...
Hàn Đinh dường như đã hiểu được ý tứ của La Bảo Xuân. Mấy con chữ cơ hồ như lời di chúc. Nghĩ đến lời di chúc, Hàn Đinh liền liên tưởng ngay đến
cái chết. Liên tưởng đến cái chết, Hàn Đinh liền buông ngay một lời an
ủi theo bản năng:
- Ông La, ông sẽ không sao đâu. Ông cứ yên tâm dưỡng bệnh. Rồi ông sẽ khỏi nhanh thôi. Ông yên tâm...
Vị bác sĩ quan sát sắc mặt La Bảo Xuân, rồi kịp thời ngăn không cho ông ta nói tiếp:
- Được rồi, ông cứ nghỉ ngơi cho khỏe. Ông chợp mắt một tí, rồi lát nữa nói tiếp.
Vị bác sĩ đưa mắt ra hiệu cho Hàn Đinh. Hàn Đinh bèn lui ra ngoài.
Ra khỏi phòng theo dõi, Hàn Đinh cúi đầu suy nghĩ. Mình rốt cuộc vẫn là
một luật sư. Nếu chẳng may La Bảo Xuân không qua khỏi, thì mấy chữ lúc
nãy chính là lời trăn trối của ông ta lúc lâm chung! Hàn Đinh chợt ý
thức rất rõ về chức phận của mình. Không thể chỉ nghe xong mấy lời ngắt
quãng khi nãy của La Bảo Xuân rồi lại để ngoài tai. Nghĩ vậy, Hàn Đinh
bèn mở chiếc ca-táp mang theo người, lấy giấy bút, rồi viết:
“Tôi quyết định, toàn bộ tài sản của Công ty hữu hạn dược phẩm Bảo Xuân
thành phố Bình Lĩnh, cùng các tài sản khác của tôi sẽ do con gái tôi là
La Tinh Tinh thừa kế.”
Hàn Đinh gọi vị bác sĩ vừa đi ra từ phòng theo dõi, rồi bảo:
- Vừa nãy, bệnh nhân đã để lại lời di chúc. Vì là luật sư của ông ấy, nên tôi đã làm bổ sung một biên bản. Bây giờ, nhân lúc bệnh nhân vẫn tỉnh
táo, cần phải để ông ấy xem lại lần nữa, rồi ký tên.
Vị bác sĩ đi vào phòng làm việc. Vừa đi, vừa xua tay:
- Không được, không được. Bây giờ, bệnh nhân không được nói thêm điều gì nữa. Nói nhiều, rất nguy hiểm.
Hàn Đinh nói:
- Ông ấy không cần nói. Tôi đưa cái này cho ông ấy xem. Ông ấy chỉ cần gật đầu và ký tên là được.
Bác sĩ trợn mắt:
- Anh bảo, với tình trạng hiện giờ, ông ấy có ký được không?
Hàn Đinh:
- Tôi cho là được!
Bác sĩ:
- Điều cần làm nhất bây giờ là tránh tối đa những chuyện khiến cho bệnh
nhân xúc động. Bây giờ, ông ấy cần phải được yên tĩnh. Anh cứ dày vò ông ấy như thế. Ngộ nhỡ bệnh tình xấu đi, anh chịu trách nhiệm nhé?
Hàn Đinh:
- Thế ngộ nhỡ ông ấy mệnh hệ gì, người nhà, người cơ quan ông ấy đều đang không có mặt ở dây. Sau này, xảy ra tranh chấp liên quan đến nội dung
di chúc, ông chịu trách nhiệm nhé? Sau này, họ cãi nhau, tôi bảo họ đến
tìm ông, nhé!
Phòng cấp cứu là nơi nhạy cảm. Trên tường viết Hoa
hai chữ “Yên lặng” to đùng. Bởi thế, tranh luận thật đấy, nhưng cả hai
đều phải nén giọng. Nhưng một nữ bác sĩ có tuổi đang làm việc ở phòng
bên cạnh - được ngăn bằng một tấm kính - đã trông thấy có điều gì đó
không ổn qua nét mặt của họ. Bà đi sang, hỏi đang xảy ra chuyện gì. Hàn
Đinh và vị bác sĩ cơ hồ như đã tìm thấy trọng tài. Bèn tranh nhau trình
bày quan điểm của mình. Bà bác sĩ có vẻ như là cấp trên của vị bác sĩ
kia. Chưa cần nghe hết, bà đã nói nhỏ với anh ta:
- Cậu đưa cậu ấy đi đi. Bảo cậu ấy làm đơn giản thôi. Tranh thủ bệnh nhân vẫn còn đang tỉnh táo...
Câu này, khi nãy Hàn Đinh cũng đã nói rồi. Nhưng bây giờ, nghe nó được phát ra từ giọng nói của bà bác sĩ, tim Hàn Đinh chợt đập thình thịch, có
cảm giác dữ nhiều lành ít. Nhưng anh không có thời gian để nghĩ ngợi
nhiều, vội bám theo vị bác sĩ - vẻ mặt đang khó đăm đăm - quay trở lại
phòng theo dõi.
Trong phòng theo dõi, La Bảo Xuân vẫn nhắm nghiền hai mắt, khuôn mặt tái nhợt. Vừa đến bên giường, Hàn Đinh đã sốt sắng:
- Ông La ơi, ông La ơi!
La Bảo Xuân vẫn nhắm mắt, không trả lời.
Hàn Đinh không dám mở to âm lượng, tiếp tục thì thầm:
- Ông La, tôi là luật sư Hàn Đinh đây!
Mắt La Bảo Xuân từ từ mở ra một khe hở. Hàn Đinh vội giơ ra trước mặt ông ta tờ giấy anh viết khi nãy:
- Ông La, những điều ông vừa nói với tôi có phải ý tứ như vậy không?
Mắt La Bảo Xuân động đậy, rồi nhìn chằm chằm vào tờ giấy. Một lát sau, ông
ta dùng ánh mắt tỏ ý gật đầu. Cả Hàn Đinh và vị bác sĩ đều cảm thấy rất
rõ, rằng: La Bảo Xuân đang gật đầu.
Hàn Đinh bảo:
- Ông ký tên được không? Tôi muốn ông ký tên vào tờ giấy này. Ông có làm được không?
Vị bác sĩ kia lúc này cũng phụ họa, giọng to hơn cả Hàn Đinh:
- Ông có ký tên được không?
La Bảo Xuân vẫn dùng ánh mắt tỏ ý gật đầu. Hàn Đinh thuận tay lấy chiếc
kẹp hồ sơ bệnh án dưới nách vị bác sĩ, lót tờ giấy lên trên, rồi đặt nó
vào tay La Bảo Xuân. Sau đó, nhét chiếc bút của mình qua kẽ ngón tay cái và ngón trỏ của La Bảo Xuân. La Bảo Xuân hờ hờ cầm bút, ngừng giây lát, rồi run run viết lên tờ giấy đã được Hàn Đinh thảo sẵn. Nét chữ nghiêng ngả, xiêu vẹo, run rẩy, rồng rắn, như chữ trong Thiên thư(2). Cuối
cùng, cũng viết xong ba chữ “La Bảo Xuân”, dù rằng khó luận.
Hàn Đinh như trút được gánh nặng.
Hàn Đinh và vị bác sĩ ra khỏi phòng theo dõi. Anh gấp cẩn thận tờ di chúc
đã có chữ ký của La Bảo Xuân, cất nó vào trong ca-táp. Lúc này, điều anh duy nhất lo lắng là sự an nguy của La Bảo Xuân. Nhưng tình hình không
xấu như Hàn Đinh tưởng. Trước khi trời tối, bệnh tình của La Bảo Xuân đã ổn định trở lại và bắt đầu cải thiện. Các chỉ số: huyết áp, nhịp tim... tiến dần đến mức bình thường. Hàn Đinh túc trực suốt trong bệnh viện.
Vương cũng đã quay trở lại bên ngoài phòng cấp cứu, sau khi gọi không
biết bao nhiêu cuộc điện thoại. Giám đốc Nhà máy chế dược Bảo Xuân - một người đàn ông trung niên đeo kính dáng tri thức - cũng dẫn theo một vài cán bộ trong nhà máy hớt hải chạy đến. Ông ta vừa tới bệnh viện, Vương
đã lật đật dẫn ông ta đi gặp bác sĩ hỏi han tình hình. Những người khác
đều đợi ở ngoài phòng cấp cứu. Hàn Đinh và đám người này không hề quen
biết từ trước, không ai bắt chuyện với ai. Hàn Đinh cũng không nói với
bất kỳ ai chuyện La Bảo Xuân đã để lại lời di chúc. Bởi nghe khẩu khí
của vị bác sĩ, bệnh tình của La Bảo Xuân dường như không còn đáng ngại.
Sau khi nói chuyện với bác sĩ, Giám đốc nhà máy và Vương trở về. Nét mặt hai người như muốn nói với mọi người rằng, thời khắc nguy kịch đã qua.
Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp. Nhưng, theo kiến nghị của bác sĩ, La Bảo Xuân
vẫn cần phải ở lại phòng theo dõi thêm một đêm. Đợi hôm sau hẵng chuyển
ra phòng bệnh. Vương cũng đã liên hệ được với La Tinh Tinh đang ở tít
tận Nam Kinh. Theo như lời Vương, nếu mua được vé máy bay, La Tinh Tinh
sẽ về đến Bình Lĩnh ngay trong tối nay. Hàn Đinh nhủ thầm, nếu mọi
chuyện bình thường, thì không cần nói ra chuyện tờ di chúc làm gì.
Chập tối. Giám đốc nhà máy chế dược cắt cử hai người ở lại bệnh viện thay
nhau túc trực. Đề phòng chẳng may La Bảo Xuân xảy ra chuyện gì, phải
thông báo ngay cho lãnh đạo nhà máy. Những người khác, bao gồm cả ông ta và Vương, đều về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi. Dù rằng Hàn Đinh rất muốn nán
lại bệnh viện, bởi tối nay, không biết chừng sẽ được gặp lại La Tinh
Tinh vừa từ Nam Kinh trở về, nhưng dường như chẳng có lý do gì chính
đáng để ở lại. Sau khi gọi điện thoại di động nói chuyện với Lâm, Hàn
Đinh bèn cùng mọi người rời bệnh viện về khách sạn.
Buổi tối, bạn học cũ của Lâm làm việc ở phòng cảnh sát hình sự Sở Công an Bình Lĩnh
lái xe đến khách sạn, nằng nặc mời Lâm và Hàn Đinh đi ăn nhà hàng cho
bằng được. Ban ngày, lúc ở tòa án, Lâm hơi bị cảm lạnh, người gai gai.
Người bạn học bèn dẫn hai người đi ăn lẩu tại nhà hàng Tứ Xuyên gần
khách sạn, để Lâm ra mồ hôi. Bạn học của Lâm họ Diêu, tên là Diêu Đại
Duy. Tướng mạo ông ta rất hợp với cái tên. Cao to mà lịch thiệp. Mặc dù
làm việc ở Sở công an Bình Lĩnh đã hai mươi năm, nhưng mới chỉ làm đến
chức phó của một đội trong Phòng điều tra hình sự, coi như cán bộ cấp
phó phòng. Chức tước vừa phải, nhưng khẩu khí hách đáo để. Ông ta bảo
Lâm hễ có khó khăn gì cứ tìm ông ta bất cứ lúc nào. Ở Bình Lĩnh này,
chẳng có việc gì mà ông ta không xử lý được. Lâm hỏi vụ Tứ Bình bị giết
có tiến triển gì không, rốt cuộc có phá được không. Không biết Diêu Đại
Duy có phải vì đã uống quá chén nên bốc đồng, hay vì ông ta chắc chắn
thật, cười bảo:
- Loại vụ án như thế này, mười phần có đến tám - chín phần là do người trong nội bộ gây ra. Phá dễ ợt!
Lâm hỏi:
- Ông có đầu mối gì rồi à?
Diêu Đại Duy:
- Nghi can đã bị bọn tôi khoanh vùng từ lâu rồi. Có điều, vẫn chưa tóm
được. Sáng nay, tôi vừa đến nhà giáo sư Lương ở Viện Nghiên cứu chế phẩm sinh học Bình Lĩnh để lấy bằng chứng xong. Giáo sư Lương là chuyên gia
đặc biệt của Nhà máy chế dược Bảo Xuân. Trước khi chết, Tứ Bình từng làm thuê theo giờ cho nhà giáo sư Lương.
Nói đến đây, Diêu Đại Duy
đột ngột dừng lại. Đủ thấy, ông ta còn lâu mới say. Mặt mũi đỏ phừng
phừng thật đấy, nhưng không đến mức tiết lộ quá nhiều tình tiết vụ án.
Rồi không đợi Lâm hỏi tiếp, ông ta chủ động lảng sang chuyện khác. Ông
ta hẹn Lâm sau khi xong xuôi công việc cùng tới khu phong cảnh hồ Hoàng
Hạc chơi. Lâm hiểu luật trong nghề, không truy hỏi tiếp. Ông ta cụng ly
với Diêu Đại Duy:
- OK! Tôi cũng đang khoái đến đó.
Chưa
xong bữa, Diêu Đại Duy bị một cú điện thoại gọi đi. Hàn Đinh đoán, chắc
một vụ án nào đó vừa xảy ra tình huống khẩn cấp, cần phải xử lý ngay.
Nghĩ bụng, làm công an kể cũng vất vả. Diêu Đại Duy đi rồi, còn lại Hàn
Đinh và Lâm ngồi trước đống cơm thừa canh cặn. Hàn Đinh bèn lôi tờ di
chúc La Bảo Xuân đã ký tên ra đưa cho Lâm xem. Lâm không nói gì. Chỉ nói vài ba câu thể hiện sự không đồng tình, hoặc giả là làu bàu, đối với
thái độ của La Bảo Xuân tại buổi hòa giải sáng hôm ấy ở tòa. Lâm bảo:
- Với tính khí kiểu ông chủ như của La Bảo Xuân, kể cả lần này ông ta
xuất viện, thì sau này, nếu tòa chẳng may ra phán quyết bất lợi cho ông
ta, ông ta cũng sẽ chết vì uất.
Chưa dứt lời, điện thoại di động
của Lâm chợt đổ chuông. Vương gọi đến. Ông ta nói một thôi một hồi. Lâm
ậm ừ đáp lại bằng giọng mũi ngàn ngạt vì cảm lạnh, rồi kết thúc bằng
câu:
- Thôi được. Sáng mai gặp nhé!
Cúp điện thoại xong, Lâm cúi đầu húp một bát canh nóng. Rồi mới từ từ ngẩng đầu lên, bảo Hàn Đinh:
- La Bảo Xuân chết rồi.
Hàn Đinh đang ăn miến. Sợi miến vẫn lòng thòng ngoài miệng. Anh sửng sốt:
- Dạ?
Lâm Tất Thành lại cúi đầu húp canh, chẳng nói chẳng rằng. Cứ như thể, La
Bảo Xuân bị chết vì câu rủa khi nãy của ông ta vậy. Như thể, chiếc miệng của mình hôm nay không may mắn lắm vậy. Lâm không nói gì. Hàn Đinh cũng vậy. Hai người lầm lũi ăn cho xong bữa, rồi về khách sạn. Hàn Đinh bật
ti-vi định xem thời sự. Nhưng thấy Lâm chẳng buồn tắm gội, vừa đặt lưng
đã ngủ luôn, anh bèn tắt ti-vi, rồi tắt đèn đi nằm.
Hàn Đinh trằn trọc mãi không ngủ, nghĩ đến cái chết của La Bảo Xuân, thấy nó sao đột
ngột quá. Cách đây vài tiếng đồng hồ vẫn là người đàn ông kiêu hãnh, ăn
to nói lớn, mặt mũi phừng phừng, vậy mà giờ đã từ giã cõi đời, phiêu
diêu sang thế giới khác. Hàn Đinh còn trẻ. Đây là lần đầu tiên anh đích
thân cảm nhận được sự yếu ớt, vô thường của sự sống. Anh trằn trọc trong đống chăn mền. Càng nghĩ, càng xót xa. Thực ra, anh xót xa nhiều hơn
cho La Tinh Tinh - cô con gái rượu của La Bảo Xuân. Vừa mới trưởng
thành, đột ngột không người thân thích, không nơi nương tựa. Vừa bước
chân ra ngoài xã hội đã có gia tài bạc tỷ và một doanh nghiệp tên tuổi.
Với một bối cảnh như thế, không hiểu, cuộc sống sau này của một cô gái
như La Tinh Tinh sẽ ra sao? Nàng vẫn sẽ tiếp tục làm người mẫu, hay thừa kế nghiệp cha, ngồi lên chiếc ngai Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty
chế dược Bảo Xuân? Trong vương quốc là doanh nghiệp do người cha gây
dựng, liệu vị chủ nhân mới là nàng có được tố chất của một vị vua, có
khả năng hô mưa gọi gió như người cha? Cứ nghĩ vẩn vơ như thế, mãi sau,
Hàn Đinh mới thiếp đi. Vừa ngủ được một lát thì trời sáng. Thấy Hàn Đinh trở mình, Lâm gọi:
- Hàn Đinh!
Hàn Đinh mơ màng trả lời:
- Dạ?
Giọng Lâm khản đặc, thều thào:
- Cậu bảo nhân viên phục vụ mang cái chăn nữa đến. Tớ thấy hơi lạnh.
Hàn Đinh nhỏm dậy, gọi điện thoại bảo nhân viên phục vụ mang chăn đến. Gọi
điện thoại xong, anh nhường chiếc chăn của mình đắp cho Lâm. Nhân tiện,
áp tay lên trán Lâm, thấy tay nóng bỏng. Hàn Đinh sốt sắng:
- Anh bị sốt rồi!
Lúc Hàn Đinh dìu Lâm tới bệnh viện, bệnh viện vẫn chưa làm việc. Đành sang
khám ở phòng cấp cứu. Bác sĩ tiêm cho Lâm, rồi bố trí để ông ta nằm
viện. Sắp đặt phòng bệnh cho Lâm xong, đợi ông ta chìm vào giấc ngủ mê
man, Hàn Đinh lấy điện thoại di động gọi cho lãnh đạo Văn phòng luật sư
báo cáo tình hình. Một là đương sự đã chết. Hai là Lâm bị ốm. Ba là bây
giờ Hàn Đinh phải làm gì. Lãnh đạo bảo Hàn Đinh nán lại Bình Lĩnh chăm
sóc Lâm. Chuyện vụ án, nếu tòa án và bên nguyên có quan điểm gì, hoặc
giả, nhà máy chế dược có thái độ gì mới, thì phải báo cáo kịp thời. Sau
đấy hẵng hay.
Vừa gọi xong cú điện thoại về Bắc Kinh, Hàn Đinh
lại nhận được điện thoại của Vương. Vương bảo sẽ tới đón anh và Lâm đến
khu biệt thự của La Bảo Xuân. Vương nói:
- Đêm qua, La Tinh Tinh
đã bay từ Nam Kinh về tới Bình Lĩnh. Con bé đã nhìn di thể bố. Sáng nay, lãnh đạo nhà máy sẽ tới nhà sếp La cùng gia đình bàn chuyện hậu sự, bao gồm cả việc tiếp theo sẽ xử lý vụ án Tứ Bình như thế nào. Giám đốc nhà
máy chúng tôi bảo mời các anh cùng tới đó để bàn việc.
Hàn Đinh hỏi:
- Sáng nay, La Tinh Tinh có ở đó không?
Vương:
- Đương nhiên rồi. Sao vậy?
Hàn Đinh:
- Để tôi đến đó hẵng hay. Tôi cũng có việc muốn tìm các anh.
Lúc Hàn Đinh ra khỏi bệnh viện, trời nổi gió. Đứng trong gió độ mười phút,
Vương mới lái xe đến. Họ cùng đi ra ngoại ô. Lúc đến tòa biệt thự của La Bảo Xuân bên hồ Hoàng Hạc, đã thấy có hai chiếc xe đỗ ngoài cổng. Mặt
trời ngày đông vừa nhô lên khỏi mặt hồ tĩnh lặng. Khi họ bước vào phòng
khách trong ngôi biệt thự, ánh nắng đang chiếu vào trong phòng qua khung cửa sổ kiểu cổ. Những người trong phòng, mặt ai nấy đều đẫm nắng, nhưng trông không có một chút sinh khí, giống như người sáp.
Hàn Đinh nhìn quanh một vòng. Người trong phòng khách đều là đàn ông. Không đợi bọn họ lên tiếng, Hàn Đinh hỏi luôn:
- La Tinh Tinh có ở đây không? Tôi có chuyện muốn gặp cô ấy một chút.
Nhất thời không có ai trả lời. Vài giây sau, vị giám đốc nhà máy cất tiếng hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Hôm qua, lúc vừa gặp vị giám đốc đeo kính này, Hàn Đinh không hiểu sao đã
thấy không mấy thiện cảm với ông ta. Đại để, anh có cảm giác ông ta đang có vẻ tiểu nhân đắc chí. Hàn Đinh vốn định nói rất nghiêm túc rằng: Tôi muốn tuyên bố với cô ấy và các ông di chúc của La Bảo Xuân. Kể từ hôm
nay, nhà máy chế dược Bảo Xuân cùng mọi động sản, bất động sản của La
Bảo Xuân đều thuộc sở hữu của La Tinh Tinh! Nhưng lời vừa đến miệng, Hàn Đinh đã kịp ngăn lại, không nói ra. Bản năng mách bảo Hàn Đinh cần cảnh giác với đám đàn ông lạ mặt trong phòng này. Ai mà biết được, rằng bọn
họ là những bậc trung lương có thể nhờ cậy, hay đám gian thần âm mưu phế chủ, tự mình xưng vương?
Hàn Đinh cố làm ra bình thản:
- Hôm qua, lúc tỉnh táo, ông La Bảo Xuân có đôi câu dặn dò cô con gái. Nay tôi muốn truyền đạt lại cho cô ấy.
Gã giám đốc quay sang nhân viên cấp dưới đang ngồi bên cạnh, nói nhỏ:
- Cậu đi xem cô ấy đã khá hơn chưa.
Tay nhân viên đi sang thư phòng bên cạnh. Gã giám đốc có vẻ không thèm nhiều lời với Hàn Đinh, quay sang hỏi Vương:
- Luật sư Lâm đâu?
Vương vội đáp:
- Dạ, ông Lâm ốm, đang trong bệnh viện.
“Ừm”. Gã giám đốc gật đầu, rồi cũng đi về phía thư phòng. Được vài bước, ông
ta quay đầu lại nhìn Hàn Đinh, thái độ có phần thiện chí hơn, bảo:
- Ông La ra đi đột ngột quá. Cô con gái nhất thời không chịu đựng nổi mất mát to lớn về tình cảm, bởi ông La là người thân duy nhất của cô ấy.
Nếu những lời anh muốn truyền đạt dễ kích động mạnh đến tình cảm cô ấy,
nên để vài ngày nữa hẵng nói. Anh đi theo tôi.
Ông ta dẫn Hàn
Đinh đi vào thư phòng. Thư phòng trông cổ xưa hơn cả phòng khách. Bốn
bức tường được trang trí bằng những tấm gỗ màu tối. Giá sách bằng gỗ
được trạm trổ có phần rườm rà. Rèm cửa sổ buông hờ. Ánh sáng lọt vào nửa đậm nửa nhạt, khiến cho mặt ai nấy đều nửa sáng nửa tối. Vừa bước vào
thư phòng tranh tối tranh sáng này, Hàn Đinh đã tìm thấy ngay nhân vật
trung tâm. Chính giữa thư phòng, một cô gái đang ngồi sau bàn viết kiểu
cổ. Mặt nàng nhem nhuốc vì nước mắt, tóc rối bời, thần sắc tiều tụy,
hoảng hốt, nhưng dung mạo vẫn đẹp ngời ngời. Đứng cạnh nàng là bà giúp
việc và một phụ nữ trung niên dáng vẻ hiền lành đang lựa lời an ủi. Thấy có người vào, nàng ngước mắt lên. Bốn, năm người đàn ông cùng bước vào. Ánh mắt nàng hướng về Hàn Đinh như đóng đinh. Có thể, bởi anh là người
xa lạ nhất. Có thể, bởi anh là người trẻ nhất. Cũng có thể, bởi anh hiển nhiên là nhân vật chính trong đám người ấy.
Hàn Đinh và La Tinh Tinh nhìn nhau giây lát. Hàn Đinh hỏi:
- Cô có phải là La Tinh Tinh?
La Tinh Tinh không trả lời. Tiếp tục nhìn Hàn Đinh với ánh mắt có phần
nghi hoặc. Bà giúp việc và người phụ nữ trung niên cũng ngước đầu lên
nhìn anh. Đám đàn ông cùng đi vào cũng nhìn anh.
Hàn Đinh nói tiếp:
- Tôi là Hàn Đinh, luật sư của Văn phòng luật sư Trung Á Bắc Kinh. Trước
khi qua đời, bố cô đã để lại một bức di chúc có chữ ký của ông ấy. Nay,
tôi xin đọc cho cô và các vị có mặt tại đây được rõ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT