Tến Đoan Ngọ. Mọi người đều ăn quẩy, đi xem kịch. Năm nay, gánh kịch chuyển đến ấp Ngưu Thị cách đó 15 cây số. Ấp to hơn thôn. Trưởng ấp Ngưu Thị nói, các thôn khác xem kịch ba ngày, ấp mình xem hẳn năm ngày, mời gánh kịch “Pha lê” về biểu diễn. “Pha lê” là vai đào có tiếng trong vùng, trang điểm đẹp, giọng khoẻ khoắn. Nghe nói lễ chúc thọ bố Viên Thế Khải ở huyện Hạng Thành cũng mời gánh kịch “Pha lê” về biểu diễn. Người trong ấp Ngưu Thị ai ai cũng phấn chấn, thấy địa vị của mình tăng lên không ít. Trong ấp bắt đầu dựng sân khấu từ trước đó ba ngày, sau đó mọi người thi nhau sang làng bên rủ họ hàng thân thích đến xem:

- Đi xem kịch đi! Gánh “Pha lê” biểu diễn đấy!

Con gái Lão Hỷ lấy chồng ở ấp Ngưu Thị. Nhà chồng cũng là nhà giàu có, vừa có gia súc, vừa có đất đai, lại còn mở một quán bán dầu thơm. Trước hôm diễn kịch một ngày, nhà thông gia cho xe kiệu đến đón Lão Hỷ. Đích thân con gái đưa cả cháu ngoại về mời:

- Thưa thầy, bố chồng con bảo sang mời thầy đến xem kịch!

Thằng cháu ngoại cũng sà vào lòng ông nũng nịu:

- Ông ơi, hôm xem kịch, ông mua cho cháu một cái bánh lê nhé!

Lão Hỷ vốn không thích xem kịch. Xướng ca vô loài, hay ho cái nỗi gì. Nhưng con gái đã cất công đến mời, cháu ngoại lại đòi mua bánh lê, Lão Hỷ bất đắc dĩ cười nói:

- Được, được. Ông sẽ mua bánh lê cho cháu!

Xong, lại quay sang nói với con gái:

- Thật ra thầy không muốn đi lắm. Trong thôn đang còn một đống việc chờ thầy. Mấy hôm nữa, còn phải cử suất đinh đi sửa đường cho xã!

Văn Náo nghe vậy nói:

- Kìa thầy, em Xảo Trân đã cất công đến đây mời, thầy cứ đi xem kịch đi. Ở nhà còn có Hắc Tiểu. Hơn nữa việc cử suất đinh đi làm đường cũng chẳng có gì ghê gớm!

Lão Hỷ nghĩ ngợi một lúc :

- Thôi được, thầy đi xem kịch!

Lão Hỷ làm tân trưởng thôn đã ba tháng. Mọi việc bình yên vô sự. Thật ra, lúc đầu Lão Hỷ cũng hơi lo. Vốn chỉ muốn dạy cho Điện Nguyên một bài học, nào ngờ Văn Náo lại thuê người giết chết gã. Lão Hỷ sợ đây là mầm họa, biết đâu một ngày nào đó, nó sẽ bùng phát. Bởi vậy, mấy tháng nay, ông đặc biệt cẩn thận, dặn dò hai thằng con trai tăng cường công tác bảo vệ quanh nhà. Buổi tối không dám ra khỏi nhà. Trời vừa nhá nhem đã thả chó săn ra. Văn Náo thấy vậy, giễu:

- Kìa thầy, chỉ là con cháu của một thằng ăn xin, chết thì đã chết rồi, thầy việc gì phải sợ thế!

- Sao anh ngu thế! Nói là nói vậy, nhưng nhà nó bây giờ có còn là ăn xin nữa không? Người ngựa nhà nó cũng đầy rẫy ra kia kìa! Hồi đó tôi đã dùng nhầm anh, để rồi gieo mầm họa. Không biết cái thằng sát thủ đó có kín mồm kín miệng không? Chẳng may việc này để người ta biết được thì đúng là tai họa!

- Thầy, thầy cứ yên tâm. Thằng sát thủ đó là người vùng khác, cách xa hàng trăm dặm ai mà biết được? Con nghe Hắc Tiểu nói, nhà Lão Nguyên vẫn nghi thằng Điện Nguyên bị bọn phỉ giết!

- Thế thì tốt rồi, tốt rồi! Việc này chấm dứt ở đây. Sau này gặp người nhà họ Tôn, cái gì cần nói hẵng nói, đừng để lộ ra. Giết con trai nhà người ta, không phải chuyện nhỏ đâu. Vụ này khác với vụ anh bức tử con vợ thằng tá điền đấy!

Văn Náo thấy hơi buồn cười, nhưng vẫn làm theo lời cha. Lúc gặp Lão Nguyên trên đường, Lão Hỷ cố nói một hai câu bắt chuyện. Nhưng thấy thái độ của Lão Nguyên với mình vẫn như trước, không có gì thay đổi lớn, mới yên tâm dần. Sau lại thấy nhà họ Tôn chủ động gỡ tấm biển Văn phòng thôn Mã đem trả, trong lòng có phần cảm động. Những lúc họp thôn, khi điểm danh hộ cử phu phen phục dịch đến nhà họ Tôn, thấy Lão Nguyên không dự họp đầy đủ như trước đây cũng không quở trách, mà lật sang trang khác điểm danh tiếp.

Ba tháng liền vô sự, Lão Hỷ yên tâm hơn nhiều. Nay con gái đến mời xem kịch, ông liền nhận lời. Sáng sớm hôm sau, Lão Hỷ bồng cháu ngoại cùng con gái ngồi xe kiệu đến ấp Ngưu Thị xem kịch. Xe kiệu của ông vừa ra khỏi thôn, Lão Nguyên đã biết. Ông phủ phục xuống đất dập đầu một lạy:

- Điện Nguyên, con hãy yên lòng nhắm mắt. Lão Hỷ ơi Lão Hỷ, mày đi xem kịch coi như số mày đã tận!

Tối hôm đó, Lão Nguyên cử Mao Đán đi gọi Bố Đại. Kể từ khi biết Điện Nguyên bị Lão Hỷ hãm hại, Lão Nguyên không đêm nào ngủ được. Mao Đán có phần lo lắng:

- Chú, mình đã biết kẻ thù là ai, cũng đã tìm được Bố Đại. Chi bằng cho hai bên chạm trán, giải quyết luôn cho xong chuyện!

- Anh nói cứ như đùa! Trả thù thế nào? Anh cứ làm như chuyện trẻ con! Đây là chuyện lấy đầu của người ta, chứ không phải chuyện biếu tiền người ta mà đến tận nhà người ta để giải quyết! Nhà nó con đàn cháu đống, kẻ hầu người hạ đông như kiến, lại có cả mấy con chó săn, anh đủ bản lĩnh thì anh thử giải quyết xem? Đảm bảo, anh chưa kịp giải quyết nhà nó, thì nhà nó đã giải quyết anh rồi! Phải đợi cơ hội!

Cứ như thế, Lão Nguyên nung nấu chờ thời cơ. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, Lão Hỷ đều làm việc trong nhà. Cứ đến tối là không chịu bước chân ra khỏi nhà. Lão Nguyên càng chờ càng sốt ruột. Mao Đán nói:

- Chú, để lâu cứt trâu hóa bùn! Hay ta cứ liên hệ quách với bọn phỉ, bảo chúng nó ban ngày đến san bằng nhà Lão Hỷ cho xong chuyện!

Lão Nguyên thở dài:

- Anh nói thì dễ, nhưng gia sản nhà mình có đủ để nuôi mãi bọn phỉ không? Ban ngày ban mặt san bằng nhà nó thì tránh sao khỏi bị kiện! Hồi ấy, nhà nó đã hại chết anh cậu như thế nào? Bọn nó lén lút dùng tiền thuê sát thủ! Nhà mình ấy à, còn phải học nhà nó nhiều!

Trong khi đó, Lão Phùng và Lão Đắc lại có vẻ bứt rứt. Lão Phùng nói:

- Ông chủ cho bọn mình một bao đậu nhân, bảo bọn mình đi mượn đồ. Đậu thì đã ăn hết rồi, mà vẫn chưa thấy ông chủ bảo bọn mình đi mượn nhà ai cái gì!

- Hay ông chủ quên! - Lão Đắc nói.

Một lần, Lão Nguyên ra chuồng ngựa thăm ngựa, Lão Phùng nhân tiện hỏi:

- Bẩm ông, lần trước ông bảo sẽ cử con đi làm một việc? Sao vẫn chưa thấy ông gọi bọn con?

- Đừng nóng vội, đừng nóng vội! - Lão Nguyên thở dài.

- Bẩm ông, khi nào cần đến bọn con, là ông phải bảo cho bọn con biết ngay, chứ bọn con không ăn không đậu nhân của ông đâu!

- Chúng mày theo tao đã từng ấy năm. Kể cả không sai chúng mày làm gì thì một bao đậu cũng đáng gì!

- Nói là nói vậy. Nhưng bọn con vẫn áy náy lắm. Có việc gì cần, xin ông cứ sai bảo!

- Biết rồi! - Lão Nguyên gắt nhẹ, rồi ra khỏi chuồng ngựa.

Nghe nói Lão Hỷ sắp sang nhà con gái ở ấp Ngưu Thị để xem kịch, Lão Nguyên mừng run cả người. Cơ hội đến rồi. Chỉ cần Lão Hỷ ra khỏi nhà là có thể ra tay. Nhưng Lão Nguyên biết Lão Hỷ không thích xem kịch, chỉ sợ ông ta không đi. Nếu ông ta không đi, coi như lại mất một cơ hội, không biết phải đợi đến khi nào. Phải đến khi nghe nói xe kiệu chở Lão Hỷ đã ra khỏi thôn, Lão Nguyên mới như cất được hòn đá tảng ra khỏi lồng ngực. Ông phủ phục xuống đất, dập đầu lạy rõ lâu. Sau đó, ông bảo Lão Đắc đi gọi Mao Đán. Mao Đán đến, Lão Nguyên bảo Lão Đắc ra ngoài, rồi nói với Mao Đán:

- Có biết Lão Hỷ đi đâu không?

Mao Đán tối qua chơi bài cả đêm, ngủ vùi một ngày vừa mới dậy, đầu vẫn ong ong nói:

- Lão ta không ở trong nhà nữa ạ?

Lão Nguyên nhổ nước bọt xuống đất:

- Trông lại bộ dạng anh kìa! Thế mà còn đòi trả thù cho Điện Nguyên cơ đấy! Đợi được anh trả thù, thì xương của Điện Nguyên đã rữa ra rồi! Nói cho anh biết, Lão Hỷ đã ra khỏi làng đến ấp Ngưu Thị xem kịch!

Nói xong, xúc động quá, Lão Nguyên đi đi lại lại như đèn cù trong phòng, không cần đến ba-toong.

Nghe xong, Mao Đán rất phấn chấn, tỉnh hẳn ngủ:

- Thế thì hay quá, hay quá. Lão ta đi xem kịch rồi, rời ổ rồi. Cháu hiểu, bây giờ có thể ra tay được rồi! Thằng ngu này sao lại ra khỏi làng nhỉ?

- Đấy là do nghe lời tôi, mình không để lộ ra ngoài, nên lão ta tưởng rằng mình không biết Điện Nguyên bị ai hãm hại, chỉ chăm chăm gỡ biển để làm trưởng thôn thôi!

Mao Đán vừa khoác áo, vừa đi vội ra ngoài:

- Để cháu cưỡi ngữa đi gọi Bố Đại!

Lão Nguyên quát:

- Đứng lại! Ai bảo anh ban ngày ban mặt cưỡi ngựa đi! Để đến ban đêm không được à?

- Vâng, vâng. Cháu sẽ đi vào ban đêm. Tại chú vừa trông thấy cháu đã mắng té tát làm cháu choáng quá!

Canh ba đêm đó, Mao Đán đến Dương Xưởng cách đó 10 dặm đón Bố Đại. Chỉ mất một canh giờ, Mao Đán đã đến Dương Xưởng, nhưng tìm mãi không thấy Bố Đại đâu. Mao Đán lo toát mồ hôi. Tìm đi tìm lại mãi, hóa ra Bố Đại không đi đâu xa. Hắn ta đang ngủ lăn ngủ lóc trên đống cỏ ở chuồng bò. Mao Đán thấy vậy, không nhịn được cười:

- Đúng là một tên phỉ!

Rồi gọi:

- Dậy đi, dậy đi, cha nuôi gọi ông anh!

Hai người cưỡi ngựa lên đường. Bầu trời đầy sao, gió se lạnh. Mao Đán mặc ấm nên không thấy lạnh. Còn Bố Đại thì ăn mặc rách rưới, rét run cầm cập. Bố Đại bực bội:

- Đêm hôm thế này gọi tao làm gì?

- Lần trước cha nuôi nói chuyện gì, ông anh quên rồi à? Đã đến lúc rồi. Ông anh có thể trả thù cho anh Điện Nguyên được rồi!

Bố Đại lúc này mới vỡ ra, vội quay ngựa nói:

- Thế thì tao phải quay về!

Mao Đán phát hoảng:

- Ông anh giở quẻ đấy à? Lần trước, cha nuôi còn cho ông anh hẳn mấy chục đồng bạc Tây cơ đấy!

Bố Đại trừng mắt:

- Tại mày không nói sớm, tao tưởng mày gọi đi uống rượu, biết đâu là đi trả thù cho anh Điện Nguyên. Tao quên đồ ở nhà rồi!

- Làm thằng em tưởng ông anh định giở quẻ! - Mao Đán bật cười, rồi cũng quay ngựa đi về nhà Bố Đại.

Về đến nhà, Bố Đại tìm khắp hai gian nhà vẫn không thấy đồ đâu. Mãi sau mới thấy nó nằm dưới chiếc máng trong chuồng lợn, thì ra đây là một con dao mổ lợn đã hoen rỉ. Mao Đán phì cười:

- Tưởng cái gì. Hóa ra một con dao mổ lợn rỉ quèn, chẳng thà thằng em tặng ông anh một con dao găm! Thế khẩu súng của ông anh đâu?

- Bán cho Lão Khâu rồi! - Bố Đại ủ rũ trả lời.

Mao Đán cũng không biết Lão Khâu là ai, hai người lại cưỡi ngựa lên đường. Trên đường đi, Bố Đại hỏi:

- Muốn tao giết ai? Bây giờ đã nói được chưa? Tao biết nó không?

- Sao lại không biết, là Lý Lão Hỷ! Chính lão ta đã thuê người thắt cổ anh Điện Nguyên! Hồi trước lão ta chẳng chịu ra khỏi làng nên mình không ra tay được. Hôm qua, lão ta sang nhà con gái xem kịch. Lão ta vừa ra khỏi làng, cha nuôi liền bảo em đi gọi ông anh!

Vừa nghe tên Lý Lão Hỷ, Bố Đại lại ghìm cương ngựa, nói:

- Giết Lý Lão Hỷ? Tao thấy lão này cũng được đấy chứ!

- Được ở chỗ nào?

- Hồi bé, tao sang nhà lão ta ăn trộm táo. Một lần bị lũ chó bao vây. Lão ta quát chó lui ra, mà cũng chẳng đánh tao!

- Đấy là chuyện hồi nhỏ. Còn bây giờ lão ta đã giết anh trai chúng ta! - Mao Đán có phần lo lắng.

- Giết thì giết vậy! - Bố Đại nghĩ ngợi, rồi thở dài.

Ở nhà, Lão Nguyên đã chuẩn bị sẵn một mâm cơm. Thấy Mao Đán và Bố Đại về đến nhà, liền bảo họ vào mâm. Được ba tuần rượu, Lão Nguyên hỏi:

- Trên đường, Mao Đán đã nói hết với anh rồi chứ?

- Rồi ạ. Lúc nào thì con ra tay?

- Giờ đã canh năm rồi. Lão ta xem kịch từ hôm qua, hôm nay vẫn xem tiếp. Tối nay nhé!

- Sao thầy cho gọi con về sớm thế?

- Lát nữa trời sáng rồi. Anh hãy ngủ cho đẫy giấc để lấy sức!

- Cần gì lấy sức. Con đi săn thỏ với Mao Đán nhé!

Mao Đán rất khoái, nhưng Lão Nguyên nói:

- Không được. Việc này phải giữ bí mật. Anh phải ẩn mình không được để người ta phát hiện! - Lại nói - Bố Đại, việc này phải cẩn thận. Ở ấp Ngưu Thị người đông phức tạp lắm. Đợi sau nửa đêm hẵng ra tay. Thầy đã cho người thăm dò địa hình nhà con gái lão rồi. Tối nay sẽ nói cho anh hay! Thầy đã chuẩn bị cho anh hai trợ thủ tiếp ứng ở ngoài thôn!

- Thầy làm việc rườm rà quá. Con muốn một mình hành động, không cần trợ thủ!

- Đây là chuyện liên quan đến tính mạng, không thể sơ sểnh được đâu. Cho hai tên dắt ngựa chờ anh ở ngoài thôn. Ngộ nhỡ xảy ra việc gì, anh còn kịp tẩu thoát!

- Hai người đó là ai ạ?

- Rất đáng tin cậy. Là Lão Phùng và Lão Đắc nhà mình. Để giữ bí mật, bây giờ không được nói cho bọn nó biết, chỉ nói là đi với anh mượn đồ. Đợi trên đường đi, anh hẵng nói cho bọn nó biết!

Bàn bạc xong, Lão Nguyên bảo Mao Đán đưa Bố Đại đến gian nhà Tây ngủ. Bố Đại ngủ một mạch đến khi mặt trời ngả sang phía Tây mới dậy ăn tối.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play