Bí thư huyện ủy huyện bên là Tôn Thực Căn về thăm nhà mấy ngày, liền bị bà con xóm làng cho
là “phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản” đấu cho một trận, phải ra đi trong bẽ bàng. Bí thư huyện hủy Tôn Thực Căn bây giờ là đại đội
trưởng Bát lộ quân Tôn Thỉ Căn thời kháng chiến. Sau khi làm bí thư
huyện ủy huyện bên, anh đổi tên thành Thực Căn. Thời gian cải cách ruộng đất, Thực Căn vẫn làm bí thư huyện ủy huyện bên, sau này được điều về
huyện nhà làm bí thư, sau lại sang huyện bên làm bí thư. Năm 1955 được
đề bạt làm phó chánh văn phòng tỉnh. Năm 1957, vì trót nói câu “Đảng
cộng sản giống như mặt trăng, trăng mùng một khác với trăng rằm”, bị cho là có tư tưởng hữu khuynh, may mà chuyển biến tư tưởng nhanh, nói chữa
thành “Đảng cộng sản giống như mặt trời. Mặt trời chiếu đến đâu ở đó
bừng sáng”, mới không bị quy kết là phe hữu, nhưng vẫn bị giáng chức
xuống làm bí thư huyện ủy huyện bên, cho đến tận bây giờ. Thực Căn dù
mới chỉ ngoài 40, nhưng tóc đã muối tiêu. Ông và Thích Vị, Hòa Thượng là bạn nghịch đất nghịch cát thời nhỏ. Có điều ông là con địa chủ, sau này được đi học ở Khai Phong. Còn cánh Thích Vị, Hòa Thượng là con của tá
điền, quanh quẩn ở thôn làm mấy cái trò mót lúa, đánh nhau, trộm vặt. Kể từ khi cải cách ruộng đất, Thực Căn luôn làm quan ở bên ngoài, chẳng
mấy khi về thôn. Mặc dù cái chức bí thư huyện ủy chẳng có gì to tát,
nhưng Thực Căn là người thôn Mã có chức vị cao nhất từ trước đến nay.
Người trong thôn nhắc đến tên ông với vẻ tự hào. Ông còn một bà mẹ già
ngày ngày ăn chay niệm phật, năm nay đã hơn 70 tuổi, vẫn còn khỏe mạnh
sống ở thôn. Sau khi làm bí thư huyện ủy, Thực Căn mấy lần về đón mẹ lên ở cùng mình nhưng chỉ được mấy hôm, bà mẹ lại đòi về. Mặc dù bà là vợ
địa chủ, nhưng trước “Đại cách mạng văn hóa”, bí thư chi bộ Thích Vị và
trưởng thôn Hòa Thượng đối xử với bà không như những địa chủ khác. Thi
thoảng còn qua nhà bà chơi, cho người xách nước hộ. Năm 1960, người
trong thôn ăn cơm tập thể, ăn hết cả tấm đậu tương, trong làng nhiều
người chết đói. Thích Vị và Hòa Thượng mỗi người cầm theo ba củ cà rốt
sang huyện bên tìm Thực Căn. Thực Căn lúc này cũng gầy rộc đi, nhưng dù
sao vẫn cứ là bí thư huyện hủy, thấy bí thư chi bộ và trưởng thôn dưới
quê lên, liền dặn nhà bếp của huyện ủy hấp cho một nồi bánh bao nhân bắp cải. Thích Vị và Hòa Thượng ăn loáng một cái hết bay hai mươi chiếc
bánh bao. Ăn xong, Thích Vị và Hòa Thượng kể cho Thực Căn nghe nạn đói ở quê nhà, rằng đã có hơn hai người chết đói. Thực Căn nghe mà nước mắt
lưng tròng. Nhưng vẫn gạt nước mắt nói:
- Tình hình ở đâu cũng thế cả, tôi không giúp được bà con đâu!
Thích Vị và Hòa Thượng rất thất vọng, chiều hôm sau bỏ luôn về quê. Trên
đường đi, còn mắng Thực Căn là kẻ vong ơn bội nghĩa. Nó “đã có bánh bao
ăn, nên chẳng thèm quan tâm xem bà con sống chết thế nào”. Nhưng chỉ ba
ngày sau khi Thích Vị và Hòa Thượng trở về thôn, Thực Căn điều hai xe
ngựa chở khoai lang khô ở huyện bên đến. Một miếng khi đói bằng một gói
khi no. Nhờ có số khoai lang khô vượt hơn trăm dặm chuyển đến, mà nhiều
người trong thôn giữ được mạng sống. Đến bây giờ, người trong thôn vẫn
còn nhắc đến chuyện “khoai lang cứu mạng”. Người già thường nói với trẻ
con rằng:
- Nhờ có khoai lang của chú Thực Căn, nếu không, đã chẳng có cháu trên đời!
Năm đói qua đi, Thực Căn về đón mẹ. Người trong thôn đổ ra vây lấy chiếc xe Jeep của ông, mừng mừng tủi tủi. Thôn Mã vì có Thực Căn, nên huyện này, công xã này đều nhìn thôn Mã bằng con mắt khác.
Nhưng Thực Căn
cũng có bất hạnh của riêng mình. Mặc dù đã làm đến chức bí thư huyện ủy, nhưng con đường hơn hai năm làm cách mạng của ông cũng không ít gập
ghềnh. Sau hơn hai năm mới lên được chức bí thư huyện ủy, bản thân điều
đó đã chứng tỏ ông cũng nhiều phen lận đận. Năm 1955 còn khá một chút,
loáng cái đã được đề bạt làm phó chánh văn phòng tỉnh. Nếu không xảy ra
chuyện gì, cứ đà này mà thăng tiến thì đến giờ có khi cũng đã làm bí thư tỉnh hoặc lãnh đạo cấp tỉnh chưa biết chừng. Nhưng sau đó, ông phạm lỗi hữu khuynh, bị bật khỏi chiếc ghế phó chánh văn phòng tỉnh. Lẽ đời, khi đã bị giáng chức thì sau này ít có khả năng thăng tiến, cả đời có lẽ
cũng vẫn chỉ là anh bí thư huyện ủy. Nghĩ thế, nên mặc dù ngày nào cũng
ngồi xe Jeep, nhưng trong lòng Thực Căn vẫn cảm thấy ấm ức. Bạn học của
ông ở trường cấp 3 số 1 Khai Phong cùng tham gia cách mạng với ông bây
giờ có người còn thăng tiến hơn ông, có người làm lãnh đạo cao cấp hoặc
phó chủ tịch tỉnh ở vùng khác. Thực Căn có một người bạn học họ Triệu
năm xưa cùng tham gia Bát lộ quân với ông, sau đó cùng quân giải phóng
hành quân xuống phía nam, bây giờ đã là bí thư tỉnh ủy của một tỉnh phía nam. Trông người lại nghĩ đến ta, chỉ tại cái vạ miệng năm 1957, để rồi bây giờ ê chề. Nhưng cũng có lúc, nghĩ mãi, nghĩ mãi, tư tưởng lại khai thông, thấy quan lớn quan bé thì cũng chẳng có gì khác nhau. Quan to
thì có nhiều việc phải lo hơn. Còn quan bé thì ít việc phải lo hơn. Làm
quan ở thị trấn cũng có cái hay. Đồng thời, anh không được phép tiêu
cực, càng tiêu cực thì càng không lên cao được. Nếu làm việc không tốt,
chưa biết chừng cái ghế bí thư huyện ủy cũng chẳng giữ được. Chỉ cần anh không chê chức bé, cứ làm tốt công việc của một bí thư huyện ủy, chưa
biết chừng lại có cơ hội thăng tiến. Bởi thế, mặc dù tư tưởng có đôi lúc cấn cá chuyện này chuyện kia, nhưng Thực Căn vẫn không hề lơ là công
việc, công việc ở huyện bên làm rất tốt.
Lúc này xảy ra “Đại cách mạng văn hóa”. Thực Căn cũng giống như nhiều bí thư huyện ủy khác,
nhanh chóng bị đánh đổ, trở thành “phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản”, bị phái tạo phản lôi ra bêu ở phố, bị đấu tố. Lúc đầu, Thực
Căn rất tức giận, thấy mình làm việc vất vả, chẳng có lỗi với ai. Sao
bảo đánh đổ là đánh đổ ngay? Nhưng sau đó, thấy rất nhiều bí thư huyện
ủy khác cũng bị đánh đổ, nhiều người chức vị cao hơn mình cũng bị đánh
đổ, tư tưởng lại khai thông. Tư tưởng thông suốt rồi, ông không còn tức
giận nữa, cũng không quan tâm lắm chuyện bị lôi ra phố đấu tố, bị chụp
mũ. Điều khiến ông bận tâm vào lúc này lại là cuộc sống gia đình, là mụ
vợ làm ông điên đầu.
Nói đến vợ, Thực Căn lại thấy đường vợ con
của mình còn vất vả hơn đường công danh. Vợ ông đẹp. Hồi trẻ được mệnh
danh là Tiểu Chúc Anh Đài, vốn là một y tá trong trung đoàn Bát lộ quân. Thực Căn quen chị ta hồi còn làm đại đội trưởng. Sau này, hai người
cưới nhau lúc Thực Căn làm bí thư huyện ủy thời cải cách ruộng đất.
Trước khi lấy nhau, Thực Căn thấy chị vợ rất tuyệt, cười nói xởi lởi,
thanh âm giòn tan, hai bím tóc đuôi sam nhảy nhót đằng sau. Nhưng lấy
nhau xong ông mới phát hiện vợ chồng ông như đôi đũa lệch. Thì ra, chị
ta tính tình nóng nảy, cục cằn, lòng dạ hẹp hòi, lại vô cùng ích kỷ. Có
việc gì không vừa ý, có lần Thực Căn nói hớ một câu, là chị ta khóc lóc
rùm beng, nhẹ thì đập bát đập đĩa, nặng thì bù lu bù loa lăn ra ăn vạ.
Lúc điên tiết lên, còn dám tát cả Thực Căn. Cứ ba ngày lại xảy ra chuyện lục đục. Thực Căn rất đau đầu. Có lúc Thực Căn đã tính đến chuyện ly
hôn, nhưng lúc ấy con đường công danh của ông đang rộng mở, sợ nếu ly
hôn bây giờ sẽ ảnh hưởng không hay cho mình, liền hoãn lại. Cứ hoãn đi
hoãn lại như thế hơn hai mươi năm, vợ chồng có với nhau ba mặt con. Lúc
này muốn ly dị cũng đã muộn.
Đương nhiên, không phải cuộc sống vợ chồng của Thực Căn không có những lúc cơm lành canh ngọt. Nghĩ lại cuộc sống gia đình hơn hai mươi năm, Thực Căn phát hiện ra một quy luật. Khi ông thuận lợi trên con đường công danh, cả nhà được hưởng sung sướng,
là vợ ông vui vẻ với ông. Nhưng khi ông gặp trục trặc trong công việc là mụ vợ lại làm cho nó rắc rối thêm, thường kiếm cớ gây sự. Chẳng hạn,
hồi ông bị giáng từ chức phó chánh văn phòng tỉnh xuống bí thư huyện ủy
và bây giờ là bị đánh đổ trong “Đại cách mạng văn hóa”, mụ vợ ngày nào
cũng lời qua tiếng lại với ông. Ông càng trắc trở bên ngoài, thì mụ vợ
càng gây chuyện. Ví như, bây giờ ông bị đấu tố bên ngoài một ngày trời,
về nhà thế nào mụ vợ cũng đang hằn học, cơm không thèm nấu, nước không
thèm đun. Mụ ta bực mình toàn những chuyện cỏn con đâu đâu. Không cần
biết ông về nhà trong tâm trạng như thế nào, mệt hay không, đều bị mụ ta quạt cho một trận, vậy mà ông vẫn cứ phải xin lỗi, vẫn phải dỗ ngon dỗ
ngọt, để xoa dịu cơn tức của mụ ta. Thường cứ phải dỗ dành đến nửa đêm.
Lúc này, Thực Căn lại nghĩ, gắn bó với một mụ đàn bà chỉ muốn cùng hưởng ngọt bùi, không muốn chia sẻ đắng cay này thật vô vị. Gặp việc bực mình bên ngoài còn có thể tự mình giải tỏa, chứ giận nhau với vợ biết giải
tỏa cùng ai? Thực Căn còn mẹ già ở quê. Ông từng đón mẹ lên nhà mình mấy bận, nhưng lần nào bà cụ cũng chỉ ở có mấy ngày, rồi nằng nặc đòi về.
Cũng có phần vì bà ngứa mắt với cô con dâu, cô con dâu lại hay hỗn hào
với bà.
Hôm nay, Thực Căn lại bị phe tạo phản trong thị trấn đem
ra đấu tố vì tội là “phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản”. Bị
đấu tố xong, vừa chân ướt chân ráo về đến nhà, mụ vợ lại kiếm cớ gây
chuyện với ông. Nguyên nhân vì một chuyện gì đó liên quan đến người nhà
mẹ đẻ. Vì liên quan đến nhà mẹ đẻ, nên lần này mụ ta giận dữ hơn rất
nhiều. Thực Căn hôm nay bị đấu tố có phần mệt mỏi, muốn khuyên giải vợ,
nhưng có vẻ hơi không tập trung, càng làm cho mụ vợ sôi máu lên. Khuyên
giải mãi đến tận nửa đêm vẫn không được, mụ vợ liền bù lu bù loa, còn
tát Thực Căn liền mấy cái. Bực mình, Thực Căn không thèm khuyên ngăn mụ
nữa, sập cửa đi ra ngoài, ra khỏi ngôi nhà ngột ngạt. Ra đến phố, không
khí mát mẻ, ông thấy khoan khoái, bạo dạn hơn, bèn không quay về nhà,
cũng không cần biết ngày mai phe tạo phản sẽ phản ứng ra sao, tự ý ra
khỏi thị trấn, nhằm hướng về quê cách đó hơn trăm dặm đường. Ông muốn về quê trước hết là để tĩnh tâm vài ngày, sau là để thăm mẹ già hơn 70
tuổi nửa năm nay chưa gặp. Nhưng ông không thể ngờ rằng, vừa chân ướt
chân ráo về đến thôn, ông đã không thể tĩnh tâm được. Ông bị phe tạo
phản trong thôn đấu tố một trận.
Ngay hôm Thực Căn về nhà, mọi
người trong thôn đã biết hết. Thấy ông đi bộ về chứ không còn ngồi xe
Jeep như trước, mọi người biết ông đã gặp chuyện không hay. Trưởng đoàn
“Đoàn tạo phản bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông” Lý
Hồ Lô là kẻ đầu têu đòi đấu tố Thực Căn. Sở dĩ Hồ Lô muốn đấu tố Thực
Căn là vì hắn ta tự cho mình là người đầu tiên trong thôn biết Thực Căn
gặp chuyện rủi ro, đang từ một vị bí thư huyện ủy trở thành “phần tử
đương quyền đi theo con đường tư bản tay sai”. Dạo ấy, anh ta vẫn đẩy xe dầu đi bán. Một lần sang tận thị trấn huyện bên để bán dầu, thấy biểu
ngữ “Đả đảo Tôn Thực Căn” dán đầy đường phố, mới biết ông bí thư huyện
ủy người quê mình đang gặp hạn. Mặc dù năm 1960 anh ta cũng ăn khoai
lang do Thực Căn đưa đến, nhưng thấy biểu ngữ chống Thực Căn dán đầy
đường, trong lòng bỗng nảy ra một ý. Về đến thôn, anh ta loan báo tin
này khắp thôn. Cả thôn sở dĩ biết chuyện Thực Căn gặp hạn là do công Hồ
Lô đi bán dầu. Bây giờ, anh ta không bán dầu nữa, đã trở thành đoàn
trưởng “Đoàn tạo phản”, vậy mà Thực Căn bây giờ lại chạy trốn từ huyện
bên về thôn. Hồ Lô thấy nếu không nhân dịp này đấu tố Thực Căn đâm ra
bản thân mình có phần khó ăn khó nói. Hơn nữa, anh ta thấy kể từ khi
thành lập đến nay, “Đoàn tạo phản” chưa làm được việc gì to tát. Thành
lập một tổ chức mà mãi không có hoạt động gì, thì dần dần cũng coi như
tổ chức này không tồn tại. Bây giờ, bỗng dưng vị bí thư huyện ủy sa cơ
lỡ vận lại lù lù dẫn xác đến, nếu đấu tố ông ta mà thuận lợi, thì chắc
chắn sẽ có tác dụng rất lớn góp phần nâng cao vị thế của “Đoàn tạo
phản”. Cả thôn có ba phe tạo phản, trước đây cũng chỉ toàn đấu tố địa
chủ. Nay nếu đấu tố một ông bí thư huyện ủy thì sẽ thú vị hơn nhiều. Hồ
Lô đem ý tưởng này nói với đoàn phó Vệ Bưu. Vệ Bưu rất hăng hái, khen
sáng kiến của Hồ Lô hết lời, rằng đây chắc chắn là sự kiện mang tính
bước ngoặt đối với vận mệnh của “Đoàn tạo phản”. Hai người lên kế hoạch
cụ thể để đấu tố Thực Căn. Nhưng khi lên kế hoạch xong, bọn họ lại thấy
hoang mang. Bởi rốt cuộc bọn họ trước đây một người thì làm nghề bán
dầu, một người là học sinh trung học vừa tốt nghiệp, không có dịp tiếp
xúc nhiều với Thực Căn. Không thuộc chân tơ kẽ tóc của ông bí thư huyện
ủy ra sao. Vậy thì buổi đấu tố sẽ bố trí thế nào, lên án tội ác gì của
ông ta. Lần này khác với những lần đấu tố địa chủ. Bởi địa chủ có tội gì thì người trong thôn đều biết cả, nhưng một vị bí thư huyện ủy mắc tội
gì, thì một tên bán dầu và một tên học sinh trung học không thể hiểu rõ
được. Hai người bàn tính đến nửa đêm mà vẫn chưa có kết quả, bắt đầu có
phần sốt ruột. Hồ Lô chửi:
- Mẹ kiếp, ý tưởng hay là thế mà khó nhằn ghê!
Vệ Bưu bỗng nảy ra sáng kiến, bảo lần này Thực Căn về quê chắc cũng phải ở lại hai, ba ngày. Chi bằng lấy tư cách “Đoàn tạo phản” sang huyện bên
điều tra xem thế nào. Điều tra xong tội ác của Thực Căn, về đến thôn đấu tố cũng chưa muộn. Việc đã đến nước này, Hồ Lô đành đồng ý. Sáng sớm
hôm sau, Vệ Bưu cầm hơn một trăm đồng tiền đi đường đến huyện bên điều
tra. Nhưng Hồ Lô và Vệ Bưu không ngờ rằng, quyết định ra bên ngoài điều
tra đã làm bọn họ mất đi cơ hội đấu tố Thực Căn. Bởi trong thời gian Vệ
Bưu đang điều tra bên ngoài, thì đoàn tạo phản khác là “Đội chiến đấu
Lưỡi kiếm sắc” đã đấu tố Thực Căn.
“Lưỡi kiếm sắc” lúc đầu không
muốn đấu tố Thực Căn. Đội trưởng “Đội chiến đấu Lưỡi kiếm sắc” Thích Vị
trước đây là chỗ quen biết với Thực Căn. Năm 1960 sang huyện bên, Thích
Vị còn được Thực Căn mời ăn bánh bao, lại còn cấp thêm hai xe ngựa khoai lang. Trước “Đại cách mạng văn hóa”, ông ta thường qua lại chăm sóc mẹ
Thực Căn. Thực Căn lần nào đi xe Jeep về nhà, Thích Vị nghe tin đều qua
lại thăm hỏi cho đến khi Thực Căn ra đi. Lần này cũng vậy. Dù biết Thực
Căn bị lật đổ, từ một vị bí thư huyện ủy biến thành “phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản tay sai”, nhưng trước đây vẫn từng là chỗ quen biết, hôm gặp nhau ở đường làng, Thích Vị còn bước tới bắt tay Thực
Căn, nói chuyện vui vẻ rất lâu, không hề có ý nghĩ đấu tố Thực Căn. Cho
đến khi ông ta nghe phong thanh rằng “Đoàn tạo phản” của Hồ Lô đòi đấu
tố Thực Căn, đã phái Vệ Bưu sang huyện bên để điều tra, thì mới giật
mình tỉnh ngộ. Sau khi tỉnh ra, ông ta liền cho đây là một ý hay, không
khỏi thán phục đầu óc thông minh của một tay bán dầu như Hồ Lô. Miệng
dưa chuột của đội “Lưỡi kiếm sắc” trước đây cũng thông minh chẳng kém Hồ Lô, chỉ tiếc sau đó lạc chân một bước mà phải vào nhà tù, làm ông ta
mất một trợ thủ đắc lực. Nếu Miệng dưa chuột còn ở đây, chẳng biết chừng anh ta cũng nghĩ ra sáng kiến như vậy. Thế nào là thông minh? Nghĩa là
trước một việc mà ai cũng nhìn thấy nhưng không để ý, anh ta lại nghĩ ra một ý tưởng mới. Ví như trong thôn có ba phe. Cả ba phe đều biết Thực
Căn trở về. Mọi người cho đấy là bình thường, nhưng Hồ Lô lại nẩy ra ý
đấu tố Thực Căn. Đấu tố một bí thư huyện ủy như Thực Căn có tác dụng
nâng cao uy tín phe tạo phản của mình nhường nào! Một đội chiến đấu nào
đó đấu tố một vị bí thư huyện ủy thì dân trong vùng này biết hết, thế
chẳng phải nổi tiếng lắm sao? Càng nghĩ, càng thấy đấu tố Thực Căn thật
là một sáng kiến hay, chỉ tiếc rằng sáng kiến này không phải do mình
nghĩ ra. Nếu nghĩ ra thì chắc mình cũng sẽ phái người đi điều tra để đấu tố cho ra trò. Được thế, uy tín của “Lưỡi kiếm sắc” chắc chắn được nâng lên. Miệng dưa chuột thông minh nhưng sau đó lại bị hại bởi chính sự
thông minh bộp chộp của mình, tự dưng lại nung chữ “Trung” rồi đóng vào
mông gia súc. Bản thân anh ta phải ngồi tù, còn uy tín của “Lưỡi kiếm
sắc” cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dân trong vùng ai ai cũng biết
chuyện đội “Lưỡi kiếm sắc” nảy nòi ra một tên phản cách mạng, khiến
người của đội “Lưỡi kiếm sắc” mấy tháng liền không dám ngẩng đầu lên.
Nếu lần này đấu tố Thực Căn thuận lợi, thì “Lưỡi kiếm sắc” chắc chắn sẽ
gây được tiếng vang lớn, lấy lại được hình ảnh của mình. Chỉ tiếc việc
này lại bị Hồ Lô giành trước, hắn ta đã phái người sang huyện bên điều
tra. Sau đấy nghĩ lại, thấy mình việc gì phải ra ngoài điều tra làm gì,
mình chơi với Thực Căn từ nhỏ, chẳng lẽ không hiểu nó? Chẳng lẽ không ra ngoài điều tra thì không đấu tố được chắc? Mình hoàn toàn có thể nhân
lúc bọn họ đang điều tra bên ngoài chớp lấy thời cơ đấu tố Thực Căn
trước. Phải giành lấy cơ hội này để khôi phục uy tín. Có thể Hồ Lô sẽ
cho mình không đàng hoàng, nhưng sự thể đã đến nước này, hơi đâu nghĩ
đến chuyện đàng hoàng với không đàng hoàng cho nhọc xác? Nó trước đây
chỉ là một thằng bán dầu, bây giờ ti toe đòi ngang hàng với mình, thế
thì đàng hoàng chắc? Nghĩ thế, Thích Vị hạ quyết tâm đấu tố Thực Căn
trước Hồ Lô. Ý đã quyết, Thích Vị như biến thành một người khác, không
còn ỉu xìu nữa, mà tươi tỉnh, phấn khích. Nhưng ông ta vẫn hơi lo có gì
đó không phải với Thực Căn. Hồi người ta còn làm bí thư huyện ủy, mình
đã ăn bánh bao của người ta, há miệng mắc quai. Nhưng sau đó nghĩ lại,
ngày xưa mình đi cậy cục ông ta là vì ông ta đang là bí thư huyện ủy.
Nhưng bây giờ mình đấu tố ông ta vì ông ta đã trở thành “Phần tử đương
quyền đi theo con đường tư bản tay sai”. Mình đấu tố một tên “Phần tử
đương quyền đi theo con đường tư bản tay sai”, chứ không phải một vị bí
thư huyện ủy. Giả như ông ta nhất thời không thông, thì cũng chỉ còn
cách xin ông ta bỏ qua cho. Hơn nữa, nếu Thích Vị không đấu tố Thực Căn, thì Hồ Lô vẫn sẽ đấu tố. Kiểu gì cũng phải đấu tố, thà để mình đấu tố
còn hơn. Suy đi tính lại mãi, Thích Vị cuối cùng cũng tự đả thông được
tư tưởng cho mình, bèn quyết định ngày hôm sau sẽ đấu tố Thực Căn. Tiếp
đó, Thích Vị bàn bạc sắp xếp cụ thể với đội phó của mình là Phùng Tùng
Minh (nguyên kế toán của thôn). Phùng Tùng Minh mặt rỗ, mọi người không
gọi anh ta là Phùng Tùng Minh mà gọi Phùng rỗ. Phùng rỗ vạm vỡ, khỏe
mạnh, nhưng đầu óc giản đơn, chẳng nghĩ được việc gì cho ra hồn. Thích
Vị rất xem thường anh ta. Nhưng lần này, nghe chủ trương của Thích Vị
xong, anh ta lại nảy ra một ý kiến, cho địa chủ trong thôn cùng đấu tố
với Thực Căn. Vì Thực Căn xa quê lâu năm, còn xa lạ với mọi người. Nhưng nếu để địa chủ cùng bị đấu tố, mọi người sẽ bạo dạn hơn, thấy có cái để nói hơn. Thích Vị thấy hay, đồng ý luôn.
Hôm sau, “Lưỡi kiếm
sắc” triệu tập hội nghị đấu tố Tôn Thực Căn, phần tử “Phe đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”. Khi Phó đội trưởng “Đội chiến đấu
Lưỡi kiếm sắc” Phùng rỗ đến nhà bảo hôm sau tham gia buổi đấu tố, Thực
Căn sững người. Ông về quê là muốn được tĩnh tâm, nào ngờ lại bị đấu tố. Lúc ấy, Thực Căn đang thắp đèn rửa chân cho mẹ, kể cho mẹ nghe mấy câu
chuyện cười. Thấy Phùng rỗ đến thông báo chuyện như vậy, bèn nói:
- Phùng rỗ, tôi chỉ về nhà có ít ngày, các anh đấu tố tôi làm gì?
Không ngờ, Phùng rỗ buông một câu học vấn rất cao:
- Ông là phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, cho dù ở đâu thì cũng vẫn bị đấu tố!
Thực Căn dở khóc dở cười nói:
- Tôi thoát ly bao năm nay, có làm việc gì ở thôn này đâu?
- Ông làm bí thư huyện ủy thì cũng có làm việc gì đâu, nhưng người ta vẫn cứ đấu tố ông đấy thôi! Người ta đấu tố ông bao nhiêu lần rồi, chẳng lẽ chúng tôi đấu tố ông một lần cũng không được?
Nghe Phùng rỗ nói
thế, Thực Căn đã hiểu ra. Không ngờ, vừa mới “Đại cách mạng văn hóa”, mà trình độ của Phùng rỗđã lên hẳn. Liền nói:
- Các anh muốn đấu tố thì cứ việc. Nhưng không được lâu quá!
Phùng rỗ tỏ ra hào phóng:
- Không lâu đâu, chỉ độ hai, ba tiếng thôi!
Thỏa thuận xong, Phùng rỗ về báo cáo với Thích Vị. Thích Vị mừng lắm, khen:
- Thì ra mày nói năng cũng khéo ra trò. Trước đây tao đã xem thường mày rồi!
Phùng rỗ cười bẽn lẽn.
Hôm sau, buổi đấu tố diễn ra đúng giờ. Thực Căn rất giữ lời, có mặt đúng 8
giờ. Mấy nhà địa chủ, phú nông trong thôn cũng đến đúng giờ. Họ đứng một hàng trước bục. Thích Vị tuyên bố buổi đấu tố bắt đầu. Thích Vị ngồi
trên bục, mặt đỏ phừng phừng ra chiều đắc ý lắm, chỉ có điều, ông ta
không dám nhìn thẳng vào Thực Căn. Đã thành thông lệ, trước khi buổi đấu tố bắt đầu, tất cả hát bài “Bầu trời giăng đầy sao”, sau đó mới đấu tố. Tiếng là phê phán Thực Căn, nhưng thực ra chỉ là hô mấy câu khẩu hiệu
“Đả đảo Tôn Thực Căn”, vì rốt cuộc mọi người trong thôn không hiểu lắm
về ông, không biết phải đấu tố thế nào. Không đấu tố được, mọi người hô
mấy câu khẩu hiệu suông, rồi tập trung sự chú ý vào những địa chủ bị gọi đấu tố cùng. Lần này, địa chủ Chu Ngọc Chi, vợ đại đội trưởng Quốc dân
đảng Lý Tiểu Vũ gặp hạn. Mọi người nhằm vào chị ta, phê phán thậm tệ. Cứ thế, buổi đấu tố kéo dài hai, ba tiếng đồng hồ rồi kết thúc. Đây là lần đấu tố Thực Căn thấy nhẹ nhõm nhất trong vô vàn những buổi đấu tố nhằm
vào ông trước đó, bởi không ai tố cáo vấn đề của ông, không ai cho ông
đi tàu bay giấy, không ai ép ông trả lời câu hỏi. Cuối cùng, vẫn chỉ có
bà con xóm làng mới khách sáo với ông. Nhẹ nhõm cho mình, nhưng ông lại
hơi cảm thấy day dứt vì đấu tố mình mà vợ địa chủ là Chu Ngọc Chi bị
liên lụy, bị tra hỏi hết cái này cái kia. Để rồi khi buổi đấu tố kết
thúc, quần áo chị ta ướt đẫm mồ hôi. Sau khi buổi đấu tố kết thúc, Thực
Căn nói với Ngọc Chi:
- Hôm nay vì tôi mà chị phải chịu tủi cực!
Ngọc Chi năm xưa là nữ sinh trung học ở An Dương, bây giờ đã đứng tuổi, nói:
- Tủi cực hay không đều do cảm giác mà ra!
Thực Căn thấy chị ta đối đáp như vậy, có phần nể vì, nói:
- Năm xưa tôi và Tiểu Vũ là bạn học của nhau.
Ngọc Chi nhổ một bãi nước miếng:
- Ngày xưa nếu không lấy bạn học của anh thì tôi đã không đến nỗi tủi cực như bây giờ!
Thực Căn không nín được, bật cười, rồi chia tay Ngọc Chi rảo bước về nhà. Sáng sớm hôm sau, ông về huyện bên.
Qua buổi đấu tố Thực Căn, uy tín của “Lưỡi kiếm sắc” trong thôn quả nhiên
được nâng lên. Mọi người đều cảm thấy “Lưỡi kiếm sắc” đã làm được một
việc lớn. Thích Vị coi như giải xong vận đen bởi vụ Miệng dưa chuột mấy
tháng trước, lại đi đứng hiên ngang như ngày nào. Nhưng, hai đội chiến
đấu còn lại có vẻ hậm hực. Khỏi phải nói Hồ Lô và Vệ Bưu của “Đoàn tạo
phản bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông” phẫn nộ đến
mức nào. Rõ ràng ý tưởng do mình nghĩ ra, đã cử người đi điều tra bên
ngoài, làm cỗ để kẻ khác xơi mất! Nhưng việc này không tiện lôi ra cãi
vã, vì “phần tử đương quyền đi theo con đường tư bản” không phải là tài
sản riêng của nhà anh. Anh đấu tố được, thì người khác cũng đấu tố được, ai ra tay trước thì người đó lợi. Anh đi ra ngoài điều tra, đợi chín
muồi rồi mới đấu tố, nhưng người khác chẳng cần phải điều tra bên ngoài, chẳng cần phải đợi chín muồi, cứ thế đấu luôn. Ai đấu tố được thì uy
tín của người đó tăng lên. Người ngoài cần gì quan tâm đến chuyện chín
muồi hay chưa? Người khác đấu tố rồi. Nếu anh lại đấu tố tiếp thì cũng
chẳng có được ý nghĩa ban đầu, huống hồ sáng sớm hôm sau Thực Căn đã bỏ
thôn đi, muốn đấu tố tiếp cũng chẳng kịp. Mà lúc này, Vệ Bưu sang huyện
bên điều tra cũng đã về đâu.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT