Mặt trời đã lên đến ba ngọn sào. Mao Đán dẫn năm tên lính Nhật đánh một chiếc xe ngựa về thôn lấy bột mỳ.

Mao Đán vào đội cảnh vệ đã hai năm. Trước đó, Mao Đán vẫn làm phó trưởng thôn. Tháng 5 năm kia, quân Nhật đóng trên thị trấn và đội cảnh vệ đánh ô tô về thôn một lần. Thôn giết một con lợn, vài con gà, bắc một chiếc nồi to ngay giữa đường làng nấu cơm chiêu đãi. Trong bữa ăn, Mao Đán làm quen với chỉ huy đội cảnh vệ có biệt hiệu là Mũi gãy. Mao Đán thấy Mũi gãy quân phục chỉnh tề, tay cầm một chiếc roi ngựa bằng cao su, trong lòng rất ngưỡng mộ. Mũi gãy thấy Mao Đán nhanh nhẹn tháo vát, nói năng có duyên, cũng rất yêu mến. Lúc nói chuyện mới vỡ lẽ, Mũi gãy là con trai địa chủ Quách Lão Khánh ở thôn Quách. Mao Đán hồi nhỏ thường sang thôn Quách thăm họ hàng. Hai người đã từng đánh tú lơ khơ với nhau. Câu chuyện giữa hai người càng trở nên thân thiết. Đang ăn, hai người bỏ bữa rủ nhau ra đồng săn thỏ. Sau khi quân Nhật và đội cảnh vệ đi khỏi, hai người vẫn thường xuyên liên hệ với nhau. Sau này, Mũi gãy còn dẫn theo mấy tên lính cảnh vệ đến thôn Mã hai lần. Về phần Mao Đán, lần nào lên thị trấn cũng qua chỗ Mũi gãy chơi. Sau này, Mũi gãy rủ Mao Đán bỏ quách làng, gia nhập đội cảnh vệ làm đại đội trưởng. Mao Đán cảm thấy làm phó trưởng thôn cũng chẳng hay ho gì, suốt ngày chỉ làm chân sai vặt, liền lên thị trấn tham gia đội cảnh vệ. Lúc này, ông chủ nhà họ Tôn là Lão Nguyên đã mất được hơn chục năm, nhà chẳng còn ai già cả. Mao Đán trở thành người vai vế nhất trong gia đình, Bố Đại chỉ là anh nuôi chẳng thể nào quản được Mao Đán, đành để hắn tham gia đội cảnh vệ. Nhưng vợ hắn lại khóc lóc rền rĩ cả đêm:

- Mình làm việc cho người Nhật, thì thành người Nhật còn gì?

- Làm người Nhật không tốt sao?

- Người Nhật không tốt, họ xâm chiếm Trung Quốc!

Mao Đán đá cho vợ một cái:

- Người Nhật không tốt! Thế sao lần trước người Nhật cho kẹo, cô cũng tranh phần!

Lại nói:

- Lần này tôi đi là vì công danh sự nghiệp. Mũi gãy nói rồi, Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ là thiên hạ của người Nhật. Đợi đến khi tôi làm huyện trưởng, cô tha hồ mà sung sướng!

Sau khi lên thị trấn làm đại đội trưởng đội cảnh vệ, Mao Đán ở ngay cạnh phòng Mũi gãy. Suốt ngày chỉ làm mỗi việc dẫn lính đi canh gác hoặc xuống làng giục nộp lương thực và tiền bạc. Lúc nhàn rỗi, lại đi dạo phố cùng Mũi gãy vào một quán nào đó ngồi. Rốt cuộc vẫn cứ khoái hơn làm phó trưởng thôn. Đội cảnh vệ và quân Nhật ở hai nơi khác nhau. Trong doanh trại của đội cảnh vệ,Mũi gãy là vua. Mao Đán theo hắn đương nhiên cũng chẳng bị thiệt. Chỉ có điều, đại đội trưởng mà không có súng ngắn, đi ra ngoài cũng phải khoác súng trường như lính bình thường, Mao Đán cảm thấy rất mất mặt. Vì thế, mỗi lần về thôn, Mao Đán đều mượn khẩu súng ngắn của Mũi gãy cho oai. Chỉ cần không có việc gì gấp, Mũi gãy đều tươi cười đưa súng cho Mao Đán mượn. Lần trước Mao Đán về thôn để giục nộp lương thực, đã mượn Mũi gãy một lần, Mũi gãy cho mượn luôn. Hôm nay dẫn năm lính Nhật về thôn lấy lương thực, Mao Đán lại mượn Mũi gãy lần nữa. Mũi gãy đồng ý luôn. Trong số năm lính Nhật, có một người là lính cũ, đến Trung Quốc được khá lâu, cũng bập bẹ nói được đôi ba câu tiếng Trung Quốc, có thể nói chuyện được với Mao Đán. Ở thị trấn, nếu người của đội cảnh vệ kết bạn được với người Nhật thì oai lắm. Bây giờ, Mao Đán đi cùng với năm lính Nhật muốn nói chuyện với ai cũng được, vì có anh lính cũ Nhật Bản làm phiên dịch. Mao Đán phấn khởi lắm, nói chuyện với lính Nhật râm ran suốt quãng đường. Lính Nhật không hề bực mình, cũng cười cười nói nói với Mao Đán. Mao Đán hỏi chuyện từng người, đại loại như: Đến Trung Quốc mấy năm rồi, có quen không? Trước khi đi lính ở Nhật Bản làm gì? Có vợ chưa, có mấy con, trai hay gái? Ở Nhật Bản có loại xe ngựa này không? Người Nhật Bản có món quẩy rán không?... Theo cảm nhận của Mao Đán, chơi với người Nhật chỉ cần anh giữ chữ tín, không gây chuyện trước thì họ rất thân thiện. Anh có thể vỗ vai họ, gõ mũ họ, họ cũng không bực mình. Nhưng nếu khục khoặc với người ta, kiểu như quân Trung ương và Bát lộ quân hơi tị lại đòi vuốt râu người ta, chọc giận người ta, thì đừng có đùa! Mao Đán kể từ khi vào đội cảnh vệ, sau đó là làm đại đội trưởng chưa một lần gây gổ với quân Nhật. Thấy người Nhật, cho dù là chỉ huy hay lính tráng, anh ta đều rất tôn trọng. Người Nhật trông thấy anh ta cũng rất nhũn nhặn, nói bập bẹ:

- Anh là tốt tốt lắm. Anh là tốt tốt lắm!

Một lần, Mao Đán và Mũi gãy vào một quán ăn trên thị trấn, chạm trán mấy lính Nhật ở quán. Chủ quán thấy người Nhật đến, không ngó ngàng gì đến Mũi gãy và Mao Đán, vội mang thức ăn cho người Nhật trước. Mũi gãy thấy chủ quán xun xoe với người Nhật, liền nhảy dựng lên cho chủ quán một cái bạt tai:

- Mẹ mày chứ, thấy bọn Nhật là quên ông nội mày à? Mày còn muốn mở quán tiếp không?

Chủ quán ôm mặt không dám ho một tiếng. Một tên lính Nhật nổi nóng, đứng lên cởi áo, đòi vật nhau với Mũi gãy. Nếu bình thường, chắc hẳn Mao Đán sẽ cùng Mũi gãy đập tan quán, nhưng bây giờ là chuyện động chạm đến người Nhật, Mao Đán vội nhảy vào giữa can tên lính Nhật Bản và Mũi gãy, kéo Mũi gãy ra khỏi quán. Mũi gãy vùng vằng nói:

- Bọn Nhật này hống hách quá chừng, dám chọc tức ông mày. Ông lại chẳng đập chết mấy thằng rồi theo Bát lộ quân bây giờ!

- Thôi thôi, nóng giận vì một bữa ăn làm gì!

Rồi lôi Mũi gãy về doanh trại. Sau này, Mao Đán còn có chút đắc ý, thấy mình khôn khéo hơn cả Mũi gãy. Sau này, người Nhật Bản thống lĩnh thiên hạ, tương lai của hắn chắc chắn còn sáng sủa hơn cả Mũi gãy, dù rằng bây giờ hắn mới chỉ là đại đội trưởng. Hôm nay, hắn lại đưa người Nhật về lấy bột mỳ, chắc chắn sẽ lại để một ấn tượng tốt đẹp cho người Nhật. Nghĩ thế, Mao Đán rất phấn chấn, ngồi vắt vẻo trên càng xe ngựa, nghêu ngao hát. Mặt trời đã dần lên cao. Vó ngựa lốc cốc nện xuống đường. Trán ai nấy đều lấm tấm mồ hôi. Anh lính cũ Nhật Bản móc ra một bao thuốc mời mọi người. Mọi người vừa hút thuốc vừa ngắm cánh đồng hoa màu hai bên đường, lòng hiu hiu tự đắc. Một người lính Nhật mặt còn hôi sữa móc từ túi áo ra một chiếc súng cao su, lấy mấy viên sỏi trong túi áo kia bắn mấy con chim sẻ đậu trên cành cây, nhưng toàn bắn trượt. Bầy chim sợ hãi bay tán loạn, nhưng chẳng con nào rớt xuống. Mọi người đều cười giễu anh ta. Anh ta cũng cười hì hì chữa ngượng. Lúc này, Mao Đán cầm lấy chiếc súng cao su, moi một viên sỏi ở túi áo của người lính trẻ, lắp đạn rồi ngắm bắn. Viên sỏi bay đi, một con sẻ rơi xuống. Lính Nhật đều vỗ tay hoan hô, vỗ vai Mao Đán:

- Anh là cái này!

Rồi giơ ngón tay cái về phía Mao Đán.

Mao Đán ngượng ngập nói:

- Chúng tôi chơi súng cao su từ nhỏ. Lần này cũng chỉ là ăn may thôi. Anh vừa học, bắn như thế là khá lắm rồi!

Cứ thế, xe ngựa đã chở Mao Đán và tốp lính Nhật về đến thôn. Trưởng thôn Bố Đại ra đón. Mao Đán thấy Bố Đại sắc mặt không vui, mặt mày ủ rũ, mắt thâm quầng, tưởng chưa thu đủ bột mỳ, bèn hỏi:

- Sao vậy anh, chưa thu đủ bột mỳ à?

- Thu đủ rồi!

Mao Đán thở phào:

- Sao mắt anh thâm thế!

- Chỉ tại chuyện bột mỳ của chú! - Bố Đại nổi cáu.

Mao Đán cười nói:

- Để lần sau em chuyển sang thôn khác. Tất cả đều là của Trung Quốc cả!

Lúc này, Oa Ni từ trong nhà đi ra. Tốp lính Nhật cũng đã xuống xe, đang chỉnh trang lại súng ống. Trông thấy Oa Ni, lính Nhật quên cả súng ống, mắt nhìn như hút vào Oa Ni. Một tên lính Nhật tai to nói:

- Xinh quá, xinh quá!

Hồi còn ở Khai Phong, Oa Ni đã trông thấy lính Nhật, nên không hề tỏ ra sợ sệt, vẫn bưng chậu rửa mặt, xách một chiếc chày gỗ đi về phía trước. Bố Đại thấy thế sợ tái mét. Mao Đán tiến đến nói với quân Nhật:

- Mời các anh vào trong này!

Rồi dẫn lính Nhật vào trong sân nhà Bố Đại. Ở đây vừa là văn phòng thôn, vừa là nhà của Bố Đại. Lính Nhật vào đến sân, thấy có một cây táo, trên đó lúc lỉu những quả chín mọng đỏ, liền quên mất Oa Ni, bao tâm tư chuyển sang hết cây táo, cười ha hả nói:

- Hay quá, hay quá!

Người lính Nhật mặt còn hôi sữa cởi giầy trèo lên cây táo. Trình độ leo cây của anh ta giỏi hơn bắn sung cao su rất nhiều, thoắt một cái đã leo lên cây. Anh ta đứng trên cây đập táo, bốn lính Nhật còn lại dưới gốc cây tranh nhau nhặt táo ăn nhồm nhoàm, vui vẻ chẳng khác gì con trẻ. Một tên lính Nhật còn đưa cho Bố Đại một vốc táo:

- Ăn đi, ăn đi!

Bố Đại phì cười, mắng:

- Cái gì cũng thấy lạ. Nhật Bản không có táo à!

Lại hỏi Mao Đán:

- Chú mày chất bột lên xe xong rồi đi hay ở lại ăn cơm?

- Phải ăn, phải ăn đã. Lần trước em đã dặn thằng Tiểu Đắc rồi, bảo nó làm món gà xào ớt thết lính Nhật!

- Uống rượu không?

- Đã có món gà sao lại thiếu rượu được. Cho em hai ấm rượu nóng!

Buổi trưa, tốp lính Nhật ăn cơm tại nhà Bố Đại. Đầu bếp Tiểu Đắc hâm rượu, làm món gà xào ớt, ngoài ra còn có một đĩa đậu phụ và một đĩa đậu đũa. Lính Nhật ăn gà xào ớt, cay tê lưỡi, vừa xuýt xoa vừa nói:

- Ngon, ngon!

Đầu bếp Tiểu Đắc mang món ăn lên, Mao Đán nói:

- Tiểu Đắc, tao dặn mày làm món gà xào ớt đãi lính Nhật, mày thấy chưa, ai cũng phải khen ngon!

Nói rồi giới thiệu với lính Nhật:

- Đây là tác giả của món gà xào ớt!

Lính Nhật lại nói:

- Ngon, ngon!

Người lính cũ Nhật Bản lập tức rút từ túi áo một cây bút máy nắp nhựa đưa cho Tiểu Đắc. Tiểu Đắc nói:

- Con không cần bút máy. Con không biết chữ ạ!

Mao Đán đá Tiểu Đắc một cái:

- Không biết viết thì không được nhận à? Mang về bán rẻ mà không kiếm được mấy đồng à!

Tiểu Đắc liền nhận.

Lúc này, Bố Đại đứng lên, bảo mắt đau, không ngồi tiếp rượu được, rồi lui ra ngoài. Mao Đán không bận tâm. Lính Nhật cũng không bận tâm. Lính Nhật uống xong vài chung rượu, càng phấn khích, nghêu ngao hát. Tên mặt còn hôi sữa còn phởn chí cởi áo nhảy. Mao Đán cũng không biết bọn Nhật hát bài gì, nhảy điệu gì, ngồi bên cạnh xem, thầm mắng:

- Ăn mỗi một con gà hoi mà cũng sướng thế này. Chi bằng chúng mày ở luôn Trung Quốc, chứ ở Nhật làm quái có món gà xào ớt mà ăn!

Tiểu Đắc cầm chiếc bút máy nắp nhựa trở lại gian bếp, ngắm nghía chiếc bút một hồi lâu rồi mới bắt tay làm món canh cho lính Nhật. Lúc này đã gần đến giờ ngọ. Tiểu Đắc làm món canh trứng khoai lang, vừa chua vừa cay, là món sở trường của anh. Nấu được nửa chừng, anh ra ngoài bê củi, thấy Bố Đại đã chui vào chuồng ngựa ngủ vùi, có lẽ do uống nhiều rượu quá. Về đến bếp, đang vét bột thì thấy một bóng người vọt qua bức tường thấp tè phía đối diện. Thì ra là Tiểu Phùng. Anh mặc bộ quần áo chăn ngựa như hồi trước khi làm Bát lộ quân. Lần trước Thỉ Căn phái Tiểu Phùng về thôn trinh sát còn giao cho anh một nhiệm vụ, đó là tranh thủ Tiểu Đắc nhân lúc làm cơm cho bọn Nhật bỏ vào một ít thuốc mê. Đợi bọn Nhật mê man bất tỉnh, Thỉ Căn sẽ dẫn người của mình đến bắt sống. Một kế hoạch hoàn hảo. Nào ngờ Tiểu Phùng về đến thôn chỉ mải chơi, quên mất nhiệm vụ. Đêm qua, lúc Thỉ Căn hỏi anh đã hoàn thành nhiệm vụ này chưa, anh mới sực nhớ, nhưng không dám nói là chưa hoàn thành, mà bảo đã đưa cho Tiểu Đắc mười đồng lẻ để anh ta làm việc đó. Nhưng sau khi cùng Thỉ Căn về đến ruộng đậu tương, Tiểu Phùng càng nghĩ càng thấy không ổn. Đến gần giờ ngọ, Tiểu Phùng càng sốt ruột. Cả đội đang nằm phục trong ruộng đậu tương, chuẩn bị đánh nhau, chẳng có ai đánh thuốc mê cho bọn Nhật nhưng anh lại bảo là có, như thế khác gì hại đồng đội? Bọn Nhật không bị đánh thuốc mê cầm súng bắn nhau với quân mình, không biết bao nhiêu người sẽ phải chết. Không thể nói dối được. Chuyện này không giống chuyện chăn ngựa, ban đêm ngủ quá giấc quên không cho ngựa ăn, hôm sau ông chủ hỏi cho ngựa ăn no chưa vẫn trả lời là ngựa ăn no rồi, bởi dù sao ngựa chẳng biết nói. Nhưng đây là trận đánh. Tiểu Phùng càng nghĩ, càng sợ, bèn rón rén bò đến trước mặt Thỉ Căn, run run kể lại đầu đuôi sự việc. Thỉ Căn tức run người, cầm súng gõ vào đầu Tiểu Phùng:

- Mẹ mày chứ, làm ăn kiểu gì vậy, thế là hỏng bét còn gì? Tao cho mày ăn đạn bây giờ!

Tiểu Phùng sợ vãi đái ra quần:

- Xin đại đội trưởng đừng bắn, lần sau con không dám như thế nữa!

- Đêm qua tao hỏi, sao mày không nói thật?

- Tại con không dám!

- Mày! - Thỉ Căn trợn mắt, rồi nhìn trời, nói: - Còn không mau thay quần áo thường dân vào trong thôn tìm Tiểu Đắc? Xem bọn Nhật ăn xong chưa? Nếu chưa xong, cho thuốc mê cũng chưa muộn. Nếu ăn xong rồi, khẩn trương quay lại báo cáo. Không bắt sống được, đành phải nổ súng thôi!

Tiểu Phùng run rẩy thay quần áo rồi men theo cánh đồng chạy về thôn. Thỉ Căn hỏi với đằng sau:

- Cầm thuốc mê chưa?

Tiểu Phùng vừa chạy vừa sờ túi áo:

- Cầm rồi ạ!

Tiểu Phùng vào trong thôn. Do thông thuộc địa hình nên chỉ cần vượt qua mấy bức tường là vào đến sân sau nhà địa chủ họ Tôn. Tiểu Đắc đang bận bịu trong bếp, thấy Tiểu Phùng đến, ngạc nhiên:

- Tiểu Phùng, cậu lại đến à? Trong nhà có lính Nhật. Cậu là Bát lộ quân, cẩn thận không bị bắt đấy!

Tiểu Phùng không trả lời, vội chui tọt vào trong bếp, nói:

- Bọn Nhật ăn xong chưa?

Tiểu Đắc chỉ vào chiếc nồi:

- Còn món canh này nữa là xong!

Tiểu Phùng lúc này mới thở phào, thấy yên tâm hơn. Tiểu Đắc lại lấy từ bệ bếp một chiếc bút máy nói:

- Tiểu Phùng, cậu xem này, bọn Nhật cho tớ đây!

Tiểu Phùng chẳng tâm trí đâu mà ngắm bút, chỉ muốn làm thế nào để cho được thuốc mê vào canh. Tiểu Phùng biết, đến lúc này chẳng thể nào bảo Tiểu Đắc cho thuốc mê vào được nữa. Tiểu Đắc quá nhát. Một khi biết trong canh có thuốc mê, thế nào cậu ta cũng không bưng nổi bát canh cho ra hồn. Đành phải nghĩ cách lén cho thuốc vào để Tiểu Đắc không hay biết gì cứ thế mang canh lên. Nghĩ vậy, Tiểu Phùng bảo:

- Tiểu Đắc, tớ không có thời gian ngắm chiếc bút của cậu đâu. Ở đây có lính Nhật, tớ phải đi mau. Nhưng chiếc giày của tớ rách quá, cậu cho tớ mượn một đôi giày, được không?

Tiểu Đắc nghe đến hai chữ “mượn giày” liền lộ vẻ khó xử. Tiểu Phùng biết mình đã lại phạm phải một sai lầm, Tiểu Đắc ghét nhất chuyện cho người khác mượn đồ. Nhưng đã nói rồi thì không thể nào rút lời lại, đành móc túi lấy mười đồng lẻ:

- Không phải băn khoăn. Tớ đưa cậu mười đồng, coi như mua đôi giày của cậu, được không?

Tiểu Phùng nghĩ ngợi, rồi cầm tiền, nói:

- Cậu đợi ở đây nhé, tớ xuống nhà dưới lấy cho cậu!

Rồi vừa lau tay vào tạp dề, vừa đi ra. Lúc này, Tiểu Phùng vội lấy thuốc mê trong túi áo ra, rắc vào canh. Run quá, một ít thuốc bị tóe ra bệ bếp. Tiểu Phùng vội dùng tay áo phủi sạch, lại lấy chiếc muôi đảo đi đảo lại trong chiếc nồi đang sôi sùng sục. Lúc này, Tiểu Đắc xách một đôi giày về. Vừa vào bếp, đã vội vứt đôi giày xuống, nói:

- Thôi chết, chỉ tại đôi giày này. Phải nấu lại rồi!

Tiểu Phùng vừa nghe Tiểu Đắc bảo phải nấu lại canh, giật mình, nói:

- Sao phải nấu lại, trong canh có gì đâu?

- Cậu không ngửi thấy à? Có mùi khê!

Rồi dùng muôi khuấy, y như rằng đáy nồi hơi bị cháy. Tiểu Đắc nói:

- Bưng canh khê lên, có mà bọn Nhật cho tớ ăn đòn!

Tiểu Phùng thầm nghĩ:

- Rõ khổ. Hôm nay mình làm việc gì cũng xúi quẩy. Cho thuốc mê rồi, thế mà canh lại khê. Tiểu Đắc phải nấu lại, lấy đâu ra thuốc bây giờ?

Liền giữ tay Tiểu Đắc nói:

- Tiểu Đắc, cậu không được nấu lại!

- Tiểu Phùng, đừng có đùa. Không nấu lại, bọn Nhật sẽ đánh tớ!

- Người Nhật tính xuề xòa, không đánh cậu chỉ vì canh bị khê đâu. Nếu không, sao người ta lại cho cậu chiếc bút?

- Bọn Nhật không đánh tớ, nhưng Mao Đán thế nào cũng đánh tớ, vì hắn ngửi thấy mùi khê!

Đúng lúc này, tiếng Mao Đán từ nhà trên vọng xuống:

- Tiểu Đắc, mày làm gì dưới đó mà lâu thế, khẩn trương mang canh lên!

Tiểu Đắc mặt méo xệch, nói:

- Đấy, tất cả chỉ tại đôi giày của cậu. Làm khê cả canh. Thế nào lát nữa Mao Đán cũng cho tớ ăn đòn!

Tiểu Phùng vội lấy một chiếc âu sứ hoa rót canh giúp Tiểu Đắc:

- Không sao, cậu cứ mang lên đi. Cậu không biết chứ, người Nhật thích ăn canh khê nhất đấy!

Tiểu Đắc đành đỡ lấy âu canh, bưng lên nhà trước. Vừa đi vừa lẩm bẩm:

- Phen này dính đòn rồi!

Tiểu Phùng thấy Tiểu Đắc bưng âu canh lên nhà trước, bụng mừng rơn, liền nhảy qua tường chạy như bay về phía ruộng đậu tương báo cáo Thỉ Căn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play