Đã quá nửa đêm rồi,
Văn Hiếu Cổ tỉnh dậy sau một cơn ngủ gật. Ông hiểu rằng cái thời thanh
niên của 20 năm trước khi ông có thể tác nghiệp khảo cổ trong mộ cổ suốt đêm đã qua rồi. Ông thở dài, nhìn ra bóng đêm ngoài cửa sổ. Trà trong
cốc đã nguội. Ông rót thêm nước ở phích vào. Ông thong thả nhấp một
ngụm, nước trà đặc quánh chảy qua cổ họng ngấm vào trong người. Giấc mơ
vừa nãy lại chợt hiện lên trước mắt ông. Ông mơ thấy Trương Khai.
Trán Văn Hiếu Cổ ướt đẫm mồ hôi. Đây chỉ là một giấc mơ. Mà ông vốn không
tin vào những giấc mơ, thậm chí không tin cả vào cuốn “Giải thích giấc
mơ”của Freud[19], nhưng lúc này ông thấy rất căng thẳng. Trà đặc làm ông tỉnh táo, ông lại cầm cuốn tạp chí học thuật lên, đã đọc đến những
trang cuối, trong bản tin khảo cổ học, ông đọc được một bài viết như thế này, tiêu đề của nó là: “Khóc không ra nước mắt ở hồ La Bố: Di tích
Thành cổ Lâu Lan cổ bị đào trộm!”
Đề mục ấy khiến cho Văn Hiếu Cổ xúc động, ông khẽ đọc một đoạn ngắn: “Các chuyên gia đến Thành cổ Lâu
Lan đã giật mình khi thấy một cái hố to bị đào sâu bốn góc khoảng 1 mét, đường kính trên dưới 2 mét, ở nơi giáp gianh giữa “Nhà ba gian” và “Khu dân cư”, trong đó có một chiếc hầm to đào trực tiếp vào chính giữa một
gian nhà. Nhà ba gian có quy mô kiến trúc cao to nhất trong thành, các
chuyên gia khảo cổ cho rằng đây là nha môn lúc bấy giờ. Từ sau khi Sven
Ahders Hedin phát hiện ra Thành cổ Lâu Lan và đào được rất nhiều những
văn tự cổ Kharosthi quý ở chân tường nhà ba gian, các nhà khảo cổ Nhật
Bản Quất Thụy Siêu, Anh quốc Marc Aurel Stein... đều đã tiến hành đào
bới với quy mô lớn ở đây và chuyển về nước nhiều di vật. Những di vật
này sau bị chôn vùi trong các viện bảo tàng, trên thế giới nổi lên cao
trào “Thành cổ Lâu Lan học.”
Bộ phận quản lý di vật tin tưởng
rằng, với khí hậu khắc nghiệt của vùng hồ La Bố và con đường gian nan
của hoang mạc đủ đảm nhận trách nhiệm: “Cấm xâm nhập”, cho nên từ trước
đến nay, ở đây chưa bao giờ có được sự phòng bị chủ động hữu hiệu. Theo
giới thiệu của những cán bộ có liên quan: Nếu thực sự có yêu cầu đến bái yết Thành cổ Lâu Lan, người đi khảo sát tự giác tuân theo các quy định
đến “Vùng cấm”, làm đơn gửi bộ phận liên quan, đương nhiên không thể
thiếu số tiền lót tay rất cao thì sẽ được phê chuẩn. Nhưng trên thực tế
thì chỉ cần một chiếc xe jeep, mang đủ nước, lương ăn và xăng dầu rồi đi theo những vết bánh xe hằn rõ, sâu chừng nửa mét là có thể đi đến bất
cứ vùng nào trong Thành cổ Lâu Lan.
“Di chỉ Mễ Lan là một vùng có diện tích rộng lớn. Di chỉ chủ yếu bao gồm thành quách Mễ Lan, hai ngôi chùa thờ Phật và các ngôi mộ. Dọc chân tường thành và các bức tường
chính của ngôi chùa đâu đâu cũng có thể nhìn thấy những chiếc hố. Mễ Lan thuộc đất đai của quốc gia cổ Lâu Lan, thời Hán đã từng canh tác ở đây. Có ý kiến tranh luận cho rằng đây là kinh đô của nước Lâu Lan sau khi
dời đô. Ở đây đã từng phát hiện ra bức bích họa tuyệt tác mang tên:
“Thiên thần có cánh” và những thẻ gỗ viết chữ Thổ Phồn vào khoảng thế kỷ 8, 9 sau Công nguyên. Đây là di tích lịch sử quan trọng trong việc khám phá sự hưng vong bí ẩn của cổ quốc này. Nó còn là một trong những minh
chứng hiếm hoi về sự giao lưu giữa nước Thổ Phồn và Tây Vực trong quá
khứ.
“Thành cổ Doanh Bàn, những tháp Phật, mộ cổ của di chỉ Doanh Bàn nằm trên phần đường thuộc về nước Lâu Lan trên con đường tơ lụa
trước đây. Nó có một vị trí hết sức quan trọng trên con đường tơ lụa. Ở
đây đã phát hiện ra lụa, lụa hoa, gấm, gương sắt từ thời Hán, trong đó
có cả mặt nạ thô ráp mang phong cách nghệ thuật Trung Á, đồ thủy tinh
của Ba Tư và các loại sản phẩm dệt mang phong cách nghệ thuật Hy Lạp. Do việc tu sửa đường quốc lộ, di chỉ Doanh Bàn đã gặp phải sự phá hoại
mang tính hủy diệt. Những bộ xương bị đào trộm từ trong mộ nằm rải rác
khắp nơi, quan tài bị đập phá làm nhiều mảnh, những chiếc đầu lâu thậm
chí phơi ngay ở bên đường. Những kẻ đào trộm mộ thường đi thành từng
đoàn bằng xe Jeep. Chúng nói mà không hề kiêng kị rằng, chúng muốn đào
bới các quan tài vì có những nhà sưu tập nước ngoài chỉ đích danh cần
những quan tài sặc sỡ ở đây. Phạm vi di chỉ mộ địa ở Doanh Bàn tương đối rộng, trong mấy con rạch ở dãy núi Kuruktag, nghe nói bọn đào trộm mộ
đã đào gần hết những ngôi mộ ở địa thế thấp, ăn trộm hết những ngôi mộ
tương đối dễ đào. Chúng cho rằng những ngôi mộ cao cấp được chôn ở địa
thế tương đối cao sẽ là “Mục tiêu trọng điểm” sau này.”
“Những mộ thái dương” thuộc rạch mộ cổ đã không còn nhìn thấy dáng dấp mộ táng
“Thái dương” nữa... và những mộ huyệt ở trung tâm bị đào bới không chỉ
một lần. Trong những ngôi mộ cạnh sông Thiết Bản có những ngôi mộ bị đào sâu tới 3 mét và bị đào thông giữa các mộ; hoặc là đào thẳng từ đỉnh mộ xuống để lấy những đồ tùy táng. Ở hoang mạc La Bố có rất nhiều những di vật cổ quý báu được chôn giấu, có nhiều thứ đến nay chưa ai biết đến.
Sau khi thành lập nhà nước Trung Hoa mới[20], chúng ta chỉ mới tiến hành công tác thu dọn trong khoảng thời gian một tháng ngắn ngủi ở khu vực
“Cổ mộ câu” và “Thành cổ Lâu Lan”. Vậy mà những phát hiện ở đây đã đủ để làm chấn động thế giới. Ở khu vực Cổ mộ câu Thái dương, chúng ta đã tìm được xác ướp của “Mỹ nhân Lâu Lan” thuộc chủng người Ấn Âu có niên đại
3800 năm; ở Thành cổ Lâu Lan, chúng ta đã tìm thấy số lượng lớn các văn
thư chữ Hán. Những điều này đã cung cấp những chứng cứ khảo cổ không thể thiếu được trong việc tìm hiểu các vấn đề cư dân, vấn đề nhân chủng của vùng hồ La Bố cổ và những vấn đề kinh tế của Triều đình đối với vùng
Tây Vực.
“Việc “Mỹ nam Doanh Bàn” thời Hán Tấn được tìm thấy ở
“di chỉ Doanh Bàn” trong quá trình khai quật để bảo tồn các ngôi mộ đã
bị phá hoại nghiêm trọng. Mặc dù việc khai quật này về cơ bản chỉ tiến
hành với những mộ huyệt bị phá hoại. Bộ xương khô của trẻ sơ sinh thuộc
chủng người Âu Ấn cách hiện tại khoảng 4000 năm tìm thấy ở “Thành cổ Lâu Lan” và quan tài sặc sỡ từ thời nhà Hán trên thực tế không phải được
phát hiện qua khảo cổ mà là do bên công an khi phá vụ án mua bán đồ cổ ở khu vực này thu hồi được.
“Trước đây, gió cát và khí hậu vùng hồ La Bố là sức mạnh chủ yếu tàn phá đi những di chỉ này. Nhưng ngày nay,
sự tàn phá của con người còn mạnh hơn cả thiên nhiên.”
Văn Hiếu
Cổ chưa đọc hết bài viết này đã gấp cuốn tập san lại, ngẩng đầu lên,
khoé mắt ông như ngân ngấn nước. Thực ra phần lớn nội dung của bài viết
ông đều đã rõ. Mười mấy năm nay, ông luôn theo dõi những hiện tượng đào
trộm di vật trên toàn quốc, đặc biệt là ở Tân Cương. Hầu như mỗi lần ở
vùng Tân Cương phát hiện ra vụ đào trộm di vật nào, ông cũng đều thông
qua các cách đặc biệt để có được tin tức nội bộ một cách sớm nhất. Mỗi
lần nhận được những thông tin này, tim ông đều nhói đau. Ông vừa thở dài vừa nói lại câu vừa đọc trong cuốn tập san: “sự tàn phá của con người
còn mạnh hơn cả thiên nhiên”.
Văn Hiếu Cổ hiểu rõ, xét từ một góc độ nào đó, ai cũng đều là nghi phạm của việc đào trộm mộ cổ. Những hành động, việc làm của những người đi tiên phong trong việc khảo cổ thành
cổ Lâu Lan như Sven Ahders Hedin hay Stain chẳng phải cũng là một kiểu
đào trộm mộ cổ đó sao? Ngày 28 tháng 3 năm 1900, khi nhà khảo cổ Thụy
Điển Sven Ahders Hedin phát hiện ra thành cổ Lâu Lan trên hoang mạc La
Bố Nao Nhĩ, từ lần khai quật đầu tiên đến nay đã tròn 100 năm. Trước và
sau thời điểm đó, rất nhiều các nhà khảo cổ người Nga như Nikolai
Mikhaylovich Przhevalsky, Torbern Olof Bergman người Thụy điển,
Huntington· Samuel·P người Mỹ, Marc Aurel Stein người Anh, Quất Thụy
Siêu người Nhật đã đến đây. Năm đó phương Tây và Nhật Bản đều có người
đến hồ La Bố hoặc là vào sâu trong Thành cổ Lâu Lan để khai quật những
vùng xung quanh cổ mộ. Lâu Lan đương nhiên không thể tránh khỏi bị khai
quật, thu gom và vận chuyển các di vật đi chỗ khác hết lần này đến lần
khác. Những năm đó, những học giả Trung Quốc may mắn được đến khảo sát ở Lâu Lan chỉ có hai người là Hoàng Văn Bật và Trần Tôn Khí. Việc này là
kết quả của cuộc tranh luận của giới học thuật Trung Quốc kiên quyết
thành lập “Đoàn khảo sát khoa học Tây Bắc Trung Quốc - Thụy Điển “. Họ
là thành viên đại diện từ phía Trung Quốc nên mới có được cơ hội này. Là một nhà khảo cổ và nhà thám hiểm, việc khai quật của của Sven Ahders
Hedin và Stain quả thực là đáng được kính trọng, nhưng trong khi ghi
danh tên mình vào sử sách, họ đồng thời cũng đã tiến hành một cuộc phá
hoại và cướp bóc to lớn đối với mộ cổ. Nếu không có sự phát hiện của họ, những di chỉ ở Lâu Lan và các vùng phụ cận e rằng vẫn được bảo tồn ở đó một cách hoàn hảo như cũ, sẽ không có người phá hoại những di chỉ đó,
bởi những tài sản to lớn đó không thuộc về bất cứ ai ngày hôm nay. Chúng là của tổ tiên chúng ta.
Trên bìa sau của cuốn tập san học
thuật, Văn Hiếu Cổ nhìn thấy một bức vẽ vô cùng quen thuộc - một bức
bích hoạ màu, vẽ bảy thiên sứ nhỏ mang trên mình đôi cánh. Bảy thiên sứ
nhỏ theo kiểu cổ điển châu Âu đều giương to đôi mắt nhìn về phía trước
một cách lanh lợi, đôi môi nhỏ xinh hơi mím lại, dường như không có gì
có thể đẹp hơn thế. Năm 1907, ở di chỉ Mễ Lan tại Tân Cương, bức bích
hoạ này đã khiến cho nhà thám hiểm danh tiếng Stain phải ngây ra. Ông ta lập tức liên tưởng đến bức hoạ thiếu nữ thời Hy Lạp cổ. Hình tượng
thiên sứ đến từ thế giới phương Tây đã được mời vào nhà thờ Phật giáo ở
miền Nam hoang mạc với sứ mệnh là người canh giữ và truyền giáo Phật
pháp.
Văn Hiếu Cổ lặng lẽ ngắm nhìn bức bích họa. Nhiều năm trước khi ông được tận mắt nhìn thấy bức bích hoạ này cũng đã hết sức kinh
hãi. Còn bây giờ, ông đang nghĩ đến đôi mắt, những đôi mắt to và sáng
trong bức tranh đang chăm chú nhìn ông.
Trời đã sắp sáng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT