Vì chân tay bị trói bằng xích sắt, nên quần áo cởi ra mà không sao trút đi được, Lệnh Hồ Xung đành cuộn áo đưa lên cổ, còn quần tụt xuống bắp chân. Chàng lại lột cả tấm chiếu rách trải trên tấm thép rám lên nữa. Con người trần truồng nằm xuống thiết bản liền cảm thấy mát lạnh. Mồ hôi dần dần mất hết rồi chàng ngủ đi lúc nào không biết.
Lệnh Hồ Xung ngũ được một lúc, chỗ nằm lại nóng lên. Nửa tỉnh nửa mê, chàng xích người ra chỗ khác cho mát mình. Tay trái chàng dán xuống tấm thiết bản in thành vết ngang dọc, nhưng lúc này chàng ngái ngủ, nên chẳng buồn để ý tới.
Sau khi đánh một giấc ngủ ngon lành, Lệnh Hồ Xung tỉnh dậy cảm thấy trong lòng khoan khoái tinh thần phấn chấn.
Chẳng mấy chốc, lão già mỗi ngày lại đưa cơm tới. Lệnh Hồ Xung rất cảm tình với lão. Mỗi lần lão đưa khay gỗ qua lỗ hổng, chàng lại nắm lấy bàn tay lão, hoặc khẽ vỗ vào vai mấy cái để tỏ lòng cảm ơn lão.
Lần này cũng vậy, chàng đón lấy chiếc khay gỗ rồi rụt tay về, đột nhiên chàng nhìn vào lưng bàn tay mình dưới ánh đèn le lói mà cũng rõ bốn chữ nổi lên. Chàng coi kỹ lại là 4 chữ: "Nhậm Ngã Hành bị tù".
Lệnh Hồ Xung rất lấy làm kỳ. Chàng không sao hiểu được bốn chữ này ở đâu mà ra? Chàng trầm ngâm một lúc rồi hấp tấp đặt cái khay xuống, lấy tay sờ mó trên mặt tấm thiết bản.
Nguyên trên mặt tấm thiết bản này đầy từ tích dầy chi chít không biết bao nhiêu là chữ.
Chàng liền vỡ lẽ ngay tấm thiết bản đã khắc chữ từ trước vì bấy lâu nay vẫn trải chiếu lên nên chàng không phát giác ra được. Ðêm qua trời nóng quá, chàng nằm lõa thể trên thiết bản, nên những chữ này mới in vào lưng bàn tay.
Lệnh Hồ Xung lại xoay sờ từ trên lưng xuống đến mông đít, bất giác chàng phải phì cười vì khắp mình chỗ nào cũng lồi lên những chữ lớn bằng đồng tiền một in vào rất sâu. Xem chừng tự tích này dường như đã khắc một cách vội vàng.
Lão đưa cơm đi đã xa rồi, Lệnh Hồ Xung trong lòng nóng nảy muốn khám phá cho ra vụ này, chàng không kịp ngồi ăn cơm nữa chỉ uống mấy ngụm nước rồi đưa tay sờ lần những tự tích từ đầu tấm thiết bản. H chàng mò được chữ nào lại đọc chữ ấy lên rồi chắp lại thành những câu:
- "Bình sinh lão phu thích chuyện đền ân trả oán, giết người như ngóe. Nay có bị giam cầm cũng là một chuyện quả báo xứng đáng... Có điều lão phu Nhậm Ngã Hành bị tù..."
Chàng đọc tới đây liền lẩm bẩm:
- Té ra bốn chữ "Ngã Hàng bị tù" ở lưng bàn tay ta mà nổi lên là vì ta đã đặt bàn tay vào chỗ này.
Lệnh Hồ Xung tiếp tục đọc những tự tích như sau:
- "... ở đây thì cả một bản lãnh nghiêng trời lệch đất cũng theo nắm xương khô của lão phu mà mai một... Bọn tiểu tử hậu thế không biết đến tài ba của lão phu thì thật là một điều đáng tiếc".
Lệnh Hồ Xung dừng tay lại ngẩng đầu lên lẩm bẩm:
- Lão phu Nhậm Ngã Hành, Lão phu Nhậm Ngã Hành! Người khắc chữ đây tên là Nhậm Ngã Hành rồi. Vậy lão Nhậm ở đây có liên can gì với Nhậm lão tiền bối không?
Rồi chàng lại tự hỏi:
- Chẳng hiểu địa lao này kiến thiết đã bao lâu? Có khi người khắc chữ đây qua đời đã mấy chục hay mấy trăm năm cũng chưa biết chừng.
Lệnh Hồ Xung tiếp tục sờ xuống dưới thấy khắc những chữ:
- "Nay lão phu đem những yếu quyết về thần công viết vào đây để bọn tiểu tử hậu thế có kẻ nào luyện tập được là có thể tung hoành thiên hạ thì lão phu chết đi thanh danh cũng không hủ nát".
"Chương nhất: Nói về tọa công..."
Phía dưới khắc toàn phương pháp điều khí hành công.
Lệnh Hồ Xung sau khi luyện "Ðộc cô cửu kiếm" rồi, trong các môn võ chàng chỉ thích kiếm pháp.
Hơn nữa trong người chàng đã mất hết nội lực nên vừa sờ đến hai chữ "tọa công" liền sinh lòng chán nản.
Chàng chỉ còn mong dưới nữa sẽ có khắc một môn kiếm pháp kỳ diệu nào thì dù ở trong ngục tối chàng cũng nghiên cứu rèn luyện được. Hy vọng thoát khỏi chốn lao lung ngày càng mờ mịt, nhất là ngồi trong lao tù không tìm chuyện gì làm cho có việc thì lấy chi để giết thì giờ?
Nhưng chàng sờ thấy những tự tích toàn là yếu quyết về nội công như cách thở hút, thúc đẩy chân khí từ huyệt Ðan điền chuyển vào những Nhâm mạch, Kim tỉnh...
Lệnh Hồ Xung tiếp tục sờ cho đến hết tấm thiết bản mà chàng chẳng thấy một chữ "kiếm" nào khiến chàng thất vọng vô cùng miệng lẩm bẩm:
- Lão nói những gì bản lãnh ngiêng trời lệch đất há chẳng làm trò cười với ta ư? Bất cứ võ công gì cũng tốt, nhưng về nội công ta không thể luyện được vì mỗi lần đề khí là khí huyết trong người lại nhộn nhạo cả lên. Nếu ta luyện nội công tức là tự rước lấy cái khổ vào mình.
Bất giác chàng buông tiếng thở dài vừa bưng chén cơm lên ăn vừa nghĩ bụng:
- Không hiểu Nhậm Ngã Hành là nhân vật thế nào? Khẩu khí lão lớn quá. Nói những gì "nghiêng trời lệch đất", tung hoành thiên hạ", dường như trên đời không còn ai địch nổi. Té ra căn địa lao này chuyên cầm tù những tay cao thủ về võ học.
Lúc ban đầu khám phá ra tụ tích trên tấm thiết bản, Lệnh Hồ Xung trong lòng phấn khởi vô cùng.
Sau chàng sờ những văn tự dầy chi chít chỉ nói về phép tụ nội công, chà lại buồn thiu than thầm:
-Trời xanh khéo trêu người! chẳng thà ta chẳng tìm ra sự tích này còn hơn.
Rồi chàng tự hỏi:
- Nếu Nhậm Ngã Hành quả có bản lãnh đúng như lời khắc trên thiết bản thì võ công lão phải xuất quỉ nhập thần mà sao vẫn bị cầm tù ở đây không tài nào thoát ra được? Như vậy đủ tỏ địa lao này kiên cố vô cùng, dù ai có bản lãnh thông thần mà đã bị nhốt vào đây thì chỉ còn đường chờ chết.
Chàng liền phế bỏ những văn tự trên thiết bản không nghĩ gì tới nữa.
Về mùa viêm nhiệt, toàn thành Hàng châu nóng như lò lửa. Ðịa lao này ở dưới đáy hồ, không chịu ánh nắng mặt trời đáng lý mát mẻ mới phải...
Nhưng một là không thông hơi, hai là ẩm thấp vô cùng, nên người ở trong này bực bội khó chịu.
Lệnh Hồ Xung ngày nào cũng trần truồng nằm trên thiết bản. H buồn tay lại mân mê sờ chữ. Bất giác chàng đã thuộc lòng được khá nhiều.
Một hôm chàng nằm trên giường chợt nhớ tới môn phái tự hỏi:
- Không hiểu sư phụ, sư nương, tiểu sư muội bây giờ ở đâu? Ðã trở về núi Hoa Sơn chưa?
Bỗng nghe đằng xa có tiếng bước chân vọng lại. Tiếng động này vừa nhẹ vừa mau, khác hẳn với cước bộ của lão già đưa cơm mọi khi.
Lệnh Hồ Xung ở trong hắc lao lâu ngày chàng không mong mỏi gì có người đến cứu nữa. Tiếng bước chân người lạ đột ngột này không khỏi khiến chàng vừa kinh ngạc vừa mừng thầm. Chàng muốn nhảy xổ ra, song toàn thân bất lực. Chàng đành nằm yên trên giường không nhúc nhích.
Tiếng bước chân rất mau đã đến ngoài cửa sắt. Tiếp theo là tiếng kẹt mở lỗ vuông. Lệnh Hồ Xung ngưng thần nín hơi không phát ra nửa tiếng động.
Bỗng nghe người ngoài cửa lên tiếng:
- Nhậm huynh! Mấy bữa nay trời nóng quá. Trong mình Nhậm huynh có dễ chịu không?
Tiếng nói vừa lọt vào tai Lệnh Hồ Xung đã nhận ra ngay là thanh âm Hắc Bạch Tử. Giả tỷ lão nầy tới đây trước một tháng thì Lệnh Hồ Xung tất nhiên đã ngoác miệng ra mà thóa mạ. Bao nhiêu từ ngữ độc ác thô tục chàng tuôn ra hết cho hả giận. Nhưng trải qua một thời gian bị cầm tù khá lâu, lửa phẫn hận đã giảm đi nhiều. Chàng bình tĩnh tự hỏi:
- Sao hắn lại kêu ta bằng Nhậm huynh? Phải chăng hắn đã kiếm lầm nhà lao?
Chàng vẫn lẳng lặng không lên tiếng.
Hắc Bạch Tử lại nói:
- Chỉ vì một câu nói mà cứ hai tháng tiểu đệ lại tới đây hỏi Nhậm huynh một lần. Bữa nay là mồng một tháng bảy. Tiểu đệ hỏi Nhậm huynh về câu đó Nhậm huynh có chịu hay là không chịu?
Lệnh Hồ Xung cười thầm trong bụng tự nhủ:
- Quả nhiên cha này đến lầm phòng rồi. Hắn tưởng chỗ giam mình đây là phòng giam Nhậm lão tiền bối. Sao lại có con người hồ đồ đến thế được?
Nhưng rồi chàng giựt mình tự nghĩ:
- Trong bốn tên trang chúa ở Mai trang, hiển nhiên Hắc Bạch Tử là người tinh tế hơn hết. Bảo Ngốc Bút Ông hoặc Ðan Thanh tiên sinh đến lầm phòng thì còn có thể, chứ Hắc Bạch Tử cẩn thận như vậy khi nào còn lầm được? Trong vụ này tất có duyên cớ.
Nghĩ vậy chàng liền kín tiếng.
Bỗng nghe Hắc Bạch Tử lại hỏi:
- Nhậm huynh ơi! Một đời được mấy anh hùng như Nhậm huynh? Tội gì mà để mình hủ nát với đất bùn trong chốn lao tù? Tiểu đệ nói lời coi nặng bằng non. Chỉ cầu Nhậm huynh ưng chịu việc đó là tiểu đệ sẽ giúp Nhậm huynh thoát vòng tù tội.
Lệnh Hồ Xung trống ngực đánh thình thình. Bao nhiêu ý nghĩ xoay chuyển trong đầu óc mà không tìm ra được manh mối. Chàng không hiểu Hắc Bạch Tử nói những câu đó với chàng có dụng ý gì?
Tiếng Hắc Bạch Tử bên ngoài lại vọng lên:
- Nhậm huynh có chịu không?
Lệnh Hồ Xung cảm thấy có cơ hội trốn thoát. Chàng bất chấp đối phương có thâm ý gì thì thoát khỏi vòng tù ngục vẫn còn hơn cảnh bị giam cầm sống dở chết dở. Nhưng chàng không tài nào mò ra được dụng ý của đối phương và chỉ sợ nói lỡ một lời là hư mất cơ hội hiếm có, chàng đành im tiếng không trả lời.
Hắc Bạch Tử lại thở dài hỏi:
- Nhậm huynh ơi! Vì lẽ gì mà Nhậm huynh không lên tiếng? Lần trước tiểu đệ đưa thằng lỏi họ Phong đến tỷ kiếm với Nhậm huynh. Trước mặt ba người anh em của tiểu đệ mà Nhậm huynh không nhắc tới vấn đề tiểu đệ đã nói với Nhậm huynh đủ khiến cho tiểu đệ rất đem lòng cảm tạ. Tiểu đệ
nghĩ rằng cuộc tỷ kiếm vừa qua đã làm cho hào khí trong lòng Nhậm huynh trỗi dậy. Nhậm huynh ra khỏi chốn hắc lao, ngoài kia là vòm trời bát ngát. Bất kể nam nữ lão ấu khắp thiên hạ, Nhậm huynh muốn giết ai thì giết, chẳng một người nào dám kháng cự lại. Như vậy há chẳng khoan khoái ư? Nhậm
huynh ưng chịu việc đó chẳng thiệt hại mảy may gì cho mình mà tại sao đã hơn 12 năm nay, Nhậm huynh vẫn không chịu ưng thuận.
Lệnh Hồ Xung nghe giọng Hắc Bạch Tử ra chiều rất thành khẩn dường như hắn tưởng chàng là lão Nhậm thật sự trong lòng không khỏi động mối hoài nghi.
Bỗng nghe Hắc Bạch Tử ở bên ngoài lại lên tiếng. Hắn vẫn quanh đi quẩn lại thỉnh cầu lão Nhậm chấp thuận đề nghị của hắn.
Lệnh Hồ Xung không hiểu Hắc Bạch Tử năn nỉ điều gì, chàng nóng biết rõ nội vụ, song lại sợ mình mở miệng lên tiếng là hỏng việc ngay tức khắc, chàng đành lẳng lặng không dám mở môi.
Hắc Bạch Tử thở dài nói:
- Nhậm huynh đã cố chấp như vậy, tiểu đệ đành lui về chờ hai tháng sau lại tới.
Ðoạn hắn nổi lên mấy tiếng cười nhè nhẹ nói:
- Lần này Nhậm huynh không buông lời thóa mạ, xem chừng trong lòng đã có cơ chuyển động.
Xin để Nhậm huynh nghĩ kỷ trong hai tháng nữa.
Hắc Bạch Tử dứt lời trở gót bước đi.
Lệnh Hồ Xung nổi dạ bồn chồn chàng tính thầm:
- Ðể hắn ra đi hai tháng mới trở lại mà mình ở trong hắn ngục một ngày đằng đẵng xem không bằng ba thu thì quãng thời gian hai tháng biết bao giờ cho hết?
Chàng thấy Hắc Bạch Tử đi mấy bước rồi lập tức cất giọng ồm ồm và hạ thấp xuống hỏi:
- Ngươi... cầu ta đến chấp thuận điều chi?
Hắc Bạch Tử vừa nghe tiếng đã quay phắt trở lại nhảy vọt tới trước lỗ vuông mau lẹ như chim bay. Hắn hỏi lại bằng giọng cấp bách:
- Nhậm huynh! Nhậm huynh chấp nhận rồi chăng?
Lệnh Hồ Xung quay mặt vào tường đưa tay lên che miệng cho lạc giọng đi, hàm hồ hỏi lại:
- Chấp thuận điều chi?
Hắc Bạch Tử nói:
- Trời ơi! Mười hai năm nay mỗi năm tại hạ sáu lần mạo hiểm tới đây để năn nỉ Nhậm huynh điều đó. Nhậm huynh đã thừa hiểu sao còn hỏi lại.
- Tại hạ thỉnh cầu Nhậm huynh đem bí quyết về đại pháp kia truyền thụ cho. Sau khi tại hạ luyện thành, lập tức sẽ thả Nhậm huynh ra.
Lệnh Hồ Xung tự hỏi:
- Có thật là hắn nhận nhầm ta là Nhậm tiền bối không? Hay hắn còn có âm mưu ngụy kế gì khác?
Trong lúc nhất thời chàng chưa thể hiểu được chân ý của Hắc Bạch Tử đành nói mấy câu ấm ớ.
Chính chàng cũng chẳng hiểu là mình nói gì dĩ nhiên Hắc Bạch Tử còn nghe rõ thế nào được? Hắn hỏi dồn:
- Nhậm huynh có ưng thuận chăng? Nhậm huynh có ưng thuận chăng?
Lệnh Hồ Xung vẫn giữ giọng ồm ồm nhưng ra vẻ hững hờ đáp:
- Ngươi là kẻ nói không giữ lời, đừng hòng ta mắc bẫy.
Hắc Bạch Tử nói:
- Nhậm huynh muốn tại hạ bảo chứng bằng cách nào mới chịu tin lòng?
Lệnh Hồ Xung hàm hồ đáp:
- Cái đó ta để tự ngươi nói ra hay hơn.
Hắc Bạch Tử nói:
- Chắc Nhậm huynh chỉ băn khoăn về vấn đề sau khi truyền thụ đại pháp cho tại hạ rồi, tại hạ nuốt lời không chịu buông tha. Có phải vậy không? Về điều này tại hạ nhất định có cách xếp đặt để Nhậm huynh tin cậy là xong.
Lệnh Hồ Xung lạnh lùng hỏi:
- Xếp đặt thế nào?
Hắc Bạch Tử hỏi lại:
- Nhậm huynh cho hay có chấp thuận không đã.
Lệnh Hồ Xung xoay chuyển ý nghĩ trong đầu óc thật mau:
- Hắn năn nỉ ta truyền thụ bí quyết về đại pháp nào đó, nhưng ta có bí quyết gì đâu thì biết lấy chi mà truyền thụ? Nhưng ta hãy thử nghe xem hắn an bài cách nào. Nếu hắn thiệt tình có thể buông tha ta thì âu là ta đọc bí quyết khắc trên tấm thiết bản này cho hắn nghe. Bất luận cái đó hữu dụng hay là vô dụng, ta hãy lừa cho hắn xuôi rồi sẽ tính.
Hắc Bạch Tử chờ khá lâu không thấy tiếng đáp lại liền nói tiếp:
- Nhậm huynh mà đem phương pháp đó truyền thụ cho tại hạ rồi thì dĩ nhiên tại hạ đã thành một đệ tử dưới trướng. Trong quí giáo những kẻ đệ tử lừa thấy diệt tổ trước nay phải chịu trọng hình lột da lăng trì cả mấy trăm năm không một ai trốn thoát. Một khi tại hạ đã thành đệ tử của Nhậm huynh
khi nào còn dám giam giữ sư phụ mà không buông tha?
Lệnh Hồ Xung hắng hắng giọng một tiếng hững hờ đáp:
- Té ra cách an bài của ngươi là thế.
Hắc Bạch Tử nói:
- Như vậy Nhậm huynh chấp thuận rồi chăng?
Giọng nói của hắn lộ vẻ vừa kinh ngạc vừa vui mừng.
Lệnh Hồ Xung thủng thẳng nói:
- Sau đây ba ngày ta sẽ trả lời.
Hắc Bạch Tử hỏi:
- Nhậm huynh đã chấp thuận là xong, tội gì còn ở trong hắc lao thêm ba ngày nữa?
Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:
- Thằng cha này còn nóng nảy hơn ta. Ta cứ trùng trình lại ba ngày để xem hắn còn ngụy kế gì chăng?
Rồi chàng "hứ" một tiếng ra chiều phẫn nộ.
Hắc Bạch Tử vội nói:
- Dạ dạ! Vậy ba ngày nữa vãn bối sẽ trở lại thỉnh giáo "lão nhân gia".
Hắn không kêu bằng Nhậm huynh mà lại gọi "lão nhân gia" tỏ ý nhận định đối phương đã chấp thuận thu hắn làm đệ tử.
Lệnh Hồ Xung nghe tiếng chân Hắc Bạch Tử đi rồi và ba tầng cổng đã đóng chặt, trong lòng chàng những làn sóng tư tưởng nổi lên dồn dập. Chàng tự hỏi:
- Chẳng lẽ hắn nhận nhầm ta là Nhậm tiền bối thật ư? Thằng cha này tâm tư rất cẩn mật làm sao có cái lầm to tát đến thế?
Ðột nhiên chàng nghĩ ra điều gì, liền bụng bảo dạ:
- Hay là Hoàng Chung Công đã dò biết chuyện bí mật của hắn, ngấm ngầm đem Nhậm tiền bối đi giam chỗ khác rồi nhốt mình vào đây Ðúng rồi! Mười hai năm trời Hắc Bạch Tử cứ cách hai tháng lại đến đây một lần thì hành tung của hắn rất có thể bị phát giác. Vụ này nhất định Hoàng Chung Công ngấm ngầm bố trí cạm bẫy.
Lệnh Hồ Xung chợt nhớ tới Hắc Bạch Tử đã nói một câu: "Những đệ tử trong quí giáo lừa thầy diệt tổ trước nay đều bị trọng hình lột da lăng trì, đã mấy trăn năm chẳng một ai chốn thoát".
Chàng tự hỏi:
- Hắn nói "quí giáo" là giáo phái nào? Chẳng lẽ lại là Ma giáo? Phải chăng Nhậm tiền bối cũng người trong Ma giáo? Hỡi ôi! Dù lão có ở Ma giáo thì đã sao? Trong Ma giáo thiếu gì hảo nhân. Khúc Dương trưởng lão là người Ma giáo, cả Hướng đại ca ra cũng là người Ma giáo đấy thôi?
Vấn đề Ma giáo hay không chỉ thoáng qua trong đầu óc, rồi chàng gác qua một bên chẳng cần nghĩ tới nữa. Chàng chỉ xoay sở trong hai vấn đề: Hắc Bạch Tử hành động chân thật hay giả trá?
Sau ba ngày hắn trở lại đây mình sẽ trả lời hắn ra sao?
Suốt một ngày đầu Lệnh Hồ Xung suy lui nghĩ tới bao nhiêu vấn đề cổ quái tưởng đến vỡ đầu cũng không quyết đoán được hành động của Hắc Bạch Tử là chân hay giả. Sau chàng mệt quá ngủ thiếp đi.
Lúc tỉnh dậy, Lệnh Hồ Xung nghĩ ngay tới:
- Giả tỷ có Hướng đại ca ở đây, y là người biết nhiều hiểu rộng thì chỉ trong khoảnh khắc là đoán được ngay dụng ý của Hắc Bạch Tử. Ðến Nhậm tiền bối trí tuệ lại càng cao, hiển nhiên hơn cả Hướng đại ca... Trời ơi!...
Chàng buột miệng kêu lên một tiếng rồi đứng phắt dậy. Sau một giấc ngủ ngon đầu óc Lệnh Hồ Xung rất tỉnh táo, chàng nghĩ thầm:
- Mười hai năm trời Nhậm lão tiền bối thủy chung không chịu chấp thuận lời thỉnh cầu của Hắc Bạch Tử thì dĩ nhiên vụ này có chỗ Nhậm tiền bối không chấp thuận được. Nhậm lão tiền bối là một nhân vật như vậy có lý nào lại không tính bề lợi hại?
Nhưng sau chàng lại nghĩ:
- Nhậm lão tiền bối không chấp thuận là việc riêng của tiền bối. Ta không phải là Nhậm tiền bối thì sao lại không được?
Trong thâm tâm Lệnh Hồ Xung vẫn nhận thấy vụ này khó ổn vì trung gian còn có những mối nguy hiểm rất lớn. Nhưng lòng chàng lại tha thiết muốn thoát khỏi chốn lao lung, chỉ mong có cơ hội là hành động, bất chấp hiểm họa gì chàng cũng chẳng để tâm.
Rồi chàng quyết định chủ ý:
- Sau ba ngày Hắc Bạch Tử trở lại, ta ưng chịu lời thỉnh cầu của hắn. Ta đem những bí quyết về luyện khí trên mặt tấm thiết bản truyền thụ cho hắn, xem thế nào rồi sẽ tùy cơ ứng biến là xong.
Chàng liền sờ mó lại tự tích học cho thuộc rồi tự nhủ:
- Mình phải thuộc lòng để lúc đọc cho hắn trơn như nước hắn mới khỏi nghi ngờ. Có điều khẩu âm của mình khắc hẳn Nhậm lão tiền bối, vậy mình phải hạ thấp giọng xuống và nói tiếng ồm ồm. Phải rồi!
Ta cả tiếng kêu là trong hai ngày cho thành giọng khàn rồi lúc đó biến thêm cho thành hàm hồ thì hắn không thể phát giác ra được.
Lệnh Hồ Xung đọc khẩu quyết một hồi rồi lớn tiếng la hét một lúc.
Hắc lao này ở sâu dưới lòng đất cách bao nhiêu tầng cửa ngõ trùng điệp thì dù nổ pháo lớn ở đây, bên ngoài cũng không nghe thấy chút gì. Lệnh Hồ Xung biết rõ mình có la rầm trời cũng nhất định chẳng ai nghe thấy.
Chàng liền gân cổ lên, lớn tiếng thóa mạ bọn Giang Nam tứ hữu. Thóa mạ một hồi lại hát xướng om sòm. Chàng hát cho đến lúc tự mình nghe cũng chói tai. Bất giác chàng nổi lên tràng cười rộ rồi quay vào học khẩu quyết trên thiết bản...
Bỗng chàng đọc tới câu: "Huyệt Ðan điền như cái rương trống rỗng nó lại giống hang sâu. Rương rỗng có thể đựng đồ, hang sâu có thể chứa nước. Nếu có nội tức thì phải tán ra những huyệt ở Nhâm mạch". Mấy câu này chàng đã sờ qua mấy lần nhưng trước kia trong lòng vốn chán ghét phương pháp luyện khí, nên để chữ qua tay, chẳng buồn ngẫm nghĩ tới hàm ý bên trong.
Bây giờ chàng rất lấy làm kỳ tự hỏi:
- Trước kia sư phụ dạy ta tu luyện nội công: Nguyên tắc căn bản là phải ngưng tụ chân khí đầy rẫy trong huyệt Ðan điền. Nội tức ở huyệt Ðan điền đầy rẫy chừng nào thì nội lực thâm hậu chừng ấy mà sao khẩu quyết ở đây lại bảo để huyệt Ðan điền trống rỗng không nên giữ lại mảy may nội tức? Trong huyệt Ðan điền đã không nội tức thì nội lực ở đâu mà ra? Bất luận phép luyện nội công nào cũng đều thế cả, chẳng lẽ phương pháp này chỉ để làm trò cười? Hà hà! Hắc Bạch Tử là quân đê tiện bất nhân ta đem môn pháp này truyền cho hắn để hắn mắc bẫy một phen càng tốt.
Chàng vừa mò chữ trên thiết bản vừa suy luận ý nghĩa thì chỉ thấy mấy trăm chữ này toàn dậy người ta cách tấn công thế nào, hóa giải nội lực ra sao?
Lệnh Hồ Xung càng nghĩ càng kinh hãi tự hỏi:
- Trong thiên hạ làm gì có hạng người ngu ngốc đem nội lực suốt đời khổ công luyện thành hóa giải đi bao giờ? Trừ phi họ quyết ý tự tử. Nếu muốn tự tử thì chỉ cần cầm kiếm đâm cổ một cái là xong, hà tất phải hóa tán nội lực cho mất công? Huống chi công việc này so với tích tụ nội công còn khó khăn
hơn thì luyện nó để làm gì?
Nghĩ tới đây, chàng không khỏi chán phèo, lẩm bẩm:
- Hắc Bạch Tử mà nghe ta đọc khẩu quyết này liền biết ngay ta đùa giỡn hắn. Khi nào hắn chịu mắc bẫy! Xem chừng kế hoạch đó không thông mất rồi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT