“Người đạo đức giấu mình nơi kín đáo,

Tiếng thơm vẫn truyền khắp thế gian;

Hoa quế nép sâu dưới đáy rương,

Hương thơm vẫn lan khắp bốn phương.”

(Cách ngôn Sakya)

Chưa vào trong đền, chúng tôi đã nghe thấy có tiếng loảng xoảng trên hành lang, hình như vật gì đó bị ném vỡ. Giọng nói khàn khàn của ai đó đang trong giai đoạn vỡ tiếng cất lên, nộ khí đằng đằng:

- Tiếp tục tìm kiếm! Không được bỏ sót bất cứ cánh rừng nào ở Lương Châu này! Nếu không tìm thấy, các ngươi đừng hòng về đây gặp ta!

Bát Tư Ba vội vã bước lên hành lang, la lớn:

- Kháp Na, đệ làm gì thế?

Cậu thiếu niên mười ba tuổi giật mình ngoảnh lại. Cậu ấy mặc áo choàng dài màu xanh của người Mông Cổ, nửa ống tay áo được xắn gọn và thít vào phần hông, chuỗi hạt to bè lúc lắc trên cổ, giống hệt những người Mông Cổ khác. Nét bầu bĩnh của gương mặt trẻ thơ không còn nữa, thay vào đó là vẻ đẹp hút hồn của cậu bé mới lớn. So với Bát Tư Ba của bốn năm về trước, Kháp Na trông gầy hơn nhiều, dù cậu ấy chẳng mấy khi tươi cười nhưng má lúm đồng tiền vẫn rõ mồn một.

Kháp Na tròn mắt, đôi đồng tử đen láy như dính chặt vào Bát Tư Ba, miệng lập bập:

- Đại ca, huynh… Năm ngày trước đệ mới cử người đến báo tin cho huynh kia mà. Nếu cho xe ngựa chạy cả ngày lẫn đêm thì cũng phải mất sáu ngày, sao huynh có thể trở về đây nhanh như vậy?

Bát Tư Ba không đáp, sải bước đến bên Kháp Na, lập tức chuyển đề tài:

- Đệ bực bội chuyện gì vậy? Bác đang ở đâu?

- Bác nằm trong phòng. Quan ngự y bảo rằng bác không thể gắng gượng thêm nữa… May mà huynh về sớm, vẫn còn kịp… – Kháp Na nói chưa dứt câu, Bát Tư Ba đã lao về phía phòng ngủ của đại sư Ban Trí Đạt. Kháp Na cũng bám theo sau, giọng lo lắng. – Đại ca ơi, Tiểu Lam mất tích rồi, đệ tìm khắp nơi mà không thấy…

- Tiểu Lam… Tiểu Lam… – Tiếng bước chân chậm dần. Kháp Na cúi đầu, sụt sịt, giọng run rẩy. – Đệ không thể sống thiếu Tiểu Lam…

Bát Tư Ba dừng lại, khẽ thở dài, đưa tay vuốt ve mái tóc mềm mượt của em trai, hệt như ngày trước:

- Đệ vẫn luôn giàu tình cảm như thế…

Nói đoạn, cậu ấy nhấc tôi ra khỏi ngực áo, nói với tôi:

- Em tự mình giải thích với đệ ấy đi!

- Tiểu Lam!

Kháp Na mừng rỡ la lên, đón lấy tôi, siết chặt. Cậu ấy khiến tôi suýt ngộp thở. Cậu ấy cọ má vào sống lưng tôi, phụng phịu trách yêu:

- Em đi đâu suốt sáu ngày liền, em có biết là ta lo lắng lắm không? Sao em lại đi cùng đại ca thế?

Bát Tư Ba đang rảo bước về phía căn phòng của ngài Ban Trí Đạt nhưng không quên quay lại nháy mắt với tôi. Tôi lấy hết can đảm, ghé sát tai Kháp Na, thì thào:

- Này cậu nhóc, hãy tìm một căn phòng trống, tôi sẽ kể đầu đuôi câu chuyện cho cậu nghe.

Đôi mắt đẹp của Kháp Na trợn tròn, miệng há hốc thành hình chữ O, lúm đồng tiền hiện rõ. Tôi gãi đầu, lè lưỡi, cười trừ với cậu ấy.

Khi chỉ có hai chúng tôi, tôi đem chuyện đã kể với Bát Tư Ba thuật lại cho Kháp Na nghe. Phản ứng của Kháp Na đúng như dự đoán của anh trai cậu ấy, không hề sợ hãi mà ngược lại, vô cùng mừng rỡ. Cậu ấy cứ trách tôi mãi vì không chịu nói sớm.

Niềm hân hoan rạng ngời trên gương mặt Kháp Na, cậu ấy bóp nhẹ cái mũi nhọn hoắt của tôi, hỏi:

- Tiểu Lam à, những hôm buồn bã, đêm ngủ ta thường mơ thấy mẹ ta hiện về hát ru, bài hát ru đó là em hát

phải không?

Giọng của Kháp Na khản đặc, phần vì cậu ấy đang ở vào giai đoạn dậy thì, phần vì quá lao lực. Cậu ấy đã thức mấy đêm liền bên giường bệnh của người bác, vậy mà lúc này, vẻ mệt mỏi dường như đã tan biến hết, đôi mắt sáng long lanh nhìn tôi không chớp. Tôi gật đầu thừa nhận:

- Đêm nào cậu đạp tung chăn, tôi cũng đắp lại cho cậu.

Kháp Na dẩu môi phụng phịu:

- Em thật là, sao lại giấu chúng tôi chuyện đó? Bốn năm qua, ta và đại ca đối xử với em thế nào, chẳng lẽ em không cảm nhận được ư?

Tôi thở dài:

- Kháp Na ơi, tôi chỉ là loài động vật…

- Tiểu Lam, ta chưa bao giờ coi em là thú cưng, em nghe này… – Kháp Na ngắt lời tôi, vẻ mặt nghiêm túc, nói với tôi bằng ngữ điệu nghiêm trang tôi chưa từng thấy. – Cha mẹ ta đều đã qua đời, tuy rằng ta còn có mấy anh chị em cùng cha khác mẹ nữa, nhưng vì từ nhỏ không sống cùng nhau nên ta thậm chí không biết trông họ thế nào. Trước đây, ta luôn cho rằng bác và anh trai là những người thân thiết nhất của ta, nhưng giờ đây, ta có thêm em nữa. Em nghe này, ta và đại ca chính là người thân của em!

Sống mũi tôi cay sè, tim thắt lại, mắt ướt mèm. Người thân! Đã bao lâu rồi tôi không được nghe hai tiếng thân thương ấy? Tôi khóc ư? Tôi cứ ngỡ mình không còn biết rơi lệ nữa.

Bỗng một tiếng “rầm” xé toang bầu không khí yên ắng, hình như là tiếng cánh cửa bị xô mạnh. Tiếp đó là tiếng la lớn của đám người hầu:

- Ngài Bát Tư Ba…

Kháp Na và tôi đưa mắt nhìn nhau kinh ngạc, rồi vội vã đẩy cửa lao ra ngoài sân. Bóng chiếc áo tăng ni màu đỏ sẫm lao như bay ra ngoài cổng, Kháp Na đuổi theo, gọi lớn:

- Đại ca!

Bát Tư Ba không buồn ngoảnh lại, tiếp tục lao đi như bay, thoáng chốc đã khuất dạng.

Kháp Na níu một người hầu lại để hỏi:

- Đại ca ta sao vậy?

Người hầu cũng tỏ ra ngạc nhiên không kém:

- Chúng tôi cũng không rõ. Đại sư chỉ cho phép một mình ngài Bát Tư Ba vào phòng, chúng tôi đứng chờ bên ngoài. Họ trò chuyện một lúc thì ngài Bát Tư Ba đẩy cửa lao ra.

Kháp Na chạy ra ngoài cổng, ngó nghiêng xung quanh nhưng không thấy bóng dáng Bát Tư Ba đâu. Tôi rời khỏi vòng tay Kháp Na, lần theo dấu vết của Bát Tư Ba rồi kêu lên ra hiệu. Kháp Na định chạy theo tôi thì một người hầu chạy đến, giữ cậu ấy lại:

- Cậu Kháp Na ơi, nguy mất, đại sư lại bất tỉnh rồi.

Kháp Na cuống quýt căn dặn:

- Tiểu Lam, em đi tìm đại ca đi!

---------- BỔ SUNG THÊM ----------

9.2

Sau đó, cậu ấy vội vã theo người hầu đi về phòng ngài Ban Trí Đạt. Tôi tiếp tục lần theo mùi hương của Bát Tư Ba để đi tìm cậu ấy.

Bóng chiều nhuộm chiếc áo tăng ni của cậu ấy thành một màu đỏ u uẩn, gió ào ạt thổi tà áo phần phật bay. Cậu ấy đứng trên đỉnh núi, dõi mắt về phía xa xăm, hệt như bức tượng đồng tạc giữa hoàng hôn.

Tôi khẽ gọi:

- Lâu Cát…

Cậu ấy quay đầu lại, gương mặt đẫm lệ. Tôi hốt hoảng, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Chuyện gì đã khiến một người điềm tĩnh, vững vàng như cậu ấy trở nên sầu thảm nhường vậy?

Cậu ấy chìa cánh tay về phía tôi, cất giọng nghẹn ngào:

- Lam Kha, lại đây với ta.

Tôi nhảy vào lòng cậu ấy, ngước lên hỏi:

- Đã xảy ra chuyện gì vậy? Kháp Na rất lo cho cậu.

Cậu ấy vẫn chưa hết kích động, khóe môi run run, một lúc lâu sau mới cất giọng mệt mỏi:

- Bác cho ta hay vì sao năm xưa người buộc phải đưa ta và Kháp Na rời khỏi Sakya.

Cậu ấy ôm tôi, tìm một phiến đá bên sườn núi rồi ngồi xuống, ánh mắt vẫn trôi về phía những dãy núi xa tít tắp, mờ ảo trong ráng chiều ảm đạm, khá lâu sau cậu ấy mới bình tĩnh lại và bắt đầu trải lòng:

- Mẹ ta vốn thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt, là người phụ nữ đoan trang, hiền thục, bà được gả cho cha ta năm mười sáu tuổi, khi ấy cha ta đã ba mươi lăm tuổi. Tuy tuổi tác không tương xứng nhưng cha mẹ tâm đầu ý hợp, chung sống rất hạnh phúc. Tiếc thay, nỗi day dứt chẳng thể nguôi ngoai trong lòng cha ta khi mà mười năm trôi qua người chưa có lấy một mụn con. Người là con út trong gia đình, bởi vậy trách nhiệm lớn nhất của người là sinh con nối dõi tông đường và kế nghiệp tổ tông. Cha ta chịu áp lực nặng nề từ phía họ tộc nhưng người kiên quyết không nạp thiếp vì không muốn mẹ ta buồn.

Ánh mắt trĩu buồn, cậu ấy thở dài ảo não, hơi thở phả vào không gian những sợi bàng bạc:

- Năm cha ta năm mươi tuổi, mẹ kiên quyết ép cha cưới một lúc bốn người thiếp trẻ. Những người thiếp kia tưởng rằng khi đã ngoài ba mươi tuổi thì mẹ ta chẳng thể sinh nở được nữa, họ tìm mọi cách để sinh được con trai, giành quyền thừa kế gia sản. Nhưng kỳ tích đã xuất hiện, mẹ đã sinh hạ ta và ta lại là con trưởng. Năm ta được sinh ra, các em trai, em gái cùng cha khác mẹ của ta cũng lần lượt chào đời, họ chỉ kém ta vài tháng tuổi.

Khi đó, tuy đã có vài năm kinh nghiệm chung sống với loài người nhưng tôi vẫn chẳng thể hiểu hết mối quan hệ ruột thịt phức tạp của họ. Bởi vậy, tôi chỉ biết chăm chú ngước nhìn và lắng nghe câu chuyện của cậu ấy. Bạn đời của loài hồ ly rất cố định, hồ ly đực và hồ ly cái chung sống với nhau trọn đời. Tuy sinh ra với thể chất khác thường, chưa từng cảm nhận được sự rung động của con tim nhưng tôi không sao lý giải và cảm thông nổi việc cha cậu ấy yêu mẹ cậu ấy sâu sắc là thế, vậy mà vẫn có thể sinh con với những người phụ nữ khác.

- Khi ta vừa chào đời, cha ta đã lập tức tuyên bố pháp thống dòng họ Khon sẽ do ta cai quản. Quyết định này đã làm dấy lên sự ghen tuông, đố kỵ của các bà vợ lẽ. Để bảo vệ ta, cha đưa bốn người thiếp cùng con cái của họ đến sống ở bốn trang viên khác nhau của gia đình. Bởi vậy, một năm, nhiều nhất, ta và các anh chị em cũng chỉ được gặp nhau một lần. Xa mặt thì cách lòng, tuy là anh chị em cùng cha khác mẹ nhưng tình cảm ruột thịt giữa chúng ta rất nhạt nhòa. Năm ta lên bốn, mẹ ta lại bất ngờ sinh hạ Kháp Na. Kháp Na là con út nên cha ta tuyên bố toàn bộ sản nghiệp của gia đình sẽ do Kháp Na thừa kế, Kháp Na cũng chịu trách nhiệm nối dõi tông đường, bởi vì cha quyết định sẽ không cưới thêm người thiếp nào nữa. – Bát Tư Ba cười buồn, thần sắc u ám. – Như vậy có nghĩa là, các em trai thứ hai và thứ ba của ta không những không được kế thừa pháp thống dòng tộc mà ngay cả gia sản cũng không được hưởng.

Linh tính mách bảo với tôi rằng có điều gì không ổn.

- Kháp Na chào đời chưa được mười ngày thì cha ta qua đời. Trước kia, ta cứ đinh ninh rằng cha ta mất vì bệnh tật và tuổi già, nhưng khi nãy bác nói với ta rằng, cha ta đã bị hạ độc.

Nỗi kích động khiến toàn thân cậu ấy run lên, từng nắm đấm lạnh lùng nện xuống khối đá bên cạnh.

- Hôm đó, dì hai cho người đưa bánh đến chúc mừng mẹ ta, vì đói bụng, cha ta đã ăn một miếng, và rồi ngay tối hôm đó, người đã…

Tôi hoảng hốt, “á” lên một tiếng rồi cuống cuồng giữ chặt nắm tay của cậu ấy. Bàn tay va vào đá rách toạc, máu chảy ròng ròng, tôi liếm láp vết thương, giúp cậu ấy cầm máu, lòng quặn thắt. Lâu Cát siết chặt tôi vào lòng, dường như cậu ấy không hề thấy đau, giọng nói đã lạc đi:

- Dì hai mưu đồ hãm hại mẹ ta, không ngờ người trúng độc lại là cha ta. Chứng cứ rõ ràng, dòng họ định tội, dì hai bị bỏ vào bao tải thả trôi sông, từ đó không rõ sống chết ra sao. Em trai thứ hai Rinchen Gyaltsen của ta được giao cho dì ba nuôi dưỡng.

Bóng chiều dần khuất sau dãy núi phủ tuyết trắng xóa, tia nắng cuối cùng hắt lên không gian dáng núi sẫm tối. Nền trời ảm đạm, gió lạnh ào ạt xâm chiếm, giá rét mùa đông thấu buốt tim gan. Tôi sợ khí lạnh từ phiến đá ngấm vào cơ thể sẽ khiến cậu ấy ốm nên khẽ gọi một tiếng: “Lâu Cát” nhắc nhở cậu ấy về thôi.

Nhưng Bát Tư Ba không hề bận tâm vì cậu ấy vẫn đang đắm chìm trong những hồi ức bi thương:

- Năm ta lên tám, một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra, mẹ ta và Kháp Na bị ngã từ lầu cao xuống. Khi mọi người phát hiện ra thì mẹ ta đã hôn mê bất tỉnh trên bậc cầu thang. Kháp Na khi ấy mới bốn tuổi, may mắn và kỳ diệu thay, đệ ấy không hề bị thương, nhưng đệ ấy không nhìn rõ kẻ nào đã đẩy ngã mình. Mẹ ta bị thương ở đầu, mê man suốt mấy tháng trời, miệng không ngừng gọi tên ta và Kháp Na. Trước lúc lâm chung, mẹ đột nhiên trở nên tỉnh táo lạ thường, mẹ giơ tay chỉ thẳng vào dì năm đang đứng bên giường chăm sóc mẹ, mắt mẹ ngập tràn nỗi phẫn uất. Nhưng mẹ không đủ sức để thốt lên dù chỉ một lời…

Cậu ấy không thể nói tiếp được nữa, gục đầu trên lưng tôi. Những giọt nước mắt ấm nóng thấm vào da thịt tôi, cậu ấy đang khóc.

- Mẹ ta qua đời khi chưa đầy bốn mươi tuổi.

Tôi nhẹ nhàng liếm khô những giọt nước mắt long lanh của cậu ấy, khẽ hỏi:

- Là dì năm ư?

Quả thực là tôi không sao hiểu nổi, lẽ nào vì lợi ích của bản thân, họ sẵn sàng nhẫn tâm như vậy?

Cậu ấy gật đầu, vẻ mặt đau đớn, nghẹn ngào không thốt nên lời, một lúc lâu sau tâm trạng mới ổn định trở lại, cậu ấy cất giọng run run:

- Dì năm từ nhỏ bị cha mẹ bán cho nhà ông bà ngoại ta làm nô lệ. Mẹ ta thương dì ấy nên cho làm người hầu gái thân thiết, sau này còn mai mối để dì ấy trở thành thê thiếp của cha ta, để rồi sau đó sinh hạ em trai thứ ba của ta, Yeshe Bernas. Ta vốn nghi ngờ chính dì năm gây ra chuyện này, nhưng khi đó ở hiện trường chỉ có mẹ ta và Kháp Na, không có chứng cứ, ta không thể buộc người đàn bà ấy phải chịu tội.

Tôi thở dài ảo não.

- Sau khi mẹ qua đời, ta và Kháp Na trở thành trẻ mồ côi, không có ai nương tựa, bởi vậy bác ta mới đưa hai anh em đến tu viện. Buổi tối, hai anh em ta ngủ cùng bác. Ban ngày, lúc chúng ta chơi đùa, luôn có đệ tử thân tín của bác theo sát canh chừng. Chúng ta ăn bất cứ món gì, bác và các đệ tử cũng phải đích thân kiểm tra trước. Dù đã hết sức cẩn trọng nhưng bác vẫn không yên tâm. Năm ấy bác ta đã sáu mươi tuổi, người lo lắng rằng nếu người qua đời, hai anh em ta sẽ gặp nguy hiểm. Thế nên, khi nhận lời mời đến Lương Châu, người đã quyết định bằng mọi giá phải đưa hai anh em ta đi cùng, rời khỏi Sakya, rời xa những người đàn bà độc ác và thế lực của các gia tộc đằng sau họ, như thế mới có thể đảm bảo an toàn cho chúng ta.

Sakya đầy rẫy những mối nguy hiểm rình rập hai đứa trẻ mồ côi nên đưa họ đi xa là cách tốt nhất để bảo vệ họ. Thế là năm ấy, Bát Tư Ba mười tuổi dắt díu Kháp Na sáu tuổi cùng người bác đầu bạc bước vào cuộc hành trình gian nan dằng dặc, từ đó rời xa quê hương hai mươi năm.

- Hồi nhỏ, ta không hiểu tường tận những chuyện này, khi nghe bác ta kể lại ta mới biết vì sao ta và Kháp Na sớm mồ côi cha mẹ, phải rời bỏ quê hương.

Tôi nghe trong giọng nói của cậu ấy chất chứa nỗi cô đơn, ánh mắt lạnh băng, bàn tay nắm chặt tiếp tục nện xuống nền đá không thương tiếc, máu đỏ tiếp tục trào ra.

- Lam Kha, ta giận lắm, giận cha mẹ sớm bỏ anh em ta mà đi, chỉ để lại trong ta những ký ức mơ hồ về họ. Ta hận những người đàn bà đầy dã tâm, tìm mọi cách trừ khử anh em ta. Ta hận bản thân mình không đủ sức để bảo vệ em trai.

Những giọt máu đỏ tươi nhỏ xuống trảng cỏ khô héo, nhanh chóng kết lại thành những vệt màu ảm đạm. Tôi hốt hoảng kêu lên:

- Lâu Cát, tay của cậu…

Cậu ấy cười buồn, ngắt lời tôi:

- Hận! Đúng, ta hận! Thật không ngờ, sau bao năm tu tập thiền định, lồng ngực ta vẫn có thể ắp đầy nỗi căm hận như thế này.

Mặc cho dòng máu tiếp tục đổ, cậu ấy bật dậy, ánh mắt hút sâu vào khoảng không u tối mênh mang, vô tận, khuôn ngực phập phồng:

- Em có biết dòng họ Khon nhà ta có nghĩa là gì không? Trong tiếng Tạng, Khon có nghĩa là “thù hận”. Dòng họ của ta được sinh ra bởi sự thù hận.

Hơn ba trăm năm trước, trong buổi gặp gỡ đầu tiên, ngài Yapang Kye đã say đắm dung nhan mỹ miều và cốt cách đoan trang hiền thục của nàng Yadruk Silima, vợ Rakshas. Yapang Kye tuyên chiến với Rakshas để giành lấy Yadruk Silima. Sau trận chiến quyết liệt, Yapang Kye đã giết chết Rakshas, sau đó cưới Simila làm vợ. Simila sinh được một người con trai, Yapang Kye đặt tên đứa bé là Khon Bar Kye, có nghĩa là “sinh ra trong sự thù hận”, ám chỉ mối hận thù truyền kiếp với dòng họ Rakshas. Khon Bar Kye chính là vị thủy tổ của dòng họ Khon. Từ đó, hai chữ “thù hận” trở thành biểu trưng của họ Khon.

Nghe đến đây, tôi thở dài, nhảy lên vai cậu ấy, ghé sát tai thì thầm:

- Lâu Cát, tôi hiểu cảm giác của cậu, vì tôi cũng từng hận bản thân mình yếu đuối, kém cỏi.

Tôi nheo mắt dõi nhìn khoảng không xa tắp, nơi dãy núi điệp trùng mải miết chạy dài, chạm đường chân trời trong hoàng hôn tím tái, những hồi ức đau buồn dội về như thác lũ khiến tim tôi nhói buốt.

Ba trăm năm trước, cha tôi bị sa vào bẫy của thợ săn, mẹ tôi vắt kiệt sức cũng không sao giúp cha tôi thoát ra được. Mẹ đưa anh chị em chúng tôi về hang động, dặn dò không được ra ngoài. Những ngày sau đó, mẹ thường xuyên tha thức ăn đến cho cha, mẹ còn chạy ra tận hồ nước, trữ nước trong miệng, mang về mớm cho cha. Ba ngày sau, gã thợ săn đến tháo bẫy, mẹ đi theo gã về tận nhà và tận mắt chứng kiến gã lột da, róc thịt cha, cắt thành từng miếng nhỏ, bỏ vào lò nướng. Trốn trong góc tối mà mẹ như hóa điên, người dùng miệng bứt liên hồi những sợi lông trên chân trước của mình, máu chảy lênh láng. Sau này, vết thương trên chân của mẹ mãi mãi không

lành lại.

Sau khi mẹ qua đời, tôi đã gặp gã thợ săn ấy, gã quàng trên cổ bộ lông mềm mịn, bóng mượt của cha tôi. Nửa phần mặt của cha vẫn còn đó, mắt người khép chặt, những sợi lông mi rủ xuống như nước mắt. Tôi nghiến răng kèn kẹt, ước gì có thể nhảy bổ tới, sống chết với gã đó một phen cho hả căm hờn. Khoảnh khắc ấy, nỗi hận thù trào dâng trong tôi chắc chắn không thua Lâu Cát.

- Lâu Cát, loài hồ ly chúng tôi là những con vật nhỏ bé, yếu ớt, chúng tôi phải chống lại vô số động vật to khỏe, hung tợn hơn mình trong rừng và cả loài người luôn thèm muốn bộ lông của chúng tôi. Nhưng dù căm hận bao nhiêu đi nữa, tôi cũng chẳng thể làm được gì ngoài việc lẩn trốn. Bởi vậy, tôi đã nỗ lực sống sót và tu luyện phép thuật để bảo vệ bản thân và trả thù cho cha. – Tôi ngừng lại, hồi tưởng chuyện quá khứ, một lúc sau mới tiếp tục. – Nực cười thay, khi tôi học được chút ít phép thuật thì gã thợ săn đó đã chết được mấy trăm năm rồi.

Tôi thở dài ảo não, đứng trên vai Bát Tư Ba, ngước nhìn bầu trời về đêm mịn như nhung:

- Bởi vậy, Lâu Cát à, thời gian chính là liều thuốc hữu hiệu giúp người ta hóa giải hận thù. Không gì có thể địch nổi thời gian.

Trải qua ba trăm năm, chứng kiến biết bao cuộc sinh tử, từ lâu tôi đã biết cần phải rộng lượng, sống đơn giản và xem nhẹ mọi sự.

Cậu ấy không nói, chỉ dõi nhìn không trung. Gió đêm ào ạt thổi vạt áo thầy tu của cậu ấy tung bay phần phật. Cả con người cậu ấy như quyện trong bóng đêm mịt mù vô định.

r

Chàng trai trẻ đăm chiêu giây lát rồi quay sang hỏi tôi:

- Vì sao phái Sakya không áp dụng chế độ “Phật sống chuyển thế” mà kiên trì phương thức trao quyền kế thừa cho các thế hệ của chỉ một dòng họ?

- Vào thời gian đó, chế độ “Phật sống chuyển thế” mới xuất hiện ở đất Tạng. Khi ấy, các giáo phái lớn vẫn áp dụng phương thức kế tục: sư phụ truyền lại cho đệ tử. Nhược điểm của phương thức này là khi số lượng đệ tử của một giáo phái tăng lên, sẽ nảy sinh cuộc tranh giành giữa các hệ phái. Giáo phái Kagyu chính là một ví dụ điển hình. Giáo phái này bị phân tán thành rất nhiều chi phái nhỏ, bởi vậy sức mạnh của giáo phải cũng mỏng dần.

Tôi chợt nhớ đến vị Phật sống đầu tiên của giáo phái Karma Kagyu, ngài Karmapa, người sau này có mối quan hệ nhất định với Bát Tư Ba, trong lòng bỗng chộn rộn niềm vui nho nhỏ, tôi mỉm cười:

- Từ buổi đầu được sáng lập, giáo phái Sakya đã gắn kết với dòng họ Khon thành một thể thống nhất, không thể tách rời, và quy luật sau đã được định hình từ lâu: lãnh tụ của giáo phái nhất định phải được lựa chọn từ các thành viên của dòng họ Khon, thế nên không cần thiết phải lựa chọn “Phật sống chuyển thế” để kế tục.

- Vì vậy, đối với dòng họ Khon càng ngày càng neo người, việc bảo đảm dòng họ luôn có đủ người kế tục sự nghiệp lãnh đạo giáo phái trở thành trách nhiệm nặng nề của toàn gia tộc.

Chàng trai trẻ nhắm mắt lại, như để hồi sức, rồi lại thở dài:

- Thế nhưng chế độ kế tục này cũng gây ra những tranh chấp quyền lợi khốc liệt không kém. Cha mẹ của Bát Tư Ba là những nạn nhân của chế độ này.

- Bánh xe số phận cuốn người ta theo, không cho ai quyền lựa chọn, Kháp Na sau này cũng vậy…

Nhớ đến Kháp Na, lòng tôi quặn thắt, tưởng như không thở nổi. Tôi mệt mỏi đổ người bên lò sưởi, nhắm nghiền mắt lại, chờ đợi cơn đau dần nguôi ngoai.

- Một dòng họ được sinh ra từ sự thù hận, điều này quả là rất đặc biệt. – Chàng trai trẻ không hay biết về những xúc cảm bất thường đang xâm chiếm tim tôi, cứ mải mê than thở. – Nhưng sẽ là quá nặng nề khi đặt toàn bộ tương lai của dòng họ lên vai hai đứa trẻ mới chục tuổi đầu…

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play