“Kẻ yếu nếu dựa vào vĩ nhân,

Vẫn có thể thành công;

Hạt nước nếu hòa vào biển lớn,

Sẽ không bị cạn khô.”

(Cách ngôn Sakya)

Năm 1286 – tức niên hiệu Chí Nguyên thứ hai mươi ba, nhà Nguyên.

Chân Kim bốn mươi ba tuổi, Dharmapala mười chín tuổi.

Không thể đợi Dharma cùng về Đại Đô, vì quá nóng ruột, tôi đã lên đường đi trước. Ngày 30 tháng 12 năm đó, tôi đã chạy hết tốc lực về Đại Đô bằng toàn bộ số linh khí ít ỏi vừa tích lũy được.

Khi tôi về đến nơi, Bối Đan đã bị nhốt trong phòng riêng của mình ở phủ Đế sư. Nhờ thân phận cao quý, nó chỉ bị giam trong phòng, không được phép ra ngoài, còn sinh hoạt hằng này vẫn giữ nếp cũ, không có gì thay đổi. Nó ngồi dưới nền đất lạnh, tựa lưng vào tường nhà, tóc tai rũ rượi, ánh mắt vô hồn, mùi hôi thối bốc lên từ đám áo quần lâu ngày không thay giặt.

Tôi gằn giọng, căm phẫn:

- Vì sao đứa bé mới ba tuổi mà ngươi cũng không chịu buông tha?

Nó mở mắt, đảo mấy vòng con ngươi mới nhận ra sự có mặt của tôi, gương mặt đờ đẫn không chút biểu cảm, khẽ nhún vai, ơ hờ:

- Ta gặp ảo giác chăng? Hồ ly mà biết nói chuyện ư?

Tôi nhe nanh, dọa nạt:

- Ngươi chỉ cần trả lời ta, ngươi có yêu Dharma không? Ngươi giết con trai nó, nó sẽ căm hận ngươi đến chết!

- Ta đâu có muốn giết Deva, ta chỉ hận mụ đàn bà người Tạng đó. Ta đâu ngờ cô ta lại bón cho thằng bé ăn món bánh sữa ấy. – Gương mặt vô cảm của nó bất chợt suy sụp, nó ôm mặt khóc rưng rức. – Ta chưa từng có ý định độc chiếm Dharma. Ta chỉ cần chàng thi thoảng đến với ta là ta mãn nguyện lắm rồi. Nhưng cô ta lại chỉ muốn giữ Dharma cho riêng mình, không cho chàng động vào người ta. Cô ta ỷ mình là thanh mai trúc mã của chàng nên không coi ta ra gì, điều đó ta có thể nhẫn nhịn. Nhưng vì sao cô ta lại cướp đi niềm hy vọng duy nhất của ta, khiến ta không thể sinh con?

Tôi muốn nguyền rủa, chửi bới nhưng không sao thốt nên lời khi nhìn thấy vẻ mặt tuyệt vọng của Bối Đan. Tôi lắc đầu, gào khóc:

- Oan nghiệt, đúng là oan nghiệt!

Mukaton vì Kháp Na mà chết, giờ đây, cháu gái của cô ấy lại giết hại cháu trai của Kháp Na. Phải chăng là báo ứng? Ông trời bắt chúng tôi phải trả nợ cô ấy đúng không? Trong cơn đau rụng rời, tôi chợt nghe thấy tiếng rên rỉ thống thiết của Bối Đan. Quay lại nhìn, đã thấy máu đen ộc ra từ miệng nó. Nó ôm bụng, nằm vật ra đất. Tôi lập tức nhận ra mùi vị của cỏ đoạn trường. Nó đã tự vẫn!

Bối Đan gắng gượng hé mắt, đăm đắm dõi theo một điểm bất định trong không trung, gương mặt thanh thản như vừa được giải thoát, trăng trối lời cuối cùng:

- Ta đã giết con trai của Dharma, ta có lỗi với chàng, ta sẽ đền tội bằng mạng sống của mình.

Gió bấc thét gào, ào ạt ùa vào căn phòng qua ô cửa sổ, thổi tung những cánh màn. Bối Đan nằm rũ trên đất, hai mắt vẫn mở to nhưng hơi thở đã tắt lịm. Tôi đứng đó, chứng kiến tất cả, toàn thân như đóng băng, không biết phải oán ai, hận ai, không biết còn kẻ nào vẫn sống để cho tôi oán hận nữa không. Rất lâu sau, tôi mới bước lại, dùng chân trước vuốt mắt cho Bối Đan. Món nợ của Kháp Na với Mukaton, món nợ của Bối Đan với Dharma đã trả hết. Mọi hận thù sẽ theo gió trôi xa.

Sau khi Bối Đan ra đi, lẽ ra tôi phải lập tức trở về bên cạnh Dharma, nó gầy yếu là thế, lại bị cảm phong hàn, cộng với cơn chấn động thương tâm, làm sao nó chịu nổi, nhưng đúng lúc tôi chuẩn bị lên đường thì tin đồn Hoàng hậu lâm bệnh nặng lan truyền khắp kinh thành. Tôi không tin đó là sự thật, đã chạy đến Cung điện của Khabi. Tôi đinh ninh rằng cô ấy đang đóng giả, nhưng khi nhìn thấy mái tóc Khabi bạc trắng, thân hình cô ấy còm cõi, gầy mòn, tôi không khỏi sững sốt.

Chân Kim vẫn luôn túc trực bên mẹ, cần mẫn lau mồ hôi trên trán cho cô ấy. Nhưng tình hình sức khỏe của Chân Kim cũng không khá hơn. Mới hơn ba tháng không gặp, cậu ta đã chỉ còn da bọc xương, mới bốn mươi ba tuổi mà trông như người đã ngoài sáu mươi, nếp nhăn chồng chất, sức khỏe suy kiệt trầm trọng. Trống ngực tôi đập thình thịch khi nhận thấy cái chết đang bao bọc lấy cậu ta, sống mũi cay sè vì xót xa. Sự kiện “nhường ngôi” đã khiến Chân Kim sợ hãi rụng rời, e rằng cậu ta không còn sống được bao lâu nữa.

Nhận ra mùi hương của tôi, Khabi đột nhiên mở mắt, thấy tôi náu mình phía sau tấm màn, cô ấy khẽ gật đầu với tôi, sau đó lệnh cho tất cả ra ngoài. Chân Kim không chịu rời khỏi đó, Khabi đã phải dùng đến mệnh lệnh, buộc người hầu của phủ Thái tử đưa Chân Kim về nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Khi chỉ còn lại hai chúng tôi, tôi đến bên cô ấy, cất giọng run run:

- Khabi, cô làm sao vậy?

Gương mặt già nua, nhăn nheo của cô ấy khiến người ta không khỏi xót xa cho một tuyệt sắc giai nhân ngày nào. Cô ấy cất giọng khổ sở:

- Ta không còn sống được bao lâu nữa.

Tôi không tin nổi.

- Sao lại như vậy? Cô là hồ ly thiêng, tuổi thọ của cô không thể ngắn ngủi như vậy.

Cô ấy cười chua chát:

- Ta sẽ sống rất thọ nếu ta không chống lại ý trời, ra sức thay đổi vận mệnh của Chân Kim.

Tôi thót tim:

- Thay đổi vận số của một người là làm trái ý trời. Sao cô lại hồ đồ như vậy? Công sức tu luyện bao năm của cô sẽ đổ xuống sông xuống biển, cả hồn phách của cô cũng tan thành mây khói.

- Ta biết rõ hậu quả, nhưng cô cũng làm mẹ, cô hiểu vì sao ta phải làm vậy, đúng không?

Cô ấy nghẹn ngào, ôm mặt khóc nức nở:

- Chân Kim cũng không sống được bao lâu nữa.

Lòng tôi thắt lại, tôi bật khóc:

- Cô có thể truyền linh khí để duy trì sự sống cho cậu ấy...

Cô ấy ngắt lời tôi, ánh mắt rực sáng long lanh trong khoảnh khắc hấp hối sau cùng:

- Cô chấp nhận tiêu hao quá nửa linh khí, thậm chí bị đẩy trở lại nguyên hình cũng chỉ có thể duy trì sự sống của Bát Tư Ba ba năm. Ta không khờ như cô đâu, ta muốn được thấy Chân Kim lên ngôi, thực hiện hoài bão trị quốc bấy lâu nay của nó!

Tôi thấu hiểu nỗi lòng của cô ấy. Suốt ba năm đánh vật với số phận để duy trì sự sống cho Bát Tư Ba, với ý nghĩ chàng có thể rời xa tôi bất cứ lúc nào, trái tim tôi như tan nát, rã rời. Cảm giác tuyệt vọng, đau đớn ấy, tôi không biết phải chia sẻ cùng ai. Tôi cũng không biết mình đã vượt qua bằng cách nào.

Khabi đột nhiên ủ rũ, sắc mặt thẫn thờ, lắc đầu cay đắng:

- Ta những tưởng có thể liều mạng giúp nó nhưng kết cục, không những không thay đổi được số mạng của nó, mà ngay cả bản thân cũng bị trời trừng phạt.

Trái mệnh trời thì không thể sống sót. Tôi khóc ròng, hỏi cô ấy:

- Hãy nói với tôi, cô còn tâm nguyện gì chưa hoàn thành, tôi sẽ giúp cô.

- Tâm nguyện của ta... – Cô ấy thều thào, nhìn tôi không chớp mắt, rồi gật đầu chắc nịch. – Đúng rồi, cô có thể giúp ta.

Vừ dứt lời, cô ấy lập tức xoay người lại, hóa phép trở lại nguyên hình, thành một hồ ly màu lam tạp chủng rất đẹp, cơ thể lớn gấp đôi tôi. Cô ấy nhả ra một viên ngọc bảy màu lung linh, rực rỡ. Viên ngọc trôi lửng lơ trước mặt cô ấy, linh khí dần tụ lại, đó là viên nội đan, viên ngọc bay vút lên đầu tôi, thâm nhập vào bên trong qua vết sẹo hình hoa sen trên trán.

Tôi kinh ngạc, vội đưa tay lên chạm vào vết sẹo nhưng chẳng thể lôi viên ngọc ra được nữa. Tôi lo lắng, nạt nộ:

- Khabi, sao cô làm vậy?

Khabi đổ người xuống giường, bộ lông màu lam lập tức chuyển thành màu trắng, gương mặt cô ấy vằn vện những nếp nhăn. Cô ấy khép mắt, giọng nói yếu ớt, già nua:

- Tiểu Lam à, hấp thụ nội đan của ta, cô có thể khôi phục hình dáng con người. Ta xin cô, hãy đi gặp Chân Kim. Nó sẽ rất vui mừng nếu được thấy cô.

Tôi vừa khóc vừa gật đầu:

- Được, tôi sẽ truyền linh khí của cô cho Chân Kim...

- Không cần đâu. Không thực hiện được hoài bão trị quốc, nó quyết không chấp nhận cuộc sống sống mà như chết đó đâu. – Khabi thốt ra từng tiếng rất đỗi khó khăn. – Chỉ cần cô chịu ở bên nó những ngày cuối cùng của cuộc đời nó, để nó ra đi thanh thản, không còn gì nuối tiếc là ta mãn nguyện lắm rồi.

Nguồn linh khí dồi dào lan tỏa trong cơ thể tôi, cảm giác quen thuộc ùa tới, tôi cúi đầu và nhận ra làn da trắng nõn, mái tóc màu lam óng ánh lúc xưa, tôi đã lấy lại hình hài con người. Tôi ôm Khabi, nức nở:

- Khabi, cô bảo tôi tiếp tục sống chỉ để ở bên Chân Kim mấy ngày cuối đời thôi ư? Họ ra đi cả rồi, cô cũng bỏ tôi mà đi, chỉ còn lại một mình trên cõi đời vô nghĩa này, tôi sống làm gì nữa!

- Tiểu Lam, đừng tuyệt vọng, hãy sống tiếp bằng nội đan của ta và chờ họ chuyển thế đầu thai. Nếu trong lòng họ luôn nhớ đến cô, họ nhất định sẽ tới tìm cô.

Gương mặt hiền từ của cô ấy hướng về phía tôi, khóe môi nở nụ cười đôn hậu:

- Đừng buồn cho ta. Nhờ thân phận của Khabi, ta đã được tận hưởng mọi vinh hoa, phú quý, buồn vui, yêu ghét của cuộc đời này. Nay ta chỉ còn một việc sau cuối muốn cậy nhờ cô. Hãy hóa phép tạo ra thi thể của ta. Hôm nay, Hoàng hậu Khabi sẽ tạ thế...

Giọng nói của cô ấy yếu dần rồi tắt lịm, cơ thể cô ấy lạnh ngắt trong vòng tay tôi. Tôi ngửa đầu lên trời, nước mắt giàn giụa, tôi đã mất đi người bạn tốt nhất trên đời. [1]

Cái chết của Khabi khiến Hốt Tất Liệt vô cùng đau buồn. Khabi đã gắn bó với ngài hơn bốn mươi năm, luôn là hậu phương vững chắc của ngài. Hốt Tất Liệt truy tôn Khabi là Hoàng hậu Chiêu Duệ Thuận Thánh, hạ lệnh ngày sau sẽ chôn cất cùng Nhà vua. Chân Kim yêu mẹ sâu sắc, nên tin buồn này khiến cậu ta suy sụp. Bởi vậy, tháng một năm 1286, Chân Kim qua đời ở Đại Đô, không kịp dự tang lễ của mẹ mình.

Nhận lời ủy thác của Khabi, tôi đã ở bên Chân Kim trong ba ngày cuối cùng của cuộc đời cậu ấy. Chân Kim ra lệnh cho vợ con và toàn bộ người hầu rời khỏi phủ Thái tử, cả phủ đệ rộng lớn chỉ còn lại hai người. Chúng tôi nắm tay nhau, nhìn nhau qua làn nước mắt, trong căn phòng ấm cúng.

- Mai nở đẹp quá, cậu có thấy thế không?

Tôi đẩy xe lăn gỗ, đưa Chân Kim ra vườn ngắm hoa mai nở rộ. Chúng tôi dừng lại dưới một gốc mai đỏ thắm. Tôi khoác áo choàng nhung, lại gần một khóm mai, ngắt một bông, đưa cho Chân Kim:

- Đẹp không?

Chân Kim ngồi trên xe lăn, sắc mặt vô cùng võ vàng, tiều tụy, khoác trên người nhiều lớp áo dày cộm, ánh mắt di chuyển chậm rãi từ khóm mai sang gương mặt tôi, rồi ngừng lại rất lâu:

- Tiểu Lam, em còn đẹp hơn cả hoa mai. Ta thật hạnh phúc vì trước khi ra đi lại được thấy em trong hình dáng con người.

Tôi buồn bã cúi đầu, đặt hai tay lên bàn tay giá lạnh của cậu ấy:

- Đừng khờ như vậy, cậu còn rất nhiều tâm nguyện chưa hoàn thành, cậu nhất định sẽ vượt qua khó khăn này.

Cậu ấy đặt tay mình lên bàn tay tôi, nước mắt long lanh:

- Đừng giấu ta nữa. Ta biết mình chỉ còn sống được một vài ngày nữa thôi. Ta những muốn thay thượng sư chăm sóc em nhưng tiếc thay, khi em khôi phục được hình dáng con người, ta lại không còn bao nhiêu thời gian nữa.

Tôi ngồi xuống trước mặt cậu ấy, gác đầu lên cánh tay cậu ấy:

- Chân Kim, xin lỗi vì tôi đã không đền đáp được ân tình mà cậu dành cho tôi.

Bàn tay cậu ấy run run vuốt ve gương mặt tôi, nụ cười dịu dàng nở trên khóe môi:

- Ta không mong đợi em sẽ yêu ta. Trước lúc ra đi, có em ở bên ta thế này, ta mãn nguyện lắm rồi.

Cậu ấy ngước nhìn bầu trời xanh bao la, đôi mắt mỏi mệt chất chứa niềm nuối tiếc:

- Điều khiến ta day dứt duy nhất là ta đã không thể thực hiện đường lối cai trị theo Nho giáo. Người Mông Cổ chỉ có thể quản lý tốt quốc gia rộng lớn này bằng Nho giáo và phải hòa nhập với người Hán. Nếu không, thế nước chẳng thể bền lâu.

Đáng tiếc thay, các hoàng đế triều Nguyên sau này tuy đều là cháu con của Chân Kim, nhưng không ai có được tầm nhìn xa và tài thao lược như cậu ấy, nên chưa đầy một trăm năm sau, người Mông Cổ đã bị đánh bật trở lại vùng sa mạc phía bắc, kết thúc sự thống trị của triều đình nhà Nguyên ở Trung Nguyên.

Tôi ngập ngừng một lát rồi quyết định bày tỏ lòng mình:

- Chân Kim, thời gian ít ỏi còn lại, cậu nên dành cho vợ và các con mình. Họ rất quan tâm, lo lắng cho cậu, nhất là Khoát Khoát Chân. Chắc chắn cô ấy cũng muốn được ở bên cậu trong khoảnh khắc thiêng liêng cuối cùng.

Chân Kim nghiêng đầu ho khan, ho cả ra máu. Dù mệt mỏi tột độ, cậu ấy vẫn gắng gượng mỉm cười, gật đầu với tôi, bàn tay nắm chặt tay tôi dần buông lơi.

Tháng một năm 1286, Chân Kim qua đời. Trong nỗi day dứt, ân hận tột cùng, Hốt Tất Liệt đã thẳng tay trừng trị bè lũ Ahama, những kẻ rắp tâm đòi điều tra vụ án “nhường ngôi”. Hốt Tất Liệt còn lập con trai út của Chân Kim là Thiết Mộc Nhĩ làm Hoàng thái tôn. Sau khi Hốt Tất Liệt qua đời, Thiết Mộc Nhĩ lên ngôi hoàng đế, hiệu là Nguyên Thành Tông. Từ đó về sau, bất luận việc kế ngôi của triều Nguyên rối ren chừng nào, ngôi vị hoàng đế vẫn chỉ do cháu con của ba người con trai của Chân Kim luân phiên kế vị. Triều Nguyên có tổng cộng mười vị hoàng đế đều là huyết mạch của Chân Kim.

Trong lịch sử Trung Quốc, Chân Kim là hoàng thái tử đặc biệt. Cậu ấy thông minh, hiểu biết, nuôi hoài bão trị quốc lớn lao, từng là niềm hy vọng của các đại thần người Hán. Tiếc thay, Chân Kim mất khi tuổi đời còn quá trẻ, khiến người đời sau không khỏi thương tiếc, xót xa. Sau khi Chân Kim qua đời, triều Nguyên bắt đầu suy yếu.

Tôi hóa phép giấu đi mái tóc và đôi mắt màu lam, bước vào trạm nghỉ Qemin ở Dogans với tâm trạng vừa lo lắng vừa hồi hộp. Vậy là tôi đã lấy lại được hình dáng con người, vậy là tôi có thể đường hoàng ở bên Dharma với thân phận của Lam phu nhân. Và biết đâu, tôi sẽ có dịp nói cho thằng bé biết, tôi mới là mẹ ruột của nó.

Nhưng tôi đã rất đỗi sững sờ khi vừa bước vào cửa chính của trạm nghỉ. Lá cờ tang màu đen bay trên cao, dựa vào cột cao và độ lớn của lá cờ, tôi biết đây chắc chắn là tang lễ của một nhân vật quan trọng. Một dự cảm không lành dâng trong lòng tôi.

Những vuông lụa trắng treo khắp nơi trong trạm nghỉ, tất cả đều mặc tang phục. Tôi hốt hoảng túm tay người đi bên cạnh:

- Cho ta biết, ai qua đời?

Người đó quay lại, râu ria lởm chởm, hai mắt sưng đỏ, thì ra là Drakpa Odzer. Cậu ta kinh ngạc khi nhận ra tôi:

- Lam phu nhân về khi nào vậy? Vì sao đã mấy năm mà dung mạo của phu nhân vẫn không hề thay đổi?

Tôi không buồn trả lời cậu ta, đặt tay lên ngực, hỏi dồn:

- Là ai?

Cậu ta nghẹn ngào hồi lâu mới bật khóc thảm thiết:

- Là... là pháp vương...

Tôi như bị vạn mũi tên đâm xuyên qua tim, máu huyết dâng lên cổ họng, phun trào ra miệng, thấm đẫm ngực áo. Tôi bóp chặt cánh tay Drakpa Odzer, giọng nói lạc đi:

- Xảy ra khi nào?

- Pháp vương viên tịch lúc nửa đêm hôm qua.

Drakpa Odzer quỳ sụp xuống, dập đầu tới tấp, máu túa ra đầy trán, vừa gào khóc vừa bẩm báo:

- Bị cảm phong hàn nhưng pháp vương vẫn buộc chúng tôi tăng tốc trở về Đại Đô, ai khuyên can thế nào ngài cũng không nghe. Giữa chốn thâm sơn cùng cốc, chẳng thể tìm được lương y. Lúc đến trạm nghỉ, bệnh tình của pháp vương đã vô cùng nguy kịch, đến nửa đêm thì...

Tôi lảo đảo, bước chân như trên mây, mọi thứ xung quanh trở nên mờ nhạt, tôi lẩm bẩm trong vô thức:

- Pháp vương đang ở đâu? Mau đưa ta đi gặp!

Drakpa Odzer dìu tôi vào phòng Dharma. Dampa đang quỳ trước giường, cất giọng thê thiết:

- Đã thay xong y phục cho pháp vương.

Tôi lảo đảo lại gần, lúc nhìn thấy gương mặt trắng bệch của thằng bé, giống gương mặt của Kháp Na như hai giọt nước, tôi như muốn ngất đi. Tôi đưa tay run rẩy vuốt ve gương mặt con trai, da thằng bé lạnh thấu xương, tôi bật lên tiếng kêu thương xé ruột:

- Con trai của ta, con trai của ta, nó mới mười chín tuổi, còn chưa hoàn thành tâm nguyện của cha và bác nó, nó còn rất nhiều việc phải làm, cơn cớ gì ông trời lại bắt nó ra đi sớm như vậy!

=========

[1] Hoàng hậu Khabi qua đời năm 1281, để đảm bảo tính logic của cốt truyện, tác giả đã đẩy lùi mốc thời gian này thành năm năm sau.

Số phận thật trớ trêu! Nếu tôi không ở lại Đại Đô, tiễn đưa Chân Kim đi hết chặng đường cuối cùng của cuộc đời cậu ấy, mà sớm trở về với con trai tôi thì tôi đã có thể cứu được nó. Nhưng giờ đây, khi hồn phách của nó đã tan, tôi chẳng làm gì được nữa! Đây là ý trời ư? Ông trời muốn dòng dõi của Bát Tư Ba phải tuyệt tự tuyệt tôn sao?

Tôi muốn khóc cho nghiêng ngả đất trời, khóc mãi cho tới khi đêm xuống, khi giọng đã khản đặc, mới quay ra hỏi:

- Pháp vương có trăng trối điều gì không?

Dampa lau nước mắt, đáp:

- Pháp vương để lại di chúc rằng: hỏa táng ngài, rồi đem tro cốt về Sakya, chôn cất cùng với vợ và con trai ngài.

Cổ họng đau rát, tôi gật đầu mệt mỏi:

- Ta sẽ đưa pháp vương về lại nơi chôn nhau cắt rốn của ngài!

Rồi tôi tỉ mỉ vuốt lại cho phẳng phiu từng nếp áo cà sa trên người con trai, ghé sát tai nó thì thào:

- Dharma, mẹ về với con đây, mẹ sẽ luôn ở bên con...

Nhưng nó không còn nghe thấy lời tôi nữa. Vì sao tôi không nói cho nó biết từ sớm? Vì sao tôi lại đắn đo nhiều như vậy? Nếu tôi biết duyên phận mẹ con tôi ngắn ngủi thế này thì mười chín năm qua, tôi đã không lãng phí quá nửa thời gian mẹ con được bên nhau.

Trên giàn gỗ, hình ảnh Bát Tư Ba trong bộ y phục tăng ni màu sẫm đỏ năm nào chuyển thành hình ảnh Dharma. Tôi châm ngọn đuốc vào đám cỏ và nhìn ngọn lửa cướp đi niềm kỳ vọng lớn nhất của ba chúng tôi. Rồi tôi quỳ xuống, ngửa mặt lên trời, nước mắt lã chã, thấm ướt khăn áo.

Mùa thu năm 1286, tôi đưa tro cốt của Dharma trở lại Sakya. Nửa năm sau, tro cốt của Jumodaban và Deva cũng về tới. Trong gian điện xây cất linh tháp, đã có thêm một tòa tháp hoàng kim khác. Điện thờ trống trãi, hoang vắng năm xưa, nay đã có tới ba tòa tháp, không gian bớt cô quạnh hơn. Một tay nắm chặt viên ngọc Linh hồn, một tay siết chặt chiếc vòng tay hình hoa sen, tôi đứng giữa gian điện rộng lớn, chầm chậm cất bước. Từ Kháp Na đến Bát Tư Ba rồi đến gia đình Dharma, từng người từng người một, hết vòng này đến vòng khác. Nơi đây có tất cả người thân của tôi.

Kể từ ngày có được hình hài con người, tôi đã trải qua bao lần sinh ly tử biệt. Giờ đây, khi người thân đều đã qua đời, bạn bè đều khuất bóng, tôi không còn gì để lưu luyến với nhân gian này.

Có tiếng bước chân vang lên trong gian điện, tôi nhận ra đó là Drakpa Odzer và Dampa. Hai người bước vào, vái lạy tôi. Drakpa Odzer đau buồn cất tiếng:

- Thưa phu nhân, vị trí đế sư hiện đang khuyết, Dharma lại không có con trai nối dõi, Bệ hạ lệnh cho tôi kế nhiệm chức vị này, vài hôm nữa tôi phải lên đường đến Đại Đô nhậm chức.

Tôi gật đầu trong vô thức.

Drakpa Odzer do dự hồi lâu mới lấy hết cam đảm góp ý:

- Thưa phu nhân, mất đi người thừa kế, địa vị của phái Sakya trong triều đình nhà Nguyên tất sẽ lung lay. Chúng ta buộc lòng phải suy xét cho đại cục. Tuy chuyện này rất khó nói nhưng vì tương lai của giáo phái, Drakpa Odzer buộc lòng phải lên tiếng.

Cậu ta ngừng lại một lát để chọn cách diễn đạt sao cho ổn thỏa:

- Giờ đây, phái Sakya chỉ còn một người thừa kế duy nhất.

Tôi ngẩng đầu:

- Dani ư?

Dampa bước lên một bước, quỳ xuống:

- Dani là người thừa kế duy nhất của phái Sakya. Dù cậu ta và cha mình có gây ra bao tội lỗi thì đó đều là chuyện nội bộ của giáo phái, đối với người ngoài, cậu ta vẫn là hậu duệ, là huyết mạch của giáo phái chúng ta.

Tôi bật cười mỉa mai:

- Cậu muốn Dani trở về kế thừa ngôi vị pháp vương đúng không?

Drakpa Odzer cũng bước tới và quỳ xuống, cầu xin:

- Xin phu nhân hãy vì tương lai của giáo phái mà gạt bỏ mọi ân oán trước kia.

Tôi đưa mắt về phía tòa linh tháp cao nhất, đồ sộ nhất, cất giọng lạnh lùng:

- Bát Tư Ba đã ra lệnh đuổi Dani, vì thế cậu ta không thể kế thừa ngôi vị pháp vương. Chúng ta không thể làm trái di mệnh của Bát Tư Ba.

Cả hai người đều sững sờ, vẻ mặt thất vọng. Dampa định mở lời nhưng tôi đã ngăn cậu ta lại:

- Nhưng cậu nói phải, phái Sakya chỉ còn Dani là người kế thừa duy nhất...

Tôi hít thở sâu vài lần, đưa mắt về phía tòa linh tháp sau cùng:

- Hãy đón nó về Sakya, chọn cho nó vài thê thiếp, để nó sinh con trai kế nghiệp phái Sakya.

Hai người nhìn nhau, vui mừng, xúc động, cúi đầu thưa:

- Tạ ơn Lam phu nhân! Phu nhân quả là người rộng lượng, sáng suốt!

Drakpa Odzer đề nghị:

- Tôi biết Dani ở đâu, tôi sẽ lập tức phái người đi đón cậu ấy.

Dampa gật đầu, hướng mắt về phía tôi, đề nghị:

- Trước khi pháp vương mới chào đời và đủ trưởng thành để gánh vác trọng trách, xin Lam phu nhân hãy đứng ra lo liệu công việc của giáo phái!

Tôi lắc đầu, cất giọng u buồn:

- Ngày mai ta sẽ rời khỏi đây.

Cả hai người cùng thốt lên kinh ngạc:

- Lam phu nhân...

Tôi ngắt lời họ, bước ra khỏi điện thờ, không quay đầu lại, chỉ lưu lại câu nói sau cùng này:

- Phái Sakya và ta đã không còn quan hệ gì nữa!

Về sau, Drakpa Odzer tới Đại Đô nhậm chức đế sư. Cậu ta là người can đảm, trung thành nên rất được Hốt Tất Liệt tin dùng. Drakpa Odzer có công lao rất lớn trong việc duy trì chức vị đế sư của dòng họ Khon trong suốt các đời vua nhà Nguyên.

Sau khi trở lại Sakya, Dani đã cưới bảy người vợ, sinh được mười hai người con trai. Hai mươi tám năm sau khi Dani qua đời, con trai của Dani là Lotro Gyaltsen đã kế nhiệm vị trí đế sư. Đây là hậu duệ dòng họ Khon đầu tiên kế nhiệm chức vị đế sư kể từ sau khi Dharmapala viên tịch. Từ đó cho đến khi nhà Nguyên sụp đổ, tất cả các đời đế sư đều do con cháu nhà họ Khon đảm nhiệm.

Dampa trở thành nhân vật nổi tiếng dưới thời Hoàng đế Hốt Tất Liệt và Nguyên Thành Tông Thiết Mộc Nhĩ. Sau khi viên tịch đã được truy phong làm quốc sư.

Mấy mươi năm sau đó, thực lực của phái Sakya càng ngày càng suy yếu. Đám con cháu đông đúc của Dani chỉ lo tranh giành quyền lực. Đế sư mới kế nhiệm Lotro Gyaltsen quyết định chia các anh chị em cùng cha khác mẹ của mình thành bốn Labrang: Khitu, Lakhang, Rinqinka và Duqu. Sau đó, chia đều quyền lực và tước vị cho các con trai của bốn người vợ của mình. Labrang Khitu thừa hưởng pháp tọa của đền Sakya, Labrang Lakhang thừa hưởng chức vị đế sư, Labrang Rinqinka và Labrang Khitu chia nhau quyền thừa kế pháp tọa của phái Sakya, Labrang Duqu thừa hưởng tước vị Bạch Lan Vương.

Dưới tòa pháp tọa tổng bộ của đền Sakya là các Labrang nhỏ, có chủ nhân của riêng mình, cứ thế cha truyền con nối. Các Labrang có quyền cai quản thuộc dân, trang viên và thành lũy của riêng mình. Những người này có cùng nguồn cội, tiên tổ nhưng trải nhiều đời, từ anh em ruột đến anh em họ, rồi anh em họ xa, cách nhau hàng mấy đời, sức gắn kết nội bộ cứ lỏng dần.

Tuy phái Sakya vẫn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của triều Nguyên, các Labrang đều giữ những chức vị cao, vượt xa vị trí của mười ba vạn hộ hầu đất Wusi nhưng cách phân chia này đã làm suy yếu thực lực của giáo phái.

Đúng lúc đó, chỗ dựa vững chải nhất của phái Sakya là triều đình nhà Nguyên bắt đầu suy yếu, không thể tiếp tục hỗ trợ và nâng đỡ cho phái Sakya cả về kinh tế và quân sự như trước nữa. Cuối thời nhà Nguyên, Vạn hộ hầu Phaktru vùng lên mạnh mẽ. Đứng trước kẻ địch hung hãn, lớn mạnh, điểm yếu và sự chia rẽ trong nội bộ phái Sakya đã bộc lộ rõ nét. Phái Sakya tan rã nhanh chóng.

Tôi quay về quê hương, vùng núi Côn Luân, dựng một căn nhà cỏ, sống đời ẩn dật. Ba mươi năm sau, vào một đêm gió tuyết thét gào, tôi cứu được một chàng trai trẻ trên đường đi. Buổi tối hôm đó, tôi kể cho chàng trai nghe toàn câu chuyện cuộc đời mình. Câu chuyện kết thúc trước lúc gà gáy và tôi tháo viên ngọc Linh hồn đeo trên cổ, đưa cho chàng trai xem. Người đó rơm rớm nước mắt khi ngắm nhìn viên ngọc rồi run rẩy đứng lên, kéo tôi vào lòng, siết chăt:

- Cuối cùng ta đã tìm được em...

Tôi áp tai mình vào bờ ngực chàng, lắng nghe tiếng trái tim chàng đập rộn ràng, nước mắt tuôn rơi, nụ cười nở trên môi:

- Cuối cùng em đã chờ được chàng...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play