Trong suốt thời gian ẩn cư ở hồ Yamdrok-tso, cứ cách nửa tháng tôi lại hóa phép thành người đưa tin cho hai anh em họ. Sau khi ý chỉ về việc phân chia mười ba vạn hộ hầu và các cư dân Mid, cư dân Lad được ban bố toàn đất Tạng, tuy bề ngoài không vấp phải bất cứ sự phản đối nào nhưng thực tế thì phái Drikung và phái Phaktru ở Tiền Tạng liên tục kích động, chống đối, tình hình không hề lạc quan chút nào.
Pháp chỉ của quốc sư quy định: Cư dân Mid phải nộp thuế cho viên quan Daluhuachi [1] do người Mông Cổ cử đến và không phải nộp thuế cho tu viện mà họ lệ thuộc trước đó nữa. Nhưng phái Drikung và phái Phaktru vẫn tiếp tục thu thuế của các cư dân Mid này, thậm chí bọn họ còn huy động lực lượng võ tăng đi càn quét, cưỡng ép người dân đóng thuế, nộp sưu, sau đó, đổ mọi tội lỗi lên đầu phái Sakya, rêu rao rằng, phái Sakya buộc họ phải làm vậy.
Kháp Na nổi trận lôi đình:
- Thật quá quắt!
Tôi vỗ nhẹ vào vai chàng, kiềm chế cơn tức giận của chàng:
- Còn nữa, gần đây hai giáo phái này đi khắp nơi bắt bớ dân đen, nói rằng, phái Sakya yêu cầu họ bắt toàn bộ trai tráng từ mười lăm tuổi trở lên, sinh sống trong phạm vi đất đai thuộc quyền cai quản của giáo phái, để đưa đi xây dựng thành trì mới của phái Sakya. Hành động đó khiến dân chúng vô cùng phẫn nộ, người người nhà nhà lên tiếng chỉ trích phái Sakya.
Kháp Na nghiến răng giận dữ:
- Đại ca tập trung thợ xây dựng từ nhiều nơi và trả tiền công cho họ đầy đủ, không hề có yêu cầu gì khác. Hai giáo phái này thật đáng ghét, tìm mọi cách đổ tiếng xấu cho Sakya, bọn họ làm vậy nhằm kích động toàn dân đất Tạng chống lại chúng ta đó mà!
Chàng đứng phắt dậy, ôm chặt lấy vai tôi:
- Tiểu Lam, chúng ta về Sakya nào, ta phải giúp đại ca.
- Lâu Cát biết chàng sẽ phản ứng như vậy.
Tôi nhấn chàng ngồi xuống tấm đệm, vòng tay qua vai chàng, dịu dàng nói:
- Lâu Cát bảo em nói với chàng rằng, huynh ấy đã xử lý ổn thỏa mọi việc. Huynh ấy đã cử sứ giả đến Tiền Tạng làm rõ mọi chuyện, xóa tan tin đồn. Chàng đừng quá lo lắng, chàng về đó cũng không giúp được gì cho huynh ấy đâu.
Kháp Na vùi mặt vào bàn tay tôi, giọng trầm buồn:
- Đại ca một mình gách vác tất cả, che chắn mọi phong ba bão táp, để ta có thể cùng em tận hưởng hạnh phúc riêng tư trong thái bình, an lạc. Ta nợ huynh ấy quá nhiều!
Tôi vuốt ve mái tóc đen mềm mại của chàng, đưa mắt nhìn cảnh núi non trùng điệp và hồ nước trong veo, phẳng lặng. Dù không hề muốn rời khỏi chốn thiên đường này nhưng tôi biết, Kháp Na chắc chắn sẽ không thờ ơ trước những gì đang diễn ra. Người ta nói: niềm vui thường chóng qua, hạnh phúc thì ngắn ngủi, quả không sai. Cuộc sống điền viên vô lo vô nghĩ bên hồ thiêng Yamdrok-tso của tôi và Kháp Na rồi cũng tới ngày kết thúc.
Nhưng tôi đâu ngờ, cái ngày đó lại đến nhanh, đến bất ngờ như vậy. Một ngày cuối tháng Tám, khi mùa hạ trên thảo nguyên sắp hết, tôi mang tới cho Kháp Na hai tin tức: Zhouma đã sinh một cô con gái, đặt tên là Jumodaban. Tin thứ hai rất xấu: Kangtsoban trượt chân ngã xuống chân núi, bị vỡ đầu, đến nay vẫn chưa tỉnh lại.
Tôi nhìn vẻ mặt thất kinh của Kháp Na, thở dài:
- Lâu Cát bảo rằng, chàng phải về Sakya ngay.
Chúng tôi lập tức lên đường trở về Sakya, xe ngựa chạy ngày đêm không ngơi nghỉ nên chỉ nửa tháng sau đã đến nơi. Quần thể kiến trúc đền đài với ba màu đỏ, xanh, trắng đặc trưng nổi bật giữa lưng chừng núi Benbo. Ngôi đền này có quá nhiều bậc thang. Kháp Na thở hổn hển vì phải chạy gấp ở độ cao chừng bốn nghìn ba trăm mét so với mực nước biển, sắc mặt chàng trắng bệch. Nhưng dù là vậy, chàng cũng không thể ngăn nổi cái chết đang cận kề. Kangtsoban nằm bất động trên giường bệnh, hơi thở yếu ớt, gương mặt xám xịt, trương lên rất đáng sợ, có lẽ đã đến lúc hấp hối.
Cô hầu gái thân thiết của Kangtsoban kêu khóc nức nở. Bát Tư Ba và hai danh y đứng một bên, sắc mặt u ám. Nhác thấy Kháp Na, chàng ra lệnh cho những người khác ra ngoài.
Kháp Na đến trước mặt Kangtsoban, đặt ngón tay dưới mũi cô ta xem xét, sau đó thì giật mình:
- Sao lại như vậy? Đã xảy ra chuyện gì?
Bát Tư Ba thở dài:
- Hôm đó cô ấy trốn ra ngoài chơi, không ai hay biết. Chập tối, tìm khắp mà không thấy chủ nhân đâu, người hầu mới sợ hãi đến bẩm báo với ta. Ta đã huy động mọi người tìm kiếm nhưng mãi đến tờ mờ sáng hôm sau mới thấy cô ấy dưới chân ngọn đồi tháp sau nhà. Lúc đó, cô ấy đã hôn mê bất tỉnh, đỉnh đầu vỡ toác, vệt máu đông cứng. Kể từ lúc đó đến bây giờ vẫn chưa tỉnh lại.
Kháp Na chừng như không tin nổi vào mắt mình:
- Không ai đi theo cô ấy ư? Hay là có kẻ muốn hãm hại cô ấy?
- Lúc đầu ta cũng có suy nghĩ giống đệ nên đã tra khảo tất cả đám người hầu. Nhưng không ai trong số họ khai ra bất cứ điều gì đáng nghi ngờ. Cửa sổ phòng cô ấy mở toang, trên bậu cửa có vết chân của cô ấy. Có lẽ sáng sớm tinh mơ cô ấy đã lén trèo ra ngoài. Khả năng cao nhất là cô ấy trốn lên núi chơi, không may trượt chân ngã.
Bát Tư Ba mệt mỏi nhìn Kháp Na:
- Đệ cũng biết đó, thực ra cô ấy chẳng khác nào một đứa trẻ mười tuổi ham chơi, không biết trời cao đất dày là gì, cũng không sợ nguy hiểm nên chúng ta không thể phán đoán hành vi của cô ấy theo cách thông thường được.
Kháp Na trầm ngâm trước cơ thể bất động của Kangtsoban, một lúc lâu sau mới lên tiếng:
- Jichoi biết chuyện chưa?
- Từ lúc tìm thấy cô ấy, ta đã ra lệnh bưng bít tin tức. Nhưng càng ngày tình trạng của cô ấy càng xấu đi. Thầy thuốc nói rằng, cô ấy có thể ra đi bất cứ lúc nào. Nếu cô ấy chết, sẽ không thể giấu giếm được tin này nữa.
Kháp Na giật mình ngẩng lên, ánh mắt ngập nỗi lo sợ:
- Đại ca, nếu cô ấy qua đời, quan hệ giữa Sakya và Shalu sẽ chấm dứt, thậm chí Jichoi sẽ nghi ngờ chúng ta đã hãm hại cô ấy.
Bát Tư Ba cười chua chát:
- Đệ nói đúng. Mối quan hệ mà chúng ta mất bao công sức để gây dựng với các vạn hộ hầu ở Hậu Tạng có lẽ cũng...
- Và còn cả kế hoạch xây dựng thành trì mới cho giáo phái mà đại ca đã trù bị từ rất lâu rồi nữa...
Kháp Na ngừng bặt, không sao thốt nên lời. Bát Tư Ba khép hờ đôi mắt, gật đầu bất lực.
Tôi hóa thành người, nhẹ nhàng đến bên anh em họ:
- Để tôi thử xem sao.
Bát Tư Ba mở mắt, Kháp Na hớn hở nắm chặt tay tôi:
- Tiểu Lam, em có cách ư?
- Em có thể truyền linh khí cho cô ấy.
Kháp Na sững sờ, nhìn xoáy vào tôi:
- Tiểu Lam, hãy nói thật cho ta biết, nếu truyền linh khí cho cô ấy, em sẽ ra sao?
Tôi cười buồn:
- Thực ra, không ai có thể cứu được người sắp chết. Số phận đã định, không ai cưỡng lại được. Dù em sẵn lòng hao tổn nguyên khí của mình, thậm chí chấp nhận rủi ro có thể bị đẩy trở lại nguyên hình, truyền linh khí đều đặn cho cô ấy hằng ngày thì nhiều nhất cũng chỉ có thể kéo dài sự sống của cô ấy thêm hai, ba năm.
- Không được!
Cả hai đồng thanh phản đối. Họ nhìn nhau rồi nhanh chóng nhìn đi chỗ khác.
Tôi thấy khó xử:
- Nhưng không thể để cô ấy chết!
- Em càng không thể!
=========
[1] Trong tiếng Tạng có nghĩa là “quan lớn”, là viên quan do người Mông Cổ cử đến các vùng thuộc địa để quản lý các công việc hành chính.
Kháp Na sợ hãi ôm chặt lấy tôi, như thể chỉ cần khẽ buông tay tôi sẽ biến mất.
- Tiểu Lam, nếu em chết, ta nhất định sẽ chết theo em. Từ đây, mọi sự hưng – vong, được – mất của phái Sakya sẽ không liên can đến ta nữa!
Bát Tư Ba ngoảnh mặt đi, trầm ngâm hắng giọng, nói:
- Lam Kha, em có thể làm phép giấu đi mái tóc màu lam và biến thành con trai, vậy em có thể biến thành Kangtsoban được không?
Tôi kinh ngạc, thoát khỏi vòng tay Kháp Na:
- Chàng muốn em đóng giả làm Kangtsoban?
Bát Tư Ba gật đầu:
- Như thế, chúng ta có thể duy trì mối quan hệ với Shalu và em có thể danh chính ngôn thuận làm vợ Kháp Na. Nhưng trước mặt mọi người, em phải chịu khó diễn vai cô ngốc.
Kháp Na vẫn chưa hết xúc động, nhưng tôi đã gật đầu đồng ý với Bát Tư Ba. Mùa thu năm Kháp Na hai mươi tám tuổi, tôi hóa thân thành người con gái khác, ban ngày đóng giả làm cô ngốc, diễn trò ngây dại, chỉ khi màn đêm buông xuống, tôi mới được trở lại là mình.
Về sau, trên khắp dải đất Sakya, người ta đã truyền tai nhau một câu chuyện vô cùng cảm động: Vì gia tộc, Bạch Lan Vương đã chấp nhận cưới một cô ngốc về làm vợ, nhưng trong lòng không khỏi bất mãn. Ngài sẵn sàng nhận nhiệm vụ công cán xa nhà, để tránh gặp mặt người vợ. Khi vợ ngài bị trượt chân, rơi xuống chân núi, hôn mê bất tỉnh, ngài đã lập tức trở về Sakya, lòng đầy ân hận, day dứt. Ngài đã quỳ trước giường bệnh của người vợ, cầu nguyện trắng đêm. Lòng thành của ngài khiến Bồ Tát Văn Thù cảm động và Bồ Tát đã ban phước cho giáo phái Sakya. Sáng sớm hôm sau, Vương phi tỉnh lại như một kỳ tích, không những sức khỏe bình phục mà bệnh ngớ ngẩn dường như cũng được cải thiện rất nhiều, không còn những hành động ngây ngô như trước nữa. Trải qua kiếp nạn này, Bạch Lan Vương không còn lạnh lùng, xa lánh vợ như xưa, vợ chồng họ ngày càng thuận hòa, ân ái. Phái Sakya ai nấy vui mừng khôn tả, họ truyền tai nhau tin vui, rằng người thừa kế của giáo phái sẽ ra đời trong nay mai.
Nghe tin con gái gặp nạn, Jichoi tất tả đưa thầy thuốc đến Sakya. Đầu tôi quấn băng trắng rất dày, sợ bị thầy thuốc phát hiện ra, tôi bèn bắt chước thói ngang ngược của Kangtsoban, kêu khóc inh ỏi. Kháp Na dịu dàng vỗ về tôi rồi khổ sở nói với bố vợ:
- Cô ấy rất sợ thầy thuốc, xin cha đừng ép cô ấy. Cha cứ yên tâm, phái Sakya không thiếu thầy thuốc giỏi. Ngày nào cô ấy cũng ngoan ngoãn uống thuốc đều đặn. Con hứa sẽ chăm sóc chu đáo để cô ấy sớm bình phục.
Jichoi chưa từng thấy Kháp Na thương yêu, hết lòng vì Kangtsoban như thế bao giờ nên rất bất ngờ:
- Nghe nói hai vợ chồng con không còn sống riêng như trước nữa?
Tôi biết Jichoi đã lén tra hỏi cô hầu gái Yamkhin của Kangtsoban và cô ta thưa rằng, từ khi Vương phi tỉnh lại đến nay, đêm nào Bạch Lan Vương cũng qua đêm trong phòng Vương phi. Nhưng vì xấu hổ, Vương phi không cho phép bất cứ người hầu nào lại gần phòng ngủ của mình. Thực ra, điều Yamkhin muốn nói là: xung quanh Kangtsoban đột nhiên xuất hiện rất nhiều tai mắt, kẻ nào có ý định tiếp cận buồng ngủ của cô ấy đều bị phát hiện và trừng phạt nghiêm khắc. Lâu dần thành thông lệ, hễ Bạch Lan Vương xuất hiện là các đầy tớ sẽ lập tức tránh đi nơi khác, không làm phiền đến cuộc sống ân ái của đôi vợ chồng son.
Kháp Na đỏ mặt, nhưng lời nói nặng tình nặng nghĩa:
- Lúc Vương phi hôn mê, con đã thề trước tượng Bồ Tát Văn Thù rằng chỉ cần cô ấy tỉnh lại, con sẽ bên cô ấy suốt đời và chỉ yêu thương một mình cô ấy.
Jichoi xúc động, rút khăn chấm nước mắt:
- Tốt rồi! Tốt quá rồi! Kangtsoban gặp được một người chồng nặng tình nặng nghĩa như con là phúc đức ba đời của nó.
Vì sợ lộ chuyện, tôi không dám đến gần Jichoi, đành giả bộ nũng nịu, bám riết lấy Kháp Na. Gặp phải những người mà tôi không quen biết, hoặc việc gì lạ lẫm, tôi cứ lờ đi. Cũng may, Kangtsoban vốn là cô gái ngớ ngẩn nên mọi hành động bất thường của cô ấy đều được xem là bình thường trong mắt người khác. Thế nên tôi đã che mắt được tất cả, kể cả Jichoi và cô hầu gái thân cận của Kangtsoban.
Sau khi Jichoi rời khỏi Sakya trong niềm vui ngập tràn, đám người hầu vẫn thực hiện đúng quy tắc: tránh xa mỗi khi tôi và Kháp Na ở bên nhau. Tôi thở phào nhẹ nhõm, quay lại nhìn Kháp Na:
- Chàng thấy em đóng kịch tài không?
Kháp Na chau mày:
- Tiểu Lam, trở về với hình hài của em đi. Em biết không, ta rất sợ khi phải thấy gương mặt của Kangtsoban. Nó khiến ta không thể không nghĩ đến cô ấy, nghĩ về tình cảnh hiện tại của cô ấy: bị đóng băng và giấu xác trong hang núi.
Đêm đó, sau khi Kangtsoban trút hơi thở cuối cùng, hai anh em họ đã bàn bạc rất lâu. Kháp Na cho rằng nên âm thầm chôn cất cô ấy nhưng Bát Tư Ba không đồng ý. Chàng đã đề xuất một giải pháp khiến chúng tôi sợ hãi đến mức dựng tóc gáy: ướp xác Kangtsoban và giấu trong hang núi.
- Lẽ nào đệ muốn Lam Kha đóng giả Kangtsoban cả đời sao? Nếu ngày nào đó chúng ta buộc lòng phải công bố với thiên hạ rằng Kangtsoban đã qua đời, Jichoi chắc chắn sẽ yêu cầu kiểm tra thi thể rồi mới cho nhập liệm. Đến lúc đó, chúng ta tìm đâu ra thi thể giống hệt Kangtsoban?
Kháp Na ngỡ ngàng, Bát Tư Ba quả nhiên là người suy nghĩ thấu đáo. Thế là vào một đêm khuya nọ, trời tối đen như mực, với sự giúp đỡ của tôi, hai anh em họ đã đưa Kangtsoban lên đỉnh núi Benbo tuyết phủ quanh năm, tìm kiếm một hang núi vắng vẻ, đặt thi thể Kangtsoban vào đó. Giữa băng giá, cô ấy giống như một thiếu nữ đang say giấc nồng, gương mặt vẫn sống động như khi còn sống. Nhưng chính hình ảnh này đã trở thành nỗi ám ảnh khó phai trong lòng Kháp Na. Khi không có người ngoài, chàng sẽ đề nghị tôi biến phép trở lại nguyên hình. Bởi vì chỉ khi nhìn thấy gương mặt thật sự của tôi, chàng mới có thể ngon giấc.
- Tiểu Lam, tội cho em quá!
Cánh tay chàng làm thành chiếc gối êm ái cho tôi, bàn tay vuốt ve từng đường nét trên gương mặt tôi rồi thở dài:
- Em là vợ ta nhưng lại phải đóng giả thành người khác. Không biết còn phải tiếp tục đóng giả bao lâu nữa.
Tôi đặt ngón tay mình lên bờ môi mềm mại của chàng:
- Chàng đừng lo. Đóng giả Kangtsoban không khó, hơn nữa, phép thuật của em càng ngày càng tiến bộ, dù phải giả dạng cô ấy cả ngày, em cũng không mất nhiều linh khí.
Chàng nắm chặt bàn tay tôi:
- Nhưng ta thật lòng không muốn em phải giả danh người khác thì mới có thể chung sống cùng ta. Khi nào phái Sakya không cần đến sự giúp đỡ của các thế lực khác nữa và ta hoàn thành nghĩa vụ của mình, ta sẽ đưa em đi. Chúng ta sẽ quay lại hồ Yamdrok-tso, sống đời sống mà ta hằng mơ ước.
Tôi ngắm nhìn đôi mắt sáng long lanh, tràn đầy niềm hy vọng của chàng, mỉm cười ngoắc ngón út của mình vào ngón út của chàng:
- Vậy thì nào, “ngoắc tay giao hẹn, trăm năm khó vẹn”.
Chàng lật người, trùm lên tôi, đôi mắt tôi bị bao phủ bởi sự va chạm dịu ngọt, rồi sự va chạm chầm chậm dịch chuyển xuống phía dưới. Hơi thở ngày một gấp gáp, bờ môi nóng hổi của chàng nhẹ nhàng vân du trên má tôi, chạm nhẹ và làn môi tôi rồi bỗng nhiên cắn nhẹ một cái:
- Không được, phải là “ngoắc tay giao hẹn, trăm năm trọn vẹn”.
Chưa kịp kêu đau, đôi môi chàng đã áp lên miệng tôi, chúng tôi đưa nhau vào cuộc ái ân nồng nàn, quên hết tất cả đất trời, vạn vật. Tôi có cảm giác mình đang lơ lửng trên chín tầng không, được bao phủ, ấp ôm bởi những đám mây trắng bồng bềnh, êm ái như nhung lụa, tôi như lạc vào cơn mơ. Tất cả đều đẹp đến mức dường như không có thật!
Mùa đông năm 1266, tuyết lớn ào ào trút xuống, Sakya như biến thành một viên ngọc lưu ly. Trong căn phòng ấm áp, Bát Tư Ba đang say sưa chấp bút, viết xong lá thư, chàng giao cho Dampa, gửi tới phái Drikung và phái Phaktru. Khi bóng dáng cung kính của Dampa khuất sau cánh cửa, Kháp Na vừa hơ tay sưởi ấm vừa hỏi:
- Đại ca gửi pháp chỉ gì cho hai phái Drikung và phái Phaktru vậy?
Bát Tư Ba mỉm cười:
- Lúc trước, hai giáo phái đó không ngừng bày trò ti tiện, giờ sẽ đến lượt phái Sakya chủ động xuất chiêu, ta phải khiến bọn họ trở tay không kịp.
Kháp Na kinh ngạc:
- Đại ca định làm gì?
Bát Tư Ba lại gần Kháp Na, hơ tay bên lờ sưởi:
- Ngày còn ở đất Hán, ta từng đọc sách sử của người Hán. Vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc, khi muốn khống chế một nước nhỏ, các nước lớn thường yêu cầu nước nhỏ đưa hoàng tử của nước mình đến nước lớn làm con tin. Người thừa kế tương lai của mình nằm trong tay kẻ khác, các nước nhỏ sẽ không dám manh động, làm bừa.
Kháp Na lập tức hiểu ra vấn đề:
- Huynh sẽ buộc phái Drikung và phái Phaktru đưa pháp vương tương lai của giáo phái mình đến Sakya, để có thể kiểm soát họ?
- Đúng vậy. – Bát Tư Ba nắm chặt tay lại, khóe môi mím lại vẻ quyết đoán. – Mâu thuẫn giữa chúng ta và họ đã đến mức không thể dàn hòa nên ta không muốn dễ dãi với bọn họ thêm nữa. Bức thư này được viết dưới danh nghĩa là pháp chỉ của quốc sư nhà Nguyên, không phải dưới danh nghĩa giáo phái Sakya, thế nên dù muốn hay không, bọn họ cũng phải tuân theo. Bằng không, sẽ là kháng chỉ!
Bản pháp chỉ này đã được gửi đến phái Drikung và phái Phaktru vào tháng cuối cùng của năm 1266. Nghe nói, hai giáo phái này chửi rủa, nhục mạ Bát Tư Ba với những lời lẽ độc địa nhất trong một thời gian dài, nhưng sau cùng vẫn phải trả lời như rằng, qua Tết sẽ đưa người tới. Động thái này của Bát Tư Ba đã giúp hạn chế rất nhiều âm mưu chống đối, phản kháng của hai phái Drikung và Phaktru. Trước thềm năm mới theo lịch Tạng, Sakya được sống trong bầu không khí thanh bình hiếm hoi, nhà nhà người người hân hoan đón Tết.
Ngày Ba mươi Tết, Kháp Na đã đến chỗ Bát Tư Ba, giúp chàng chuẩn bị việc tế lễ mừng năm mới từ sáng sớm. Tôi ngồi một mình trong phòng, cải trang thành Kangtsoban, vừa định bước ra ngoài thì chợt nghe có tiếng ‘cạch” ngoài cửa sổ phòng ngủ. Tôi lập tức nhận ra đó là tiếng một viên đá nhỏ chạm vào cánh cửa. Mở cửa sổ, tôi thấy một con quay – thứ đồ chơi con trẻ được làm rất tinh xảo, màu sắc bắt mắt nằm trên bậu cửa. Tôi tò mò cầm lên rồi ngó nghiêng xung quanh, không thấy ai cả. Không lẽ đứa bé nào mải chơi để quên ở đây?
Đang định đóng cửa lại thì tôi chợt trông thấy trên bậc đá của con đường dẫn lên ngọn núi phía trước có một con quay to hơn được cắm trong tuyết. Màu sắc sặc sỡ của con quay ấy nổi bật trên nền tuyết trắng xóa. Vài dấu chân còn lưu lại trên tuyết, dấu chân làm thành một vệt dài, dẫn đến lưng chừng núi.
Tôi cầm lấy con quay, trèo qua cửa sổ, men theo con đường núi. Khi đã nhặt được con quay cắm trong tuyết kia, tôi lại nhìn thấy phía trước có con quay khác. Tôi hiểu rồi, những con quay được dùng để dẫn đường. Tôi chầm chậm men theo dấu chân hướng lên núi, đi qua một triền núi khuất nắng, ngoảnh lại thì không còn thấy công trình kiến trúc nguy nga, rực rỡ với ba màu đỏ, xanh, trắng đâu cả. Các con quay kết thúc nhiệm vụ đưa đường trên một ngọn đồi bằng phẳng. Nơi đây có lẽ điểm hẹn của "người bí mật".
Có tiếng bước chân lạo xạo trên tuyết ngay sau lưng tôi, tôi lắng tai nghe, cảm thấy rất quen. Tôi kiềm chế bản thân để không quay đầu lại vì tò mò. Tôi đang đóng vai Kangtsoban, mà cô ngốc thì không thể quá nhạy bén trong hành động được. Tiếng cười khe khẽ vang lên:
- Kangtsoban ơi, em thông minh lắm, ta mới hướng dẫn có vài lần mà em đã thông thạo rồi.
Tôi run bắn, phải hít thở sâu mới bình tĩnh lại được. Tôi cố gắng diễn vẻ ngờ nghệch, quay đầu lại, hớn hở:
- Chàng đấy à?
Người đàn ông cao to, mặc áo khoác lông cừu rất bình thường, làn da đen đúa, thô ráp, hai vệt sạm nắng nổi bật trên đôi lưỡng quyền cao dị thường, lông mày rậm, khi cười, nếp nhăn vằn vện ở đuôi mắt. Làm sao tôi có thể quên được bộ dạng thâm trầm, nham hiểm đó kia chứ! Hắn ta chính là một trong bốn anh em trai của Kháp Na – Yeshe Bernas!
- Lần trước em bị trượt chân rơi xuống chân núi, ta vô cùng lo lắng. Ta sợ Kangtsoban đáng yêu của ta gặp nguy hiểm.
Hắn bước đến, ôm lấy hai vai tôi, nhìn tôi âu yếm:
- Tạ ơn trời Phật, em không những không hề hấn gì mà còn xinh đẹp hơn trước, đáng yêu hơn trước rất nhiều.
Cơn buồn nôn ập đến, tôi ra sức kiềm chế để không đẩy hắn ra xa. Hắn và Kangtsoban đã thân mật đến mức có thể ôm ấp nhau thế này ư? Tôi vờ nũng nịu:
- Chàng ơi, lần này chàng mang cho em đồ chơi gì vậy?
Hắn bật cười ha hả, càng thân mật hơn:
- Ta yêu Kangtsoban nhất trên đời, làm gì có chuyện không mang đồ chơi và đồ ăn cho em.
Hắn lấy ra từ trong chiếc túi mỏng khoác sau lưng một con búp bê bằng vải rất xinh đẹp, đưa cho tôi. Tôi giả bộ vô cùng vui sướng và thích thú, ôm chặt con búp bê vào lòng, đùa nghịch.
Hắn nhìn tôi chơi đùa với búp bê, gương mặt lộ vẻ nham hiểm. Hắn sáp lại gần tôi, thì thào:
- Con búp bê này xinh không?
Tôi gắng gượng không nghiêng đầu sang bên né tránh, cười ngây ngô:
- Đẹp lắm, đẹp hơn con búp bê lúc trước của em.
Hắn cười khe khẽ, ánh mắt lộ vẻ dâm đãng:
- Thế em có muốn sinh ra một con búp bê xinh xắn như vậy không?
Tôi sững sờ, bàn tay khẽ run lên, vội giả bộ vuốt ve con búp bê bằng vải. Tôi lờ mờ đoán ra ý đồ của hắn nhưng vẫn cất giọng tỉnh bơ:
- Muốn chứ!
Hắn tiến lại gần hơn, tôi cảm thấy lợm giọng, buồn nôn.
- Lần trước ta đã dạy em, rằng ta sẽ đặt em bé vào bụng em, sau đó em sẽ tự mình sinh ra em bé đáng yêu đó.
Tim đập thình thịch nhưng tôi vẫn vờ như không hiểu.
- Chàng... Em... em quên mất rồi. Lần trước chàng đã dạy em những gì? Chàng dạy lại một lần nữa được không?
Hắn vuốt ve tóc tôi, tiếp tục dỗ dành:
- Ta đã nói với em rằng, phụ nữ sẽ bị đau khi sinh em bé nhưng chỉ đau một lần thôi. Chỉ cần em ngoan ngoãn nghe lời ta, chịu đau một chút, không được ngọ nguậy thì sẽ sinh ra được em bé.
Tôi thừa dịp, gạn hỏi:
- Có phải lần trước em đã ngọ nguậy không?
Hắn nhếch mép cười:
- Đúng vậy, lần trước em không ngoan.
Tôi lấn lướt:
- Nếu lần này em ngoan hơn, chàng sẽ không đẩy em xuống chân núi, phải không?
Hắn thoáng ngỡ ngàng, nhưng nhìn điệu bộ ngây dại, chẳng có chút đề phòng nào của tôi thì bật cười, thừa nhận:
- Nếu em ngoan ngoãn, ta sẽ không đẩy em xuống chân núi nữa.
Tim tôi đập thình thịch. Rốt cuộc tôi đã biết nguyên nhân cái chết của Kangtsoban!
~.~.~.~.~.~
Chàng trai trẻ đặt câu hỏi:
- Sau đó, phái Drikung và Phaktru có đưa pháp vương tương lai của họ đến Sakya không?
- Có chứ. Ở đất Tạng, pháp chỉ của quốc sư chẳng khác nào thánh chỉ, kẻ nào dám chống lại kia chứ?
Tôi thở dài, giải thích nguyên do:
- Bát Tư Ba xưa nay vốn khiêm nhường, điềm đạm, sau khi trở về đất Tạng, chàng chỉ xưng mình là Bát Tư Ba của phái Sakya và rất hiếm khi ban bố pháp chỉ với danh nghĩa quốc sư. Nhưng vì thế lực của Drikung và Phaktru quá lớn mạnh, bọn họ không coi Bát Tư Ba ra gì, đã có nhiều hành vi chống đối, ngăn trở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch thiết lập hệ thống quản lý hành chính của Bát Tư Ba ở đất Tạng. Mệnh lệnh này của Bát Tư Ba được thực thi cho đến tận cuối triều Nguyên.
Tôi tiếp than vào lò, vừa cời than hồng vừa nói:
- Phái Phaktru và Drikung buộc phải đưa người thừa kế tương lai đến Sakya làm “Chungker”, có nghĩa là người hầu của trụ trì đền Sakya. Những người này, sau khi trở về để kế ngôi pháp vương, sẽ phải đích thân đến Sakya, dâng lên các tăng nhân Sakya lễ vật, gọi là lễ vật tạ ơn. Người sau này gây dựng nên chính quyền của phái Phaktru, thay thế phái Sakya đã suy yếu vào thời nhà Minh – đại sư Changchub Gyaltsen – hồi nhỏ đã từng là một “Chungker” lớn lên ở Sakya.
- Chỉ e phái Drikung và Phaktru sẽ coi việc này là một sự sỉ nhục.
Tôi bần thần, cười chua chát:
- Bởi vậy sau này phái Sakya và bọn họ đã xảy ra xung đột vũ trang.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT